Tuesday, July 27, 2010

Tiếng Anh bài 19. mô tả tình trạng bất định

Bất định (uncertainty) thường bàng bạc trong văn chương khoa học.  Đọc một bài báo khoa học nào, chúng ta cũng thấy những câu văn với những tính từ hay trạng từ mô tả tình trạng có thể nói là "chẳng có gì chắc chắn".  Nhưng tính bất định chính là đặc điểm của khoa học.  Nhưng người có kinh nghiệm thường sử dụng từ thích hợp để mô tả tình trạng bất định theo mức độ của kiến thức hiện hành.

Đối với người Việt chúng ta chưa quen (hay mới làm quen) với tiếng Anh, việc chọn một từ thích hợp để mô tả tình trạng bất định không phải là điều dễ dàng.  Tiếng Việt chúng ta chỉ có vài từ như "có thể", "có lẽ", "có khả năng", v.v… để mô tả tình trạng bất định, còn tiếng Anh thì có rất nhiều từ (như probably, possibly, may be, perhaps, certainly, likely, v.v…) để nói lên cùng trạng thái.  Vấn đề trở nên khó khăn là chúng ta dùng từ nào để phản ảnh mức độ bất định.  Mức độ ở đây có thể hiểu như xác suất từ 0 đến 1, tức là một thước đo mang tính liên tục.

Không có sách vở nào chỉ cách dùng những từ tiếng Anh cho từng mức độ của sự bất định.  Thật vậy, tôi tìm trong sách về sử dụng tiếng Anh, từ "ông tổ" Fowler đến sách hiện đại, chẳng thấy sách nào đề cập đến việc phân biệt probably, possibly, may be, perhaps, certainly, likely, v.v… Trong tình trạng vô vọng, tôi tình cờ học được vài từ quan trọng.  Số là hôm qua, trong một cuộc họp hàng tháng, hội đồng về an toàn trong Viện Garvan liệt kê một số vấn đề được xem là có nguy cơ (như nguy cơ bị điện giật, nguy cơ bị thương bởi hóa chất và gas, nguy cơ bị nhiễm từ máu, nguy cơ building bị … sập) và họ phải đánh giá nguy cơ bằng những từ tiếng Anh.  Họ sử dụng thuật ngữ của … quân đội Úc để đánh giá nguy cơ!  Thế là tôi phải hỏi xin tài liệu về thuật ngữ nguy cơ để vừa học thêm, vừa làm tài liệu tham khảo cho các bạn nào đang làm nghiên cứu sinh.

Bảng sau đây tóm lược những từ thông dụng để mô tả mức độ khẳng định của kiến thức:

Mức độ khẳng định

Động từ

Tính từ hay trạng từ

Ví dụ

Hoàn toàn (completely); 100%

is / is not

will / will not

must / must not

Certain / certainly

Definite / definitely

Clear / clearly

Undoubted / Undoubtedly

The data clearly support the hypothesis that X is a cause of Y

Mạnh (strong); 75-100%

Can / cannot

Should / Should not

Probably (not)

Presumably

Presumably, the authors have evidence to show that …

Trung bình; 50-75%

Could / could not

Likely / unlikely

It's unlikely that the MCR4 gene is related to bone phenotype

Thấp; 25-50%

May / may not

Might / might not

Possible / possibly

Perhaps / perhaps not

It is possible that other factors could be responsible for the effect

Yếu; <25%

It is said that

It appears that

It seems that

 

There is evidence to suggest that

Hi vọng những "thuật ngữ" trên đây giúp ích cho các bạn khi chọn từ để mô tả tình trạng bất định.

TÔ HOÀI - DÂN KẺ CHỢ

TÔ HOÀI - DÂN KẺ CHỢ

 

Lương Văn Hồng

 

  

KẺ CHỢ là  tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Đời sống kinh tế - xã hội của Kẻ chợ gắn bó mật thiết với mạng lưới chợ - phố. KC được xem là nơi phồn vinh bậc nhất, đương thời có câu "Nhất Kinh kì, nhì phố Hiến".

Từ "Kẻ Chợ" có một nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngữ nghĩa, ở từ này  tiềm ẩn nhiều yếu tố lịch sử, văn hoá, phong tục…   Người Hà Nội còn được gọi là dân kẻ chợ.  Những ứng xử của Người  Hà Nội Tô Hoài cũng mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, phong tục … của dân kẻ chợ.

                                                         ***

Cách đây 1.000 năm, mùa hè năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn đã tự tay viết chiếu (thủ chiếu) – Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.

 

Tương truyền khi Vua Lý rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La  thì thấy một con rồng bay lên cho nên đã quyết định đổi tên Đại La thành kinh đô  Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên). Một quần thể kiến trúc thành Thăng Long hình thành theo kiểu tam trùng thành quách với vòng ngoài là La Thành, vòng giữa là Hoàng Thành và vòng trong cùng là Cấm Thành. Thăng Long nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn. Các hiện vật khảo cổ minh chứng cho sự hiện diện của Hà Nội ở cả bốn thời đại văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Trải qua 1000 năm với những thăng trầm trong lịch sử Việt Nam,  Thăng Long-Hà Nội vẫn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi tụ hội nhân tài của mọi miền  đất nước với một hệ thống di tích dày đặc gồm hơn 500 ngôi đình, 600 ngôi chùa, hơn 300 đền miếu, trong đó chứa đựng hơn 25 nghìn hiện vật mà phần lớn là tác phẩm nghệ thuật tạo hình (theo thống kê năm 2008).  Thăng Long - Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.

 

                                               ***

Tuy không nằm trong văn bản nhà nước của các triều đại, song từ  KẺ CHỢ  có một nét đặc sắc riêng và luôn ở nơi cửa miệng người dân. Từ "kẻ chợ" (không viết hoa) được giải thích là "Nơi đô thị, thường dùng để chỉ kinh đô Thăng Long".  Bài viết này chỉ xoay quanh văn hóa (ứng xử nơi) kẻ chợ, cụ thể hơn là xoay quanh dân kẻ chợ  Tô  Hoài, vì thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng. Nơi đây "nhịp sống tấp nập, đầy những sắc màu mà  không thấy ở đâu khác: hoạt động kinh doanh tập trung có lịch sử lâu đời với những bí quyết riêng, dựa vào chữ tín và cơ chế tin đồn, tính đa văn hoá, đa chức năng" (theo nhận định của các chuyên gia Đức).

 

Về Người  Hà Nội có bài viết của Hoàng  Hưng, có bài viết của Lê Phú Khải.  Tuy không phải là nhà nghiên cứu, nhưng họ là người Hà Nội gốc kể về người Hà Nội gốc:    Hoàng Hưng có tám nhận xét  về Người Hà Nội:

 

1.Coi trọng đời sống gia đình. Một gia đình yên ổn, nền nếp, có trên có dưới, có tình có nghĩa. Khó hy sinh gia đình cho sự nghiệp, lý tưởng. 

 

2/ Có ý thức      mạnh mẽ về lợi ích cá nhân, quyền tư hữu, không dễ để người khác xâm phạm, dễ bị coi là "khoảnh", tính toán, nhưng cũng không thích xâm phạm lợi ích người khác, sòng phẳng, rạch ròi ("yêu nhau rào giậu cho kín"). 

 

3/ Coi trọng tự do cá nhân của mình cũng như của người. Trong quan hệ ngoài gia đình như bà con, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm… giữ giới hạn ở mức phải chăng, "thoang thoảng hoa nhài". Ngại tranh chấp, đối đầu, "dĩ hoà vi quý". Dễ bị xem là "khôn ngoan", dễ trở thành ba phải, "hoà cả làng".

 

4/ Lịch sự, tế nhị trong giao tiếp xã hội, cả về ăn vận lẫn lời ăn tiếng nói. Ghét sự thô thiển, lố bịch, trắng trợn. Ngại "nói toạc móng heo". Chỉ muốn làm người tử tế, biết điều.

