Tuesday, February 8, 2011

Tu Vi 2011


HƯỚNG NHẬT QUÌ (Truyện)

1
Cộng đồng người Việt ở Đức khác với cộng đồng người Việt ở các nước khác. Là họ ít ở tập trung, và ít sinh hoạt cộng đồng hơn. 
    
Không như cộng đồng người Việt ở các nước Mỹ, Úc, Pháp, Hà Lan...Là những đất nước cho phép dân nhập ngoại lập khu dân cư cùng chủng tộc. Người Việt ở Đức, ở rãi rác vì vậy ít thân thiện tình đồng hương hơn.
   
Mặt khác cộng đồng người Việt ở Đức có sự cách biệt rất xa giữa cộng đồng "thuyền nhân" với cộng đồng "bức tường Berlin". 
   
Cộng đồng "thuyền nhân" là những người tỵ nạn sau 1975. Còn cộng đồng "tường nhân" là cộng đồng người Việt nhập cư vào Đức sau bức tường ngăn chia giữa Đông và Tây Berlin sụp đổ. Họ khác nhau rất xa về cách sống, khả năng hội nhập, phong cách làm ăn và kể cả về tư tưởng.
     
Cộng đồng "thuyền nhân" thế hệ thứ nhất, đa số là ít làm việc chính thức, thường là họ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là chính. Thế hệ thứ 2 thì hầu hết có bằng cấp và thường có công ăn việc làm ổn định trong các công sở, xí nghiệp.
      
Cộng đồng "tường nhân" thì việc hội nhập và tìm kế sinh nhai khó khăn hơn. Đa số họ phải có công ăn việc làm mới có thể bảo đảm được quyền cư trú. 
  
Xã hội lao động Đức là xã hội bằng cấp, nếu không có bằng cấp thì rất khó tìm việc trong các công sở, vì vậy hầu hết cộng đồng "tường nhân" phải bắt buộc trở thành người tự kinh doanh. Chính vì vậy mà hầu hết kiều bào trong cộng động "tường nhân" đều là những "ông chủ bà chủ". Họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Kinh doanh nghề phục vụ ăn uống, kinh doanh bán áo quần giá rẽ và đồ lưu niệm, và nghề làm móng tay giả.
     
Trong số những người lam lũ quần quật với nghề nấu bếp, đứng bán hàng rong hoặc là thợ làm móng tay có rất nhiều người là dân khoa bảng đã tốt nghiệp đại học và trên đại học ở các nước Đông Âu trước đây. Vì vậy có rất nhiều người ngoại quốc kinh ngạc khi biết những người Việt làm đầu bếp, đứng bán hàng rong hay là thợ làm móng tay là những kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo khi xưa. Và không những là người ngoại quốc mà ngay người Việt của mình cũng ít khi ngờ tới.
     
Tôi cũng đã một lần bị sửng sốt vì bất ngờ như vậy.
  
Tôi có một người bạn là thành viên của cộng đồng "tường nhân". Anh ta có một nhà hàng ăn uống đặc sản Á châu. Năm nào anh ta cũng nhờ tôi đến trong coi một thời gian, để anh ta đưa gia đình về nghĩ phép ở Việt Nam.
    
Nhà hàng anh ta có một đầu bếp rất kỳ cựu. Anh này đã làm đầu bếp ở đó từ khi mới dựng nhà hàng ra cho tới nay. Đây là một trường hợp khá hy hữu ở Đức. Hiếm khi mà một đầu bếp gắn bó với chủ lâu đến như vậy. 
   
Nhiều lần tôi đến trong nom nhà hàng cho bạn, biết tên anh đầu bếp này là Tuấn, nhưng rất ít khi trò chuyện. Một phần tôi ngại trò chuyện với đồng hương, vì bất đồng ngôn ngữ (tôi nói giọng miền Trung đặc sệt, nên ít ai hiểu). Một phần do anh Tuấn cũng thuộc loại kín như hũ nút, cạy miệng cũng khó ra được một câu, cho nên gặp nhau, thấy nhau, nhưng hầu như không biết gì về nhau.
   
Anh Tuấn là người cực kỳ ít nói, anh cứ lầm lầm lỳ lỳ làm việc vậy, tới buổi đến bật bếp, chuẩn bị hàng họ, khách đến xóc chảo, hết buổi làm chui ngay vào phòng, hầu như chẳng giao tiếp với ai. 
     
Anh Tuấn không hút thuốc, không uống bia, không sắm xe, và rất ít đi chơi xa. 
   
Ngay cả chủ nhà hàng cũng không hề biết anh ta làm gì sau cánh cửa phòng của anh ta, mỗi khi tan ca làm. Không một ai biết cái thế giới riêng của anh ta trong căn phòng ấy có những cái gì. 
  
Người ta chỉ biết ngoài thời gian nấu bếp cho nhà hàng ra, thì anh không đi đâu cả, không bạn bè, không chơi bời, không giao tiếp. Ngay cả thời gian nghĩ phép năm anh ta cũng nhốt mình kín mít trong căn phòng ấy.
     
Anh bạn chủ nhà hàng nói, anh Tuấn có giấy tờ định cư đầy đủ, đã nhập quốc tịch, nhưng chưa thấy anh về Việt Nam lần nào, suốt mười mấy năm nay chỉ nghe nói anh có đi Tiệp một vài lần rồi thôi, không thấy anh nhắc nhở gì thân nhân ở Việt Nam cả, và ngay quê của anh ta ở đâu cũng không biết nữa.
    
Chủ nhà hàng thường nói đùa, tiền lương mỗi tháng vài ngàn, ăn uống, nghĩ ngơi phòng ốc của nhà hàng bao, không bia, không rượu, không thuốc lá, không gái gú chơi bời, gần 20 chục năm, có lẽ anh tiết kiệm được gần cả triệu Euro rồi nhể. Anh Tuấn chỉ nhếch mép cười, đưa hai tay ngoáy ngoáy trước mặt, ý nói trắng tay, không có đồng nào.
     
Có lần tôi loay hoay vẽ cái bản vẽ thiết kế trục chuyển động Galaxy cho "chiếc giường thần kỳ" của tôi. Vẽ mãi không được, tôi bực mình văng tục rồi vò mấy bản vẽ ném vào thùng rác.
   
Hôm sau thấy tôi, anh Tuấn đưa cho tôi một tập giấy, rồi lẳng lặng bỏ đi. Giở tập giấy ra, tôi kinh ngạc đến tê người. 
   
Cái hộp biến tốc chuyển động Galaxy mà tôi mong ước được thiết kế và vẽ ra tường tận đến từng chi tiết ốc vít nhỏ nhất. Tôi trố mắt lên nhìn anh đang cắm cúi ướp thịt trong xó bếp, định chạy lại hỏi anh, thì anh đưa một ngón tay lên miệng làm dấu, im lặng, đừng nói gì cả.
  
Tan buổi làm, tôi đứng chận ngay cầu thang nơi dẫn lên phòng anh ở. Tôi theo anh đến tận cửa phòng. Anh không mời tôi vào nhà mà đứng ngay trước của nói chuyện.  
   
Tôi hỏi anh sao biết ý của tôi mà vẽ bản vẽ cụm chuyển động galaxy hay vậy. Anh nói, anh liếc qua mấy bản vẽ vứt trong thùng rác là biết tôi muốn gì rồi. Hỏi gạn mãi mới biết anh là kỹ sư chế tạo máy, tiến sĩ cơ học lượng tử, tốt nghiệp ở Tiệp Khắc.
    
Nói chuyện một hồi, tôi hỏi anh, anh không mời tôi vào nhà à?. Anh trả lời gọn lỏn, không!. Tôi cười trêu, có gái trong ấy à. Anh mĩm cười, ừ. Tôi không tin ghé mũi vào hít hít, ngửi thấy mùi sơn, mùi dầu ngai ngái. Tôi hỏi, anh vẽ sơn dầu đấy à. Anh sa sầm nét mặt, đẩy vào vai tôi nói, lắm chuyện, chú về đi. Nói xong anh mở hé của lách người vào và đóng sầm cửa lại. 
    
