Saturday, January 30, 2010

Lò NẤU VI BA

Lò NẤU VI BA

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Lò Vi Ba (Microwave oven) hiện nay đã ngự trị trong bếp của hầu hết mọi gia đình cũng như sở làm, trường học và ngay cả trên xe cắm trại. Dân giầu có thì sắm một lò gắn vào tường với đủ nút bấm hiện đại. Nhà nghèo cũng cố mua bằng được một hộp nấu vi ba, nhỏ bé, giản dị.

Nấu thực phẩm bằng lò này đã trở thành một nhu cầu hàng ngày của các ông bà nội trợ vì tiện lợi, mau chóng lại tốn ít nhiên liệu. Nhưng cũng như mọi sáng chế của khoa học, lò cũng có những rủi ro, bất lợi.

Xin cùng tìm hiểu thêm về bếp nấu tân thời này.

Lịch sử lò vi ba

Nhiều phát minh khoa học là kết quả của nhận xét tình cờ. Kháng sinh Penicillin được tìm ra khi nhà vi trùng học người Anh Alexander Fleming thấy một loại mốc meo ăn mất mấy con vi khuẩn của mình nuôi trong ống nghiệm. Thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa được bào chế nhờ quan sát của bác sĩ Edward Jenner với phụ nữ vắt sữa ở bò mắc bệnh này. Lò vi ba thì được phát hiện khi một nghiên cứu gia đói bụng, bực mình vì thỏi súc cù là trong túi bị mềm chẩy, trong khi ông ta đang làm việc với một dụng cụ điện tử.

Đó là viên kỹ sư tự học Percy Spender của công ty Raytheron Corporation.

Vào một ngày lao động như thường lệ của năm 1946, ông Spencer được hãng giao cho việc nghiên về phóng xạ của ống từ trường Magnetron. Ống này được Anh Quốc sáng chế và sử dụng năm 1940 ở Âu Châu, trong Đệ Nhị Thế Chiến, để phát hiện quân đội Quốc Xã Đức.

Đang làm việc, ông Spencer thấy đói bụng. Thò tay vào túi để lấy thỏi súc cù là mà bà vợ đưa cho hồi sáng, thì cục kẹo đã mềm nhũn, không ăn được. Ông ta bực mình. Nhưng một câu hỏi lóe ra trong óc: tại sao nó lại mềm chẩy? Sáng vợ đưa cho còn cứng nhắc mà. Ông ta rủa thầm, chắc là cái ống Magnetron này nó hại mình đây. Và để thách thức, ông ta mang ít hạt bắp để cạnh ống coi xem tác dụng của ống ra sao. Bắp nổ bung, chín và ăn được. Ông ta bèn thử với quả trứng gà sống. Đồng bạn tò mò xúm nhau vào coi. Trứng rung động rồi chín nổ tung tóe bắn vào mặt mọi người.

Ngồi suy nghĩ, Percy kết luận là những luồng từ điện cực ngắn phát ra từ ống Magnetron tác dụng lên cục súc cù là, quả trứng, hạt ngô làm chín các thứ này. Như vậy thì sóng này cũng có thể làm chín các thực phẩm khác. Thế là ông ta bắt tay vào việc sáng chế ra một lò nấu bằng sóng cực ngắn.

Lò nấu vi ba đầu tiên do Percy làm ra năm 1947, cân nặng 750 cân Anh, cao gần 6 feet, giá 5000 đô la Mỹ. Tiếp tục cải tiến, nhà sản xuất làm ra các lò nhỏ hơn, rẻ hơn để phục vụ công chúng. Năm 1952, công ty Tappan đưa ra một lò nhỏ đầu tiên cho gia đình với giá dưới 500 Mỹ kim. Ngày nay thì lò vi ba hiện đại hơn nhiều và giá thành cũng hạ.

Nguyên tắc

Lò vi ba sử dùng những sóng điện từ cực ngắn để làm chín thực phẩm. Đó là sóng vi ba phát ra từ một bộ phận gọi là magnetron đặt trong một cái lò kín.

Magnetron là một cái ống kiểm soát điện từ. Ống biến điện năng ra các sóng phóng xạ nhỏ. Sóng kích động các phân tử của nước trong món ăn. Phân tử nước là lưỡng cực với dương và âm cực ở mỗi đầu. Dưới ảnh hưởng của sóng điện từ, nước trong thực phẩm chuyển động tới lui nhanh mạnh, sinh ra nhiệt và làm chín thức ăn. Sự kích động nước này diễn ra sâu nông tùy khả năng xâm nhập của sóng.

Lò nấu bình thường thì nhiệt ảnh hưởng vào thực phẩm dần dần từ ngoài vào trong, nên mặt ngoài sém vàng. Ngược lại, lò vi ba thì sóng chui sâu khoảng 2.5 phân, làm chín món ăn từ trong ra, nên thời gian nấu mau hơn lò thường tới bốn lần và dùng ít năng lượng hơn.

Sóng từ ống magnetron phát ra được những cánh quạt nhỏ phân tán đều trong lò và xâm nhập món ăn. Vách lò bằng kim loại và cửa lò với hai khóa an toàn khép kín ngăn sóng thoát ra ngoài. Cửa chỉ hé một chút là lò không chạy.

Lợi, hại của lò vi ba

Lợi điểm:

Lò vi ba có những điểm ích lợi như sau:

* Tiết kiệm năng lượng

* Giảm thời gian nấu

* Thực phẩm giữ được nhiều chất dinh dưỡng và hương vị nguyên thủy

* Không cần pha thêm dầu, mỡ

* Dễ lau chùi lò

* Không tạo ra hơi nóng trong bếp

* Không dùng nhiều nước trong món ăn nên mất rất ít chất dinh dưỡng

* Có thể nấu và ăn thực phẩm trong cùng đồ chứa

Bất lợi:

Nhưng lò cũng có vài bất tiện:

* Phóng xạ có thể thoát ra ngoài

* Không phải là thực phẩm nào cũng nấu được bằng lò vi ba và mau hơn

* Mỗi lò có sức mạnh khác nhau nhưng thường thường là từ 500 tới 700 watts. Trong lò, sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều (chung quanh lò) chỗ ít nóng (giữa lò). Vì thế giữa lò, thực phẩm chậm chín hơn ở chung quanh lò. Khi nấu, xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dầy quay ra ngoài.

Đồ đựng để nấu

Trước khi sử dụng, nên coi kỹ và tuân theo các hường dẫn của mỗi lò nấu.

Chỉ dùng đồ đựng thực phẩm an toàn trong lò vi ba. Muốn trắc nghiệm an toàn, đặt đồ đựng trong lò với một ly nước lạnh. Vặn lò với nhiệt độ cao trong một phút. Nếu đồ đựng không nóng là an toàn; mà đồ đựng nóng hổi thì không nên dùng vì nó giữ nhiệt, thực phẩm sẽ lâu chín.

Trên thị trường, có bán đồ đựng (container) đặc biệt cho lò vi ba, nhưng cũng chả cần sắm toàn bộ. Trong nhà có nhiều thứ có thể dùng được. Dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại plastic, giấy cứng đều dùng được. Vì chúng chống nhiệt, sóng chạy qua đồ nấu dễ làm nóng món ăn. Đồ nấu nóng là do nhiệt từ món ăn nấu chín lan qua chứ không do vi ba. Đĩa giấy, khăn giấy rất tốt trong việc nấu bằng lò vi ba.

Không nên dùng đồ sứ có viền kim loại sợ gây ra tia điện (Arcing). Đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện.

Hình dạng đồ nấu cũng quan hệ: với dụng cụ hình tròn, món ăn chín đều, còn hình vuông thì ở góc chín nhiều hơn. Luôn luôn dùng đồ nấu lớn hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài.

Không dùng các hộp làm bằng chất dẻo đựng thực phẩm bán sẵn, các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể lẫn vào thức ăn. Không dùng đồ đựng bằng gỗ vì khi nóng sẽ nứt. Không dùng đồ đựng bằng nylon hoặc polyester vì có thể chẩy mềm. Đừng đậy món ăn quá kín vì áp lực bên trong lên cao sẽ nổ tung. Phủ đồ nấu với miếng khăn giấy sáp hoặc miếng plastic mỏng để giữ hơi ẩm cho món ăn.

Không nên dùng lá nhôm (aluminum foil) ngoại trừ khi sách chỉ dẫn ghi dùng được.

Công dụng

Lò vi ba rất thuận tiện để:

- Hâm món ăn dư vì không cần cho thêm nước mà cũng không sợ món ăn khô cháy hoặc dính với nhau mà hương vị vẫn còn nguyên.

- Rã đá mau hơn là để ra ngoài không khí và để ở nhiệt độ thấp.

- Nấu chín thực phẩm.

- Rau đông lạnh nấu lò vi ba rất thuận lợi vì nấu mau, không cần thêm nước nên sinh tố và hương vị món ăn không mất.

- Thịt miếng lớn nấu rất tốt vì tiết kiệm thời gian.

Thời gian nấu

Thời gian để nấu tùy thuộc vào:

- kích thước: mỏng nhỏ mau hơn dầy to; dài nhỏ mau hơn vuông bự;

- món ăn mềm, xốp khô mau hơn cứng, đặc, ẩm ướt;

- món ăn nhiều đường mỡ mau nóng;

- đồ nấu bằng chất dẻo plastic mau nóng hơn đồ thủy tinh, đồ gốm.

Đậy đồ đựng thực phẩm bằng giấy sáp, plastic để thức ăn không bị khô và chín đều.

Sau khi tắt lò, món ăn vẫn tiếp tục được nấu chín cho tới khi nguội. Món ăn càng lớn thì thời gian này càng lâu.

Trong khi nấu, đôi khi phải khuấy thực phẩm hoặc dở chiều để phân tán nhiệt và làm thực phẩm chín đều.

Để nấu ăn an toàn

- Không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh.

- Không hâm nóng các đồ nấu bịt kín vì áp suất lên cao bình sẽ nổ.

- Không chạy lò khi không có thực phẩm trong lò.

- Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò, để tránh cho ống magnetron khỏi bị hư hao.

- Khi món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nhiều người còn cẩn thận giữ ly nước trong lò dù không dùng, phòng hờ có người bất cẩn cho lò chạy khi không định nấu nướng. Nước có mục đích hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống magnetron bị cháy.

- Không chiên ngập mỡ (deep fries) trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy phỏng.

- Tránh mọi hư hao cho cửa lò như đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò.

- Vài năm kiểm tra lò một lần coi có bị thất thoát sóng ra ngoài.

- Lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát vi ba ra ngoài.

- Không hâm nóng hộp thực phẩm đậy kín vì áp suất cao làm nổ.

Lò vi ba cũng thường được dùng để hâm sữa cho trẻ thơ. Vài điều cần để ý là:

- Sự phân phối sức nóng trong lò vi ba không đồng đều, nên nhiều khi bên ngoài bình sữa thấy lạnh mà sữa trong bình lại nóng quá. Trước khi cho bú, đậy nắp, dốc ngược bình sữa vài lần cho nóng đều.

- Tháo núm bình sữa trước khi hâm, tránh phỏng miệng con vì núm cao su quá nóng.

- Hâm sữa bằng bình plastic an toàn, trong suốt, không mầu. Tránh bình bằng thủy tinh vì có thể nứt.

- Thử vài giọt sữa trên mu bàn tay coi có nóng quá không.

Một điểm cần lưu ý là lò vi ba hiện nay rất an toàn cho người mang máy điều hòa nhịp tim (pacemaker) vì các y cụ này đều được che chở chống phóng xạ hoặc vi ba.

BS. Nguyễn Ý-ĐỨC

TX, 5/03

Bonus loi ich tu tinh duc- BS Nguyen Y Duc

Xin hiểu hoạt động này theo nghĩa truyền thống là sự giao hợp giữa người nam và người nữ với mục tiêu có nối dõi tông đường hoặc để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc cơ thể.
Hoạt động được dân gian ta coi trọng và xếp vào một trong tứ khoái:
Ăn uống cho đã khẩu nhưng cũng có mục đích cung cấp chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Ngủ cho sướng con mắt nhưng cũng để phục hồi sinh lực, tu bổ hư hao.
Rồi đến "làm tình" với mục tiêu vừa mới nói ở trên.
Đệ tứ khoái là "đổng ìa", hưởng luồng gió mát rợi thổi vào "cửa sau" mà cũng để loại bỏ cặn bã chuyển hóa có thể gây bệnh ra ngoài thân xác.



Các nhà y khoa học đã có nhiều nghiên cứu về chuyện thầm kín này và cùng chung ý kiến rằng, hoạt động tình dục là một phần của sự sống, một chức năng sinh học đặc biệt với "cho và nhận" đồng thời cũng là một nhu cầu không thể thiếu của con người.
Ngoài mục tiêu sinh con, đẻ cái hoặc cho vui (have fun), khoa học và các kỵ mã Don Juan kim cổ cũng nêu ra những điểm lợi và bất lợi khác của làm tình đối với sức khỏe.
Sau đây, là một số "quà tặng thêm" -bonus -đã được kể ra mà chúng ta có lẽ cũng chẳng nên bỏ qua. Vì nhất cử, lưỡng tiện, vừa cùng vui hưởng vừa thấy khỏe khoắn con người.
Trước hết là sự trường thọ.
Kết quả nghiên cứu tại Đại học Queens ở Belfast, công bố trên British Medical Journal năm 1997 cho hay, những ai luôn luôn tận hưởng khoái lạc tình dục đều sống lâu gấp đôi so với người lơ là với hành động sinh lý này.
Davey G. Smith và Frankel S. Yarnell J, Đại học Bristol đã theo dõi 918 người tuổi từ 45-59 trong thời gian từ 1979- 1983. Họ rút ra kết luận là tử vong, đặc biệt về bệnh tim mạch, ở nhóm người giầu cực khoái tình dục ít hơn tới 50% so với những người nghèo cực khoái.
Một giải thích cho là, mỗi khi có cực khoái thì hormone DHEA (Dehydroepiandrosterone) từ nang thượng thận tăng sản xuất. Mà hormone này có khả năng tăng miễn dịch, tu bổ tế bào bị tổn thương, kéo dài tuổi thanh xuân, tăng nhận thức, tăng dục tình, tiêu hủy chất béo, giảm trầm cảm.
Sau một nghiên cứu, giáo sư Y tế Công cộng Shah Ebrahim, Luân Đôn, kết luận như sau: " Các bậc trung niên nên hân hoan biết rằng thường xuyên giao hợp sẽ có ít khả năng tăng rủi ro tai biến não mà còn được một quà tặng (bonus) là có một vài bảo vệ đối với bệnh tim trầm trọng". Ông ta dí dỏm thêm rằng "Mối liên quan giữa tử vong và tần xuất làm tình được dân chúng rất ư là lưu ý tới". Thực là không hổ danh "Đệ tam khoái".

Chưa hết, vị bác sĩ thần kinh tâm trí David Weeks, bệnh viện Royal Edinburgh bên Scotland, tiết lộ thêm rằng, nam nữ làm tình 4 lần một tuần nom trẻ hơn tuổi thực tới 10 năm cơ đấy.

