Friday, November 28, 2008

Những bài học qua một lần đề bạt

Thành thật cám ơn các bạn xa gần, đã quen và chưa quen, đã gặp và sẽ gặp, có lời chức mừng về chuyện đề bạt. Tôi xem lần đề bạt như là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời khoa bảng của mình. Nhớ lại những ngày mới lên trại tị nạn Songkhla, mặt mài ngơ ngác, hoảng sợ sau một lần vượt biển (hay nói đúng hơn là vượt qua cái chết), chẳng biết tương lai sẽ đi đến đâu hay phải làm gì, rồi đến những ngày gian nan làm phụ bếp, lặt rau, rửa chén trong bệnh viện, cho đến ngày hôm nay là một quãng đường dài. Trong quãng đường đó, tôi chịu ơn không biết bao nhiêu người, và hôm nay cũng là dịp để tri ân những người mà tôi từng quen biết và chịu ơn. Tôi muốn kể lại câu chuyện và tự mình rút ra vài bài học cá nhân để các bạn đọc nhân ngày cuối tuần này …

Hai tuần trước, sau khi đi phó hội về thì tình cờ gặp sếp JS, Viện trưởng, ngay tại tiền sảnh của Viện. Dù chúng tôi làm chung một tòa nhà nhưng ít khi nào gặp nhau và càng ít trao đổi nhau, vì mỗi người bận bịu chuyện của mình. Sếp kéo tôi sang một bên rồi nói: “Mọi chuyện xong hết rồi, chỉ chờ thông báo chính thức thôi”. “Mọi chuyện” ở đây có nghĩa là những thủ tục liên quan đến việc đề bạt lên chức professor của tôi. Sếp JS bắt tay tôi và cho biết ông ta vừa mới nhận điện thoại của sếp PS (khoa trưởng y khoa Đại học NSW) cho biết về kết quả đề bạt như là một tin mừng cho tôi. Nhưng “xong” là xong ở cấp Hội đồng Bình duyệt thôi, vì đơn vẫn phải được phê chuẩn bởi Hội đồng Khoa bảng (Academic Board) của trường UNSW. Nói chung, Hội đồng Khoa bảng ít khi nào bác bỏ đề nghị của Hội đồng Bình duyệt.

Hôm nay (27/11/08) là ngày Hội đồng Khoa bảng của trưởng UNSW họp để phê chuẩn danh sách đề bạt các giáo sư, phó giáo sư và giảng viên. Họ họp suốt ngày. Nhưng đến trưa thì tôi nhận được điện thoại của khoa trưởng y khoa là PS. Dù biết kết quả từ 2 tuần trước, nhưng tôi vẫn thấy … hồi hộp. Ông PS, vẫn theo thói quen tự thuở nào, không vào đề ngay, mà nói dong dài là ông ta vừa mới tham dự buổi họp cuối năm của Hội đồng Khoa bảng ra, đơn tôi đã được duyệt qua, và đơn đề bạt của tôi đã “successful”, rồi nói lời chúc mừng. (Nếu tôi là ông, tôi sẽ nói kết quả trước cho người ta yên lòng, và sau đó sẽ dong dài chuyện thủ tục). Ông ta còn dặn tôi là có thể thông báo cho sếp JS biết, nhưng yêu cầu Viện Garvan không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi trường UNSW chính thức ra thông báo vào ngày mai hay chậm nhất là ngày thứ Hai tuần tới. Trước tin vui đó, tôi biết nói gì hơn là cám ơn sếp đã ủng hộ mình. Ông ấy cười ha hả trong điện thoại (tôi chưa bao giờ nghe sếp cười kiểu này) rồi nhắc lại câu nói trước kia: tao đã nói ok thì sẽ ok mà; thôi bây giờ tao phải vào họp tiếp, mày phải làm việc tốt hơn nữa cho trường, ok?

Tôi có email cho một người bạn trong nước rằng nghe tin này cảm giác tôi như lúc nghe tin thi đậu đệ thất hồi xửa hồi xưa vậy. Câu chuyện đời của tôi có những khúc quanh có thể giải thích tại sao tôi không quan trọng hóa cái chức danh khoa bảng này ...

Năm 1998, tôi được bổ nhiệm chức danh associate professor of medicine thuộc một trường y bên Mĩ. Năm 2000, tôi quay về Úc thì bị “ném” về Bệnh viện Liverpool như là một hình phạt, và phải “trụ trì” ở đó một năm trước khi quay lại với Viện Garvan vào năm 2001. Lúc trở về Garvan, Đại học New South Wales (UNSW) phong cho tôi chức senior lecturer. Tôi không chịu nhận chức danh này vì tôi nói đã là associate professor bên Mĩ rồi. Nhưng UNSW cho rằng cái chức associate professor bên ấy chỉ tương đương với senior lecturer bên Úc mà thôi (1), và còn lên lớp giảng rằng tôi không nên tự ái về chuyện này. Điều khôi hài là họ làm như tôi không biết gì về hệ thống khoa bảng vậy! Tôi vẫn không chịu nhận, bởi vì tôi nghĩ rằng nhận chức danh này có nghĩa là mình chấp nhận một bước lùi, và quan trọng hơn, đứng về mặt “track record” tôi đã hơn gấp 2 lần vị trí associate professor và có thể nói là thừa so với chức professor. (Lúc đó tôi đã có gần 100 bài báo khoa học trên các tập san hàng đầu trong ngành y chứ chẳng riêng gì ngành nội tiết, và chỉ số H của tôi cũng cao hơn con số 20). Tôi chịu ảnh hưởng thuyết quân tử, thà không có chức danh chứ nhất định tên Mít này không chịu “lép vế” -- tôi nghĩ thế. Đến năm 2004, sếp tôi khuyên xin chức danh để hợp thức hóa vài việc làm, tôi đệ đơn và được tiến phong chức associate professor tại UNSW. Hai năm sai tôi định xin tiếp full professor thì họ nói chưa đủ thời gian, phải “phấn đấu” chờ vài năm nữa. Nay thì thời gian đó đã đến và tôi lại xin đề bạt chức professor. Nhưng trước đó tôi đã được Hội đồng nghiên cứu y tế và y khoa quốc gia (National Health and Medical Research Council – NHMRC) bổ nhiệm làm senior research fellow, một “cái ghế” rất khó có được so với chức danh professor, cho nên lần này tuy vui thật nhưng tôi không có gì phải quá quan trọng hóa.

Nếu không quan trọng thì tại sao tôi tốn công làm thủ tục -- tôi nghe bạn đọc hỏi. Tôi làm là vì 2 lí do: lí do thứ nhất là tôi cần phải có một appointment với trường để nhận nghiên cứu sinh chính thức qua trường. Thật ra, tôi có chức vụ với 3 trường (trường y lâm sàng St Vincent’s, trường y tế cộng đồng, và trường y học – medical science), nhưng chẳng có trường nào trả lương; họ chỉ để tên mình làm “hoa lá cành” trong báo cáo cuối năm, và bù lại tôi có quyền nói mình là người của họ! Lí do thứ hai là tôi muốn việc làm của mình được ghi nhận một cách chính thức. Tôi xem mấy chức danh này là một cách ghi nhận đóng góp của mình cho quê hương thứ hai. Ở đây (và ở đâu chắc cũng thế) có cơ chế xin và cho. Muốn được ghi nhận hay công nhận thì phải “xin”, rồi người ta xét duyệt nếu thấy ok thì sẽ “cho”. Không có chuyện người ta tự dưng gõ cửa phòng mình và cho một chức danh hay giải thưởng nào cả.

Bây giờ là thời điểm tôi có thể ngồi xuống, suy nghiệm về những việc mình đã kinh qua, để có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người đi sau. Từ ngày bị một người đồng hương trong trại tị nạn từ chối giúp đỡ, tôi nguyện với lòng là sẽ không dấu diếm gì cả, biết cái gì thì mách bảo cho người đi sau biết. Qua vài lần đề bạt và một lần được trao chức danh NHMRC senior fellow tôi đã rút ra nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm mà tôi nghĩ mình có thể “truyền” lại cho người đi sau.

Hôm trước, tôi đã viết về những qui trình và bài học về đề bạt, về tiêu chuẩn cụ thể và qui trình đề bạt. Do đó, lần này tôi không đề cập đến những khía cạnh đó nữa, mà chỉ tập trung mách bảo các bạn vài bài học cá nhân. Tôi phải nhấn mạnh đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân. Nhưng tôi nghĩ những kinh nghiệm này cũng có thể giúp ích cho các nhà quản lí khoa học và đại học trong nước trong việc tham khảo để đi đến một hệ thống hoàn thiện hơn trong việc đề bạt các chức danh khoa bảng ở nước ta.

Mít-tinh với khoa trưởng và chuẩn bị

Chuyện đề bạt khoa bảng là chuyện tương đối quan trọng, và đòi hỏi phải đầu tư về sức lực và trí não. Mỗi lần làm thủ tục đề bạt tốn khá nhiều thì giờ để chuẩn bị đơn từ, hồ sơ, và thậm chí phải đi tập huấn những khóa chuyên dạy cách trả lời phỏng vấn nữa. Lần trước, tôi phải tốn cả 6 tháng trời để chuẩn bị cho việc xin chức danh NHMRC senior fellow. Năm nay thì do kinh nghiệm lần trước, nên tôi không tiêu ra nhiều thời gian nữa, mà chỉ hoàn thiện và học hỏi thêm một số “thủ thuật” trong việc trình bày đơn đề bạt và cách trả lời phỏng vấn.

Mỗi năm, UNSW đề ra những thời điểm cụ thể để ứng viên chuẩn bị. Mỗi chức danh có một thời điểm riêng. Trong trường hợp năm nay, với chức vụ professor, UNSW công bố chính sách đề bạt vào tháng 2/2008, ứng viên phải chuẩn bị vào tháng 6, nộp đơn và hồ sơ vào tháng 7, tập huấn vào tháng 8, phỏng vấn vào tháng 10, và công bố kết quả vào ngày 27/11. Theo qui định trên giấy tờ là thế, nhưng trong thực tế thì ứng viên đã biết kết quả từ tháng 10 (sau khi phỏng vấn), và đó cũng là trường hợp của tôi.

Năm nay, UNSW có một vài thay đổi nhỏ trong qui trình đề bạt. Một trong những qui trình đó là tôi phải “hội kiến” với khoa trưởng (dean) y khoa trước khi đệ đơn. Chỉ khi nào khoa trưởng “bật đèn xanh” thì tôi mới làm thủ tục đề bạt. Đây là một bước sàng lọc do khoa y đặt ra, chứ không hẳn là qui trình chung. Sở dĩ có bước này là vì ông khoa trưởng không muốn “tá tướng” của khoa mình thất bại trong việc tiến phong, nên muốn xem qua bề dày khoa học trước cho chắc ăn -- một kiểu làm “mếch lòng trước đặng lòng sau” như ông bà ta hay nói.

Tôi hẹn gặp sếp PS, khoa trưởng y khoa UNSW, trong một buổi sáng tháng 6. Ông này nguyên là người Úc, nhưng sau này sang “đầu quân” bên New Zealand, nghe nói có công cải cách y khoa bên đó, nên bây giờ được UNSW mời về làm khoa trưởng y khoa (sau khi giáo sư khoa trưởng BD bị cho “nghỉ hưu” sớm vì giải quyết không ổn thỏa vụ gian lận khoa học của giáo sư BH). Ông PS tuổi khoảng ~60 hay ~65, rất lịch sự, rất business, tiếp tôi trong cái office nhỏ nhưng xinh xắn của ông. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, tôi và ông ta nói chuyện trên trời dưới đất khoảng 35 phút, chẳng có chuyện gì liên quan đến khoa bảng cả! Chỉ có một câu duy nhất liên quan đến việc đề bạt là ông ấy bảo tôi nên làm đơn qua hệ thống đề bạt “academic’, chứ không phải “conjoint”. Đề bạt theo ngạch academic oai hơn nhưng cũng tốn nhiều thời gian hơn là ngạch conjoint.

Trong khi nói chuyện, tôi để ý ông ấy thỉnh thoảng liếc nhìn cái CV của tôi trước mặt ông. Tôi không có ấn tượng gì với ông, và cũng chẳng thấy ông nói gì đáng chú ý. Ông không tỏ ra thân thiện mà cũng chẳng lạnh lùng gì cả. Tôi đoán ở chức vụ này, ông phải hành xử như thế thôi, để tỏ ra mình hoàn toàn khách quan. Hết giờ, ông ấy bắt tay tôi và nói: “Ok, mày có thể làm thủ tục được rồi đó”. Tôi hỏi: “Mày cho tao biết xác suất thành công là bao nhiêu, vì tao không muốn thất bại trong chuyện này.” Ông ấy cười nói: “Mày lo gì chuyện này; tao nói ok thì mày cứ làm.” Sếp nói thế thì ừ, cứ làm -- tôi nghĩ thế -- có mất con voi nào đâu mà lo!

Sau đó là soạn đơn xin đề bạt. Tôi mất gần 2 tháng trời cho cái đơn này, chẳng những đau đầu với bố cục, mà còn phải cân nhắc đến từng câu, từng chữ, không có câu chữ nào thừa hay thiếu. Như tôi đề cập hôm trước, đơn chính chỉ có 10 trang giấy A4, kể cả 1 trang tóm lược. Trong 10 trang này mình phải trình bày tại sao mình xứng đáng với chức danh mình xin. Ngoài ra, một khâu tương đối tốn nhiều thời gian là khâu chuẩn bị những “bằng chứng” để làm cơ sở cho đơn đề bạt. Tôi phải liệt kê tất cả những công trình nghiên cứu mình đã công bố trong vòng mấy mươi năm qua. Chẳng những danh sách mà còn phải có những chỉ số trích dẫn cho từng bài, và chỉ số H mới nhất, thêm biểu đồ về số lượng bài báo và số lần trích dẫn qua nhiều năm. Tôi còn phải nhờ thư viện tìm lại những thước phim truyền hình mà tôi trả lời phỏng vấn cho các đài ABC, đài số 9, và đài số 10. (Nhìn lại mấy thước phim này tôi thấy muốn … trốn). Tôi còn phải sưu tầm tất cả những bài báo tiếng Anh viết về tôi trong quá khứ trên báo chí Úc và Mĩ, cũng như những bài viết nói về nghiên cứu của tôi. Nói chung, khâu này cần phải nhờ sự giúp đỡ của thư viện và bộ phận PR, chứ một mình tôi thì không cách gì làm được.

Tính đến nay tôi đã công bố hơn 260 bài báo khoa học, trong số này có 135 bài là “original contributions” (công trình nguyên thủy), 15 bài review, 16 bài xã luận và bình luận, 11 chương sách giáo khoa, và phần còn lại là “conference proceedings”. Trong số này, 65% là do công trình về loãng xương của tôi, còn lại là do hợp tác với các đồng nghiệp bên ngành ung thư, tiểu đường, thần kinh, và nội tiết. Tính trung bình, mỗi bài báo nguyên thủy của tôi được trích dẫn 52 lần (so với trung bình trong ngành là 22). Chỉ số H của tôi hiện nay là 41, và chỉ số m là 2.56. Số nghiên cứu sinh và postdoc đã đào tạo được là 12 người, một số đã là giáo sư. Nói chung, với các chỉ số này và phục vụ cho chuyên ngành cấp quốc tế, tôi hoàn toàn ở vị trí “thượng phong”, không ai có thể chất vấn hay tấn công được. Nhưng tôi ở thế yếu khi xét đến vấn đề thu hút tài trợ và phục vụ cộng đồng. Số tiền tài trợ tôi đem về cho UNSW là trên 3 triệu AUD, và số này chỉ thuộc hàng trung bình trong các giáo sư y khoa. Vì thế tôi biết rằng trong phỏng vấn sẽ có người “điểm huyệt” chỗ này, và phải chuẩn bị giải thích cho thuyết phục. Về phục vụ cộng đồng tôi ở vào thế yếu nhất, và chắc chắn sẽ có người tấn công là “ngồi trong tháp ngà”. Tuy nhiên, bù lại tôi nói tôi có phục vụ cộng đồng ở … Việt Nam. Đây cũng là cách giải trình mà tôi lấy ra để “bảo vệ” mình trong lần phỏng vấn cho NHMRC Senior Fellowship.

Đồng nghiệp bình duyệt

Như tôi có đề cập trong bài viết trước, cách thức đề bạt ở các đại học phương Tây, kể cả Úc, tận dụng triệt để hệ thống peer-review, tức là để cho đồng nghiệp bình duyệt về mình. Trong trường hợp của tôi, tôi có quyền đề cử 4 người bình duyệt (3 người ở Úc và 1 người ở Canada). Còn trường đại học thì đề cử 3 người của họ. Trên nguyên tắc tôi không biết trường chọn ai, nhưng qua đi dự hội nghị thì tôi biết tất: đó là LR ở Mayo Clinic (một trong những ông tổ nội tiết học), ES (một nhân vật lừng danh trên thế giới ở Melbourne và cũng là … bạn tôi), và người thứ ba là EBC (San Diego, cũng là một nhân vật lừng danh về HRT). Hai trong số 3 người này là bậc thầy của thầy tôi, và một người là cùng đẳng cấp với thầy tôi. Trong hội nghị ở Montréal, họ tự đến nói với tôi rằng họ duyệt đơn của tôi, nhưng vì nguyên tắc họ không thể cho tôi xem họ viết gì, chỉ biết là họ ủng hộ trường hợp tôi.

Đặc biệt có LR nói thẳng là đáng lẽ tôi nên được đề bạt từ mấy năm trước chứ không chờ đến nay. Còn ES thì quen tính nói như trắng với đen là “promote him, keep him in academia”. Riêng EBC thì kín miệng không nói gì cả, chỉ nói là “Tao xếp mày hạng top 1%”. Với những người bạn bậc thầy, bậc đàn anh mà đề nghị như thế thì tôi thấy cũng yên tâm.

Còn 4 người tôi đề cử để duyệt thì tôi không biết họ viết gì, vì họ vẫn theo nguyên tắc là không nói cho ứng viên biết. Thật ra, có qui định là nếu họ cho tôi đọc báo cáo của họ thì trường phải kiếm người khác và có thể hủy bỏ lần đề bạt này! Tuy nhiên, qua tình bạn và tình đồng nghiệp tôi tin tưởng rằng họ không “đâm sau lưng chiến sĩ”, nên cũng không có vấn đề gì.

Nói chung, cuộc sống trong xã hội hay trong cộng đồng khoa bảng là một cuộc sống đa chiều, mà trong đó các thành viên phải tùy thuộc với nhau để mà sống và làm việc. Tôi nghĩ cuộc sống và sinh hoạt khoa bảng như là một hàm số xã hội phức tạp, mà trong đó ai cũng phải phụ thuộc vào nhiều người khác để học hỏi và tồn tại. Nghĩ như thế này tôi càng thấm thía câu nói của Trịnh Công Sơn: Sống ở đời cần phải tử tế với nhau.

Một cuộc phỏng vấn lạ lùng và nhớ đời

Sau khi đệ đơn xong là đến khâu học hỏi. Tôi phải đi dự những seminar và workshop chuyên dạy về cách trả lời phỏng vấn. Tôi học hai khóa và thấy rất có ích. Những người đi trước chỉ tường tận những “trick” và “trap” để đương đầu với hội đồng khoa bảng.

Theo lịch trình, tôi được phỏng vấn vào ngày 16/10/2008. Nhưng hỡi ơi, đó là ngày tôi có mặt ở Hà Nội để thực hiện workshop ở Viện Nhi trung ương theo lời mời của nhóm RMH ở Melbourne. Một ngày trọng đại như thế mà mình vắng mặt thì ăn nói làm sao với hội đồng khoa bảng đây? Tôi bèn gọi điện thoại cầu cứu khoa trưởng, với lí giải là tôi không biết trước ngày phỏng vấn, nên đã nhận lời Việt Nam rồi. Người ta đã mua vé, đặt phòng khách sạn, học viên đã đăng kí hết rồi, tôi không thể dời ngày được. Tôi xin được phỏng vấn trước ngày 13/10 hay sau ngày 20/10, nhưng khoa trưởng không chịu, vì ông ấy nói rằng tất cả thành viên đã được chọn và đã hẹn ngày xong hết rồi. Cuối cùng, ông nói phải phỏng vấn qua điện thoại! Tôi hơi phân vân với đề nghị này, vì trước đó chưa bao giờ làm như thế cả. Ông hẹn là sẽ hỏi ý kiến hiệu trưởng rồi trả lời sau. May mắn thay, hiệu trưởng bật đèn xanh đồng ý, và thế là tôi an tâm lên đường đi Hà Nội.

Giờ phỏng vấn được định là 10 giờ sáng (giờ Sydney) ngày 16/10. Lúc đó, 10 giờ bên Sydney là 6 giờ sáng bên Hà Nội, tức là tôi phải thức sớm để chuẩn bị. Từ 4 giờ sáng tôi đã không ngủ được, một phần vì khác giờ, một phần vì … hồi hộp. Đành phải thức dậy thôi. Tôi đọc lại đơn của mình một lần nữa, xem qua những tiêu chuẩn, những bài học trước đây, để chuẩn bị đối phó với cuộc phỏng vấn. Tôi còn thậm chí viết ra những câu hỏi và viết ra luôn những điểm chính để trả lời xuống giấy. Tôi chuẩn bị đâu gần 20 câu hỏi, nhưng trong thực tế họ hỏi nhiều câu nằm ngoài dự đoán của tôi! Nhưng có chuẩn bị tốt như thế vẫn rất tốt cho tinh thần.

Đúng 6 giờ sáng, chuông điện thoại phòng reo. Không chờ đến tiếng chuông thứ hai, tôi nhấc ngay điện thoại. Phía bên Sydney là tiếng nói của ông khoa trưởng PS. Ông ta hỏi tôi thời tiết Hà Nội ra sao và vài câu vớ vẩn khác. Lúc đó, tôi nghĩ thầm trong bụng: mẹ kiếp, mình đang nôn nóng gần chất, mà ổng cứ hỏi chuyện … tào lao. Nhưng may quá, ông nói để tiết kiệm thì giờ, ông sẽ đi vào cuộc phỏng vấn. Mở đầu, ông nói về “luật chơi” của cuộc phỏng vấn như tôi có quyền phản đối câu hỏi nhưng không có quyền chất vấn lại người hỏi, người hỏi không có quyền hỏi những câu mang tính cá nhân hay xâm phạm cá nhân, và cuộc phỏng vấn sẽ có người ghi âm lại tất cả những câu hỏi và trả lời, v.v… Nếu tôi đồng ý luật chơi thì tiếp tục, còn không thì … ngừng. Nghe qua mấy “luật chơi” này tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì mình từng là người phỏng vấn người khác, tôi thấy ông ấy nói với tôi hơi thừa, nhưng vì lí do pháp lí nên ông phải nói rõ ràng như thế.

Ông vào đề bằng cách giới thiệu hội đồng phỏng vấn, gồm có 8 giáo sư, dưới sự chủ tọa của ông. Trong số 8 người này, có 5 người trong khoa y (họ là chuyên gia về tim mạch, nội tiết, thần kinh, dịch tễ học, và di truyền học), 1 người từ khoa khoa học (science faculty), và 2 người từ trường đại học Sydney. Tôi chẳng quen biết ai trong 8 người này. Có thể đó cũng là cách họ chọn người để đảm bảo tính khách quan. Sếp của tôi cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn, nhưng ông chỉ dự với vai trò “quan sát viên” mà không được có ý kiến gì cả. Tám người này luân phiên hỏi tôi, có câu hỏi họ yêu cầu tôi chỉ trả lời trong một số phút nhất định. Họ không bình luận gì về câu trả lời, mà chỉ tập trung lắng nghe tôi nói. Những câu hỏi mà tôi còn nhớ là:

  • Nói cho chúng tôi biết tại sao ông muốn đề bạt lên chức danh professor? Ông tự đánh giá mình so với các tiêu chuẩn của trường như thế nào? Ông có 5 phút để trả lời. Đây là câu hỏi của khoa trưởng (ông ta chỉ hỏi 1 câu duy nhất).

  • Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông. Xin đừng nói quá chi tiết, chúng tôi chỉ muốn nghe câu chuyện đằng sau của công trình và ảnh hưởng như thế nào.

  • Nếu ông bước vào một hội nghị quốc tế, người ta có nhận ra ông không? Nếu nhận ra, thì ông được biết đến về lĩnh vực gì?

  • Trong số hàng trăm công trình khoa học và bài báo ông liệt kê, có bao nhiêu ông thực sự là người chủ trì, và bao nhiêu là do nghiên cứu sinh của ông làm và ông chỉ đứng tên tác giả.

  • Ông làm việc với Gs JE khá lâu và ông ấy cũng là thầy cũ của ông, vậy ông có thể chứng minh cho chúng tôi biết ông độc lập với thầy cũ mình như thế nào.

  • Trong thời gian 1999-2001, số lượng bài báo của ông có vẻ suy giảm. Tại sao?

  • Ông tự đánh giá chất lượng các công trình khoa học của ông như thế nào?

  • Chỉ số trích dẫn của ông rất ấn tượng. Xin nói cho chúng tôi biết có bao nhiêu bài báo chưa bao giờ được trích dẫn, và ông có bình luận gì không?

  • Triết lí đào tạo tiến sĩ của ông là gì. Ông có 2 phút để nói.

