Monday, November 30, 2009

Từ giải Nobel đến “nổ súng” vào Kinh Dịch - Prof. Dương Chấn Ninh

- Hàng năm cứ đến mùa công bố giải Nobel vào đầu tháng 10, dư luận Trung Quốc lại ồn ào tranh cãi những vấn đề hầu như muôn thủa: Vì sao Trung Quốc mãi chưa có giải Nobel? Lỗi tại đâu? Trung Quốc có cần giải Nobel hay không? 

Tranh cãi sôi nổi thêm vì tiếp sau năm ngoái, năm nay lại có một người Hoa được tặng giải Nobel Vật lý – ông Cao Côn (Charles Kuen Kao), sinh tại Thượng Hải, từng sống ở HongKong, mang hai quốc tịch Anh và Mỹ.

Như vậy cả thảy đã có 10 người Hoa nhận giải Nobel, nhưng họ đều không mang quốc tịch Trung Quốc (để so sánh: Nhật có 16 người đoạt giải Nobel tuy số dân chỉ bằng 1/10 TQ; Hungary 10 triệu dân có 10 giải Nobel). Rõ ràng người phương Tây vẫn "thống trị" giải Nobel.

 

Người phương Tây vẫn thống trị giải Nobel
Người phương Tây vẫn thống trị giải Nobel. Ảnh IE

Dường như Trung Quốc quá bận tâm tới việc họ có được giải Nobel hay không, thậm chí còn nói giải Nobel là nỗi đau muôn thủa của họ. Trong khi đó người các nước khác, kể cả Việt Nam, lại không như vậy.

Có thể thông cảm với nước lớn phương Bắc rất trọng thể diện này: có nền văn minh lâu đời nhất nhì thế giới, dân chiếm 1/5 nhân loại, 60 năm qua giành được biết bao thành tựu vĩ đại, thế mà mãi vẫn chưa có giải Nobel danh giá – điều này xem ra khó coi quá, e rằng vì thế mà người ta có thể nghĩ gì xấu về Trung Quốc chăng?

Những người châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc vào thế kỷ XV phát hiện thấy xứ này rất lạc hậu về khoa học kỹ thuật (KHKT). Từ giữa thế kỷ XIX, sau khi Trung Quốc tiếp xúc quy mô lớn với phương Tây, giới trí thức Trung Quốc cũng bàn cãi nhiều về sự lạc hậu ấy.

Phùng Hữu Lan quy kết đó là do các khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu, tư tưởng triết học, giá trị quan. Vương Tấn đổ lỗi cho sự chuyên chế của chính quyền phong kiến và chuyên chế về học thuật (thí dụ Kinh Dịch và nhiều kinh điển khác được coi là toàn năng, chứa đựng toàn bộ trí thức). Lương Khải Siêu cho là tại chế độ khoa cử dựa vào trình độ giỏi văn bát cổ để chọn người làm quan...

Nhiều học giả nước ngoài cũng quan tâm vấn đề trên. Năm 1953 Einstein nói đại ý Trung Quốc tụt hậu là do nước này không có hai nền tảng của sự phát triển KHKT – hệ thống logic hình thức (formal logical system) và công tác thực nghiệm khoa học nhằm phát hiện quan hệ nhân quả [1]. Bởi vậy Trung Quốc không có khoa học cận đại, chỉ có kỹ thuật nhưng đó cũng chỉ là kỹ thuật kinh nghiệm chứ không phải là KHKT.

Tiếp đó Joseph Needham (1900-1995) một nhà khoa học Anh rất ngưỡng mộ văn minh Trung Quốc chính thức nêu câu hỏi: tại sao văn minh Trung Quốc từng dẫn đầu thế giới một thời gian dài nhưng từ thế kỷ XVI lại tụt sau văn minh phương Tây? Câu hỏi này khiến người Trung Quốc tranh cãi suốt cho tới nay vẫn chưa tìm được giải đáp nhất trí, vì thế họ gọi là Nan đề Needham (Needham's Grand Question).

Trung Quốc 60 năm qua đã hết sức cố gắng phát triển KHKT, trước hết là KHKT quân sự và thám hiểm vũ trụ, làm được bom hạt nhân, tên lửa, máy bay chiến đấu hiện đại, tàu ngầm nguyên tử ...và là một trong số ít nước thám hiểm vũ trụ, đưa vệ tinh lên tận Mặt Trăng.

Nhưng họ cũng thừa nhận là về KHKT còn kém các nước phát triển một khoảng cách. Tại sao sự lạc hậu ấy lại kéo dài cho tới nay, tuy Trung Quốc không đến nỗi thiếu tiền (nhất thế giới về dự trữ ngoại tệ, và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ)? Chắc hẳn phải có những nguyên nhân nằm ở tầng sâu lịch sử, tức khiếm khuyết của nền văn hoá truyền thống.