Vậy thì bà con nào muốn sống lâu, trẻ trung xin mời làm một cuộc thử nghiệm xem "ất giáp" ra sao rồi chia xẻ kinh nghiệm bản thân với bạn bè.
Giảm trầm cảm, căng thẳng
Tuy nhiên, trường thọ mà tiêu cực, cô đơn, trầm buồn thì cũng chẳng ra gì.
Thì ta lại cầu cứu thao tác làm tình.
Vì theo Tiến sĩ Mark Stibich, Đại học California ở San Diego, làm tình tăng sản xuất nhiều loại hormone, tăng gắn bó thân thình, giảm cô đơn trầm cảm.
Bác sĩ Gordon Gallup, Đại học New York ở Albany, thấy rằng, phụ nữ yêu đương với nam giới có xuất tinh đều yêu đời hơn. Với mọi dè dặt, ông giải thích đó là nhờ chất hưng phấn prostaglandin của tinh dịch thấm qua nội mạc tử cung, vào máu, kích thích thần kinh. Tuy nhiên, ông cũng "cảnh báo" là không phải vì vậy mà khi làm tình với đối tượng lạ lại quên không mang áo mưa, kẻo mà bị lây HIV, viêm gan virus, giang mai, lậu mủ…
Giảm nguy cơ bệnh tim mạch


Nghiên cứu tại New England Research Institute in Massachusetts mới được American Journal of Cardiology công bố ngày 8 tháng 1 năm 2010 vừa qua cho hay, nam nhân làm tình ít nhất 2 lần một tuần sẽ ít bị bệnh tim hơn là đồng giới chỉ thưa thớt "yêu đương" mỗi tháng có một lần.
Tiếc rằng các khoa học gia chưa nghiên cứu ảnh hưởng của làm tình với bệnh tim ở nữ giới, nhưng một nghiên cứu do Calgary University, Canada cho hay làm tình thường xuyên khiến quý nữ nhân thính mũi hơn.
Tăng miễn dịch với cúm, cảm lạnh
Miễn dịch là khả năng bảo vệ cơ thể đối với các vi sinh vật gây bệnh như cảm lạnh, cúm qua trung gian của các bạch cầu hoặc kháng thể.
Các giáo sư Carl J. Charnetski và Francis X. Brennan, Jr., đại học Wilkes-Barre, Pennsylvania, cho hay nam nữ làm tình 1 hoặc 2 lần mỗi tuần có lượng IgA cao hơn nhóm "chay tịnh" hoặc chỉ làm tình một lần. Họ đo lượng kháng thể IgA trong nước miếng ở 112 sinh viên nam nữ tình nguyện tuổi từ 16-23, chia làm 4 nhóm.
Tuy nhiên hai nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, nếu phòng the trên 3 lần mỗi tuần thì IgA không những không cao mà còn thấp hơn là khi chỉ "ấy" 1 hoặc 2 lần. Họ cho
Paul Pearsall, Ph.D., tác giả sách Superimmunity (Siêu Miễn Dịch) cũng đồng ý là giao tình thân mật tăng cường tính miễn dịch của cơ thể qua một loại hóa chất nào đó.
Giảm đau xương nhức khớp, nhức đầu
Theo Beverly Whipple, Chủ tịch American Association of Sex Educators, Counselors and Therapists, các hormone sản xuất khi có hứng thú hoặc cực khoái tình dục có thể tăng ngưỡng chịu đựng (threshold) với cảm giác đau.
Nghiên cứu cho hay, khi có cực khoái tình dục, hormone oxytocin lên cao gấp 3 lần so với bình thường. Hormone này lại kích thích tăng tiết chất giảm đau tự nhiên endorphins, một loại morphine tự nhiên trong cơ thể, nhờ đó các cơn đau giảm rất nhiều.
Ocytocin cũng tăng gắn bó tình cảm và lòng quảng đại bao dung giữa những người tình. Đó là kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học tại các đại học Pittsburgh và North Carolina.
Riêng với migraine thì các bác sĩ lại có ý kiến khác nhau: sex vừa làm giảm vừa là rủi ro đưa tới chứng nhức đầu này.
Là môn thể thao tốt
Thể thao vừa giúp có sức khỏe tốt mà còn giúp giữ sức nặng cơ thể trung bình qua tiêu dùng năng lượng tích tụ.
Tiến sĩ Patti Britton, Chủ tịch American Association of Sexuality Educators and Therapists ở Los Angeles quả quyết rằng sex là mốt vận động cơ thể rất tốt
Các chuyên gia điều trị rối loạn tình dục đều nhắc nhở rằng hoạt động tình dục là môn thể thao tốt. Họ nêu ra thống kê cho hay 30 phút làm tình tiêu hao 170 calo, trong khi đó ½ giờ tập yoga tiêu 114 calo, đi bộ 3mile/giờ mất 153 calo, chơi bóng truyền 174 calo.
Như vậy thì nếu mỗi tuần lễ làm tình 3 lần là đễ dàng tiêu dùng cả gần 500 calo lấy đi từ lớp mỡ béo ở vùng mông, vùng bụng.
Nghiên cứu cũng cho hay người càng vận động thì khả năng hành xử tính dục của họ cũng sung mãn hơn. Với vận động từ 4 tới 5 lần mỗi tuần, 88% nữ nhân và 66% nam nhân báo cáo là khả năng này đạt trên mức trung bình. Lý do rất giản dị có thể là do họ tăng niềm tự tin với thân hình tráng kiện, "bắt mắt" hoặc vận động làm khí huyết lưu thông tốt tới cơ quan sinh dục.
Vì cắt giảm calo, làm tình cũng giúp ta tránh được nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, tai biến não, tiểu đường, giảm cholesterol, LDL, tăng HDL.
Giảm rủi ro ung thư tuyến nhiếp
Ung thư nhiếp tuyến vẫn là mối ưu tư của nam nhân cao tuổi. Vậy mà hoạt động tình dục lại giảm nguy cơ bệnh này.
Michael Leitzmann và đồng nghiệp tại Viện Ung Thư Quốc gia Hoa Kỳ đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài trong 8 năm với gần 30,000 người tuổi từ 46-81 và đã công bố kết quả trên Journal of the American Medical Association (vol 291, p 1578) năm 2004.
Các thiện nguyện viên được đưa cho các câu hỏi mỗi hai năm về tần xuất làm tình xuất tinh. Kết quả cho thấy những người xuất tinh từ 21 lần trở lên mỗi tháng sẽ giảm được 33% rủi ro ung thư nhiếp tuyến so với những người chỉ xuất tinh từ 4-7 lần/tháng trong suốt cuộc đời. Với nghiên cứu này, tác giả cũng cho là giao hợp thường xuyên không là rủi ro gây ung thư nhiếp tuyến như vẫn tưởng.
Trước đây cũng đã có một nghiên cứu với kết quả tương tự nhưng ngắn hạn do Graham Gilles, Úc châu, thực hiện.
Các tác giả đưa ra hai giải thích là sự xuất tinh thường xuyên loại bỏ khỏi nhiếp tuyến các chất có thể gây ung thư và cũng ngăn các tinh thể calci kết tụ với nhau trong ống dẫn tinh dịch.
Để kết luận, Giles nhăn nhủ là cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định bonus này nhưng ít nhất xin mọi người yên tâm là làm tình không có hại mà có thể bảo vệ cục quý nhiếp tuyến của quý ông. Và lại còn cho khoái cảm nữa.

Còn nhiều bonus khác nữa của thao tác tình dục, như là:
-Giúp ngủ ngon. Chẳng thế mà ngay sau khi xuất tinh hưởng thụ là anh chàng nằm lăn quay ra ngủ một mạch.
-Kết quả nghiên cứu tại University of Texas cho hay làm tình cũng tăng cường niềm tự tin của nhiều người. Điều này cũng đúng thôi, vì có hiên ngang lâm trận thì mới chinh phục và thỏa mãn được đối phương.
-Giúp cơ bắp ở sàn xương chậu mạnh hơn, tăng khả năng kiểm soát tiểu tiện của bàng quang, giảm rủi ro đái rắt ở tuổi già nam nữ.
-Với quý bà thì thao tác tình dục cũng có mấy điểm ăn thêm: như khi estrogen gia tăng thì bớt được rủi ro bệnh tim, bớt được khó chịu trước ngày xuất kinh PMS, mềm ướt âm hộ, dễ siêu lòng trước mời gọi của nam nhân, tiết hương thơm cơ thể, giảm rủi ro bệnh nội mạc tử cung. Đây là bệnh tự miễn khiến với nội mạc phân tán khắp bụng, khiến cho bệnh nhân đau đớn vô cùng, nhất là khi làm tình. Nghiên cứu của bác sĩ Harvey Kliman, Đại học Y Yale công bố trên Gynecologic and Obstretic Investigation năm 2002 cho biết làm tình khi có kinh nguyệt có thể giảm tủi ro bị bệnh này tới 1.5 lần, so với phụ nữ không thao tác phòng the khi kéo cờ đỏ.
-Điều cần lưu ý ở quý bà, nhất là ở tuổi mãn kinh, mà nếu chạy tịnh chẳng chịu "tả xung hữu đột" tính dục thì cũng có rủi ro đấy. Đó là sự teo co mô bào âm hộ, gây đau khi nổi hứng muốn giao du thân mật với bạn già.
Kết luận
Gọi là "bonus" thì những điều vừa mới kể cũng đã quá nhiều để mà tận hưởng. Vậy thì xin tạm ngưng tìm kiếm thêm.
Chỉ muốn ghi lại ý kiến của nữ tài tử Marilyn Monroe: "Sex là thiên nhiên và tôi hoàn toàn tin tưởng trong sự hòa đồng với thiên nhiên"
Câu nói của nhà văn Hoa Kỳ Henry Miller: "Điều kết hợp thế giới với nhau, như tôi đã học được từ kinh nghiệm cay đắng, chính là thao tác giao hợp"
Và cảm nghĩ lý thú của cụ Nguyễn Công Trứ nhà ta:
" Cái tình là cái chi chi,
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình "

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Texas-Hoa Kỳ

P/v Giáo sư Cao Huy Thuần ve Lich su dan toc -NAM TIEN- Rat hay

"Một dân tộc không còn biết mơ mộng sẽ không có tương lai"

Tác giả: Kim Yến

Thưa ông...

GS Cao Huy Thuần: Tôi còn quá trẻ, chúng ta anh chị với nhau nói chuyện vui hơn.

Vâng, thưa anh, anh từng viết: "Vạn đại dung thân là gì nếu không phải là cái thấy chiến lược bừng sáng trong đầu về một chân trời mới mở rộng ra trước mắt, không phải cho một đời Nguyễn Hoàng, mà cho cả ngàn ngàn đời một dân tộc thường xuyên đi tìm lối thoát khỏi một vị thế địa dư trứng nằm dưới đá". Từ bài học địa-chính trị của người xưa về vị thế giữa đất và biển, anh kiến giải thế nào về hành trình mở cõi của cha ông để lại cho con cháu nguyên vẹn hình chữ S mà khởi nguồn chỉ là một nửa chữ S ?

Giáo sư Cao Huy Thuần

GS Cao Huy Thuần: Hành trình mở cõi bắt đầu từ khi nước Việt Nam mới sinh. Tôi xin phép nói đùa như vậy để nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của yếu tố địa dư. Lập nước trên miếng đất như vậy, chữ "Nam Tiến" nằm sẵn trong tử vi. Chị xem địa hình miền Bắc : châu thổ, núi, sông. Châu thổ bằng phẳng như bàn tay, núi cheo leo tràn vào đất, và sông thì tuyệt vời anh hùng lao động, không ngừng dâng bầu sữa thơm bú mớm cho đồng bằng.

Lúc nhỏ, tôi học: đồng bằng Bắc bộ chỉ rộng 15.000 cây số vuông mà phải nuôi 6.500.000 nông dân. Nông dân ấy thở với sông Hồng và phập phồng với nó: lúc nó giận dữ, sóng ầm ầm cuộn nước lên bờ, mùa màng mất sạch, dân đói. Chỉ có một cách đối phó với đe dọa thường xuyên của nó mà thôi là đắp đê. Nhưng lịch sử ghi chép bao nhiêu lần đê vỡ, lôi cuốn theo nổi loạn của nông dân cùng khổ.

Đất chật, người đông, thiên tai, lũ lụt thường xuyên, nhưng chính đồng bằng sông Hồng đã tạo ra con người Việt Nam, đầy nghị lực, can trường, gian lao không quản, khổ nhọc không lui. Với những đức tính đó, những con người đó sẽ dần dần chinh phục những đồng bằng phía nam như một sức đẩy tự nhiên.

Nhưng mới đầu, khi vào Thanh Hóa, Nghệ An, rồi sau đó dần dần tiến vào suốt dải đất miền Trung, những con người ấy chỉ gặm được một khúc xương...

GS Cao Huy Thuần: Một khúc xương giữa núi và biển, đất chỉ rộng từ 25 đến 50 cây số. Thanh Nghệ đồng khô cỏ cháy, những con người ấy lại phải vật lộn với thiên nhiên, với đói kém. Sâu hơn nữa về phía nam, làng biển lại thường xuyên vật vã với phong ba, với nước mặn tràn vào ruộng. Nhắc lại những điều kiện địa dư đó - mà ai cũng biết - để nói rằng Nam Tiến là giải pháp duy nhất của dân tộc Việt Nam, là vấn đề chết sống.

Phát xuất từ đồng bằng sông Hồng, những nông dân sống với ruộng nước phải tìm ruộng nước để sống. Núi non không phải là đất sống của nông dân. Con người Việt Nam cho đó là xứ sở của ma thiêng nước độc. Cho nên hồi Pháp mới xây dựng thuộc địa, 20 triệu người Việt Nam sống trên 75.000 cây số vuông, trong khi 2 triệu dân "thiểu số" chiếm 246.000 cây số vuông. Còn biển cả, dân Việt Nam không phải là một dân tộc thủy thủ tuy sống dọc theo một bờ biển dài trên 2000 cây số.

Tế Hanh làm thơ : "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới / Nước bao vây cách biển nửa ngày sông", nhưng dân chài trong làng ông chẳng dám mạo hiểm ra xa, đánh cá qua đêm rồi sáng hôm sau "chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm". Sau này, các chúa Nguyễn canh tân tàu thuyền và người Pháp, khi mới đến, rất đổi ngạc nhiên về kỹ thuật đóng tàu tinh xảo của miền Nam, nhưng trước đó, biển không phải là đất, là ruộng, giản dị như vậy.

Văn minh Việt Nam là đất và ruộng. Đất để sống và ruộng để ăn. Giản dị vậy thôi, người nông dân Thuận Quảng tiếp nối Nam Tiến của truyền thống sông Hồng. Họ lại càng sống chết với đất và ruộng khi chúa của họ cũng sống chết như thế. Cả chúa lẫn tôi đều không có giải pháp nào khác.

Nam Tiến thành công, một phần là nhờ địa lý đã un đúc nên những đức tính cần thiết cho những con người xông pha mở đất, nhưng phần chính là vì không có giải pháp nào khác. Khi đã một sống một chết thì cứ thế một đường mà đi. Mà đến. Chúng ta hiện nay đang ở trong tình thế như vậy, hoặc sống hoặc chết. Chúng ta đang bị dồn vào trong tình thế không có giải pháp nào khác.

Khi đã một sống một chết thì cứ thế một đường mà đi. Ảnh: terregalerria.com

Anh viết: "Nam Tiến ngày hôm nay là Nam Tiến trong cái đầu". Câu đó có nghĩa gì?

GS Thuần: Tổ tiên chúng ta đã làm Nam Tiến với lưỡi gươm và lưỡi cày. Với lưỡi gươm... Đừng quên rằng Chiêm Thành lúc đó là một dân tộc văn minh không kém, và thiện chiến. Họ không lấn vào Nam được vì vương quốc Khmer lúc đó đang ở trong thời cực thịnh vàng son. Họ phải xông lên phía bắc, nhiều lần xâm lấn, cướp bóc Nghệ Tĩnh.

Thạo đường thủy, Chế Bồng Nga có lần uy hiếp Thăng Long. Không bình Chiêm thì làm sao trị quốc? Chiến tranh với Chiêm Thành cũng góp phần bồi đắp ý thức Việt Nam. Nhưng cái tài của Việt Nam là đã Nam Tiến với lưỡi cày.

Lúc đầu, người Việt len lỏi lao động hòa bình bằng cách khai khẩn đất bỏ hoang của người Chàm. Rồi cũng như người Do Thái lúc mới lấn chiếm Palestine, họ mang theo kỹ thuật canh tác hiệu năng hơn, mô hình tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, một ý chí lập nghiệp vững như núi, bấy nhiêu điều kiện đó giúp họ dần dà trở thành những ông chủ ruộng cấy.