  • Nghiên cứu sinh postdoc của ông có vẻ thành công nhiều. Bao nhiêu thành công là do ông và bao nhiêu là do công sức của họ?

  • Ông làm gì để phát triển nhóm (lab) nghiên cứu của ông trong tương lai?

  • Nếu ông là khoa trưởng y khoa, ông sẽ làm gì để nâng cao vị thế và uy tín của khoa trên trường quốc tế?

  • Ông có đóng góp gì cho chính sách khoa học và y tế không?

  • Ông nghĩ gì về y học thực chứng? Theo ông, y khoa nên đi về định hướng nào trong tương lai?

  • Ông liệt kê 7 cuốn sách ông in ở Việt Nam. Thì giờ đâu mà ông làm nhiều thế; ông có ngủ không? Đây là câu hỏi cuối cùng; ông giáo sư hỏi tôi câu này có vẻ đùa vui vì tôi nghe ông ấy cười trong điện thoại.

Vì đây là một cuộc điện đàm qua điện thoại kiểu telephone conference, và tôi đoán là có lẽ vì bàn họp hơi rộng, họ ngồi chung quanh, và máy điện thoại không tốt (dỏm?) nên âm lượng không cao mấy. Điều này làm cho tôi khó nghe được câu hỏi. Thật ra, tôi có quyền yêu cầu họ nói lớn lên, nhưng vì mình đã “không đẹp” với họ (không có mặt trong buổi phỏng vấn) lại còn ở một nơi mà họ có thể hiểu lầm là tôi đi nghỉ mát, lại còn đòi hỏi quá như thế thì không “phải đạo” mấy, nên tôi đành phải kiên nhẫn và áp điện thoại sát tai để nghe. Thật là vất vả! Sau gần 45 phút (họ hứa chỉ 30 phút) phỏng vấn và trả lời, tôi thấy mình cũng nhẹ người như vừa làm xong một nhiệm vụ. Sau đó vài phút, sếp tôi gọi điện qua chúc mừng nói: “You have done a good job” (mày đã làm xong việc một cách tốt đẹp).

Xuống phòng ăn sáng, gặp Nguyên (người cùng đi làm workshop với tôi), tôi kể lại câu chuyện phỏng vấn như là một cách trị liệu, kể để rồi quên nó đi! Tôi lại chuẩn bị đi “chiến đấu” tiếp trong workshop ở Viện Nhi đúng 8 giờ sáng và không muốn nhớ đến cuộc phỏng vấn nữa.

Tôi nghĩ mình trả lời ok, nhưng như bất cứ việc gì, tôi nghĩ nếu làm lại lần nữa, tôi sẽ làm tốt hơn. Nói chung, tôi không có vấn đề gì trong phỏng vấn. Trước khi phỏng vấn tôi đã được trường tập dượt và cũng biết được những nguyên tắc của cuộc phỏng vấn. Một trong những nguyên tắc đó là mình phải tỏ ra ngang hàng với người phỏng vấn, chứ không phải thấp hơn, và nhất là không bao giờ tỏ ra mình là người xin ân huệ. Sếp tôi nói tôi đã thể hiện nguyên tắc này tốt. Có lẽ một phần do tự tin, một phần do tính cách Á châu, và do thực lực nên tôi không bao giờ cảm thấy mình “dưới cơ” hay “lép vế” với bất cứ ai trong những người phỏng vấn mình. Trước khi phỏng vấn, tôi đã xem qua bề dày khoa học (track record) của những thành viên này và thấy chỉ số H của người “nổi” nhất cũng chỉ bằng phân nửa chỉ số H của tôi, còn mấy người khác thì không đáng kể, ngay cả số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Có vài câu trả lời mà tôi nghĩ lại mình có vẻ hơi trịch thượng và “hách”, nhưng sếp tôi thì nói chẳng có gì là trịch thượng cả!

Nhưng cũng có vài ba câu tôi thiếu chuẩn bị nên trả lời chưa được thông lắm. Chẳng hạn như câu hỏi có bao nhiêu bài chưa bao giờ trích dẫn, vì không có con số cụ thể nên tôi hơi chao đảo và nói … lạc đề (ngay cả sếp tôi còn nhận được điều này). Những câu hỏi về chính sách khoa học, về “nếu là khoa trưởng” cũng làm tôi lúng túng (vì chưa bao giờ nghĩ họ hỏi), phải mất cả vài chục giây định thần để trả lời. Tôi nghiệm ra những câu hỏi cắc cớ nhưng quan trọng này là nhằm mục tiêu thử xem mình có tầm nhìn cao và xa hay chỉ quay quẩn tầm nhìn của một người làm chuyên môn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của sếp JS trước đây rằng làm khoa học cần phải quan tâm đến cái mà ông ấy gọi là “big picture” (bức tranh lớn) chứ không chỉ chúi đầu vào những chuyện nhỏ. Tôi trả lời dựa vào những gì mình đã viết trước đây trên báo đại chúng, và “chêm” vài câu về định hướng nghiên cứu để khoa y UNSW có thể sánh vai với các đại học hàng đầu bên Mĩ. Tôi không biết ông khoa trưởng nghĩ gì về câu trả lời “đao to búa lớn” đó, nhưng rõ ràng là tôi khác quan điểm với ông ấy về nghiên cứu.

Tuy nhiên, tôi thấy thái độ phỏng vấn của họ không quá khó khăn như lần phỏng vấn chức danh NHMRC senior fellow. Thật ra, tôi thấy họ có vẻ thân thiện, và tạo điều kiện cho mình trả lời hay biện minh. Trong 8 người phỏng vấn, tôi để ý 2 người hỏi một số câu có thể gọi là “critical” (và thách thức), như chú ý đến biểu đồ về số bài báo công bố, định lượng mức độ độc lập, hay câu hỏi mang tính “khiêu khích” rằng thành tựu tôi chỉ là do nghiên cứu sinh làm, hay tôi chỉ nhân danh sếp mà lấy công của học trò. Nhưng tôi lại thấy đó là cơ hội để mình giải trình trường hợp của mình tốt hơn. Nguyên lí của tôi là lúc nào cũng cố gắng biến câu hỏi khó thành một cơ hội để mình … nói thêm (hay nói như ông bà mình hay nói là biến thế yếu thành thế mạnh).

Và những bài học cá nhân

Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Vậy thì, tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với các bạn đi sau, các bạn trẻ hơn? Tôi nghĩ đến câu hỏi này nhiều, và thấy mình có thể rút ra vài bài học cá nhân sau đây:

Phấn đấu vượt trội. Tôi nghĩ dù muốn hay không muốn ghi nhận thì cũng phải nhìn nhận một thực tế: những người giữ những vị trí trong xã hội, kể cả những chức vụ khoa bảng, là những “bộ lạc”. Trong những bộ lạc đó, kẻ đứng đầu tạo ra những luật chơi và những tiêu chuẩn để sàng lọc những ai có thể trở thành đồng nghiệp của họ. Đối với một người tị nạn từ một đất nước nghèo và chiến tranh triền miên như Việt Nam, mà lại xuất thân từ nông thôn, thì ấn tượng mà người phương Tây có trong đầu sẽ là một kẻ tầm thường, không đáng chú ý. Trong thực tế, trước đây tôi đã gặp nhiều tình huống mà tôi cảm thấy như mình bị xem thường, bỏ ra rìa, và nhiều trường hợp mà họ “nói trên đầu” mình. Do đó, tôi tự đặt cho mình một cái chuẩn khắt khe hơn: tôi phải hơn họ ít nhất là hai cái đầu. Tôi nghĩ hơn họ một cái đầu vẫn chưa đủ. Đó chính là mục tiêu mà tôi phấn đấu để khi xét đến bất cứ một tiêu chuẩn nào, tôi vẫn phải đứng trên những cái tiêu chí mà người ta kì vọng cho chức vụ đó. Một khi đã đạt mục tiêu tôi cảm thấy mình chẳng những có đầy đủ “leverage” để nói chuyện mà còn sẵn sàng trả đũa, hay nếu cần có thể “làm hách”, với những ai tỏ ra dám trịch thượng với mình. Trong thực tế, tôi đã có lần “thử nghiệm” một cách công khai với một người đồng nghiệp dám tỏ thái độ bề trên với tôi để làm cho người đó thấy phải tự mình thấy ngượng!

Hi sinh vài nhu cầu cá nhân. Để vượt trội hơn đồng nghiệp phương Tây chỉ có 2 cách: một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ, và hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều thì giờ hơn họ. Để có nhiều thì giờ cho công việc, tôi nghĩ chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp cá nhân không cần thiết. Nói cách khác, đôi khi cũng cần phải tự đóng cửa, tự cô lập mình để hoàn thành những dự án, những dự tính mà mình đã đặt ra.

Mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Trong cuộc sống và công việc tôi thấy đôi khi tôi bị thu hút bởi những chuyện không đâu, và tốn nhiều thời gian không cần thiết. Cho nên, bài học cá nhân của tôi là làm việc gì cũng phải có mục tiêu cụ thể, phải biết việc mình đang làm sẽ dẫn đến thành quả gì. Rồi từ đó, vạch định việc làm cho từng thời gian cụ thể. Tôi có thói quen mỗi sáng ngồi xuống viết ra những việc mình cần làm hôm nay (things to do), và lúc nào cái danh sách dự án cũng trên bàn nhắc nhở mình đã và đang đi đến đâu trong tiến trình của việc đạt mục tiêu.

Để đạt mục tiêu mình đề ra, tôi thấy ý chí rất quan trọng. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không nên bỏ dở giữa chừng. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tính “thua keo này bày keo khác”, quyết chí không bỏ cuộc. Ghi nhận vấn đề và khó khăn, nhưng không phải ghi nhận để than vãn và bỏ cuộc, mà phải biến khó khăn thành thách thức để làm việc.

Nhắm vào chất lượng. Công trình khoa học luôn luôn là chỉ tiêu chính, nếu không muốn nói là “chìa khóa” để được đề bạt. Nhưng một tác giả dù công bố nhiều công trình khoa học không nói lên thành tựu và ảnh hưởng gì cả, mà cần phải chú ý đến chất lượng. Chất lượng một công trình khoa học có thể đánh giá qua hệ số ảnh hưởng của tập san, và nhất là qua số lần trích dẫn. Mà, muốn có chất lượng cao thì cần phải đầu tư thời gian suy nghĩ về câu hỏi nghiên cứu và phương pháp. Phải tự hỏi mình vấn đề nghiên cứu có lớn không, có gây ảnh hưởng gì đáng kể, có khả năng đưa chuyên ngành một bước cao hơn, v.v… Không nên tập trung vào những nghiên cứu chỉ giải quyết những vấn đề nhỏ hay những vấn đề mang tính địa phương có giá trị nhất thời.

Nắm lấy phương pháp. Tôi để ý thấy nhiều đồng nghiệp họ nói rất hay và có khi rất nổi tiếng, nhưng khi được hỏi về những chi tiết phương pháp thì họ lúng túng. Rất tiếc, đó là tình trạng khá phổ biến ngày nay. Do đó, một trong những chỉ tiêu tôi đặt ra là phải nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một “leverage” lớn khi cạnh tranh với người khác. Nói cho cùng, nói đến khoa học là nói đến phương pháp. Chính vì thế mà tôi khuyên nghiên cứu sinh của mình ngoài việc suy nghĩ về vấn đề, còn phải làm chủ cho được phương pháp, để mai đây mốt nọ ra trường có thể trở thành độc lập nhanh chóng trong nghiên cứu khoa học.

Tìm thầy giỏi và một trung tâm tốt. Ông bà ta có câu “không thầy đố mày làm nên” hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tôi vẫn thấy hai câu này rất thực tế và cũng là một lời khuyên rất có ích. Để thành công trong khoa học, mỗi người cần phải chọn cho mình một người thầy có tiếng trên trường quốc tế. Làm việc hay học hỏi với người thầy có tiếng tạo cho chúng ta cơ hội giao lưu với những người có tiếng và hàng đầu trên thế giới (vì cũng như bộ lạc, trong khoa học người ta cũng có giai cấp và giai cấp cao chỉ giao du với những người cùng cấp), và điều này rất có ích trong việc tạo dựng sự nghiệp. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn, chứ không tủn mủn như những nhóm nghiên cứu khác. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường khoa học rất tốt để giao lưu cùng những nhà khoa học giỏi. Do đó, cần tìm đến “đầu quân” cho những trung tâm này để học hỏi từ họ, học hỏi từ cách tổ chức và làm việc, đến những vấn đề chuyên môn.

Làm việc theo nhóm (teamwork) và hợp tác. Tôi chưa thầy ai thành công trong khoa học mà làm việc đơn lẻ. Trong hoạt động khoa học ngày nay, người ta tập trung nhau thành từng nhóm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nghiên cứu khoa học ngày nay đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người từ nhiều ngành nghề khác nhau. Làm việc theo nhóm có một lợi thế là các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành, và qua đó có thể nâng cao “năng suất” khoa học. Do đó, một cách nâng cao số lượng và chất lượng công trình khoa học là phải có tinh thần làm việc theo nhóm, phải biết tôn trọng các đồng nghiệp khác, và phải biết “cho và nhận” (“give and take”).

Làm việc theo từng nhóm cũng có nghĩa là lắng nghe nhau, cạnh tranh nhau trong tinh thần hợp tác. Gặp nhau thường xuyên và chia sẻ ý kiến về phương pháp là một điều rất có ích. Nói đến điều này, tôi thấy ở Việt Nam mình người ta có truyền thống cạnh tranh đạp đổ nhau, đố kị nhau (thấy ai hơn mình là tìm cách hạ bệ người ta bằng mấy chuyện cá nhân vu vơ) hơn là hợp tác, và đó là một thái độ rất có hại cho khoa học. Tôi thường hay nói với nghiên cứu sinh là ý tưởng thường đến từ những cái mà tiếng Anh gọi là Open discussion (thảo luận mở rộng) chứ không chúi đầu trong chuyên ngành của mình. Bây giờ nhìn lại một số công trình của mình tôi thấy học hỏi rất nhiều phương pháp và ý tưởng từ các ngành ung thư và tim mạch. Ngay cả việc phát triển mô hình tiên lượng loãng xương tôi cũng học hỏi từ các chuyên gia ngành ung thư.

Tiếng Anh. Ngay từ những ngày đầu tiên mới định cư ở Úc, tôi nhận ra tiếng Anh là phương tiện để tồn tại trong xã hội này. Trong khoa học, tôi có thể không ngần ngại nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh làm phương tiện thông tin. Không rành tiếng Anh thì khó mà thành công trong khoa học, cho dù nhà khoa học giỏi cỡ nào. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp tác giả có những nghiên cứu rất hay, nhưng khi trình bày thì do tiếng Anh quá kém nên làm nãn lòng đồng nghiệp. Nhưng giỏi tiếng Anh như thế nào để thành công? Tôi nhớ đến lời khuyên của ông Mười Hương, một thượng cấp của tướng Phạm Xuân Ẩn (một nhà tình báo tài ba) khi ông Ẩn được cử sang Mĩ học: sang bên ấy, cậu phải luyện tiếng Anh cho tốt, phải nói, viết và hành xử như người Mĩ, chứ không phải như người Việt. Nói cách khác, phải hội nhập với đồng nghiệp bằng thứ ngôn ngữ của họ, với cách nói và viết của họ chứ không phải cách diễn tả của người Việt.

Kinh nghiệm tôi cho thấy tiếng Anh là một trở ngại lớn cho người Việt chúng ta. Có nhiều sinh viên Việt Nam quá tự tin rằng họ biết văn phạm tiếng Anh nhưng chỉ kém về phát âm mà thôi. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi và kinh nghiệm cá nhân, sinh viên ta chẳng những kém về phát âm, mà còn rất kém về cách viết và tranh luận trước đám đông. Viết cho lưu loát, cho hay, cho thuyết phục lại càng khó. Viết chẳng những đòi hỏi một tư duy logic mà còn đòi hỏi nghệ thuật. Tư duy logic giúp mình sắp xếp ý tưởng cho có thứ tự, trước sau rõ ràng. Còn nghệ thuật ở đây là kĩ năng dùng chữ sao cho đơn giản, không phô trương, chính xác, mà nói lên được điều mình muốn nói.

Tôi chưa bao giờ đến trường học tiếng Anh có hệ thống, mà chỉ tự học là chính. Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi nằm trong 3 lời khuyên: học từ căn bản; chịu khó đọc báo và đối chiếu với đài tivi hay radio; chịu khó thực hành viết và nói. Ngày xưa, có khi cả ngày tôi học chỉ có 1 chữ, nhưng tôi nắm rất vững và hiểu chữ đó từ cái gốc. Nguồn gốc nó từ đâu; các biến thể tính từ, động từ, danh từ, v.v... ra sao; đọc như thế nào; cách sử dụng trong câu văn ra sao, v.v... Hai cuốn sách giúp tôi nhiều nhất là cuốn Từ điển Longman và cuốn Practical English Usage của Michael Swan. Học xong chữ, sáng ra tìm một tờ báo để đọc. Tìm hiểu chữ mình không biết. Chiều về mở đài tivi nghe phóng viên đọc tin. Xác suất là phóng viên sẽ đọc lại một phần bản tin từ báo chí lên đến 95%. Truyền thông Tây phương này nói là đa dạng chỉ đúng một phần, chứ thực chất nó chỉ lặp đi lặp lại một vài tin thôi. Học như thế rất hiệu quả!

Trên đây là những kinh nghiệm và bài học mà tôi đã rút ra được từ những lần đề bạt trước đây và lần này. Tôi hi vọng những bài học và kinh nghiệm này sẽ giúp chút ích cho các bạn đi sau hay các bạn trẻ đang phấn đấu trong sự nghiệp khoa bảng. Tôi nghĩ được đề bạt lên chức danh này nọ chỉ là cái danh, cái quan trọng hơn là cái “thực”. Thực ở đây là trở thành một người có ích cho xã hội, đóng góp tri thức của mình để đem lại phúc lợi thực sự cho cộng đồng, cho quê hương. Do đó, không nên quá đặt nặng cái danh trước cái thực, vấn đề quan trọng hơn là làm sao sử dụng tri thức và chức danh của mình cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước và dân tộc.

Năm nay là năm thứ 28 tôi rời Việt Nam, và năm thứ 27 tôi định cư ở Úc (tôi đến Sydney ngày 26/1/1982, ngày Quốc khánh Úc). Khi sang đến đây thì cái gì cũng làm lại từ đầu. Nhìn lại quãng đường mình xa quê và sống ngoài này, tôi thấy mình chẳng khác gì một đứa bé chập chững mới biết đi, tập nói tập viết (tiếng Anh), rồi theo thời gian trưởng thành và nay thì vào giai đoạn “luống tuổi”. Trong thời gian khá dài đó, tôi làm từ những việc khó khăn nhất như làm “kitchen hand” (tức là rửa chén và rửa rau cải trong nhà bếp) đến làm giáo sư. Sếp tôi nói “cuộc đời mày như là một lịch sử”, nhưng tôi nói “cuộc đời của mỗi người Việt Nam cùng thời với tao là một lịch sử”. Không cần nói ra, tôi nghĩ chắc các bạn cũng đoán biết tôi không có một cuộc đời bằng phẳng như nhiều người khác cùng thời, bởi vì tôi trải qua một giai đoạn tị nạn và những khó khăn cùng đau khổ sau đó. Phải mất đến vài năm sau khi định cư ở Úc tôi mới lấy lại thăng bằng trong cuộc sống để tiếp tục mục tiêu của mình. Nay thì có thể nói tôi đã phần nào đạt được mục tiêu mình đề ra. Trong giây phút này, tôi nghĩ đến nhiều người (có thể rất nhiều người) đã giúp đỡ tôi trong quá trình ăn học và làm việc, và tôi muốn nhân cơ hội này ghi nhận và tri ân những người đó. Nhưng tôi nghĩ ngay đến Ba Má tôi, hai người đều đã qua đời trước khi chứng kiến sự trưởng thành của thằng con. Tôi cũng da diết nhớ đến anh Hai tôi, người đã cho tôi những bài học đầu đời thời trung học, và cũng là người đặt ra những cái chuẩn cao để không cho tôi tự mãn, nhưng rất tiếc anh đã đi về cõi vĩnh hằng quá sớm để thấy thằng em “học hành ra sao” -- câu anh thường hay nói thuở sinh tiền mỗi khi anh bực mình với tôi. Bà con tôi thường nói nếu anh cả tôi còn sống đến ngày nay thì chắc gì anh ấy còn làm cho tôi phấn đấu nhiều hơn nữa. Mất anh cả như mất một cái chuẩn mực để mình nương theo.

Cuối cùng, xin mượn câu của tin gọi một chút này làm ghi của cụ Nguyễn Du để gửi gắm những dòng tâm sự rất cá nhân này.

NVT

Bạn nào muốn biết lần phỏng vấn trước thì có thể đọc ở đây (3 phần):

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/06/mt-ln-i-phng-vn.html

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/06/mt-ln-i-phng-vn-v-nhng-bi-hc.html

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/06/mt-ln-i-phng-vn-v-nhng-bi-hc-phn-cui.html

Hai mươi tám năm về trước tôi là như thế này. Nhìn lại thì thấy mình rất "nerdy". Thằng con tôi nó scan tài liệu này (vì tôi chưa biết scan) xong rồi nó nói you look funny, Dad! (Ba trông buồn cười quá hà). Người nặng chỉ 54 kg (thiếu ăn mà), cái kính cận dầy cộm (8 độ) và nặng chịch, với khuôn mặt lo lắng cho tương lai. Tiếng Anh như vầy mà học hành gì -- phản ứng của người phỏng vấn tôi khi xin đi Úc qua câu hỏi qua Úc sẽ làm gì. Hình này do Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc chụp cho tất cả những ai mới nhập trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan). Sau gần 1 năm tôi được cấp visa đi Úc. Tôi đến Sydney ngày 26/1/1982, hôm đó trời nóng 42 độ C. Chú ý visa không có thời hạn (indefinite) vì lúc đó đâu có đi đâu nữa.

Một lần đi phỏng vấn và những bài học (phần 2)



Phỏng vấn

Năm năm trước tôi đã từng trải qua một lần phỏng vấn, và lần đó tôi thất bại. Tất nhiên, một lần thất bại là một kinh nghiệm chẳng mấy gì vui, nếu không muốn nói là rất “đau”. Đau chẳng phải vì mất việc làm (chẳng có ứng viên nào mất việc, vì họ đều là những giáo sư thành danh cả) nhưng vì một lần thất bại như thế làm tổn thương đến danh dự và niềm tự hào của họ, nhất là đối với những giáo sư cao tuổi và có tiếng trên trường quốc tế (giáo sư nào mà không có tự hào). Nên nhớ rằng hầu hết các ứng viên đều là những giáo sư, có không ít người là chủ nhiệm một bộ môn, lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, thậm chí có người là viện trưởng viện nghiên cứu, v.v… Riêng tôi thì phải nói là có “đau”, nhưng chẳng thấy tổn thương gì cả vì tôi không mang trong người cái “tôi” quá lớn như nhiều đồng nghiệp khác. Có lẽ lớn lên với câu nói của ông bà “thua keo này, bày keo khác”, nên tôi vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu “lấy” cho được cái NHMRC fellow. Sau khi chuẩn bị cẩn thận cả 5 năm trời, lần này tôi quyết định đệ đơn xin chức fellow của NHMRC. Sau 4 tháng chờ mong bình duyệt, tôi nhận được thư mời đi phỏng vấn, kèm theo một vé máy bay. (Hội đồng NHMRC sẵn sàng trả vé máy bay và khách sạn để phỏng vấn ứng viên ở xa).

Năm nay, ngoài tôi ra, trường tôi có 6 ứng viên khác cũng được mời phỏng vấn, mà trong số này 4 người xuất phát từ Viện nghiên cứu Garvan của tôi. Được tin này và rút kinh nghiệm từ mấy năm trước, trường đại học chuẩn bị cho “gà nhà” rất cẩn thận. Vì có liên quan đến danh dự của trường, cho nên trường đại học rất quan tâm và hết lòng giúp đỡ chúng tôi. Trước hết, trường mời một chuyên gia về truyền thông (communication) đến giảng cho chúng tôi về những kĩ thuật, kĩ năng trong việc trả lời phỏng vấn, thậm chí cách thức, điệu bộ trong khi phỏng vấn. Sau đó, trường cho mời một NHMRC fellow đến nói về kinh nghiệm của ông sau các cuộc phỏng vấn, và trực tiếp hướng dẫn chúng tôi cách trả lời những câu hỏi cụ thể. Sau cùng, trường tổ chức những cuộc phỏng vấn diễn tập (rehearsal interview) cho từng ứng viên. Nói là “diễn tập”, nhưng cách thức họ làm hoàn toàn giống như một cuộc phỏng vấn thật! Qua những diễn tập này, chúng tôi học rất nhiều kinh nghiệm, có người thậm chí còn viết ra hàng chục câu hỏi khả dĩ và … học thuộc lòng cách trả lời! Trước khi đi phỏng vấn, hiệu trưởng đại học còn gửi cho chúng tôi mỗi người một email với lời chúc may mắn!