Từ đó về sau, nếu có gặp chuyện gì trắc trở về cơ về điện với mấy cái thiết bị vớ vẫn của tôi, tôi đều tìm đến nhờ vả anh. Cũng có thể nói, tôi và anh khá thân nhau. 
    
Anh bạn chủ nhà hàng nói, tôi là người biết cạy miệng anh Tuấn, và là người duy nhất được anh Tuấn cho vào phòng. 
    
Anh ta hỏi tôi, mày thân với anh Tuấn thế, mày có biết hoàn cảnh gia đình của anh ấy ra sao không, và anh ấy làm gì mà tối ngày cứ thui thủi trong phòng vậy.
  
Tôi nói, thú thật tớ chẳng biết gì về gia cảnh của anh Tuấn cả, vì có hỏi anh ấy cũng không nói, còn trong phòng anh ấy cũng chẳng có gì cả ngoài một khung vẽ được phủ kín, anh Tuấn đang vẽ dở một bức tranh, đã vẽ mười mấy năm nay rồi nhưng chưa xong, bức tranh vẽ cái gì thì tớ cũng không biết, vì anh Tuấn không cho tớ xem.
       
 2
Anh Tuấn rất ít khi đi ra ngoài phố, một tháng hoạ hoằn lắm mới thấy anh đi phố vài lần để mua sắm vật dụng cá nhân. Thế mà run rủi thế nào, 2 năm trước anh ra phố lại bị xe đụng ngay vạch đèn đỏ trước của Học viện Y khoa UKE 
    
Lúc chúng tôi được vào thăm anh, khi anh đã qua thời kỳ nguy hiểm ở khoa chấn thương chỉnh hình. Chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy một cô bác sĩ thực tập còn rất trẻ lúc nào cũng quấn quít túc trực bên anh. Đôi khi còn thấy cô ta ngồi bên giường, nắm lấy tay anh, mắt nhìn anh và rớm lệ.
   
Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Hỏi gặng mãi thì cô bác sĩ trả lời đúng một câu không phải giọng người Đức:  "Vì tôi mà ông ấy bị tai nạn, ông ấy là bố của tôi".
     
Chuyện này sau khi anh Tuấn bình phục chúng tôi mới biết cặn kẻ, chứ lúc đó thì cứ mu mu mơ mơ tưởng như chuyện trên trời vậy.
    
Từ ngày ra viện, dù bị liệt hai chân, nhưng anh Tuấn vui vẻ và cởi mở hẳn lên. 
   
Lần đầu tiên mới thấy anh nói nói cười cười. Hình như anh không mấy quan tâm đến tình trạng của anh sau tai nạn. Và người ta cũng không hiểu vì sao, mới trong một thời gian rất ngắn, anh đã thật quen thuộc với tình trạng của một người bại liệt ngồi xe lăn.    
  
Mọi động tác chuyển dịch đi lại và thực hiện thao tác đời sống bằng tay của người thiếu đôi chân, đối với anh rất thuần thục. Nhìn anh sống người ta cứ tưởng anh đã quen với việc không có đôi chân từ hàng chục năm rồi vậy. 
      
Cái lạ nhất là tinh thần của anh, anh không ủ ê kín mít như xưa nữa. Anh trở thành một người yêu đời, vui nhộn và rất dễ gần gũi, chan hoà.
   
Tất cả là nhờ cô bác sĩ thực tập trẻ trung và xinh đẹp kia.
     
Cô ta đúng là con gái của anh Tuấn thật. Bữa anh Tuấn đi phố, lúc mua sắm gần UKE, nhác thấy có người con gái giống người yêu cũ của mình, anh vội vả băng qua đường để nhìn cho rõ, vì vội vả không để ý đến đèn đỏ, nên anh bị xe đụng.
   
Duyên số thế nào mà cũng chính cô gái kia lại là người sơ cứu và gọi xe cứu thương cho anh.
    
Lúc đưa vào viện UKE, lại cũng đúng ngay phiên trực Oliska (Tên con gái anh Tuấn). Lúc lục giấy tờ làm thủ tục, Oliska mới bàng hoàng, biết người bị nạn là Bố mình, vì cô đã thuộc lòng tên họ, ngày sinh tháng đẻ của người Bố mà cô đang có ý đi tìm khi sang Đức thực tập.
    
Anh Tuấn kể lại, anh và mẹ Oliska yêu nhau hồi anh đang còn làm phiên dịch ở Tiệp. Mẹ của Oliska là người có hai dòng máu, Sloven lai Digan. Người Digan có vẻ đẹp rất hoang dã và huyền bí, lại lai với người gốc Âu nên vẻ đẹp lại càng kiều mị hơn. 
     
Họ yêu nhau khi mẹ Oliska mới có 17 tuổi. Yêu nhau được mấy năm thì xảy ra cuộc cách mạng nhung. Tình hình ở Tiệp tương đối rối ren. Cô người yêu của anh Tuấn ham vui bỏ anh Tuấn theo một người Việt Nam khác lên Praha ở. Mặc dù lúc đó biết đã có thai với anh Tuấn, nhưng anh Tuấn thuyết phục mãi vẫn không chịu quay về. Anh Tuấn buồn, bỏ sang Đức sinh sống.
     
Mẹ của Oliska sắp đến ngày sinh, về Ostrava tìm anh lại Tuấn, thì không gặp lại được nữa. Vừa mới sinh con lại bị nhiều áp lực đời sống, nên mẹ Oliska lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Cuối cùng thì mắc chứng điên loạn, sau đó được đưa vào quản thúc trong bệnh viện tâm thần ở Brno. Oliska sau đó được một gia đình hiếm con nhận về làm con nuôi.
     
Chuyện xảy ra, lúc anh Tuấn đang ở Đức nên anh không biết gì. Khi có giấy tờ định cư hợp lệ, anh xin được vi sa về lại Tiệp tìm thăm lại người yêu, thì lúc đó mẹ của Oliska đã thành một người đàn bà điên không còn nhớ chuyện gì nữa. 
   
Anh Tuấn muốn tìm nhận lại con gái thì vì thủ tục nhận con nuôi không cho phép tiết lộ thân phận, nên không biết con mình lưu lạc phương trời nào. Anh lại muốn đón mẹ Oliska sang Đức để nuôi dưỡng, nhưng luật lệ không cho phép. 
   
Gần 10 năm trước đây, mẹ của Oliska bị bạo bệnh mất, từ đó anh không còn quay lại Tiệp nữa. Và cũng từ đó anh trở thành một chiếc bóng với chính bản thân mình.
     
Khi mẹ của Oliska chết, Oliska được thông báo đến nhận di vật của mẹ. 
   
Trong số di vật của mẹ Oliska để lại có cuốn nhật ký hồi trẻ của bà ta, cùng với một vài tấm ảnh của anh Tuấn, và có ghi chú đó là bố của Oliska cùng tên họ ngày sinh tháng đẻ của anh Tuấn. 
      
Oliska học y khoa ở Tiệp và xin sang Đức thực tập để cố ý tìm lại anh Tuấn.  Và vì thế mà họ gặp nhau trong một hoàn cảnh oái oăm và nghiệt ngã như vậy đó.
       
Trong thời gian Oliska còn thực tập ở Đức, cô thường lui tới chăm sóc anh Tuấn rất tận tình. Cộng đồng người Việt ở đây ai cũng trầm trồ khen Oliska là người Âu trẻ tuổi mà tính hiếu thảo còn hơn cả nhiều người Việt.
      