Tất nhiên, dân bản xứ phản ứng, nhưng đàng sau lưỡi cày là lưỡi gươm, lưỡi cày cứ lấn tới, lấn tới đâu dân tràn tới đó. Khi một nước đã có dấu hiệu suy, chính trị, văn hóa, đạo đức, xã hội suy trước, suy từ từ, chậm chậm, trong một thời gian dài, không để ý, cho đến khi kết liễu với thất bại quân sự.

Nước Chiêm Thành đã suy như thế, suy luôn cả trên mặt trận tình ái, vì mắc gì phải cắt đất để đính hôn? Đất là của dân, của gì ông vua, dù là đa tình? Một dân tộc đang suy, lại chạm trán với một dân tộc lực lưỡng, một sống một chết, một văn hóa hùng tráng, kết luận hợp lý là văn hóa mạnh sẽ là con tằm, văn hóa yếu sẽ là lá dâu: Chiêm Thành tự diệt và bị diệt dưới sức đồng hóa ghê gớm của Việt Nam mà tiếc thay ta không có sử liệu để hiểu tường tận.

- Như thế là dân, quân, và lãnh đạo cùng một lòng, một dạ, một ý chí, một son sắt với nhau? Cái muốn của dân và cái muốn của lãnh đạo là một?

GS Thuần: Chính thế. Ô Lý đồng hóa dưới chính sách cai trị khôn ngoan của Đoàn Nhữ Hài. Sau đó, lệnh vua ban ra: bất cứ ai muốn khẩn hoang đất bỏ trống đều được quyền tự do. Lưỡi gươm và lưỡi cày chính thức đồng hành với nhau trong chính sách đồn điền vô cùng khéo léo của Nhà nước Đại Việt và của các chúa Nguyễn về sau.

Một cách quy mô, đồn điền được thành lập. Với ngôn ngữ ngày nay, ta sẽ gọi là tay súng tay cày. Lính tráng và nông dân là một. Đồn điền nhằm hai mục đích: đưa dân cư không có hộ khẩu từ các làng xã quá đông đến đất mới lập làng mới; tổ chức quân đội trừ bị, vì dân mới cũng là lính mới, khoác nhung y đổi lấy đất đai.

Lính ấy, lính nông dân ấy, lấy vợ, sinh con, bảo vệ gia đình, bảo vệ đất mới, bám lấy đất chống lại những ai muốn đòi lại, hứng chí thì tiến lên thêm, chiếm thêm ít đất nữa cày chơi. Cứ thế, dân Chàm bị đẩy lùi cho đến thế kỷ 17 thì đến lượt dân khmer nếm mùi đồn điền Việt Nam.

Thật thà mà nói, các bác lính nông dân ấy lắm khi cũng láo lếu về mặt hạnh kiểm. Phần đông là dân có vấn đề, dân sống ngoài lề xã hội, dân đào ngũ, giang hồ tứ chiếng, sinh vô gia cư, nhưng chính cái giống dân đó mới có máu phiêu lưu, mạo hiểm, máu cao bồi Viễn Tây, cọng thêm cái máu chịu đựng gian khổ chảy trong huyết quản từ những cơn phẫn nộ của nước sông Hồng.

Cứ thế, làng xã thành lập, cứ thế biên cương rộng mở. Cho đến 1658, lấy cớ biên cương bị xâm phạm, chúa Nguyễn cất binh xơi tái hai tỉnh sẽ mang tên Bà Rịa, Biên Hòa. Bà nọ bà kia, cho đến khi thành Bà Quẹo bao giờ không hay.

Cái muốn của dân và cái muốn của lãnh đạo là một?. Ảnh: VNN

- Anh chưa nói gì về "Nam Tiến trong cái đầu"...

GS Thuần: Ấy là tôi muốn nói điều này trước đã: Nam Tiến ngày xưa thành công vì còn nhờ thêm một yếu tố này nữa. Như tôi đã nói ở trên, núi non chiếm diện tích lớn trên bản đồ nước ta. Nhưng ta không ưa núi. Thuở nhỏ, tôi đọc tiểu thuyết "Vàng và máu" của Thế Lữ, bây giờ còn run với những trù, những yểm, những ma quái của rừng thiêng nước độc.

Ta bỏ núi non cho những dân tộc mà ta gọi là... mọi. Ta chỉ tình tự với núi rừng lúc làm chiến tranh. Chỉ lúc chiến tranh, Trịnh Công Sơn mới có người yêu chết trận Chu Prong. Hoặc Plei Me gì đó. Còn thời bình thì chỉ Vàm Cỏ Đông em hỡi, Vàm Cỏ Đông em ơi.

Nhưng có Vàm Cỏ là nhờ gì? Nam Tiến thành công là nhờ đâu nữa? Nhờ từ trong núi non không có xâm lăng đánh ra. Ta yên chí lấn đất vì ta không lo về mặt núi. Bọn Pháp thuộc địa biết vậy nên ngay từ đầu chúng đã muốn biệt lập Tây Nguyên với đồng bằng để làm xứ sở tự trị, chia Trung Kỳ ra làm cao nguyên với bình nguyên. Ta khinh miệt bọn dân sống trên núi là mọi. Nhưng có kẻ khác không chê.

Ngay từ đầu của thời thuộc địa, họ đã tận tâm tận lực biến "mọi" thành một giống dân có tín ngưỡng khác, khác với mọi và khác với những người Việt Nam, cũng trong mục đích lập xứ sở riêng. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu Long Biên, nhưng hình như cái ý định tách Tây Nguyên vẫn còn nguyên vẹn.

Mà không phải chỉ có thuộc địa với tôn giáo! Núi non ngày nay không phải chỉ có mọi với cây trên rừng! Còn vàng dưới đất nữa! Cho nên, kìa... ai kia cũng đang làm một dạng đồn điền hao hao giống ta ngày xưa, không phải để cày đất ruộng mà để xới đất rừng, không phải chỉ để Nam chinh mà còn Tây tiến, tiến từ Tây Nguyên. Coi chừng, núi non Chi Lăng sẽ gặp núi non Lạng Biên. Núi liền núi sông liền sông.

Chúng ta đi từ Nam Tiến qua Nam chinh. Anh có thể nói thêm một câu nữa, một câu thôi?

GS Thuần: Một câu thôi, nhưng không phải chỉ tôi nói, ai cũng nói, ai cũng thấy: Trung Quốc không thể có một chính sách nào khác hơn là làm chủ phía Nam. Họ cho rằng an ninh của họ buộc họ như vậy. Không có biển ở phía Nam thì họ chết. Bởi vì ngày nay bao tử của đại cường đòi hỏi phải ăn dầu, ăn khí, ăn quặng, ăn sắt, ăn thép... Ăn ruộng, ăn đất là chuyện của dân Giao Chỉ ngày xửa ngày xưa. Cho nên thế giới nói gì với họ, họ đều lắc đầu, không piếc, không piếc.

Bởi vì thế giới nói với lưỡi người. Họ nói với lưỡi bò. Cái lưỡi bò đó liếm cạn đại dương mà họ gọi là Nam hải. Sợ gì ai? Nghịch vợ nghịch chồng liếm bể Đông vẫn cạn. Cho nên Nam Tiến của ta ngày nay cực kỳ khó, và tôi hoàn toàn kính trọng, hiểu biết cái khó khăn của Nhà nước ta.

Trước, ta chỉ có phương Bắc để mà lo, và phương Bắc ấy nằm trên đầu, trên đầu ta và trên đầu bản đồ. Bây giờ, ở phía tây, Lào và Cămpuchia rơi trong nắm tay của anh cả; núi non ở Tây Nguyên vang dội cuốc xẻng thăm dò; biển cả ở phía đông rót chưa đầy bình hồ lô của một cái lưỡi vô tận: hãy nhìn bản đồ, đông tây gì cũng đều là Bắc cả, thiên hạ nhất phương! Rởn tóc gáy.

Bởi vậy ta chỉ còn có cách nối liền mũi Cà Mau của ta với các nước bạn ngoài biển khơi? Với đảo, với bán đảo? Với bạn bè đồng sàng đồng mộng? Đất xa đất nhưng biển liền biển?

GS Thuần: Thì đó chính là Nam Tiến trong cái đầu. Cả một chiến lược phải nghĩ. Dứt bỏ lối suy nghĩ cũ. Hy sinh tất cả. Chúng ta đang ở trong cái thế không có cách nào khác. Trong cái thế một chết một sống. Không chủ động chơi chung với bất cứ ai cùng một quan tâm thì chết. Nhưng muốn vậy, phải bắt người ta chơi với mình. Mà muốn bắt người ta như thế thì phải chứng tỏ với họ rằng mình là cần thiết cho chính họ. Phải làm cho họ thấy rõ mồn một rằng một nước Việt Nam mạnh, độc lập, là yếu tố cần thiết cho ổn định của cả vùng.

Ta cũng bạn bè thật tình với mọi đại cường, nhưng ta cũng làm cho họ hiểu rằng ta là cần thiết để không ai là đế, không ai là vương, không ai là đế vương của ai, không ai là chúa tể của một vùng trời biển. Ta có làm được như vậy không? Được! Với điều kiện hy sinh tất cả. Hy sinh cả quyền lợi riêng tư.

- Ai là đế, ai là vương hiện nay? Mỹ có còn là đế quốc hàng đầu? Mỹ suy yếu thì ai muốn chơi với Mỹ làm gì?

GS Thuần: Chị tưởng rằng nó mạnh thì nó mới bênh chị? Đứa mạnh chẳng bênh ai cả, nó chỉ bênh đứa nào cần thiết cho nó thôi. Đó là một. Thứ hai, chị đừng tưởng rằng khi nó yếu thì nó không bênh chị. Nó yếu, chính là lúc nó phải bênh; nó yếu, chính là lợi thế của chị, bởi vì đó chính là lúc chị dễ chứng tỏ, dễ thuyết phục thêm rằng chị là cần thiết cho nó.

Tôi xin nói thêm một chuyện nữa về biển. Tại sao nước Mỹ tham gia vào thế chiến thứ nhất bên cạnh Anh-Pháp? Tại vì tàu ngầm của Đức tối tân nhanh lên không ngờ, nghiêng thắng thế về phía Đức trong chiến tranh ngoài biển, đe dọa cắt đứt hải lộ giữa Đại Tây Dương, làm đói nước Anh, cô lập nước Pháp, đưa nước Đức đế chế lên địa vị nắm vận mệnh Âu châu.

An ninh của nước Mỹ gắn liền với việc duy trì thế thăng bằng ở Âu châu, cho nên địa vị tối thượng của một nước Đức bá quyền làm chủ vùng biển Đại Tây Dương là một hăm dọa không chấp nhận được. Hăm dọa làm chủ trên những hải lộ của Biển Đông hiện nay cũng không chấp nhận được như thế.

- Trở về lại với Nam Tiến của ta. Trong cuộc di dân vĩ đại ấy, văn hóa Đại Việt đã tiếp xúc như thế nào với các văn hóa khác để làm giàu hơn bản sắc Việt Nam?

GS Thuần: Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cất quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ cùng một số tù binh, trong đó có một ông sư người Trung Hoa. Vua triệu sư vào triều, đem kinh luận và thiền học vấn đáp. Sư ứng đối lanh lẹ, xác đáng; vua kính phục, phong sư đến chức quốc sư. Đó là thiền sư Thảo Đường, tổ phái thiền thứ ba ở Việt Nam.

Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng thời đó Phật giáo cũng đã có mặt tại Chiêm Thành, mà lại là Phật giáo thiền tông? Ngày nay, có ngôi chùa ở Huế, khi đào đất lên xây chùa, tình cờ tìm thấy trong đất vài tượng Phật mang nét điêu khắc của Chàm. Thời Lý, thời Trần, văn hóa Đại Việt cực kỳ vạm vỡ, với Thiền là nòng cốt, quắc thước dung hợp Khổng Lão.

Văn hóa ấy đã mạnh, nếu gặp thêm cơ sở thuận lợi trước đó nữa, điều dễ hiểu hợp lý là nó sẽ đồng hóa, dù muốn hay không. Sau này, khi các chúa Nguyễn tiến sâu vào Nam, tiến đến đâu dân lập chùa đến đó, chùa của chúa và chùa của dân ngẩng đầu trên đất mới nhìn trời mới. Điều đáng nói là không thấy lịch sử ghi một cuồng bạo văn hóa nào bắt dân mới theo đạo mới. Chỉ thấy văn hóa Đại Việt rộng mở, thâu nhận cả ảnh hưởng của văn hóa Chàm, về nghệ thuật, về âm nhạc.

Bản sắc của Việt Nam nằm ở đấy: không có bạo lực tín ngưỡng, không có cực đoan tư tưởng, không có duy nhất chân lý. Về mặt dân chủng, dân Đại Việt cũng trộn lẫn với dân bản xứ, đẹp hơn hay không thì tôi không biết, nhưng thấy ai cũng khen con gái Huế...

Một góc thành phố Sài Gòn về đêm. Ảnh: dulich-chudu24.com

- Con gái Sài Gòn cũng đẹp chứ! Theo anh, người Sài Gòn cất giữ và làm mới thêm những giá trị nào của người Hà Nội?

GS Thuần: Tôi là dân Huế, lần đầu tiên vào Sài Gòn học lúc người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Genève. Chân ướt chân ráo, mua trái cây, gặp cô hàng ngước mắt hỏi: "Anh Hai ở ngoài Bắc có sầu riêng không?" Với người Nam lúc đó, ai không phải là người Nam thì đều là dân Bắc cả. Tôi mê hai tiếng "anh hai" quá chời, vì cái giọng miền Nam ngọt ngào, chân thật, như người miền Nam mà tôi... cũng mê. Câu hỏi của chị, tôi muốn đổi ngược lại: làm sao tất cả những "người Bắc" - nghĩa là có tôi - cất giữ, trân quý cái chất ngọt ngào, chân thật đó của người Sài Gòn?

- Anh có buồn không khi Hà Nội đang mất dần bản sắc của chính mình? Những tinh hoa của Hà Nội cổ, từ lời ăn tiếng nói, con người, giá trị dòng tộc... đang phiêu bạc nơi đâu?

GS Thuần: Đâu có phải chỉ Hà Nội? Huế của tôi cũng vậy. Huế là một đất văn hóa đặc biệt, khác với tất cả những nơi khác. Vì là đất chùa chiền, dân Huế không ăn thịt chó, trừ một thiểu số rất nhỏ. Bây giờ, quán hạ cờ Tây nhan nhản. Cũng vì là đất chùa chiền, chợ Đông Ba không có tiếng chửi nhau ngày rằm, mồng một. Ức lắm thì chỉ chửi... gián tiếp: "Bữa ni mồng một, tau kiêng chửi, mai mồng hai tau sẽ chửi cha mi". Như vậy cũng là văn minh rồi! Nay, chửi tục, nói tục, ăn tục, làm tục, không phải chỉ ở Hà Nội.

Nhưng bi quan là chết, chị ạ. Nếu giữa mùa đông mà chị thấy một cánh hoa đào, thì đừng nguyền rủa gió bấc mà hãy cám ơn gió đông. Năm 1980, tôi về Hà Nội, rong xe đạp thăm thành phố, có lúc ngừng xe, chống chân hỏi đường, chỉ nghe quát: "Xuống xe!" Năm nay, về Hà Nội, ngừng xe hơi, mở cửa kính hỏi đường, kể cả hàng quán ven lề đều vồn vã chỉ đường cho khách. Trèo mấy trăm bậc thang đá lên Yên Tử, giữa núi non lạnh lẽo vẫn trẻ trung trai gái tham quan. Có tiếng chào hỏi đon đả: "Chào bác", "chào thầy", và cả "A Di Đà Phật". Mát ruột đến ngẩn ngơ. Tưởng như mình là cô thiếu nữ đi chùa Hương trong thơ : "Em nghe rồi ngẩn ngơ".