Năm 2004 nhà khoa học Dương Chấn Ninh [2] trình bày tại Bắc Kinh bản báo cáo Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa Trung Quốc, được truyền thông nước này đăng tải dưới tít Dương Chấn Ninh nổ súng vào Kinh Dịch và đã gây phản ứng lớn trong dư luận Trung Quốc.

Họ Dương tóm tắt nội dung những người đi trước đã bàn thảo thành 5 lý lẽ giải thích vì sao khoa học cận đại không nảy sinh ở Trung Quốc: 1) Văn hóa Trung Quốc có truyền thống nhập thế (can dự vào việc thế gian; là quan điểm của Nho giáo) chứ không xuất thế (không tham gia các hoạt động của thế gian; như quan điểm của đạo Phật); tức chỉ chú trọng thực tế mà coi nhẹ cấu trúc lý luận trừu tượng. 2) Chế độ khoa cử (dùng thi cử để tuyển chọn quan chức). 3) Không coi trọng kỹ thuật. 4) Tư duy truyền thống của Trung Quốc không có phương pháp suy diễn. 5) Văn hoá truyền thống Trung Quốc áp dụng quan niệm triết học thiên nhân hợp nhất.

Theo ông, hai lý lẽ sau cùng có liên quan chặt chẽ với Kinh Dịch.

Suy diễn và quy nạp là hai phương pháp tư duy không thể thiếu trong khoa học cận đại. Quy nạp là sự suy lý từ tiền đề cụ thể chuyển tiếp tới kết luận có tính khái quát. Nó có chức năng khái quát tình hình chung và suy đoán kết quả trong tương lai, kết luận của nó đều vượt quá phạm vi của tiền đề.

Ngược lại, suy diễn (hoặc diễn dịch) là sự suy lý từ tiền đề có tính chung chung chuyển tiếp tới kết luận cụ thể; kết luận của nó không vượt quá phạm vi của tiền đề. Quy nạp là tinh thần xuyên suốt Kinh Dịch; bởi thế văn hóa truyền thống Trung Quốc chỉ có phép quy nạp mà không có phép suy diễn, đồng thời cũng không chú ý logic và trình tự thuyết lý, mà đòi hỏi người đọc tự hiểu ra kết luận cuối cùng.

Quan niệm triết học Thiên nhân hợp nhất bắt nguồn từ Kinh Dịch: mỗi quẻ đều bao hàm đạo trời, đạo đất và đạo người; coi quy luật của trời và quy luật của người là một; trong khi đó khoa học cận đại đòi hỏi phải thừa nhận thế gian người có quy luật và các hiện tượng phức tạp riêng, khác với "Trời" (giới tự nhiên); hai chuyện ấy không thể hợp làm một như quan điểm của Kinh Dịch.

Kinh Dịch là kinh điển được Trung Quốc coi là quốc bảo, là Sách Trời, là nguồn gốc nền văn minh Trung Quốc. Nhiều người Hoa cho rằng toàn bộ các khám phá khoa học hiện có và chưa có đều đã được viết sẵn trong Kinh Dịch, chỉ đợi phát hiện; vì thế dựa vào kinh điển này, Trung Quốc sẽ bá chủ thế giới! Thế mà giờ đây Dương Chấn Ninh cho rằng vì tư tưởng và phương pháp của sách ấy hoàn toàn xa lạ với khoa học, nên khoa học cận đại không ra đời tại Trung Quốc.

Ông phát biểu: Có nhiều người Trung Quốc đi đâu cũng nói bừa, hoặc bảo trong Kinh Dịch có hạt giống của khoa học cận đại, hoặc bảo Kinh Dịch dẫn đường cho khoa học phát triển. Những thói mê tín truyền thống có vô vàn mối liên hệ với Kinh Dịch như phong thủy, bói toán, cảm ứng trời người, vu thuật ... trong khi được dựng lên từ đống tro tàn lại còn khoác cái áo khoa học; có người nói đấy là những "khoa học mới", "khoa học tiềm ẩn", nói Kinh Dịch là trước tác khoa học đi trước thời gian, chứa nhiều phát kiến khoa học lớn như cơ học lượng tử, thuyết tương đối, lý thuyết máy tính, mật mã di truyền... Có người muốn dùng Kinh Dịch để chỉ đạo nghiên cứu khoa học, để dự báo khí tượng, để đề xuất "mô hình nguyên tử thái cực", suy ra "hệ mặt trời có 14 đại hành tinh" ...

Quan điểm của Dương Chấn Ninh cũng giống ý kiến của Einstein và một số nhà khoa học Trung Quốc trước đây, nhưng ông đi sâu quy kết vào ảnh hưởng của Kinh Dịch. Dương Chấn Ninh nhấn mạnh ông không hề công kích triết học truyền thống Trung Quốc; ông nói nội hàm của thiên nhân hợp nhất không chỉ có nội ngoại nhất lý (nội: sự việc của đời người; ngoại: sự việc của thiên nhiên; nhất lý: quy nạp hai cái này làm một thể) mà còn có cái quan trọng hơn, là thiên nhân hòa hài (trời người hài hòa), một yếu tố có ảnh hưởng cực kỳ lớn tới tư duy truyền thống và xã hội Trung Quốc, quan trọng hơn cả việc khoa học cận đại không xuất hiện tại Trung Quốc. Nhất là gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức đề cao xã hội hài hòa, coi là một yếu tố để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng.