Oliska hết hạn thực tập, phải trở về Tiệp. Cô muốn đưa anh Tuấn về Tiệp để chăm sóc, anh Tuấn không chịu. Ngược lại anh còn ép cô ra luật sư để làm thủ tục nhượng lại toàn bộ cổ phiếu mà bấy lâu anh mua trữ, cùng với số tiền tiết kiệm được gửi đầu tư trong các hãng bảo hiểm. Nghe đâu tổng số tất cả hồi môn anh để lại cho con gái xấp xỉ cả triệu Euro lận. Anh giao lại toàn bộ cho Oliska không giữ lại một đồng nào.
     
Oliska về Tiệp mua nhà cửa, sắm sửa ô tô, và mở được một phòng mạch tư. 
   
Khi cuộc sống tạm ổn định. Oliska sang Đức một mực năn nỉ anh Tuấn phải qua Tiệp sinh sống, để cô ấy tiện bề chăm sóc. Cô khóc lóc và nhờ vả hết người này đến người khác khuyên bảo, nhưng anh không chịu. Cuối cùng Oliska đành phải thui thủi quay về.
   
Oliska quả đúng là cô gái hiếu thảo hiếm thấy. Anh Tuấn không sang thì tháng nào cô cũng đánh xe sang thăm anh. 
   
Trước đây mọi người khuyên anh, thì anh cau có nói, tấm thân tàn phế này sang đó chỉ làm khổ con gái thôi, chứ có tốt lành gì cho nó đâu. Sau này thấy Oliska đi lại vất vả, nhất là vào mùa băng tuyết. Nghe mọi người khuyên lần nữa,  anh cúi đầu lặng thinh và cuối cùng cũng chấp nhận sang Tiệp sống cùng con gái.
   
3
Vào mùa Hè năm trước. Oliska hốt hoảng gọi điện thoại sang tìm anh. Và cuối cùng thì tự cô đánh xe sang. Oliska nói, hơn 2 tuần rồi không thấy anh đâu cả. Bên Tiệp đã báo cảnh sát truy tìm người mất tích. Đã tìm khắp nơi trong cộng đồng người Việt bên đó những cũng không ai thấy anh đâu. 
   
Oliska cho hay, tháng trước cô và anh Tuấn có xích mích, vì cô muốn lắp ráp một cầu thang máy cho xe lăn trong nhà để anh tiện đi lại và sinh hoạt, nhưng anh không chịu và bố con có to tiếng với nhau. Cô sợ anh buồn bỏ về Đức
   
Biết vậy, chúng tôi bên này gọi điện thoại đi khắp nơi những chổ anh quen biết, nhưng chẳng nơi nào biết tức của anh
   
Oliska lại từ Tiệp gọi điện thoại sang, báo cho tôi hay, cô đã thông báo cho đại sứ quán Việt Nam nhờ tìm anh Tuấn ở Việt Nam. Nhưng người ta nói quê anh ở Củ Chi, hiện ở đó không còn ai là thân thích. Anh là con mồ côi, học trường Lý Tự Trọng ở Sài Gòn, rồi sang Tiệp học đại học từ hồi xưa đến giờ, chưa một lần nào trở về Việt Nam cả. Anh còn có một người chị, hiện đang cư ngụ ở Úc.
  
Khoảng gần 1 tháng sau, Oliska lại gọi điện thoại sang nói với tôi là sẽ đi Úc để tìm bố. Tôi bảo, nếu muốn biết anh ấy có sang Úc không thì chỉ cần nhờ hải quan ở sân bay tìm trong hồ sơ xuất cảnh là biết, chứ cần gì sang tận bên đó. Oliska nói, biết đâu anh đi với hộ chiếu tên khác, tìm anh ở Úc là hy vọng cuối cùng của cô.
    
Tuy không phải là người bạn chí cốt của anh Tuấn, nhưng qua nhiều lần giao tiếp với anh tôi hiểu khá rõ về tâm tư của anh. Tôi không muốn nói ra nhưng tôi đã thầm đoán được anh đang ở đâu. Nghe Oliska sốt sắng đi Úc tìm anh, với niềm hy vọng rất lớn. Tôi rất ái ngại cho cô ta nên tôi quyết định sang Tiệp một chuyến.
    
Oliska đưa tôi lên thăm căn phòng của anh ở gác 1. Tôi sửng sờ trước một bức họa rất sống động treo treo ngay chính giữa phòng. 
   
Tôi cứ ngỡ có hai Oliska đang hiện diện ở đây, một Oliska đang đứng bên tôi và có một Oliska nữa đang e ấp đứng bên một khóm hoa hướng nhật quì rực rỡ màu vàng óng ả trong bức tranh 
   
Thấy tôi trân trân nhìn bức họa một hồi lâu, rồi lại quay sang ngắm nhìn Oliska. Oliska buồn rầu nói, bố bảo Oliska rất giống mẹ, bức họa ấy bố vẽ xong trước khi gặp Oliska, bố vẽ mẹ đấy.
   
Tôi im lặng không nói gì. Mặc dù trước đây anh không cho tôi xem bức họa trong phòng anh, nhưng tôi biết Oliska nói đúng, bức họa này anh đã bắt đầu vẽ hàng chục năm về trước rồi. Điều tôi kinh ngạc là tôi không ngờ anh Tuấn có một năng khiếu hội họa tuyệt vời như vậy. Và càng không ngờ Oliska giống mẹ đến thế là cùng. 
   
Tôi nói không ngoa, nếu ánh sáng trong phòng đừng sáng quá, và đặt bức họa xuống bên Oliska, có lẽ chúng ta rất khó phân biệt đâu là Oliska thật và đâu là Oliska trong tranh.
    
Chỉ có điều là đôi mắt của thiếu nữ trong tranh không trong sáng và xanh nâu như mắt của Oliska. Cho dù đôi mắt ấy thật sóng động, nhưng vẻ đẹp rất mơ hồ xa xăm. Mới nhìn thoáng qua, khuôn mặt và đôi mắt thì thấy ánh lên một nét gì đó rất tinh nghịch, hồn nhiên. 
  
Lắng nhìn kỹ lại thì lại thấy cái vẻ tinh nghịch hồn nhiên đó bổng trở thành như mệt mỏi rã rời. Khuôn mặt đó, ánh mắt đó được đặt bên mấy đóa hướng nhật quì vàng óng lên rực rỡ, tạo nên một nét tương phản rất khó thẩm định, nửa như cháy bùng lên, nửa như quặn thắt lại, có cả sự nguội lạnh mà cũng có cả nét nồng nàn...
  
Một bức tranh thật lạ. Nó có sức cuốn hút ta vào trong sự sống động tuyệt vời của nó, nhưng lại như muốn đẩy tầm nhìn và cảm xúc của ta trượt ra ngoài bố cục của bức tranh.
    
Lúc thấy tôi tiến tối gần có ý như sờ vào mấy đóa hướng nhật quì như để muốn phân biệt là thật hay giả. Oliska khe khẽ nói trong rưng rưng, bố nói ngày xưa mẹ rất thích loài hoa này.
    
Nghe Oliska kể lại, tôi mới chợt giật mình nhớ ra, có lần anh Tuấn nói với tôi: "giá như một ngày nào đó được nằm giữa cánh đồng hướng nhật quì rực rỡ, ngẩng nhìn những đám mây bay trên bầu trời rồi thả hồn mình vào đó để thanh thản bay về với vô tận thì còn gì bằng nhỉ" 
  
Nhớ đến đó, tôi quay lại hỏi giật Oliska, ở ngoại ô Brno có cánh đồng hoa hướng dương nào không?
 
Nghe tôi hỏi, Oliska tái mặt và từ từ sụm người xuống, ôm mặt nức nở:
- Hôm trước lúc bố mất tích, bố có nói, năm này hoa hướng dương nở muộn hơn mọi năm....
  