Hãy vui như thế, chị ạ, với cả trăm chuyện vui nhỏ. Còn ngậm ngùi... Ai mà chẳng! Nhưng thôi, hãy để cho trái sầu nó rụng rơi. Tôi không phải là người hoài cổ.

- Để thoát khỏi tâm trạng hoài cổ đó, theo anh, phải làm gì?

GS Thuần: Tôi không hoài cổ, vì hoài cổ đưa đến hoài cựu, mà hoài cựu là điều tôi thậm ghét. Năm nay, đất nước kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, ví thử tôi thơ thẩn nghĩ đến thơ, ắt phải nhớ ngay Bà Huyện Thanh Quan với "Thăng Long thành hoài cổ". Tạo hóa ơi, "gây chi cuộc hý trường" để cho "cảnh đấy người đây luống đoạn trường"? Bài thơ hay quá, nhưng bà hoài ai? Hoài nhà Lê. Cái tâm trạng hoài Lê đó đã không đưa lịch sử Việt Nam đi tới theo chiều tiến bộ mà đi thụt lùi, thậm chí tạo thành ý thức hệ cho cả những mưu mô, tham vọng phản bội tổ quốc.

Đứng về phương diện con người, về mặt cảm xúc, về mặt thơ văn, hoài cổ là mối rung cảm tự nhiên giữa người với cảnh, ai đọc thơ mà chẳng bâng khuâng với thơ, từ thơ Đường đến thơ mới, từ "Hạc vàng ai cưỡi đi đâu" trong Thôi Hiệu, đến "Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên" trong Nguyễn Bính. Nhưng thơ văn không làm tôi quên thực tế trước mắt, và thực tế trước mắt là ta chưa thật lòng với khúc ruột của tổ quốc ở bên ngoài, để cho tâm trạng hoài cựu khuynh loát hết thảy.

Ta hãy hổ thẹn so sánh với Trung Quốc: người Hoa trên thế giới đâu đâu cũng hãnh diện về nước của họ. Họ hãnh diện với hiện tại, họ hãnh diện với tương lai. Họ thấy trước mắt. Họ không quay nhìn đàng sau. Tôi đã lặp đi lặp lại, mong chị đừng nhàm chán: chúng ta đang ở trong giai đoạn một sống một chết. Muốn chết, hãy nhìn đàng sau. Muốn sống, phải nhìn đàng trước. Đàng trước là phía Nam, là biển.

- Thế nào là sống, thế nào là chết?

GS Thuần: Thế nào là sống, là chết với ngàn năm Thăng Long?

Sống là: Chân ta bước lòng ung dung tự hào

Kìa họng súng vẫn vươn lên trời cao.

Sống là: "Thà làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc".

Đó là cách sống của Trần Bình Trọng.

- Anh có điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc trong những ngày Xuân?

GS Thuần: Một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa là một dân tộc không có tương lai.

- Cám ơn Anh Thuần.

Friday, January 29, 2010

THỞ BỤNG ĐỂ CHỮA BỆNH

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941.Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ.Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ tòan bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi.

Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn Tâm lý-Xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố (nay la Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989).

Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông, trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.

Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hòan tòan liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao.

Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi.

Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, lam việc… thấy uể ỏai, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa "dung tích sống" như ông lại vẫn ung dung, thư thái.

Ông cười "tiết lộ" với tôi, những buổi hội họp dong dài, vo bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học nay nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.

Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu!

Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn thuốc thực sự cần thiết vì đang áp phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình!

Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hòan tòan mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:

Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!

«Thót bụng thở ra» được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.

Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé "tung mình" ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được "lắp đặt" xong, đã khởi động tốt, sẽ "bảo hành" cho đến khi… tắt thở, miễn là trong quá trình sử dụng biết "bảo trì"! Cách bảo trì tốt nhất vẫn là đừng đưa bụi, khói… (thuốc lá!) vào lấp các đường hô hấp lớn nhỏ khiến ta phải thở khò khè, thở cà giựt, thở cà hước về sau… là được.

Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra "phình xẹp" vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về "cơ chế" của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bễ lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói "thót bụng", "phình bụng" – mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.

Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.

Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.

Tiếng người Hà Nội

"Người thanh tiếng nói cũng thanh

                        Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu"

                                                                                            (Ca dao)

Tiếng Hà Nội, nhìn từ bình diện ngôn ngữ học thì cũng giống như tiếng của các vùng miền khác trong nước Việt Nam thôi, là tiếng của người Hà Nội. Nhưng ở góc độ chức năng xã hội, tiếng Hà Nội có một vị thế quan trọng: là tiếng nói của thủ đô ngàn năm "phồn hoa thứ nhất Long Thành/ phố giăng mắc cửi tường quanh bàn cờ", và có thể coi là cơ sở của tiếng Việt tiêu chuẩn. Nói như cố GS Hoàng Văn Hành, "tiếng Hà Nội là sự hội tụ của bốn phương, tinh hoa của một nền văn hóa".

Nhẹ như gió thổi

Có nhà văn nữ viết trong một truyện ngắn của mình thế này: Người Hà Nội phát âm âm xát nhẹ như tiếng gió thổi qua chiếc lá mỏng tang. Nhẹ như gió thổi qua lá mỏng là vì không có cấu âm xát. Tất cả những gì "nặng" đều bị người Hà Nội bỏ qua. Âm xát s thành x, âm quặt lưỡi tr thành ch, r thành d và không có âm rung r – khác biệt lớn nhất trong ngữ âm Hà Nội.

Nói "nhẹ như gió thổi" là niềm tự hào của người Hà Nội. Tự hào lắm lắm. Đài PH&TH Hà Nội đã từng điều chỉnh "lỗi" này bằng các cấu âm "nặng" rất "chuẩn" của các phát thanh viên. Nhưng chỉ vài buổi phát sóng rồi lại trở về "người nào tiếng nấy". Bởi người Hà Nội phản đối, rằng Đài Hà Nội bỗng không còn là "Hà Nội" nữa chỉ vì mấy phụ âm đầu.

Vấn đề hệ thống âm chuẩn (chính âm) của tiếng Việt đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng chưa ngã ngũ. Có người đã hô hào, cần phải tạo ra một "cuộc vận động" nói tiếng Hà Nội! Có người đề xuất chọn giọng nói của Hà Nội làm hệ thống ngữ âm chuẩn mực; hoặc ít ra phải lấy hệ thống âm Hà Nội làm cơ sở và bổ sung ba phụ âm quặt và rung lưỡi (tr, s, r). Lại có người đề nghị "một giải pháp quá độ" là chọn tiếng Hà Nội làm mẫu hình phát âm chung cho học sinh các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở ra Bắc (từ Huế trở vào chọn tiếng Sài Gòn). Bởi bằng chứng là những người miền trung ra Bắc lập nghiệp và sinh sống, sau một thời gian đủ dài, giọng nói của họ đã dần biến đổi, nói pha phương ngữ Bắc một cách không ý thức, họ có khả năng "nhập hệ" ngữ âm Hà Nội.

Cách đây không lâu, TS Trịnh Cẩm Lai (ĐHQG Hà Nội) có một nghiên cứu mang tên "Sự biến đổi cách phát âm các thanh điệu của người Nghệ Tĩnh ở Hà Nội". Theo đó, cứ 5 người Nghệ Tĩnh ở Hà Nội sẽ có một người đạt được độ thích nghi thanh điệu cao nhất (ở mức không dễ nhận ra quê gốc). Theo quy luật của ngôn ngữ, trong điều kiện có sự thông thương và thông tin rộng rãi trong cộng đồng, việc trừ bỏ hoàn toàn những đặc thù của tiếng địa phương, những khác biệt ngôn ngữ "thực chất là vấn đề thời gian" (A.V. Dexnhiskaia). Ví dụ này cho thấy sức mạnh "áp đảo" của tiếng Hà Nội, cái thứ tiếng tưởng như êm dịu, ngân nga giầu nhạc tính ấy, đối với các cư dân ở xa về sống trong lòng nó.

Dù có những sai lệch nhất định so với hệ thống chính tả hiện hành, nhưng tiếng Hà Nội đã trở nên quen thuộc với trên 80 triệu đồng bào. Sau khi đất nước thống nhất, giọng nói Hà Nội càng có điều kiện lan tỏa ảnh hưởng của mình ra mọi miền tổ quốc. Qua các buổi phát thanh và phát hình, cả nước đâu đâu cũng âm vang giọng nói của người Hà Nội. Giọng nói ấy đã và đang đóng vai trò chủ đạo và có phạm vi ngày càng rộng lớn trong giao tiếp xã hội mà không một phương ngữ nào sánh được.

Số người nước ngoài học tiếng Việt ngày càng tăng, yêu cầu đầu tiên của họ là được học phát âm theo giọng Hà Nội. Họ cho rằng tiếng Hà Nội dễ nghe, dễ hiểu hơn cả so với tiếng ở các vùng miền khác: các nguyên âm được phát âm rõ ràng, sáu thanh điệu được phát âm đúng chuẩn, người nói tiếng Hà Nội sử dụng vốn từ toàn dân trong mọi hoạt động giao tiếp. Không có đập chắc (đánh nhau), uống nác, tui nỏ biết… Ở một số trường ĐH của Mỹ như Oregon, Wisconsin, mặc dù có nhiều giảng viên dạy tiếng Việt là Việt kiều gốc miền Nam từ nhiều năm nay, nhưng trong các chương trình trao đổi giáo viên dạy tiếng Việt, họ thường mời các giáo viên từ các trường ĐH của Hà Nội và nói tiếng Hà Nội.

 Các bộ môn nghệ thuật có dùng lời từ lâu đã giữ âm hưởng chủ đạo là phương ngữ Bắc mà giọng Hà Nội là nền cốt. Tại các cuộc thi ca nhạc, khán giả tinh ý có thể nhận thấy, khi hò Huế, hát dặm, vọng cổ hay các làn điệu dân ca bài chòi… các nghệ sĩ, ca sĩ quê gốc miền Trung và miền Nam vẫn giữ nguyên cách phát âm địa phương để thể hiện mầu sắc và phong vị quê hương, nhưng khi trình diễn các bài hát mới, không ai bảo ai, một cách rất tự nhiên, họ đều chú ý cách phát âm theo giọng Bắc, giọng Hà Nội.

Theo TS Chu thị Thanh Tâm (ĐH Ngoại ngữ), đã có một nghiên cứu từ 250 SV ngoại tỉnh học năm thứ nhất về tiếng Hà Nội. Tỉ lệ thích/ không thích/ vừa thích vừa không thích gần tương đương nhau. Đáng lưu ý, hầu hết ý kiến không thích tiếng Hà Nội lại khẳng định tiếng Hà Nội chuẩn, thanh thoát, dễ nghe, hơi điệu nhưng hay và lịch sự. Như vậy hầu hết đều công nhận tiếng Hà Nội hay, nhưng có học tiếng Hà Nội hay không thì đó lại là chuyện khác, thuộc về tâm lý, tính cách và chiều sâu văn hóa mỗi người.

Tìm ở đâu bây giờ?

Tiếng Hà Nội gốc đang được bảo lưu ở không gian địa lý nào? Theo TS Vũ Kim Bảng (Viện Ngôn ngữ học), câu trả lời là khu vực 36 phố phường. Rộng hơn là vùng đất được ba con sông bao bọc: sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu – lũy thành tự nhiên bảo vệ Thăng Long từ thời Lý Thái Tổ dời đô. Còn khu vực ngoại thành ổn định nhất sau mọi biến thiên của lịch sử là hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

Nhà văn Tô Hoài giải thích đơn giản hơn: "không nên xem ngang nhau tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc chợ Đồng Xuân với tiếng vùng ngoại ô. Bởi nguồn gốc hình thành và tạo nên tiếng nói, giọng nói hai vùng này hoàn toàn khác nhau". Và nhà văn coi tiếng bờ hồ Hoàn Kiếm là tiếng Hà Nội và tiếng ngoại ô là tiếng các làng.

Cần có một ví dụ. Tại xã Ninh Hiệp, phụ nữ thường xưng ông với người ngang hàng hoặc bề dưới một cách tự nhiên. Trong giao tiếp thông thường, người Ninh Hiệp lại thường xưng ta nhiều hơn xưng tao và hầu như không bao giờ xưng tôi. "Mang cho ta vở Toán ra ta xem. Học hành thế nào mà để cô giáo phải bắt làm kiểm điểm?" Rồi thằng bố cò là cách gọi một người bề trên với một người bề dưới làm bố vừa sinh con trai, mẹ đĩ cũng là cách gọi một người phụ nữ mới sinh con, chị ả là cách gọi của bố mẹ chồng gọi cô con dâu cả… Người Hà Nội 36 phố phường không xưng hô như vậy.

Có học giả chia tiếng Hà Nội làm 4 thời kỳ. Thăng Long thời Bắc thuộc, từ Lý Thái Tổ tới trước 1873 dùng chữ Hán, mà nói như GS Hoàng Tuệ thì "không còn là ngoại lai mà đã thành cổ truyền của dân mình rồi". Từ 1873 – 1954, Hà Nội chịu ảnh hưởng của chính sách "Pháp hóa" (franciser), và muốn đạt mục đích người Pháp phải "phi Hán hóa" (désiniser) tới tận gốc rễ. Thế là ra đời chuyện gọi chồng là cậu, gọi vợ là mợ, gọi ba, mẹ theo cách của người Pháp papa, mère. Giai đoạn 1954 – 1975, tiếng Hà Nội mất đi các từ con sen, thằng xe, cao lâu, cô đầu… và các từ cò, cẩm, thông ngôn, ký lục, cu li… được thay bằng công an, cảnh sát, phiên dịch, thư ký, công nhân. Và giờ đây, khi có sự tiếp xúc, giao lưu giữa các cộng đồng nói năng, bắt đầu xuất hiện các từ hết xảy, thứ dữ, cặp bồ, cù lần, hết xí quách, cha nội, dễ sợ, hết chịu nổi

Tiếng Hà Nội ngày nay dường như nghe có vẻ "nặng" hơn. Không những thế, tiếng Hà Nội đang mất dần phong cách "gọi dạ, bảo vâng" câu nệ, sự lịch lãm mà những người chưa "Hà Nội hóa" vẫn cho là cầu kỳ, khuôn sáo, ngoại giao giả tạo, thiếu nhiệt tình, "ngọt như đường hóa học". Lý do chính: sự nhập cư với số lượng lớn của dân ngoại tỉnh, sự mở rộng của không gian đô thị và xu hướng hiện đại hóa tiếng nói của các cư dân thủ đô.

Có thể thấy ở đường phố Hà Nội ngày nay xuất hiện các từ penixinin, nợn nái, nồng nộn, lu la lu lống, lở mày lở mặt, Ba Vi có con bo vang… Bên cạnh đó còn có những hiện tượng bất thường trong sử dụng ngôn ngữ. "Khái niệm" như: thần dân teen, ngốcxiter, lũ thừa cơm thiếu muối, phe đầu keo, phe tóc ép… Biến thể sai chính tả như: oánh giá, quy's tộc, cụ tỉ… Nói giảm, nói tránh như: viôlông, rau mùi, núi đôi, hội chứng 12h của chiếc kim đồng hồ bất trị, màn hình phẳng, sunsilk bồ kết, khí trơ, nhái bén, phê lòi mắt, hay tĩ tã, dzờm thấy đã, to tổ chảng, t8m, khoái chí pàcốlun… Thật kinh rị!

