Friday, October 31, 2008

Quelque chose dans mon coeur - Elsa



Nhan dip bo sang Phap cong tac, cha co gi tang hai me con, hihi. Hai me con nghe bai hat nay cho phan khoi ty hi.

Sunday, October 12, 2008

Mùa thu cho em

Châu âu đẹp nhất mùa thu. Không biết khi nào mới được cùng em dạo trên những con đường đầy lá vàng.
Tặng vợ yêu bài hát Mùa Thu Cho Em.
Sáng tác: Ngô Thụy Miên
Ca sỹ: Tùng Dương

| Tang vo Le Thu Hien

Sống ở châu Âu không nhiều tiền nhưng con hạnh phúc

Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn Việt kiều mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác, con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn. (Hằng Nga)

From: Hằng Nga
Sent: Friday, October 10, 2008 3:26 AM
Subject: Gui toa soan: Tam su cua mot nguoi con gai song o chau Au gui me Viet Nam

Ngày 9 tháng 10 năm 2008

Mẹ thân yêu,

Con hôm nay rất vui được nói chuyện với mẹ, cũng lâu rồi con không gọi điện về. Cũng muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng con biết mẹ sợ con tốn tiền, nên không muốn nói lâu.

Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn Việt kiều mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác, con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn.

Đúng là nếu con sống ở Việt Nam, con sẽ giàu hơn ở đây nhiều lần, con gái mẹ ở Việt Nam làm việc ở một công ty danh tiếng và lương nghìn đô. Có nhiều lý do lắm, ở Việt Nam, con không phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm và thuế cao. Hiện nay nhà của bọn con là 700 euro một tháng. Ở Việt Nam cho dù phải trả tiền nhà, cũng sẽ không đắt như thế này, cộng thêm tiền nước và điện thì tổng cộng số tiền là một nghìn euro mỗi tháng.

Tiền bảo hiểm bắt buộc của con và anh Peter mỗi tháng là 500 euro. Bảo hiểm này bao gồm nhiều loại: sức khỏe, sự rủi ro (một ví dụ đơn giản nếu con chơi bóng và làm vỡ kính nhà hàng xóm, thì bảo hiểm sẽ trả tiền đó), bảo hiểm tính mạng (nếu anh Peter hay con có vấn đề gì, bảo hiểm sẽ trả tiền bằng thu nhập của người đó, cho người còn sống, đến lúc người đó chết). Nhờ có loại bảo hiểm này mà mẹ anh Peter mặc dù không có lương hưu, vì bà chưa bao giờ đi làm, vẫn sống thoải mái, mua nhà và ôtô, đi du lịch, vì bà sống bằng tiền hưu và tiền bảo hiểm của bố anh ấy.

Tất cả thu nhập của bọn con, đều phải trả thuế 40%, lương của anh Peter hiện nay là 2650 euro, sau thuế còn 2.000. Lương của con thì không ổn định, nhưng cũng luôn bị trừ trực tiếp như vậy, ví dụ những buổi dạy tiếng Việt con được trả 100 euro thì tiền trong tài khoản luôn là 60 thôi. Đôi khi dạy tiếng Việt cho cá nhân đi du lịch, con đề nghị họ trả tiền mặt (tức trốn thuế), họ sẽ đồng ý, nhưng mặc cả, thay vì 20 euro một tiếng, họ sẽ đưa 14 euro thôi thì cũng như nhau. Khi đó thì con sẽ thích họ trả cả thuế hơn, vì càng nộp nhiều thuế, thì tiền hưu sẽ càng nhiều.

Vì những điều đó, mà sau khi trừ các khoản và ăn uống, tiền để dành của bọn con là không nhiều. Thực ra, đa số dân số ở đây cũng vậy thôi, bù lại luôn cảm thấy yên tâm, vì bất kỳ chuyện gì xảy ra, nhà nước và bảo hiểm sẽ lo hết, mình không cần lo gì cả. Tiền con đi bệnh viện là rất nhiều, con chỉ cần ký giấy, bảo hiểm trả. Nếu giả sử anh Peter mất việc, anh ấy sẽ vẫn được nhận số tiền trợ cấp bằng 90% lương cũ, cho đến ngày có việc mới (thời gian anh Peter mất việc là như thế, vì vậy mặc dù bố mẹ ở Việt Nam giục nhiều, anh ấy cũng không vội vàng tìm việc mới!).

Những người có thu nhập như bọn con, gọi là trung bình khá, là như vậy. Những người có thu nhập thấp, như mấy anh chị Việt kiều vẫn biếu mẹ tiền mỗi khi về Việt Nam, chị Hà hay chú Trung, thì lại 'cực kỳ sung sướng'. Thu nhập thấp là dưới một nghìn euro một tháng. Nhà nước sẽ trợ cấp thêm tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, con cái và thậm chí cả đi lại và xem ca nhạc. Những người này, nếu làm thêm (trốn thuế) thì sẽ tiết kiệm giàu hơn những người như bọn con (nhưng nếu bị phát hiện trốn thuế thì sẽ bị phạt tiền nặng và đi tù). Cũng vì thế mà những người như chị Hà không bao giờ có ý định kiếm việc đi làm, vì tính ra, sẽ thiệt vô cùng.

Bọn con có thể sẽ lên được mức trung lưu, nếu con cũng đi làm chính thức như anh Peter, tức là 5 ngày, 40 tiếng một tuần. Nếu con đi làm bây giờ, số tiền con sẽ nhận được khoảng 1.500 euro (đã trừ thuế), thu nhập của con sẽ là tiền tiết kiệm, mỗi năm sẽ là khá nhiều. Nhưng con đã không đi làm, vì lý do ba năm đầu không được sinh con, và mỗi năm sẽ chỉ được nghỉ 10 ngày phép.

Thực ra tuần trước con đã chuẩn bị ký hợp đồng làm cho một hãng bảo hiểm, nhưng rồi lại thôi vì con nghĩ bây giờ bố mẹ vẫn còn sống và mỗi năm con chỉ có thể về Việt Nam 10 ngày, rồi lại đi, thì chịu sao được. Mà nếu nghỉ quá thì bị đuổi việc (bị mất việc thì vẫn được trợ cấp, nhưng bị đuổi thì không được gì hết). Hơn nữa, nếu sinh kịp cháu bây giờ thì nó còn kịp gọi ông bà ngoại. Sau ba năm nữa, biết chuyện gì xảy ra. Vì thế mà đến giờ này, con vẫn không làm chính thức ở đâu cả.

Vì vậy mặc dù thu nhập của con bây giờ là không ổn định và không nhiều, con vẫn rất yêu cuộc sống của con bây giờ, làm tư vấn, ba ngày một tuần, thời gian còn lại làm thêm các việc khác, chăm sóc nhà cửa, chơi thể thao và làm được nhiều việc mà con thích. Nếu có con, con hoàn toàn tiếp tục làm như thế này được.

Anh Peter rất ủng hộ công việc này và không bao giờ ép con đi làm chính thức ở đâu cả. Bọn con cùng thống nhất mục đích sống là không cần nhiều tiền, đủ ăn và tự do, làm được những việc mà mình thực sự mong muốn.

Dĩ nhiên nếu con làm kinh doanh được, như chị Thảo, thì cũng sẽ giàu lắm, nhưng sao con không thích việc kinh doanh chút nào cả, phải lo nghĩ và tính toán, và con cũng không biết là phải lo nghĩ và tính toán thế nào. Con thích công việc bây giờ của con. Và việc con thích nhất là nếu con nhớ bố mẹ và gia đình, con có thể mua vé và về bất kỳ lúc nào, không cần xin ai hay có bất kỳ điều kiện gì khác.

Nếu anh Peter đi công tác ở một nước nào, con luôn đi cùng được, lại được du lịch và khám phá. Con không thích như chị Hạnh, bạn Nhung hay em Lan ở đây, có thể mua vé về bất kỳ lúc nào, nhưng không bao giờ về được vì phải đợi ba năm mới đủ 30 ngày phép cho một lần về. Mọi người ghen tỵ với con lắm, nhưng chưa bao giờ con ghen tỵ với số tiền tiết kiệm mà mọi người có được trong ngân hàng.

Vài dòng tâm sự với mẹ về những suy nghĩ của con, có lẽ cũng không được bình thường lắm. Mẹ yên tâm một điều, con vui với cuộc sống, với cơ hội con đang có và những việc con đang làm. Con có thể không nhiều tiền, nhưng con rất hạnh phúc.

Con yêu và nhớ bố mẹ nhiều.

Con Hằng Nga.

Source: http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Tam-su/2008/10/3BA07597/

Thursday, October 9, 2008

Chơi với con sẽ giúp trẻ tăng IQ



Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày và nhiều hơn thế để chơi cùng con, chơi thực sự hứng thú, say sưa. Nhờ đó, bạn có thể giúp trẻ tăng chỉ số IQ đến 10 điểm.

Bạn sẽ học được rất nhiều thứ về đứa con cũng như về chính bản thân khi chơi cùng trẻ. Khoảng thời gian đó đem lại cho bé thông điệp: “Mẹ luôn sẵn sàng dành thời gian cho con vì con là người mẹ vô cùng yêu quý”. Ai cũng biết chơi là hoạt động chủ đạo ở tuổi mầm non, trẻ em học qua trò chơi, nhưng không phải ai cũng biết cách chơi cùng để giúp trẻ phát triển trí tuệ.

Ảnh: Inmagine
Học cách chơi với con

Bạn luôn cảm thấy thiếu thời gian để chơi với trẻ nhưng lại sẵn sàng ngồi hàng giờ trước TV? Bạn nghĩ mình đang lãng phí thời gian nếu ngồi chơi xếp hình với con trong khi lẽ ra có thể làm được nhiều việc khác? Thực ra chơi cùng con là cách đầu tư tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ trẻ.

Thời gian cha mẹ dành để chơi cùng con tỷ lệ thuận với sự phát triển trí tuệ. Khi đó, bạn sẽ giúp bé cải thiện hành vi nhờ đạt thành tích và cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân. Đó là cách tốt nhất hình thành sự tự tin.

Bạn không cần chơi với con suốt cả ngày và con bạn cũng không muốn chơi với bố mẹ nhiều thế đâu. Tuy nhiên, bạn càng sớm thể hiện cho bé biết mình thích thú khi chơi với bé bao nhiêu thì bé cũng sẽ thích thú chơi cùng bạn bấy nhiêu khi lớn dần lên.