Các nhà Quốc học, Dịch học cho rằng Dương Chấn Ninh đã "nổ súng" vào Kinh Dịch, như vậy ông đã trở thành kẻ "ly kinh phản đạo". Họ xúm vào phê phán ông, nhưng nhìn chung các phê phán ấy thiếu cơ sở lý luận, chủ yếu chê ông không hiểu Kinh Dịch mà làm ra vẻ hiểu, nói toàn những lời ngoại đạo. Có người moi chuyện ngày xưa ông vào quốc tịch Mỹ, chuyện ông 82 tuổi lấy vợ 28 tuổi để chê ông không yêu nước, không đứng đắn – dù trước đây khi ông về giúp Trung Quốc phát triển KHKT họ hết lời ca ngợi ông là nhà yêu nước, là Einstein của Trung Quốc.

Nhà Dịch học nổi tiếng Lưu Đại Quân nói báo cáo của Dương Chấn Ninh "có rất nhiều sai lầm thường thức" và nêu thí dụ: "Chu Dịch là bộ sách bói toán sớm nhất mà phương pháp bói toán thì dựa vào sự suy diễn, cử nhất phản tam (nêu một suy ra ba), sao có thể nói là không có phương pháp suy diễn? Ngoài ra, Chu Dịch là cuốn sách có giá trị phổ quát toàn thế giới; từ góc độ ấy có thể thấy đây cũng là một sự suy diễn nghĩa rộng."

Nhưng theo nhà khoa học Phương Châu Tử thì phép suy diễn Dương Chấn Ninh nói là sự suy lý logic, từ một số mệnh đề chung chung đã thành lập mà suy ra các kết luận đặc biệt, thí dụ trong hình học Euclid, từ tiên đề đi tới định lý sau đó đến chứng minh; nó hoàn toàn khác với cách suy diễn của bói toán trong Chu Dịch mà ông Lưu nói. Phương Châu Tử nhận xét: cũng như Einstein, Dương Chấn Ninh coi hệ thống logic hình thức là một trong những suối nguồn của khoa học cận đại và cho rằng Trung Quốc thiếu cái nguồn gốc đó.

Thực tế văn hóa truyền thống Trung Quốc chẳng những thiếu phép suy diễn chặt chẽ hợp logic mà cũng thiếu cả phép quy nạp chặt chẽ hợp logic. Dương Chấn Ninh cho rằng trong Kinh Dịch, cái gọi là phép quy nạp của "thủ tượng bỉ loại (lấy hình so loại)", "quan vật thủ tượng (xem vật lấy hình)" thực ra là phép loại suy không hợp logic dưới sự chỉ đạo của quan niệm thần bí "thiên nhân hợp nhất".

Chẳng hạn: "Khô dương sinh hoa, lão phu đắc kỳ nữ thê, vô bất lợi" (cây dương khô héo nhú mầm, ông già lấy cô gái đáng tuổi con làm vợ thì không có gì bất lợi); "Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kỳ sĩ phu, vô cữu vô dự" (cây dương khô héo nhú mầm, bà già lấy chàng trai khỏe mạnh, chẳng có hại cũng chẳng đáng khen).

Giữa các sự việc "khô dương sinh hoa" với "lão phu đắc kỳ nữ thê" hoặc với "lão phụ đắc kỳ sĩ phu",  tức giữa đạo trời với đạo người chỉ có tính tương tự mơ hồ mà không tồn tại mối quan hệ tất nhiên hợp logic; từ đó quy nạp được kết luận "vô bất lợi", "vô cữu vô dự" lại càng không thể đứng vững. Kiểu "suy diễn" như vậy chẳng qua là sự phản ánh quan niệm xã hội nam tôn nữ ty hoặc có chút lý lẽ về sinh lý, thế nhưng không có liên can gì tới suy lý logic.

Dương Chấn Ninh phản đối cách giới báo chí nói ông "nổ súng" vào Kinh Dịch và thanh minh: 80% nội dung bản báo cáo trên là ca ngợi mặt tích cực, 20% nói về mặt tiêu cực của Kinh Dịch, nhưng thiên hạ lại chỉ nhìn vào 20% ấy. Vì sao Trung Quốc ngày xưa từng đóng góp rất lớn về KHKT, thế mà khoa học cận đại lại không thể nảy mầm ở Trung Quốc?