09.02.11

Chuyện lì xì ngày tết - Trao con dao sắc cho trẻ

Vuong Tri Nhan
     Nỗi khổ của những ngày Tết là chủ đề mà cánh già ngoài bãi sông Hồng chúng tôi mấy ngày qua hay bàn. Chủ đề sáng nay lái sang câu chuyện về việc người lớn lì xì, hay nói theo lối đồng bằng Bắc bộ, gọi là mừng tuổi lớp trẻ.
     Anh A mào đầu kể, mấy ngày tết đi chúc tết đã mệt nhoài, tối nào về cũng có một việc phải làm là quản tiền mừng tuổi mà đứa con trai anh đã nhận hôm ấy. Rồi ra, đây cũng là việc mà tết xong anh phải lo tổng kết và lên kế hoạch  đối phó với nó khá tỉ mỉ.
     -- Sao lại căng thẳng đến thế ?-- tôi hỏi lại.
     -- Trẻ con giờ khôn lắm, nó biết đấy là dịp trời cho, tiền kia là tiền của nó, mình không thể muối mặt đòi lại nó được. Sẽ được tùy nghi tùy tiện, muốn làm gì thì làm. Được phiêu lưu trong hư hỏng… Thật chẳng khác gì người ta -- không cần biết con mình còn vụng về thế nào -- đưa cho con mình con dao sắc, bố mẹ có gỡ mãi cũng không nổi.
     Chỉ còn có cách an ủi là nghĩ rằng trước đó mình cũng đã tham gia vào việc trao con dao sắc cho con người khác nghịch chơi. Trách ai được nữa.
      Anh B kể về một nỗi khó xử khác:
      -- Có lần đến một nhà quen, đôi bên mừng tuổi con cái. Tôi cứ theo thói quen đưa cái bao sắp sẵn hai mươi ngàn, nghĩ là mừng tuổi trẻ lấy lệ. Nhưng về hỏi con mới biết hôm ấy con tôi được anh bạn lì xì một trăm ngàn. Tự nhiên tôi cảm thấy như mắc một món nợ. Vợ tôi thì bảo thôi rút kinh nghiệm sang năm phải tìm hiểu trước, xem bạn bè mình năm vừa qua làm ăn thế nào sẽ lì xì cho con mình bao nhiêu để mà ra đòn tương tự, chứ không lại mang tiếng là bủn xỉn.
     Anh C tiếp tục trở lại khía cạnh tiền làm hư trẻ:
     -- Chưa nói chuyện tiêu vung cả lên sau, về ngay lúc nhận tiền ở đứa trẻ lập tức hình thành một thái độ. Hễ ai cho nhiều tiền thì đó là người tử tế đàng hoàng, ngược lại thì đó là người kém cỏi nếu không muốn nói là tồi tàn, bất lịch sự, không biết cách cư xử. Đồng tiền mừng tuổi trở thành yếu tố quyết định trong việc đánh giá con người của chúng, đã đáng sợ chưa? Phần lớn trẻ hiện nay cư xử như tôi vừa kể.  Nội cái việc cỏn con này, đã chứng tỏ chúng ta vụng về  thế nào trong việc  đối xử với cái thế hệ tương lai mà lúc nào ta cũng lo lắng.
       
       Lúc nào đó, phải nghiên cứu lai lịch cái chuyện lì xì này, xưa thế nào và nay ra sao.
       Có một điều chắc nhiều phong tục VN bắt nguồn từ Trung quốc.
      Trong cuốn Cội nguồn văn hóa Trung Hoa, tôi đọc thấy người ta viết rằng “ sau bữa cơm đêm giao thừa, người bề trên mừng tuổi cho đám hậu sinh….Cũng có khi vào buổi sáng mồng một Tết, khi trẻ em đến chào hỏi người trên, thì cũng được mừng tuổi tặng tiền”... Có người dùng tiền mừng tuổi đặt trong bao đặt dưới gối con trẻ để xua đuổi tà ma…”.  
     Còn ở VN, ngay trong những câu chuyện kể về Tết ngày xưa, chuyện này cũng chỉ được nhắc qua loa.
     Việt Nam phong tục của  Phan Kế Bính giới hạn mừng tuổi trong phạm vi gia đình.  
      Nếp cũ làng xóm Việt Nam của Toan Ánh cho biết “ con cháu chúc tết các cụ xong, các cụ cũng chúc tết lại  […] Và các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu một món tiền gọi là tiền mừng tuổi, người giàu mừng tuổi nhiều, người nghèo cũng mừng tuổi tượng trưng một vài đồng[ …] miễn sao để con cháu gặp được may mắn tốt đẹp “.
    Phong tuc làng xóm Việt Nam của Nhất Thanh—Vũ Văn Khiếu ghi: trong quan hệ với họ hàng bạn hữ, mừng tuổi cũng gọi là mở hàng, nhiều ít tùy cảnh, và ngầm nói rằng việc khách mừng tuổi cho con chủ nhà chỉ là việc tiện thì làm không thì thôi, không ai đánh giá nhau qua việc đó cả. 
    Đối chiếu lại như thế, thì thấy mừng tuổi với con người gọi là thời kinh tế thị trường hôm nay đã biến thành một tệ nạn.
    Sau chiến tranh, nhiều phương diện đời sống ở ta có thiên hướng trở lại với cái thời tiền hiện đại.
     Nhân danh tiếp nối truyền thống, người ta thả mình vào vòng tay của mê tín dị đoan, đằng sau đó không gì khác chính là nỗi lo lắng thường trực cho tương lai và liều lĩnh làm tất cả để mưu sinh.    
       Mối quan hệ giữa người với người không tìm được những chuẩn mực hợp lý.
      Để sang một bên việc mừng tuổi đối tượng làm ăn để ra giá, để mặc cả, để hối lộ, và mừng tuổi người lạ để khoe của ngạo đời, --  hãy nóimối quan hệ hàng ngày giữa những người công nhân viên chức lao động bình thường. Việc mừng tuổi tràn lan vô tội vạ hiện nay chính là một bằng chứng của việc con người không đủ sức kiểm soát nổi các hành động của chính mình. Ta tưởng ta làm việc tử tế với người khác. Hóa ra ta đẩy đối tượng của mình vào một tình thế hết sức khó xử. Ta muốn tỏ ra yêu thương con bạn nhưng làm thế là nối giáo cho giặc, đánh thức cái phần hư hỏng trong đứa trẻ. Làm một việc dễ dẫn đến hiệu quả tai hại – trong nhiều trường hợp phải gọi là một việc xấu -- mà lại cứ đinh ninh là làm việc tốt và vênh vang tự hào vì điều đó.

 

Bút Tre và thơ trào phúng

Bút Tre là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi người ta nói đến thơ Việt Nam trào phúng và châm biếm. Ông tên thật là Đặng Văn Đăng (1911-1986), sinh tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ – chiếc nôi của nói Trạng; bởi thế dân gian mới có câu “dân Văn Lang cả làng nói phét”  Ông sáng tác chính xác bao nhiêu bài thì không ai rõ, nhưng phong cách của ông được người ta học hỏi nhiều và đặt ra 1 dòng thơ “Bút Tre” rất độc đáo và mạnh bạo trong ngôn từ, hàm ý. Người bảo thanh, kẻ chê tục; xin cứ trích đăng các đoạn sưu tầm được để rộng đường dư luận  (Chống chỉ định những người không thích đùa và trẻ em dưới 13 tuổi)

    Con chó ngồi nghịch cái que
    Sau đây tiết mục Bút Tre bắt đầu

 