 

5/ Không chỉ cắm cúi làm việc mà biết hưởng thụ cuộc sống, và hưởng thụ một cách hào hoa, thanh nhã, có chừng mực, không mê đắm, sa đà hay "sả láng".

6/ Tôn trọng nền nếp có sẵn: gia phong, luật lệ, quy ước xã hội. Có thể thích nghi với sự thay đổi chứ không chủ động tạo nên thay đổi. 

 

7/ Trọng danh dự, trọng chữ "tín" trong các quan hệ. Tự trọng trong công việc, có lương tâm nghề nghiệp. Có thể kiên nhẫn để vươn lên hoặc khôi phục quyền lợi, điạ vị bị mất một cách từ tốn. Không thích mạo hiểm hay thành công bằng mọi giá. 

 

8/ Trung dung, một vừa hai phải. Ôn hoà, không cực đoan hay quyết liệt. Lý trí mạnh hơn tình cảm. Tư duy lô-gích mạnh hơn trực cảm, bản năng.

 

Lê Phú Khải nói về đặc trưng phổ quát của người Hà Nội:

 

"Người Hà Nội ưa thích sự liêm chính trong sạch không có "máu" tham nhũng, không thích hà hiếp kẻ dưới, người Hà Nội thanh lịch đến lịch lãm. Họ rất hào hoa, phong nhã, có trí thông minh, có tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, có ngôn ngữ trong sáng, gọn gàng, có sức hấp dẫn với mọi người. Nếu ở một thời đại thanh bình, người Hà Nội sẽ là những nhà khoa học trung thực, họ có phẩm chất của những vị "tôi hiền" trong một triều đình có "vua sáng", có minh quân.  Người Hà Nội không có chí tiến thủ, không dám làm việc lớn "khai sơn phá thạch" "lay thành nhổ núi" như các cụ Phan, cụ Hồ ở miền sông Lam núi Hồng. Người Hà Nội sống khép kín, lo gia đình vợ con, không xâm phạm của ai, quan hệ thì có đi có lại, không hào phóng như người Nam Bộ. Người Hà Nội  sống bình lặng, lịch lãm, tôn trọng lẽ phải đạo đức và chính nghĩa,  thích gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi của kiếp người. Người Hà Nội không ưa sự ồn ào phô trương, rất ghét thói "trưởng giả học làm sang" kệch cỡm lố bịch. Họ sống bình lặng, nhưng rất sành điệu ăn chơi".

 

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn  viết tới 30.000 chữ về NGƯỜI HÀ NỘI TÔ HOÀI.  Ông có quan sát, có thu thập ý kiến của nhiều người về Tô Hoài… nhưng mỗi lúc một khác

 

Trong bài "Tô Hoài – người sống tận tụy với nghề" (sách "Tô Hoài – về tác gia và tác phẩm", NXB Giáo dục)Vương Trí Nhàn viết: "Là người Hà Nội gốc, ông giữ được và ngày càng trau dồi cái bặt thiệp riêng, trong sự ăn uống, sự tiếp đãi khách khứa, ở đấy cái sành sỏi đã trở thành tự nhiên, và đứng đằng sau nó, là một nhu cầu ngày càng cao về sự hưởng thụ. Song chỗ hơn người của Tô Hoài là không bị những sành sỏi đó ràng buộc".

 

Trong bài "Cuộc phiêu lưu giữa trần ai cát bụi" – sách "Nghiệp văn", NXB Văn hóa Thông tin, 2001),Vương Trí Nhàn viết "So với các cây bút đương thời, Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất… Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội".

 

Trong "Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần", Vương Trí Nhàn nhận xét về Tô Hoài: "Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá".

 

Rồi Vương Trí Nhàn "đúc kết": "Cái ý nghĩ chi phối một người như Tô Hoài – ý nghĩ rằng cuộc đời là một thứ trò chơi. Cốt chơi, cốt được, chẳng lẽ mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc gì là nghiêm chỉnh, kể cả việc viết văn, kể cả làm cán bộ cách mạng" .

 

Đọc "Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần", ngoài chuyện "phang" một người đang sức yếu, thì cái điều luẩn quẩn trong đầu tôi nhiều nhất chính là khái niệm "gần" (Phan Thị Vàng Anh).

 

 Vương Trí Nhàn viết nhiều về Tô Hoài.  Ông viết khi coi Tô Hoài là thần tượng, ông viết khi coi Tô Hoài cũng tầm thường. Khi còn trẻ người ta hay sống lý tưởng hóa vấn đề, ngước mắt nhìn lên coi tất cả đều một mầu hồng. Đó là lúc Vương Trí Nhàn  sống trong tưởng tượng với thần tượng của mình. Khi đã trải nghiệm cuộc sống thì cũng là lúc ta đã già, "ta thấy toàn mộng cùng là chiêm bao", đời toàn chuyện tầm phào.  Giờ thì thần tượng là "lão" mà mình đã là "ông" theo quan niệm dân gian "chiếu trên" nơi làng quê, nên không ngước lên mà nhìn ngang, nhìn từ khoảng cách gần:  Té ra thần tượng khi xưa, có tài nhưng cũng có tật.  Giờ đây Vương Trí Nhàn  thấy mặt khác của cuộc đời.  Mỗi vật đều có hai mặt như âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, chính vì thế  mới giữ được cân bằng để tồn tại và phát triển.  Tô Hoài hiểu điều đó, nên "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.  Rõ ràng dân kẻ chợ Tô Hoài có nhiều cách ứng xử, nơi ai cũng nhiều mánh lới "Buôn tay mặt, bắt tay trái",  ở nơi     "Chợ có hàng rau hàng vàng, làng có kẻ sang người hèn","Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến".

Vương Trí Nhàn đem tách hai mặt ra nên thấy đời khó hiểu.   Đời không khó hiểu như Vương Trí Nhàn nghĩ! 

BẤM HUYỆT KIỂM TRA SỨC KHOẺ.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem đến cho con người nhiều lợi ích về mặt thể xác. Thế nhưng người ta quá dựa vào những thiết bị này và quên đi những 'quà tặng' trời cho để có thể giúp phòng và tránh nhiều bệnh tật.

Chúng tôi giới thiệu một số phương pháp của bác sĩ Cerney trong sách 'Acupressure by acupressure' (tạm dịch là châm cứu bằng cách bấm huyệt), nhà xuất bản New York 1982. Đó là những gì kinh nghiệm mà ông thu thập được sau 25 năm theo hoc và nghiên cứu về Đông y ở Trung Quốc, vì vậy, những kinh nghiệm này rất quý và có hiệu quả tốt mà chúng tôi đã thực hiện từ năm 1985 đến nay

A- Mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu bước vào sinh hoạt hằng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra chừng 10 phút để kiểm tra một số bộ phận cơ quan phủ tạng quan trọng và khi phát hiện sớm các rối loạn (nếu có) và điều chỉnh ngay, sẽ mau phục hồi.

1.Kiểm tra Tim.

Ngửa bàn tay, ấn tìm ở kẽ xương ngón tay thứ 4 và 5 (huyệt Thiếu phu). Huyệt này cho biết những biểu hiện của tim. Hoặc nắm vào góc móng tay út, phía ngón áp út tức huyệt Thiếu xung, nếu huyệt này đau chứng tỏ tim làm việc quá sức. Nhớ rằng khi kích thích huyệt này có ảnh hưởng đến tim. Nắm 2 ngón tay vào huyệt này thật chặt, day mạnh và như lắc tay, có thể tăng sức khoẻ.

Hoặc đặt ngón cái vào lòng bàn tay, chỗ khe xương ngón thứ 4 và 5 (Thiếu phủ). Ngón trỏ đặt ở phía đối diện (ở mu bàn tay – tức huyệt Trung chử). Xoa và bóp, không những trợ lực cho tim mà còn tăng sức cho cơ thể nữa.