Chơi với con có ích cho cả bố mẹ

Đó là khoảng thời gian bạn tách mình ra khỏi những toan tính công việc, những lo âu, stress… và chỉ dành sự chú ý cho một thiên thần bé bỏng - người có thể dạy cho bạn cách thư giãn, cảm nhận tình yêu thương... Thông qua các trò chơi, bạn hiểu được tính cách của con mình và khả năng của trẻ trong mỗi giai đoạn.

Trẻ thường bộc lộ rõ hơn bản thân cho cha mẹ thấy qua các trò chơi. Thông qua việc chơi cùng nhau, mối quan hệ của cha mẹ và con cái ngày càng được thắt chặt hơn. Thời gian chơi với con giúp cha mẹ đặt mình vào vị trí của trẻ, hiểu được cái nhìn và cách suy nghĩ của trẻ.

Hãy để trẻ khởi xướng

Một nguyên tắc tối quan trọng mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ là: Bất kỳ hoạt động nào do bé khởi xướng cũng sẽ thu hút bé lâu hơn so với hoạt động do người lớn gợi ý. Khi bé chọn chơi gì thì bé sẽ học được nhiều điều hơn từ trò chơi ấy. Các trò chơi do bé khởi xướng cũng góp phần nâng cao giá trị bản thân cho bé.

Có thể bạn sẽ than thầm: "Ôi không, lại là trò xếp hình cũ rích” hoặc “chúng ta đã đọc chuyện con mèo trong chiếc mũ mấy chục lần rồi”. Đó chính là thử thách của việc làm cha mẹ. Bạn sẽ cảm thấy chán câu chuyện đó từ rất lâu trước khi con bạn chán. Đó là vì người lớn quá chú trọng vào kết quả, vào tính mục đích. Còn bé tập trung vào chi tiết nên luôn phát hiện ra nhiều điều mới lạ qua mỗi lần chơi, cảm thấy hứng thú với chính quá trình chơi mà ít quan tâm đến kết quả. Trí tuệ phát triển từ chính những khám phá mới qua mỗi lần chơi, từ sự tương tác với người cùng chơi, từ hứng thú với chính quá trình chơi.

Bạn có thể dựa theo sở thích của chính trẻ để gợi ý tổ chức lại cách chơi ngầm đưa ra những tình huống, lồng vào đó những nhiệm vụ để trẻ tập trung chú ý, học cách quan sát, ghi nhớ, suy nghĩ, lý giải…, nhờ đó kích hoạt tư duy sáng tạo. Chẳng hạn, nếu trẻ thích vẽ, thay vì để trẻ tự vẽ, tô màu tuỳ hứng, bạn vẽ cho trẻ một cái thân và cái đầu con sâu, sau đó yêu cầu bé thêm các chi tiết thành con sâu có 5 mắt, 5 chân, trên mình có các chấm tròn màu vàng... rồi cùng bé thảo luận về những đặc điểm của con sâu kỳ lạ đó.

Nếu bạn muốn trẻ chơi một trò khác thì tốt nhất không nên nói "thôi không chơi trò này nữa" mà tìm cách thay đổi như thể trò chơi cũ vẫn đang tiếp tục. Ví dụ, bạn có thể dừng câu chuyện đang đọc lại và hỏi: “Con sẽ làm gì nếu chú mèo này ra khỏi mũ và đi ra ngoài chơi?” hoặc “Chúng ta hãy cùng nhau nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu…?”.

Giúp con bạn cảm thấy bé thật đặc biệt

Trong quá trình chơi với con, hãy dành sự chú ý của mình vào bé. Nếu bạn ngồi chơi với con mà tâm trí còn mải lo lắng đến công việc thì bé sẽ cảm nhận được và sẽ không có ai thu được lợi ích từ trò chơi cả. Điều tệ hơn là bé sẽ không nhận ra giá trị của việc bạn dành thời gian cho mình và đi tới kết luận là "con không quan trọng đối với mẹ”.

Hãy làm cho bé cảm nhận mình là người thật đặc biệt vì được bạn chơi cùng. Bé được chơi theo ý tưởng và cách chơi của mình nhưng dưới sự tổ chức, định hướng của người lớn.


TS. Nguyễn Công Khanh, ThS. Hà Thiên Lý
Source: http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2008/05/3BA01C6E/

Những ngộ nhận danh xưng tốn kém


Nguyễn Văn Tuấn

Tuần qua, Tuổi trẻ đưa tin về một giáo sư ở Hà Nội được bầu là một trong những “bộ óc vĩ đại” của thế kỉ 20 và tiểu sử của ông được đưa vào một cuốn từ điển danh nhân thế giới. Trước đó một tuần, báo Giáo dục và Thời đại đưa tin một giáo sư cũng ở Hà Nội được tăng danh hiệu “nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ 20” và tên tuổi ông cũng được đưa vào quyển từ điển danh nhân thế giới. Trong vòng vài năm trở lại đây, có nhiều nhà khoa học hoặc được kết nạp vào New York Academy of Science (Viện hàn lâm khoa học New York), hoặc đề cử có tên trong các từ điển danh nhân loại “Who is Who”. Cố nhiên các nhà khoa học này có ít nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học, nhưng việc họ có tên trong các từ điển danh nhân hay được phong tặng những danh hiệu to lớn như thế có thực sự là một vinh dự, hay phản ánh tầm cỡ vĩ đại của nhà khoa học, hay là nạn nhân của những chiêu thức tiếp thị tinh vi của các công ti chuyên kinh doanh tiểu sử? Đây là một vấn đề cần xem lại cẩn thận. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số thông tin liên quan để bạn đọc lượng xét.

Sản phẩm quan trọng số 1 của một nhà khoa học là những bài báo khoa học được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế (thường là tập san chuyên môn), hay những bằng phát minh được công nhận cấp bản quyền (patent). Những bài báo hay bằng phát minh là một “chứng chỉ” về cống hiến tri thức và ý tưởng cho thế giới của nhà khoa học. Có công thì có thưởng: với những đóng góp tri thức, nhà khoa học có cơ hội thăng chức trong guồng máy khoa bảng, hay được đồng nghiệp trên thế giới biết đến và ghi nhận đóng góp.

Tùy theo tầm quan trọng của những góp vào khoa học, hình thức ghi nhận có thể là nhà khoa học được mời giảng dạy và giữ các chức vụ trọng yếu trong một hiệp hội chuyên môn, hay được trao một giải thưởng cao quí nào đó. Nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu vừa qua được trao giải Cray và được mời đi giảng nhiều nơi trên thế giới vì một đóng góp quan trọng của anh trong toán học. Với một cống hiến xuất sắc có giá trị lâu dài, nhà khoa học có thể được đồng nghiệp đề cử nhận giải Nobel, hay được tiến cử vào các tổ chức khoa học cấp cao như viện hàn lâm khoa học. Nhà vật lí lừng danh Albert Einstein và nhà sinh học James Watson (người phát hiện DNA) vừa là những người từng được giải Nobel, vừa là những thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì (The National Academy of Sciences of The USA).

Phân biệt thật và giả: tên gọi

Nhưng cần phải phân biệt những viện hàn lâm khoa học thật và những cơ sở kinh doanh núp dưới danh hiệu “viện hàn lâm khoa học”.

Nói một cách nôm na và tượng hình, viện hàn lâm khoa học “thật” là một văn bằng tốt nghiệp đại học cho một nước, và là một biểu tượng cho một nền khoa học đã trưởng thành. Ở các nước có nền kinh tế và khoa học phát triển cao như Mĩ, Anh Quốc, Pháp, Úc, Thụy Điển, Nga (và Liên Xô cũ), Trung Quốc, v.v... đều có một viện hàn lâm khoa học. Ở Nga, Viện hàn lâm khoa học (Russian Academy of Science) được thành lập từ năm 1724 là một trong những trung tâm khoa học danh tiếng thế giới, với nhiều thành viên từng được giải Nobel. Ở Trung Quốc, Viện hàn lâm khoa học (Chinese Academy of Science) hoạt động từ năm 1949 cũng là một cái “nôi” khoa học và có uy tín trên trường quốc tế.

Ở Mĩ, sau cả trăm năm lập quốc và đạt được nhiều thành tựu giáo dục đáng kể, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kì được thành lập vào năm 1863; ở Úc, mãi đến năm 1954 Viện Hàn lâm Khoa học Úc (Australian Academy of Science) mới ra đời sau khi Úc đã có hai nhà khoa học chiếm giải Nobel về y khoa. Hội Hoàng gia (The Royal Society) của Anh Quốc, hay Hoàng gia Hàn lâm viện (Royal Academy of Sciences, cơ quan có chức năng tuyển chọn người lãnh giải Nobel hàng năm) của Thụy Điển cũng được hình thành vào thế kỉ 19 khi mà nền khoa học của họ đã ở vào giai đoạn “trưởng thành.” Đây là những viện lâu đời và có uy tín rất cao trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Tuy nhiên, không giống như các viện hàn lâm khoa học Nga và Trung Quốc (nơi mà viện hàn lâm là một trung tâm nghiên cứu có nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau), ở các nước Tây phương như Mĩ, viện hàn lâm không phải là một viện nghiên cứu, cũng không phải là tập hợp các viện nghiên cứu, mà là một đoàn thể hay tổ chức bất vụ lợi có chức năng chính là: (i) cố vấn cho chính phủ các chính sách liên quan tới khoa học và kĩ thuật; và (ii) giáo dục và cổ động quần chúng về khoa học và vai trò của khoa học trong xã hội. Do đó, các viện hàn lâm này thực chất là những hiệp hội độc lập với chính phủ, không nhận kinh phí từ chính phủ, và chính phủ không dính dáng vào việc điều hành. Các nhà khoa học tự điều hành và kinh phí thường do đóng góp từ tư nhân và của chính các nhà khoa học.

Ngoài các viện hàn lâm quốc gia lâu đời đó, ở các nước Tây phương còn có rất nhiều tổ chức, hội đoàn với danh hiệu “Academy”, như Academy of Learned Socities for the Social Scienes, American Academy of Political and Social Science, Academy of Medicine, Engineering and Science of Texas, National Academy of Engineering, v.v… Đây không phải là viện hàn lâm khoa học, mà là những hội đoàn chuyên môn. Thay vì lấy tên là Society hay Association, các nhóm này lấy tên là Academy. (Cần phải nói thêm rằng danh từ Academy Institute trong tiếng Anh cũng có thể dùng để chỉ một trung tâm huấn luyện cảnh sát (như Police Academy), cơ sở dạy nhảy đầm, cơ sở dạy võ, tiệm cắt tóc & uốn tóc, v.v…).