"Tôi suy nghĩ và nhìn thấy một lý lẽ người khác trước đây ít để ý. Đó là Trung Quốc không có phương pháp suy diễn." - ông nói. Kể từ Kinh Dịch trở đi, người Trung Quốc đã không còn dùng phương pháp suy diễn nữa; chưa kể phương pháp của Kinh Dịch ngược với phương pháp suy diễn, do đó nó làm cho người Trung Quốc coi quy nạp là phương pháp tư duy duy nhất. Nếu nói tôi có một quan điểm cách mạng nào, thì đó là tôi đã vạch ra vết thương chí mạng ấy.

Cho nên người ta không thích… Phương Tây có thái độ đối với học thuật khác với Trung Quốc: chúng ta quá tôn sư trọng đạo. Tiền nhân nói gì, Khổng Tử, Mạnh Tử nói gì thì không được bình luận mà phải coi là tuyệt đối đúng. Lời thầy giáo cũng thế. Thái độ ấy quá ư thâm căn cố đế.

Mọi người đều biết, phương Tây khuyến khích nghi ngờ mọi lý thuyết hiện có. Sinh viên Mỹ học nhiều học thuyết, kể cả Marx, nhưng nhà trường không dạy học thuyết nào là chân lý duy nhất đúng. Nếu đã là tìm ra chân lý thì còn cần gì sáng tạo nữa? Thiếu tính sáng tạo là căn bệnh phổ biến của phương Đông.

Việc nhà khoa học có uy tín lớn Dương Chấn Ninh phê phán Kinh Dịch đã khiến nhiều người Trung Quốc thấy cần xem xét lại quan điểm đối với các kinh điển nói riêng và với văn hóa truyền thống Trung Quốc nói chung.

Trong cuốn Tái suy ngẫm văn hóa truyền thống Trung Quốc xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm nước CHND Trung Hoa, tác giả Tiêu Kiện Sinh nhận xét: tuy đã trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, người Trung Quốc vẫn chưa có được nhận thức tỉnh táo về lịch sử nền văn minh của mình, chưa làm rõ đâu là tiên tiến, văn minh, đâu là lạc hậu, dã man. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc lúng túng trên bước đường phát triển KHKT. Tiêu Kiện Sinh tập trung phê phán tình trạng nhất nguyên hoá của nền văn minh Trung Quốc.

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống Trung Quốc, vì thế lẽ tự nhiên chúng ta quan tâm tới việc người Trung Quốc đánh giá, kế thừa và phát huy nền văn hóa truyền thống của họ ra sao; qua đó có thể thấy được do đâu chúng ta cũng lạc hậu mãi về KHKT. Đáng tiếc là vấn đề này dường như chưa được dư luận ta quan tâm đúng mức và hăng hái bàn thảo.

Ghi chú:

[1] Nguyên văn: Sự phát triển của khoa học phương Tây dựa trên cơ sở hai thành tựu vĩ đại là các triết gia Hy Lạp (trong hình học Euclid) phát minh ra hệ thống lô-gic hình thức, và (trong thời kỳ Văn nghệ phục hưng) phát hiện thấy qua việc làm thí nghiệm một cách hệ thống có thể tìm ra mối quan hệ nhân quả. Theo tôi, mọi người chẳng nên ngạc nhiên về việc các thánh hiền TQ không thể đạt được những tiến bộ đó. [The development of Western science has been based on two great achievements, the invention of the formal logical system (in Euclidean geometry) by the Greek philosophers, and the discovery of the possibility of finding out causal relationships by systematic experiment (at the Renaissance). In my opinion one need not be astonished that the Chinese sages did not make these steps].

[2] Dương Chấn Ninh (1922-1946) du học Mỹ. 1948 tiến sĩ ĐH Chicago, ở lại Mỹ nghiên cứu khoa học. 1957 cùng Lý Chính Đạo nhận giải Nobel vật lý. Là nhà khoa học Mỹ gốc Hoa đầu tiên về TQ từ 1971, về nhiều lần giảng dạy và chủ yếu giúp đưa người TQ sang Mỹ học tập. 1994 được Viện Khoa học TQ bầu làm viện sĩ quốc tịch nước ngoài; 1998 được ĐH Thanh Hoa tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Sau khi vợ chết, cuối 2003 về TQ định cư, giảng dạy tại ĐH Thanh Hoa, tặng trường này 10 triệu USD, và lấy vợ 28 tuổi.

Sunday, November 29, 2009

Phần 1. Kinh Nghiệm Hoà Lan - Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long

Vấn đề giải quyết lụt lội và thủy lợi ở đồng bằng Cửu Long đã được tranh luận rất nhiều. Tựu trung ở Việt Nam có 2 khuynh hướng; (i) sống chung với lũ, và (ii) trị thủy chống lũ lụt. Tác giả sẽ trở lại vấn đề này trong phần tìm một giải pháp thích hợp cho Đồng bằng Cửu Long. Để có một tầm nhìn rộng lớn cho vấn đề, chúng ta hãy nhìn những kinh nghiệm về vấn đề này ở trên thế giới và ngay tại Việt Nam.