2.Kiểm tra Phổi.

Ngửa bàn tay, dùng ngón tay ấn vào chỗ lõm đầu lằn chỉ cổ tay (dưới ngón cái) tức huyệt Thái uyên, đồng thời gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay trỏ chạm vào vùng thịt ở mô ngón cái (huyệt Ngư tế) để kiểm tra phổi. Day 2 huyệt này làm lượng ôxy trong phổi lưu thông qua đường kinh Phế.

3.Kiểm tra Ruột già.

Khép ngón tay cái vào sát ngón trỏ, chỗ cao nhất của thịt lồi lên là huyệt ( tức huyệt Hợp cốc ), day và ấn vào huyệt này, nếu đau là ruột già không được tốt lắm.

Nên ăn thức ăn nhẹ và dễ tiêu. Trong khi đó ấn vào huyệt này cho đến khi dưới ngón tay thấy hết đau. Huyệt đặc biệt này không những làm tan những chất độc tụ ở ruột già mà còn làm cho khỏi mất ngủ. Mỗi tối nên xoa ấn huyệt này là cơn mệt mỏi sẽ tiêu bớt.

4.Kiểm tra Thận và Sinh thực tuyến (sinh dục).

Để tăng lực hoạt động cho thận, bàng quang và sinh thực tuyến: Nắm chặt lấy gân gót chân và bấm mạnh, (tương đương các huyệt Côn lôn, Bộc tham của kinh Bàng quang, Chiếu hải, Thái khê của kinh Thận), ở đây mà thấy đau đều tương ứng với rối loạn ở thận, bàng quang, bộ phận sinh dục.

Nhiều người thấy có dấu hiệu khoái cảm cao độ ở điểm này mà không rõ lý do tại sao. Dùng lòng bàn tay cụp vào gót chân (phía lòng bàn chân) bóp mạnh và sâu vào. Nếu ở đây thấy đau là sinh thực tuyến bị yếu. Ngược lại ấn vào điểm này sẽ tăng cường lực cho sinh thực tuyến. Điểm này cũng làm hết đau lưng và giữ một vai trò trong việc làm cho đầu gối hết cứng.

5.Kiểm tra gan..

Ấn sâu vào chỗ lõm giữa ngón chân cái và ngón thứ 2 (huyệt Thái xung), nếu thấy hơi khó chịu là gan hoạt động yếu. Day mạnh để điều chỉnh.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ đè vào gốc móng chân cái (cả 2 chân), day ấn khoảng 10 lần, để điều chỉnh đường kinh Can và Tỳ.

6.Kích thích Lưng

Có thể nằm ngửa trên giường, hoặc ngồi dựa vào ghế và thực hiện như sau: Nắm đấm bàn tay vào rồi đặt vào mấu đốt sống lưng, song song cột sống. Động tác này không những làm cho háng bớt đau mà còn làm cho thần kinh toạ giảm đau.

Co chân lên, duỗi ra. Giơ tay lên khỏi đầu duỗi ra, khi thực hiện động tác này thì thở sâu. Với cách thức này sẽ cảm thấy 1 cảm giác ấm chạy suốt thân thể. Vùng đau sẽ biến mất, vùng háng đang chịu đau sẽ bớt đau, cảm giác đau ở lưng, cột sống và vùng bụng trên, dưới sẽ bị vô hiệu hoá. Dùng tay ấn vào các đốt sống sẽ làm cho các chất độc ở đây tan đi.

7.Kích thích Gan, Mật

Để bàn tay vào vùng sườn bên phải, vị trí của gan mật, cong tay bóp nhẹ, lần đầu tiên làm có hơi đau. Đau là dấu hiệu cho thấy có sự rối loạn bệnh lý ở gan. Sau vài lần kích thích, gan mạnh lên sẽ hết đau (đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta thực hiện đúng phương pháp). Lần lên đến giữa xương ức (chấn thuỷ) cong tay lại, nắm chặt rồi thả ra 3 lần để kích thích mật. Tác động này cũng đẩy bớt hơi xả ra khỏi ống dẫn mật cũng như để tăng lực cho mật.

Chuyển sang đến phía đối diện vùng bụng, dưới sườn trái. Nắm vào nhả ra 3 lần một cách từ từ.

Cần nhớ là mỗi bộ phận ở bụng do thần kinh tuỷ sống điều khiển, nghĩa là cũng phải ấn vào những điểm điều khiển ở cột sống (dọc hai bên cột sống)

Thí dụ: Khi mật tắc nghẽn sẽ có 1 điểm đau giữa vùng mật. Đây là huyệt phản ứng (a thị huyệt), cần xoa dịu huyệt này, ngoài ra còn phản ứng đau ở quãng ngay cột sống lưng thứ 5-9 (D5 – D9), có thể dùng 1 trái banh lông để lăn hoặc nhờ một người khác ấn ngón tay cái vào khi bạn nằm sấp.

Chú ý: Lúc nào cũng thật nhẹ tay. Nếu đau ở bất cứ huyệt nào, ấn nhẹ cho đến khi hết đau. Nếu vẫn còn đau không ngừng, tạm ngưng để ngày khác sẽ làm.

8.Giữ cho tiêu hoá tốt

Vì thức ăn là một nguồn lực cho cơ thể, do đó việc tiêu hoá phải được duy trì để bảo tồn những nguyên tố của sức sống.

Cụp các ngón tay của cả 2 bàn tay lại dưới phía sườn bên phải ấn vào vùng này là huyệt Nhật nguyệt (kinh Đởm), Phúc ai (kinh Tỳ). Nắm chặt vào đếm đến 3, buông ra, thơ mạnh, ấn vào lần nữa, đếm đến 3, làm 5 lần. Làm qua phía bụng bên phải, nơi huyệt Lương môn (kinh Vị – Rốn lên 4 thốn ra ngang 2 thốn). Rồi tới vùng chấn thuỷ, nơi huyệt Cưu vĩ và Cự khuyết (mạch Nhâm) cũng làm như vậy. Động tác này giúp tiêu hoá hoạt động, các tế bào được phục hồi, sức khoẻ phục hồi.

9.Kích thích Rốn

Đặt ngón tay thứ 3 ( ngón giữa) vào lỗ rốn, ấn sâu vào, ấn vào vùng thấy đau, xoa quanh rốn nhè nhẹ đến những vùng chung quanh. Việc xoa quanh rốn làm giảm tác động đau và bớt mức độ mệt mỏi. Bây giờ đặt lòng bàn tay vào bụng, tay phải ở bụng phải, tay trái ở bụng trái lấy tay kéo và đẩy về phía cột sống làm 10 lần thật đều. Đẩy bụng dưới lên hướng sườn, làm nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, có thể cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng òng ọc là tốt. Dừng lại và nghỉ một chút rồi dậy uống một ly nước nóng.

B- Mười phút để làm tăng sức khỏe

Theo phương pháp của bác sĩ Cerney : Bất cứ lúc nào cơ thể cảm thấy mệt mỏi, mất sức, chỉ cần hơn kém 10 phút áp dụng thủ pháp kích thích dưới đây, có thể làm cho cuộc đời thay đổi hơn.

1. Kích thích đường kinh Tâm:

nắm chặt ngón tay út và xoay qua xoay lại. Ngừng lại, kéo lên, cong về phía lòng bàn tay rồi xoay lại 1 lần nữa, làm vậy 5 giây. Bây giờ bóp mạnh đầu ngón tay giữa. Nắm chặt, thả ra, làm 3 lần, mỗi lần 3 giây.

2. Ấn vào khu 'tim'

ở lòng bàn chân, có một vùng phản xạ mạnh ở ngang dưới đầu xương ngón chân thứ 4, chân trái. Dùng huyệt này để tăng lực tối đa, nên làm vào buổi sáng khi thức dậy.