Qua nhiều tuần chờ đợi, ngày phỏng vấn thật cũng đến. Dậy sớm từ 4 giờ sáng và ôn bài. Trên đường lái xe ra phi trường trong lúc cả thành phố còn ngủ, tôi không cách nào xua đuổi được những câu hỏi sẽ gặp phải trong kì phỏng vấn này. Thật là khổ! Tôi đón chuyến bay sớm nhất để đến Thành phố Melbourne. Buổi sáng ở phi trường Melbourne nhộn nhịp làm sao. Hình như ai cũng quá bận bịu với công việc của họ, chẳng ai quan tâm đến một kẻ đang đi tìm sự nghiệp như tôi! Trên đường từ phi trường về khách sạn (lần này, NHMRC tổ chức phỏng vấn tại một khách sạn 5 sao), tôi tìm cách bắt chuyện với anh tài xế taxi để tìm cách quên một cuộc “chiến đấu” sắp đến. Anh tài xế taxi tử tế chia tay tôi với câu nói đầy tình cảm: “Tôi thành thật chúc giáo sư may mắn và hi vọng ông sẽ thành công”. Tôi cám ơn anh và thầm nhủ lòng có ai muốn thất bại đâu, nhưng cuộc đời này thành bại là chuyện thường tình mà!

Tôi vẫn còn sớm 45 phút. Nhân viên tiếp tân của NHMRC mời tôi chờ trong đại sảnh với các ứng viên khác. Chỉ có 3 ứng viên người Á châu, còn lại là dân “Tây” cả. Phòng chờ rất tiện nghi, với các điểm truy cập internet, cà phê, trà, thức ăn sáng, báo chí, tivi, v.v… Tôi để ý thấy chẳng ai xem tivi hay đọc báo cả; ai cũng chăm chú đọc tài liệu, mà tôi đoán là các bài phỏng vấn mẫu hay đang … ôn bài. Nhiều người trẻ tỏ ra bồn chồn, dù vẫn cố giữ trên mặt một nụ cười tươi. Cũng có những vị tóc bạc trắng đang chăm chú nhìn vào màn ảnh máy tính với vẻ nghiêm nghị thường ngày của các sếp. Tôi bắt chuyện với một đồng nghiệp cỡ tuổi tôi, đến từ Nam Úc, và được biết đây là lần phỏng vấn thứ 3 của anh, nhưng anh thú thật là vẫn thấy hồi hộp. Riêng tôi thì không thấy hồi hộp gì cả, vì đã qua một lần phỏng vấn, và tôi cũng từng phỏng vấn người khác. Hơn thế nữa, lần này tôi được các chuyên gia “tập huấn” quá kĩ càng, và trước khi đi phỏng vấn, tôi đã tìm hiểu về 6 thành viên trong ủy ban phỏng vấn, xem qua thành tích khoa học của họ, kể cả những bài báo và tập san họ công bố, và thấy mình tự tin hơn, bởi vì nếu nói về khía cạnh thành tựu khoa học và đẳng cấp thì 4 trong 6 người này có thể là cấp dưới của tôi, còn 2 người kia thì cao hơn tôi một cái đầu. Có được sự tự tin hay niềm “kiêu hãnh” này cũng quan trọng trong việc đương đầu với thành viên của ủy ban phỏng vấn.

Tôi bắt chuyện một ứng viên khác từ Sydney, đang giữ chức giáo sư y khoa ở Đại học Sydney, và được biết nhiều chuyện bi hài trong phỏng vấn mà anh từng trải qua với tư cách là thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Chẳng hạn như có một cuộc phỏng vấn hi hữu, mà trong đó ứng viên là một giáo sư 68 tuổi, một tên tuổi lớn (hay nói theo ngôn ngữ ta là thuộc vào hàng “cây đa cây đề”). Cuộc phỏng vấn trôi chảy, đến khi một thành viên trong ủy ban hỏi nửa đùa nửa thật rằng bao giờ thì ông định về hưu. Ông ứng viên giáo sư nổi nóng, tay đập mạnh xuống bàn một cái “rầm”, ông đứng lên chỉ tay vào vị đặt câu hỏi và giận dữ quát: “Tại sao ông dám hỏi tôi câu đó? Ai cho phép ông hỏi câu đó? Ông có biết phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp không? Ông muốn về hưu thì cứ về, đứng có hỏi tôi bao giờ về hưu, nghe chưa? Đó là một sự xúc phạm! Ông nợ tôi một lời xin lỗi. Trời ơ! Nếu không có gì để hỏi tiếp thì tôi sẽ bước ra khỏi phòng này. Tôi còn nhiều việc phải làm.” Vị thành viên đặt câu hỏi xúc phạm đó tái mặt, ủy ban im lặng cả phút đến khi vị chủ tọa chính thức xin lỗi, ông ứng viên mới chịu ngồi xuống. Ấy thế mà ông giáo sư đó được bổ nhiệm chức NHMRC fellow. Câu chuyện thật thú vị và cho thấy ủy ban tuyển dụng không quan tâm đến vấn đề xung đột cá nhân, và họ hoàn toàn công minh.

Đang vui vẻ với câu chuyện tôi gần quên giờ mình sắp được phỏng vấn! Người đến mời tôi vào phỏng vấn là một giáo sư tên GL ở Melbourne. Tôi nhận ra ngay vì trước khi phỏng vấn, NHMRC công bố danh sách, hình ảnh, nơi công tác và chuyên môn của 6 thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Giáo sư GL tự giới thiệu, thân mật bắt tay tôi, và hướng dẫn tôi vào phòng họp. Trên đường đi, anh ta nói đùa chuyện thời tiết, chuyện bầu cử liên bang sắp tới, hoàn toàn không đã động gì đến chuyện tôi sắp đối phó.

Phòng phỏng vấn khá rộng, được bố trí một cách ấm cúng. Đèn “downlight” với ánh sáng vừa phải, máy sưởi đang chạy (Úc đang vào mùa đông), và trên bàn được bày biện các loại nước uống (tất nhiên là không có rượu bia). Cách họ bố trí bàn ghế cũng đáng ghi nhận ở đây. Tôi được bố trí ngồi một bàn riêng; đối diện tôi là bàn của vị chủ tọa cuộc phỏng vấn (tức là chair), hai bên là bàn của các thành viên, trong đó có một người là phát ngôn viên (spokesperson) của cuộc phỏng vấn. Phía góc trái của phòng là một người thư kí với máy tính cầm tay và máy thu âm. Nhiệm vụ của người thư kí này là thu âm lại tất cả những trao đổi trong cuộc phỏng vấn, để phòng sau này nếu có người khiếu nại thì họ sẽ có bằng chứng để giải quyết thỏa đáng và công bằng cho đôi bên.

Sau khi mời ngồi và tự giới thiệu, người phát ngôn nói qua về các qui định trong cuộc phỏng vấn. Theo các qui định này, cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra đúng 30 phút (tuy trong thực tế có khi dài hơn khoảng 5 phút là tối đa); ứng viên (tức là tôi) có quyền phản đối câu hỏi, nhưng không có quyền cãi lại với ủy ban (vì họ không có thì giờ đễ tranh luận); ứng viên phải trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không nên dài dòng lí giải hay biện minh; ứng viên có 5 phút để hỏi ủy ban về những vấn đề mình quan tâm; v.v… Tôi để ý thấy mỗi người đều có một chồng khá dầy về hồ sơ của tôi với những tờ giấy vàng, đỏ, xanh khắp nơi, mà tôi đoán có lẽ họ đang “chấm” đơn mình đâu đó hay vấn đề gì đó.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, giáo sư chủ tọa yêu cầu tôi trình bày lí do tại sao tôi đệ đơn xin bổ nhiệm NHMRC fellow, và ông còn nói thêm rằng tôi chỉ có 2 phút để trình bày câu chuyện của mình! Theo kinh nghiệm cá nhân và của nhiều người khác, đây là “câu hỏi” không có câu trả lời, và họ muốn đánh giá cách tôi trình bày ý tưởng có mạch lạc, khúc chiết, và hệ thống không. Vì biết rằng họ muốn đánh giá xem tôi có đáp ứng các tiêu chuẩn của một NHMRC fellow hay không, nên tôi phải sử dụng 2 phút này để trình bày trường hợp của mình hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu mà chương trình fellowship đã đề ra.

Theo sau câu hỏi đó, là hàng loạt câu hỏi từ các giáo sư thành viên trong ủy ban phỏng vấn. Vị giáo sư chủ tọa chăm chú nhìn tôi, đôi khi khoanh tay nhìn tôi trả lời với ánh mắt cười thân thiện (chắc là đang thông cảm cho tôi chăng), và thỉnh thoảng ghi xuống giấy điều gì đó. Tôi thấy ông thường xuyên nhìn xuống đồng hồ một cách kín đáo, như để kiểm tra xem tôi có quá giờ hay không. Họ hỏi tôi những câu hỏi như sau:

Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình tiêu biểu của ông đã làm thay đổi hay khác biệt (made a difference) trong chuyên ngành. Ông có 2 phút để nói!

Những bài xã luận và review này là do ông tự nguyện viết hay tập san mời ông viết? Ông có bằng chứng nào cho chúng tôi thấy là họ mời ông viết không?

Các nhóm nào trên thế giới đang là đối thủ cạnh tranh của ông, và ông đánh giá khả năng cạnh tranh của ông trên trường quốc tế ra sao?

So với những người làm trong ngành của ông trên thế giới, ông có biệt tài gì hay kĩ năng gì đặc biệt để đảm bảo tính độc nhất vô nhị trong các công trình của ông?

Nếu tự đánh giá, ông có thể cho chúng tôi biết ông đứng vào hạng nào trên thế giới trong chuyên ngành của ông?

Ông có nghĩ rằng chất lượng các ấn phẩm khoa học của ông đáp ứng yêu cầu của một NHMRC fellow không? Tại sao?

Ông có kế hoạch gì để nâng cao năng suất khoa học hay chất lượng nghiên cứu trong tương lai?

Chiến lược trong 5 năm tới trong việc đào tạo của ông là gì?

Ông có kế hoạch nào khác để nâng cao tài trợ cho nghiên cứu không?

Nói cho chúng tôi nghe về hoạt động của ông trong các hội đoàn chuyên môn?

Ông phục vụ trong nhiều ban biên tập, vậy thời gian đâu để làm nghiên cứu? Nếu chúng tôi nói “Ông chẳng làm gì cả, phần lớn là nghiên cứu sinh làm và ông chỉ đứng tên” như thế có công bằng không?

Trong các hội nghị ở nước ngoài mà ông tham dự với tư cách người nói chuyện hay khách mời, ai trả chi phí cho ông?

Quan hệ giữa ông và các công ti dược như thế nào?

Tại sao chúng tôi phải cung cấp tài trợ và bổ nhiệm ông vào chức vụ NHMRC fellow, khi ông đang giữ chức giáo sư ở trường ông?

Ông viết trong đơn rằng ông từng về và giúp cho đồng nghiệp Việt Nam. Tại sao ông giúp Việt Nam? Có công bằng không nếu chúng tôi cung cấp tiền fellowship cho ông để ông đi giúp cho Việt Nam?

Nghiên cứu của ông đem lại lợi ích gì cho y học và khoa học của Úc?

Ông có đóng góp gì vào chính sách khoa học của Úc hay nước ngoài?

Nói chung, những câu hỏi không khó trả lời và đều nằm trong dự kiến của tôi. Thật ra, tôi đã chuẩn bị cho những câu hỏi khó hơn, gai góc hơn về tài trợ, nhưng may mắn thay họ không hỏi. Vấn đề tài trợ rất quan trọng vì nó liên quan đến vận mệnh của một nhóm nghiên cứu. Nếu liên tiếp mất tài trợ cho nghiên cứu, nhóm của tôi có thể bị xóa bỏ trên bản đồ khoa học thế giới, sẽ có người mất việc, và chính tôi cũng có thể mất việc vì không có tiền để trả lương cho nhân viên, và không có ai sẽ đứng ra điều hành các dự án của nghiên cứu sinh. Chính vì thế mà hiện nay, một phần lớn thời gian của những người như tôi tiêu ra viết đơn xin tài trợ, chứ trực tiếp làm nghiên cứu rất ít. Đó là chưa kể mỗi năm phải kí hợp đồng với viện nghiên cứu và trường đại học. Nếu trong năm, nhóm của tôi không làm ra “sản phẩm” (tức là bài báo khoa học hay bằng sáng chế), đến khi kí hợp đồng sẽ bị “hỏi thăm” ngay, và nếu trong vòng 2 năm mà vẫn không có sản phẩm thì họ sẽ không kí tiếp hợp đồng và nhiều rắc rối sẽ xảy ra sau đó. Nói chung áp lực tài trợ và ấn phẩm khoa học lúc nào cũng đè nặng lên vai người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Hai áp lực này biến một giáo sư đứng đầu nhóm thành một doanh nhân khoa học, và nhóm nghiên cứu thành một đơn vị kinh doanh tri thức nhỏ.

Năm ngoái hai đơn xin tài trợ cho nghiên cứu của tôi đều thất bại. Đó là lần đầu tiên tôi bị thất bại thê thảm, vì mấy năm trước năm nào tôi cũng được tài trợ ít nhất là một dự án. Tôi chuẩn bị cho và nghĩ họ sẽ chú tâm vào sự thất bại năm ngoái của tôi, và họ sẽ nêu vấn đề nếu tôi thất bại một lần nữa thì việc họ bổ nhiệm tôi làm fellow cũng chẳng khác gì bổ nhiệm một người có chức danh mà chẳng có việc gì để làm! Tôi biết khía cạnh yếu của tôi, nhưng họ lại không xoay quanh khía cạnh này. Tôi hơi ngạc nhiên khi họ không lấy điểm yếu này để tấn công! Cũng có thể họ biết tôi sẽ thành công trong việc xin tài trợ cho năm nay, hay cũng có thể họ cho rằng tôi vẫn còn đủ kinh phí để tiếp tục “sống sót” thêm vài năm ...

Tôi từng biết trong quá khứ, họ có thể xoáy mạnh vào phần ấn phẩm khoa học với những câu hỏi rất “trực tiếp” như “chúng tôi thấy thành tích khoa học của ông mõng quá, ông nghĩ sao?”, hay “với chất lượng tập san như thế này, ông nghĩ là mình xứng đáng với chức danh NHMRC fellow không?”, hay “tình trạng tài trợ nghiên cứu của ông còn quá kém và có thể trong tương lai ông sẽ mất tài trợ, vậy nếu chúng tôi cho ông cái fellowship này, ông đâu có chuyện gì để làm, phải không?”, hay “trong vài năm gần đây ông công bố ít bài báo, vậy ông có bằng chứng nào để đảm bảo ông sẽ nâng cao năng suất trong mấy năm tới?” Trong trường hợp tôi, họ không hỏi tôi những câu như thế. Tôi đoán lí do họ không tập trung vào điểm này vì đó là “điểm mạnh” của tôi. Thật ra, như đã đề cập trên, 4 trong 6 người trong ủy ban phỏng vấn có số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học thấp hơn tôi khoảng 40-50%, chỉ có hai vị kia là hơn hẳn tôi đến 50%. Có lẽ họ thấy không thể “tấn công” tôi ở điểm này nên họ tìm cách làm cho rõ vị trí quốc tế của tôi.

Riêng hai câu hỏi về Việt Nam tôi thiếu chuẩn bị, và hơi chút lúng túng khi trả lời. Đến câu thứ hai về chuyện “công bằng” thì máu trong tôi bắt đầu nóng lên, và hỏi lại theo kiểu trả đũa là “tại sao tôi không giúp Việt Nam” vì đã định là sẽ “phản công” dữ dội, nhưng vị giáo sư chủ tọa đã kịp nhắc tôi: “Giáo sư Nguyễn, ông chỉ trả lời hay phản đối câu hỏi, ông không có quyền hỏi lại ủy ban!” Họ không xoáy thêm vào khía cạnh này.

Về thái độ, tôi đã được cảnh báo nhiều lần rằng, trong cuộc phỏng vấn, người ta sẽ rất thẳng thắn, và những khái niệm như lịch sự hay sỉ diện sẽ không có trong phòng phỏng vấn. Nói cho cùng, nhiệm vụ của ủy ban là tìm lí do để … loại bỏ ứng viên để đạt chỉ tiêu ngân sách do chính phủ đề ra. Tuy nhiên, lần này tôi thấy ngược lại: các thành viên trong ủy ban phỏng vấn rất thân thiện, lịch sự và lúc nào cũng cố gắng tạo ra một không khí hòa nhã, thân thiện với ứng viên. Có lẽ tùy thuộc vào cá tính của các thành viên trong ủy ban. Cũng có lẽ các thành viên trong ủy ban biết vị trí của mình trong mối tương quan với vị trí của ứng viên (tức là tôi) nên họ hành xử khác chăng? Tôi không biết, nhưng ngay cả những câu hỏi có thể xem là “tế nhị”, họ cũng sử dụng từ ngữ rất nhẹ nhàng, và nhất là cái “body language” (ngôn ngữ cơ thể) làm cho “cường độ tấn công” của câu hỏi giảm đi rất nhiều. Điều tôi chú ý trong lần phỏng vấn này là họ không trực tiếp phê bình về ứng viên, mà họ lại để cho ứng viên tự đánh giá mình. Chẳng hạn như trong lần phỏng vấn 5 năm về trước, họ hỏi tôi rằng “Ông công bố rất nhiều bài báo, nhưng có phải thật sự ông là người chủ trì các công trình đó hay chỉ là người tham gia công trình”, nhưng lần này, họ không hề đã động đến các ấn phẩm khoa học và vai trò của tôi, mà chỉ hỏi tôi tự đánh giá chất lượng ra sao. Có lẽ họ muốn chính mình nói ra, và sử dụng phát biểu của mình để đánh giá mình theo cái nhìn của họ.

Thành bại ...


Theo thống kê, mỗi năm NHMRC nhận được khoảng 2000 đơn, nhưng chỉ có 500 ứng viên loạt vào vòng 2 (phỏng vấn). Sau khi phỏng vấn, chỉ có 50 đến 100 ứng viên (tùy theo ngân sách trong năm và tùy theo chương trình) được bổ nhiệm làm NHMRC fellow. Tuy con số không nhiều, nhưng nó cũng tốn chính phủ từ 50 triệu đến 100 triệu đôla, một số tiền rất lớn. Tất nhiên, những người phụ trách điều hành NHMRC phải nói rằng nếu ứng viên không được bổ nhiệm thì điều đó không có nghĩa là ứng viên không thuộc vào hàng ưu tú. Nhưng có mấy ai nghe lời giải thích (mang chút an ủi) này! Trong thực tế, sự thất bại chẳng làm thay đổi công việc hay vị thế của ứng viên, vì họ vẫn là giáo sư, vẫn là những người lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, vẫn hoạt động bình thường; có khác chăng là họ không được -- hay thất bại trong phấn đấu để được -- “kết nạp” vào câu lạc bộ các nhà khoa học ưu tú.

Hoạt động khoa học ở Úc mang tính cạnh tranh rất cao. Vì là nước nhỏ, cho nên việc cạnh tranh còn gay gắt hơn các nước lớn như Mĩ hay Anh. Nhưng là người sinh đẻ và trưởng thành từ nước ngoài như Việt Nam, sự cạnh tranh để được công nhận còn có phần cao hơn so với các ứng viên người bản xứ. Nói cách khác, để bằng người bản xứ, ứng viên người nước ngoài phải cao hơn họ ít nhất là một “cái đầu”. Tôi vẫn tự an ủi rằng điều đó mình phải chấp nhận thôi, vì đây đâu phải là xứ sở của mình, và nếu họ có làm khó mình thì cũng có thể hiểu được.

Tôi phải chờ đến tháng 9 mới biết kết quả. Không ai biết tương lai sẽ ra sao, và tôi cũng không biết kết quả là mình thành công hay thất bại. Tuy nhiên, tôi vẫn tự tin, và nghĩ rằng mình đã phấn đấu hết khả năng mình cho phép; do đó, dù có được bổ nhiệm làm NHMRC fellow hay không, tôi vẫn không có gì đáng tiếc. Cuộc đời này vô thường mà! Tuy nhiên, tôi muốn nhân cơ hội này kể lại kinh nghiệm của mình để đồng nghiệp có thể học hỏi. Có lẽ tôi là người đầu tiên thuật lại những kinh nghiệm “hậu trường” trên giấy trắng mực đen để đồng nghiệp đi sau học hỏi. Nếu tôi không thành công thì tôi vẫn hi vọng kinh nghiệm của tôi có thể giúp cho các bạn đồng nghiệp học hỏi và thành công. Nếu được như thế thì tôi vui mừng lắm rồi.


(Còn tiếp một phần nữa ...)

Một lần đi phỏng vấn và những bài học (phần cuối)


Nhìn người lại nghĩ đến ta

Tình hình hoạt động khoa học ở nước ta trong những năm gần đây bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Các bộ liên quan đến hoạt động khoa học đã bắt đầu áp dụng những chuẩn mực quốc tế để trong việc đào tạo tiến sĩ và đánh giá năng suất của các nhà khoa học. Nhưng cách tổ chức các hoạt động khoa học ở nước ta, theo tôi, vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi cả nước có một trung tâm khoa học và công nghệ, thì các bộ, thậm chí các cục thuộc chính phủ, cũng có những viện nghiên cứu riêng. Các nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu được thực hiện tại các viện nghiên cứu, trong khi đó đóng góp các đại học còn quá khiêm tốn dù ở đây có đội ngũ giáo sư và nghiên cứu sinh khá hùng hậu. Đó là chưa kể đến tình trạng chảy máu chất xám rất trầm trọng ở trong nước, với nhiều nghiên cứu sinh không chịu (hay không được tạo điều kiện & cơ hội) về nước tham gia nghiên cứu. Rõ ràng, nhu cầu tổ chức lại đội ngũ nghiên cứu khoa học là rất cấp bách trong môi trường cạnh tranh như hiện nay.

Hiện nay, có nhiều mô hình tổ chức, và kinh nghiệm từ các nước có nền khoa học tiên tiến như Mĩ, Âu châu, Úc và Canada có thể cung cấp cho chúng ta những mô hình có ích. Theo các mô hình này, các viện nghiên cứu nhỏ hay trung bình (dưới 50 người) của các bộ và cục nên sáp nhập với các đại học, nhưng vẫn giữ định hướng nghiên cứu của họ. Cách làm này vừa tạo ra môi trường để các giáo sư trong trường cộng tác với viện nghiên cứu, và sử dụng các nhà khoa học của viện trong công tác giảng dạy và đào tạo nghiên cứu sinh.

Qui trình phân phối ngân quĩ cho nghiên cứu khoa học cũng cần nên xem xét lại, hay tốt nhất là thay đổi. Hiện nay, các bộ như Bộ y tế ra đề tài nghiên cứu như “đơn đặt hàng” và các nhà nghiên cứu đệ đơn xin ngân sách nghiên cứu. Theo tôi, cách làm theo kiểu đơn đặt hàng này quá máy móc, công thức hành chính, làm hạn chế tầm hoạt động của nhà nghiên cứu. Với cách làm này, nếu một nhà nghiên cứu không có kinh nghiệm làm theo đơn đặt hàng của bộ chắc sẽ … thất nghiệp. Các nhà nghiên cứu nên được khuyến khích tự do tìm tòi và thực hiện những nghiên cứu mà họ muốn. Tất nhiên, dự án các nghiên cứu này phải được duyệt nghiêm chỉnh, và cho dù họ có muốn theo đuổi công trình nghiên cứu, nhưng không chứng minh được khả năng và triển vọng thành công thì công trình sẽ không được yểm trợ.

Một trong những vấn đề mà Nhà nước hay nhắc đến trong năm qua là phương thức nào để thu hút các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài về nước tham gia nghiên cứu. Bàn thảo cũng đã nhiều, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đi đến đâu. Theo tôi, một cách để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước là làm như Úc, tức là thiết lập các chương trình fellowship. Các fellow được bổ nhiệm sẽ được sung vào các trường đại học và viện nghiên cứu, và họ được tạo điều kiện ưu tiên cho nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, các fellow này phải có chương trình nghiên cứu khả thi và các chương trình này phải được bình duyệt một cách nghiêm chỉnh như cách làm ở Úc hay ở Mĩ.

Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, chúng ta có những danh hiệu như “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân” để ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ có đóng góp quan trọng vào đời sống văn hóa nghệ thuật của quốc gia. Trong hoạt động giáo dục, các trường đại học ngoài những những chức danh như “giáo sư”, “phó giáo sư”, “giảng viên”, còn có những danh hiệu như “nhà giáo ưu tú”, “nhà giáo nhân dân” để ghi nhận những cống hiến của họ cho xã hội. Nhưng trong hoạt động khoa học, chúng ta chưa có một chương trình nuôi dưỡng các nhà khoa học ưu tú. Tôi không đề nghị Nhà nước phải có những danh hiệu như “Nhà khoa học ưu tú” hay “Nhà khoa học nhân dân” (vì tôi nghĩ những danh hiệu như thế mang tính hình thức quá); tôi chỉ đề nghị Bộ khoa học và công nghệ cùng với Bộ Y tế hay Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ra những chương trình để nôi dưỡng các nhà khoa học ưu tú, những người đóng vai trò “hoa tiêu” cho nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Như có lần phát biểu trước, nước ta đang hội nhập quốc tế, và theo tôi hội nhập phải bắt đầu từ nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ. Chúng ta đang có một lực lượng nhà khoa học trẻ được đào tạo từ nước ngoài, nhưng tiềm năng của họ chưa được khai thác vì nhiều người chưa có cơ hội nghiên cứu khoa học. Chúng ta cần có một ngân quĩ hay chương trình để tập trung các nhà khoa học trẻ và nâng đỡ họ thành những nhà khoa học quốc tế. Ở các nước tiên tiến và Tây phương, Nhà nước có khá nhiều chương trình huấn luyện hậu tiến sĩ, và các quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ “đang lên”, tức có tiềm năng trở thành lãnh đạo trong tương lai. Tôi tin rằng những tiêu chuẩn của Úc rất cần được tham khảo khi thiết lập một chương trình như thế.