Phần 1. Kinh Nghiệm Hoà Lan (The Netherlands).

"Thượng đế tạo ra thế giới, người Dutch tạo ra nước Hoà Lan". Đó là câu nói của người Hoà Lan để tự hào về những công trình chống lụt của họ.

Khoảng 27% lãnh thổ Hoà Lan hiện nay thấp hơn mực nước biển trung bình 3 m, có chỗ thấp 7 m như ở Prince Alexander Polder. Khoảng 60% của tòan dân số 16 triệu sinh sống trên vùng đất thấp này. Ngoài ra, vào mùa lụt 70% đất đai sẽ bị ngập lụt do nước lũ từ các sông tràn ngập nếu hiện nay không có hệ thống đê dọc theo sông và phụ lưu.

Hoà Lan Vùng ngập lụt (màu sậm) nếu không có đê hiện nay

Từ ngữ Netherlands – tiếng Dutch là Nederlanden – có nghĩa là vùng đất thấp (Pays Bas). Vùng đất phía Bắc và Tây lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, nên được gọi là vùng Hạ Hòa Lan (Low Netherlands), gồm sét và than bùn (peat), chằng chịt với các hệ thống kinh đào, sông và phá (vụng biển). Phần đất phía nam và đông là vùng đất cao – vùng Thượng Hoà Lan (High Netherlands) – cao hơn mặt biển, tương đối bằng phẳng hay có đồi nhỏ, nhưng cao độ không quá 50 m, ngọai trừ ở vùng Đông Bắc có nơi cao 107 m, và vùng cao nhất là Vaalserberg (321 m) ở biên giới với Belgium.

Sông chính là sông Rhine chảy từ Đức, với nhiều phụ lưu trên đất nước Hoà Lan, như Ijssel, Waal và Lek. Phụ lưu Maas, một nhánh của sông Meuse và Schelde chảy đến từ Belgium. Các sông và phụ lưu này tạo một hệ thống sông ngòi chằng chịt chạy từ đông sang tây, và khi ra tới Biển Bắc (North Sea) tạo thành tam-giác-châu (delta) với vô số đảo nhỏ ở phía Tây Nam, hay chảy vào biển Waddezee qua biển nội địa Zuidezee. Nhờ các cổng-điều-chế-nước (locks) hiện nay trên các sông chánh hay phụ lưu, tàu bè lớn từ Biển Bắc lưu thông được tới trung tâm Châu Âu.

Đê (dykes), kinh đào (canals), đê đập (dams), cổng-điều-chế-nước, cống-thoát-nước (sluices), và phong quạt (windmills) là những phong cảnh tiêu biểu của vùng Hạ Hoà Lan. Những công trình trị thủy này được Hiệp Hội Công Chánh Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineerings) đánh giá là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.

Lãnh thổ Hoà Lan càng ngày càng được mở rộng, không phải đi xâm chiếm nước láng giềng (Đức và Belgium) mà là lấn ra biển. Trong vòng 1000 năm nay, lãnh thổ gia tăng thêm 1/5 diện tích. Người dân Hoà Lan đã phải tranh đấu với thiên nhiên, biển cả để tạo nên đất nước xinh đẹp và phồn vinh ngày nay.

Cách đây trên 2000 năm, người Frisians đến vùng này định cư và bắt đầu xây các "terpens" trên các đụn cát dọc biển, tức các đê biển đầu tiên, để chận nước biển, và biến biển thành đồng bằng. Trong các thế kỷ sau các nhà tu (monks) tiếp tục làm đê, đào kinh lấn biển.

Nguyên thủy, vùng duyên hải Biển Bắc của Hoà Lan gồm các đụn cát (dunes). Ở phía Tây Nam, các đụn đất này bị các cửa sông cắt xén thành lập các tam-giác-châu với chằng chịt sông ngòi, lạch nước. Ở phía Tây Bắc, các rạch nước biển xen kẽ với các đụn cát tạo thành dãy đảo West Frisian Islands, và bên trong dãy đảo này là một biển cạn - biển Waddenzee. Vùng này có thủy triều mạnh và gió bão, biển xâm thực mạnh nên các công trình đê và bờ biển trên các dãy đảo này dể bị phá hủy. Chính vùng bên trong của biển Waddenzee này là biển nội địa Zuiderzee (Biển Nam), có sông Ijssel, một phụ lưu của sông Rhine, chảy đến, là vùng được người Hoà Lan cải tạo trước tiên. Đây là một quá trình cải tạo kéo dài trên 2,000 năm và vẫn còn tiếp tục.