3. Sờ vào những vùng căng cứng (đau) ở ngực trái.

Đôi khi bên phải cũng có một ít, có thể có khối u nhỏ ở trong bắp thịt quanh tim, thường ở trên đường thẳng núm vú. Ấn và xoa cho đến khi chúng tan đi. Ở hố nách cánh tay trái dài xuống phía trong cũng làm vậy. Có thể làm cả cánh tay phải. Áp dụng xoa ấn trên đường kinh Tâm, cứ làm cách quãng, dài xuống ngón tay út.

4. Đặt tay vào vùng chấn thuỷ ấn vào 3 giây, thả ra, thở mạnh, rồi lại ấn, thả ra… làm 5 lần.

Đứng dựa lưng vào cạnh khung cửa. Đặt những chỗ đau giữa thăn thịt giữa cột sống, ấn mạnh lưng và làm như vậy để kích thích thần kinh cột sống đối với tim. Đây là một cách tự động tạo nên 1 tín hiệu truyền lên não, từ đó truyền xuống tim khiến tim hoạt động mạnh hơn.

Ở đáy sọ (chẩm) sẽ sờ thấy một điểm đau hoặc nhiều hơn, dài xuống cột sống. Ấn vào những huyệt này vì mỗi huyệt sẽ tăng lực cho cơ thể hoạt động.

Sau cùng, tới vùng đáy sọ (huyệt Phong phủ), dùng ngón tay cái và ngón giữa ấn, xoa, bóp cho đến khi hết đau. Rồi chạy tay dài xuống 2 bên cột sống làm cho bắp thịt bớt căng thẳng.

Sưu tầm qua net.

Monday, July 26, 2010

Những cách diễn đạt trong bài báo khoa học (phần 2)

Trong văn chương khoa học, có một "câu kinh" mà ai cũng phải biết: trong sáng, trong sáng, và trong sáng.  Clarity, clarity, and clarity.  Do đó, tác giả bài báo khoa học phải nằm lòng mantranày trong khi viết.

(Tiếp theo phần 1: Những cách diễn đạt trong bài báo khoa học)

Làm sao để có một bài báo khoa học trong sáng? Có nhiều cách, nhưng theo tôi những cách thực tế nhất là tránh biệt ngữ, dùng thể chủ động, sử dụng cấu trúc song hành, và phân tích về cấu trúc và logic.

Để bắt đầu, chúng ta thử đọc đoạn văn sau đây:

Although the methodological approaches are similar, the questions posed in classic epidemiology and clinical epidemiology are different. In classic epidemiology, epidemiologists pose a question about the etiology of a disease in a population of people.  Causal associations are important to identify because, if the causal factor identified can be manipulated or modified, prevention of disease is possible.  On the other hand, in clinical epidemiology, clinicians pose a question about the prognosis of a disease in a population of patients.  Prognosis can be regarded as a set of outcomes and their associated probabilities following the occurrence of some defining event or diagnosis that can be a symptom, sign, test result or disease.

Có gì sai trong đoạn văn này?  Về mặt văn phạm, chẳng có gì sai cả.  Nhưng về cấu trúc logic thì đoạn văn trên có vấn đề.  Để thấy vấn đề, chúng ta cần phải phân tích ý tưởng và cách sắp xếp những câu văn trong đó.  Ý tưởng chính của đoạn văn này là hai bộ môn dịch tễ học kinh điển (classic epidemiology) và dịch tễ học lâm sàng (clinical epidemiology) khác nhau.  Đoạn sau đó cung cấp "bằng chứng" để minh họa cho ý tưởng đó.  Đoạn kế tiếp cung cấp thêm bằng chứng chi tiết hơn để làm cơ sở cho phát biểu đầu tiên.  Đây là một cấu trúc chuẩn trong văn chương khoa học.  Nhưng tại sao đọc lên vẫn thấy có cái gì lấn cấn?

Chúng ta thử đọc câu đầu:

Although the methodological approaches are similar, the questions posed in classic epidemiology and clinical epidemiology are different.

 

Câu văn chẳng có gì sai về mặt cú pháp, nhưng có vấn đề về cách viết.  Câu đầu tiên ("Although the methodological approaches are similar") có vẻ dài dòng một cách không cần thiết. Đến cụm từ "the questions posed" viết theo thể thụ động là điều không nên trong văn cảnh này, vì người ta sẽ hỏi "Ai đặt câu hỏi?"  Ngay cả động "are different"cũng dài dòng, bởi vì người viết có thể viết đơn giản hơn như differ.  Do đó, câu trên có thể sửa lại như sau:

Despite methodologic similarities, classic epidemiology and clinical epidemiology differ in aim.

Đến phần thứ hai của đoạn văn, tác giả muốn giải thích thêm về ý tưởng rằng hai bộ môn khác nhau. Đây là phần "bằng chứng":

In classic epidemiology, epidemiologists pose a question about the etiology of a disease in a population of people.  Causal associations are important to identify because, if the causal factor identified can be manipulated or modified, prevention of disease is possible.  On the other hand, in clinical epidemiology, clinicians pose a question about the prognosis of a disease in a population of patients.

 

Cấu trúc của đoạn văn này có thể tóm lược như sau: bộ môn 1 (classical epidemiology), chuyên gia (epidemiologists) đặt câu hỏi về X (etiology) trong một quần thể X (population). Bộ môn 2 (clinical epidemiology), chuyên gia (clinicians) đặt câu hỏi về Y trong một quần thể Y (patients).  Thế nhưng người viết tỏ ra lượm thượm trong cách hành văn.  Chẳng hạn như tại sao phải lặp lại "In classic epidemiology, epidemiologists pose a question". Thật ra, câu này không có thông tin !  Do đó, phần này có thể viết lại ngắn gọn theo cấu trúc vừa đề cập:

Classic epidemiologists pose a question about the etiology of a disease in a population of people. Clinical epidemiologists pose a question about the prognosis of a disease in a population of patients.

Đoạn kế tiếp là thêm bằng chứng để minh họa cho phát biểu:

Prognosis can be regarded as a set of outcomes and their associated probabilities following the occurrence of some defining event or diagnosis that can be a symptom, sign, test result or disease.

 

Câu này quá lượm thượm và thừa!  Prognosis thì dĩ nhiên là phải có outcomedefining event cũng là thừa.  Có thể viết lại gọn hơn:

Prognosis is the probability that an event or diagnosis will result in a particular outcome.

Những phân tích trên dẫn đến một số điểm chính mà tác giả bài báo khoa học cần phải biết và tránh như sau.  Tôi sẽ chuyển sang các ví dụ khác và sau đó quay lại với cách làm gọn đoạn văn trên.

Thứ nhất là tránh biệt ngữ (jargon).  Trong bài báo khoa học, kị nhất là biệt ngữ, tức là những chữ chỉ có người chuyên ngành mới biết, và tránh những viết tắt.  Điều này nói chung là đúng vì nhiều người đọc bài báo không phải là người trong ngành, nên những biệt ngữ hay viết tắt chỉ làm cho bài báo khó hiểu.

Ví dụ: "Recent research suggests that these two disorders may not be as distinct as previously was thought and the degree of overlap may be considerable"

Câu văn này (trích từ bài báo trên JBC) rất khó hiểu, vì có vài chữ không cần thiết (và có chút õng ẹo trong cách dùng chữ).  Thoạt đầu thì viết là "not as distinct as", nhưng sau đó thì "overlap", tức chẳng khác nhau gì về ý nghĩa.  Có nhiều cách viết lại câu này, nhưng theo tôi thì có thể viết ngắn hơn như sau:

"Recent research suggests that these two disorders may overlap considerably."

Có thể người giỏi tiếng Anh có cách viết khác hơn nữa.  Các bạn thử viết lại xem!