PGS Tất Thắng, Hội Sân khấu Hà Nội, cho rằng, "bây giờ người Hà Nội pha tạp đến mức không thể xác định họ là ai nữa. Nếu xác định đó là người Hà Nội gốc thì rõ ràng, con người Hà Nội gốc ấy, thật khó kiếm tìm. Người Hà Nội gốc chỉ cần nghe cũng biết và nhìn chung không nói tục. Trong các gia đình có truyền thống gia giáo, nói tục được coi là con nhà mất dạy. Thí dụ, để diễn đạt ý phủ định, người Hà Nội gốc ngay cả từ không cũng ít dùng, trừ trường hợp hãn hữu. Còn từ đếch hoặc tục hơn nữa thì tuyệt đối không nói, bất luận trong trường hợp nào. Con gái Hà Nội gốc kiêng kỵ nói tục, mà nếu trót lỡ lời thì xấu hổ đến đỏ mặt. Còn con gái ở Hà Nội ngày nay thì nói tục như ranh. Các cô xinh đẹp nói tục đến nỗi, người nghe thì ngượng chứ "các nàng" thì không".

Tiếng người Hà Nội gốc, buổi bây giờ, phải lắng nghe mới thấy.

Wednesday, January 27, 2010

Nghệ thuật thương thuyết: Tâm lý chiến

Tác giả: GS Phan Văn Trường -  Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Một trong những vũ khí có thể làm cho một cuộc thương thuyết đang nghiêng ngửa phải thay đổi cục diện là yếu tố tâm lý.

Chẳng hạn, nếu chủ đầu tư dự án "mê tít" các sản phẩm của bạn, công ty đối thủ bắt đầu chán nản trong cuộc thương thuyết, hay chủ dự án tỏ ra e ngại một điều gì đó nơi phương án của các công ty đối thủ, thì bạn đã đi gần tới mục đích thắng thế và cầm chắc trong tay một yếu tố để lạc quan!

Cũng như trong các ván cờ tướng, cờ vua, địch thủ mà bị chạm vào tâm lý rồi thì khó mà quẫy ngược lại được.

Ngay trong những trò chơi hoặc các bộ môn thể thao, như quần vợt, bóng đá, nhất là điền kinh hoặc golf, tâm lý đóng một vai trò then chốt. Các huấn luyện viên, trước khi cho cầu thủ ra sân, chỉ mong sao tiêm vào đầu của cầu thủ ý nghĩ là họ sẽ thắng! Trong môn nhảy cao hoặc nhảy sào, vận động viên phải suy nghĩ tích cực, tin chắc mình sẽ vượt qua mức xà nào đó, bằng không thì nhảy sẽ vô ích!

Không chỉ có con người mới phải suy nghĩ tích cực. Những cuộc đá gà là gì nếu không phải một trò chơi tâm lý: có những con gà đá to xác vừa nhảy vào chiến trường đã chạy như… vịt. Chung quy chỉ vì vừa thấy con gà địch thủ đã sợ. Con gà toát mồ hôi sợ hãi là một con gà sắp thua! Lớn, nhỏ hẳn không phải là yếu tố quyết định. Cái ý chí khao khát triệt hạ đối thủ mới là yếu tố quyết định.

Trở về cuộc đàm phán, thế nào là đánh vào tâm lý? Nên dùng chiến thuật nào, kỹ thuật nào?

Thứ nhất là gây lòng tin với khách hàng về công ty và sản phẩm của mình.

Năm 1988, tôi phải đi Ai Cập để thương thuyết một dự án nhà máy điện. Hồi đó Alstom là một công ty đang ở thế "thiếu cơm áo" nên nhất thiết phải lấy cho bằng được hợp đồng. Địch thủ toàn là "đấu thủ quốc tế hạng nặng" như General Electric, Brown Boveri, Siemens, Mitsubishi… Cũng may hình ảnh của Alstom về công nghệ điện lực còn rất cao. Tôi lợi dụng luôn hình ảnh tốt đẹp đó để "đóng đinh vào cột".

Vào ngày đầu của cuộc thương thuyết, tôi xin phép có lời tuyên bố mở màn như sau: "Công nghệ mà các bạn muốn mua hiện thời chỉ có bốn công ty trên thế giới có thể cung cấp, trong đó chỉ có công nghệ Alstom được hưởng ứng nhiều nhất. Công nghệ của Đức thì có nhà máy mới bị nổ tại Phần Lan, công nghệ của Nhật thì mới được một số nước sử dụng, e không thể đặt hết lòng tin vì số máy chạy còn ít, riêng Hoa Kỳ thì tiêu chuẩn không phù hợp với hệ thống điện của quý quốc. Trong khi đó Alstom đã tiến sang thời kỳ thứ hai của công nghệ turbin mới, trong khi các nước kia còn ở thời kỳ sơ khởi, còn học tập kinh nghiệm..."

Tất nhiên, ai mà chẳng nói được như thế! Nhưng tôi đã tiêm nọc độc vào phía khách hàng. Bạn đừng quên họ là một tập thể chứ không phải một cá nhân mua hàng. Họ sẽ phải học tập, bàn tán với nhau về những lời lẽ của tôi. Nọc độc nằm ở chỗ "nhà máy của Đức bị nổ, và Nhật thì tập tễnh (tức cũng có khả năng nổ!)". Nọc độc này là một loại nọc tâm lý. Từ đó, cùng với nỗ lực chiều chuộng khách hàng, chúng tôi đã ký được hợp đồng.

Bẫy hay không bẫy, những yếu tố tâm lý có sức mạnh lay chuyển một thế cờ, thay đổi lòng tin của chủ đầu tư dự án. Điều cần nhấn mạnh là không phương kế nào có thể thay thế chất lượng của sản phẩm, tính cách tinh vi của công nghệ, tinh thần động viên của công ty của bạn. Cũng vì vậy yếu tố tâm lý chỉ giúp thêm mà không thay thế.
 
Yếu tố thứ hai phải chú ý là gây sự sợ hãi cho khách hàng.

Ngày tôi còn đi học trường kỹ sư, thầy tôi có lần đã giảng số đông nhân loại thường cư xử theo độ sợ sệt của họ, và trong cơn lo sợ, bộ máy lý trí, logic không làm việc nữa vì bị cái sợ chi phối. Nói tóm lại, khi sợ thì không còn lý luận nữa, thái độ tránh là hơn trở thành chiến lược. Tất nhiên không thể nào trong cuộc tranh chấp và dẫn lý chỉ đơn giản dùng yếu tố sợ. Tuy nhiên, khi cần, yếu tố này luôn luôn ăn đứt!

Năm 1986, một công ty ở Hàn Quốc rất muốn mua cái turbin 100MW của công ty chúng tôi. Vị chủ tịch công ty đó đã đích thân chọn công nghệ Alstom. Vì kính nể vị chủ tịch của mình nên khi đàm phán, nhân viên của công ty chỉ đòi hỏi về giá chứ không đưa ra yêu cầu gì khác. Và chúng tôi đánh một đòn tâm lý: Alstom chỉ còn vỏn vẹn một turbin 100MW để bán trọn trong năm 86 mà có một công ty bên Ý cũng muốn mua. Công ty Hàn Quốc này đã sợ không mua được chiếc turbin này nên đã ký luôn hợp đồng. Sau khi ký xong, tôi được gặp ông chủ tịch công ty trong một bầu không khí rất tâm đắc! Cả nhân viên cũng vậy, họ đã hết sợ, trông thoải mái ra mặt.

Yếu tố lịch sử phải được coi như là một vũ khí tâm lý quan trọng trong cuộc thương thuyết.

Tôi rất thích đọc lịch sử các nước nên đôi khi cảm thấy yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung.

Bạn có biết, trong suốt thời kỳ 1986-1995 tôi đã đi Trung Quốc rất nhiều lần để đưa đoàn vào những cuộc đàm phán tế nhị. Lần nào đọc diễn văn tôi cũng phải nhắc nhở là Tướng De Gaulle với tư cách là Tổng thống Cộng hòa Pháp đã là vị nguyên thủ đầu tiên công nhận Trung Quốc. Đến khi tôi vô tình quên nói đến sự kiện lịch sử quan trọng này, người thông dịch viên cũng tự động dịch, dù bản chính không nói tới! Tất nhiên đó là lý do tại sao nước Pháp đã ký nhiều hợp đồng bên Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ này. Có lúc ở Trung Quốc, công ty của tôi đang yếu thế so với công ty Nhật, thì chúng tôi đã nhắc lại những hành động của Nhật trong lịch sử cận đại tại Trung Quốc, song song với việc điều chỉnh tốt "bài vở" của mình, thì y như rằng ngay ngày hôm sau, nụ cười đã trở lại trong hàng ngũ thương thuyết với chúng tôi.

Khi đàm phán bên châu Âu cũng vậy, khi đối thủ là người Đức thì chỉ cần nhắc phớt qua lịch sử cận đại là ăn tiền. Cạnh tranh là cạnh tranh. Hợp đồng thì phải ký. Có thế thôi!

Yếu tố tâm lý cá nhân cũng đóng một vai trò lớn, bạn ạ.

Trong một cuộc thương thuyết về Metro Santiago tại Chile vào năm 1992, ông trưởng đoàn phe Chile có một quá trình cá nhân khá đặc biệt. Cái may là trong công ty của chúng tôi có một kỹ sư đứng tuổi là bạn đồng nghiệp xưa của vị trưởng đoàn này. Tôi liền nhường vai thương thuyết cho anh ta và chỉ giữ trách nhiệm điều hành. Chẳng phải nói, chúng tôi đã đàm phán trong một bầu không khí thân mật, cho phép lướt qua một vài vấn đề tế nhị. Sự lướt qua này không phải là chúng tôi có ý bất chính, mà đó là chỗ yếu của chúng tôi và chúng tôi đã hứa sẽ điều chỉnh.

Và có một yếu tố không thể không nói đến là bẫy tâm lý.

Trong các loại bẫy, hiệu quả nhất là bẫy xuống giá có điều kiện. Trên nguyên tắc, bẫy giống như một quầy bar, từ 4-6 giờ chiều thì bar hạ giá, uống hai chai bia chỉ tính giá một chai… giống như là happy hours vậy (những giờ vui hạ giá).

Vậy thế nào là "happy hours" khi bán một metro hoặc một nhà máy lọc nước? Chỉ khi nào sự cạnh tranh mạnh quá mà hy vọng hơi mong manh thì chúng tôi mới áp dụng chính sách này. Lúc đó, chúng tôi bất thình lình xin nói chuyện với cấp cao bên khách hàng, rằng sẵn sàng xuống giá thêm 10% nhưng với điều kiện mới (ví dụ thời gian xây dựng dài hơn, tiền đặt hàng cao hơn một chút… ). Và chúng tôi chỉ cho khách hàng 24 tiếng để quyết định, và sẽ không xác nhận chuyện hạ giá qua văn bản viết.

Bạn ạ, tác dụng mạnh lắm, vì xuống thêm 10% trong một dự án 2 tỉ đô la, là xuống 200 triệu đô la rồi. Nếu là chủ đầu tư, bạn có dám từ chối không?

Cái bẫy này thường đặt các công ty địch thủ trong cuộc đấu thầu vào thế rất khó phản kháng, thứ nhất vì họ bán tín bán nghi, không tin là có thật, cho rằng khách hàng "dọa chơi" vậy thôi, vì không có văn bản viết. Thứ nhì là địch thủ bị đánh du kích, vì không thể nào phản ứng kịp: làm sao bố trí cho một cuộc xuống giá 200 triệu đô la trong vòng 24 tiếng đồng hồ?! Đôi khi hội đồng quản trị phải họp nhiều lần để lấy một quyết định như vậy!

Phía nhà đầu tư dự án, cũng phải phản ứng nhanh, tất nhiên họ sẽ đòi hỏi gia hạn để có thì giờ lấy quyết định, nhưng cuối cùng rất có nhiều khả năng là họ đầu hàng. Thế là cái bẫy tâm lý đã giúp cho bạn từ một thế tuyệt vọng chuyển sang là kẻ thắng thế.

Bẫy hay không bẫy, những yếu tố tâm lý có sức mạnh lay chuyển một thế cờ, thay đổi lòng tin của chủ đầu tư dự án. Điều cần nhấn mạnh là không phương kế nào có thể thay thế chất lượng của sản phẩm, tính cách tinh vi của công nghệ, tinh thần động viên của công ty của bạn. Cũng vì vậy yếu tố tâm lý chỉ giúp thêm mà không thay thế.

Tuy nhiên, nếu yếu về tâm lý, đường đi sẽ nhiều chông gai, cái giá phải trả để đi tới kết quả sẽ rất cao. Thử hỏi làm kinh doanh mà phải trả giá rất cao thì còn đâu là kinh doanh bền vững!

----

Bài liên quan: Nghệ thuật thương thuyết: Trời phú hay học tập?

FLI: Ông Phan văn Trường - sinh năm 1946 là một người Pháp gốc Việt. Ông là một trong số các Việt kiều hiếm hoi được nhận được huân chương Legion d'Honneur của Pháp.


Sự nghiệp quốc tế của ông thực sự bắt đầu năm 1977 khi ông gia nhập công ty SGTE (Société Générale de Techniques et d'Études) một chi nhánh của tổ hợp Spie Batignolles trong cương vị giám đốc đối ngoại.

Tổng thống Pháp vào lúc đó đã ký sắc luật tặng cho ông Trường huân chương Chevalier de l'Ordre National du Merite,(Bắc Đẩu Bội Tinh) vì những đóng góp đáng kể cho tổ hợp Alsthorn (1986).

Năm 1995, ông Phan văn Trường là Cố Vấn Ngoại Thương cho Chính phủ Pháp.

Vào năm 2006, khi chọn định cư tại Kuala Lumpur, ông đã nhận giảng dạy tại trường Đại học Kiến Trúc Thàhh phố Hồ Chí Minh.  

Nghệ thuật thương thuyết: Trời phú hay học tập?

Tác giả: Phan Văn Trường

Giống như chơi đàn hay vẽ một bức tranh, thương thuyết là một nghệ thuật? Ta thường nghe nói người Trung Hoa hay người Do Thái buôn bán rất giỏi. Nhận xét đó không biết ngày nay còn đúng đến mức độ nào nhưng khi nhìn thị trường thế giới, chúng ta thấy mức xuất cảng trung bình theo đầu người của Nhật, Đức, Mỹ, Ý đều rất cao, rõ ràng các quốc gia đó buôn bán cũng chẳng thua kém gì người Trung Hoa. Điều gì làm cho người ta buôn bán giỏi, xuất nhập cảng tốt? Nếu gọi thương thuyết là nghệ thuật thì điều gì làm cho nghệ thuật đó lên đến hàng siêu việt.

Trước khi ngồi vào bàn thương thuyết, có biết bao nhiêu câu hỏi được đặt ra.Thương thuyết với người nước này có giống với người nước kia, người Pháp khác gì với người Thụy Điển? Người Hàn Quốc thì sao? Người Nga thì như thế nào? Rồi thì thương thuyết để bán hàng có theo cùng quy luật như khi mua hàng hoặc khi cho mướn hàng? Trong cuộc thương thuyết lúc nào thì nên kết thúc? Liệu có cần phải đối thoại đến "mục xương" để giành phần thắng? Làm sao tránh bị mất thế trước đối thủ để phải rút lui vô điều kiện?

Từng ấy thứ có lẽ còn chưa nói hết cái khó của nghệ thuật thương thuyết. Điều khó nhất trong nghệ thuật thương thuyết là đạt được kết quả tốt đẹp, cân bằng quyền lợi cho cả đôi bên (win-win). Nhưng như thế nào là quyền lợi cân bằng cho cả hai? Liệu các bên có ý niệm giống nhau về thế cân bằng hay không? Hẳn là không!

Trong phạm vi bài viết này, xin chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm mà cá nhân tôi đã trải qua trên 40 cuộc thương thuyết dài đằng đẵng sau hơn 37 năm làm việc ở nước ngoài.