Như vậy, Zuiderzee nguyên thủy là một biển nằm trong nội địa ăn thông với biển Waddenzee, có kích thước 100 km dài và 50 km rộng, diện tích khoảng 5,000 km2, nước sâu 4-5 m, với tổng cộng bờ biển khoảng 300 km. Bên trong biển có 4 đảo nhỏ là Wieringen, Urk, Schokland và Marken. Từ nguyên thủy cách đây trên 2,000 năm, các đê biển được xây dựng ven bờ biển nội địa Zuiderzee để chận bão lụt tràn vào đất liền. Rồi với thời gian, nhiều đê được xây thêm, lấn ra ngoài biển để thêm đất thổ cư và nông nghiệp.

Ngày 14/12/năm 1287, một trận lụt lớn phá vỡ đê biển, giết khoảng từ 50,000 đến 80,000 người, và vì đất thấp hơn mặt biển, trận lụt kéo dài tới mấy chục năm cho tới khi tái tạo được hệ thống đê mới kiên cố hơn. Hàng năm, dân Hoà Lan tiếp tục củng cố lại hệ thống đê điều, xây thêm đê biển mới để biến vùng quanh vịnh thành vùng nông nghiệp, rộng lớn hơn và vững chắc hơn. Cũng nhờ trận lụt này, mà Amsterdam, từ một làng đánh cá có đê cao và vững chắc bao quanh, trở thành một hải cảng sầm uất thông thương với thế giới. Trong các thế kỷ tiếp theo, vì bão tố thường xuyên, nước biển đe dọa phá vỡ đê biển, nên ngoài việc củng cố đê cũ, các đê mới lần lượt tạo ở bên ngoài, tiến dần ra biển, và một phần biển biến thành các polders. Tuy vậy, trận lụt ngày 18/11/1421, đê biển lại bị vỡ, 72 làng bị ngập và 10,000 người chết. Các đê biển kiên cố tiếp tục xây và lấn ra biển cả, nhưng chưa được quy họach toàn bộ. Mãi tới thế kỷ 20, Hoà Lan mới thật sự quy họach phòng thủ biển cả, chống lụt do biển và sông gây ra.

Năm 1916, một trận lụt kinh hoàng xảy ra, chính phủ Hoà Lan phải xét lại kỹ thuật, quy họach lại toàn diện chương trình trị thủy, và quyết tâm thực hiện đề án biến biển vùng Biển Nam Zuiderzee thành đồng bằng an toàn với 5 polders rộng lớn, gọi là công trình Zuiderzeewerken do Cornelis Lely (1854-1929) chủ quản.

Ngày 01/02/1953, cường triều cộng với bão lớn ở Biển Bắc làm nước biển tràn qua đê làm 162,000 ha bị ngập lụt, và giết chết 1,800 người, 47,000 nhà bị phá hủy. Vì vậy, Hoà Lan thực hiện đại công trình thứ 2, ở vùng tam-giác-châu phía nam, mang tên Deltawerken (Delta Works).

Từ ngàn xưa, để đối phó với sóng biển, triều cường trong mùa bão, đê biển được xây rất cao, kiên cố, và thường có nhiều đê, đê này sau đê kia, hễ nứơc biển tràn qua đê này thì còn đê kia ngăn cản. Đê bên ngoài biển gọi là "đê bảo vệ" (wakende dijk -guarding dyke), kế tiếp là "đê ngủ" (slapende dijk - sleeping dyke), và đê trong cùng là "đê mơ" (dromende dijken (dreaming dykes).

Đại công trình Zuiderzeewerken (Zuiderzee Works).

Đại công trình kéo dài từ 1919 và hoàn thành năm 1986, với sự thành lập tỉnh mới Flevoland. Mục tiêu chánh của công trình này là bảo đảm chống lụt gây bởi Biển Bắc và tạo thêm đất nông nghiệp trong vùng biển nội địa Zuiderzee. Thay vì củng cố lại các đê cũ bao quanh biển nội địa Zuiderzee dài hơn 300 km, công trình chính quan trọng nhất là thiết lập một đê biển dài 32 km, nối liền 2 bờ của Zuiderzee, cách ly với biển Waddenzee, và biến biển Zuiderzee thành một hồ nước ngọt vĩ đại – hồ Ijsselmeer, rồi sau đó từ từ biến một phần hồ thành các polders.

Đại công trình Zuiderzeewerken

Đê Afsluitdijk dài 32 km

Xây đê Afsluitdijk.

Mục đích là tách rời biển Zuiderzee với biển Waddenzee của Biển Bắc bằng một đê biển kiên cố, và biến Zuiderzee thành một hồ nước ngọt vĩ đại mang tên hồ Ijsselmeer.

Để rút tỉa kinh nghiệm, một đê ngắn Amsteldiepdijk chỉ dài 2.5 km, nối đảo Wieringen với nội địa được xây cất trước. Phải mất 4 năm (1920-1924), đê nhỏ này mới hoàn thành, nhưng nhờ đó học được nhiều kinh nghiệm và phát minh nhiều kỹ thuật thích ứng.