Thứ hai, cố gắng dùng thể chủ động (active voice) và viết câu văn ngắn gọn.  Như có đề cập trước đây, xu hướng chung của các tập san khoa học là khuyến khích dùng thể văn chủ động, thay vì thụ động, bởi vì các chuyên gia tiếng Anh cho rằng thể văn chủ động dễ hiểu hơn.  Ngoài ra, cũng nên cố gắng chọn từ ngắn gọn, như thay vì viết "in spite of the fact that", chỉ cần viết "even though" là đầy đủ.

Ví dụ: "The study of Barrett et al. (1997) is considered to be methodologically sound.  In that study, 1,000 bacteria were transformed with the novel gene."

Không có gì sai trong đoạn văn này.  Nhưng tác giả sử dụng đến 2 câu văn, nên làm đứt đoạn luồng đọc, và cách viết như thế được xem là không tốt mấy.  Có thể viết lại câu này đơn giản hơn:

Using sound methods, Barret et al. (1997), transformed 1,000 bacteria with the novel gene.

Thứ ba, tránh "văn chương làm dáng" với những từ không cần thiết mà còn có thể làm lạc hướng của chủ đề.  Có thể xem vài ví dụ sau đây để thấy sự không cần thiết của loại văn làm dáng.

Tránh

Nên

A progressive decrease in the death rate occurred

The death rate progressively decreased

These agents exert their action by inhibition of synthesis of cholesterol by the liver

These agents inhibit cholesterol synthesis by the liver

In classic epidemiology, the case-control can provide efficiencies when the occurrence of disease in the population is relatively rare

In classic epidemiology, the case-control study is efficient for rare diseases

There are many scientists who don't like to speak to journalists

Many scientists don't like to journalists

 

Thứ tư, sử dụng cấu trúc "song hành" (parallel construction) cho thích hợp.  Trong văn chương khoa học, đương nhiên là có nhiều ý tưởng và dữ liệu mà chúng ta muốn mô tả trong một câu văn, và cấu trúc "song hành" là tiện lợi nhất cho mục đích này.  Những trường hợp sau đây là thích hợp cho việc sử dụng cấu trúc song hành:

(a) Khi một cặp ý tưởng  — 2 ý tưởng nối kết nhau bằng andor, hoặc but — nên được viết theo thể song hành:

Cardiac input decreased by 40% but blood pressure decreased by only 10%.

We hoped to increase the response and to improve survival

(b) Danh sách ý tưởng hay dữ liệu:

This research follows four distinct phases: (1) establishing measurement instruments, (2) measuring patterns, (3)developing interventions,  and (4) disseminating successful interventions to other settings and institutions.

If you want to be a good scientist you must study hardlisten well, and think critically about the scientific literature.

Sau đây là vài cấu trúc song hành không thích hợp, nên câu văn đọc lên rất … buồn cười (trích trong đề thi tuyển sinh tiếng Anh, 2010):

Nowadays cartoons are often used to make short, sharp comments on politics and governments as well as on a variety of social matters.

Until recently, the transfer of knowledge and culture

Thứ năm, cẩn thận với vị ngữ (predicate)! Một mệnh đề là một đơn vị của một câu văn.  Mệnh đề gồm có chủ ngữ và vị ngữ.  Một trong những yếu điểm của giới viết bài báo khoa học là "nén" quá nhiều dữ liệu trong một câu văn và làm cho người đọc khó theo dõi đâu là chủ ngữ và đâu là vị ngữ.

Thử đọc đoạn văn sau đây:

One study of 930 adults with multiple sclerosis (MS) receiving care in one of two managed care settings or in a fee-for-service setting found that only two-thirds of those needing to contact a neurologist for an MS-related problem in the prior 6 months had done so (Vickrey et al 1999).

Trong đoạn văn trên, one study là chủ ngữ, và found that là vị ngữ.  Cái lỗi của đoạn văn này là chủ ngữ và vị ngữ cách nhau xa quá (phải đọc một lúc mới thấy vị ngữ!).  Cụm từ of 930 adults with multiple sclerosis (MS) receiving care in one of two managed care settings or in a fee-for-service setting có thể xem là … rác.

One study found that, of 930 adults with multiple sclerosis (MS) who were receiving care in one of two managed care settings or in a fee-for-service setting, only two-thirds of those needing to contact a neurologist for an MS-related problem in the prior six months had done so (Vickrey et al 1999).

Lúc nào cũng phân tích logic và cấu trúc. Có người nói viết văn khoa học cũng giống như nấu ăn, tức phải nếm đi nếm lại trước khi dọn ra bàn ăn.  Tương tự, trong khi viết bài báo khoa học, người viết cũng phải xem xét cẩn thận cấu trúc của từng đoạn văn, câu văn, và từ ngữ.  Tôi thấy có 3 khía cạnh quan trọng nhất cần phải lưu ý: đoạn văn, logic, và cấu trúc.  Về đoạn văn tôi đã bàn trước đây, nên ở đây chỉ bàn về phân tích logic và cấu trúc.

Bây giờ, sử dụng các "nguyên lí" trên, câu văn đầu tiên có thể chỉnh sửa như sau:

Câu văn gốc

Chỉnh sửa

Although the methodological approaches are similar, the questions posed in classic epidemiology and clinical epidemiology are different. In classic epidemiology, epidemiologists pose a question about the etiology of a disease in a population of people.  Causal associations are important to identify because, if the causal factor identified can be manipulated or modified, prevention of disease is possible.  On the other hand, in clinical epidemiology, clinicians pose a question about the prognosis of a disease in a population of patients.  Prognosis can be regarded as a set of outcomes and their associated probabilities following the occurrence of some defining event or diagnosis that can be a symptom, sign, test result or disease.

Despite methodologic similarities, classic epidemiology and clinical epidemiology differ in aim.  Classic epidemiologists pose a question about the etiology of disease in a population of people; etiologic factors can be manipulated to prevent disease. Clinical epidemiologists pose a question about the prognosis of a disease in a population of patients; prognosis is the probability that an event or diagnosis will result in a particular outcome.

 

 

Trên đây chỉ là một ví dụ về cách phân tích một đoạn văn và cách làm cho đoạn văn gọn và dễ hiểu hơn.  Người ta hay nói "văn ôn, võ luyện".  Viết văn cũng cần phải ôn đi ôn lại, và phải thực tập thường xuyên.  Nắm lấy văn phạm chỉ mới là bước đầu, quan trọng hơn là phần chọn từ ngữ chính xác, và tổ chức ý tưởng sao cho logic.  Một khi đã có kĩ năng văn phạm, ngữ vựng tốt, và logic thì chắc chắn bài báo khoa học sẽ tốt.

NVT

Ghi thêm: Một đoạn văn có nhiều câu văn, nhưng làm sao phân biệt được cường độ của tính biệt cách (degree of separation) giữa những câu văn?  Sau đây là vài chỉ dẫn có ích về cách dùng dấu để phân biệt.

Cường độ tách biệt của mệnh đề (từ thấp đến cao):

Dấu phẩy (,)

Dấu hai chấm (:)

Dấu dash (--)

Ngoặc đơn ()

Dấu chấm phẩy (;)

Dấu chấm câu.

Cường độ về tính trang trọng (formality):

Dấu dash

Ngoặc đơn ()

Các dấu khác (phẩy, chấm phẩy, dấu chấm câu)

Monday, July 19, 2010

Xúc cảm thúc đẩy con người hành động - PHAN QUỐC VIỆT, CHỦ TỊCH HĐQT TÂM VIỆT GROUP

Khác với vẻ bề ngoài khá tròn trịa mà bạn bè ghép cho hỗn danh là "Tròn", Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, khá ương bướng, một thứ hỗn hợp hòa quyện giữa chất Nghệ An và lối tư duy "đúng - sai" của người làm khoa học. Cũng vì cứng đầu nên con đường sự nghiệp của ông trồi sụt, lên nhanh mà xuống cũng nhanh. Vị trí cao nhất trong cơ quan nhà nước Phan Quốc Việt từng đảm đương là chánh văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam khi vừa bước sang tuổi 40. Ông bảo cái ghế quan chức chẳng phải của mình. Người ta đặt mình ngồi vào đấy được thì cũng nhấc ra được. Năm 2002, ông khởi nghiệp khi vừa bước sang ngưỡng ngũ thập tri thiên mệnh. 