Bên cạnh những viện hàn lâm quốc gia và các hội đoàn chuyên môn, ở Mĩ còn có rất nhiều nhóm thương mại chuyên môn kinh doanh tên họ hay tiểu sử của các nhà khoa học dưới những cái tên rất khoa học như “Academy” (Viện hàn lâm) hay “Institute” (Viện nghiên cứu). Các nhóm lâu đời và nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh này phải kể đến New York Academy of ScienceInstitute of Biography (viện tiểu sử). Trong thực tế, báo chí Mĩ cho biết nhiều “tổ chức” này chẳng có văn phòng gì đồ sộ cả, phần lớn làm việc trong một văn phòng với vài ba nhân viên, thậm chí trong nhà chứa xe (garage)! Đó là chưa kể hàng chục công ti chuyên sản xuất hàng trăm từ điển tiểu sử cho từng bộ môn khoa học khác nhau.

Những viện hàn lâm giả hiệu này tất nhiên là chẳng được giới khoa học công nhận hay để ý đến, bởi vì họ không hoạt động cho khoa học mà chỉ là những công ti thương mại thuần túy. Hàng năm, họ xuất bản hàng trăm cuốn từ “điển danh nhân” như “Who is Who in Engineering”, “Who is Who in Science”, “Who is Who in Medicine”, “Who’s Who in Execxutives and Professionals”, “Who’s Who in California” v.v… Công ti sống nhờ vào tiền niên liễm của những người có tên trong từ điển. Còn các “viện hàn lâm” như New York Academy of Science thì sống nhờ vào tiền đóng góp của thành viên (những người có tên trong đó dưới danh hiệu “member” – hội viên) và dùng tiền của hội viên để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Phân biệt thật và giả: hoạt động

Qui trình tuyển chọn thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì cũng giống như cách chọn nhà khoa học để trao giải Nobel. Mỗi năm hội đồng tuyển chọn gửi thư đến hàng ngàn nhà khoa học khắp nước Mĩ và yêu cầu họ đề cử người xứng đáng. Những ngưỡi được gửi giấy mời đề cử thường là hội viên của Hàn lâm viện hoàng gia (Royal Academy of Sciences), các nhà khoa học đã từng được tặng giải Nobel, các giáo sư trong các đại học Mĩ. Sau khi đã có một danh sách các nhà khoa học, hội đồng họp lại và tuyển chọn người để kết nạp vào viện hàn lâm. Thành viên cũng có thể là người nước ngoài. Trong số khoảng 1900 thành viên, có khoảng 300 là người mang quốc tịch và làm việc ở nước ngoài. Chưa có một người Việt Nam nào là thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì. Và theo tôi biết cũng chưa có một người Việt Nam nào là thành viên của các Viện hàn lâm khoa học Úc, Anh hay Thụy Điển.

Không giống như cách làm việc nghiêm chỉnh trên, các công ti kinh doanh tiểu sử dựa vào một nguyên lí kinh doanh đơn giản là tận dụng tâm lí “phải có danh gì với núi sông” (tạm mượn lời của cụ Nguyễn Công Trứ) của nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ hay mới bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, để kinh doanh. Nhà khoa học nào cũng có một chút chủ quan rằng công trình của mình là quan trọng, và tên tuổi mình đáng lưu danh với đời. Cho nên, trước những dạm hỏi và chào đón nồng nhiệt của các công ti này, nhất là xuất hiện dưới danh hiệu “viện hàn lâm”, nhà khoa học khó mà vượt qua những cám dỗ ngọt ngào này.

Cách thức kinh doanh kinh doanh của họ rất đơn giản. Hàng năm, họ tra cứu các tập san khoa học quốc tế, tìm tên tác giả của các bài báo khoa học, rồi rà soát lại xem có phải đây là những tác giả mới xuất hiện, hay là những tác giả đã “có tên tuổi”. Tùy vào vai vế của tác giả, họ gửi cho từng tác giả một lá thư đại ý cho biết tác giả đã được một hội đồng khoa học bình bầu là nhà khoa học xuất sắc trong năm, là nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ, là bộ óc vĩ đại của thế giới, là có cống hiến quan trọng cho khoa học, v.v… Nói tóm lại họ dùng toàn những danh xưng rất ấn tượng để làm cho tác giả thích thú và tưởng mình là một nhà khoa học vĩ đại hay công trình của mình có tầm vóc thế kỉ. Chẳng những gửi thư, có công ti còn gửi cả một bằng chứng nhận mẫu với tên của tác giả được in trên giấy bóng màu mè cực kì đẹp mắt và rất hấp dẫn. Họ không quên kèm theo một mẫu đặt hàng với các ô vuông để tác giả ghi vào đó số thẻ tín dụng (credit card). Giá cả thường khoảng 200 USD đến 500 USD, tùy theo danh hiệu và từ điển được bọc bìa da hay bìa giấy cứng. Khi đã trả tiền qua thẻ tín dụng, tác giả chờ khoảng 6 tháng (để họ in từ điển) để có những “chứng từ” ấn tượng đó. Nhưng giá trị của nó chỉ 1 năm mà thôi. Nếu năm tới tác giả muốn có tên mình trong từ điển nữa hay muốn duy trì thành viên của “viện hàn lâm” thì phải đóng thêm tiền. Bất cứ một sinh viên nào trên thế giới đều có thể trở thành “viện sĩ” một năm nếu họ chịu trả tiền.

“Viện sĩ” có phải là một danh dự?

Đối với phần đông quần chúng, cụm từ “viện hàn lâm” đồng nghĩa với nơi tập trung của những bộ óc siêu việt, những con người thông thái nhất của một quốc gia. Nhưng trong thực tế ở các nước có nền khoa học tiến bộ cao như Mĩ thì điều này chỉ đúng một phần, vì như nói trên, viện hàn lâm chỉ là một đoàn thể, là một cơ quan đại diện [có thể là cao nhất] cho các nhà khoa học.

Vì là đoàn thể, nên có người thích tham gia và có người không thích tham gia. Trong số khoảng 350 nhà khoa học và xã hội Mĩ đoạt giải Nobel, chỉ có 170 người là thành viên của Viện này. Đã có nhiều người cho rằng Viện hàn lâm chỉ là một câu lạc bộ kín ("close club") của các vị có tuổi, nơi mà chỉ có các nhà khoa học quen biết với nhau qua giao thiệp xã giao, hơn là một cơ quan đại diện chân chính cho các nhà khoa học. Thành ra, nhiều nhà khoa học lớn, những người tự coi họ là làm khoa học loại "thứ thiệt" (hard-core scientists), những người không thích hư danh hay ồn ào trên các hệ thống truyền thông, thì không thích có mặt trong Viện này. Nhà vật lí học danh tiếng Richard Feynman – cũng như nhiều nhà khoa học lừng danh khác – không phải là thành viên của một viện hàn lâm nào cả.

Danh xưng “Viện sĩ” (Academician) có lẽ xuất phát từ truyền thống khoa bảng ở các nước Đông Âu cũ, nơi mà viện sĩ là những nhà khoa học xuất sắc được tuyển chọn bình bầu một cách nghiêm chỉnh. Cả nước Trung Quốc chỉ có 14 viện sĩ trong ngành khoa học máy tính. Tuy nhiên, truyền thống dùng danh xưng viện sĩ trước tên tuy vẫn còn tồn tại, nhưng số người dùng thì không bao nhiêu, nếu không muốn nói là rất hiếm. Ngược lại, ở các nước Tây phương như Mĩ, Anh và Pháp chẳng hạn, không một thành viên nào của viện hàn lâm khoa học dùng danh xưng “Academician” trước tên mình. Một số có dùng thì chỉ dùng sau học vị của họ (như John Smith, PhD, FAAS –viết tắt của chữ Fellow of the Australian Academy of Science), và chỉ dùng trong các công văn, chứ không bao giờ trên báo chí kiểu “Academician John Shine” cả. Điều này cũng đơn giản, bởi vì danh xưng “viện sĩ” không phải là một chức danh khoa học, cũng chẳng phải là một đẳng cấp khoa bảng.

Trong cộng đồng nghiên cứu khoa học, các viện hàn lâm dỏm như New York Academy of Science hay Institute of Biography không có một uy tín gì cả. Để nhấn mạnh, xin lặp lại cho rõ: không có một uy tín gì cả. Do đó, thành viên của Viện hàn lâm khoa học New York không phải là một danh dự, càng không phải là một chứng nhận về sự thành đạt trong hoạt động khoa học. Thành viên của các “viện” này chẳng ai dám dùng chữ “viện sĩ” trước tên mình. Thực ra, ngược lại là đằng khác: các nhà khoa học nào liệt kê trong lí lịch mình là thành viên các nhóm này thường được đánh giá là ngây thơ trong trường khoa học.

Thế nhưng tiếc thay, rất nhiều nhà khoa học Việt Nam trong những năm gần đây hồ hởi tham gia vào các công ti kinh doanh này, và tự hào gắn thêm danh hiệu “viện sĩ” trước học vị và tên mình! Có vị còn in trên danh thiếp danh hiệu “Academician”! Đối với giới khoa học “thứ thiệt” ở phương Tây, cái danh hiệu đó không chỉ là một chuyện tiếu lâm, mà còn nói cho họ biết tác giả của nó chỉ là một người còn quá ấu trĩ trong trường khoa học.

Tránh thêm ngộ nhận và tốn tiền!

Các công ti kinh doanh tiểu sử và viện hàn lâm dỏm đã khá thành công trong thị trường các nước Tây phương một thời gian, đến khi giới khoa học biết được chân tướng thật của họ. Hiện nay, các nước Tây phương không còn là thị trường kinh doanh của họ nữa, cho nên họ phải tìm một thị trường mới. Đối với họ, các nước Đông Âu, Á châu và Phi châu là thị trường béo bở, bởi vì giới làm khoa học ở đây thiếu thông tin. Thiếu thông tin dễ dẫn đến ngộ nhận và tốn kém.

Thử tưởng tượng một người làm khoa học ở Việt Nam có vài bài báo công bố trên một tập san khoa học của Mĩ, một ngày đẹp trời nào đó nhận được thư từ một ông viện trưởng viện hàn lâm trịnh trọng báo cho hay là mình đã được kết nạp vào viện hàn lâm. Cái giây phút đó ắt phải là một thời điểm mãn nguyện lắm chứ, bởi vì công trình mình phấn đấu bao năm nay đã được ghi nhận! Còn 300 USD để được kết nạp vào viện và có tên trong từ điển danh nhân? Ôi, có là bao. Tiếng quan trọng hơn tiền! Ngày xưa các vị tiến sĩ có tên trên bia đá ở Quốc tử giám, thì ngày nay ta có tên trong đại từ điển danh nhân. Đó là một tâm lí cực kì thuận tiện cho các công ti thương mại Mĩ.