Hết.

Một lần đi phỏng vấn và những bài học (phần 1)


Tôi vừa đi phỏng vấn NHMRC fellow về. Đủ thứ vui buồn mà tôi sẽ thuật lại trong bài này. Nói là thuật, nhưng sự thật thì tôi cũng muốn nhắn vài lời và bài học về chương trình này cho Việt Nam. Xin các bạn đừng gửi bài này đi đâu, vì chỉ có một số rất ít biết được blog này.

Dù danh chính ngôn thuận là một cuộc “thảo luận” về đơn xin chức danh “NHMRC fellowship” của tôi, nhưng trong thực tế đây là một cuộc phỏng vấn hay thẩm vấn. Có lẽ cái khác giữa xin việc và xin chức danh ở đây là những người xin việc không phải là những người đang thất nghiệp hay muốn chuyển chỗ làm, mà là những giáo sư đã thành danh, những nhà khoa học lãnh đạo một nhóm nghiên cứu. Vì thế, qui trình và “luật chơi” trong phỏng vấn cũng rất khác với một cuộc phỏng vấn xin việc, và do đó có rất nhiều điều đáng nói. Tôi xem đây là một kinh nghiệm mà tôi muốn thuật ra ở đây để các bạn đồng nghiệp khác lấy đó làm bài học cho các cuộc phỏng vấn khác. Ngoài ra, tôi muốn nhân câu chuyện này để nói đến một cách tổ chức hoạt động khoa học ở Úc mà có thể là một trường hợp để Việt Nam tham khảo trong quá trình tổ chức lại hoạt động khoa học ở nước ta.


Nhu cầu cho chương trình NHMRC fellowship

Nước Úc chỉ có 20 triệu dân, nhưng có những thành tựu rất đáng tự hào về hoạt động khoa học trên trường quốc tế, với nhiều người đoạt giải Nobel. Nhưng đó là là những thành tích của 40 hay 50 năm về trước, còn trong thời gian gần đây thì tình trạng xuống dốc trong các đại học và viện nghiên cứu đã được báo động nhiều lần. Tình trạng chảy máu chất xám càng ngày càng trầm trọng, Ngoài con số hàng ngàn chuyên gia bỏ xứ sang Mĩ và Âu châu làm việc, còn có hàng trăm các nhà khoa học trình độ tiến sĩ, giảng sư, và giáo sư bỏ Úc sang làm việc tại Mĩ với khả năng hồi hương rất thấp vì thiếu ngân sách cho nghiên cứu khoa học và cơ cấu sự nghiệp không rõ ràng. Chẳng riêng gì Mĩ, mà ngay cả nước láng giềng đang lên như Singapore cũng đang chiêu dụ các nhà khoa học Úc sang làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu của họ.

Hệ quả là hoạt động khoa học của Úc xuống cấp. Có người so sánh rằng những ngành mũi nhọn mà Úc từng đi tiên phong mấy mươi năm về trước nay lại sau Mĩ đến 10-20 năm! Chính phủ ý thức được tình trạng khoa học nước họ đang trên đà tụt hậu, nên năm nay Quốc hội dự trù một ngân sách lên đến 5 tỉ đôla để chấn hưng và phát triển khoa học. Ngân sách khổng lồ này được dự trù cho 5 năm, với nhiều chương trình cụ thể như xây dựng cơ sở vật chất, chấn chỉnh đội ngũ giáo sư, cung cấp học bổng cho nghiên cứu nước ngoài làm nghiên cứu tại Úc, và cung cấp ngân quĩ cho các nhà khoa học Úc thực hiện các dự án nghiên cứu ở nước ngoài, nhất là các nước Á châu.

Một trong những phương cách để chấn hưng và phát triển khoa học là chấn chỉnh lại đội ngũ nhà khoa học. Chính phủ Úc thiết lập một số chương trình Fellowship (giống như cấp “học bổng” hay nói đúng ra là lương bổng và chi phí nghiên cứu cho các nhà khoa học chuyên nghiệp). Các chương trình này bao gồm NHMRC Fellowship (National Health and Medical Research Council) chủ yếu dành cho các nhà khoa học thực nghiệm như y sinh học, ARC Fellowship (Australian Research Council) chủ yếu dành cho các nhà khoa học tự nhiên, Australia Fellowship chủ yếu dành cho việc “chiêu dụ” các nhà khoa học Úc đang ở nước ngoài, và nhiều chương trình cho các nhà khoa học trẻ.

Cần nói thêm rằng ở Úc ARC và NHMRC là hai cơ quan có trách nhiệm quản lí ngân sách khoa học. Thật ra, đây không phải là “cơ quan” đúng nghĩa, mà là một hội đồng khoa học, mà thành viên là các nhà khoa học trong nước thay nhau đứng ra quản lí và điều hành. Mỗi năm, chính phủ giao cho hai hội đồng một ngân sách, và việc phân phối tiền cho các dự án nghiên cứu được tiến hành theo những qui trình được cộng đồng khoa học nhất trí. Do đó, chương trình fellowship cũng do hai hội đồng này quản lí. Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào quyết định của hai hội đồng này.

Chương trình NHMRC fellowship này nhắm vào 5 mục tiêu chính như sau: Thứ nhất là khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú cho Úc. Thứ hai là đảm bảo các nhà khoa học này một sự nghiệp vững vàng (tức họ không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”). Thứ ba là xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ. Thứ tư là khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành lâm sàng, hoạt động sản xuất, và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của Úc. Thứ năm là khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ti kĩ nghệ. Nói tóm lại, mục tiêu chính của chương trình fellowship là nhắm vào việc xây dựng một đội ngũ khoa học gia loại “hoa tiêu” cho Úc để nâng cao tính cạnh tranh của Úc trên trường quốc tế.

Cụm từ “nhà khoa học ưu tú” không phải dễ định nghĩa và cũng chẳng ai qui định trên giấy trắng mực đen như thế nào, nhưng qua trao đổi cá nhân với nhau, các nhà khoa học đều nhất trí rằng nhà khoa học ưu tú là người đứng trong nhóm “top 5%” trong một lĩnh vực chuyên môn ở bình diện quốc tế (chứ không phải quốc gia). Xuất phát từ định nghĩa bất thành văn này, NHMRC đề ra những tiêu chuẩn chung và cụ thể cho từng loại fellow. Các tiêu chuẩn chung nhấn mạnh đến năng suất khoa học, khả năng lãnh đạo, đóng góp cho chuyên ngành ở bình diện quốc tế, huấn luyện và đào tạo các thế hệ nhà khoa học trẻ, và hợp tác quốc tế. Các tiêu chuẩn cụ thể bao gồm số lượng ấn phẩm khoa học (tức bài báo nghiên cứu khoa học, sách chuyên môn, tất nhiên là không kể đến những bài báo trong hội nghị), chất lượng các công trình nghiên cứu, giải thưởng quốc tế, có hoạt động tích cực trong các hội đoàn quốc tế, có đóng góp vào việc phát triển chuyên ngành qua các hoạt động trong ban biên tập tập san chuyên môn, v.v…

Vấn đề đặt ra là tuyển dụng những nhà khoa học ưu tú này từ đâu? Nguồn thứ nhất là từ các giáo sư đang công tác tại đại học và viện nghiên cứu của Úc. Tất nhiên, cũng có thể tuyển từ nước ngoài, đặc biệt là Mĩ và Âu châu. Mỗi năm, NHMRC gửi thông báo đến những nơi vừa kể để mời các giáo sư và giảng sư đệ đơn xin làm fellow của NHMRC. Chữ fellow rất khó dịch, nên tôi đành để nguyên văn. Có 3 loại fellow chính (từ thấp đến cao): research fellow, senior research fellow, và principal research fellow. Người đệ đơn lần đầu không có quyền xin chức principal research fellow, cho dù người đó từng chiếm giải Nobel, vì chức danh này chỉ dành cho những senior research fellow xin đề bạt. Người được bổ nhiệm các chức danh này có quyền (hay vinh dự) đề cụm từ “NHMRC fellow” trước tên mình.

Được bổ nhiệm NHMRC fellow, do đó, không chỉ là một vinh dự cho cá nhân nhà khoa học, mà còn là một niềm hãnh diện của trường đại học nơi ứng viên công tác. Thật ra, đối với trường đại học họ “rảnh tay” và tiết kiệm một số tiền khá lớn, vì họ không phải trả lương cho nhà khoa học khi nhà khoa học đã được bổ nhiệm NHMRC fellow! Còn đối với nhà khoa học, họ không phải kí hợp đồng mỗi năm với trường đại học, vì mỗi fellowship được chính phủ nuôi dưỡng đến 5 năm. Nói tóm lại, cả đôi bên – đại học và nhà khoa học – đều có lợi!

Qui trình bình duyệt (phản biện)

Nói chung qui trình xét duyệt đơn fellowship cũng không khác gì qui trình xét đơn tài trợ, tức phải qua bình duyệt (hay nói theo ngôn ngữ trong nước là “phản biện”). Trong qui trình này, tờ đơn fellowship đóng một vai trò cực kì quan trọng. Cũng như bất cứ chương trình nào đem lại lợi ích cũng kèm theo những điều kiện và khó khăn. Đó là những khó khăn, hay có thể nói là rất khó khăn, trong quá trình chuẩn bị đơn fellowship. Cái khó khăn không chỉ vì những qui định bất di bất dịch về số chữ, số trang, nhưng ở chỗ ứng viên phải đi ngược về quá khứ cả hai mươi năm về trước để tìm những chi tiết về các công trình nghiên cứu mình từng làm, để thống kê hết những chỉ số liên quan đến những ấn phẩm khoa học. Vì quá chi tiết như thế, đối với nhiều người, soạn thảo một đơn xin fellow của NHMRC là một cơn ác mộng (nightmare).

Do đó, việc chuẩn bị đơn rất công phu và tốn đến 2-3 tháng trời. Trung bình một đơn xin làm fellow của NHMRC dài khoảng 100 trang. Trong đơn, ngoài những chi tiết cá nhân, ứng viên còn phải liệt kê tất cả những ấn phẩm khoa học (không tính những bài báo trong hội nghị khoa học) đã công bố, hệ số ảnh hưởng của tập san (impact factor) là bao nhiêu, số lần trích dẫn bao nhiêu, và trong trường hợp bài báo có nhiều tác giả, ứng viên phải nêu rõ vai trò của mình trong bài báo là gì. Ngoài phần ấn phẩm khoa học, ứng viên còn phải liệt kê tất cả những lần được các hội nghị khoa học nước ngoài mời giảng, nói chuyện, hay chủ tọa; giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế, hoạt động gì trong các hội đoàn khoa học quốc tế; đóng vai trò gì trong bình duyệt bài báo hay tham gia ban biên tập tập san nào, ở đâu, chỉ số ảnh hưởng ra sao; đào tạo bao nhiêu thạc sĩ và tiến sĩ (không kể cử nhân); đào tạo bao nhiêu hậu tiến sĩ; thành tích thu hút tài trợ từ nước ngoài và trong nước ra sao; có đóng góp gì cho chính sách khoa học quốc gia và quốc tế; có đóng góp gì cho cộng đồng và quần chúng; v.v…

Trường hợp của tôi, đơn fellowship được chuẩn bị kĩ càng (vì tôi đã có kinh nghiệm) ngay từ những tuần nghỉ hè ở Bệnh viện Kiên Giang. Đơn của tôi được 3 đồng nghiệp đọc kĩ và góp nhiều ý thẳng thắn nhưng rất có ích. Phải nói rằng các đồng nghiệp này rất tận tình giúp đỡ, chỉ ra những lỗ hổng trong đơn, những “điểm nhấn” cần chú trọng, cách trình bày, thậm chí những sai sót chính tả. Không có họ, tôi không thể nào có một đơn hoàn chỉnh được. Cần nói thêm rằng, mẫu đơn của NHMRC cực kì máy móc, chứ không phải “tự do” viết gì thì viết. Chẳng hạn như có chỗ họ qui định chỉ mô tả trong vòng một trang với kiểu chữ Times New Roman 12, nếu không tuân theo qui định này thì họ sẽ tự động trả lại đơn và chờ đến năm sau nộp! Không có ngoại lệ. Không phân biệt ứng viên là ai. Thành ra, nếu không có đồng nghiệp đọc và góp ý, tôi nghĩ khó mà có một đơn fellowship hoàn chỉnh được.

Tất cả các tiêu chuẩn và qui trình duyệt đơn đều được công bố trên mạng. Theo qui trình này, khi nhận được đơn, NHMRC sẽ thành lập một số ủy ban chuyên ngành để duyệt đơn. Mỗi ủy ban có 6 thành viên, được tuyển chọn từ các nhà khoa học. Thông thường những thành viên này là những người đã được bổ nhiệm fellow của NHMRC, nhưng cũng có khi chính những thành viên này cũng là những người đang đệ đơn xin chức fellow. Như đề cập trên, chính sách của chính phủ Úc là các quan chức nhà nước không can thiệp vào qui trình bổ nhiệm; tất cả việc bổ nhiệm và điều hành ngân quĩ đều do chính các nhà khoa học cùng nhau thực hiện theo các qui tắc đã được cộng đồng khoa học chấp thuận.

Nhiệm vụ chính của các ủy ban này là tuyển duyệt các đơn và thực hiện cuộc phỏng vấn. Khi nhận được đơn từ các ứng viên, ủy ban sẽ gửi đơn đến 4 chuyên gia (trong số này phải có 2 chuyên gia từ nước ngoài) để bình duyệt. Cũng như phản biện một bài báo khoa học hay đơn xin tài trợ nghiên cứu, ứng viên sẽ không biết các chuyên gia này là ai. Ứng viên có quyền đề cử chuyên gia bình duyệt và phải nêu lí do. Những người từng đứng tên tác giả với ứng viên trong các ấn phẩm khoa học hay những người có quan hệ mật thiết (như thầy / cô cũ) sẽ không có tư cách để bình duyệt đơn. Ứng viên cũng có quyền liệt kê các chuyên gia mà ứng viên không muốn họ duyệt đơn mình và phải nêu lí do. Tuy nhiên, rất ít khi nào ủy ban gửi đơn cho các chuyên gia mà ứng viên đề cử, vì họ thừa biết các chuyên gia này là bạn bè hay đồng nghiệp thân cận với ứng viên, nên chắc chắn họ sẽ có những ý kiến thiếu khách quan. Đôi khi (rất hiếm), ủy ban lại gửi đơn cho chính chuyên gia mà ứng viên đề nghị không nên duyệt đơn!

Dựa vào đề nghị của 4 báo cáo bình duyệt, ủy ban sẽ loại những ứng viên không đủ tiêu chuẩn, và chọn những ứng viên có triển vọng để phỏng vấn. Thông thường, số ứng viên bị loại bỏ trong vòng một này là 70-80%, tức chỉ có 20-30% được mời phỏng vấn (hay vào vòng hai). Cuộc phỏng vấn rất quan trọng, vì nó có thể đem lại thành công hay thất bại cho ứng viên. Có thể xem cuộc phỏng vấn là một cơ chế để sàng lọc ứng viên. Nên nhớ rằng, tất cả các ứng viên được mời phỏng vấn đều là những người đã đạt tiêu chuẩn fellow, nhưng đơn giản vì NHMRC không đủ ngân sách cho tất cả ứng viên, nên họ phải sử dụng cuộc phỏng vấn để … loại bớt ứng viên sao cho vừa đủ ngân sách.

Nếu ứng viên được bổ nhiệm là NHMRC fellow, tùy theo cấp bậc, ứng viên sẽ được cung cấp một ngân sách chủ yếu là lương bổng trong vòng 5 năm (lên đến gần 1 triệu đôla). Ứng viên có thể chọn bất cứ đại học hay trung tâm nghiên cứu nào để nghiên cứu. Nói cách khác, với một NHMRC fellowship trong tay, ứng viên bây giờ là người chọn đại học, chứ không phải đại học chọn ứng viên. Vì số tiền khá lớn và kéo dài đến 5 năm, cho nên ủy ban bình duyệt xem đây là một sự đầu tư tri thức, hay một cuộc đánh bạc. Mà, đã là đầu tư, thì họ phải cẩn thận xem xét khả năng đầu tư sẽ đem lại tối đa lợi ích. Chính vì thế mà họ phải xét đến thành tựu trong quá khứ, hiện tại và tương lai của ứng viên. Những thông tin trong đơn cũng chưa đủ, nên họ cần phải trực tiếp phỏng vấn ứng viên để xác định và xác minh các thông tin, cũng như tư cách của ứng viên xem có xứng đáng với chức danh hay không. Do đó, cuộc phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng, vì kết quả phỏng vấn có thể là yếu tố chính quyết định sự thành bại của ứng viên.

còn tiếp ...

Wednesday, November 26, 2008

How to use TABS in LaTeX


To use tabs, you want to use the "tabbing" environment.  (This is all
described on page 62 of the latex book). It's probably easiest to explain
this by example:

\begin{tabbing}
If \= it's raining \\
\> then \= put on boots,\\
\> \> take hat;\\
\> or \> smile. \\
Leave house.
\end{tabbing}

This would produce:

If it's raining
then put on boots
take hat;
or smile.
Leave house.

Tab stops are set with the \= command, and \> moves to the next tab stop.
Lines are separted by the \\ command.

Here are some of the other commands that are available in this environment:

\+ Causes left margin of subsequent lines to be indented one tab stop
to the right, just as if a \> command were added to the beginning
of subsequent lines.
\- Undoes the effect of a previous \+.
\' Indents text flush right against the next tab stop.

For a full description of all the commands available in this environment, see
Section C.9.1 of the LaTeX manual.

Sunday, November 23, 2008

Chuyện văn chuyện đời của Trần Đăng Khoa

LÊ MỸ Ý thực hiện

Tám tuổi đã trở thành thần đồng thơ, cảm giác đó rất hay, phải không thưa anh?

Trước hết, tôi không có cảm giác gì cả. Khi làm thơ và in thơ, tôi hoàn toàn không để ý mình là cái gì. Ở làng quê tôi lúc bấy giờ không có báo chí, người dân chỉ nghe đài. Việc in sách riêng cũng rất dè dặt, nhất là ở các nhà xuất bản trung ương. Tôi in thơ trên báo nhiều nhưng để ra một tập riêng thì mãi đến năm 1973, NXB Kim Đồng mới in "Góc sân và khoảng trời" 66 bài với số lượng 50.000 bản. Tập sách này ra sau 5 năm tập thơ "Góc sân và khoảng trời" với 52 bài của tôi in ở địa phương do Ty Giáo dục Hải Hưng xuất bản. Tôi cũng chẳng nghĩ mình là người nổi tiếng gì đâu. Hồi ấy, chỉ thấy nhiều khách đến thăm. Thế thôi. Còn cái nhãn hiệu "thần đồng thơ", thì bây giờ người ta mới nói. Tôi nghĩ đó là thứ nước đường ban phát cho trẻ con, và chỉ dành riêng cho trẻ con thôi. Không ai gọi người lớn là "Thần đồng" cả. Tôi bây giờ đã là bố trẻ con, đã là ông lão rồi, nên danh hiệu ấy đối với tôi cũng không có gì ấn tượng. Tôi nghe như người ta nói về ai ấy chứ không phải tôi.

Bài thơ đầu tiên anh viết trong cuộc đời thơ của mình là ...?

Đó là bài "Con bướm vàng". Một buổi trưa tôi đang nấu cơm, thấy con bướm vàng bay vụt qua cửa bếp, liền nảy ra bài thơ đó. Tôi chọn thể thơ ba chữ, vì nó hợp với con bướm đang bay, đang vỗ cánh. Đó là tôi cảm giác thế thôi. Nguyên cả bài là "Con bướm vàng - Con bướm vàng - Bay nhẹ nhàng - Trên bờ cỏ - Em thích quá - Em đuổi theo - Con bướm vàng - Nó vỗ cánh - Vút lên cao - Em nhìn theo - Con bướm vàng - Con bướm vàng...Thoạt đầu là Con bướm vàng - Con bướm vàng - Bay nhẹ nhàng - Trên bờ rào... Tôi thấy gì ghi nấy, không có ý đồ nghệ thuật gì đâu. Con bướm chao trên bờ rào thật, chứ không phải bờ cỏ. Làm sao có bờ cỏ ở vườn nhà. Người quê quý đất lắm. Có miếng đất nào thì người ta tận dụng cho bằng hết, dù chỉ là miếng đất cạnh chân rào, hay ô đất bé bằng bàn tay bên vại nước, không trồng cây được, thì họ gieo một ít rau thơm, hay húng láng. Nhưng viết "Trên bờ rào", tôi linh cảm thấy không ổn. Bốn câu này toàn dấu huyền Con bướm vàng - Con bướm vàng - Bay nhẹ nhàng - Trên bờ rào... (sau này tôi mới biết là vần bằng). Nhưng lúc ấy, tôi chỉ cảm giác rằng dùng đến bốn dấu huyền trong bốn câu thơ liền, thì con bướm không phải đang bay mà đang sà xuống. Phải cho nó vỗ cánh lên thôi. Thế là tôi đổi bờ rào thành bờ cỏ. Với từ "bờ cỏ", tôi cảm thấy con bướm đang vỗ cánh. Hồi ấy, viết xong, tôi cũng thích bài thơ này lắm. Nó là con bướm nhưng cũng không chỉ là con bướm. Nó như tuổi thơ chập chờn đến rồi đi, có đuổi theo cũng không được, níu giữ cũng không được.

Một lần tôi đến thăm nhà cô bạn học cũ. Bà mẹ giới thiệu rất hãnh diện với cậu con trai: "Đây là bác Khoa, nhà thơ, bạn học của mẹ đấy." Không ngờ, thằng bé đúng bằng tuổi tôi khi làm bài thơ này, bộp luôn một câu: "Ai chứ bác Khoa thì con biết rồi. Bác ấy chuyên làm thơ con cóc". Bà mẹ hoảng quá, vì không chuẩn bị cho cái tình huống như thế, hơn nữa, bạn của mẹ, lại là khách quý, vừa chân ướt chân ráo đến nhà mà con thì bổ luôn vào mặt khách một lưỡi búa của ông...Tầm sét. Cô bạn rất bối rối, còn tôi thì vô cùng sung sướng. Tôi bảo "Không phải mẹ cháu là bạn bác mà chính cháu mới đúng là bạn bác. Cháu nói cho bác nghe xem bác đã làm thơ con cóc như thế nào?". Thằng bé hỏi "Thế bác có biết bài thơ con cóc không?". "Bác biết. Con cóc trong hang, Con cóc nhảy ra. Con cóc ngồi đấy, Con cóc nhảy đi". Thơ con cóc là thơ nói điều hiển nhiên, ai cũng thấy, chẳng cần phải nhà thơ phát hiện. "Bác có bài thơ y hệt bài "Con cóc". Đấy là "Con bướm vàng". Kia là con cóc từ xa đến, nó ngồi đấy rồi nhảy đi, đây là con bướm vàng nó cũng từ xa đến, rồi bay đi, nghĩa là chẳng có gì khác nhau cả. Chỉ khác là bác đã gắn cho nó đôi cánh của con bướm và bác cứ tưởng nó là con bướm. Thực tình nó vẫn chỉ là con cóc thôi... Tôi rất phục cháu bé ở Hải Dương đó. Bằng tuổi nó, tôi chỉ làm được những câu thơ ngớ ngẩn, chứ đâu đã có được ý kiến riêng, đặc biệt là ý kiến khác mọi người. ý kiến của cháu, đối với tôi là một sự phát hiện mới. Tất nhiên, lớn lên, cháu sẽ hiểu, khi con cóc có đôi cánh của con bướm thì con cóc cũng đã không còn là con cóc nữa rồi.

Khi viết anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ - và là một thần đồng thơ không?

Hoàn toàn không. Tôi viết như chơi, không hề có ý thức gì. Năm 1968, khi gặp Xuân Diệu, tôi mới biết làm thơ rất vất vả, chứ trước đó một ngày tôi viết đến 3, 4 bài. Sở dĩ thời đó tôi viết được nhiều, cũng vì mọi người khi xem thơ tôi in trên báo, lấy làm lạ và đến nhà chơi rất đông, không ít người không tin, cho là người lớn gà, nên yêu cầu tôi làm thơ tại chỗ. Ngay cả nhà văn Lý Biên Cương, bạn thân của anh Minh đến nhà , cũng yêu cầu tôi làm thơ tặng. Tôi viết luôn :"Anh đi xe lết cao cao, dừng xe ở cửa anh vào nhà em, mắt anh đeo cặp kính đen, xe anh cũng chẳng có đèn có chuông". Kỷ niệm này, anh Lý Biên Cương vẫn còn nhớ. Đấy là thơ con cóc, tả anh Cương đúng như hôm anh ấy đến nhà, nhưng loạng quạng thế nào lại ra ông thiến lợn. Nhiều bài trong tập "Góc sân và khoảng trời" sau này cũng viết trong trường hợp như thế. Viết theo yêu cầu đã tạo cho tôi thói quen của một người sáng tác chuyên nghiệp khi vẫn còn bé tý. Nghĩa là không phải viết ngẫu hứng. Mà nói thật, tôi chẳng thấy hứng gì khi bắt tay vào viết. Có người bảo làm thơ phải có hứng, điều đó với tôi rất xa lạ. Tôi cứ viết, viết ào ào, rồi hứng đến sau.