Với kinh nghiệm này, công trình xây đê Afsluitdijk mới bắt đầu năm 1927 và hoàn thành năm 1932. Đê dài 32 km, rộng 90 m, cao trung bình trên mực biển là 7.25 m, có chỗ cao tới 19 m, độ dốc 25%. Với kinh nghiệm rút tỉa từ đê Amsteldiepdijk, vật liệu xây dựng đê biển tốt nhất là sét-băng-hà (till). Sét-băng-hà là trầm tích lắng tụ ngay dưới đáy biển Zuiderzee ở thời đại băng hà, gồm đá cuội, sét, cát kết chặt thành khối cứng. Dùng máy xáng múc khối sét-băng-hà từ đáy biển Zuiderzee và chở đổ thành 2 hàng song song làm tường đê, rồi dùng tàu chở đá, cát và sét đổ vào giữa 2 bức tường sét-băng-hà. Khi đê cao quá mặt biển thì được phủ một lớp sét-băng-hà dày lên trên. Và đê được tăng cường thêm bằng đá basalt và một thảm cây liễu sống để bảo vệ đáy đê. Trên mặt đê rải 1 lớp cát, và trên cùng là lớp sét và được trồng cỏ. Tổng số vật liệu xây dựng đê Afsluitdijk khoảng 23 triệu m³ cát, 13.5 triệu m³ sét-băng-hà, và trong suốt thời gian xây dựng trung bình hàng ngày có 4,000 tới 5,000 công nhân. Tổn phí xây dựng đê vĩ đại này khoảng 700 triệu Euro (theo thời giá 2004).

Song song với việc xây dựng đê biển Afsluitdijk, còn phải xây 2 hệ thống ở 2 đầu đê, gồm 2 cổng-điều-chỉnh-nước (để tàu bè di chuyển ra vào), và hệ thống tháo nước gồm 28 cống (sluices). Tiếp theo là xây dựng các polders.

Xây dưng polders

Polders là những vùng đất thấp dưới mực nước biển, lớn nhỏ tuỳ nơi, nhỏ chừng vài trăm ha, lớn có thể tới 250,000 ha, có đê bao ngạn chung quanh để ngăn chận nước biển và nước lụt. Một khi hoàn tất đê bao quanh, hệ thống kinh (canals) bên trong polders được đào để rút nước (nước mưa và nước biển xâm nhập), và nhiều hệ thống bơm nước ra khỏi polders để làm đất khô, và sau một thời gian biến thành đất trồng trọt và thổ cư, làng mạc hay thành phô. Lần lượt các polders được xây dựng, kế tiếp nhau, và tiến ra biển cả. Kể từ thiên niên kỷ 1200, xa gió (windmills) thay thế sức người và sức thú vật để bơm nước ngày đêm ra khỏi polders. Trong vòng 200 năm nay, máy bơm khổng lồ chạy điện hay diesel được thay thế.

Từ thế kỷ thứ 10, dọc theo biển đã có hệ thống đê biển do người Romans thực hiện, nhưng chưa vững chắc. Người Hoà Lan thật sự xây dựng đê và polders vào thế kỷ 19, đầu tiên với Harlemmermeer (Hồ Harlem), gần Amsterdam. Nguyên thủy đây là vùng thấp, than bùn được khai thác làm nhiên liệu và với thời gian trở thành các hồ nước (mặn), các hồ càng ngày càng lớn, và vì bị gió sóng biển mạnh làm xoi mòn bờ hồ, có cơ đe dọa Amsterdam. Các kỹ sư Hoà Lan bèn xây một bức tường đất – tức đê – và kinh đào chung quanh hồ, rồi bơm nước từ hồ qua đê đổ vào kinh, và kinh dẫn nước ra sông rồi ra biển. Hồ cạn nước và trở nên khô – polder thành hình, trở thành đất trồng trọt, chăn nuôi, xây cất nhà cửa, đường sá, thành làng mạc hay thành phố. Polder lớn nhất là tỉnh Flevoland với diện tích tổng cộng 2415 km2.

Sau khi cách ly được với biển Waddenzee nhờ đê Afsluitdijk, biển Zuiderzee nay trở thành một hồ nước hiền lành, các kỹ sư bắt đầu thiết lập các polders. Cũng vậy, một thí điểm polder được thực hiện trước để rút tỉa kinh nghiệm.

Polder Andijk chỉ rộng 40 ha được làm năm 1926 và hoàn thành 1927 để lấy kinh nghiệm.