Source: Thoi bao Kinh Te Saigon

Wednesday, October 8, 2008

Để thực hiện tốt một luận văn khoa học

GS.TS. HOÀNG VĂN CHÂU - Đại học Ngoại thương

Theo GS, TS Hoàng Văn Châu Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chủ yếu của sinh viên trong các trường đại học. Một trong những thể hiện của nghiên cứu khoa học là viêt luận văn khoa học.

Luận văn khoa học là chuyên khảo về một vấn đề khoa học hoặc công nghệ do một người viết nhằm mục đích:
- Rèn luyện về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học;
- Thể nghiệm kết quả của một giai đoạn học tập hay một vấn đề khoa học quan tâm;
- Bảo vệ công khai trước Hội đồng hoặc được chấm để lấy bằng tốt nghiệp đại học hoặc học vị thạc sỹ, tiến sỹ

Luận văn khoa học bao gồm:

- Tiểu luận môn học, Thu hoạch (báo cáo) thực tập: là báo cáo về một vấn đề thuộc một môn học hay một vấn đề thực tiễn tại một đơn vị nào đó nhằm rút ra những kết luận hay đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để thực hiện hay cải tiến vấn đề nêu ra, có độ dài không quá 30 trang;

- Khoá luận tốt nghiệp hay Đồ án tốt nghiệp: là chuyên khảo mang tính chất tổng hợp, thể nghiệm kết quả sau một khoá đào tạo đại học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hay khoa học kỹ thuật, được chấm hay bảo vệ để lấy bằng cử nhân hay kỹ sư, có độ dài khoảng 80 trang;

- Luận văn Thạc sỹ: là chuyên khảo sâu về một vấn đề khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc quản lý cụ thể, chứng tỏ học viên đã nắm vững kiến thức đã học, nắm được phương pháp nghiên cứu và có kỹ năng năng thực hành về vấn đề nghiên cứu, có độ dài khoảng 100 trang và được bảo vệ trước Hội đồng để lấy học vị thạc sỹ.

Mục đích chính của luận văn là học tập, phản ánh kết quả học tập, đồng thời cũng là một công trình nghiên cứu khoa học, thể hiện lao động khoa học nghiêm túc, độc lập, sự tìm tòi, sáng tạo của người viết, những ý tưởng khoa học của người viết. Luận văn là một công trình khoa học nên đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc và phải đạt yêu cầu: luận văn phải có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn; số liệu và các nguồn trích dẫn phải chính xác và đáng tin cậy; văn phong mạch lạc, chuẩn xác; được trình bày đúng quy định và thể hiện người viết có phương pháp nghiên cứu.

Để viết một luận văn, cần tiến hành các bước sau đây:

1- Lựa chọn và đặt tên đề tài luận văn:

Đề tài luận văn có thể do Khoa, Bộ môn, các thầy, cô giáo gợi ý hay do bản thân sinh viên đề xuất nhưng không được trùng lặp với các đề tài đã được nghiên cứu trước đó. Tốt hơn cả là sinh viên tự tìm hiểu, suy nghĩ và đề xuất vấn đề nghiên cứu trên cơ sở ý thích, năng lực, sở trường, mối quan hệ … hay những ý tưởng đã hình thành trước đó của mình.

Những ý tưởng nghiên cứu thường được hình thành khi: nghe giảng trên lớp; đọc sách báo; trao đổi, tranh luận với các nhà khoa học, đồng nghiệp; thực tập, thực tế tại các cơ quan, công ty; suy nghĩ ngược lại những quan điểm thông thường; nhận dạng những vướng mắc trong hoạt động thực tế; nghe thấy sự kêu ca phàn nàn của những người khác; đi dạo …

Trên cơ sở những ý tưởng nghiên cứu, sinh viên sẽ tiến hành lựa chọn và đặt tên cho đề tài.

Để đảm bảo cho chất lượng luận văn, đề tài phải:

- Có ý nghĩa khoa học: bổ sung cho lý thuyết của bộ môn khoa học; xây dựng cơ sở lý thuyết mới hoặc làm rõ một số vấn đề lý thuyết đang tồn tại … ; những phát triển mới nhất về vấn đề nghiên cứu …

- Có giá trị thực tiễn: giải quyết các vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, quản lý … ; xây dựng luận cứ cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của ngành, của địa phương …;

- Có tính khả thi : có đủ điều kiện cho việc hoàn thành đề tài, như: cơ sở thông tin, tư liệu; phương tiện thiết bị thí nghiệm, nếu cần; có người hướng dẫn khoa học và các cộng tác viên khác; có đủ thời gian…;

- Phù hợp với sở thích, sở trường của người nghiên cứu .

Việc đặt tên đề tài một cách chuẩn xác là rất quan trong vì tên đề tài chỉ rõ đối tượngphạm vi nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu cái gì, còn phạm vi nghiên cứu chỉ rõ giới hạn về mặt không gian, thời gian và quy mô của vấn đề nghiên cứu. Tên đề tài phải ngắn, gọn, súc tích, ít chữ nhất nhưng chứa đựng nhiều thông tin nhất. Ngôn ngữ dùng trong tên đề tài phải rõ ràng, chuẩn xác để có thể được hiểu theo một nghĩa duy nhất, không được tạo khả năng hiểu thành nhiều nghĩa. Không nên đặt tên đề tài luận văn bằng những cụm từ có độ bất định cao về thông tin, như:

- Vài suy nghĩ về …

- Thử bàn về …

- Về vấn đề …

- Góp phần vào

Cách đặt tên đề tài mập mờ trên đây chỉ thích hợp cho một bài báo chứ không thích hợp cho một công trình khoa học, như luận văn, luận án và các công trình khoa học khác. Trong quá trình xác định tên đề tài, sinh viên nên tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo hoặc người hướng dẫn.

2- Xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu:

a- Xây dựng đề cương: Trên cơ sở tên đề tài đã được thông qua, sinh viên xác định đối tượng, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và lập đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu cũng chính là bố cục của luận văn, bao gồm các chương, mục phản ánh đối tượng và phạm vi nghiên cứu từ đầu đến cuối một cách logic. Nguyên tắc phải tuân thủ khi xây dựng đề cương là: tên các chương phải phù hợp với (thể hiện) tên đề tài; tên các mục lớn trong chương phải phù hợp với tên chương; tên các mục nhỏ phải phù hợp với tên các mục lớn … Đối với một luận văn khoa học, đề cương nghiên cứu, ngoài phần mở đầu và kết luận, thường gồm 3 (ba) chương.

Chương 1 thường đề cập đến những vấn đề lý luận chung, như: khái niệm, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, những vấn đề cơ bản của vấn đề nghiên cứu; Khái quát hoá các lý thuyết, học thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu (đối với khoá luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sỹ) …

Chương 2 thường dành để phân tích tình hình, thực trạng của vấn đề nghiên cứu, nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm …

Chương 3 nêu lên quan điểm, phương hướng, mục tiêu hay dự báo tình hình phát triển và đề xuất các giải pháp, phương pháp giải quyết vấn đề. Trong mỗi chương không nên có quá nhiều mục lớn mà nên bố cục khoảng 3 mục.

Các chương, mục của luận án tiến sỹ và luận văn thạc sỹ được trình bày như sau:

Chương 1: …………………

1.1. …………………

1.1.1.………………..

1.1.2.………………..

1.1.3………………………

1.2………………..

1.2.1………………

1.2.1……………..

1.3……………………..

1.3.1……………….

1.3.2……………….

1.3.3…………………

Chương 2…………………..

2.1…………………………

2.2…………………

2.3………………..

Chương 3……………………

Đối với Thu hoạnh thực tập tốt nghiệp hay Khoá luận tốt nghiệp … có thể dùng chữ số Lamã I, II, III để thay cho 1.1., 1.2., 1.3. … Đề cương không nên xây dựng quá chi tiết, vì trong quá trình nghiên cứu còn có thể có những thay đổi phụ thuộc vào nguồn tài liệu, vào những phát hiện mới của tác giả.

b. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu: Cùng với đề cương, sinh viên phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu , chỉ rõ nội dung công việc và thời gian hoàn thành.

3- Trình đề cương cho người hướng dẫn để xin ý kiến:

Sinh viên gặp người hướng dẫn khoa học với đề cương đã được chuẩn bị sẵn để xin ý kiến. Người hướng dẫn có thể góp ý để chỉnh sửa, bổ sung cho đề cương nhằm đảm bảo tính chuẩn xác của tên đề tài, sự đúng đắn và đầy đủ của nội dung nghiên cứu, tính hợp lý và logic của bố cục, tính cập nhật của các thông tin khoa học có liên quan … . Trên cơ sở đó sinh viên, học viên sửa chữa, hoàn thiện đề cương.

4- Sưu tầm, lưu trữ tài liệu, lập danh mục tư liệu, làm thí nghiệm … :

Nguồn tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu có thể tìm thấy tại thư viện, hiệu sách, trên tạp chí chuyên ngành, báo cáo, thông tin khoa học, báo chí, qua internet, các cơ quan, công ty … thông qua bạn bè, người quen … Trong quá trình thu thập tài liệu phải ghi chép, lưu trữ cẩn thận, đặc biệt là nguồn của các tài liệu, bài viết có liên quan, như: tên tác giả, tên tạp chí hay báo đã đăng tải, số, ngày tháng, phát hành, năm xuất bản … để lập thành Danh mục tư liệu và sau này đưa vào Danh mục tài liệu tham khảo.

5- Viết luận văn khoa học:

Sau khi có tương đối đầy đủ tư liệu, trên cơ sở đề cương chi tiết đã được thông qua, có thể bắt đầu viết luận văn. Việc này tốt nhất nên thực hiện trên máy vi tính, theo phông chữ thông thường Vn-Times (TCVN3) hoặc Times New Roman (Unicode), khổ chữ 13 hoặc 14, có thể bắt đầu từ Lời nói đầu hay từ Chương 1.