Thưở ấy, anh đã đọc thơ của anh mình, nhà thơ Trần Nhuận Minh chưa? Anh có ngưỡng mộ thơ của anh mình và mong muốn sau này sẽ trở thành một người như anh ấy không?

Ngưỡng mộ thì không hẳn, vì thời đó bác Minh cũng ở vị trí khiêm nhường lắm. Chẳng ai để ý đâu. Ngay tôi, tôi cũng không để ý. Sau này, có người đọc bác Minh, vẫn đọc theo ấn tượng cũ. Đấy là điều rất thiệt cho bác ấy. Thơ Trần Nhuận Minh bật lên từ thời kỳ đổi mới. Tôi cho đó là môt cuộc lột xác. Mà lột đến ba lần, từ Nhà thơ và hoa cỏ, đến Bản xô nát hoang dã và gần đây là 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh. Bác Minh đã đổi mới thành công vì găm được không ít thơ mình vào tâm trí người đọc. Trong hai anh em, nếu chỉ nhìn ở mảng thơ, tôi nghĩ rằng, bạn đọc sau này chỉ nhớ đến Trần Nhuận Minh thôi chứ không nhớ đến cậu Khoa đâu. Còn trước đổi mới, anh ấy chỉ lòe nhòe lẫn trong đám đông. Nhưng trong đời, với tôi, anh ấy là một tấm gương sáng về tất cả mọi phương diện, đặc biệt là sự hiếu học và lòng đam mê sách. Tôi khôn lên được nhờ tủ sách của anh ấy. Còn tủ sách của tôi thì rất vớ vẩn. Tôi không đọc, mà đọc thẳng tủ sách của anh Minh. Anh ấy đi dạy học ở Quảng Ninh, có khi nửa năm mới về, nhưng chìa khoá tủ sách vẫn để ở nhà, anh ấy bí mật nhét vào ruột bức tượng M. Gorki đặt trên nóc tủ. Thế là tôi cứ lôi sách của bác ấy đọc. Đặc biệt là những cuốn sách cấm. Hồi ấy sao mà nhiều sách cấm thế. "Vào đời" và "Hai trận tuyến" của Hà Minh Tuân. Hai cuốn này thì cũng bình thường thôi. Tôi đặc biệt thích "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng, "Số đỏ", "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng, "Thi nhân Việt Nam " của Hoài Thanh, "Núi đồi và thảo nguyên " của T. Aimatop, "Truyện ngắn A. Sekhop" có lời giới thiệu của Nguyễn Tuân. "Đỏ và Đen" của Standan...Đấy đều là sách cấm. Anh Minh bọc rất cẩn thận. Ngoài ngăn sách đó, còn có một dòng chữ của bác Minh: "Sách cấm. Đài báo nói là sách độc hại". Chính vì thế mà tôi tò mò đọc và thấy hay đến lạ lùng. Tôi đọc đến hàng ngàn cuốn sách khi còn ở tuổi cấp I, cấp II. Tôi học là học ở trong sách chứ không phải học ở nhà trường. Trường thì có gì đâu, nhất là trường trong chiến tranh và lại ở một làng quê còn nhiều lạc hậu. Đến bây giờ quê tôi vẫn còn rất lạc hậu. Tôi có chút nào nhích hơn so với bè bạn là nhờ ở sách thôi. Trí khôn của loài người nằm hết ở trong sách. Vì vậy, đọc càng nhiều càng tốt, bất kể đó là loại sách gì. Bởi thế, tôi rất mừng khi gần đây, NXBKĐ đã in rất nhiều sách không phải viết cho trẻ con để cho trẻ con đọc. Điều ấy là rất tốt và rất đúng.

Nhà thơ, nhà báo nào là người đầu tiên viết bài về thần đồng thơ Trần Đăng Khoa?

Người đầu tiên viết bài về tôi là anh Nguyễn Nghiệp ở Nhà xuất bản Giáo dục, sau đó là ông Hồng Nhu ở báo Quân đội Nhân dân. Hồi đấy, anh Nguyễn Nghiệp, được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên giao cho việc về nhà tôi kiểm tra xác minh xem có đúng tôi làm được thơ không. Anh ở nhà tôi đến nửa tháng, cùng sống, đi cất vó, câu cá, cùng đến trường, cùng dự các buổi sinh hoạt...nói tóm lại là "ba cùng", và chứng kiến những vụ sát hạch của các thày ở Ty Giáo dục Hải Hưng và các vị khách vãng lai. Bản báo cáo của anh với Bộ trưởng, cũng là bài báo viết về tôi, in trên báo Người giáo viên nhân dân. Anh Nguyễn Xuân Khánh cũng viết một bài mấy kỳ in trên báo Thiếu niên Tiền phong "Cháu ngoan Bác Hồ, cậu bé làm thơ".

Anh có sưu tập các bài báo viết về mình không?

Hồi đó tôi không biết, vì báo không đến nhà. Chỉ khi nào tôi có thơ in thì người ta mới gửi báo biếu. Nhưng hồi đó sướng lắm. Chỉ có một bài in, là được báo biếu liên tục 6 tháng. Chỉ cần hai bài in đã có một năm báo để đọc. Tôi in bài chủ yếu trên báo Thiếu niên tiền phong, Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội. Sau này, đọc những luận văn, luận án của các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, họ thu thập thông tin mới biết các bài báo viết về mình như thế. Chứ hồi đó thì tôi không biết gì cả. Cho đến nay, đã có hơn 20 luận án tốt nghiệp đại học, cao đẳng, luận án Tiến sĩ về các sáng tác của tôi.

Trở thành một nhà thơ "nhí" nổi tiếng có ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của anh không?

Thật ra hồi đó tôi cũng không biết mình nổi tiếng đâu, thật sự thế đấy. Phải nói thẳng ngày xưa tôi học không giỏi, bởi rất tài tử. Khi đi học tôi chỉ có một cuốn vở, viết lộn tùng phèo tất cả vào đó, vở hết thì thay cuốn khác. Chẳng có nề nếp trật tự gì cả. Rồi cứ thế nhét vở vào túi quần mà đến lớp. Cho nên chỉ kiểm tra vở sạch chữ đẹp là tôi bị loại khỏi danh sách học sinh tiên tiến. Vì học sinh tiên tiến không được có điểm 7. Hay tập làm văn cũng thế. Tôi rất khốn khổ để luyện câu văn theo khuôn mẫu nhà trường để trở thành học sinh giỏi văn Toàn Miền Bắc (Hồi đó đất nước bị chia cắt, nên Học sinh giỏi chỉ thi nửa nước thôi). Tôi 2 lần thi đều đoạt giải cao (Giải nhất và giải nhì). Sau này, khi ra trường, để phấn đấu thành một nhà văn, tôi cũng rất khốn khổ trong việc thoát ra khỏi những câu văn theo phép tắc học trò. Ở ta, nhà trường và đời sống là một khoảng cách rất xa nhau. Đó là nỗi bất hạnh của người đi học.

Anh khó chịu hay hãnh diện khi là "người của mọi người"? Anh thích tất cả mọi người đều biết đến mình và gọi mình là thần đồng chứ?

Chẳng hay ho gì khi đi đâu cũng có người cứ chỉ chỉ chỏ chỏ. Có người lại còn tò mò kiểm tra xem mình có đuôi hay không, mình ...ị cứt vuông hay cứt tròn. ( Xin lỗi)...Có không ít ông khách đến ở nhà tôi hàng tuần liền, khi đi mới tiết lộ như vậy. Khiếp quá! Sướng nhất là được làm một người vô danh.

Mệt mỏi như thế, anh có phải gồng mình lên để xứng đáng với vai trò một nhân vật luôn bị "người ta trông vào"?

Tôi không ý thức lắm đâu. Tất nhiên là các anh chị phụ trách cũng rất hay nhắc nhở cần phải thế này, thế kia và tôi luôn luôn được uốn nắn.

Anh có "biện pháp" gì đối phó với tình trạng luôn bị kiểm tra, sát hạch ấy?

Thoạt đầu tôi rất khó chịu. Nhưng rồi quen dần. Quen lại thấy hay hay. Nhờ thế mà tôi trở thành người viết chuyên nghiệp ngay từ khi còn bé

Bây giờ anh có cảm thấy mệt mỏi như ngày xưa không?

Nói thế này có lẽ hơi khó tin, nhưng ngày xưa tôi như thế nào, thì bây giờ vẫn như thế.

Lúc nào cậu bé Khoa cũng nghĩ đến việc phải tìm ra tứ thơ, câu thơ hay, cho ra mắt bài thơ mới chăng?

Không phải thế. Tôi không yêu thơ đến mức thế đâu. Khi cần viết thì viết. Nếu cảm thấy chán thì thôi. Tôi rất tự tin và không bị tác động bởi dư luận nhuốm đầy mầu sắc cảm tính. Tôi rất biết là mình đang ở đâu.

Anh có thể cho biết mình ở đâu?

Tôi vẫn là mình, vẫn là Trần Đăng Khoa.

Hình như anh đã từng viết trường ca và bị nhà thơ Xuân Diệu " bóng gió" là...không nên đẻ như gà?

Tôi viết trường ca rất sớm. Trường ca đầu tiên viết khi học lớp 4 và trường ca cuối cùng viết năm 1974, khi đang học lớp 10. Sau đó, tôi giã từ trường ca, vì không có nhu cầu viết nữa, chứ không phải vì Xuân Diệu chê. Xuân Diệu không thích trường ca. Ngay trường ca "Đường tới thành phố", tác phẩm đặc sắc nhất của Hữu thỉnh, Xuân Diệu cũng phủ nhận rất quyết liệt. Không phải lúc nào Xuân Diệu cũng đúng.

Người ta bảo anh là nhà thơ nhí được hai cây đại thụ trong làng thơ Việt Nam là nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Xuân Diệu"đỡ đầu", điều đó khiến anh thấy mình may mắn?

Tất nhiên rất may mắn, vì có Xuân Diệu tôi mới ý thức hơn nữa cái gọi là lao động văn chương. Tôi hiểu nghề văn là nghề lao động khổ sai. Làm một nhà thơ lớn đến như Xuân Diệu mà tôi thấy ông cũng chẳng sung sướng gì. Vì thế, nghề văn là nghề chẳng có gì đáng để kiêu ngạo, ngay cả khi anh đã rất thành đạt.

Thưở bé anh là cậu bé tự tin, dạn dĩ, hay xấu hổ? Cậu Khoa ngày đó có giống với Trần Đăng Khoa bây giờ?

Tôi thưở trước y hệt như bây giờ, không khác gì đâu. Có chăng, thuở đó mình là thằng bé con, còn bây giờ là một lão già. Bởi thế, bây giờ, con người tôi hợp với khuôn mặt tôi. Còn hồi đó, nhiều người bảo tôi là ông cụ non. Tám chín tuổi đã đi nói chuyện thơ. Nhiều hội nghị chẳng dính gì đến văn chương cũng mời Trần Đăng Khoa đến, giành cho mấy tiếng đồng hồ để đọc thơ và nói chuyện. Có những hôm tôi phải đứng lên ghế mới cao ngang micrô, nói chuyện và trả lời các câu hỏi của độc giả. Nghĩa là tôi y hệt như bây giờ.

Khi nhận được những lời mời đi nói chuyện thơ trước rất đông người trong các cuộc hội nghị, anh chuẩn bị bài phát biểu trước không?

Không. Vì biết thế nào mà chuẩn bị. Tôi cứ nhìn vào thính giả mà nói. Buổi nói chuyện như thế nào là do khán giả quyết định. Khi họ chán là phải đổi chương trình ngay. Không đổi được thì phải rút ngay. Mà phải rút lui trước khi họ chán.

Nhiều người nói anh có trí nhớ tuyệt vời, nhưng hình như đó là trí nhớ biết "nhớ những điều nên nhớ và biết quên những điều đáng quên"?

Điều đó cũng đúng chỉ một phần thôi, bởi ngay cả những cái rất dớ dẩn tôi vẫn nhớ. Nhớ đến không thể xoá đi được. Điều tôi khó nhớ nhất, là những cái cứ bàng bạc, cứ kẽo cà kẽo kẹt một cách nhạt nhẽo. Còn những cái thật hay hoặc thật dở thì tôi nhớ ngay. Nhớ tắp lự. Tôi ớn nhất là những cái cứ nhàn nhạt. Những cái ấy không thể nhớ được. Có học rồi cũng quên.

Anh có làm thơ tặng các thiếu nữ hay đọc thơ lúc nói chuyện riêng với họ không?

Tuyệt nhiên không. Thậm chí tôi rất dị ứng với những anh như thế. Tôi thấy họ không bình thường.

Xin tò mò hỏi anh ...tỏ tình như thế nào khi yêu?

Tôi là một người rất bình thường, nên trong chuyện yêu đương cũng thế, chẳng có gì đặc biệt để đem khoe với bạn. Có người nghĩ tôi là một anh chàng rất lãng mạn, lại có người nghĩ tôi rất nhà quê, thậm chí là rất ngớ ngẩn. Có ông còn viết Trần Đăng Khoa đi Tây mang theo cả can nước mắm, khi về nhà nhớ nước mắm quá lão tu luôn nửa chai. Rồi lão đánh quả mấy thùng khăn quàng đỏ. Đấy, trong con mắt của một số người, tôi hiện lên rất bệnh hoạn.

Có lẽ vì anh thông minh quá mà người ta không thể bắt được "kênh" của anh?

Cũng chả phải. Có lẽ người ta quen nghĩ dân văn chương là những người không bình thường, hoặc quá lập dị, hoặc quá ngớ ngẩn. Rồi cứ uốn mọi chuyện theo cái khuôn định kiến có sẵn ấy. Thế nên rất buồn cười.

Đọc lại những bài thơ viết khi còn nhỏ, anh nghĩ gì? Anh cho mình sẽ viết hay hơn như thế, nếu trở lại tuổi thơ không?

Theo tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề như thế. Không nên bắt ông già làm một đứa bé con. Cũng như không thể bắt con voi bé lại thành con kiến và rồi hy vọng con kiến lại có cái đầu của con voi.

Nghĩa là anh không muốn trở lại làm một thần đồng như thưở trước?

Không ai có thể trở lại làm trẻ con một lần nữa. Thời đó đã xong rồi. Hay dở gì thì cậu Khoa cũng đã hoàn thành xong nghĩa vụ của cậu ấy.

-Trong những chân dung văn học mà anh đã công bố, có bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiều phần trăm sự gần-giống-cái-thật?

- Nói đến sự thật là một vấn đề không mấy đơn giản, nhất là đối với việc sáng tác văn học. Vì cùng một sự việc, có thể tôi nhìn khác bạn. Và bạn thì nghĩ khác tôi? Điều ấy là rất bình thường. Bởi vậy không thể lấy mắt tôi ra làm tiêu chí, làm thước đo để đánh giá cách nhìn của bạn. Tôi rất tôn trọng sự trung thực, nhất là trung thực với chính mình. Tôi thường viết đúng như những gì mình thấy, mình nghĩ. Vốn là người làm báo và cũng say mê với nghề báo, nên tôi có nhiều tư liệu rất tốt, gần đây, làm chương trình về một vài nhà văn đã khuất, các bạn bên truyền hình đã sử dụng không ít những tư liệu của tôi. Tôi quay phim các nhà văn cũng vì lòng yêu mến, ngưỡng mộ, muốn giữ lại hình bóng của họ trên cõi thế. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ cũng chẳng có mục đích nào khách. Tôi rất tiếc không kịp quay Xuân Diệu, Chế Lan Viên và một số nhà văn khác mà tôi yêu mến. Hồi các cụ còn sống, nước mình khổ quá. Bây giờ có muốn ngắm gương mặt các cụ cũng chịu. Thế nên sau này, có điều kiện, tôi cứ ghi lại. Ghi rồi để đấy. Cái gì sử dụng được thì sử dụng. Cái gì chưa sử dụng thì để ở dạng tư liệu. Có cuộc đối thoại, tôi chép từ băng ghi âm ra (hiện băng tôi vẫn còn giữ, và đã chuyển sang đĩa CD), vậy mà khi sách ra, có ý kiến phê phán, quy chụp, thế là người ta chối từ, bảo tôi bịa, tôi đã nhét vào miệng họ chứ họ không nói như thế. Tôi thấy chán quá. Vừa chán vừa buồn cười.

-Những tác phẩm văn học mà mà anh đang đọc trong thời điểm này? Và nó có tác động lên anh không?

- Tôi đọc rất nhiều. Ngày nào cũng đọc. Tôi rất thích Mạc Ngôn. Anh có hai cuốn dịch sang ta đều vào loại rất hay. Cuốn "Báu vật của đời" còn có đôi chút cường điệu, chứ "Đàn hương hình" thì nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối. Trong bể sách hiện nay, nói thực với bạn, tôi chỉ thấy có hai cuốn đó là đáng đọc thôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mạc Ngôn là một trong những nhà văn lớn nhất của hành tinh này ở chính thời điểm này. Tôi phục Mạc Ngôn một phần, còn phục hơn là phục các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã đổi mới đúng. Nhờ thế mà trong một khoảng thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh trên tất cả mọi lĩnh vực. Riêng văn học và điện ảnh, chúng ta thấy quá rõ. Suốt ngày, dân mình xem phim Trung Quốc. Tất nhiên, đó mới chỉ là hàng chợ của họ thôi. Nhưng hàng chợ, họ làm cũng giỏi vô cùng. Còn văn học thì một trong những đại biểu của họ là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn lại là một nhà văn còn rất trẻ. Anh cùng trang lứa với chúng tôi. Thế mới hãi. Đọc anh, không biết các nhà văn khác thế nào, chứ tôi thì tôi sốt ruột lắm. Sốt ruột và đau đớn. Tại sao cũng da vàng mũi tẹt như mình mà sao lão làm được những việc lớn như thế, mà mình thì cứ bi bét mãi. Trong cuộc hội thảo gần đây về tiểu thuyết, có nhà văn bảo: "Rồi chúng ta sẽ có những Mạc Ngôn". Tôi không tin. Không phải vì nhà văn chúng ta kém tài, mà vì chúng ta thiếu một cái gì đó. Cái đó lại nằm ngoài chúng ta.

- Hiện nay ở ta, hình như đang có một hiệu ứng Mạc Ngôn. Nhiều cây bút bắt chước Mạc Ngôn, trước đây thì bắt chước R. Marquez.

- Tôi không phải kẻ vọng ngoại. Xin bạn hãy lưu ý cho điều ấy. Và cả anh em mình nữa, nếu họ có tiếp thu những tinh hoa của nhân loại thì cũng nên xem là điều bình thường và nên khuyến khích chứ đừng vội quy kết. Tuy thế, học được cái hay của thiên hạ cũng chẳng dễ đâu. Gần đây, tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn cũng chưa phải là già. Cuốn sách nghe đồn có vấn đề. Tôi đọc và thấy nó chẳng có tội vạ gì cả. Nó chỉ có mỗi một tý nhược điểm là ...không hay. Thế thôi. Nhiều trang sa vào dung tục và đọc cứ thấy bẩn bẩn. Tôi kêu thì tác giả bảo: "Ông đã đọc Mạc Ngôn và R. Marquez chưa? Mạc Ngôn toàn vú vê. Marquez toàn cởi truồng. Bà Hồ Xuân Hương của ta cũng đâu có kém". Tôi thật sự kinh ngạc. Hoá ra ông bạn tôi chẳng hiểu gì Mạc Ngôn và cũng không biết gì về các bậc tiền bối. Quả trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Marquez có nhân vật là một cô bé quanh năm cởi truồng. Cô cởi truồng từ khi còn bé cho đến lúc thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là một vẻ đẹp thánh thiện, đến nỗi chẳng ai để ý đến việc cô cởi truồng. Thế rồi một buổi trưa, cô đang tắm thì có tiếng động ở khe liếp phía sau. Cô quay lại. Có một ánh mắt đàn ông đang nhìn trộm. Thế là cô sợ quá, vội đưa tay che ngực rồi co người bay vút lên trời qua kẽ ngói thủng ở trên nóc nhà tắm. Cái chi tiết người bay qua kẽ ngói này quả là phi lý, nhưng người đọc lại không thấy phi lý, thậm chí lại có cảm giác rất thật. Đây là cái thật cao hơn sự thật. Khi bị nhìn trộm, vẻ đẹp của cô bé không còn thánh thiện nữa, nó đã bị nhuốm bẩn mất rồi. Không còn chốn nương náu nên cái đẹp phải "biến " thôi. Toàn bộ những chi tiết cởi chuồng là sự chuẩn bị cho cú bay ngoạn mục này. ông bạn tôi dường như chỉ học được phép cởi truồng và lại cứ tưởng cởi truồng là R. Marquez. Nhầm. Tinh hoa của Marquez chính là cái phép bay qua kẽ ngói thủng...

Có người bảo, người đàn ông ngoài 40 tuổi Trần Đăng Khoa bây giờ chỉ là cái bóng mờ của cậu bé con 8 tuổi Trần Đăng Khoa xưa kia. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Chẳng ai yêu Trần Đăng Khoa bằng tôi và cũng chẳng có ai ghét Trần Đăng Khoa bằng tôi. Chính vì thế mà tôi rất hiểu ...bố con lão. Tôi có thể thành thật nói với bạn rằng, chẳng bao giờ lão già Trần Đăng Khoa lại là cái bóng mờ của thằng bé con Trần Đăng Khoa mà phải ngược lại mới đúng. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, đừng nên lấy trẻ con làm thước đo người lớn, vì nó rất phản khoa học. Muốn so sánh phải so cùng cấp độ. So cậu Khoa với bạn bè cùng trang lứa với cậu, là những tác giả nhí nổi tiếng thời ấy, như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, vv... hoặc nới rộng hơn, so cậu với mấy thi sĩ thuộc bậc đàn anh của câu, là những tác giả cùng nổi tiếng thời ấy xem bây giờ họ sống và viết ra sao, chứ sao lại so sánh giữa cô bé 8 tuổi với người phụ nữ trưởng thành. Chưa nói đến những vấn đề cao siêu, chỉ riêng cái ai cũng nhìn thấy ngay là cơ thể đã hoàn toàn khác nhau rồi. Nếu lấy cô bé 8 tuổi làm thước thì sẽ thấy người phụ nữ vô lý đùng đùng. Bởi trước kia sao nó nhẵn nhụi phẳng phiu thế mà bây giờ thì lại gồ ghề, lồi lõm thế. Đúng là một cơ thể có bệnh u bướu rồi. Đâu ngờ, chính những đường nét gồ ghề "bệnh tật" ấy lại chính là vẻ đẹp mê hồn của họ. Nếu không tin, bạn cứ thử đi hỏi giới mày râu mà xem! Thiên đường đấy!

Có người còn bảo nhà thơ Trần Đăng Khoa "về hưu" lúc 10 tuổi, anh nghĩ sao? Anh có cảm thấy cay đắng và khó chịu khi nghe người khác nói vậy không?

Tại sao lại cay đắng và khó chịu? Đó là một câu ông Trần Mạnh Hảo đề cao tôi. Mà đề cao hơi quá đáng, vì ông xếp tôi ngang với Thánh Gióng, Thánh Gióng 3 tuổi đã về hưu còn tôi 10 tuổi (nghĩa là tính đến năm 1968) đã xong một sự nghiệp, thế thì kinh quá còn gì ! Có lời đề cao nào hơn như vậy? Rồi còn bao thứ lão làm sau "hưu" nữa chứ. Khiếp quá!. Mấy ai được như thế?

Mỗi năm, các nhà xuất bản đều in đi lại những bài thơ thiếu nhi của anh, nhưng thơ người lớn của anh thì xuất hiện ít hơn, nếu không nói là không được như vậy?

Nhà xuất bản Kim Đồng chỉ in thơ thiếu nhi của tôi. Còn thơ người lớn thì Nhà xuất bản Văn hoá, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Văn Học in đi in lại trong các tuyển tập. Tôi không tách ra thơ người lớn và trẻ con. Đơn giản, nó là thơ của một tác giả, là thơ một đời. Mỗi lần in lại, tôi lại bổ sung thêm. Tôi in gộp luôn vào một cuốn để bạn đọc có dịp so sánh thơ tôi ở cả hai thời.

Dù không trở lại được thời trẻ con nữa, nhưng dường như anh đang muốn lại là Trần Đăng Khoa thuở bé trong lĩnh vực văn xuôi?

Nói thật, tôi rất yêu văn xuôi. Vì văn xuôi nói được rất nhiều điều. Tôi không phải là người viết cho thiếu nhi đâu, bởi khi viết, tôi không nghĩ đến thiếu nhi, cũng không nghĩ đến một lứa tuổi cụ thể nào.

Xin tò mò được hỏi, thưa anh, thủơ bé anh có hay nói dối không?