    Quê hương tôi đẹp tuyệt vời
    Ở dưới có nước trên trời có mây.
    Xin mời các bạn về đây
    Để thăm quê tớ mỗi ngày một sang.
    Con đò dịch đít sang ngang
    Xa xa có một cái làng thò ra.
    Đằng kia là một vườn na
    Đằng này thì có mấy bà chổng mông.
    Cây lúa cao sản ngoài đồng
    Đến mùa thu hoạch nhà nông vui cười.
    Quê tôi thế đấy bạn ơi
    Nhờ có đổi mới nên đời thêm xuân.
    Con gái giờ chẳng mặc quần…
    Mà mặc váy ngắn hở chân hở đùi
    Ngày hội mới thật là vui…
    Hoan hô đại tướng Vő Nguyên
    Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
    Hoan hô anh Tạ Đình Đề
    Trước đi theo địch nay về với ta
    Hoan hô anh Lê Quảng Ba
    Trước đi theo phỉ nay ra hàng mình
    Hoan hô đồng chí Trường Chinh
    Trước thân Trung Quốc nay hình như thôi
    Hoan hô chị Nguyễn Thị Bình
    Được mời ngồi với bác Chinh bác Đồng
    Hoan hô bác Vő Chí Công
    Cho làm khoán hộ ruộng đồng tốt tươi
    Hoan hô bộ trưởng Đỗ Mười
    Tác phong chậm chễ mọi người vẫn khen.
    Hoan hô đồng chí Trần Hoàn
    Lên làm Bộ trưởng chiếu toàn phim hay.
    Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
    Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.
    Hoan hô cục trưởng Hà Đăng
    Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa
    Hoan hô anh La Văn Cầu
    Cánh tay bị đứt nhưng đầu vẫn nguyên.
    Chị em nô nức đặt vòng
    hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn.
    Đường vào lăng bác âm u
    Chị em lao động ngửa mũ ra chào.
    Anh đi công tác Pờ Lây
    Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê
    Họp xong anh ghé Buôn Mê
    Thuột xong một cái rồi về với em
    Anh đi công tác Cam Pu
    Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm
    Anh đi công tác bản Muờng
    Tè xong một cái lên đường về quê
    Hoan hô các cụ trồng cây
    Mười cây chết chín một cây gật gù
    Tụi bây có mắt như mù
    Mười cây chết cả gật gù nỗi chi
    Trung thu là tết thiếu nhi
    Mà sao người lớn lại đi là nhiều
    Đi nhiều rồi lại làm liều
    làm liều rồi lại có nhiều thiếu nhi
    Bà con toàn thể xã ta
    Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê
    Dái dê to mập dài ghê
    Nãm sau ta cứ dái dê ta trồng
    Bướm đồng động đến thì bay
    Bướm nhà động đến lăn quay ra giường
    Chim đồng bóp cái chết ngay
    Chim nhà mà bóp càng ngày càng to
    Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn
    Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà
    Ðồ nhà tuy xấu tuy già
    Nhưng là đồ thật hơn là Ðồ Sơn
    Chưa đi chưa biết Cà Mau
    Đi rồi mới thấy chẳng hơn gà nhà
    Gà nhà tuy có hơi già
    Nhưng mà cà chậm hơn là Cà Mau
    Không vô không biết bút tre
    Vô rồi mới biết muốn tè ra ngay
    Chưa ăn chưa biết cu đơ
    Ăn rùi mới biết nó đờ cu ra
    Chưa đi chưa biết Cửa Ông
    Đi rồi mới thấy toàn mông với giò
    Chưa đi chưa biết Cửa Lò
    Đi rồi mới thấy toàn giò với mông.
    Chưa đi chưa biết Sài gòn
    Đi rồi mới biết chẳng còn một xu
    Về nhà mới biết là ngu
    Mồm tiêu thì ít thằng cu tiêu nhiều
    Số tôi số chẳng ra gì
    Vợ thì đời cũ, ti vi đời đầu
    Đời đầu nên chẳng có râu
    Xoa mông vỗ đít mà mầu chẳng lên
    Ti vi hàng xóm nhà bên
    Chưa sờ đến núm đã lên ầm ầm
    Ước gì trời nổi cơn giông
    Để tôi sang đó ôm nhầm ti vi.
    Xưa kia gương vỡ lại lành
    Thi đi thi lại cũng thành kỹ sư
    Bần tăng chẳng xin cơm chay
    Chỉ xin thí chủ “ba ngày ba đêm”
    Chị em phụ nữ chơi cầu
    Lông bay vùn vụt qua đầu thanh niên.
    Chồng người du kích sông Lô
    Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần
    Ở trong hang đá đi ra
    Vươn vai một cái rồi ta đi vào
    Ba bà đi chợ cầu đông
    Vừa đi vừa nhổ lông mày ra xem
    Sông Cầu nước chảy lơ thơ
    Có đôi trai gái ngồi hơ quần đùi
    Tiễn anh lên bến ô tô
    Đêm về em khóc tồ tồ cả đêm
    Lâu rồi mình chẵng yêu ai
    Lâu rồi cũng chẳng có ai yêu mình
    Ta đi bầu cử tự do
    Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm
    Hội trường yên ắng ngủ say
    Thuyết trình vừa dứt, vỗ tay ra về.
    Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo
    Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu
    Dừng chân đứng lại trên cầu
    Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng
    Anh em chuẩn bị ra đồng
    Chị em đã vội đi trồng dưa leo
    Hôm nay đài nói vui thay
    Người ở dưới đất, chó bay lên trời
    Hôm nay trên quốc lộ hai
    Thể nào cũng có một vài ô tô.
    Nào đâu có thích vần ồn
    Cơ mà yêu quá cái “hồn” chị em
    Nên thơ cứ mãi lem nhem
    Quanh đi quẩn lại toàn em với “hồn”.
    Nghệ an nổi tiếng gió Lào
    Trẻ già trai gái người nào cũng đen
    Thằng nhỏ mặc quần hở mông
    Vẫn hơn con nhỏ còn không mặc quần.
    Trẻ em thường thích ở trần,
    Nhưng mà người lớn có phần thích hơn.
    Rừng xanh núi đỏ um tùm
    Thương anh địa chất cưỡi hùm lên non
    Chiều về ngựa phóng bon bon
    Tay anh nắm chặt hai hòn thạch anh.
    Tình yêu đâu phải phân trâu,
    Mà anh lại sợ để lâu hóa bùn.
    Tình yêu đâu phải con lươn
    Mà anh lại sợ nó trườn khỏi tay.
    Em như một cái sập vàng
    Anh như manh chiếu nhà hàng bỏ quên
    Cầu trời cho gió nổi lên,
    Cho manh chiếu rách nằm trên sập vàng
    Cuộc đời như bát phở gà,
    Thiếu chanh, thiếu ớt chắc là mất ngon.
    Hôm qua anh đến chơi nhà
    Thấy mẹ chăn vịt, thấy cha chăn ngồng (ngỗng)
    Thấy em hát nhạc Trịnh Công
    Sơn xanh, sơn đỏ, anh không dám vào.
    Con gái ai cũng biết xinh
    Con trai tuy xấu, không xinh nhưng liều
    Anh đi giường chiếu lặng câm
    Anh về giường chiếu reo ầm cả lên
    Chọn mãi mới được một ngày
    Gặp em để quyết giãi bày yêu thương
    Hai đứa ngồi trên bờ mương
    Công nông thì chạy trên đường, bụi ghê!
    Cứ thế mà buôn dưa lê
    Mãi không đề cập vấn đề trọng tâm
    Anh liền nói chuyện lòng vòng
    Đợi em sơ ý là cầm tay luôn.
    Ngờ đâu anh chộp đã nhanh
    Em rút tay lại còn lành nghề hơn
    Mất đà anh lộn xuống mương
    Bò lên đã thấy em chuồn từ lâu.
    Vừa về anh vừa lầu bầu:
    “Biết thế bố bỏ từ lâu cho rồi!”
    Em đi phố Huế chiều mưa
    Anh về mài lại cái cưa đã mòn
    Đi đâu mà hổng lấy chồng
    Người ta lấy hết chổng mông kêu trời
    Thu đi để lại lá vàng
    Anh đi để lại cho nàng thằng con
    Ra đường sợ nhất xe ben
    Về nhà sợ nhất vợ rên “không tiền”
    Anh đi công tác Sông Đà
    Vướng phải tai nạn ở phà sông Gianh
    Tay chân thì vẫn nguyên lành
    “Cần tăng dân số” tan tành khói mây
    Tiến lên, ta quyết tiến lên
    Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
    Hàng đầu không biết đi đâu
    Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi

buttre1.jpg

    Trăm năm ở một làng vè
    Nghìn câu lục bát mấy đề vè hôm
    Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn
    Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời
    Bút Tre nối bước những ai
    Một dòng thơ, mở đường quai kể vè
    Năm năm dân dã lắng nghe
    Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng.