Từ Châu Á

Phái đoàn đi đàm phán của công ty tôi đã từng gặp phải một chuyện rủi ro bất ngờ tại Trung Quốc. Sau gần hai nămthương thuyết ròng rã với đối tác Trung Quốc, hôm đó cả hai bên đã thỏa thuận được tất cả các điều khoản để có thể đi tới việc ký hợp đồng. Đúng lúc phía đối tác Trung Quốc đứng dậy bắt tay, ghi dấu kết quả quá trình đàm phán thì một kỹ sư trẻ tuổi người Pháp trong phái đoàn của tôi hồn nhiên vỗ tay chúc mừng. Đang vui vẻ, phía đối tác Trung Quốc bỗng xầm mặt xuống. Họ xin phép rút lui và đề nghị chúng tôi hôm sau trở lại…

Sáng hôm sau chúng tôi gặp một đội thương thuyết hoàn toàn mới. Đội này xin thương thuyết lại từ đầu. Do đâu? Điều tra mới biết vì anh chàng kỹ sư trẻ vỗ tay vui vẻ quá đã làm phía đối tác Trung Quốc chột dạ sợ hớ. Mà có không hớ chăng nữa họ cũng không dám ký hợp đồng vì sợ nội bộ nghi ngờ làm việc không thấu đáo. Một tiếng cười vui vội vã đã làm cho 30 người trong đội chúng tôi phải ngồi lại thêm hai năm nữa…

Một câu chuyện khác xảy ra tại Seoul, Hàn Quốc. Năm ấy Công ty Điện lực muốn mua của chúng tôi một chiếc turbine 100MW. Khi đội chúng tôi tới nơi thì được tin "mật báo" cho biết là công ty này cần chiếc turbine đó gấp, và có thể mua với bất cứ giá nào miễn là đừng thách giá quá cao. Ngồi vào bàn đàm phán, đội thương thuyết Hàn Quốc không biết chúng tôi đã có thông tin từ trước nên cứ tìm cách vặn vẹo đòi xuống giá thật nhiều. Trong khi đó thì chúng tôi biết không cần phải bán ngay. Một bên cứ kéo dài cuộc thương thuyết, một bên muốn chấm dứt cho sớm.Chúng tôi bèn đưa ra một kế để thắng thế. Tôi gọi điện về cho chủ tịch công ty,giải thích mọi chuyện rồi xin ông gửi fax gọi ngay đoàn đàm phán về. Phía Hàn Quốc vốn đã cho người kiểm tra thông tin của chúng tôi ở khách sạn, thấy được bản fax họ đành chịu điều kiện của chúng tôi.

Thương thuyết với người châu Á nêncẩn thận. Người Á Đông trông hiền hòa tươi cười nhưng hễ đánh ngã được đối tác thì họ rất vui. Vì thế, đôi khi có hai cuộc chơi trong một cuộc thương thuyết. Đạt được kết quả đã đành, nhưng trưởng phái đoàn đôi bên cũng phải biết "múa kiếm" chứ không phải chỉ biết chỉ tay năm ngón! "Múa kiếm" ở đây là đấu rượu, hát karaoke hoặc cá độ chơi golf. Đôi khi trong cuộc thi thố tài năng đã lộ ra là một bên có manh tâm. Từ đó cuộc thương thuyết sẽ găng và khó chịu dài dài.

Người Trung Quốc rất lạ, họ đòi đủ mọi điều kiện sau đó lại đòi hạ giá, và cứ như thế nhiều lần. Còn nhớ có một khách hàng ở Trung Quốc khi mua của chúng tôi 300 toa xe lửa, họ đòi xuống giá hơn 20 lần với lý lẽ "chúng tôi phải nể tình bạn trăm năm". Tuy họ khó như vậy, nhưng thương thuyết với họ bao giờ cũng vui, vì ăn uống đề huề, được tiếp đãi nồng hậu và ngày ký hợp đồng bao giờ cũng nhộn nhịp hơn các xứ khác, ít nhất cũng có năm sáu trăm quan khách tham dự.

Người Nhật lại khác hẳn, ít nhất là về mặt hình thức. Họ rất êm đềm, lắng tai nghe và luôn luôn hỏi đi hỏi lại xem họ có hiểu đúng nghĩa và sát nghĩa không. Họ chăm chú theo dõi từng chi tiết, khi họ cần về nước để bổ túc hồ sơ họ hẹn hò rõ ràng và không bao giờ thất hẹn. Đúng giờ, đúng hồ sơ, đúng mọi thứ… Điểm đặc biệt của họ là trong phái đoàn dù có nhiều công ty, nhiều bộ đại diện, bao giờ cũng có một thái độ thuần nhất. Không bao giờ chúng ta thấy họ cãi nhau. Và trưởng phái đoàn đàm phán của Nhật lúc nào cũng tạo cho đối tác cảm tưởng ông là người phát ngôn chính thức của một "đoàn Nhật Bản thống nhất", tất cả những thành viên khác trong phái đoàn, mọi người như một.

Nhưng kinh nghiệm cho tôi biết sự thật không như vậy. Khi đóng kín cửa, họ mới phát biểu sự bất đồng với nhau. Phải nói rằng bao giờ thương thuyết với đoàn Nhật tôi cũng hơi thất vọng. Họ cứ để cho đối tác nói, xong đâu đó họ lại quay về với đề nghị ban đầu, không thay đổi nội dung. Hàng tháng, hàng năm trôi qua, họ vẫn kiên trì, không xê dịch. Lý do dễ hiểu là giữa họ với nhau, họ đã tối ưu hóa hàm số của cuộc thương thuyết. Vậy còn có gì để thay đổi, nhất là mọi thứ chủ tịch phía bên họ đã duyệt hồ sơ!?

Đến châu Âu, sang Trung Đông, qua Nam Mỹ

Người Nhật rất uyển chuyển trong cuộc thương thuyết, lúc nói trắng lúc nói đen, lúc nào cũng hòa nhã đến làm chúng ta phát nể. Song, xét lại những gì họ đề nghị thì rốt cuộc họ chỉ đổi bình, rượu vẫn cũ y nguyên. Ngồi với người Nhật cũng giống như người Đức, họ rất trật tự. Tuy nhiên, người Đức thường để lộ chủ đích của họ nhiều hơn theo kiểu "mua thì mua đi, còn không mua thì cứ nói thẳng ra" vì họ cho rằng điều này sẽ giúp kết thúc sớm việc thương thuyết. Họ hơi mạnh bạo thành thử khi đối thoại chúng ta có cảm tưởng mình bị ăn hiếp! Nhưng thực sự không phải vậy, họ chỉ hơi nóng tính thôi.

Theo kinh nghiệm của tôi, thương thuyết với người châu Âu hoặc Bắc Mỹ tuy có phần hơi khớp lúc ban đầu nhưng sau đó lại dễ dàng. Nói dễ không có nghĩa là không ráo riết nặng tâm tríhay có thể chấp nhận mua bán với bất cứ điều kiện nào. Dễ là vì họ nắm rõ luật của cuộc chơi, chưa ngồi xuống nói chuyện họ đã biết đâu là mức "win-win" cuối cùng.

Trong khi đó thương thuyết với người Trung Đông là khó nhất. Vì họ đa nghi, nói với họ cái gì cũng có thể làm cho họ phật lòng, cho rằng phía bên này có ý lừa họ. Tôi đã từng thấy một phái đoàn châu Âu xin về nước không trở lại Trung Đông vì cứ bị nghi ngờ trong khi đó thực sự họ đã "phơi ruột ngựa" để đạt kết quả cho nhanh. Trong trường hợp này, cái vội vã là cái chết. Thương thuyết là phải có thời gian và không vội vàng. Vội là thua.

Tôi đã thương thuyết tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, họ suy nghĩ lắt léo lắm. Tôi thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ và thất bại tại Ai Cập vì cùng một lý do: tôi chọn nói ít! Nghĩ cho cùng thì không có bí quyết nào đúng 100% cả.

Đối với tôi đi thương thuyết với người Do Thái là một cuộc khổ đau. Họ sắc mắc không thể tưởng tượng được. Nhưng cái thú là họ có óc sáng tạo rất phong phú. Dù ở trong đường cùng họ cũng vắt óc tìm ra được giải pháp mới. Có một dân tộc khác ở Trung Đôngrất giỏi về buôn bán và thương thuyết là người Lebanon. Khi ngồi đàm phán với họ chúng ta sẽ thấy sự bóng bẩy uyển chuyển đến quyến rũ của họ

Có hai nơi trên thế giới mà tôi rất ngán đi thương thuyết mỗi khi có dự án là Brazil và Argentina. Đã vào đến phòng họp nhiều khi họ còn chưa mở hồ sơ ra xem, và trong cuộc thương thuyết họ không phân định rõ đâu là quyền lợi tập thể và đâu là quyền lợi cá nhân. Trong khi đó ở Chilê hay Venezuela, họ rất coi trọng hồ sơ và làm việc rất chỉnh. Ở Venezuela còn được thêm một ưu điểm nữa là họ rất vui vẻ và nhẹ nhàng.

Tôi có một kỷ niệm khi đến Mexico đàm phán. Trước buổi họp vài hôm, ông trưởng phái đoàn dẫn tôi về trang trại của ông. Lúc đầu tôi tưởng ông bày kế giam mình vào bẫy để dễ bề thao túng khi cuộc thương thuyết mở màn. Sau nhiều ngày săn bắn ông không hề hỏi han về công việc, mà chỉ nói rằng ở đời, sống mới là quan trọng, còn thương thuyết về một dự án, cho dù dự án to đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là một chi tiết trong cuộc đời. Từ ngày hôm đó, tôi nhìn cuộc đời khác hẳn, không thấy cái gì là tuyệt đối nữa. Tất nhiên cuộc thương thuyết của chúng tôi sau đó rất dễ dàng và dễ chịu, dù không phe nào nhượng bộ phe nào, nhưng vì đã hiểu biết nhau nên dễ thông cảm. Nghệ thuật thương thuyết cũng là nghệ thuật làm cho nhân sinh quan đôi bên hài hòa.

Và những bí quyết

Để trở lại việc so sánh nghệ thuật thương thuyết với nghệ thuật chơi đàn, nói cho cùng, nghệ thuật nào cũng phải luyện tập, sửa soạn, rất công phu. Tài ba không đủ, thành công trong việc thương thuyết đòi hỏi phải tìm hiểu ít nhất: phe ta muốn gì, phe họ muốn gì, chờ đợi gì, sẵn sàng trả giá nào, chịu điều kiện giao hàng như thế nào, thất hứa thì có giải pháp và hình phạt ra sao, rồi cách thức trả tiền hàng, qua ngân hàng nước nào, dùng luật của nước nào trong trường hợp xảy ra tranh chấp...

Xã hội càng tân tiến thì nghệ thuật thương thuyết càng giống chơi cờ tướng. Tiến thoái quân phải có chiến thuật chuẩn đến độ đối phương không có cách chống đỡ! Muốn được vậy thì phải sửa soạn cho cuộc thương thuyết thật công phu, tỉ mỉ. Thêm vào đó mỗi phe phải chọnmột thành viên đại diện duy nhất, phát ngôn hoặc định đoạt cho cả đoàn. Đó cũng là một khía cạnh khó quản lý của một cuộc thương thuyết nếu trong một đoàn đàm phán có nhiều phe, trà trộn với nhau, kiểm soát lẫn nhau và đôi khi còn chế ngự nhau nữa.

Nếu phải nói gọn một câu về những kinh nghiệm gom góp được qua những cuộc thương thuyết, tôi chỉ có thể nói "đó là do may mắn". Trong thương thuyết nhiều khi bạn thắng trong tương lai ngắn hạn nhưng không ngờ lại thua lỗ nặng nề trong tương lai dài hạn.

Tôi xin dành hai câu chuyện nhỏ để kết luận. Năm 1994, tập đoàn của chúng tôi đã nắm chắc được chiến thắng trong dự án metro đô thị Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như dự án metro Bangkok-Thái Lan vào năm 1995. Nhưng cuối cùng cuộc đàm phán không thành. Ngược lại, vào năm 1991 chúng tôi tưởng không còn hy vọng nữa trong dự án nhà máy điện Epon tại Hà Lan, trị giá 2 tỉ đô la Mỹ (1991),một dự án điện lớn nhất thế giới thời đó. Nhưng đến phút cuối hợp đồng lại về phe chúng tôi vì đối thủ Đức không kết thúc được thương thuyết.

Thật trên đời không bao giờ học hết được chữ ngờ!

Theo TBKTSG

FLI:
Ông Phan văn Trường - sinh năm 1946 là một người Pháp gốc Việt. Ông là một trong số các Việt kiều hiếm hoi được nhận được huân chương Legion d'Honneur của Pháp.


Sự nghiệp quốc tế của ông thực sự bắt đầu năm 1977 khi ông gia nhập công ty SGTE (Société Générale de Techniques et d'Études) một chi nhánh của tổ hợp Spie Batignolles trong cương vị giám đốc đối ngoại.

Tổng thống Pháp vào lúc đó đã ký sắc luật tặng cho ông Trường huân chương Chevalier de l'Ordre National du Merite,(Bắc Đẩu Bội Tinh) vì những đóng góp đáng kể cho tổ hợp Alsthorn (1986).

Năm 1995, ông Phan văn Trường là Cố Vấn Ngoại Thương cho Chính phủ Pháp.

Vào năm 2006, khi chọn định cư tại Kuala Lumpur, ông đã nhận giảng dạy tại trường Đại học Kiến Trúc Thàhh phố Hồ Chí Minh.    

Monday, January 25, 2010

Máy lọc nước công nghệ cao nanô đảm bảo tuyệt vời về chất lượng nước


VIT - Đã đến lúc người tiêu dùng khi mua máy lọc nước cần đặt ra ba câu hỏi: - Máy lọc nước cho ta nước sau lọc như thế nào? - Sử dụng máy có tiện lợi, sạch sẽ không ? - Hiệu quả kinh tế có cao không?
Trong điều kiện xã hội phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới đang ở trong tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm ngày càng nặng. Nguồn nước bị nhiễm kim loại, nhiễm asen (thạch tín)...rất độc hại. Trong nhiều phiên họp của Liên hợp quốc vấn đề thiếu trầm trọng nước ăn uống, nước sinh hoạt luôn được nhắc tới bởi tính chất nghiêm trọng.

Nếu không có hệ thống lọc nước công hiệu, sức khoẻ của nhân dân địa phương và đặc biệt sức khoẻ của thiếu niên ngày nay sẽ bị đe dọa. Hơn thế, chất độc trong các lớp nước là nguyên nhân gây ra bệnh rất nguy hiểm, dị tật. Do vậy vấn đề xử lý hiệu quả nguồn nước, cung cấp cho người dân có nước ăn uống chất lượng cao  là một vấn đề được các quốc gia quan tâm hàng ngày, và thôi thúc các nhà khoa học đi tìm những công nghệ mới hiện đại hơn để lọc nước.




Gian hàng của Công ty Sunny-Eco tại Triển lãm quốc tế hàng công nghiệp thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách thăm quan.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga đã sáng chế ra hai loại vật liệu nanô USVR và AquaVallis đầu tiên trên thế giới trong lọc nước. Các loại vật liệu nanô cụ thể này có nhiều tính chất rất ưu việt.

Tại cuộc Triển lãm quốc tế hàng công nghiệp tại Giảng Võ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10/2009. Chính các phóng viên của nhiều báo, đài truyền hình Việt Nam, các khách tham quan Việt Nam và nước ngoài đã chứng kiến và tỏ ra kinh ngạc trước hiệu quả trực tiếp của máy lọc nước công nghệ nanô của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. Một cột nước bị nhiễm dầu rất bẩn, đen ngòm, sặc sụa mùi dầu. Nước bẩn này dẫn vào máy lọc nước công nghệ nanô  ZF-20, chỉ đơn giản là một cột lọc với lõi lọc là vật liệu nanô USVR. Sau một phút chạy qua máy lọc nước công nghệ nanô này, nước ở đầu ra của máy trong veo, hết mùi.