Có lúc, tôi cũng phải nói dối, vì không thể khác được. Chính bây giờ tôi chân thật hơn nhiều. Bây giờ, tôi nói thực, có kẻ ác ý lại bảo tôi là Thằng Cuội. Còn khi đó tôi nói dối người ta lại gọi tôi là cháu ngoan. Hồi đó, sống dễ bị dị nghị lắm. Chỉ cần thật tâm nhận xét về ai đó, nhất là chê ai đó, là dễ thành kẻ kiêu ngạo. Mà đã kiêu ngạo thì là đồ bỏ đi rồi, thế nên, đôi lúc, tôi cũng phải nói dối. Người ta hỏi cháu thích thơ ai? Tôi thường nói cháu thích chú Chế Lan Viên chất trí tuệ, thích chú Tố Hữu chất trữ tình, thích anh Phạm Tiến Duật nét hóm hỉnh... Mỗi người đều có một nét riêng đáng yêu, và cháu yêu tất cả, cháu thích tất cả. Thật ra thì tôi cũng có thích người này hoặc người kia hơn nhưng không thể chê hoặc nói thật ra được. Có lần, bác Hồ Thiện Ngôn làm ở TW Đoàn, ngươì tôi coi như bố về nhà tôi ba tháng để giám sát xem có đúng là thằng Khoa làm được thơ hay người khác làm hộ. Bác Hồ Thiện Ngôn về nhà tôi ngót một tháng và cũng xét nét tôi cũng kỹ hơn những người khác. Bác cùng sống với tôi, cùng tham gia với những sinh hoạt của tôi. Cùng theo tôi dự những buổi tiếp xúc với công chúng. Lúc đó, Bộ Y tế có mở một Hội nghị của Ngành. Hội nghị sơ tán ở huyện Gia Lộc, Hải Dưong. Bác Phạm Ngọc Thạch cũng về dự. Lúc bấy giờ, tôi mới học lớp 3, nhưng đã in khá nhiều thơ, nên được Hội nghị mời đến đọc thơ, nói chuyện thơ suốt hai tiếng đồng hồ. Bác Phạm Ngọc Thạch mừng lắm. Bác tặng ngay tôi một món quà, bác gọi là món quà nhỏ. Đó là cái hộp đựng thuốc lá và cái bật lửa bằng xăng. Bác còn giơ cao món quà bật lên ngọn lửa cho mọi người thấy. Bây giờ mà nghĩ lại, có thể có người sẽ thấy buồn cười, vì ông Bộ trưởng Bộ Y tế, một thầy thuốc lừng danh mà lại mang cái hộp thuốc lá với bật lửa tặng trẻ con. Người lớn muốn khuyến khích trẻ con hút thuốc lá chăng? Nhưng bác Thạch có gì ở trong túi đâu, mà bác lại muốn biểu hiện tấm lòng yêu con trẻ của mình. Hộp thuốc và bật lửa là vật dụng đáng giá nhất mà bác có. Những năm đó, dân mình nghèo lắm, đến cả Bác Hồ cũng rất nghèo. Tôi đứng dậy đáp lễ: " Cháu cảm ơn bác đã tặng cháu món quà nhỏ này. Cảm ơn bác đã tin thế hệ trẻ, đã trao cho thế hệ chúng cháu ngọn lửa cách mạng này. Chúng cháu thề sẽ mang ngọn lửa cách mạng âý đến đích cuối cùng, là xây dựng dựng thành công chủ nghĩa xã hội ngay trên chính quê hương nghèo khó của chúng ta, chứ không phải ở một thiên đường nào khác". Cả hội nghị vỗ tay rầm rầm, cho đó là câu nói hay. Nhưng tôi thì ngượng. Tôi biết mình đã nói dối. Vì ngọn lửa Cách mạng làm sao lại có thể đốt được bằng xăng. Nó đã được thắp sáng bằng tâm hồn, trí tuệ và xương máu của rất nhiều thế hệ, nên nó thiêng liêng lắm chứ không thể phàm tục như ngọn lửa xăng được. Xuống hội trường, bác Hồ Thiện Ngôn bảo: "Con nói hay lắm. Nhưng vẫn còn một chút sơ xuất. Con biết sơ xuất chỗ nào không?. Con lại gọi đấy là món quà nhỏ...". "Dạ, cháu nhắc lại câu bác Thạch nói, chính bác bảo đấy là món quà nhỏ...". "Người ta gọi là món quà nhỏ, nhưng mình nhận quà, mình lại phải nói đấy là món quà to lớn...". Bác Hồ Thiện Ngôn đã dạy tôi như thế. Bây giờ thì tôi hiểu tấm lòng bác Ngôn, bác dạy tôi trân trọng tấm lòng của người quý mến mình. Nhưng lúc ấy, tôi không hiểu được thế, chỉ nghĩ bụng: "Mình đã là một thằng nói dối, nhưng người lớn còn nói dối hơn..."

Bây giờ, khi đã có con gái, anh có mong con gái mình cũng sẽ là một thần đồng thơ như bố ?

Không. Cháu là con gái, nên tôi muốn cháu có một đời sống bình thường. Chỉ những người bình thường mới có hạnh phúc thứ thiệt. Thơ ca đâu có phải là cái gì ghê gớm mà cả mấy bố con phải phụng sự, theo đuổi. Nhà chỉ cần có một người làm thơ đã là quá đủ rồi. Ba đứa con của ông anh tôi, có đứa nào đi theo nghề của bố và chú đâu. Thậm chí chúng còn nhìn bố và chú như hai lão hâm hâm, hai lão hấp lìm.

Bây giờ, anh đã có nhiều thời gian để chiêm nghiệm lại những bài thơ của mình, anh thấy có bài thơ nào, câu thơ nào anh cảm thấy ngượng nhất mà không nói ra không? Ví dụ như câu: " ngu xuẩn nhất nhì - Là tổng thống Mỹ". Sau này anh đã phải sửa lại?

Có một nhà phê bình, gần đây trong một cuộc hội thảo, cũng bảo tôi nên giữ câu thơ như cũ cho có tính lịch sử. Khổ lỗi, tôi có phải là nhà sử học đâu. Tôi chỉ tuân theo giá trị đích thực của nghệ thuật thôi. Câu ấy sau này tôi có sửa, không phải vì mối bang giao của ta với Mỹ. Tôi muốn giữ cho hơi thơ được tự nhiên, trong sáng, hợp với không khí đồng dao của toàn bài chứ không phải vì Tổng thống Mỹ. Nói về Tổng thống Mỹ lúc ấy như thế, đến bây giờ vẫn đúng. Tổng thống Mỹ có thể thông minh ở đâu đấy, vì không thông minh thì chắc nhân dân Mỹ chẳng bầu ông ta, nhưng việc đánh Việt Nam, giết hại hàng ngàn trẻ con vô tội trong những năm chiến tranh thì không thể gọi là một việc làm thông minh được. Nếu ông Nich xơn sáng suốt thật sự thì ông ấy đã chẳng ngã ngựa giữa đường. Nhưng để lại câu thơ ấýy, cả bài mất đi sự hồn nhiên. Đây là cuộc chơi chỉ có chó mèo, cào cào châu chấu mà Tổng Thống Mỹ không thể can dự vào được. Sự có mặt của ông ta lại làm hỏng cuộc chơi.

Tại sao anh lại lấy tên tập thơ là Góc sân và khoảng trời?

Góc sân và khoảng trời không phải là độc quyền riêng của cậu Khoa. Trong đời, ai cũng có một góc sân và một khoảng trời. Góc sân là nơi ta chập chững bước những bước đầu tiên. Còn Khoảng trời là cái đích cao rộng mà ta cần phải vươn tới

Với anh, "góc sân" nào đã sinh một thần đồng thơ Trần Đăng Khoa? Và "khoảng trời", đích đến của nhà thơ là ở đâu? Từ góc sân ấy, anh đã đạt đến khoảng trời của mình chưa?

Khoảng trời của tôi chính là độc giả. Tôi rất mừng là bây giờ tôi có một lượng độc giả rất đông. Bằng cớ là năm nào sách tôi cũng in đi in lại và in với số lượng lớn và nối bản cũng nhiều. Đấy không phải là những tập thơ cũ, mà là những cuốn sách mới. Cái đích của tôi, khoảng trời tôi cần vươn đến là chinh phục độc giả đương đại. It nhiều, tôi cũng đã làm được điều ấy. Không chinh phục được độc giả đương đại thì đừng hy vọng sự đồng cảm của độc giả tương lai....

Hình như tuổi thơ với hình bóng cậu bé thần đồng quá lớn, nên sau này mỗi khi nói về mình, anh đều cố ý tếu táo, cười cợt bản thân cho hình bóng ấy "nhẹ vía"?

Không phải đâu. Đó chỉ là đánh giá của một vài người theo lối phê bình quán tính, phê bình a dua, chứ tôi thấy cậu Khoa ngày xưa cũng bình thường thôi. Câu thơ mà người ta cứ khen cậu: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa, tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" thực ra chỉ được có một chữ, là chữ ‘mỏng". Đó chỉ là câu thơ viết bằng tai. Loại thơ ấy, vung tay là viết được. Sau này tôi viết "Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây" , hay "Tháng năm lừng lững đi qua" thì cũng vẫn bút pháp ấy. Tôi lại thích những câu không thể dùng tai mắt mà viết được. Đại loại: Cái còn thì sẽ còn nguyên - Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan... Hoặc Mái gianh ơi hỡi mái gianh - Ngấm bao mưa nắng mà mà thành quê hương. Đó mới là những câu thơ không dễ viết. Đó toàn là những câu thơ viết thời "về hưu" đấy. Vì thế, tôi thấy chẳng có gì phải sợ cái cậu Khoa thời cậu ta vẫn còn "đương chức".

Ước mơ lớn nhất của anh bây giờ là gì?

Tôi đã nói trong bài thơ "Gửi bác Trần Nhuận Minh": Giờ thì em đã chán - Những vinh quang hão huyền - Chỉ muốn làm mây trắng - Bay cho chiều bình yên...Tôi không õng ẹo, làm duyên làm dáng. Tôi nói rất chân thành đấy. Với tôi, danh tiếng là vô nghĩa. Rất vô nghĩa.

Cũng trong bài "Gửi bác Trần Nhuận Minh" này, anh còn nói: "Bao nhiêu là giun dế- Đã khiêng vác em lên - Tên tuổi em xủng xoảng - Những mõ ran trống rền..." anh đã gửi gắm rất nhiều nỗi niềm về đời thơ của mình?

Cũng có người khó chịu về mấy câu thơ ấy. Họ tưởng tôi gọi độc giả là giun dế. Khổ lắm! Thượng đế đâu lại là giun dế được? Đấy chính là những nhân vật của thơ tôi thuở nhỏ. Cũng vì không muốn hiểu lầm mà tôi đã phải chú thích rõ như vậy ở cuối bài rồi. Chính giun dế, ếch nhái, kiến đen, chó vàng đã công kênh cậu Khoa, đúc cậu ta thành người nổi tiếng, thành cả "Thần đồng". Nhưng đấy chỉ là "Thần đồng" của ... giun dế thôi nhé!...

Cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa!


Đăng ngày 04/09/2008

Ý kiến về bài viết
Gửi bởi: Trịnh Mạnh - 04/09/2008

Bài phỏng vấn khá thú vị. Mặc dù hình như bài này cũng đã in ở đâu đó rồi


Gửi bởi: Xuân Đức - 04/09/2008

Hì hì..chắc là đăng rồi bạn ạ. Xài đồ cũ ấy mà..


Gửi bởi: Bạn đọc - 04/09/2008

Thời buổi "gạo châu, củi quế" ta "làm thịt" lão Khoa kiếm tý ông Đức hè. Chắc đắt hàng lắm đây. Tôi giúp ông một tay nhé.


Gửi bởi: Nguyễn Kỳ - 04/09/2008

Trần đăng Khoa có biệt tài trả lời phỏng vấn. Gần đây, trên Việt Namnet cũng có cuộc trò chuyện của Khoa và Nguyễn Quang Thiều về vấn đề chấn hưng đất nước. Bài cũng khá hay, nhưng tôi vẫn không thích bằng bài trả lời phỏng vấn này. Khoa có cái nhìn khách quan và sòng phẳng. Sòng phẳng với cả chính bản thân. Ông Xuân Đức nên có một chuyên mục dành cho những bài phỏng vấn hay. Vì ở ta, không phải ai cũng biết phỏng vấn và cũng không phải ai cũng biết trả lời phỏng vấn. Tôi ớn nhất là nghe các quan chức trả lời phỏng vấn. Nó vô bổ và nhạt nhẽo.


Gửi bởi: Xuân Đức - 04/09/2008

Gửi bạn đọc : Đã bảo là hạn hán mất mùa mà, đành nhai tạm rơm khô vậy. Ha..ha..

Xin thông báo thêm : Từ 5 giờ chiều đến tận lúc này là 10 giờ rưỡi đêm tôi mới vào được mạng đấy. Viettel ơi là viettel !


Gửi bởi: Xuân Đức - 04/09/2008

Cảm ơn bạn Nguyễn Kỳ. Nhưng mà có ai phỏng vấn ai thì mới mở ra chuyên mục chứ, chẳng lẽ tôi kiêm luôn chức này. Tôi cũng có tâm lý như bạn. Phỏng vấn thì người hỏi phải hay và người trả lời cũng phải hay. Còn như..như bạn nói ở trên ấy đấy, thà đừng nghe còn hơn.


Gửi bởi: Lê Ngọc Hoàn - 04/09/2008

Cám ơn ông Đức đã đưa bài phỏng vấn khá hóm của Trần Đăng Khoa. Thông minh. Sắc sảo. Đáo để. Hài hước. Quá quắt. Đọc thích


Gửi bởi: Lê Đức Đoàn - 04/09/2008

Tôi rất thích đọc những bài trả lời phỏng vấn của TĐK. Cứ thấy Khoa ở đâu là tôi tìm đọc. Tôi thấy văn ông này và phỏng vấn ông này hay hơn thơ ông ấy. Luôn có những bất ngờ. Nhưng người ta có dạo bảo ông này ái nam ái nữ. Chẳng biết hư thực thế nào. Hình như ông Đức có chơi với TĐK. Trên trang Web của ông có treo ảnh vơ con TĐK. Nhưng con ông K có giống ông K không, hay giống ông Xuân Đức?


Gửi bởi: Tễu - 04/09/2008

Cảm thương là bác Đăng Khoa

Một mình bác mọc những ba cái...vòi

Này Thơ, này Truyện, này Đời

Cầu mong bác có nắm xôi thàng Bờm

Hở hang nên lắm kẻ dòm

Dập dìu khách khứa om xòm vào ra

Lão Trang cắt tiết bác Khoa

Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần...


Gửi bởi: BICH VÂN - 05/09/2008

Kính nhờ nhà văn Xuân Đức chuyển máy dòng đến Trần Đăng Khoa

Rất mừng khi thơ thẩn trên mạng lại gặp TĐK. Anh còn nhớ Bích Vân Tu La (Liên Xô) không?Vân múa ba lê cùng học với Lê Vi rồi sang xuất khẩu ở nhà máy may mặc TraiKa ấy. Em đã xây dựng gia đình và có hai cháu. Vào vườn lan cua bác Xuân Đức mới biết ông anh hoành tráng như thế. Em vãn lặng lẽ theo từng bước chân anh qua những bài viết của anh trên mạng. Cả nhà em đều hâm mộ anh. Chúc anh luôn may mắn, hạnh phúc. BV


Gửi bởi: chaudh - 05/09/2008

Anh Khoa ơi hỡi anh Khoa

Lắng nghe thiên hạ người ta nói gì

Đường đường một đấng nam nhi

Thế mà bao chuyện thị phi…dông dài

Nước mắm tu cả nửa chai

Kiêu căng, khệnh khạng, gái trai mập mờ…

Thần đồng từ thuở còn thơ

Vác cây thánh giá bao giờ mới thôi?

Thông minh, sắc sảo tuyệt vời

Cua đồng lột xác nên trời đất ghen

Xót anh chút phận… thuyền quyên
Cành hoa đem ném vào thuyền lái buôn (hi,hi…)

Thuyền đầy chẫu chuộc, ểnh ương

Ộp à ộp oạp anh còn lạ chi

Hở hang biết lấy gì che

Thôi về hưu sớm (cà) dái dê ta trồng…


Gửi bởi: Tễu - 05/09/2008

GỬI CHÁU ĐỒNG HƯƠNG

Cháu ơi đừng có ghẹo sư

Lão Khoa xuống tóc đi tu lâu rồi

Thế gian còn mỗi Tễu thôi

Tuy già nhưng vẫn hơn mười trai tơ

Tễu đang thấp thỏm mong chờ

Một nàng như cháu- Bốn mùa bướm hoa

Tễu đeo đến mấy rổ cà

Tiếc không chỗ cắm. Biết là cậy đâu?

Cháu thì xúng xính sang giầu

Đất đai bát ngát mỡ mầu bao la

Hảo tâm mở lượng sơn hà

Cho ta một dúm, trồng cà dái dê...


Gửi bởi: Bạn đọc của TST - 06/09/2008

Tôi định xẻ thịt "lão Khoa" lôi "lục phủ, ngũ tạng" ra cho ruồi nó bâu, lão cũng người như chúng ta sao mà lão sướng thế. Tức. Nhưng thôi. Tha. Tối mai 07/09/2008 để lão còn lên truyền hình trực tiếp buổi phát sóng đầu tiên của VOVTV Đài tiếng nói Việt Nam mà lão vừa nhậm chức giám đốc đã ông Đức ạ. TST thơ mộng quá, thành chốn cho người ta đong đưa. Ông coi chừng thằng cha Tễu nó cuỗm mất Cháu đồng hương của ông đi đấy. khe...khe...


Gửi bởi: Lão Trang - 06/09/2008

Chào bạn đọc của TST. Mới đi xa về, còn mệt quá. Cảm ơn bạn đã ghé. Tối nay sẽ bàn cách phong tỏa chú Tễu sau.


Gửi bởi: Vũ K Trường - 06/09/2008

Cha Tễu ghê thật. Không biết cha chui từ đâu ra. Thông minh. Quái. Hài hước. Và rất nhanh nhạy. Ông Đức cho anh em biết thêm thông tin về thằng cha này. Tốt nhất nhờ cô cháu đồng hương nhử bắt hắn. Đem lão về TST triển lãm. T


Gửi bởi: Xuân Đức - 06/09/2008

Bác yên tâm, tôi đã có phương án truy tìm. Cháu đồng hương không biết được đâu.


Gửi bởi: Tễu - 07/09/2008

Tễu nào đâu có cách xa

Cứ ra Phường Rối thế là gặp thôi

Múa cùng Rối, chán mớ đời

Lộn sòng về múa với người xem sao

Có ông như đấng anh hào

Lù lù hóa chỉ cái bao đựng tiền

Có em như một nàng tiên

Thịt thừa, óc thiếu chẳng nên thân người

Lão Trang tài mạo tót vời

Trầm luân dở khóc dở cười thảm thương

Thôi tìm về chốn văn chương

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường khiếp kinh

Đến như bác Nguyễn Văn Linh

Còn khuyên mình tự cứu mình. Hỡi ôi!

Thôi về với mẹ ta thôi

Hóa ra Phường Rối là nơi yên bình

Trúc xinh cứ ở đầu đình

Còn anh ôm một một khối tình ới a!

Lúc vui ghẹo bác Đăng Khoa

Lúc buồn, ôm cháu tên là Đồng Hương

Tưởng người hóa lại khói sương

Dẫu là Tiên thật cũng phường ma chơi

Hỡi ai lạc dưới gầm trời

Có về Phường Rối với tôi thì về!

Khe!

Khe!

Khe!


Gửi bởi: Còi - 07/09/2008

Cậu ơi, con đang bí cần cậu giúp đây. Gần ngày 22/12 rồi bạn bè nhờ làm chương trình văn nghệ có đủ thơ, ca, nhạc, múa. Mọi tiết mục khác ok cả rồi chỉ còn thơ nữa thôi cậu ạ. Cậu giúp con đi. Con rất thích bài thơ của cậu. Con không thuộc chính xác nữa, kể cả tên bài thơ là gì nhưng ý thơ thì rất tuyệt với ý tưởng dựng tiết mục đọc song thơ trên nền nhạc. Song thơ nam nữ. Con sẽ nhờ nhạc sỹ Hoàng Thành viết nhạc, có 2 giọng đọc ấm áp lắm cậu ạ, chỉ tiếc là bài thơ con không còn thuộc chính xác nữa. Cậu giúp con nhé. Trong bài thơ ấy có câu thế này nhé: “Võng níu cây, cây níu rừng, rừng níu vào núi thẳm. Ta gửi đời ta trong đội ngũ trùng trùng”. Nhanh lên cậu nhé. Con đang “đánh quả” đây. Và nhân đây con nhờ cậu treo giá ai bắt được chú Tễu hay chọc ngoáy TST con hậu tạ một con lợn đúng bằng trọng lượng thằng cha ấy, tự tay con xẻ thịt, làm món khao cả làng Trúc Sơn Trang.


Gửi bởi: Cậu XĐ - 07/09/2008

Chụi rồi Còi ơi. Bài đó cậu viết đã quá lâu rồi, mà lại viết để biểu diễn chứ không phải in nên giờ mất tiêu rồi. Đã rất nhiều người hỏi mà chịu.


Gửi bởi: Còi - 07/09/2008

Thế thì con sẽ cố nhớ lại in lên để cậu xem nhé. Tối nay con sẽ lục lại trí nhớ. Cnán quá, con cũng bắt đầu lẫn thẫn rồi cậu ạ.


Gửi bởi: Bùi Tâm - 07/09/2008

Trang của Xuân Đức rất hay. Nó có hai phần. Âm và Dương. Phần Dương có nhiều bài hay như loạt bài của Trần Đăng Khoa và về Trần Đăng Khoa, phần thơ Hữu Thỉnh, Xuân Đức, Trần Nhuận Minh, Lưu Quang Vũ. Truyện Nguyễn Văn Thọ. Nhưng phần Âm lại tuyệt vời. Phần ảo của Chú Tễu, cháu Đồng Hương và nhiều kkhách nữa . Tuyệt vời


Gửi bởi: Xuân Đức - 07/09/2008

Cảm ơn bạn Bùi Tâm ! Bạn đã có lời khen như vậy thì hãy tham gia vào cho xôm. Bạn tham gia phần dương cũng được mà phần âm càng tốt.


Gửi bởi: Lê Sơn - 07/09/2008

Đọc các bài của ông TĐk cũng đã hay, nhưng đọc những bài "bình loạn" của Chú Tễu lại còn thú vị hơn nữa. Trang này rất thú vị. Tôi ngờ Tễu là một tài năng có danh đấy. Vứt mặt nạ ra Tễu. Chúng tôi đều rất quý mến và hâm mộ ông!


Gửi bởi: Tễu - 07/09/2008

GỬI BÁC LÊ SƠN

Cái bác này kỳ thật

Em chỉ là Tễu thôi

Bác bắt bỏ mặt thật

Để rồi đeo…mặt người

Mặt người dù lộng lẫy

Nhưng đâu còn là em

Bỏ thật, chơi đồ giả

Giữa ngày mà đi đêm

Em cắn rơm lậy bác

Quyết không chơi trò người

Cả đời em chỉ muốn

Cứ làm thằng Tễu thôi


Gửi bởi: Cậu Đức - 07/09/2008

Còi ơi, cứ nhất trí như con đã nhớ đi. Thiếu câu nào cũng được, chả quan trọng đâu. Cậu không post lên đây nữa.


Gửi bởi: Còi - 08/09/2008

Cơ bản là đúng phải không cậu, mà con hỏi là cậu quên thật à? Hay cũ quá rồi cậu không thích nữa. Con còn thuộc mang máng nhiều bài của cậu nữa, hôm nào con vào TST đọc lại cậu xem rồi để con chép lại tất cả những bài thơ của cậu mà con rất thích ấy nhé. Nếu có tuyển tập thơ cậu thì cho con một cuốn đi. Tội. Nhiều khi cứ lẩm nhẩm mà không tài nào nhớ nổi câu tiếp theo. Lâu quá rồi. Ví như bài có câu này mà con không biết nó là tên gì

Có những điều khó nói hết cùng em.

Bởi trời đất bốn bề iên ắng quá

Như dấu ngoặc khép đoạn đời thương nhớ ...còn nữa.

Thôi, cậu không thích, con không ép đọc nữa. Nếu không còn nhớ thì tiếc thật. Tiếc đứt ruột và tự dưng thấy dận cậu quá.


Gửi bởi: M - 08/09/2008

Cháu có thể khoanh vùng "thổ địa" nơi chú Tễu sinh ra và lớn lên đấy. Dựa vào một số chữ dùng trong thơ như "lậy = lạy; ma chơi = ma trơi...) thì đích thị là người miền Bắc rồi. haha. CHú Đức cứ giăng lưới ở khu vực đó nhé!!! Chúc chú nhanh tóm được "địch".

PS: Nhưng mà chú Tễu ơi, cháu thực sự phục chú đấy. Nói thật, cháu cũng không muốn chú bị "tóm" được đâu. Cháu thích chú mãi là chú Tễu như vậy đấy. Tễu này thật thông minh.


Gửi bởi: Xuân Đức - 08/09/2008

Còi ơi, cậu quên hết rồi, nhưng con nhắc đến đâu cậu lại mường tượng nhớ đến đó. Khi nào rỗi con nhớ thêm nhé. Có bài cậu không post lên mạng nhưng lại lưu vào máy hết đấy.