5.1. Nội dung của luận văn:

Luận văn, dù sắp xếp chương mục như thế nào, cũng phải có những bộ phận và nội dung cơ bản theo thứ tự : bìa chính, bìa phụ, mục lục, lời nói đầu, các chương, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nếu có.

a- Bìa chính và bìa phụ: có nội dung hoàn toàn giống nhau và được viết theo thứ tự (từ trên xuống): Tên trường; tên Khoa, bộ môn; Tên luận văn khoa học (Khoá luận tốt nghiệp, Thu hoạch thực tập tốt nghiệp …); Tên đề tài; Tên người viết và người hướng dẫn khoa học (góc phải); Nơi thực hiện, năm … Bìa chính là tờ bìa cứng ngoài cùng có màu khác nhau theo quy định (KLTN của ĐH Ngoại thương: bìa đỏ, chữ vàng). Bìa phụ là trang đầu tiên của luận văn.

b- Mục lục: Mục lục gồm khoảng 02 trang tiếp ngay sau bìa phụ, ghi rõ tên các chương, mục với vị trí trang tương ứng, giúp người đọc có thể xem nhanh những nội dung chính của luận văn và mở đọc những mục cần thiết. Không nên ghi mục lục quá chi tiết để khỏi chiếm nhiều trang mà chỉ nên ghi đến một mục nhỏ sau một mục lớn là đủ.

c- Lời nói đầu: Đối với hầu hết các loại luận văn, lời nói đầu thường chỉ gói gọn trong 1-2 trang, nói rõ lý do chọn đề tài, mục đích, mục tiêu của viêc nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tên các chương và dự kiến kết quả đạt được, cùng với lời cám ơn những người đã giúp đỡ mình trong quá trình làm luận văn. Riêng đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ, lời nói đầu thường được viết dưới dạng các mục, như: Tính cấp thiết của đề tài; Mục đích và mục tiêu nghiên cứu; Tình hình nghiên cứu; Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ; Phương pháp nghiên cứu; Những đóp góp mới của luận án; Kết cấu của luận văn, luận án.

d- Viết các chương: Như đã nói ở trên, luận văn thông thường được kết cấu thành ba chương với số trang của các chương gần bằng nhau để đảm bảo tính cân đối của luận văn. Nội dung của các chương cần có các tiêu đề, mục lớn, mục nhỏ đầy đủ, rõ ràng, tránh sử dụng quá nhiều dấu ký hiệu: #, *, -, + … trong luận văn. Cuối mỗi chương nên có kết luận từ 7 - 10 dòng về các vấn đề đã đề cập trong chương đó bằng các cụm từ, như: Tóm lại, Nhìn chung,… Qua phân tích trên có thể rút ra kết luận

e- Kết luận của luận văn: Phần kết luận của luận văn phải để ở một trang riêng, tổng hợp tất cả các kết luận rút ra được từ việc nghiên cứu đề tài cùng với một vài giải pháp chủ yếu nhất, những khuyến nghị, dự báo xu hướng phát triển, với độ dài từ 1-2 trang. Đây là những điều khảng định hay kết luận cụ thể về các vấn đề chủ yếu được đề cập trong cả ba chương của luận văn mà tác giả rút ra được sau khi nghiên cứu, được đánh số thứ tự 1, 2, 3 … hay gạch đầu dòng (-) mà không kèm bất kỳ một lời bình luận nào. Ví dụ: Sau khi nghiên cứu đề tài, có thể rút ra một số kết luận sau đây: Những kết luận này là phần rất quan trọng của luận văn, cùng với các giải pháp, kiến nghị đề xuất, đây chính là kết quả nghiên cứu đề tài của tác giả. Do vậy, tác giả phải dành nhiều thì giờ, suy nghĩ nghiêm túc để viết chính xác và cụ thể phần kết luận này.

Cần phân biệt Kết luận với Tóm tắt. Người viết bài này đã từng gặp, trong nhiều luận văn, luận án, thay vì kết luận thì tác giả lại tóm tắt luận án và tự khen mình bằng những lời bình luận. Trong Kết luận cũng không nên nói lời cám ơn vì lời cám ơn đã được đưa vào Lời mở đầu hay đã có trang riêng như trong luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sỹ.

f- Tài liệu tham khảo: Tài liệu tham khảo bao gồm tất cả các tác phẩm kinh điển, giáo trình, sách tham khảo, luật lệ, nghị quyết, thông tư, báo cáo, các bài báo … bằng các thứ tiếng khác nhau mà tác giả đã tham khảo khi nghiên cứu và có dẫn chiếu trong luận văn.

Danh mục tài liệu tham khảo phải được ghi theo đúng quy định sau đây:

- Tài liệu tham khảo phải xếp riêng theo từng ngôn ngữ, theo thứ tự Việt, Anh, Pháp, Nga (đánh số liên tục) … Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn;

- Tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt phải xếp theo thứ tự ABC của tên tác giả, bằng tiếng nước ngoài xếp theo ABC của họ tác giả. Nếu tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo chữ cái đầu tiên của cơ quan ban hành hay phát hành ấn phẩm đó.

- Nguồn tài liệu phải có các thông tin: tên tác giả hoặc cơ quan phát hành; năm xuất bản (để trong ngoặc đơn); tên sách (in nghiêng) hoặc tên bài báo (đặt trong ngoặc kép, không in nghiêng); nhà xuất bản, nơi xuất bản (đối với sách); tên tạp chí (in nghiêng), số (trong ngoặc), trang … (nếu là bài báo).

Ví dụ cách ghi như sau:

1. Hoàng Văn Châu (2003), Vận tải-Giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, TP HCM.

2. Võ Nhật Thăng (2002), “Trách nhiệm của người giao nhận khi phát hành vận đơn FBL”, Visaba Times, (42), tr. 14-15.

3. Đinh Xuân Trình (2002), Thanh toán quốc tế trong ngoại thương, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

Các tài liệu tham khảo đánh số như trên cũng phải được trích dẫn vào luận văn ở những những chỗ cần thiết bằng cách dùng dấu móc vuông [ … ].

g- Phụ lục: Phụ lục là những bảng , biểu, số liệu, sơ đồ, hình vẽ, kết quả điều tra, khảo sát … có tác dụng chứng minh, minh họa cho các nội dung của luận văn mà nếu đưa vào luận văn thì không đẹp và chiếm nhiều trang nên được đưa vào phần cuối cùng của luận văn và không tính số trang. Phụ lục này cũng có thể được đánh số thứ tự và phải đánh số trang.

5.2. Văn phong của luận văn khoa học:

Luận văn khoa học phải được viết bằng một thứ tiếng Việt chuẩn xác, rõ ràng, mạch lạc. Khác với các bài phóng sự, tả cảnh, bút chiến … , văn phong của luận văn phải thể hiện sự nghiêm túc, giản dị, khoa học. Trong luận văn, người nghiên cứu chủ yếu đưa ra, trình bày các sự kiện, những luận cứ, luận chứng, một cách khách quan, rồi phân tích, lập luận, chứng minh để rút ra những kết luận có sức thuyết phục, tránh thể hiện tình cảm yêu, ghét đối với đối tượng nghiên cứu và tránh dùng nhiều tính từ, lối so sánh, ẩn dụ, ví von … Lời văn trong luận văn khoa học chủ yếu được dùng ở thể bị động, nên tránh dùng đại từ nhân xưng, như tôi, chúng tôi, em … mà thay vào đó có thể dùng tác giả, người viêt luận văn này

5.3. Hình thức và cách đánh máy:

Luận văn khoa học, từ bìa cho đến các trang nội dung, phải được đánh máy và trình bày một cách chân phương, nghiêm túc, trên giấy trắng khổ A4, không mùi bằng mực đen. Tuyệt đối không được thêm các hình vẽ ở các trang bìa, cũng như không được kẻ thêm vạch hay viết thêm tên người hướng dẫn, tên tác giả ở phía trên và phía dưới ở các trang bên trong. Các kiểu chữ sử dụng cũng phải chân phương, không rườm ra, màu mè, cầu kỳ, bay bướm. Luận văn chỉ được đánh máy trên một mặt của trang giấy, dùng kiểu chữ Vn-Times (TCVN3) hoặc Times New Roman (Unicode), cỡ 13 hoặc 14, dãn dòng 1,5 line, lề trên 3 cm, lề dưới 3,5 cm (nếu đánh số trang ở dưới), lề trái 3,5 cm, lề phải 2 cm. Một trang như vậy chỉ khoảng 27 dòng.

6. Bảo vệ luận văn

Luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ bắt buộc phải bảo vệ trước Hội đồng do Hiệu trưởng hay Bộ trưởng ký quyết định thành lập. Khoá luận hay đồ án tốt nghiệp đại học có thể được bảo vệ hay chấm. Tại trường ĐHNT từ năm học 2005-2005 (K40), các Khoá luận tốt nghiệp (KLTN) phải được bảo vệ trước Hội đồng gồm 03 thành viên. Để bảo vệ tốt luân văn, cần tiến hành tốt các công việc sau:
6.1. Viết tóm tắt luận văn:

Tóm tắt luận án tiến sỹ có độ dài 24 trang (khổ nhỏ), phản ánh trung thực nội dung chủ yếu của luận án, được gửi cho các nhà khoa học và các cơ quan để nhận xét. Tóm tắt luận văn thạc sỹ khoảng 15 trang được dùng trong buổi bảo vệ. Tóm tắt KLTN có độ dài từ 8-10 trang do sinh viên viết để trình bày trước Hội đồng trong vòng 10 phút. Yêu cầu của tóm tắt là ngắn gọn, cô đọng, nêu được cấu trúc của đề tài, nêu bật được những nội dung chính của khoá luận, nhấn mạnh được những nội dung cần thiết, những kết luận rút ra sau khi nghiên cứu đề tài cùng với các giải pháp, đề xuất, kiến nghị. Trước buổi bảo vệ, sinh viên nên trình bày thử để đảm bảo không vượt quá 10 phút.
6.2. Bảo vệ trước Hội đồng:

Sinh viên phải trình bày trước Hội đồng một cách rõ ràng, mạch lạc (tốt nhất không cầm giấy đọc) thể hiện mình nắm chắc vấn đề nghiên cứu, đảm bảo không vượt quá thời gian cho phép. Sau khi nghe trình bày, các thành viên Hội đồng sẽ đặt câu hỏi để kiểm tra kiến thức và cho điểm. Điểm đánh giá của các thành viên Hội đồng sẽ theo các tiêu chí: hình thức, cách đánh máy; ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài; phương pháp nghiên cứu; nội dung khoa học của khoá luận; việc trình bày trước Hội đồng; việc trả lời câu hỏi của sinh viên.