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại quán cà phê nhìn sang Thảo Cầm Viên, Q.1 khi Phan Quốc Việt vừa "tan trường về". Ông nói:

- Dạy học là dạy cách học. Thế nên, muốn dạy giỏi thì phải giỏi học. Ai có gì hay tôi đều tìm đến thọ giáo. Tôi vừa học vừa dạy, vừa tự đào tạo đội ngũ giáo viên của mình. Dạy học là dạy tiến bộ, mình phải liên tục tiến bộ mới giúp người khác tiến bộ được.

Tôi thích dạy học từ khi còn là giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội (Hanoi Petro). Học viên của tôi lúc đó chủ yếu là bạn bè. Thời gian đầu, cứ hết giờ học là tôi lại mời bạn bè đi nhậu, xem như khoản chi phí mình bỏ ra để được đứng lớp.

Nhưng việc ông khởi nghiệp ở tuổi 50 xảy ra ngay sau khi mất chức giám đốc Hanoi Petro. Sự trùng hợp này có thực sự ngẫu nhiên?

- Thực ra, tôi bị đuổi việc ba lần chứ không phải là một.

Vì sao mất chức có "hệ thống" như vậy?

- Tôi là dân toán - lý. Hai ngành khoa học tự nhiên này chỉ có đúng - sai. Mẫu số chung khiến tôi bị đuổi việc ba lần là chứng minh sếp sai. Còn cái sai lớn nhất của sếp là bổ nhiệm tôi. Lần cuối tôi mất chức chỉ diễn ra trong một tích tắc. Trong một cuộc họp, khi mọi người đang trao đổi căng thẳng chung quanh vấn đề tài chính, chế độ cho cán bộ công nhân viên của công ty, thì ông chủ tịch hội đồng quản trị lật chồng báo đặt trên bàn. Xốn mắt, tôi "đề nghị đồng chí chủ tịch làm việc nghiêm túc". Thế là ông ấy, cũng đồng hương Nghệ Tĩnh với tôi, gầm lên: "Đọc báo nhưng tau vẫn nghe. Đọc báo nhưng tau vẫn hiểu". Buổi sáng ngày kế tiếp, tôi nhận được quyết định điều động nhận công tác khác.

Có thể kiện ra tòa vì quyết định sa thải trái luật?

- Cách tốt nhất để chứng minh rằng mình đúng là làm tốt hơn. Khi tôi tiếp nhận quyết định điều chuyển công tác, một số đồng nghiệp cũng tỏ ra bất bình, xúi tôi thưa ra tòa. Nhưng tôi không làm. Được vạ thì má cũng sưng.

Tức là, trong một chừng mực nào đó, ông cũng không dám chắc rằng mình sẽ giành phần thắng?

- Tôi không dám chắc rằng khi ở vị trí cũ, mình sẽ ngừng "phạm thượng". Xin kể vắn tắt một câu chuyện, đại ý thế này. Có hai thầy trò nhà sư đi hái thuốc. Ngang đường, họ gặp một cô gái trẻ bất tỉnh bên bờ suối. Biết nạn nhân bị ngạt nước, thầy kêu trò cứu bằng cách thực hiện một số thao tác như "hà hơi thổi ngạt", "ép ngực"… Trò lừng khừng vì nhớ câu "nam nữ thụ thụ bất thân". Thêm nữa, đụng chạm phụ nữ là phạm vào điều cấm thứ ba trong ngũ giới. Cứu người như cứu hỏa, thầy phải làm thay trò. Quay về chùa, trò cứ suy nghĩ hoài, rồi cuối cùng đến gặp thầy, nêu ra khúc mắc của mình. Thầy trả lời rằng: "Chuyện đó ta đã quên". Hóa ra, chính trò mới là người không gạt bỏ được tạp niệm. Ta tha, ta thả, ta thành thản. Trước khi sự việc xảy ra, tôi viếng một số ngôi chùa ở Đà Lạt và Ấn Độ, cầu xin Trời Phật được đi dạy. Có lẽ lời thỉnh nguyện của tôi đã linh ứng.

Những người thân của ông đón nhận việc ông rời môi trường Nhà nước như thế nào?

Nhiều người quen biết xa lánh tôi sau khi biết tôi mất chức. Nước mình rất lạ. Những người mất chức, thậm chí tệ hơn là phải ngồi tù, thường bị xem là người xấu, bị "tránh như tránh hủi". Không phải tất cả những người đi tù đều là người xấu. Thí dụ như giới doanh nhân. Có những trường hợp gặp rủi ro, làm ăn lỗ lã, không trả được nợ ngân hàng đúng hạn là có thể bị truy tố, mặc dù mục đích của họ là tạo ra của cải cho mình và xã hội, khác với những tên ăn trộm, ăn cướp, chủ động phạm pháp. Trong khi đó, có những trường hợp, chẳng hạn như uống bia uống rượu, không làm chủ được tay lái, té gãy tay què chân, nằm bó bột trong bệnh viện thì mọi người lại lũ lượt đến thăm.

Về phần gia đình, cha tôi còn ít nhiều thông cảm với con trai, nhưng mẹ tôi thì rất buồn. Bà đã khóc rất nhiều. Tôi là sự hãnh diện của gia đình đối với bà con, làng xóm. Việc tôi mất chức là điều kinh khủng, vượt xa trí tưởng tượng của bà. Sau này, tôi thích xuất hiện trên báo, đài. Việc tôi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là nguồn an ủi đối với mẹ tôi. Trước lúc nhắm mắt không lâu, bà mới vui trở lại, tự hào về "thằng Việt của mẹ". Bà đã thừa nhận sự lựa chọn của tôi là đúng.

Việc ông theo đuổi một công việc không liên quan, thậm chí trái ngược với chuyên môn từng được đào tạo xem ra khá rủi ro, nhất là thời điểm năm 2002, kỹ năng mềm, kỹ năng sống vẫn còn là một khái niệm khá mới?

- Cũng bởi vì tính đến yếu tố rủi ro này mà nhiều người khuyên tôi bằng lòng với vị trí chuyên viên cao cấp của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nơi tôi đã làm việc nhiều năm. Ở lại, chẳng phải làm gì (nhất là với cán bộ mất chức), hằng tháng lãnh ba, bốn chục triệu đồng tiền lương, đồng thời vẫn có thể ra ngoài đi dạy. Nghe qua thì tưởng là khôn, nhưng theo tôi, làm vậy là dở hơi. "Chân trong chân ngoài" rất nguy hiểm. Khi "ngoài" khó thì bó vào trong, "trong" khó thì thò ra ngoài. Thế là mình thành "con dơi", không giống ai hết. Đi với chim thì là chuột, đi với chuột thì là chim. Không dám đương đầu với ánh sáng, ban ngày giấu mình trong xó tối, đêm xuống mới dám mò đi kiếm ăn. Nhiều người hiện vẫn chọn cách này. An toàn nhưng nhàm chán.

Quyết định lựa chọn "kỹ năng mềm" một phần vì tôi có sự mẫn cảm khá tốt về thị trường, có lẽ thừa hưởng gen kinh doanh của mẹ tôi và những va đập thực tế tích lũy trong thời gian làm giám đốc tiếp thị của FPT. Thực tế là học sinh Việt Nam đi thi quốc tế thì không thua ai, nhưng làm việc thì rất dở. Thiếu kỹ năng giao tiếp khiến chúng ta mất quá nhiều thời gian để giải quyết xung đột trong môi trường công việc. Thêm nữa, tôi theo khoa học toán - lý, quan tâm đến việc "đúng - sai" như đã nói hồi nãy, lại là gốc Nghệ An, "dùi đục chấm mắm cáy", nên việc theo đuổi ngành này cũng giúp mình "mềm" lại. Đã đứng lớp là phải tự động dìm chết sự nóng nảy. Thầy giáo phải làm gương.