Gửi bởi: Lão Trang - 08/09/2008

Nhắn chú Tễu : Cháu đồng hương phải nhập viện rồi ( vì cảm thôi, có thể sưng phế quản mà cũng có thể cảm vì thơ Tễu đấy. Nếu Tễu có nhắn gì thì nhắn lên mạng, Lão Trang chịu khó nhắn vào điện thoại cho chaudonghuong.


Gửi bởi: Tễu - 08/09/2008

Cháu Đồng Hương mà nhập viện

Chắc là "tháo" nỗi niềm riêng

Một khối lặng thầm cháu gánh

Trời vênh, đất cũng trao nghiêng

Của trời lại trả cho đất

Chạnh lòng thương Lão Trang thôi

Răng móm phều phào ru cháu

Trăng liềm nghiêng một vành nôi

*

Có ai? Ồ ra Chú Tễu

Rẽ mây, tìm lối lên trời...


Gửi bởi: chaudh gửi chú Tễu - 10/09/2008

gửi chú Tễu:

"Cháu ơi đừng có ghẹo sư

Lão Khoa xuống tóc đi tu lâu rồi..."

Có mà tu...hú chú ơi

Chùa nào chịu nổi sư thầy...như Khoa

Lên chùa để quảng cáo cà

Dái dê to, mập, dài đà...gang tay

(Niết bàn thoang thoảng hương bay

Sen hồng chen với hương cà dái dê...)

Cháu đây vốn ở thôn quê

quanh năm chỉ khoái trồng cà... pháo thôi

Giòn, dai...2 bận mỗi ngày

Bé nhưng dùng miết cũng ...say chú à.

Ham chi cà của Lão Khoa

Đã mềm lại chậm (thu hoạch)

Ui cha

Chán phèo!

Trời trong veo, nước trong veo

Ta buông mái chèo, hờ hững buông câu

Sông không sâu, nước không sâu

Khoảng trời năm ấy biết đâu bây giờ ?...

Những câu thơ, những vần thơ

Lẫn vào đâu giữa đôi bờ nhân gian

Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn...

Trong lòng ta một vầng trăng mãi tròn...


Gửi bởi: Tễu - 10/09/2008

Tưởng rằng cô cháu đi đâu?

Bãi sim, vệ cỏ, ruộng dâu, rãnh bừa...

Tưng tưng cô cháu lên chùa

Tháo tung dải yếm, thả bùa ghẹo sư

Bấy lâu khép kín phòng tu

Mấy xuân cũng cỗi, mấy thu cũng già

Lão Khoa đã đốt cà sa

Thử xem bụt ốc vồ ma thế nào?

Trời lao đao, đất lao đao

Giữa ngày, chẳng biết lối nào mà ra

Chính Khoa muốn hoá Phụ Khoa

Lão Trang mụ mẫm trước toà thiên nhiên

Cháu mê cà pháo...chỉ thiên

Đã dai, còn dẻo, lại bền...Khiếp chưa!

Thảo nào Trang Lão hoá dưa

Cái tay héo trước, cái ...bừa héo sau

Toà thiên nhiên vẫn mỡ màu

Thành dưa, vẫn muốn được nhàu hơn dưa....

Đầm đầm một trận mây mưa

Trúc Sơn Trang lại vào mùa sơn trang...


Gửi bởi: Huy Hòa - 11/09/2008

Thơ Tễu quá hay. Bài nào cũng điêu luyện. Uyển chuyển. Tình tứ. Dânh đá. Đểu cáng. Khả năng sử dụng ngôn ngữ quá tinh xảo. Tễu là ai vậy? Ông Đức nên khám phá danh tính kẻ giấu mặt này?


Gửi bởi: gửi chú Tễu - 12/09/2008

Giá mà cháu tài như chú

Thì ta quyết đấu tay đôi

Nhưng cháu toàn thơ...con cóc

Đành bỏ của chạy lấy người.

Cháu về với Lão Trang thôi

Được cưng như thời tấm bé

Cắt trăng làm võng... ru hời...

Già thường yêu nhiều hơn trẻ.

he,he...


Gửi bởi: KHÁN GIẢ - 12/09/2008

Anh Xuân Đức ơi,

Cứ như ý tứ mà suy, Tễu ta lại dùng các từ: TRAO NGHIÊNG= CHAO NGHIÊNG;lại thêm thơ Tễu không có sai dấu hỏi, ngã, điều mà dân khu ta hay mắc lỗi kinh niên; lại thêm nữa thể loại thơ cũng đa dạng, giọng lưỡi cũng điêu toa, đích thị cha Tễu này là dân Hải Dương, suy tiếp ra Tễu=>Khoa. Cái thằng hồi đi học sỹ quan còn dám bỏ gác...đấy chứ ai


Gửi bởi: Xuân Đức - 12/09/2008

Suy thế thì chết cha chú KHOA rồi. Hết việc rồi hay sao mà hắn lại mang hắn ra chưởi : Chính Khoa muốn hóa phụ khoa ?


Gửi bởi: Tễu - 12/09/2008

Bỗng đâu Tễu hoá Thần Đồng

Đang thằng thoắt cái thành ông, thành bà

Đang Phụ Khoa hoá Chính Khoa

Một đầu lại mọc đến ba cái đầu

Hỏi rằng Phép lạ ở đâu?

Lưỡi thày bói có phép màu Liêu Trai!

Ai khen chú Tễu có tài

Khác nào dái Ngựa thì dài hơn Dê

Chập chờn bến Lú, sông Mê

Mải vui khéo đứt lối về như chơi

Ốc kia lấy đít ngắm tròi

Nhoáng nhoàng lẫn lộn biết người hay ma!


Gửi bởi: Yến Nhi - 12/09/2008

Đọc Chú Tễu, đôi lúc tôi cũng ngờ ngợ không biết cha nào mà thông minh, quái quỷ, mà lại dùng các thể thơ rất linh hoạt, mà rõ ràng là thơ ứng tác. Nhưng chắc chắn không phải Khoa, vì những ngày chú Tễu tung hoành trên TST thì TĐK đang lo phát sóng kênh truyền hình của Đài TNVN, lão không về nổi với vợ con, không có thời gian lướt web. Khoa hẹn tôi đến phỏng vấn, tôi và mấy phóng viên đến, lão mời vào phòng,xin lỗi sẽ trở lại và rồi rốt cuộc chúng tôi phải ra về vì lão không bứt ra được một phút nào. Chắc chắn Tễu không phải K, vì nếu K đóng vai Tễu, thì dù có hài hước cũng không rủa độc mình như thế, còn viết nhầm lỗi chính tả thì ai cũng có thể mắc, nhất là dùng vi tính. Nhà văn nhầm lỗi nhiều lắm. Cần tiếp tục tìm danh tính Chú Tễu


Gửi bởi: Thằng Tễu - 13/09/2008

Việc chi mà phải săn tìm

Tìm săn như thể bắt chim trong...chuồng

Nhạt phèo quanh cảnh văn chương

Buồn tênh thì lại lột truồng bác Khoa

Tanh bành xẻ thịt bóc da

Tưởng người, ngắm kỹ lại là ma chơi (Chơi chứ không phải trơi- Thi pháp riêng của Tễu)

Khiếp kinh là cái cõi người

Chỉ tình yêu vẫn tốt tươi bốn mùa

Ngày làm mấy trận mây mưa

Bãi sông, vệ cỏ, rãnh bửa, mả hoang...

Tìm đâu? Đó chính Thiên Đàng

Cháu Đồng Hương- Rực rỡ nàng Tây Thi...


Gửi bởi: Thằng Tễu - 13/09/2008

GỬI CÔ CHÁU

Tưởng rằng cháu bỏ của

Của cháu cuỗm theo người

Biết chạy đâu cho thoát

Loanh quanh trong gầm trời

Lão Trang thành cóc cụ

Ngồi trong xó tối thui

Cái tay thì đã héo

Cái chày thì vẫn tươi

Chẳng cần dùng chày đập

Lão ngáp cũng táp ruồi

Cháu mà về chốn ấy

Tự mình dâng miếng mồi

Ngoẻm! Ngoẻm!

Tươi!


Gửi bởi: Lão Trang - 13/09/2008

Lệnh truy bắt :

Tững lẫn ấn tiên phong
Tễu hô phong hoán vũ
Cầm thiên binh vạn mã
Vây bắt cháu đồng hương.

Bỗng đâu cháu biến mất
Như có phép tàng hình
Quân lính đâm ngơ ngác
Quay lại bắt tướng mình

Phải truy cho ra Tễu
Dù ẩn tích mai danh
Cứ xé toang gánh hát
Tát cạn đáy thủy đình

Lão treo vàng nghìn lạng
Ai bắt được hắn ta
Giải về Trúc sơn trại
Hầm với thịt chú Khoa.

Ha..ha..


Gửi bởi: THẰNG TỄU - 13/09/2008

Chuyến này có tiệc to rồi

Trúc Sơn Trang ngả mấy nồi xáo ...voi

Cho luôn thằng Tễu chầu trời

Om thòm trống trận, bời bời cờ bay

Tễu ôm cháu phắn lên mây

Thủy đình tát cạn chỉ đầy rong rêu

Lão Trang vấp phải bùa yêu

Tay teo, chày cũng bị teo mất rồi

Thôi đành đãi khách xáo voi

Gia tài lão chỉ còn...vòi nước trong


Gửi bởi: Bạn đọccủa TST - 13/09/2008

Tễu ơi là Tễu ơi, quá quắt nó vừa vừa thôi. Lão Trang mà bắt được thì lão phanh thây, xẻ xác bươu đầu lên ngọn Trúc bây giờ Tễu ơi...Cái giọng của Tễu có lẫn được với ai đâu mà cứ tớn lên thế. Khiếp. (nhờ ông Xuân Đức nhắn với Tễu)


Gửi bởi: Thantho - 13/09/2008

Vui, tếu cũng là hay
Trêu chọc phải có tay
Đúng liều, đúng gia vị
Món đưa ra ngày ngày.

Chuyện đời, chuyện yêu đương
Chuyện mát xa mát gần
Chuyện chày và chuyện cối
Kể cả thơ và văn

Vừa tầm vừa khẩu vị
Để tiêu hoá dần dần

Thử xem món quá mặn
Thử một món dài dài
Đến ngon, cũng thành ngán
Đến thơm cũng bốc mùi

Xem chừng vui có cữ

Trêu vui, cũng tuỳ thôi!


Gửi bởi: Thantho - 13/09/2008

Cái đau của người khác
là cái đau của ta
đau đớn ở thân xác
Có đau mới biết a

Bảy mươi chưa hết què
Bảy mươi chưa hết đui

Không cùng trong cảnh ngộ
Thì thôi đừng đùa vui

Cùng vui chuyện văn chương
Vui với cả đời thường
Buồn khi chiều ngậm đắng
Buồn khi phải tha phương

Thơ hay cùng thưởng thức
Cùng vui khi hạnh phúc
Đời đau cùng sẻ chia
Nỗi đau không riêng nữa

Đó mới là

Tri kỷ...




Gửi bởi: THẰNG TÊU - 14/09/2008

Nếu cho Tễu Cháu Đồng Hương

Tễu này xin tự lột truồng, nộp thân

Thích chi Trang Lão cứ mần

Hoặc đem giềng mẻ, hoặc giần nhừ xương

Nhưng không có Cháu Đồng Hương

Hành tinh này hóa thành chuồng thú hoang

Trách chi Tễu đã làm càn

Một tàn lửa lạnh mưu toan đốt giời

Máu điên chẳng tại Tễu tôi

Tại cô cháu bỏ cõi người đi hoang

Mấy lời nhắn gửi Lão Trang

Mong về quần tụ dưới hàng cờ xưa...


Gửi bởi: Lão Trang - 14/09/2008

Sẵn sàng Lão lộ tính danh

Cháu đồng hương để Tễu lần dấu riêng

Nhưng vì tai vách mạch rừng

Cư dân mạng khắp bốn phương ngó nhòm

Nếu như Tễu đã sẵn sàng

Thì ta trao đổi bằng đàng I-meo ?


Gửi bởi: TỄU - 14/09/2008

CÕI TIÊN

Gửi cô em Đồng Hương

Lão Trang sắp bán em rồi

Chạy đâu cho thoát lưới trời được đây

Thôi thì tay ở trong tay

Cõi người cùng vái, ta bay về giời

Thủy đình để nhái nó bơi

Trúc Sơn Trang để cho người sơn trang

Có anh rồi lại có nàng

Ở đâu, đó hóa thiên đàng mà em

Thôi nào hãy quẳng áo xiêm

Vứt đi mặt lạ, Cõi Tiên chẳng cần

Việc ta, ta cứ việc mần

Phòng ta thành một cõi Xuân bốn mùa


Gửi bởi: TÊU - 14/09/2008

GỬI HẠ GIỚI

Gửi các lão Thân Thơ, Bạn đọc TST

Xin đừng trách Tễu nhung nhăng

Chẳng ai thương Lão Trang bằng Tễu đâu

Bây giờ gò đống nương dâu

Nhìn đâu cũng nhuốm một màu Sơn Trang

Cháu Đồng Hương chính là nàng

Nàng là con của Lão Trang. Tuyệt vời

Xót lòng một giọt máu rơi

Lão Trang muốn gửi cho người xứng danh

Tễu tuy quê ở Thủy Đình

Chốn ao tù vẫn tung hoành bấy nay

Bây giờ Rồng đã gặp Mây

Bõ công ngày tháng lưu đày thế gian

Cảm ơn những tấm lòng vàng

Các người đùm bọc Lão Trang bao ngày

Vườn văn ta lại xum vầy

Dẫu là cõi ảo vẫn say lòng người

Cầu mong hoa cỏ tốt tươi

Con người sống với con người yêu thương...


Gửi bởi: Người qua đường - 14/09/2008

Qua đường...thấy thật là hay

Trúc Sơn, đọc mãi mà say quên về...

Rất thú vị khi nghe các tài thơ ứng đối sắc sảo, thông minh và văn hóa. Nếu có một diễn đàn thơ ...kiểu này e hay hung hè ?


Gửi bởi: Lão Trang - 14/09/2008

Thằng cha Tễu thật là điêu
Giao kèo chưa kí đã liều xưng em.
Lại rủ rê trốn lên tiên
Không là kẻ cướp cũng tên buôn người.
ơ này, cháu đồng hương ơi
Đừng nghe mật ngọt mà xơi chết ruồi
Bao giờ thấy rõ mười mươi
Đôi bên hai mặt một lời hãy theo..
Tễu là giồng giống tuồng chèo
Than vay, khóc mướn..chớ liều cả tin.


Gửi bởi: Gởi Trung Thu chú Tễu - 14/09/2008

Đồng hương không phải là nàng

Thì Tễu đây hóa thành chàng bê đê.

Chú Tễu quê thật là quê

Cà pháo lại gặp d...dê một loài.

Hi hi hi....


Gửi bởi: Nguyệt - 14/09/2008

Chiều nay chủ nhật nhặt mưa

Nguyệt mới phát hiện quê mùa xấu ghê

Đồng hương đáo để chọc quê

Làm hằng nga lại bê đê mất rồi

Bữa nay trăng giận thật thôi

Xuân Hương tái thế thị ni chẳng vừa

Quạt kia mấy góc rõ chưa

Quạt ni mấy góc để trừa Tễu tra

Xót xa bánh nước trôi ra

Cho chú Tễu nhắm nhớ pha nước lèo

Miền quê mình vẫn còn nghèo

Quạt nan mát hạ bánh xèo ấm đông

Trời mênh mông đất mênh mông

Lỡ trêu chú Tễu bù công chị "đồng"( chị đồng hương)

Hi hi hi lấy mặt mo úp mặt thôi.Em phải trả đũa chị đồng hương cho hả dạ.Dâu QT mà đáo để ghê.Chắc ông xả không nghe chị đối đáp chớ không thôi ảnh hổng tha cho chị đâu nha.

Cảm ơn bài thơ chị đã tặng.Bữa nay em về phe chú Tễu để cho chị quê luôn.Em sẽ kéo chú Đức về phe em nữa nhất cự li nhì cường độ mà.Chuẩn bị chiến đấu nha.He he he.Bye.

Nói vậy chứ em buồn lắm nên vào mạng lấy nguồn vui ấy mà.Nếu là chị thì càng tốt em khỏi phải dè dặt nhưng mà em vẫn tức.Bât đền chị đó.LO HỐI LỘ KHÔNG THÔI EM SẼ LÀ ĐỒNG MINH CHÚ tỄU ĐÓ.


Gửi bởi: TỄU - 14/09/2008

NÓI RIÊNG VỚI VỢ HIỀN

Bố già mình lú mất rồi

Hay con mẹ Tú nó nhồi mấy bi

U mê còn thấy được gì

Nhoáng nhoàng sấp ngửa nửa bi nửa hài

Anh đây nào có đơn sai

Giao kèo bố thảo trong ngoài đều xem

Thế mà thoắt trắng thành đen

Vu anh trộm cướp lại tên buôn người

Sự đời đến thế thì thôi

Thế gian đổ một trận cười. Khổ không

Đôi ta Mây đã gặp Rồng

Giờ thành mèo mả gà đồng với nhau

Thôi em hãy nén nỗi đau

Bố già. Mình trước rồi sau cũng già

Bố con ruột thịt trong nhà

Không chung chén rượu cũng là người dưng

Nào em hãy rót rượu mừng

Bố khùng bố cứ việc khùng có sao

Người già như đĩa dầu hao

Đèn khuya biết tắt lúc nào mà hay

Còn ta tay đã trong tay

Ngoài kia trời đất cũng say cùng mình...


Gửi bởi: Phạm Quy - 14/09/2008

Hỡi ai ! có bị quáng gà

Sao vào Quảng Trị buôn cà dái dê

Cà dê sao ế rẻ ghê?

Rao từ Hà lội rao về thôn quê

Cà dê trồng dọc bờ đê

Nơi dòng suối ấm, tiểu khê bốn mùa

Cà dê dầm với tôm chua

Sợ rằng chú tểu bỏ chùa mất thôi

Bác Trần mà lên chùa ngồi

Chắc rằng thêm những mười chùa "bà Đanh"

Tểu ơi ! sao mang họ Trần

Thần đồng thuở ấy rành rành chớ ai

Làm thơ, tán gái đại tài

Mần luôn nước mắm nửa chai ấy mà

Hêt thơ sao đi bán cà

Khéo mà trượt ngã "trặc cùi" nghe...cha


Gửi bởi: Lão Trang - 15/09/2008

Tễu ơi ta bảo Tễu này
Tễu về Sơn trại, Tễu cày với ta
Vui chi cái chốn phồn hoa
Mặt thì đeo nạ, người thoa phấn hồng
Tự cho là chốn tiên bồng
Toàn quân trốn chúa, lộn chồng xưa nay
Sơn trang có hồ nước đầy
Gió trời lộng thổi, cỏ cây ngát vườn
Lại còn có Cháu đồng hương
Chân dài, ngực nở, eo lưng nõn nà..
Lão đây tự biết thân già
Chẳng cần Tễu rủa cũng đà dầu hao
Dầu hao rồi tắt khi nào
Giang san một cõi rơi vào Tễu thôi.
Đừng ngu mà bay lên trời
Gặp ông "ùm" là tiêu đời, Tễu nhe !

khe..khe..


Gửi bởi: chaudonghuong - 15/09/2008

Hai ngày cháu bận tí việc

Không ghé được quán để xem

Ui chao! tưng bừng hết biết

Yêu thương lai láng phát thèm.

Chú Tễu tung hoành ngang dọc

Công khai tán tỉnh Đồng hương

Được yêu ai mà chẳng thích

Nhưng thề cháu chẳng lấy chồng

Còn vì sao không lấy chồng thì đã có lý do rất chính đáng:

Khi độc thân…

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Phụ nữ khác xưa rồi, quan niệm cũng khác xưa

Họ coi đàn ông là giống… khó ưa

Rồi tuyên bố những lí do không lấy chồng rất chi là…khiêu khích:

Khi không chồng chẳng việc gì ta phải giả vờ e ấp

Trước mặt nhà chồng để được tiếng nết na

Ta đâu cần vì ai mà vất vả học cách nấu món cá sốt cà

Nếu thèm-ta cứ việc dông xe về nhà mẹ ta là…khoẻ nhất!

Khi độc thân ta đâu phải đợi ai đến khuya rồi gào lên uất ức:

“Ông đi với con nào mà về trễ thế kia ?”

Y học đã chứng minh bệnh xì-trét rất ghê

Không những nhanh già mà còn mau chết!

Khi không chồng cửa nhà ta sạch đẹp

Ta đâu phải hằng ngày lang thang từ phòng này sang phòng kia

để nhặt lon bia, tàn thuốc lá rơi đầy

Rồi một ngày đẹp trời bỗng lòi ra từ gầm tủ một chiếc giày

Lẫn với tất mốc xanh, mốc đỏ…

Khi không chồng ta vô tư ngủ

Đâu phải nửa đêm giật mình vì tiếng khò khò như kéo gỗ, mùi bia…

Ta đâu có nghĩa vụ phải ôm “viên gạch hồng” nóng bỏng giữa trưa hè

Với trăm thứ râu ria khó chịu.

Khi không chồng ta mặc gì là do ta lựa chọn

Đâu phải ngại một tên bụng to đang lôi thôi ngái ngủ gầm ghè:

“Cô đi đâu mà ăn mặc thế kia?

Cứ tửơng như mình còn trẻ lắm!!!”

Khi độc thân ta tha hồ chê chồng con Y già, chồng con B ngớ ngẩn

Mà chẳng đứa nào có cơ hội chê ta

Khi không chồng thứ 7, chủ nhật ta ngủ thả ga

(Mà đâu cần dậy sớm hộc tộc đi chợ, cửa nhà, cơm nước…)

Ta cứ việc nằm dài nghe bình yên chim hót

Trưa làm một tô mì gói thế là xong

Mà chẳng nghe ai lẩm bẩm, cằn nhằn: “ Có vợ kiểu này chắc chết!”

Khi độc thân ta vô tư ngồi ở tiệm cà phê mơ màng lướt Nét

Đâu phải ngược xuôi đi mua quần đùi rồi lo chật rộng sao đây?!

Khi độc thân ta có thể chỉ tay

Đuổi một tên: “ Cút ra khỏi nhà em ngay lập tức!”.

Khi độc thân ta muốn tắm và ca hát bao lâu tuỳ thích

Mà chẳng lo ai nhảy vào nhờ trăm thứ linh tinh…

Rồi phì phéo nhả ra khói thuốc lá hôi rình

Mất cả mùi oải hương, hoa hồng vương trên tóc.

Khi không chồng ta được nghe vô vàn lời đường mật

Em là Nữ hoàng, là vì sao đẹp nhất của đời anh

Ta chẳng bao giờ bị gán cho những từ khủng khiếp như “Sư tử”, “Yêu tinh”

Hoặc “Mụ phù thuỷ nhà anh” rồi “hàng hết date”…

Khi không chồng ta đâu cần phải kiểm tra di động của “hắn” và cảnh giác

Những cái tên như Ba mù, Bốn lé, Năm cà…

Bởi có thể đó là mật danh của các nàng do hắn bịa ra

Để qua mặt ta, kiểu lừa quân địch.

Khi không chồng ta ôm ti-vi và chọn kênh tuỳ thích

Mà đâu phải miễn cưỡng xem trò đấm bốc, đua xe…

Ta vô tư tán chuyện với bạn bè, chơi nhóm, uống bia…

Mà không lo sẽ có ngày toà gọi…

Khi độc thân ta thiếu gì cơ hội

Mà chẳng cần gọi ai là chồng, ông xã, phu quân…

Những danh từ không hấp dẫn đã đành mà lãng mạn cũng không

Nghe là đã thấy không khí chiến tranh và khói thuốc.

Nói tóm lại

Khi độc thân ta muốn lấy chồng lúc nào chẳng được.

He, he...


Gửi bởi: TỄU - 15/09/2008

GỬI BÁC PHẠM QUY

Tên bác là Phạm Quy

Nên bác luôn quy phạn

Lại nhầm Tễu với Sư

Rõ chán!

Còn nhiều nhầm lẫn nữa

Nhầm Tễu với Khoa tồ

Bác Khoa già hết đate

Tễu đang còn trai tơ

Đến trơ!

Tóm lại nhầm lẫn hết

Bác đúng là Phạm Quy

Chán sao mà chán thế!

Xì!


Gửi bởi: traito - 15/09/2008

Phê bình Chủ quán Lão Trang

Chưa chi đã gạ bán nàng (?) cháu yêu

Một liều ba bảy cũng liều

Tay đau có lẽ tiền tiêu cạn rồi?

Bán cháu thì phải chọn người

Không giàu như Ghết cũng tài như Khoa

Tin chi chú Tễu trăng hoa

Không phường lừa đảo cũng ra buôn người.

Mai kia Tễu biến lên trời

Chaudonghuong phải một đời dở dang…

Lão Trang ơi hỡi Lão Trang !

Rưng rưng ta gục xuống bàn rưng rưng

Một trời vùng vẫy đã từng

Lệ nhoà mừng chaudonghuong… có bồ.