Một luận văn được đánh giá là tốt, không những phải có nội dung (có giá trị khoa học và thực tiễn) mà còn phải có bố cục hợp lý, cân đối, hình thức đẹp, trình bày và đánh máy đúng quy định cũng tức là thể hiện tác giả có biết cách nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài mới mẻ, có tính thời sự, ít người nghiên cứu, người viết có những ý tưởng sáng tạo và độc lập … cũng được đánh giá cao.

Để viết tốt luận văn, người viết phải cần cù, chịu khó, say mê trong nghiên cứu khoa học, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, cũng như người leo núi phải không sợ mỏi gối, chồn chân đi trên những con đường gập ghềnh của khoa học thì mới đạt tới “đỉnh cao xán lạn”.

Kỹ năng thuyết trình

PHẦN 1. KỸ NĂNG NÓI TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

Ông bà ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Xem ra lời nói có vẻ là thứ “rẻ” nhất mà ai cũng có và có thể sử dụng. Và điều đó gần như là đúng hoàn toàn. Nếu bạn ra ngoài đường thì đâu đâu cũng thấy nói chuyện, cửa hàng thì có người mua kẻ bán nói chuyện, trong quán nước thì từng đôi, từng nhóm nói chuyện…. Thế nhưng đó là khi tất cả mọi người cùng nói, bạn nói, tôi nói tất cả chúng ta cùng nói, thật đơn giản. Còn bây giờ khi mà trước mặt bạn là hàng trăm con mắt đổ dồn vào bạn, một bầu không khí im phăng phắc, tất cả mọi người đều chờ để nghe bạn nói. Vâng, lúc này chỉ có một mình bạn nói mà thôi. Liệu bạn có còn thấy lời nói lúc này thật rẻ, và cần là sử dụng ngay được không?

Tôi dám cam đoan với bạn rằng, khi phải đặt mình vào tình thế này, không ít người mặt đỏ tía tai, người run lẩy bẩy, nói lắp bắp. Đó là triệu chứng của căn bệnh “ngại tiếp xúc”. Tại sao vậy nhỉ? Khi tất cả mọi người đều nói, ta cũng nói, thì lời nói của chúng ta cũng chỉ có giá trị như lời nói của tất cả mọi người, sai cũng chả sao. Nhưng bây giờ, tất cả mọi người đều chờ để được nghe bạn nói. Thì lời nói của bạn lúc này có giá trị lắm, chắc chắn là nó cao hơn mọi người khác. Vì họ phải im lặng để nghe bạn nói cơ mà. Mà đã hơn người thì phải thật hoàn hảo, nói năng trôi chảy, nội dung hay, dễ hiểu,… nhưng khổ nỗi là từ bé đến giờ có mấy ai được đi học môn “nói trước đám đông” hay chỉ tự rèn rũa trong cuộc sống. Mà phàm đã việc gì làm mà chưa có một sự chuẩn bị kỹ càng thì đều tạo cho ta cảm giác bồn chồn bất an hết cả.

Do vậy, bài viết này mình đưa lên cho mọi người, hy vọng với một số đầu mục này có thể giúp bạn bớt được phần nào cảm giác căng thẳng trong lần diễn thuyết tới đây.

1. Trừ khi bạn là một nhà diễn thuyết nổi tiếng, chí ít cũng là cỡ quốc gia, còn lại, không ai quá kỳ vọng vào một bài phát biểu quá trơn tru, hoàn hảo từ bạn đâu.

Thật sự ra mà nói thế nào là một bài phát biểu hoàn hảo theo đúng nghĩa thì đến giờ mình cũng không biết chính xác. Các bạn cứ thử nghĩ mà xem, ngay cả đến những tác phẩm bất hủ của noi03.gifcác đại thi hào mà vẫn luôn có các nhà phê bình tác phẩm tìm ra được điểm chưa đạt ở góc độ này hoặc góc độ khác đấy thôi. Mà xin lưu ý mọi người, là một tác phẩm văn học đã phải trải qua rất nhiều bản nháp, nhiều đêm suy nghĩ của tác giả mới thành. Viết sai lại sửa, thế mà còn không hoàn hảo. Thì nói gì đến chuyện nói ra. Làm sao tránh được những sai sót cho dù bạn có chuẩn bị kỹ càng đến đâu. Hơn nữa là tâm lý của người đi nghe bạn nói là họ quan tâm nhất đến nội dung bài diễn thuyết của bạn. Đó mới là điều khiến họ tới nghe bạn nói. Chứ không ai mất công đến chỉ để nghe bạn nói trơn tru, không ngấp ứ mà nội dung lại chẳng có gì cả.

Do vậy nếu đã có một nội dung tốt thì bạn hãy cố gắng diễn đạt nó một cách đơn giản, trực tiếp chứ đừng cố tìm những mỹ từ trau truốt. Vì khi tìm kiếm bạn sẽ lại thấy không biết từ nào là hợp lý thích hợp, từ đó tạo ra cảm giác bất an, rất dễ suy nghĩ mọi người sẽ chê bai về từ ngữ đó. Và kết quả của sự căng thẳng sẽ làm bạn mất tự tin và hạn chế khả năng của bạn, đồng thời lấy mất cơ hội để bạn đưa ra những ý tưởng hay. (Nó có thể bất chợt tới do những yếu tố tác động trong buổi diễn thuyết mà bạn chỉ có thể biết sau khi diễn thuyết, không có sự chuẩn bị nào cho cơ hội đó đâu).

2. Đừng tự hỏi mình “có nên nói như thế hay không?”

Mình xin phép lấy một ví dụ có tính chất tương đồng cho dễ hiểu. Đó là câu chuyện “môn học tập làm văn ở trường học vậy”, không có một thầy cô giáo dạy văn nào lại khuyên bạn rằng viết trước bài ở nhà rồi học thuộc đi. Đến giờ kiểm tra chỉ viết ra thôi. Chắc chắn là không. Mà các thầy cô luôn nói rằng, các em về nhà tìm dẫn chứng để trích dẫn vào bài viết, hình thành và nắm chắc dàn ý đại cương, nội dung chính của bài viết.

Việc diễn thuyết cũng vậy thôi. Sẽ không có bài diễn thuyết nào lại chuẩn 100% y chang so với noi02.gifbài chuẩn bị cả. Có thể lúc tập ở nhà bạn nói như thế này, nhưng chắc chắn nó sẽ không được lặp lại y nguyên lúc bạn nói trước đám đông đâu. Đơn giản là vì “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” đâu bạn ạ. Nắm chắc được các ý chính cần trình bày cho bài diễn thuyết sẽ giúp bạn tổ chức tốt bài nói và định trước những câu hỏi mọi người có thể đặt ra cho bạn.

3. Chuẩn bị phong cách nói cho bản thân.

Tức là đối với mỗi buổi diễn thuyết, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bạn nên tuân theo tiêu chuẩn chung về lối trình bày. Cái này thường đã có sẵn bạn chỉ cần tìm hiểu và áp dụng theo là được. Ví dụ như, trong buổi bảo vệ tốt nghiệp của bạn, bài luận văn có các chương mục nhỏ. Bạn có thể nói theo mẫu như : Bây giờ tôi xin giới thiệu đến chương hai…, chuyển qua vấn đề x, y ,…” Có một khung phù hợp với nội dung bài nói, sẽ giúp bạn có cách trình bày mạch lạc hơn.

4. Hãy chú ý tới giọng nói, nhịp thở và tư thế của bạn.

Như vậy là đã xong nội dung, giờ chúng ta cũng nên chăm chút một chút cho mặt hình thức của mình trước đám đông. Tùy vào từng nội dung, bạn nên sử dụng giọng nói nhẹ nhàng ở đoạn nào, những đoạn nào trọng tâm, bạn có thể nói to hơn một chút, giọng chắc khỏe hơn noi01.gifmột chút tạo sự chú ý của mọi người. (Cũng giống như trong văn viết chỗ nào bạn quan tâm thì viết đậm lên hoặc gạch chân vậy). Cơ thể nên thả lỏng thật thoải mái. Vì có thể bài nói của bạn sẽ kéo dài hơn bạn tưởng, một vị trí đứng và một tư thế hợp lý sẽ giúp bạn đỡ mệt, giữ được sự tập trung trong suốt buổi đối thoại của mình với mọi người.

5. Chú ý tới các nguyên nhân gây khiến cho bạn thiếu tự tin trước mặt mọi người.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho mất bình tĩnh mà tôi cũng không biết hết và không thể đề cập hết trong bài viết này. Có thể là do di truyền, giáo dục, văn hóa của từng người, mỗi người lại có một lý do khác nhau. Do vậy về việc này, chỉ có một lời khuyên nho nhỏ tới mọi người là khi đã biết được nguyên nhân rồi, thì hãy bớt chút thời gian để rèn luyện cải thiện bản thân mình. Bạn có thể tự giả định tình huống rồi tự mình tìm cách giải quyết, như vậy khi gặp ngoài việc thật bạn cũng không đến mức “lạc vào đảo hoang”.

6. Nắm lấy tất cả cơ hội được nói.

Chắc các bạn ai cũng đồng ý với mình rằng “trăm hay không bằng tay quen”. Đọc sách nhiều mà không bắt tay vào làm thử thì cũng như không. Hãy tận dụng mọi cơ hội có thể như trong cuộc họp gia đình, trò chuyện với bạn bè,….., để tập cho mình cách phát biểu và làm quen với những tình huống bất ngờ xảy ra khi mọi người chất vấn bạn hoặc giả dụ bạn có quên mất điều mình định nói thì phải làm sao.

© SAGA.VN

PHẦN 2: THUYẾT TRÌNH SAU THUYẾT TRÌNH

MINH AN (Dịch từ Business Know-how)

Việc người nghe đặt ra các câu hỏi sau bài thuyết trình được xem như cách thức hữu hiệu giúp củng cố thông điệp và tiếp tục truyền tải ý tưởng của bạn. Giai đoạn không kém phần quan trọng này chính là Thuyết trình sau thuyết trình.

Nếu người nghe có cơ hội được làm rõ những điểm còn chưa hiểu, thì họ sẽ không rời buổi thuyết trình với những hiểu biết sai về các khái niệm bạn đã trình bày. Quãng thời gian mọi người đặt câu hỏi và bạn trả lời lại là một lần thuyết trình quan trọng nữa.