…..

Và những bài báo viết riêng cho ông  :

Đầu xuân đọc thơ Đồng Đức Bốn

Nhà thơ Đồng Đức Bốn sinh tại Hải Phòng, tháng 3 năm 1948. Ông là ai và thơ ông ra sao thì chưa có cuốn sách giáo khoa nào đề cập đến cả, nhưng những sáng tác của ông người ta chỉ cần đọc 1 lần là nhớ mãi. Nguyễn Huy Thiệp vinh danh ông là nhà thơ lục bát kỳ tài của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, khoảng chục sáng tác của ông là tài tử vô địch, còn phần nhiều lại chẳng ra gì! Còn Nguyễn Khoa Điềm lại khái quát chân dung ông qua đôi câu thơ trong bài “Bạn thơ”:

Bạn chừ đóng gạch nơi nao
Văn chương lấm láp vêu vao mặt người

 

 
Đồng Đức Bốn có in vài tập thơ, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là tập “Chăn trâu đốt lửa” (1993):

Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Chiều nay Hồ Tây có giông
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm.

Còn đây là lời tựa của Nguyễn Huy Thiệp cho tập thơ thuần lục bát này khi nó được in 

Tôi đã có lúc cho thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo (của chính trị, của toán, của kiến trúc, của nấu ăn, của hội họa, của mốt…. Người nào không thơ khác nào một kẻ mồ côi: Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.

Con người vô ơn (con người bao giờ cũng vô ơn) thường rất bạc với mẹ. Có ai ghi nhớ việc mẹ sinh hạ, mẹ bú mớm, mẹ giặt giũ, mẹ đính cho chiếc khuy trên áo… Thơ thường không bao giờ là một sự nghiệp. Mẹ không bao giờ là một sự nghiệp của con.
Thơ là một thể loại văn học cổ điển nhất, xưa nhất. Thơ hình như khó nhất trong các thể loại văn học. Về hình thức, có lẽ thơ là một thể loại loạn luân nhất.

Có mấy loại người làm thơ?

Loại một chắc chắn là các thiên thần. Họ vụt đến, vụt đi và để lại những bài thơ, những câu thơ thiên thần. Nhưng chưa chi chiều đã tắt. Trong đời mỗi người cũng có những giai đoạn, những khoảnh khắc thiên thần. Đấy là những người thơ trẻ trung, những trai tân. (Vậy sao không phải gái tân? Gái tân thì thơ làm gì? Đừng lầm với vật hiến tế!). Khi ấy những bài thơ, những câu thơ hiện lên như những bổng lộc của thần linh.

Loại hai là thơ của những người khởi nghĩa, của lửa, của những nhà cách mạng xã hội!Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán / Phá vòng vây bạn với Kim ô / Giang sơn khách diệc tri hồ (Nguyễn Hữu Cầu). Khởi nghĩa với cả tình yêu, với đàn bà, với cái ác, cái tẻ nhạt, cái tầm thường, cái dung tục… với khá nhiều thứ – để biểu dương cái chí: thi ngôn chí (Tú Xương là thi ngôn chí: chí thanh cao, Nguyễn Bính là thi ngôn chí: chí tình).

Ngoài loại một, loại hai là gì? Là loại ba: là phản thơ, là vi khuẩn, là mầm thơ, là những tìm tòi – đa phần viển vông, suy đồi, điếm đàng, đểu, say rượu, đa dâm, hạ lưu.
Vượt lên trên là triết học, vượt lên thơ là triết học. Tư tưởng là thơ bay lên.

Đồng Đức Bốn là ai? Đồng Đức Bốn là một nhà thơ loại hai theo cách phân loại như trên. Tiếc thay, anh không phải thiên thần, anh chỉ là một người khởi nghĩa. Anh là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi. Anh là một người có những tình cảm ngẩn ngơ, ngây ngất, dại khờ.
Đồng Đức Bốn là một kẻ chí tình.
Thơ Đồng Đức Bốn cũng hay.

Dưới đây xin trích đăng một vài bài thơ của ông sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau:

Vào chùa
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

Quốc kêu
Tôi nghe nẫu cả những chiều
Câu thơ ngã xuống đổ xiêu mái chùa

Đời tôi
Vớt buồn trên mặt sông trôi
Bây giờ vẫn chỉ mình tôi giữa dòng

Chợ buồn
Chợ buồn đem bán những vui
Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em.
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày.

 

Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu.
Tôi giờ xa cách bao nhiêu
Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư.

Sông Thương ngày không em
Không em ra ngõ kéo diều
Nào ngờ đuợc mảnh trăng chiều trên tay,
Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm.

Sông Thương như gỗ hóa trầm
Mùi hương để vết tím bầm trên da.
Sông thương từ buổi em xa
Tay anh quờ xuống hóa ra bị chàm.

Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều.
Tôi đi tìm một tình yêu
Trên dòng sống chứa rất nhiều ban mai.

Tôi đi trên dòng song gai
Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ.
Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang.

Cầu gẫy mới phải đi đò
Cầu gẫy mới phải đi đò
Thế nên gặp gió thổi cho rét lòng.
Con đò nửa mặt trăng cong
Chênh vênh trên một dòng sông lở bồi.

Mái chèo cứ nhẹ thế thôi
Không là đứt ruột gan tôi bây giờ.
Mái chèo trên song làm thơ
Đỡ cho cánh vạc bơ vơ xuống dòng.

Chốc nữa thế nào cũng giông
Sang đò tôi đén giữa đồng là mưa.

Còn đây là nông thôn trong mắt ông, vừa giống mà vừa khác nông thôn Việt Nam trong con mắt của Nguyễn Bính:

Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi.

Nhà quê chân lấm tay bùn
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê có mấy con gà bán chơi.

Và đây là những suy ngẫm của ông về cuộc đời:

Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.

Sống gần tới phút chia tay
Tỉnh ra mới thấy đời này rỗng không.

Chín xu đổi lấy một hào
Chín xu đổi lấy một hào
Đi mua cái nắng lại vào cái mưa
Đường bùn tôi lội giữa trưa
Đắng cay thì ngậm xót chua thì cầm

Con sáo sang sông
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì.
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không…

Lại có đôi khi thơ ông là sự nhẩn nha bình thản lạ thường, đọc vào đơn giản mà thú vị 

Chân đạp đất đầu đội trời,
Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi..

Xong rồi chả biết đi đâu
Xích-lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương!

Người viết bài mê nhất đôi câu thơ của ông trong bài “Trở về với mẹ ta thôi”, coi nó là cái gốc cho sự dân dã mà thần tình của những vần thơ lục bát ông đã viết:
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Vẫn không bằng được nhà quê của mình.

Bác Thiệp viết về ông là 1 người đọc không nhiều sách, không chịu học hành, đôi khi bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết (anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ chỉ ngót nghét có 600 từ, nghe quả là khó tin! Ông mất tại Hải Phòng năm 2006, hưởng thọ 58 tuổi. Những ai mê thơ ông vẫn luôn cảm ơn ông – một truyền nhân của thơ lục bát và ca dao – và cảm ơn thơ ông bởi những giác ngộ thâm trầm ẩn sau lớp vỏ giản dị thuần khiết của ngôn từ.