Bạn có dám uống không? Chúng tôi quyết định nếm thử sau khi nhà khoa học Nga đã uống. Đúng là tuyệt vời: nước sau lọc trong veo không có mùi lạ, nước uống có vị dễ chịu, thơm mùi nước sạch. Thế rồi tất cả khách tham quan đều uống thử nước sau lọc, và đều có một cảm nhận như nhau: nước sau lọc thật tuyệt vời!

Vậy công nghệ nanô là gì? Đó là công nghệ cao cho phép đưa vật liệu có kích thước lớn thành các hạt và màng có kích thước nanô ( một nanô = 1 phần tỷ của mét). Các vật liệu có kích thước hạt như thế  gọi là vật liệu nanô. Không phải vật liệu nanô nào cũng có khả năng lọc nước, đó là do công nghệ tạo ra nó. Một số trung tâm khoa học sử dụng một loại công nghệ chỉ tạo ra được nanô các-bon làm mực in nhưng không thể đem nó đi lọc nước được. Các nhà khoa học Nga đã dùng một bí quyết công nghệ khác tạo ra vật liệu nanô USVR, AquaVallis có kích thước nhỏ hơn than họat tính khoảng 350 lần. Khi vật liệu chuyển về kích thước nanô như vậy thì nó xuất hiện nhiều khả năng độc đáo khi lọc nước: vừa lọc vừa hấp phụ các chất bẩn vô cơ và chất bẩn vi sinh.

Vậy máy lọc nước công nghệ nanô của Viện hàn lâm khoa học Nga trả lời 3 câu hỏi trên như thế nào ?

Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ nanô. Hai loại vật liệu nanô trong lọc nước của Viện hàn lâm khoa học Nga được sáng chế vào năm 1997 và 2001, nhưng mãi đến 2005 mới đưa vào sản xuất đại trà. Tháng 11 Năm 2007 công ty cổ phần công nghệ sinh thái Ánh Dương (Sunny-Eco Jsc.) là công ty đầu tiên  được Viện Hàn Lâm Khoa học Nga ủy quyền, đại diện duy nhất đưa máy lọc nước này vào Việt Nam, và hàng lọat các hội thảo có nhiều nhà khoa học và các cán bộ quản lý nguồn nước của Việt Nam tham dự, và máy lọc nước công nghệ nanô với hai thương hiệu vật liệu nanô USVR và AquaVallis đã được người tiêu dùng Việt Nam chú ý và đón nhận hồ hởi.



Máy lọc nước nanô TRIO- 10P dùng cho gia đình.


Các mẫu máy rất phong phú và đa dạng với các thương hiệu ZF, DUET, TRIO, MOBILE, MOB. Nhờ có kích thước nanô, hai loại vật liệu nanô USVR, AquaVallis có  những đặc điểm riêng độc đáo sau đây, mà người được hưởng lợi chính là người tiêu dùng:

Thỏa mãn câu hỏi thứ nhất của người tiêu dùng:
máy lọc nước rất tinh, lọc được các chất bẩn kim loại nặng, khử khuẩn vô trùng. Nước lọc này không phải là nước tinh khiết, mà điều quan trọng nhất là nước sau lọc là nước sạch ăn uống vẫn giữ lại được các khóang chất và vi lượng cần thiết cho cơ thể. Tất cả các vật liệu khác không có được khả năng này. Rất nhiều các khóang chất chỉ có trong nước, mà thức ăn thông thường không bổ xung được. Có những máy chuyên lọc asen có thể lọc nguồn nước nhiễm asen cao tới 0,3mg/lít (gấp 30 lần tiêu chuẩn nước ăn uống của Bộ Y tế) vẫn đưa về nước sạch ăn uống. 

Máy lọc nước công nghệ nanô rất thân thiện với môi trường: không cần điện, không có nước thải, không dùng đèn tia cực tím, lấy nước trực tiếp, không cần dự trữ nước. Tốc độ lọc cao. Và nhờ công nghệ nanô nên kích thước của máy nhỏ gọn. ( Ví như công nghệ nanô trong máy điện thoại di động làm cho máy nhỏ hơn nhiều so với máy để bàn và có nhiều chức năng không thể tưởng tượng được). Do vậy máy lọc nước công nghệ nanô rất thuận tiện để lọc nước cho vùng thành phố, vùng nông thôn, cho cả miền núi. Các máy có nhiều công suất khác nhau thích hợp cho gia đình vài người, cho tập thể hàng trăm người dùng cùng lúc, thậm chí rất thích hợp cho vùng sâu vùng xa không có địên. Trong catalog của máy còn có cả máy lọc nước nanô cho vùng bão lụt Mobile.



Máy lọc nước nanô cho vùng bão lụt Mobile.


Để trả lời câu hỏi thứ ba, chúng ta xem một máy lọc nước lọc cho ta bao nhiêu lít nước sạch chất lượng cao và từ đó biết giá thành 1 lít nước là bao nhiêu. Chính công nghệ nanô trong lọc nước cũng đạt tới mục tiêu này: giá thành một lít nước sau lọc có chất lượng cao như vậy cũng rất rẻ khỏang 100 đồng đến 160 đồng (chỉ có một trăm sáu mươi đồng!). Giảm giá thành lọc nước cũng là một tiêu chí mà công nghệ nanô lưu ý tới. Cả thế giới kỳ vọng về công nghệ này.
 
Triển vọng phát triển máy lọc nước công nghệ  nanô ở Việt Nam. Chúng tôi được biết rằng Trung tâm nanô của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga với hai cơ quan của Việt nam: Công ty cổ phần công nghệ sinh thái Ánh Dương (Sunny-Eco Jsc,) và "Viện nước tưới tiêu và môi trường" đang cộng tác để ứng dụng có hiệu quả máy lọc nước công nghệ nanô thích hợp với điều kiện môi trường nước của Việt nam. Những kết quả ban đầu đã thấy: Ngoài những máy dùng cho thị trường Nga được đưa sang Việt nam, máy lọc nước chuyên lọc asen ra đời, theo nhu cầu của người tiêu dùng Việt nam, có khả năng lọc rất tốt những nguồn nước bẩn nhiễm asen tơi mức 0,3 mg/lít.

Và trong tương lai không xa, việc hợp tác này mở ra triển vọng chuyển giao công nghệ sang Việt Nam, khi đó lĩnh vực sử dụng máy lọc nước công nghệ nanô này sẽ mở rộng ra. Dù muốn hay không, công nghệ nanô của thế giới phát triển rầm rộ nó sẽ thâm nhập ngày càng rộng vào đời sống của chúng ta, số người sở hữu máy lọc nước công nghệ nanô sẽ ngày càng nhiều.

Như vậy công nghệ nanô trong lọc nước đã mang lại một quan niệm rõ hơn: nước lọc có chất lượng cao là nước sạch theo tiêu chuẩn nước ăn uống năm 2009 của Bộ Y tế mà vẫn giữ được khóang chất và vi lượng vốn có trong nước cần thiết cho cơ thể. Máy sử dụng tiện lợi hơn, đơn giản hơn.

Hiện tại để hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố Hà Nội "Kích cầu hàng hóa-vì quyền lợi của người tiêu dùng" Công ty Sunny-Eco Jsc. đang có chương trình khuyến mại hấp dẫn. Khách hàng có thể mua các sản phẩm máy lọc nước công nghệ nanô tại trụ sở công ty, hoặc tại các đại lý chính thức ở nhiều thành phố khác trong cả nước.

Công ty Sunny-Eco, điện thoại 04- 377 597 94,  04- 629 294 78 và http://www.sunny-eco.vn , số 1 ngõ 121 phố Chùa Láng , quận Đống Đa, Hà Nội.

Mọi chi tiết có thể xem trên trang http://www.sunny-eco.vn

Saturday, January 23, 2010

BIỆT TÀI TIẾT CANH VỊT - Chuyen cac nha van o Tay Nguyen (Hay)

BIỆT TÀI TIẾT CANH VỊT
vanconghung | 23 Jan, 2010, 12:26 | BẠN BÈ GÓP VỐN | (60 Reads)

Sương Nguyệt Minh mail cho mình bài này hôm qua. Mệt (vì nhậu) quá, hôm nay mới đọc. Đọc và cười, khùng khục mà cười, cười như nghé con... Mình cho rằng đây là bài viết hay nhất của Sương Nguyệt Minh. Một thời hào hùng hiện ra, cái thời mà mình mua một con vịt gần chéo cánh nặng 7 lạng đánh 7 đĩa tiết canh đông như thạch, 15 thằng nhậu bò lê bò càng. Sau này kể lại chả thằng nào tin. Thì đây, nhà văn Sương Nguyệt Minh kể lại cái tài lẻ ấy của mình. Mà chả mình mình, còn là Trung Trung Đỉnh, Đỗ Tiến Thụy, Tạ Văn Sĩ, Lê Văn Thiềng... tên nào tên ấy hiện lên mồn một và sinh động...

Mà thôi, chả khen nữa, kẻo lại "phò mã tốt áo"...

Điều quan trọng là, SNM nhắn kèm theo mail: Được đưa lên blog VCH bài này là sướng một đời viết văn rồi, không cần in báo giấy, không cần nhuận bút, hehe... 

------------------------------

 

Dạo ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh còn ở Văn Nghệ Quân Đội. Chúng tôi đi Tây Nguyên. Đêm nghỉ ở Nhà khách Sư đoàn Đắc Tô, Trung Trung Đỉnh thao thức, trằn trọc suốt. Gần sáng, tôi bỗng dưng thức dậy sau giấc ngủ sâu và dài, qua ánh sáng lờ mờ bóng điện ngoài sân hắt vào, thấy ông ngồi xếp bằng im lìm như một già làng Tây Nguyên trong... màn.

Đất trời Kon Tum vẫn chưa sáng hẳn, phố núi im phắc như bị bỏ quên giữa rừng, chứ nếu ở Hà Nội giờ đó đã rộn rã tiếng honda, ô tô, tiếng người dọn hàng sớm. Tôi lò dò ngồi dậy:

"Bác có chuyện gì mà thức suốt đêm thế?"

"Lo quá! Con bé Thảo nhà tôi vào Đại học năm nay chẳng biết thi cử thế nào?"

"Sao bảo nó làm bài tốt?"

"Tốt thì tốt, nhưng học tài thi phận. Mấy lần tôi định đánh thức chú dậy mượn điện thoại di động gọi về nhà, lại thấy chú ngủ mê mệt, sợ phá giấc."   

 Cái ông này mới xa Hà Nội một ngày đã bấn lên. Nửa đêm choang điện thoại về nhà, có khi vợ con nghĩ mình... tai nạn. Tôi bảo:

"Đến ngày đến tháng, người ta báo kết quả. Bác lo, chẳng giải quyết gì".

"Không lo mà được à? Chú không có con gái, biết đếch gì". - Ông bực dọc, cáu.

Biết ông Trung Trung Đỉnh yêu con gái nhất nước Việt Nam rồi! Tôi đành im lặng. Rõ ràng là ông thấy không thể chia sẻ với cái thằng "không có con gái".  

Dạo ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh chưa sắm điện thoại di động, nhưng ông đã mua tặng đứa con gái 18 tuổi xinh đẹp cái máy Nokia vỏ màu đỏ hồng 3 triệu đồng, giá ngang một con trâu. Không phải ông chiều con gái mà chỉ làm mỗi việc: thỉnh thoảng điện thoại từ máy bàn cơ quan hỏi con gái chuyện học hành, và thế nào cũng chốt câu: "Thắng không kiêu bại không nản nhé!". Suốt dọc đường đi, ông liên tục mượn máy của tôi (y như mượn xà phòng vậy), điện thoại cho con bé, và tôi nghe đến phát mệt câu ấy.                      

Những ngày sau ở Tây Nguyên, nói chuyện rổn rảng, cứ loanh quanh thế nào rồi ông Đỉnh cũng lái câu chuyện về đứa con gái thi vào đại học. Tôi nghĩ, bụng bảo dạ: Bác cứ làm như chỉ mình bác có con gái. Đi thực tế, suốt ngày lo con gái thì viết cái nỗi gì? Nhưng, không dám nói, chỉ sợ ông quát: "Chú không có con gái, biết đếch gì!" 

Sáng bảnh.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ lái chiếc xe Honda tàng tàng tróc sơn nhuôm  nhoam đến sớm nhất. Có lẽ ông Sỹ là nhà thơ lại hành nghề xe ôm... duy nhất nước Việt Nam? Ông có thơ in trên các báo ở Sài Gòn từ năm 1970. Nhà văn Lê Văn Thiềng đương nhiệm Tổng biên tập Báo Kon Tum cũng đến. Rồi nhà thơ Văn Công Hùng bắt xe đò từ Pleiku ra sớm. Mấy hôm trước, thấy Trung Trung Đỉnh khoe Văn Công Hùng có tài đánh tiết canh vịt cả nước Nam không ai bằng. Đám văn chương các vùng miền từ bắc đến nam vãng cảnh Gia Lai đều ghé nhà y tụ vạ. Y làm thịt vịt, đánh tiết canh chỉ mấy phút là đông. Y úp bát tiết canh, rồi lấy lạt xỏ vào phần tiết vừa nhấc bát sứ ra, treo lên từng xâu mà không bị vỡ. Khi đám văn nhân thi sĩ đã ngồi vào chiếu nhậu, y mới xách ra cả chùm tiết canh, chia mỗi người một xâu trong mọi ánh nhìn kinh ngạc, bái phục. Tạ Văn Sỹ từ Kon Tum sang, ông đánh con xe Honda 78 cánh én, ghi đông vểnh lên như "bố vợ phải đấm". Chén hết xâu tiết canh vịt thuộc khẩu phần của mình rồi, chợt ông nhớ đến người bạn thơ Hữu Kim cũng thuộc loại nghiền tiết canh vịt. Chả biết ông to nhỏ với Văn Công Hùng thế nào mà khi về trên ghi đông xe Honda của Tạ Văn Sỹ treo lủng lẳng một xâu tiết canh vịt. Tôi chịu, không hiểu số phận xâu tiết canh ấy có bị rã ra hay không khi ông Sỹ say ngất ngưởng, phóng xe máy vù vù 50km trên đường nhựa Plâyku - Kon Tum đã xuống cấp đầy ổ voi ổ gà. Cho đến tận bây giờ tôi cũng chưa kịp hỏi nhà thơ Hữu Kim xem có được nhìn thấy tiết canh vịt Văn Công Hùng gửi không hay chỉ nhìn thấy... vòng lạt treo trên ghi đông xe máy?

Cứ nghĩ đến Văn Công Hùng là tôi lại nhớ đến tiết canh vịt. Tiết canh vịt là "văn minh ẩm thực" của Ninh Bình - quê mẹ nhà thơ, chứ không phải của nơi ngụ cư Plâyku. Mấy chục năm sống ở Plâyku nhưng y chưa bao giờ là người Plâyku, người Ninh Bình cũng không, người Thanh Hóa nơi sinh cũng chẳng phải và cũng không thấy dấu vết gì của Huế quê cha ở trong con người y. Vậy thì y là người của vùng đất nào, của quê hương nào?

 

Chúng tôi kéo nhau đi uống cafê sáng. Lần đầu tiên, uống cafê Tây Nguyên ở ngay nơi nó mọc và đơm hoa kết trái. Văn nhân, thi sĩ ngồi ngay vỉa hè nhấm nháp hương vị cafê chồn. Cà phê chồn màu đen nâu vến thành ngấn trên cốc sứ trắng. Tôi cảm nhận được vị đắng đậm đà và hương thơm dìu dịu lãng đãng lúc xa lúc gần ngai ngái mùi đất đỏ bazan, hơi ẩm mốc của mùn cây và hương cacao thơm lừng, lại phảng phất mùi Chocolate. Tôi tấm tắc khen với sự ngạc nhiên về sự huyền diệu của café chồn ngon thơm.