Trước hết để Thuyết trình sau thuyết trình đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần giúp mọi người có sự chuẩn bị tốt bằng việc nói với họ rằng sau buổi thuyết trình sẽ có quãng thời gian để mọi người đặt câu hỏi và bạn trả lời. Nếu bạn có một người giới thiệu, hãy nói với người này đề cập việc bạn sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi từ phía người nghe. Mọi người sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn nếu ngay từ đầu họ được thông báo về điều này.

Một trật tự hợp lý là rất quan trọng. Hãy nói: “Ai có câu hỏi đầu tiên?” và sau đó tìm kiếm những cánh tay giơ lên. Hoặc để khơi mở, bạn có thể nói: “Một câu hỏi mà tôi thường được hỏi là…” và trả lời nó. Nếu sau đó vẫn không có câu hỏi nào, bạn có thể nói: “Không biết có còn câu hỏi nào không?”.

Sự nhiệt tình của bạn sẽ mất nếu bạn không nhận được câu hỏi nào từ phía người nghe. Thông thường, hành động “mồi nước” sẽ khích lệ người nghe đặt các câu hỏi khác nhau.

Khi một ai đó đặt ra câu hỏi, bạn hãy nhìn thẳng vào họ và lặp lại nó, đặc biệt nếu có một số lượng lớn người nghe hay nếu bạn cần đôi chút thời gian để suy nghĩ. Bằng việc lặp lai câu hỏi, bạn sẽ đảm bảo rằng mình đã hiểu đúng câu hỏi.

Tuy nhiên, đừng tiếp tục nhìn vào người đó khi bạn bắt đầu trả lời câu hỏi. Hãy nhớ bạn vẫn đang nói chuyện trước công chúng và tất cả mọi người nên nghe rõ câu trả lời của bạn chứ không riêng người đặt ra câu hỏi.

Thêm vào đó, bạn cần tiếp tục đứng ở một nơi mà tất cả mọi người đều trông thấy rõ bạn nhất. Tránh việc đi trực tiếp tới cạnh người đặt câu hỏi. Hình ảnh đó sẽ khiến những người nghe khác cảm thấy “mất bạn”. Khi bạn kết thúc câu trả lời chính là lúc bạn nhìn lại người đặt câu hỏi và nét mặt của người này sẽ nói với bạn câu trả lời của bạn đã thoả mãn hay chưa.

Những câu trả lời ngắn gọn và có trọng điểm sẽ đem lại sự thoả mãn nhiều nhất cho người nghe. Đừng tiếp tục một bài diễn thuyết mới. Mọi người sẽ cảm thấy nhàm chán nếu bạn mất quá nhiều thời gian trả lời câu hỏi. Không những vậy, rất có thể chỉ có duy nhất người đặt ra câu hỏi mới thực sự quan tâm tới những gì bạn đang nói! Nếu bạn có thể trả lời “có” hay “không”, hãy làm như vậy. Hành động này giữ vững sự chú ý của mọi người tới bạn.

Một trong những thách thức thực sự nếu có những câu hỏi nặng nề. Hãy xoa dịu nó trước khi trả lời. Chẳng hạn đối với những câu hỏi kiểu như: “Bạn sẽ làm gì với tất cả số tiền kiếm được từ mức giá cả gia tăng?”, hãy xoa dịu nó bằng việc nói rõ: “Tôi hiểu được sự thất vọng của anh trước sự leo thang giá cả đến chóng mặt. Tôi biết anh định hỏi: Tại sao giá cả lại tăng bất thường như vậy?”.

Sau đó, bạn mới trả lời cho câu hỏi này. Bạn sẽ rơi vào tranh luận nếu cho phép bản thân trực tiếp trả lời các câu hỏi nặng nề kiểu trên. Nếu một cá nhân không thoả mãn với việc thay đổi ngôn ngữ câu hỏi như vậy, bạn hãy nói với anh ta rằng bạn rất vui được bàn thảo về vấn đề này sau buổi thuyết trình hôm nay và rồi nhanh chóng chuyển sang câu hỏi kế tiếp.

Đôi lúc sẽ có một người nghe giơ tay nhưng thay vì đặt câu hỏi người này lại đưa ra những bình luận khá dài dòng hay thậm chí một bài diễn thuyết. Một cách để xử trí là nhìn vào tốc độ nói của người này và khi anh ta/cô ta dừng lại lấy hơi chuẩn bị nói tiếp, bạn ngắt quãng bằng “Xin cảm ơn ý kiến của anh/chị… Câu hỏi kế tiếp là gì ạ?”. Bạn nhìn xung quanh căn phòng và người nói chuyện dài dòng này sẽ không biết bạn ngắt lời họ hay bạn thực sự nghĩ rằng họ đã kết thúc. Đừng để người này tiếp tục “bài diễn thuyết” bởi vì nó sẽ làm hỏng cơ hội được hỏi của những người khác.

Điều quan trọng tiếp theo là bạn đừng đánh giá các câu hỏi. Hãy tránh xa những bình luận kiểu: “Đó là một câu hỏi tuyệt vời” hay “Câu hỏi hay”. Nếu người tiếp theo đặt ra một câu hỏi và bạn không có nhận xét tích cực tương tự, người này có thể nghĩ rằng bạn không tán thành câu hỏi và điều đó sẽ kiềm chế những người khác đưa ra câu hỏi. Nếu bạn muốn xác nhận một câu hỏi cụ thể, hãy nói đơn giản: “Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi”. Bạn cần làm sao để mọi người cảm thấy sự công bằng như nhau về những câu hỏi được đặt ra.

Ngoài ra, bạn không thể bỏ qua yếu tố kiểm soát tình huống cuộc nói chuyện. Khi bạn thuyết trình trước mọi người, luôn rình dập rủi ro của việc đánh mất sự kiểm soát tình hình. Do vậy, bạn cần lường trước những tình huống bất ngờ, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hãy xem xét nội dung thuyết trình của bạn và suy nghĩ về những câu hỏi mà người nghe sẽ có thể đặt ra. Đồng thời, bạn hãy chuẩn bị các câu hỏi của bản thân bạn để hỏi. Đừng ngại nói: “Tôi không biết” và chuyển sang câu hỏi tiếp theo (Bạn có thể bổ sung rằng bạn sẽ rất vui được gặp lại họ với câu trả lời đầy đủ trong lần tiếp theo).

Nên thẳng thắn với những người đặt câu hỏi nếu bạn nghĩ rằng câu hỏi không mấy thích hợp. Câu trả lời của bạn có thể là: “Thực tế, câu hỏi này không mấy thích hợp với nội dung buổi thảo luận hôm nay”.

Vào cuối giai đoạn Thuyết trình sau thuyết trình, bạn cần có một kết luận cụ thể. Kỹ thuật này sẽ cho phép bạn kiểm soát tốt quãng thời gian cuối cùng với người nghe. Thay vì câu hỏi cuối cùng, người nghe sẽ nhận được một kết luận thích hợp từ bạn.

Hãy nói: “Trước khi tôi tổng kết đôi điều, không biết còn ai có câu hỏi không ạ?”. Sau đó, nếu không có ai có câu hỏi nào, bạn mới bắt đầu nói. Nhờ đó, bạn có thể kết thúc theo một cách thức hiệu quả và vui vẻ hơn là hết sức cộc lốc với câu nói: “Vậy nếu không còn câu hỏi nữa, tôi xin kết thúc…”.

Sau cùng, bạn cần nhớ rằng rất nhiều buổi nói chuyện sẽ bao hàm hai giai đoạn thuyết trình: Thuyết trình chính thức và Thuyết trình sau thuyết trình. Hãy đảm bảo thành công trọn vẹn cho buổi thuyết trình của bạn bằng việc sử dụng các kỹ thuật trên trong quãng thời gian trả lời các câu hỏi từ phía người nghe.

SOURCE: http://www.bwportal.com.vn/?cid=4,4&txtid=2791

Giữ “lửa” đam mê học tập cho trẻ

TP - Với những bậc cha, mẹ, làm cách nào để con trẻ luôn hào hứng với “sách bút thân yêu ơi”, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, để đạt hiệu quả cao trong học tập là câu hỏi thường trực...

Thầy giáo Trần Phương - “tác giả” của lớp học đặc biệt với 5 học sinh lớp 6 “giải ngon” đề thi đại học môn Toán khối B năm 2007, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.

10 giờ sáng 7/9, thầy Trần Phương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ (CENSIP) giảng môn Toán cho các em học sinh khối 6, 7, 8, 9 tại giảng đường Đại học Hà Nội.

Không khí lớp học rất vui vẻ, thân thiện. Trên bục giảng, thầy tươi cười, hướng dẫn những phép toán khi thì bằng cách viết lên bảng, lúc thì bằng màn chiếu projector với những minh hoạ “biết nói”…

“Một đàn vịt đi dạo, người ta đếm được 3 con đi trước, đi trước 3 con; 3 con đi giữa, đi giữa 3 con; 3 con đi sau, đi sau 3 con. Hỏi đàn vịt có mấy con?” - Thầy Phương bất ngờ dừng giảng, đặt câu hỏi cho cả lớp. Dưới lớp, học sinh xôn xao bàn tán. Nhiều em mạnh dạn đưa ra đáp án và lý giải. Tất cả đều bị cuốn vào với sự hứng thú của môn học được thầy giáo chuyển tải bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Hết 40 phút của tiết Toán, các em ùa ra sảnh nghỉ giải lao, trước khi bước vào học môn “Khám phá thế giới”. Môn học hôm nay nói về các con vật. Các em được xem video về nhiều con thú, cùng với sự hướng dẫn, giảng giải của giáo viên phụ trách.

“Chúng tôi luôn cố gắng kết hợp học mà chơi, liên tục thay đổi không khí với nhiều “món ăn” khác nhau để các em không cảm thấy chán” - Thầy Phương nói trong giờ giải lao.

Học mà chơi

Các giáo viên ở Câu lạc bộ Phát triển tài năng học sinh (thuộc CENSIP) có biện pháp gì để giúp học sinh không chán học, nhất là khi các em đã phải bù đầu với bài vở ở trường và cả ở nhà?

Câu lạc bộ Phát triển tài năng học sinh khai giảng khoá đầu tiên vào ngày 1/6 với 300 học sinh được lựa chọn từ kiểm tra IQ. Hiện nay, một tuần các em chỉ học một buổi vào chủ nhật với 6 tiết: 1 tiết Toán logic, 2 tiết tiếng Anh, 1 tiết Khám phá thế giới, 1 tiết Tin học, 1 tiết Toán kết nối Công nghệ Thông tin (tới đây sẽ đổi sang Toán Tiếng Anh).