Muốn dạy thì phải có học viên. Ông chiêu sinh bằng cách nào?

- Lúc mới thành lập, công ty chỉ có tôi và anh Nguyễn Huy Hoàng, vốn là trợ lý giám đốc cho tôi thời còn làm việc ở Hanoi Petro. Chúng tôi phải tự làm hết, từ đi rải tờ rơi, dán quảng cáo… cho đến thu tiền, đứng lớp. Nhìn hai thầy trò chở nhau trên chiếc xe Chaly cũ mua từ khi mới kết hôn, vợ tôi rớt nước mắt.

Từng giữ những vị trí cao, mà đến khi khởi nghiệp ông không có gì, nói thế thì cũng hơi khó thuyết phục?

- Tôi có một khoản tiền từ việc bán bớt một căn nhà. Khoản đó, tôi nhờ một người bạn, đầu tư tài chính. Tiền lời cộng với thu nhập của vợ tôi đủ để trang trải và nuôi hai con tôi ăn học.

Tôi nhớ có lần dong xe vào bãi gửi trước giờ lên lớp, thì gặp một người bạn cũ, hỏi: "Ông Việt đấy à". Trả lời: "Chứ sao nữa". Hỏi tiếp: "Sao ông khổ thế?". Trả lời: "Tôi không thấy khổ". Hóa ra, bạn tôi tham dự lớp học mà tôi dạy. Tôi nghĩ rằng trong mỗi con người có một khả năng thiên phú, một cái gien trội. May mắn là tôi đã khám phá ra cái gien đó.

Theo ông, làm thế nào để xác định được là đã "khám phá ra cái gien đó"?

- Chừng nào còn làm việc chỉ vì trách nhiệm thì nghĩa là chưa làm đúng cái gien. Khi nào làm việc mà không thấy mệt, chỉ thấy sướng. Càng làm càng sướng. Đang mệt mỏi, nhưng bước vào lớp là tinh thần tôi phấn chấn, càng nói càng hăng. Lên lớp là sáng tạo trong giao tiếp. Trong túi tôi luôn có một cuốn sổ nhỏ và cây viết. Gặp ý hay là ghi lại liền, tích lũy tư liệu cho những bài giảng kế tiếp. Nhiều năm nay, tôi không có khái niệm cuối tuần. Tôi thường ra khỏi nhà từ bảy giờ sáng và hiếm khi trở về trước chín giờ tối.

Bà xã ông không có ý kiến?

- Bà xã biết tôi đang ở đâu và làm gì. Không cho tôi đi dạy, tôi quay lại kinh doanh, có thể ở nhà với gia đình vào hai ngày cuối tuần, nhưng những ngày khác, tôi đi đâu, làm gì thì bà ấy đâu có biết. Từ ngày đi dạy, tôi bớt uống rượu. Lên lớp, rượu bài tiết ra theo mồ hôi, rất kinh. Đô tôi khá mạnh. Mười năm học ở Nga, tôi toàn uống vodka. Thú vui đánh bài thâu đêm suốt sáng giờ cũng bỏ luôn. Có lẽ nhờ vậy mà thể trạng khỏe lên thấy rõ. Thêm nữa, bà xã không cho tôi đi dạy thì tôi ghét… tôi. Tôi không yêu mình thì không thể yêu bà xã.



Phan Quốc Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán lý tại 
Đại học Lomonosov ở Liên Xô.

Trong chương trình đào tạo của Tâm Việt, có màn tung bóng, đội bát trên đầu, nhảy lên con lăn và giữ thăng bằng, giẫm lên đám miểng chai, rồi đi trên đinh. Ông dạy cái gì mà như "mãi võ bán thuốc cao"?

- Những "trò" mà anh nói có tác động đến thái độ, hình thành tính cách. Tung bóng là rèn luyện sự khéo léo và kiên trì. Đội bát là "chuyên tâm và tập trung". Nhảy lên con lăn, giẫm chân trần lên miểng chai, rồi đi trên đinh là học cách đối mặt và vượt qua nỗi sợ. Đôi khi phải liều lĩnh một chút thì mới vượt trội. Qua những bài học này, tôi muốn rèn luyện ý chí. Tôi nghĩ trong mỗi con người đều có những nỗi sợ. Chính nỗi sợ đó ngăn cản con người ta dám đương đầu, dám vượt qua chính mình. "Liều lĩnh, vượt trội" "kiên định, khéo léo", "chuyên tâm, tập trung" là những tố chất thiết yếu để con người thành công. Muốn rèn tính cách phải dùng hành động.

Thực tế, đã có sự cố đáng tiếc xảy ra đối với các học viên khi tập?

- Vẫn là nỗi sợ mà thôi. Miểng chai đủ dày, mảnh nào nhọn, thiết diện thấp, có áp suất bàn chân đè xuống là xoay lại. Còn những mảnh nằm ngang, thiết diện lớn, giẫm lên miểng chai còn êm hơn đi trên sỏi. Khi chúng tôi bày sỏi, miểng chai, và đinh, tất cả học viên đều chọn đi trên sỏi trước. Để thuyết phục học viên giẫm lên miểng chai, chúng tôi thị phạm bằng cách cõng một học viên giẫm lên miểng chai. Khi đã vượt qua được nỗi sợ giẫm lên miểng chai thì học viên mạnh dạn đi trên đinh. Chuyện tai nạn là có, một số học viên đã bị té, khi nhảy lên con lăn. Chúng tôi chấp nhận chịu toàn bộ viện phí trong trường hợp học viên bị tai nạn. Nhưng thay đổi chương trình thì không. Hai đề chọn một. Hiện nay, chúng tôi có một trợ giảng là người khuyết tật. Trước kia, anh ấy di chuyển bằng cách bò, hoặc có người thân dìu. Ngay cả bác sĩ điều trị cũng nói anh ấy sẽ "làm bò" suốt đời. Thế mà bây giờ anh ấy đã có thể tự đứng lên, đi được năm, sáu bước. Hằng ngày tập luyện, ngã lên ngã xuống nhưng mỗi khi mọi người định lao vào dìu anh ấy, tôi đều ngăn quyết liệt. Tôi không vô cảm. Tôi hiểu rõ nguyên lý "muốn được nhiều phải mất rất nhiều". Có những cán bộ lãnh đạo cao cấp, đưa con đến chỗ chúng tôi rồi lại đưa con về, vì "không có máy lạnh", "không muốn thấy con làm vỡ bát", vì xấu hổ… Như vậy là vị kỷ, không phải thương con.

Vấn đề quan trọng là thay đổi nhận thức, mà chúng tôi thường gọi là thay chuẩn nền. Làm theo chuẩn mực cũ mà mong muốn có kết quả mới là điên. Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI được 10 năm, không thể chỉ áp dụng các nguyên lý lỗi thời của thế kỷ XX mà đi lên được. Nhìn ra thế giới, chỉ số thông minh logic IQ đã bị chỉ số "thông minh xúc cảm" (EQ) soán ngôi. Xúc cảm là yếu tố thúc đẩy con người hành động. Và chỉ có hành động mới được trả công, mới thành công. Hành động chuyên nghiệp bao nhiêu thì được trả công nhiều bấy nhiêu. Muốn làm lớn thì phải dám nghĩ lớn, dám đương đầu. Nhà nước chủ trương "xóa đói giảm nghèo". Xóa đói rồi lại đói. Giảm nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhân dân thì nói đỡ nhục. Thế nào là đỡ nhục? Đỡ nhục thực chất là vẫn nhục. Tại sao không phải là xuất sắc vượt trội, giàu sang, vinh quang, sung sướng. Cách đặt vấn đề quyết định phương án giải quyết vấn đề, quyết định số phận con người và vận mệnh dân tộc.

Núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời…

Vì tư duy như vậy nên chúng ta đi vào cái "dễ dời" nhất, đó là kiến thức. Giáo dục hiện nay dạy có một kỹ năng, đó là thuộc lòng. Được mười điểm môn Lịch sử không có nghĩa là yêu đất nước. Thuộc lòng môn Đạo đức không có nghĩa là học sinh sẽ hành xử đạo đức. Tôi nghĩ giáo dục trong nước nên tiếp thu quan điểm kinh tế. Những gì sử dụng thường xuyên thì phải dạy thật sâu, thật xuất sắc, chẳng hạn như kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, ra quyết định… Thực tế là người học hiện nay phải học quá nhiều thứ không bao giờ dùng đến, giống như nhà nghèo lại mua những của đắt tiền chất chật nhà. Kiến thức thay đổi hằng ngày, trong khi thời gian và sức lực của con người thì hữu hạn. Cái khó nhất là dạy thái độ, ý chí, hình thành tính cách. Có ý chí là làm được hết. "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy đâu có học hành gì nhiều mà dời được những căn nhà nặng hàng ngàn tấn, khiến nhiều nhà khoa học phải "tâm phục khẩu phục". Cụ Nguyễn Du không chỉ là đại thi hào mà còn là một nhà quản lý đại tài. Bây giờ thế giới mới nói thông minh cảm xúc chiếm 85%, còn thông minh logic đóng góp 15% vào sự thành đạt. Nhưng cách này 300 năm, cụ đã viết "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", tính theo tỷ lệ là tâm 75%, tài 25%. Tôi dạy "tâm" trước. Còn tài thì rất dễ. Kiến thức dễ tìm. Có ông thầy nào dám vỗ ngực tuyên bố rằng mình uyên bác bằng giáo sư "Gúc gồ" (Google), bằng chị Tám (1080).

Sau gần mười năm đi dạy, cuộc sống của ông có gì thay đổi?

- Tôi bỏ thói quen ngồi trong phòng có máy điều hòa, đi ôtô theo tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao ngành Dầu khí. Cũng không có phòng làm việc riêng. Và vẫn chạy xe gắn máy như thời khởi nghiệp.

Thế thì chừng nào mới giàu?

- Cái nguy hiểm nhất của người Việt là hay so sánh cái xấu ở chỗ này với cái tốt ở chỗ khác. Ở đâu cũng có cái hay, cái dở. Có những giá trị không thể đo bằng đồng tiền. Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc FPT, đâu có thiếu tiền, mà vẫn đi xe ôm, xe buýt đi làm hằng ngày. Mục đích cuối cùng vẫn là "oai", được cộng đồng tôn trọng. Nguyễn Công Trứ viết: "Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông". Nói như vậy không có nghĩa là tôi không muốn kiếm nhiều tiền. Hơn thế, tôi muốn kiếm được rất nhiều tiền. Muốn vậy, phải đầu tư dài hơi.

Trong một lớp học ông trực tiếp đứng lớp tại TP. Hồ Chí Minh ngày 9/7, sĩ số chưa đến 30 người, trong đó phần lớn là học sinh sinh viên. Kiếm rất nhiều tiền từ đối tượng này e rằng khó?

- Đúng. Hiện nay, 80% học viên của chúng tôi là học sinh sinh viên, còn lại là doanh nghiệp, cơ quan. Đây mới là đối tượng chúng tôi kiếm tiền. Thành ra, chúng tôi có hai mức học phí, học sinh sinh viên thì rất rẻ, còn doanh nghiệp thì tính rất cao, gấp hàng trăm lần học sinh sinh viên.

Nhìn mặt tính tiền?

- Chúng tôi "học" Robin Hood, lấy của nhà giàu chia bớt cho người nghèo. Thực ra, đối tượng chính yếu tôi hướng đến vẫn là các bạn trẻ. Tham vọng của tôi là xây dựng một học viện mang tên Ý chí Việt, kiểu như học kỳ quân đội. Việt Nam mình cứ gần lúc tận số thì mới cố, nhiều khi cố cùng thì thành anh hùng. Tức là ranh giới giữa anh hùng và kẻ cố cùng nhiều khi không rõ ràng. Trong tất cả cuộc chiến chống ngoại xâm, thời nào chúng ta cũng có anh hùng. Tuy nhiên, trong lịch sử kinh doanh, chúng ta đang thiếu những anh hùng trong thời bình. Cũng không thể dùng những chuẩn mực anh hùng của thời chiến để làm thần tượng trong thời bình.

Ý ông là…

- Tiếp xúc với các học viên, hỏi thần tượng của họ là gì, đa phần câu trả lời là những ngôi sao ca nhạc và sân cỏ. Tôi không phản đối khát vọng của họ, nhưng sao thì bao giờ cũng hiếm. Hãy thử hình dung, nếu tất cả đều chạy theo sân cỏ và sân khấu thì ai sẽ làm kinh tế. Chúng ta đang khủng hoảng những thần tượng trong thương trường.

Nhưng bột mới gột nên hồ?

- Tại sao vấn đề tiêu cực thì chẻ ba, chẻ tư sợi tóc, còn tích cực thì cầm chừng. Tôi có cảm giác truyền thông bây giờ tiết kiệm lời khen đối với những doanh nhân thành đạt, tử tế. Nếu có thì cũng rất nhỏ giọt. Ngược lại, một doanh nhân làm ăn thất bại, bị vướng vào vòng lao lý thì các báo đổ xô khai thác, đăng tải thông tin nhiều kỳ. Thành công mới khó, chứ thất bại thì dễ. Đừng quá cầu toàn. Bản chất con người là bầy đàn, bắt chước. Người ta không làm những gì không có trong đầu. Thiết nghĩ, nên quay trở lại với cách làm thời chiến. Hồi đó, ngước lên trời là Phạm Tuân, hướng về Tây Nguyên là anh hùng Núp, dân quân là chị Út Tịch, thế hệ trẻ là Kim Đồng… Bản chất con người là bắt chước thần tượng, khi nhỏ bắt chước người thân trong nhà, lớn lên bắt chước, học theo thần tượng. Thế hệ chúng tôi ai cũng có thần tượng riêng để mà làm chuẩn, nỗ lực, dấn thân phấn đấu, không cần phải định nghĩa, phân tích, mày mò nhiều. Tôi nhớ thời còn đi học, ngày nào báo chí cũng nêu danh các anh hùng chiến sĩ có thành tích xuất sắc trên chiến trường. Các anh hùng thường xuyên đến tận trường, tận lớp chúng tôi nói chuyện, khích lệ. Muốn dân tộc ta hào hùng trong thời kinh tế thị trường phải có rất nhiều thần tượng làm kinh tế xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau và các thần tượng bằng da bằng thịt ấy phải để cho con em chúng ta sờ nắn được, đụng chạm được thì dân tộc ta mới đi lên được.

Một câu hỏi cuối. Năm nay đã bước sang tuổi 57, ông đã chuẩn bị cho sự nghỉ ngơi?

- Trong lĩnh vực giáo dục, tôi mới là đứa trẻ lên ba. Còn quá nhiều thứ phải học, quá nhiều việc cần làm. Tôi không thích hưu trí. Nhiều người về hưu, nhất là lãnh đạo, rất mau chết. Vì ngoài cái ghế lãnh đạo được ban, họ không biết làm gì hết, rời ghế là mất luôn bản thân. Nhiều trường hợp, tôi biết, về hưu bắt đầu phẫn chí, chửi đổng xã hội. Chửi xã hội chán thì xoay qua chửi chính cái cơ quan mình từng là thủ lĩnh, như thể là mình vô can.