Nhà thơ Văn Công Hùng giảng giải: Cà phê chồn là đúng nghĩa đen. Nó là loại cafê có tên khoa học là Arabica tròn béo, chứa nhiều caffeine. Chồn xám Mjia lưng đen có 2 sọc dài trắng và bụng cũng trắng thường động dục, giao phối vào khoảng tháng 11 đúng lúc thu hái rộ cà phê. Chồn Mjia tìm đến các cây cafê 4-5 tuổi, chọn ăn những quả chín đỏ to tròn, mọng. Hạt cafê qua dạ dày, ruột non con chồn được các enzyme tiêu hóa ngấm qua vỏ, thấm sâu vào ruột hạt làm thay đổi các phân tử tạo ra các thay đổi hương vị cơ bản cho hạt cafê trước khi thải ra ngoài. Người dân Ê Đê lấy về đem ra suối nước chảy rửa sạch rồi sấy hoặc phơi khô, sau đó xay và chế biến ra loại cafê chồn huyền diệu nổi tiếng. Theo như nhà thơ Văn Công Hùng thì một tách cafê chồn ở Luân Đôn có giá tới 50 đô la.

Tôi thật sự ngạc nhiên về sự am hiểu cafê của ông nhà thơ ở phố núi Pleiku. Tôi lạ nước lạ cái vào Tây Nguyên lần đầu nhìn cái gì cũng lạ, nghe cái gì cũng hấp dẫn. Bài học đi thực tế đầu tiên lại ở ngay vỉa hè phố núi và từ bạn văn chương.

Tạ Văn Sỹ - nhà thơ của chúng sinh, của người lao động. Có những câu thơ lãng mạn lay động lòng người, ông viết ngay ở ngã tư đường trong lúc ngồi trên yên xe honda chờ khách. Văn Công Hùng thì bảo Tạ Văn Sỹ có một quyển sổ con con để trong túi áo, lúc vắng khách thì móc sổ ra làm thơ. Đỗ Tiến Thụy thì bảo, làm gì có sổ tay, tất cả thơ ông Sỹ đều viết trên vỏ bao thuốc lá, lúc về nhà mới chép lại vào sổ ô ly của con gái. Vậy mà thơ vẫn cứ hay, đâu kể gì làm trên giấy trắng hay máy vi tính:

"Bây giờ dành thời gian để viết thơ tình/ E có kẻ sẽ cho là phí phạm/ Và có kẻ sẽ cho là lãng mạn/ Nếu bình tâm ngồi đọc thơ tình/ Xin chớ nhầm khi căng óc mưu sinh/ Để quên mất trái tim mình thơ mộng/ Tôi tất bật với ê  chề cuộc sống/ Vẫn thấy dư thanh thản viết thơ tình".                                                                                        

Tây Nguyên thật lạ kỳ là mảnh đất lành, nhiều văn nhân thi sĩ khắp nơi đến sinh sống và làm việc. Nhà văn Lê Văn Thiềng từ Hà Nam chọn đất Kon Tum lập nghiệp. Ông Thiềng mạnh về ký, thường moi móc những đề tài lạ, hấp dẫn, viết về người Rơ Mâm, Xê Đăng, ngục Kon Tum, nghệ sĩ nhân dân Y BRơm...Và in khá nhiều trên Văn Nghệ Quân Đội.

Nhà văn Lê Văn Thiềng đưa chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ xã hội Kon Tum. Trung tâm đang nuôi 79 đứa trẻ không người nuôi dưỡng, có mấy đứa trẻ người dân tộc thiểu số bị chôn theo mẹ, được bộ đội biên phòng cứu sống. Thằng bé Y Đức mặt mũi sáng sủa đứng trước mặt chúng tôi, bẽn lẽn. Y Đức con chị Y Chánh và anh A Oát người Ja Rai ở làng Kênh, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy. Y Chánh sinh nở trong một đêm mùa mưa tối tăm và kiệt sức rồi chết, vì trước đó một tuần bị tả lị. "Y Chánh không chết mà nó đi về thế giới dưới kia, sống cuộc sống khác. Cho thằng bé đi theo bú sữa mẹ". Tư duy đa thần và tâm linh thô sơ, người Ja Rai ở làng Kênh nghĩ như thế. Theo luật tục, già làng A Nun làm lễ cho thằng bé theo mẹ sang thế giới mới. Có người làng thương, đi báo cho Đồn biên phòng 709. Thiếu uý Phạm Xuân Bốn và Đội vận động quần chúng đến kịp và họ giải thích, làm mọi cách để cứu đứa bé khỏi bị chôn sống theo mẹ. Nhìn bé Y Đức tóc xoăn mang vẻ đẹp hoang dã của núi rừng, chúng tôi chẳng nói được câu nào. Trong lòng ai cũng trĩu nặng.  

 Nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy đánh ô tô của Sư đoàn Đăk Tô đến đón chúng tôi ngược đại ngàn Mo Ray. Thụy đẻ ba thằng con trai, thảo nào lái xe vùn vụt. Chập tối thì tới nơi. Ông Trung Trung Đỉnh vẫn thấp thỏm lo, bảo Văn Công Hùng:

"Chú cho anh mượn điện thoại gọi cho con bé xem có kết quả thi vào đại học chưa?"

Lại thi cử. Văn Công Hùng móc túi quần lấy cái máy điện thoại to bằng  nửa viên gạch, không một vệt sóng. Tôi cũng rút máy ra, máy lặng câm, bảo:

"Vùng này không phủ sóng. Sao mà bác sốt ruột thế?"

"Chú không có con gái, biết đếch gì!"

Văn Công Hùng bấm tay tôi cười hì hì, ra hiệu lặng im. Không lặng im, ông anh mắng chết. Thêm lần nữa ông Đỉnh không chia sẻ được với thằng em "không có con gái". Cứ thế này thì chết mất, chẳng thể yên ổn được với ông Đỉnh khi chưa biết con bé đỗ hay trượt.

Chúng tôi vào nhà A Veo - chủ nhà người Rơ Mâm thấp, đậm, tóc xoăn tít, trán hơi rô và răng trắng. A Veo vẫn nhận ra khách quý đã từng uống rượu ở nhà mình mấy năm về trước, bảo:

"Đây là cán bộ Đỉnh uống rượu ghè, và nghe mình hát Hơri. Chú này lái xe, tên Thụy mình cũng nhớ".

Nhà văn Trung Trung Đỉnh giới thiệu tôi và Văn Công Hùng với A Veo, rồi bảo:

"Bây giờ, Đỗ Tiến Thụy là nhà văn quân đội rồi, sắp tới bỏ nghề lái xe và sống bằng nghề làm nhà văn".                                                                                    

A Veo hỏi:

"Lái xe nhiều tiền. Nhà văn có làm ngô, ra lúa không? Sao dại thế?"                                                                                                      

Đỗ Tiến Thụy bảo:

"Không làm ra ngô, nhưng viết ra chữ".

"Chữ bán có đắt không?"

"Như bác Trung Trung Đỉnh bán một gùi chữ, mua được 1 con trâu. Gùi chữ bác Sương Nguyệt Minh mua được 1 con heo."

"Thế à! Làm nhà văn sướng nhỉ. Cho mình làm với".

Tôi can A Veo. Nhọc lắm. Là nói thế thôi, chứ viết hết cả đời may ra mới được một vốc chữ, lấy đâu ra nhiều tới 1 gùi chữ. Không sống nổi bằng nghề viết văn đâu...

A Veo không nghe tôi kêu ca cái sự nhọc nhằn của người viết văn, hỏi:

"Còn chú Thụy? Gùi chữ của chú mua được 1 con voi không?"

Văn Công Hùng cướp lời Đỗ Tiến Thụy, bảo:

"Riêng chú Thụy tuổi trẻ tài cao, bán 1 gùi chữ lại mua 1 gùi chữ. Chú này không bán chữ để mua ngô, khoai, lợn, gà".

"Thế thì mình chẳng làm "nghề nhà văn" đâu. Nhọc lắm!".

Đang nói chuyện thì nghe có tiếng ậm è ở góc sàn nhà. Chúng tôi quay mặt lại nhìn. A Veo bảo:

"Mới bị gấu nó cầm tù, sắp chết đói đấy?"

"Gấu cầm tù, nghĩa là sao, A Veo?"

A Veo kể:

Cái thằng người lạ kia từ dưới xuôi mò đến rừng Mo Ray đốt ong. Tranh ăn mật non của gấu mà. Gấu mất phần, lùa cho thằng này bỏ của chạy lấy người, rồi trèo lên cây. Con gấu đen lặc lè không chịu bỏ "thằng tranh ăn" bèn ngồi lì dưới gốc cây xoay. Một ngày, hai ngày rồi lại một đêm, hai đêm, ba đêm. Thằng này đói quá lả đi mà không dám xuống. Con gấu đen biết "thằng tranh ăn" hết hơi kiệt sức rồi mới bỏ đi. A Veo đi rừng nghe tiếng "thằng tranh ăn" thều thào, liền chạy về làng gọi đứa con trai ra giúp sức đưa nó xuống mang về nhà phục... cháo loãng.

Hôm sau, Đỗ Tiến Thụy đi đồn 709, đến đúng nơi biên phòng cứu thằng bé Y Đức khỏi bị chôn theo mẹ. Sau này, Thụy viết bút ký Ở NƠI RỪNG THẲM dự thi Văn Nghệ Quân Đội được giải nhì. Văn Công Hùng làm được chùm thơ in túa lua các báo Tết. Trung Trung Đỉnh thì zi zô, chẳng thấy tăm hơi bài nào. Ông Đỉnh bảo tôi: "Lần đầu, chú  vào Tây Nguyên như con gái mới biết yêu thổn thức, viết dào dạt. Anh như gái già viết mãi, chán rồi". Tôi nghĩ bụng: Thì hết Đêm nguyệt thực đến Cánh rừng tình yêu, rồi Lạc rừng..., bác viết nữa thì bọn em... treo niêu à.

Tôi cũng viết được bút ký MO RAY ĐẠI NGÀN, đại ý: Cách đó mấy năm, A Veo và Trung Trung Đỉnh, Đỗ Tiến Thụy ngồi trên nhà sàn ăn thịt hổ. Chả là con hổ nhỏ bị toán thợ săn nào đó bắn bị thương nặng. Nó lết đến đầu làng Le thì gục. A Veo đi rừng về bắt gặp, vác về nhà làm thịt, rồi gọi mấy chú bộ đội D17 công binh đắp đập hồ nước Mo Ray cùng ăn. Trung Trung Đỉnh và Đỗ Tiến Thụy là khách quý được mời. Sàn nhà lát bằng bương to đập rập, khách chủ ngồi ung dung, tự tại, vui vẻ ăn uống. Cứ gặm xong một cái xương, A Veo lại vạch kẽ sàn vứt xuống gầm nhà. A Veo còn quờ tay nhặt các mẩu xương khách bỏ ra, vạch kẽ sàn vứt xuống đất. Tiếc quá! Đỗ Tiến Thụy bảo: "Lúc ấy dân Ja Rai ở làng Le chưa biết lấy xương hổ nấu cao. Chả lẽ xin chủ nhà những mẩu xương ấy. Ngại quá!" Ông Đỉnh không để ý đến xương hổ vì rượu ngon và những câu hát Hơri cuốn ông về thời nguyên thuỷ hoang sơ mất rồi.

Sau này, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ lại, kể: Ăn vừa xong thì con hổ mẹ về. Nó ôm cột nhà sàn rung đùng đùng. Trâu, bò, dê, heo, gà ngan... chết khiếp, kêu loạn xị, phá chuồng. Một lúc rồi cũng yên ắng. Chú em Thụy vội vã xuống đất nhặt xương hổ (chắc là định mang về nấu cao) thì sạch bách, không một mẩu nào. Có dễ hổ mẹ về nhặt xương của con mang đi... Chuyện hư thật như huyền thoại. Tôi nghe nói cả Đông Đương còn một con hổ thọt. Có khi hai nhà văn này ăn thịt mèo rừng lại cứ tưởng là hổ!?

 

Hết đợt đi Mo Ray, chúng tôi trở lại phố núi. Nhà văn Lê Văn Thiềng đón về báo Kon Tum. Hai ông thì thào chuyện gì đó, lát sau, Trung Trung Đỉnh bảo tôi:

"Anh không phải phiền máy di động của chú nữa".

"Bác mượn di động của em cũng giống như mượn bánh xà phòng thơm về tắm. Xót ruột thật, nhưng thằng "không có con gái" này vẫn... zô tư".

"Thôi, anh có rồi. Thật mà."

Tôi chưa kịp hỏi: sao có nhanh thế, quay ra đã thấy nàng mắt bồ câu tròn, xinh xắn, mặc quần bò, áo phông xuất hiện, xin gặp nhà văn Trung Trung Đỉnh. Theo cô gái thì: Có một người giấu tên, đọc tiểu thuyếtLạc Rừng cảm phục tác giả quá. Hôm trước giở báo Kon Tum, đọc bài viết về Trung Trung Đỉnh mới hay nhà văn lơ ngơ quá, chưa biết dùng điện thoại di động. Bạn đọc giấu tên ấy nghe tin nhà văn vào Tây Nguyên, bèn mua cái điện thoại samsung và nhờ nhân viên đại lý mang đến tặng. Dù Lê Văn Thiềng báo trước có chuyện đó, nhưng ông Đỉnh vẫn bất ngờ. Chỉ đến khi cô gái chìa quyển Lạc Rừng, xin chữ ký Trung Trung Đỉnh giúp người bạn đọc giấu tên kia, ông mới tin là thật. Ông đặt bút ký loằng ngoằng, rồi ngây mặt ra sung sướng. Làm nhà văn như Trung Trung Đỉnh được bạn đọc quý mến đến như vậy, dễ chẳng được mấy người?!

Tôi mất nửa giờ đồng hồ hướng dẫn Trung Trung Đỉnh dùng máy di động. Văn Công Hùng thấy thế cứ cười hí hí. Nói trước ông Đỉnh quên sau. Viết văn hay thế, bạn đọc quý mến thế, mà có vài thao tác gọi và nhắn tin cũng quên.  

"Thôi chết rồi, chú bấm giúp để anh gọi về cho con gái".

Lại con gái! Nghe tiếng tút tút, tôi trao máy cho ông:

"Bố đây! Bố Đỉnh đây. Thế nào con gái? "Thắng không kiêu, bại không nản nhé!" À... đỗ rồi à? Thừa những 4 điểm? Ba con 9 à? Tại sao không phải là ba con 10 mà chỉ được ba con 9? Ngày trước tân binh, bố bắn bài một được ba con 10 cơ đấy...".

Con bé Thảo đỗ vào đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông Đỉnh sướng run người, lại còn cố lên giọng mắng yêu con gái: "Tại sao không phải ba điểm 10?" Hách ghê!

Chúng tôi mừng quá! Còn mừng hơn cả Trung Trung Đỉnh. Cuộc đàm thoại ngưng, nét mặt ông rạng rỡ, các cơ dãn hết ra. Rồi ông bần thần, cứ như đang trong mơ, cứ như vừa bỏ khỏi gánh nặng ngàn cân trên đôi vai gầy. Tôi bảo:

"Bác sướng nhé. Dứt khoát chuyến này về Hà Nội, em bảo con bé Thảo: Mày làm bố mày mất ăn mất ngủ cả tuần. Chú cũng không yên ổn 7 ngày. Con gái con lứa gì mà bố khổ thế?"

Ông Đỉnh cười hớn hở, bảo:

"Chú không có con gái, biết đếch gì!"

 3356 chữ                        Tháng 12. 2009

Sương Nguyệt Minh 

 

DSC00469[1].jpgBác Đỉnh: Chú có 2 con gái, biết đếch gì?

 

 

DSC06361[1].jpgSương Nguyệt Minh: Rượu này tôi ủ   đúng 100 năm, may nhờ  có ông vợ mới cho khui đấy, mình uống một trận cho đã

 

DSC06106[1].jpg

Đỗ Tiến Thụy: Chụp ảnh té ra khó hơn viết văn các bác ạ

 

Hữu Kim: Lên xe bông thích thật