Gửi bởi: Tễu - 15/09/2008

GỬI LÃO TRANG

Lão Trang tưởng Tễu là trâu

Trúc Sơn Trang có đất đâu để cày

Cháu Đồng hương phắn lên mây

Thế thì thằng Tễu biết ...cày ở đâu

Trúc Sơn Trang rất sang giàu

Trông vời bát ngát một màu gió sương

Cày chi ở chốn văn chương

Mỡ màu mỗi cháu Đồng Hương thôi mà

Chập chờn nửa thực nửa ma

Chỉ nhìn đã sởn da gà.

Kiếp kinh!


Gửi bởi: Thantho - 15/09/2008

Chà. Gửi "chaudonghuong'!

Tự do khi độc than

Không khói thuốc

không nghe ai kéo gỗ

Thích thì thức, không thì đi ngủ

Mặc thứ gì, cứ thế chùm vào

Không thích thì cứ thế:

ôi chao!

Mát, nhẹ!

Ừ! cứ cho là thế

Tự do. Không ai dám bàn

Chauđonghưong, thử nghe có bài thơ, họ viết:

Người đàn bà và đêm

Người đàn bà, đã từng quen với đêm

Từ lần đầu tiên
để tay mình trong tay người khác

Rảo bước

Và ngồi

trên ghế đá công viên…

Ngày lại qua

cứ thế

đến đêm

Và cứ thế

người đàn bà

đã quen.

Cả cái đêm đầu tiên

Chưa hề từng biết

Nhưng là đêm 'dại dột'

Trao mình

Không tính toán lo suy

Trái tim bay vào đêm

Tiếng thở bay vào đêm

Và mạch nước chảy vào đêm

Tự nhiên

Êm … êm

Rồi cứ thế.

Đêm đêm

Người đàn bà

đã quen...

Cuộc đời cứ chảy

Ngày tháng dài ra

Đêm về bóng nhẫy

Tay lại nắm tay

Lòng ấp bên lòng

Rồi tay chia tay

Và lần này

không sao tả được

Người đàn bà trong đêm
Một mình
không quen

Cái lạnh

sau lưng

Cái lạnh

trước ngực

Người đàn bà trong đêm

thổn thức

Quờ quạng canh ba

Tiếng gà thôi thúc

Lạnh ở sau lưng

Lạnh ở trước ngực

Ôm gôí nhỏ

gối to

gối dài

gối ngắn

Vẫn thấy thiếu thứ gì

không nhỏ

không to

không dài

không ngắn...

người đàn bà

canh ba

cất tiếng thở dài

...


Gửi bởi: VKT - 15/09/2008

Quá hay, ông Đức ạ. Quá hay!


Gửi bởi: PHạm QUY - 15/09/2008

Tên em là Phạm Quỳnh Anh

Viết sai chính tả trở thành Phạm Quy

Chẳng qua cũng một chút vì

Tểu mà tu hú phường chèo nguy to

Tểu thì nằm ở trong kho

Sao mà lo chuyện con bò trắng răng

Tểu mà cưa đổ chị Hằng

Thì rằng cục đá cũng nhăn răng cười

Thiếu chi con gái trên đời

Mà vào quảng trị xa vời vậy anh

em như trái ngọt treo cành

Chờ anh mòn mỏi héo dần tuổi hoa

Mời anh về với quê nhà

Muốn bao nước mắm ắt là có ngay


Gửi bởi: THẰNG TỄU - 15/09/2008

(Lão Trang đưa bài này, bỏ bài đã commen, và khi đưa, đề nghị LT cắt dòng này ở trong ngoặc)

BÀI HÁT KHI HẠ MÀN

Bao truy lùng, săn đuổi

Tễu ra

Tễu vẫn ra

Này trống, này não bạt

Này kèn, này thanh la

Toe! Toe!

Bao nhiêu người cứ tưởng

Tễu mê cháu Đồng Hương

Nhưng xưa nay gái đẹp

Yêu chi thằng cởi truồng

Toe! Toe!

Tễu gỗ. Đầu óc gỗ

Gỗ đến cả…cái chày

Muốn yêu cũng chẳng được

Chỉ đứa rồ mới say!

Toe Toe!

Cháu Đồng Hương tháo chạy

Phụ tùng vãi khắp nơi

Khéo không rồi …cái ấy

Cũng rơi đâu mất rồi!

Toe! Toe!

Lại có người tưởng Tễu

Là bác Khoa thuở nào

Lão Khoa - Ngôi Mả kết

Dại chi Tễu rây vào!

Toe! Toe!

Tễu nuốt bao nước mắt

Để chắt ra tiếng cười

Những nỗi riêng đắng đót

Chỉ mình Tễu biết thôi!

Toe! Toe!

Tễu làm anh Hề Quậy

Tưng bừng Trúc Sơn Trang

Nhưng khi trò đã nhạt

Thì ta nên hạ màn!

Toe! Toe!

Bao người đến xem trò

Tễu cúi đầu cảm tạ

Chỉ cầu chúc mọi người

Đừng có là gỗ đá!

Toe! Toe!

Nếu ai còn nhớ Tễu

Thì cứ ra Thủy Đình

Lão Trang cần, Tễu tới

Đứng dưới cờ uy linh!

Toe! Toe!

Thôi nhé! Nào bái biệt!

Xin hôn cháu Đồng Hương!

Một nụ hôn bằng gỗ

Biết có còn vấn vương…?

Toe toe!

Toe!


Gửi bởi: Phạm Quỳnh Anh - 16/09/2008

Hôm qua tểu muốn vô nhà

Ai ngờ gặp lão Trang ra cản đường

Kinh hồn nhảy bậy xuống mương

Gặp ngay "cháu gái đồng hương" đứng chờ

Giơ tay" dạ lạy tiểu thơ

Cho tui sống với tui nhờ chị thôi"

Nói rồi khóc thảm thương ôi

Lão Trang nhân ái "thôi thôi cháu à"

Cho ra Hà nội nuôi gà

Sớm hôm chăm bón luống cà, ruộng rau

Trồng cà mà chẳng quả đâu

Được mỗi hai quả thì sâu mất rồi

Cho nên khóc đứng khóc ngồi

Xin vào làm rối ở nơi phường chèo


Gửi bởi: PHẠM QUỲNH ANH - 16/09/2008

Tểu ơi chính anh mới nhầm

Anh lầm lộn quá chôn lầm cột tiêu

Chôn lầm lại là chôn xiêu

Nên em nhổ vứt là điều đương nhiên

Tểu mà lên được cỏi tiên

Chắc rằng tiên giới cũng phiền lắm thay

Thôi thôi ở lại xứ này

Đừng mơ vô đó có ngày thành trư

Dại chi mà cứ khư khư

Ôm cần điều khiển, ngồi thừ mơ tiên

Buồn thì cứ ra công viên

Uống chai nước mắm rẻ tiền, bổ dương


Gửi bởi: Phạm quy - 16/09/2008

anh Đức ơi! thât thú vị khi vào đây, nếu như không có đùa thì không thể thành văn nghệ được. Nhờ tính độ lượng dân chủ của anh và Chú Tểu bon em mới có dịp bí mật giao lưu với các anh. em đồng ý nếu chú tểu hiện nguyên hình thì bọn em khiếp vía không giao lưu vào nữa đâu anh ạ(coi như chúngta chưa biết Tểu là ai vậy)


Gửi bởi: Lão Trang - 16/09/2008

Tễu ơi, lời trong commentt không cắt được, chỉ có thể xóa cả hoặc để nguyên cả mà thôi. Nhưng mà lão không cho Tễu hạ màn chuồn đâu, quán trúc vắng TỄU SẼ BUỒN LẮM ĐẤY.


Gửi bởi: Pham Quỳnh Anh Thư - 16/09/2008

"Chao nghiêng " một thoáng bóng dừa

Ai ngờ ChúTểu lại là nhà thơ

Thơ tểu ngắt nhịp gieo vần

Y chốc thơ bác họ Trần chúng ta

Trước sân có một bầy gà

Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi

Tểu ơi đừng có chơi bời đâu xa

Trồng rau, quét bếp ,đuổi gà

Vợ về thì nhớ thưa bà con đây


Gửi bởi: Xuân Đức - 16/09/2008

Anh VKT ơi, lâu quá anh ngồi núp một chỗ không lên tiếng. Nhớ anh với mấy vị hưu trí lắm . Tôi đang chán vì bệnh tật đây, cũng may có đám TỄU NÓ QUẬY.


Gửi bởi: gửi anh Tễu - 16/09/2008

"Lão Trang bán mất em rồi"...

Thì thôi em lại về trời cùng anh

Kiếp hồng nhan có monh manh

Nữa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

Nắng mưa ...rổ, rá đã từng

Thôi đành cạp lại ...tạm dùng anh nha

Kẻ cắp lại gặp bà già

YÊu nhau vẫn cứ nở hoa bốn mùa

Túp lều tranh, cánh đồng thơ...

Anh cày em xới trồng cà dái dê

Em ru anh những đêm hè

Quanh ta bát ngát dái dê hương cà...

Bỏ đi anh nghiệp thơ ca

Quên đi cái chốn phù hoa cõi trần

Trăng thanh, gió mát, hương nồng

Yêu nhau em vẫn thích cầm tay anh...

Nụ hôn nào có monh manh

Để em còn lại một mình ngẩn ngơ...


Gửi bởi: Pham- Q- A- Thư - 16/09/2008

GỬi anh Tểu mến yêu!

Em tên Phạm Quỳnh Anh Thư

Sinh Thủ dầu một- định cư tháp mười

Mời anh vào nhà em chơi

Chúng ta tâm sự đôi lời được không?

Quê hương ngát bông sen hồng

em dành mảnh đất trồng cà cho anh

Quê em có giống cà xanh

vừa dai, vừa dẻo chắc là anh mê

Vào đem ít giống về quê

Gieo vào bãi đất chôn nhầm thử coi

Chăm cà thì phải đèn soi

Nếu không ắt hẵn bị lòi quả ra

Biết tính tểu vốn thích cà

Nên em dầm sẵn hủ cà trắc cho

Vào đay anh cứ làm thơ

Vào đi em đợi em chờ bấy lâu

Thả sức tểu lặn ngụp sâu

Khi nào rong phủ ngập đầu mới ra

Quỳnh Anh tình cảm thướt tha

Sao anh không biết mà tìm Đâu xa!

Đất em vốn đất vựa cà

Anh nhìn cho kỷ khéo mà nhầm nghe

Ruộng em hai núi một khe

Anh mà vào đó thì E khỏi về


Gửi bởi: Quỳnh-Anh - 16/09/2008

Anh vào Blog.com.vn/ phuongtham_71 tìm qua mục bạn bè là mà


Gửi bởi: VKT - 16/09/2008

Tôi vẫn ghé anh mỗi ngày, trừ có hôm mưa gió, điện mất. Đọc trang văn của anh rất thích. Phần văn chương, phỏng vấn đã hay, nhưng phần đàm đạo cũng đặc sẵc không kém. Sinh động, thông minh, bất ngờ, trí tuệ mà rất sâu sắc. Có lẽ báo mạng phải như thế nay, nó vừa đậm chất cá nhân, vừa là diễn đàn chung của nhân dân. Cậu Tễu chẳng biết trai hay gái, rồi cháu đồng hương, rồi các cư dân khác nữa, rất duyên mà thông minh. Chúc mừng anh đã có một sân chơi thú vị. Có thể xem đây là mẫu hình lý tưởng của báo mạng. Nhiều tờ lộn nhộn, muợn cớ chửi bới hoặc bôi nhọ người khác, rất không văn minh. Tờ của anh là một mô hình hay. Sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của khu phố núi tôi, bà con toàn mang thơ Tễu ra đọc. Vui lắm ânạ. Rất mong xóm núi này sẽ được đón anh


Gửi bởi: Phô - 16/09/2008

Gửi Phạm Quỳnh Anh Thư:

Lục bát lục cục lào cào/

Quốc hồn, quốc túy làm sao vậy trời?


Gửi bởi: donghuong tặng anh Tễu - 16/09/2008

Bài thơ tình của người giữ xe quán Trúc

(Thân tặng anh Tễu trước lúc chia tay)

"Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi

Anh về trời, em ở lại trần gian

Chút tình si sao quá bẻ bàng

Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi"...

Anh đi rồi để lại nơi đây

Quán Trúc liêu xiêu những chiều gió lạnh

Em như đám mây buồn lạc lỏng

Lang thang hoài, vô định giữa trời xanh...

Vắng anh rồi tất cả buồn tênh

Lão Trang cũng buồn tình đi đâu mất

Phố xá ngoài kia dẫu ồn ào tấp nập

Còn nghĩa chi đâu khi vắng anh rồi.

Quán Trúc ngỡ ngàng, quán Trúc chơi vơi

Nóng bỏng những dòng tin nhắn

Để lại nơi đây khoảng trời câm lặng

Biển bạc đầu, từng đợt sóng bơ vơ...

Để mình em ở lại với mong chờ

Với những câu thơ suốt đời viết dở

Con đường nhỏ vừa mới quen đã lạ

Góc quán buồn in dấu chân xưa...

Lá vàng bay qua khung cửa gió lùa

Nhắc em miền Trung mùa này mưa bão

Dù ở đâu cũng cầu mong Trang Lão

Chân cứng đá mềm trên nẻo đường xa...

Anh đi rồi năm tháng cũng sẽ qua

Em ở lại với những chiều biển tím

Góc quán nhỏ với biết bao ước hẹn

Dẫu nhớ thương nhưng trong trẻo vô ngần.


Gửi bởi: VŨ HỒNG VINH - 16/09/2008

Tôi không phải trí thức, nhà thơ, hay sinh viên. Tôi quê Đào Thục, chính là quê rối nước, phường rối bây giờ cũng buồn lắm, thỉnh thoảng có tây về còn diễn một hai buổi, họ cho mấy trăm đô, còn thì chú Tễu và các con rối xếp kho, ế lắm. Tôi là diễn viên điều khiển rối, lên Hà Nội làm nghề cắt tóc rong. Nhưng mấy hôm rồi cũng bị công an đuổi, trốn vào quán Nét, không ngờ Nét của bác Đức vui ghê, đọc nghiện luôn, không ngờ anh Tễu quê tôi trốn vào đây tung hoành tác oai tác quái và tán gái giỏi quá. Tễu ở đâu thì trở lại đi, có em Thủ Dầu một hết sảy, có hai đồi một khe, toàn chốn tiên cảnh của chị Hồ Xuân Hương. Tôi thấy thèm được như Tễu quá.Tôi làm Tễu nhé, còn Tễu làm diễn viên điều khiển. Hãy trở lại màn trò đi Tễu!


Gửi bởi: Pham -Q-a-Thư - 16/09/2008

Anh xuân Đức ơi em chờ lâu quá em chết mất

có cách nào đọc "Cửa gió" của anh trên mạng không?

khi xưa em ở xa nhà em mượn được hai tập nhưng đoạn mô hay bọn nó xé làm lưu niệm, đọc vội đọc vàng được có hai lần chớ mấy (Tác phẩm thích là em đọc thuộc luôn) nay tìm mua lại đọc cho thỏa chí tam bòng và giói thiệu cho con em vì bọn hắn cũng mê lắm. Anh mần mau mau em đọc với nhé kẻo xuống hố mà chưa có quyển đó trong tủ sách thì em chết không nhắm mô / Bắt đền anh đó

Em trai đồng hương


Gửi bởi: Phạm Quỳnh Anh Thư - 16/09/2008

Gởi bác Vũ Hông Vinh nếu bác làm tểu .Trong Trúc sơn trang có thêm vài tểu càng vui chớ sao! Nhưng dân Quảng Trị nghịch ác lắm.Bác chịu nổi không?

Không có tểu không có lão trang (già rồi mà lụi cụi đòi đuổi thằng têu vô trêu cháu gái) thì bọn em đâu còn truyện Vĩnh hòang nữa anh. cho bác nổ trước đi đề phòng tểu củ trở lại bất thường( gây nhầm lẫn) bác ký tên là tểu II đi. À bác làm nghề cúp tóc à ,có khi nào cạo tóc cho tểu chưa? hi hi


Gửi bởi: Lê Sơn - 17/09/2008

Trúc Sơn Trang mà vắng Tễu thì không còn là TST nữa rồi. Lão Trang lôi Tễu trở lại đi. Chỉ có Cháu Đồng Hương là nhử được Tễu về thôi. Cháu Đồng Hương nên ra chiêu đi. Sân kháu ảo TST thật tuyệt vời.


Gửi bởi: Phạm Quỳnh Anh Thư tăng tểu - 17/09/2008


Gửi bởi: Pham Q- A_ thư - 17/09/2008

Gủi lão trang

Lão Trang tuy đã già nua

Bắt đền lão đó đi đưa Tểu về

Không thì cháu chả về quê (Ảo)

Về quê thiếu Tểu thì về mần chi

Bác Đức ơi bác đi tìm Tểu về đi một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà.Nếu cần thuốc bổ thì cả kho mà có Tểu thì hơi bị hiếm đó. khi mô bác gặp Tểu bác đưa giúp món quà cho cháu với bác nhé, cảm ơn bác nhiều!

Cháu

P -Q -A -T


Gửi bởi: Hội viên Quán Trúc gởi P.Q.A.T - 17/09/2008

Anh Thư kể cũng đã gan

Người đâu ghé Trúc Sơn Trang một mình?

Khe nghiêng , đồi lượn chùng chình

Múa may xiêm áo lụy tình Tểu ta?

Chẵng thèm biết cái cội già

Đẽo bằng gổ quí rồi tra cán vào...

Đem về mà mộng chiêm bao

Uổng người nhan sắc lại xao xuyến đời.

Thôi thì hỏi bác Đức coi

Xem trong quán Trúc có người trẻ trung

Bụng to bằng một thước lưng

Vai U thịt nhão nhưng "xung" ...sự đời

Cù về ôm ấp lấy hơi

Mần chi phải khổ tìm tòi người dưng

Hoa tàn nhụy héo không chừng

Khe khô lạch nước, đồi nung nắng nồm

Đừng nghe trên mạng họ đồn

Cháu đồng hương với Tểu ròm chạy rong

Phất cờ , “2 đứa “lên đồng

Trời cao xanh, biết tìm lần chổ mô?

ô hô !


Gửi bởi: Khách qua đường - 17/09/2008

Tôi đã 5 lần vào TST mà không thấy Chú Tễu nữa. Buồn quá Lão Trang ạ. Trúc Sơn Trang mà không có Chú Tễu với Cháu Đồng Hương thì không còn là TST nữa mà là Nghĩa Trang rồi. Đấy là cặp tình nhân đẹp nhất thế kỷ của Thế Giới ảo. Ông Lão Trang có cách nào kéo Chú Tễu trở lại không? Mà cháu đồng hương cũng mất hút. Buồn


Gửi bởi: VKT - 17/09/2008

Hú ba hồn bảy vía thằng Tễu ở đâu thì về với Trúc Sơn Trang!


Gửi bởi: Phụng Sồ - 17/09/2008

Chán quá Lão Trang ơi! Không có trò gì thêm nữa à?


Gửi bởi: Người không mang họ - 17/09/2008

Lão Trang đâu rồi? Sao lão không cho Chú Tễu hay cháu Đồng Hương ra sân dón khách. Vắng như Chùa Bà Đanh thế này?


Gửi bởi: Khách quen - 17/09/2008

Tễu ơi! Tễu có nhà không đấy? Sao không ra để đón bố mày? Bố đang chán đời đây!


Gửi bởi: Nguyễn Kỳ - 18/09/2008

Quán Trúc không còn Tễu

Nghĩa trang không có mồ

Lão Trang cũng biệt tích

Để khách ngồi tô hô...


Gửi bởi: Pham qAthu - 18/09/2008

Cháu về thăm Trúc sơn Trang

Cũng như về lại Vĩnh Hoàng quê thôi

Dù rằng tểu gốc sung sồi

Tâm hồn tươi trẻ hơn mười người dưng

Mấy cha bụng bự, u lưng

Nhìn qua đã khiếp ai ưng làm gì

Tểu ròm dù đã bỏ đi

Gặp công an đuổi có khi lại vào

Dù đang ở tận nơi nào

Em đây vẫn giữ lòng đào tặng anh

Đường xa dù lắm thác ghềnh

Yêu nhau thì cũng như gần mà thôi

Trên đời thêm một nụ cười

Còn hơn thuốc bổ ông trời ban cho

Gỗ mà có tâm hồn thơ

Còn hơn mấy mạng ngu ngơ dài dài

Ôm cha bụng bự, u vai

Thì thà ôm một củ khoai cho rồi!

Từ đời nhà Lý xa xưa

Tểu luôn vần, vũ -mây, mưa hoài hoài

Trẻ ,trung bền bỉ sức trai

Người trông mến mộ người ngoài mê ly

Hi hi lại là hi hi


Gửi bởi: PHam- Quỳnh-A - 18/09/2008

Anh khoa đã có vợ rồi

Tểu thì chưa vợ ý trời dành cho( THU)


Gửi bởi: chaudonghuong - 18/09/2008

Cảnh cuối: Sân khấu tối thui, còn lại chút ánh sáng yếu ớt tập trung vào người thiếu phụ mặc áo đen, tay bưng rổ cà ngồi hát mà như đang nói với chính mình:

Thế là hết. Từ nay anh đi mãi

Còn mong chi ngày trở lại nữa Tễu ơi

Quên làm sao, anh hỡi, lúc chia phôi

Bởi sợ quá 2 đứa mình nghẹn nói..

Em len lét cúi đầu tay xách túi

Cà dái dê về lại quán trông xe

Anh bơ phờ, tơi tả... thấy thương ghê

Bởi thiên hạ săn lùng anh ráo riết.

Nhớ không anh?Bụi dứa già chết tiệt

Gai toàn gai, cào đau quá anh ơi!

(Than thế thôi nhưng ta chẳng muốn rời

Nơi mình đã cùng vui... nhiều phút chốc)...

Nhớ những đêm trời sáng trăng vằng vặc

Em cùng anh bốc vác chữ, khuân thơ

Bỗng từ đâu những tiếng thét bất ngờ

Cây rung chuyển ầm ầm như động đất...

"Thằng Tễu đâu? Ra đây cho ta bắt!"

Ta ôm nhau thật chặt vẫn cứ run

Đã bao phen ta vứt dép lẫn quần

Chạy trối chết mới thoát vòng truy kích...

Nhớ không anh? Có đêm trong quán Trúc

Ta lắng nghe thực khách xôn xao

"Thịt thằng Tễu ngon hơn lẩu mắm nhúng rau

Nếu có ông chia tôi một ít!"

Trong bóng tối chúng mình im thin thít

Nhưng lòng em đau đớn lắm anh ơi

Đã mấy lần em suýt kêu trời

"Ôi! Oan quá! Tễu tôi như... cóc cụ!"

(Chứ không như lẩu mắm)

Thôi đành vậy. Đi đi đừng tiếc nữa

Ngại ngần chi, nấn ná chỉ thêm phiền

Đi đi anh! Can đảm bước chân lên

Mình trốn chạy phải đâu là tội lỗi.

Em ở lại trần gian thêm vài buổi

Rồi sẽ tìm anh trên mọi nẻo đường đời

Nhớ lắm, thương nhiều anh của em ơi

Nụ hôn lẫn dòng nước mắt....

Bóng tối bao trùm sân khấu. Bóng người thiếu phụ lẫn vào đêm...

Hạ màn.


Gửi bởi: Phạm quỳnh anh Thư - 18/09/2008

"Om thòm" đồng gióng trống khua

Tểu Ta bị cháu bỏ bùa dẫn đi

Vào đây Thư bắt làm khì(khỉ)

Ngày thì cho ngủ đêm đi hái dừa

Om thòm đong gióng trông khua

Tểu ta thích quá bỏ chùa theo Thư

Suôt đêm tểu cứ khư khư

Trèo lên trên ngọn cây giúp Thư bẻ dừa


Gửi bởi: Hội viên quán Trúc - 19/09/2008

Dòng nước mắt vắn dài như sợi bún

Cháu đồng hương khóc đứng lại khóc ngồi

Khối U tình đang hứng khởi nhường kia

Mà cao xanh lại chia lìa đành đoạn

Lão Trang phải lập đàn kêu ai oán

Khúc trầm bi van vái chán chê lời

Tểu. Tểu ơi! sao nỡ bỏ lên trời

Khúc Hạ giới vẫn trầm luân nặng nợ...

Kể từ dạo Cháu đồng hương thường trú

Quán Trúc khô như được trận mưa rào

Khách vô ra chen chúc rút hầu bao

Thơ lai láng lên vần lời tán tỉnh

Tưỡng như thế cũng phỉ lòng Thủ lĩnh

Khúc buồn vui toan tính đẹp trong,ngoài

Có ngờ đâu Chú Tểu đến dương oai

Màn khép mở tuồng hài nghe chộn rộn.

Cô cháu gái đẹp người chưa kịp lớn

Sau một đêm vụng dại lụy nhân tình

Bỏ qua bao mặc khách với tao nhân

Để tha thiết thề bồi riêng với Tểu

Nào có phải lụa là hay gấm liểu

Cái thân hề trơ khấc bột hồ bôi

Vễnh râu dê ban phát một trận cười

Rồi trốn chạy sang bờ đê cổ tích

Cháu đồng hương vướng lụy tình thê thiết

Cứ nỉ non khóc miết một hai ngày

Tội tình cho Trang chủ cứ loay hoay

Này Tểu hỡi , Tểu hời... quay trỏ lại....

Dòng nước mắt vắn dài như sợi bún!