Bảo Sinh – Nuôi chó, làm thơ

Nguyễn Bảo SinhĐồng Đức Bốn cùng Bùi Giáng rất xứng đáng với danh hiệu mà người đọc xưng tụng: “Nhà thơ dân gian”. Điểm chung của thơ các ông là sự thông thoáng, thuần khiết, vần điệu, và đặc biệt là chứa đựng yếu tố triết lý mộc mạc và sâu sắc. Trước thời các ông, có lẽ chỉ có thơ Nguyễn Bính là có được thành công này. Nhiều bài thơ của các ông sáng tác còn bị nhầm là ca dao, có lẽ cũng là do tính thuần khiết và trí tuệ của chúng.

Bao SinhTản mạn đôi dòng về cuộc đời của nhà thơ Bảo Sinh. Gọi ông là nhà thơ có lẽ là chưa đầy đủ, người ta còn gọi ông với hỗn danh là “Sinh chó“. Kẻ hậu bối không dám có bình luận gì, xin chép lại vài truyện về ông theo những điều tham khảo được mà thôi. Nguyễn Bảo Sinh năm nay đã qua lục tuần, sinh trong 1 gia đình Hà Nội gốc, hiện giờ ông đang sống tại ngõ Bảo Sinh, phường Trương Định, Hà Nội. Ông đắc ý ví von: “Dân ăn chơi Hà Nội có ba Bảo: Bảo Tín chơi vàng bạc, Bảo Sơn chơi khách sạn, Bảo Sinh chơi chó mèo”.
 
vuong quoc cho meoCũng như ông viết trong thơ:
Làm thơ nuôi chó chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!

Là 1 người yêu động vật, ông xây riêng 1 cái phủ độc đáo – “Hotel chó mèo” – chỉ để nuôi dạy chó mèo và gà chọi; có lẽ cái phủ này cũng là duy nhất và đặc sắc không kém gì phủ Thành Chương  Trong vương quốc của ông, “sinh linh và cuộc đời phải là một sự hòa hợp”. Đình đám với biệt hiệu “vua chó mèo” đất Hà Thành, liệu ông có yêu vợ hơn chó hay không  – câu trả lời có lẽ là không, như ông đã viết trong “Đạo bồ bịch”  :

Vợ là cửa cái, Bạn gái là cửa sổ.
Càng nhiều cửa sổ càng sang,
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra.
Vợ là cửa cái nhà ta,
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng.

hotel cho meoTruyện chó mèo là thế, còn nghiệp thơ văn của ông thì sao? Người viết bài này biết đến thơ ông là nhờ đọc truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Truyện bác Thiệp hay trích thơ ông, nửa đùa nửa thật, ngắn mà thâm, trầm mà ý nhị, vừa ngạo nghễ lại bóng bẩy, nhiều khi như lời tự sự ngắn gọn về đạo và đời, đọc vào tấm tắc, tưởng như phóng bút là ra thơ ngay nhưng kỳ thực quả chẳng dễ dàng ^^ Xin mạn phép điểm qua một vài bài thơ đặc sắc của ông, bình luận và suy nghĩ thì xin nhường phần bạn đọc 

Vuông tròn
Ngày xưa trái đất hình vuông
Cho nên đi đứng trên đường thẳng hơn
Bây giờ trái đất hình tròn
Cho nên bao kẻ lom khom định bò.

Tu
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!

Mê ngộ
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!

Khi yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!


Mê là mê theo cách mê của người
Ngộ là mê theo cách mê của mình.

Tự do
Tự do sướng nhất trên đời
Tự lừa lại sướng hơn mười tự do!

Tại sao?
Trẻ thơ mở trí nhìn đời
Cho nên luôn hỏi những lời: Tại sao?
Người lớn nhắm mắt ra vào,
Nhờ người dắt hộ, “Tại sao” không cần!

Bịt tai
Muốn bịt hết miệng trần ai
Hãy bịt ngay chính lỗ tai của mình.

Yêu
Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu, có thế thôi…

Nợ
Nợ tiền trả hết là xong,
Nợ tình càng trả càng phong lưu tình.

Đời người
Đời người như tốt qua sông
Tiến ngang, tiến dọc chứ không được lùi.

Sang, về ?
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến,người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang

Tu
Trốn chợ lên đỉnh núi tu,
Họ bê cả núi hoang vu về phường.
Tiếng chuông vào phố lạc đường,
Sư già khất thực, luôn mồm “Thanh-kiu”

Nhân Cảnh
Ngồi nhìn non bộ đứng im,
Ngắm cá trong chậu, xem chim trong lồng.
Cây si bẻ quặt uốn cong,
Còn mình tự nhốt vào trong lẽ đời.

Ly thân
Vì yêu tha thiết con người,
Cho nên mới lánh về nơi không người.
Quạnh hiu ngay giữa đất trời,
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương.

Con ta không phải của ta
Tai họa của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con
Con ta không phải của ta vì nó không phải của nó.
Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai!
Làm thơ anh chỉ nghiệp dư
Hội thơ chuyên nghiệp họ chưa cho vào
Yêu em anh cũng nghiệp dư
Hội yêu chuyên nghiệp họ chưa cho vào!

Độc thân
Những người quyết chẳng lấy ai
Là người chỉ quyết một hai lấy mình
Tương tư trong mọi mối tình
Là tương tư chính bóng hình của ta.

Tự hiểu
Nếu mình tự hiểu được mình,
Trương Chi đâu có thất tình Mỵ Nương.
Nếu mình tự hiểu quê hương,
Thì Từ Thức chẳng lạc đường trần gian.

Tình đầu
Tình nào cũng mối tình đầu,
Không ai đến được nơi đâu hai lần.
Không gì cũ như mùa xuân,
Mỗi khi xuân đến vẫn lần đầu tiên.

Gần chùa gọi bụt bằng anh,
Anh hùng nhìn mãi cũng thành thường thôi.
Tiên nữ cũng chỉ là người,
Từ Thức yêu chán bỏ trời về quê

Tri âm
Mới yêu nhìn đã tri âm,
Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây.
Nói toàn ngoại ngữ với nhau,
Không người phiên dịch, ngẫm đau nhân tình.

Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn.

Chỉ là những câu nói tưởng chừng như bâng quơ chợt đến, chợt đi; thơ Nguyễn Bảo Sinh thực sự độc đáo và lý thú  Chơi chó mèo, sáng tác Huyền thi, làm chủ Vô vi quán; người khách giang hồ này rất đáng cho người ta nể phục và ghen tị 

—-
Một vài bài mới sưu tầm được:

Nhân duyên
Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc, hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên

Danh
Trăng qua cửa sổ trăng vuông
Gió dẹt mình xuống để luồn mái tranh
Con người muốn lọt vào danh
Thì mình phải tự ép thành cái tên.

Chúc nhau
Mời nhau ăn tiệc ăn nằm
Mấy ai khao bạn bữa ăn khí trơi
Chúc nhau chúc đủ mọi lời
Mấy ai chúc bạn thành người tốt hơn.

Nghĩ và lo
Nghĩ về con kiến nó bò
Chẳng lo về nỗi con bò trắng răng
Nghĩ về cái đẹp ánh trăng
Đừng lo thằng Cuội, ả Hằng với nhau

Thơ
Khi ngồi tên lửa lên trời
Làm thơ lại kém cái thời cưỡi trâu
 

Khỏa thân
Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm.
Ai ai cũng sống khỏa thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người.

Vu vơ
Yêu và ghét đều giống nhau
Lý do đừng hỏi trước sau làm gì
Chỗ đến là chỗ để đi
Lý do yêu ghét không gì khác nhau.