Riêng với môn Toán do tôi đứng lớp, vì thời lượng học chỉ có 40 phút, nên tôi không thể dạy “sách vở” như thông thường. Tôi không đọc cho học sinh chép đề bài mà phải soạn, photo rồi phát cho các em trong giờ học. Ngoài viết bảng, giáo viên dùng màn chiếu để cung cấp cho học sinh những bài toán liên hệ, hình minh hoạ…, giúp các em thay đổi không khí, cũng như hiểu thêm được vấn đề.

Đặc biệt, thường đến cuối giờ học, khi thấy học sinh mệt mỏi, tôi sẽ không giảng nữa mà dùng những bài toán đố dân gian để hỏi. “Một con ếch sa xuống hố sâu 3m. Mỗi lần con ếch nhảy được 0,5m, hỏi sau bao lâu thì con ếch nhảy được lên khỏi hố?”. Tôi sưu tầm trong sách và trên mạng internet hàng vạn bài toán thông minh như thế để đan xen trong giờ giảng. Những bài toán kiểu này thường lôi kéo được sự hào hứng tham gia của các em.

Nhưng nếu cho các em “ăn” mãi một món trong một thời gian dài sẽ làm chúng chán và “bỏ bữa”?

Đúng vậy! Chính vì thế mà sau 40 phút học, các em chuyển sang tiết học với môn khác như Tiếng Anh, Khám phá thế giới, Tin học… để thay đổi không khí.

Với tiết học Khám phá thế giới, các em học mà… chơi. Thông qua những đoạn phim được chiếu trên màn ảnh rộng, được soạn theo nhiều chủ đề: Lịch sử, địa lý, khoa học phổ thông, thế giới động vật…, giáo viên sẽ “lồng tiếng”, giải thích cho các em. Những ai chưa hiểu, có thể hỏi thầy, cô tại lớp. Những bài học này giúp các em được bồi dưỡng thêm kiến thức xã hội một cách nhẹ nhàng.

Đặc biệt, một tháng, chúng tôi tổ chức cho các em tham gia hoạt động ngoại khoá một lần. Học sinh sẽ tham gia vui chơi có thưởng, những trò chơi đố tiếng Anh, giải đố dân gian… Đây là hoạt động chúng tôi rất chú ý, nhằm chuyển tải kiến thức môn học qua trò chơi.

Dạy cách đọc sách

Nhiều người cho rằng, việc các em học một cách thụ động cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chán học, vậy giáo viên của trung tâm có phương pháp gì giúp khắc phục tình trạng này?

Một trong những mục đích hướng tới của chúng tôi là rèn cho các em khả năng tiếp cận, giải quyết vấn đề, chứ không phải chỉ chăm chăm giải các bài toán trong sách giáo khoa. Chính vì thế, tới đây, chúng tôi sẽ dạy các em phương pháp đọc sách, thay vì bắt các em học thuộc lòng các định nghĩa, khái niệm mà không hiểu về bản chất.

Riêng với môn Toán, tôi sẽ dành 15 phút để hướng dẫn cách đọc sách, 15 phút làm bài tập, 10 phút để học sinh giải các bài toán thông minh.

Thay vì đọc lại khái niệm, định nghĩa cho các em chép, chúng tôi hướng tới giải thích mục đích của chương, bài trong sách giáo khoa, trên cơ sở đó mới đưa ra khái niệm, định nghĩa và bài minh hoạ.

Thầy có lời khuyên gì để các em học tốt và luôn đam mê môn Toán?

Để con học tốt và luôn ham học, bố mẹ phải là người thầy đầu tiên, giúp đỡ con, đặc biệt là ở khối tiểu học. Các bậc phụ huynh đừng vì muốn con giỏi môn này, môn kia mà ép các cháu học quá nhiều. Hãy cho các cháu đổi “món ăn” chứ không nên “nhồi” mãi một loại.

Theo tôi, thầy giáo cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Thầy giỏi sẽ có trò hay. Thầy giỏi không chỉ có kiến thức, phương pháp truyền đạt tốt mà còn phải thối được niềm đam mê học tập cho học sinh bằng cách làm sinh động bài giảng của mình.

Xin cảm ơn Thầy.

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=139569&ChannelID=71

Wednesday, October 1, 2008

Melamine trong sữa VN chưa nguy hại

Cập nhật lúc : 2:32 PM, 30/09/2008

Trước những thông tin về việc ở Việt Nam phát hiện sữa tươi có nhiễm melamine, Đất Việt có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia, để làm rõ vấn đề.


- Thưa giáo sư, mới đây Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm của TP HCM phát hiện có 9 trên 87 mẫu sữa dương tính với chất melamine. Trong đó, mức độ nhiễm cao nhất là 6.000 ppb, thấp nhất là 7 ppb. Liệu đây có là mức nguy hiểm?

- Nếu sữa sản xuất ở Việt Nam có nồng độ cao nhất là 6.000 ppb tương đương với 6 mg trên 1 kg (tính theo đơn vị 1 ppm tương đương 1 mg/kg) thì nồng độ chưa phải là cao hay vượt ngưỡng an toàn, tức là cũng chưa đến nỗi báo động. Do đó, lượng melamine trong sữa phát hiện ở TP HCM vừa qua là rất thấp và cho phép.

Theo Cục thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) thì liều lượng an toàn của melamine cho người lớn là 0,63 mg/kg/ngày, và cho trẻ em là 0,32 mg/kg một ngày. Lưu ý đơn vị "kg” ở đây tính cho trọng lượng cơ thể. Theo tiêu chuẩn này, nếu lượng melamine trong sữa là 10 mg/kg (hay 10 ppm), một em bé phải uống trên 3 lạng sữa mới vượt ngưỡng an toàn cho phép.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ngành Y khoa Nội tiết học, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia.

- Vậy theo giáo sư, mức độ nào sẽ gây nguy hiểm tới con người?

- Không có dữ liệu cụ thể ở con người để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung Quốc thì sữa của công ty Tam Lộc sản xuất hàm chứa melamine đến 2.565 mg trên 1 kg. Phần lớn các em bé bị sạn thận là do uống sữa này. Vì thế, có thể xem mức trên 2.565 mg/kg là ngưỡng gây độc.

"Nếu sữa sản xuất ở Việt Nam có nồng độ cao nhất là 6.000 ppb tương đương với 6 mg trên 1 kg (tính theo đơn vị 1 ppm tương đương 1 mg/kg) thì nồng độ chưa phải là cao hay vượt ngưỡng an toàn, tức là cũng chưa đến nỗi báo động...

Nếu lượng melamine trong sữa là 10 mg/kg (hay 10 ppm), một em bé phải uống trên 3 lạng sữa mới vượt ngưỡng an toàn cho phép".

GS Nguyễn Văn Tuấn

Những nghiên cứu trên chuột, thỏ, và chó cho thấy, mức độ độc hại của melamine tương đối thấp. Khi cho uống melamine với liều lượng 3.161 mg/kg thì 50% số chuột thí nghiệm chết. Khi chuột được cho ăn thức ăn chứa 1.200 mg/kg/ngày suốt 1 năm liền, các nhà nghiên cứu ghi nhận sạn trong nước tiểu, và một số triệu chứng như biếng ăn và mất cân. Nghiên cứu khác cho thấy chỉ khi nào melamine kết hợp với axít cyanuric thì mới gây sạn thận.

Tuy nhiên, theo nguyên lý phòng ngừa, melamine không nên có trong sữa, nhất là sữa cho trẻ em.

- Tại sao pha trộn melamine vào sữa làm tăng lượng protein?

- Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để xác định lượng protein trong thực phẩm là phương pháp Kjeldahl và Dumas. Cả hai phương pháp này đo lượng nitrogen trong thực phẩm, và nhân lượng nitrogen này với một hệ số 1/0,16 để ước tính hàm lượng protein. Bởi vì 66% melamine là nitrogen nên giới sản xuất sữa cố tình pha chế melamine vào sữa. Kết quả khi kiểm nghiệm sẽ cho thấy hàm lượng protein trong sữa gia tăng. Đó là một cách lường gạt có khoa học và là một cách kinh doanh bất chính.

- Theo giáo sư, nên có những biện pháp nào để phòng tránh những loại 'thực phẩm độc' như melamine?

- Có rất nhiều chế tài, tiêu chuẩn được đặt ra để ngăn chặn những nhà sản xuất thực phẩm vô lương tâm. Tuy nhiên luật pháp và pháp chế chỉ là bề ngoài, còn đạo đức là bên trong. Chúng ta cần phải có quy ước đạo đức kinh doanh cho ngành này. Ngành y có quy ước về y đức mà giới y sĩ phải tuyên thệ và tuân theo. Tôi nghĩ ngành chế biến thực phẩm cũng cần phải có quy ước về đạo đức.

Dù với nồng độ melamine trong sữa tươi ở mức 6.000 ppb chưa đến nỗi báo động nhưng chúng ta phải nhớ đến nguyên lý phòng ngừa. Theo nguyên lý này, cho dù chúng ta chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học, và nếu có tín hiệu cho thấy một thành tố có hại thì cũng đủ để Nhà nước phải can thiệp. Đối chiếu với vụ melamine tôi nghĩ giới chức y tế cũng cần can thiệp vì sức khỏe cộng đồng.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Melamine là một chất hữu cơ, màu trắng pha lê, và khó hòa tan trong nước. Tên khoa học của melamine là 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine. Trong cấu trúc hóa học của melamine, nitrogen chiếm 66%. Vì giàu nitrogen, nên melamine được sử dụng làm chất dập lửa.

Melamine thường kết hợp với chất formaldehyde để sử dụng trong qui trình sản xuất nhựa, chất keo, giấy, vải, và một số sản phẩm phục vụ cho việc tẩy rửa. Vào thập niên 1950 và 1960, melamine từng được sử dụng như là phân bón vì nó hàm chứa lượng protein khá cao, nhưng khi đưa vào ứng dụng thì thất bại.

Melamine tự nó không được xem là một độc chất nhưng khi kết hợp với axít cyanuric thì nó mới trở thành độc hại. Khi melamine kết hợp với cyanamide sẽ cho ra melamine cyanurate (còn có tên khoa học là tripolycyanamide), và đây chính là hợp chất tìm thấy từ sữa sản xuất ở Trung Quốc.

(Thông tin về melamine do giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cung cấp)


http://www.baodatviet.vn/Home/Melamine-trong-sua-VN-chua-nguy-hai/20089/15981.datviet