Cố tình
Chùa to Phật có to đâu
Phải chi tốt lễ dễ cầu Phật thương
Cố tình đốt quá nhiều hương
Khói xuống Âm phủ, Diêm Vương phạt tiền

Hữu tình
Trời xanh xanh biếc vô tình
Cho nên trời chẳng như mình già đi
Vô tình trẻ mãi làm chi
Hữu tình dù có già đi cũng tình

Tuyệt đỉnh
Tuyệt đỉnh vinh quang tận cùng cay đắng
Khi quay nhìn không một bóng thân thương
Đành ôm trong lòng một vầng trăng khuyết
Để nhớ về những giấc mộng đế vương

Thua
Tiến lên vào cái ống đời
Sao bằng lùi lại giữa trời thảnh thơi
Vật nhau trong cái ống đời
Sao bằng thua cuộc về ngồi ngắm mây

Đạo vợ chồng
Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ diều trong tay
Đừng già néo, kẻo đứt dây
Thả chùng xuống, để diều bay đúng tầm

Chôn hoa
Người thường thấy cánh hoa rơi
Hai chân di nát không chơi hoa tàn
Mấy ai khóc mộ hồng nhan
Mấy ai gom cánh hoa tàn để chơi

Tù tại tâm
Bước vào một chốn lao tù
Mắt nhìn không thấy, tay sờ không ra
Tù trong bộ não của ta
Cửa mở mà chẳng biết ra lối nào

Bể khổ
Đời là bể khổ mênh mông
Sao ai cũng muốn sống trong bể đời
Quy tiên là được lên trời
Sao ai cũng muốn sống đời trần gian

Đá bóng
Trong vạn biến có một điều bất biến
Đội chủ nhà không đoạt cúp FIFA
Trước 7 tỉ người trọng tài gian dối
Thì trách gì lời nói giữa đôi ta

Cực lạc
Tây trúc nào biết ở đâu
Cực lạc chỉ ở trong câu thơ này
Trông lên mình chẳng bằng ai
Trông xuống lại thấy chẳng ai bằng mình

Ngũ thập tri thiên mệnh
Thân còn nằm dưới mái nhà
Hồn tri thiên mệnh thăng hoa giữa trời
Như sen nằm dưới bùn đời
Vươn lên mặt nước giữa trời nở hoa

Vô cớ
Vô cớ mua dây buộc mình
Thì đành nhờ cái vô tình gỡ ra
Tự nhiên buồn đến với ta
Tự nhiên buồn sẽ đi ra khỏi mình

Đôi ta
Tuy kiếp trước không duyên nhưng nợ
Nên đôi ta thành vợ thành chồng
Bao giờ hết nợ tơ hồng
Trời cho đôi lứa mặc lòng yêu ai

Phía trước
Bọ ngựa rình bắt ve sầu
Biết đâu chim sẻ đằng sau bắt mình
Mải tìm danh lợi, gái xinh
Biết đâu cái họa đang rình bắt ta

Thừa
Dạy đĩ vén váy làm gì
Phò mã tốt áo khen chi thêm thừa
Thế gian tranh cãi thắng thua
Vô ngôn trời chẳng nói thừa một câu

Tự trào
Lã Bất Vi buôn cả vua
Hồ Xuân Hương chửi cả chùa lẫn sư
Bọn họ gan lớn mật to
Còn ta gan bé nằm lo sập trời

Cảm ơn
Đừng trách đời làm khổ ta
Ta làm khổ họ gấp ba bốn lần
Nên khi nhắm mắt lìa trần
Chỉ xin được nói một lần: Cảm ơn!

Vô đề
Muốn đừng để đời chửi ta
Thì đừng cố bắt người ta khen mình

Vô đề
Cung phi ngủ với con trời
Chứ đâu ngủ với cái tôi của mình
Càn Long rời bỏ cung đình
Để đi tìm những mối tình không vua

Kín-hở
Có hở thì mới biết che
Nếu mà bịt hết còn nghe thấy gì

Sách đỏ
Diệt hết sinh vật của trời
Chắc chắn sách đỏ tên người được ghi

Vô đề
Hiện đại mà không thiên nhiên
Loài người sẽ tới chỗ điên chỗ khùng
Thiên nhiên hoang dã tận cùng
Loài người cũng đến chỗ khùng chỗ điên.

Đường lên Tây trúc
Đường lên Tây Trúc quanh co
Chỗ rẽ không biển báo cho rõ ràng
Nhiều khi tưởng đến thiên đàng
Xuống nhầm địa ngục, nghĩ càng đớn đau.

Thay lời tựa
Tôi tu với vợ tại gia
Vợ dài dằng dặc đâu là bến mơ
Khi tình khi ý cùng thơ
Đường trơn gánh thực, gánh hư trĩu đầy
Nằm mơ trên tấm thân gầy
Gánh vàng đi đổ lấp đầy sông mê
Văn đâu tải đạo, văn là đạo
Nước đâu chở sóng, nước là sóng

Như ta
Cho ta về chỗ gió mưa
Cho ta về chỗ có trưa có chiều
Về nơi có ghét có yêu
Nắng, mưa, yêu, ghét sớm chiều như ta

Đôi bờ
Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sóng chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời

Vô đề
Hoàng đế khi đã ngồi tù
Cai ngục chỉ gọi là đồ phạm nhân
Đã vào đến động mại dâm
Ông lão cứ được gọi nhầm là anh

Gái quê
Lên tỉnh ai cũng bảo quê
Về làng cả xóm lại chê thị thành
Xót xa thân phận, thôi đành
Nửa quê nửa tỉnh chòng chành thân em

Thời
Nhân gian trong một chữ thời
Kẻ nào đi trước thành người đến sau
Sao cho vẫn cứ cùng nhau
Vừa đi được trước, vừa sau mọi người

Lời sống
Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông

Thời gian
Kẽ hở pháp luật lẽ hằng
Thời gian mới thật công bằng mà thôi
Dù là vua chúa phật trời
Mỗi năm thêm một tuổi đời như ta

Lên chùa
Vào chùa lễ phật thấy sư
Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng
Miệng cầu sắc sắc không không
Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi

Nhẫn cưới
Trao nhau nhân cưới ước mong
Đeo vào bỗng hóa thành vòng kim cô
Lại mong lại ước lại chờ
Tháo ra rồi lại ước mơ đeo vào


Tôi đi cuối đất cùng trời
Tìm mua thuốc ngộ chữa người đang mê
Tôi đi thủy tận sơn khê
Chữa cho người ngộ ta mê thật rồi

Thực hư
Kinh đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khóa cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm

Buông ra
Ôm vào rồi mới buông ra
Có ôm thật chặt mới rời thật xa
Ngẫm xem trong cõi người ta
Có là Thái tử, mới là Như lai

Quên
Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới, mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết mây trời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì

Nghịch cảnh
Rửa tay, gác kiếm gặp ma
Đem cả áo giấy cà sa mặc vào
Tóc bạc lại gặp má đào
Hoàng bào, áo giấy, mặc vào cà sa

Chiếc lược
Cây muốn lặng gió chẳng đừng
Trách ai đem chiếc lược sừng tặng sư
Khiến lòng sư những ngẩn ngơ
Nửa mong mọc tóc, nửa lo trọc đầu

Bụt nhà
Phải đi đến tận biển xa
Mới thấy cái đẹp ao nhà của ta
Phải đi lễ chùa đủ xa
Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng

Trăng
Nếu trăng cũng chết như đời
Thì ta đâu thấy kiếp người phù du
Vì trăng sống mãi ngàn thu
Cho nên càng thấy phù du kiếp người

Thông
Làm thông ngay giữa kiếp người
Làm người lại đứng giữa trời như thông
Lá reo tiếng hạc từng không
Vi vu nào biết là thông hay người

—-