Polder Wieringermeer. Polder lớn hơn đầu tiên là Wieringermeer, bắt đầu xây 1927, hoàn thành năm 1929, và được bơm cạn hoàn hoàn năm 1930, và bắt đầu canh tác năm 1934. Tổng công diện tích polder Wieringermeer là 308 km², diện tích thổ cư và canh tác là 195 km², với dân số sống trong polder là 13,000 người (2007). Việc xây dựng con đê biển dài 18 km gặp nhiều khó khăn, ví lúc đó đê Afsluitdijk chưa hoàn thành, nên sóng biển cản trở công việc. Việc bơm nước ra khỏi polder được thực hiện bởi 2 trạm bơm khổng lồ, một chạy bằng diesel, và trạm kia chạy điện, và một hệ thống an toàn bảo đảm máy bơm chạy liên tục, nếu hệ thống này bị hỏng, hệ thống kia vẫn có khả năng bơm nước. Hai hệ thống bơm này vẫn chưa thễ bơm hết nước, để cho đất khô được. Muốn vậy, bên trong polder phải có hệ thống kinh mương lộ thiên để thâu nhận nước rỉ từ bùn trên mặt, để dẫn tới mương chánh có trạm bơm. Một khi đất khô dần, đất bị lún sụp, có nơi lún tới cả thước. Một khi đất đã đình đậu, không bị lún sụp nữa, hệ thống mương nhỏ lộ thiên được thay thế bằng ống thoát nước ngầm đặt trong lòng đất. Để biến thành đất canh tác, khi đất chưa thoát thủy hoàn toàn, khi còn bùn, hạt giống cỏ sậy (Phragmites australis) được máy bay gieo rải. Thảm cỏ sậy giúp đất khô nhanh, hệ thống rể giúp cải tạo kiến trúc đất, và ngăn các lọai cỏ dại khác mọc. Khi đất vừa khô, đốt cỏ sậy và gieo cải dầu (oilseed rape, Brassica napus). Năm thứ 3, mới bắt đầu gieo lúa mì (wheat), năm 4 lúa mạch (barley) và năm 5 lúa oat. Bắt đầu năm thứ 6, nông gia có thể canh tác hoa màu khác, tuỳ ý. Với kinh nghiệm tích lủy, các polders lớn khác lần lượt được xây dựng.

Noordoostpolder (Northeast-polder). Vì khó khăn tài chánh, polder này bắt đầu thực hiện năm 1936. Gồm 2 đê, dài tổng cộng 55 km. Thế chiến bùng nổ, công tác bị đình trệ, cho tới cuối năm 1940 các đê mới hoàn thành, thoát nước hoàn tất vào tháng Chín năm 1942, và 480 km2 đất mới được tạo thành.

Flevolands. Công tác xây dựng các polders khác bị đình trệ bởi Thế Chiến II. Sau thế chiến, công trình tiếp tục với các polders vĩ đại hơn, rộng 1000 km², nay trở thành tỉnh Flevoland. Đầu tiên polder Đông Flevoland được thành lập trứơc, bắt đầu năm 1950 và hoàn thành 1956, với diện tích 540 km², cách ly với đất liền bởi một kinh đào, và bao quanh bởi một con đê dài 90 km. Việc bơm nước nhờ vào 3 trạm bơm, 1 chạy diesel, và 2 chạy điện. Polder Nam Flevoland xây dựng từ đầu 1959 và hoàn tất 1967, với con đê dài 70 km, có diện tích 430 km², với chỉ một trạm bơm diesel. Ngày 01/01/1986 Hoà Lan có thêm một tỉnh Flevoland mới, do xáp nhập polder Đông và Nam Flevoland với một phần đất polder Đông Bắc của công trình Zuiderzee. Tỉnh Flevoland có diện tích đất là 1,419 km², với cư dân 370,000 (năm 2005) và 6 thành phố lớn. Thủ đô của tỉnh là Lelystad, đặt theo tên của vị cha đẻ công trình là Cornelis Lely (1854-1929).

Polder Markerwaard. Bắt đầu thực hiện năm 1963, bằng một đê dài 28 km mang tên đê Houtribdijk hay Markerwaarddijk, chia hồ IJsselmeer làm 2 phần, phần phía bắc vẫn mang tên hồ Ijsselmeer (rộng 1250 km2), hồ phía nam con đê mang tên Markermeer (rộng 700 km2). Việc thực hiện tiếp bị đình chỉ vì thấy chưa cần thiết. Đê Houtribdijk hiện làm một xa lộ nối liền đông và tây xuyên qua hồ Ijsselmeer, và vùng Markerwaard hiện nay là vùng nghĩ hè và bão tồn sinh thái.

Đại công trình Deltawerken (Delta Works)

Song song với đại công trình Zuiderzeewerken (1919-1986), chính phủ Hoà Lan thực hiện công trình Delta (1950-1997) trên Tam Giác Châu thuộc phụ lưu sông Rhine – Meuse ở Tây Nam Hoà Lan. Công trình gồm việc thực hiện đê đập, đê biển, đê-chống-bão, cống-thoát-nước, và cổng-đều-chỉnh nước cho tàu bè thông thương. Nhờ vậy, tạo được nhiều hồ chứa nước ngọt, rút ngắn đường giao thông và đê duyên hải, nên công tác bão trì trong tương lai sẽ ít tổn phí và dễ dàng hơn việc bão trì nhiều hệ thống đê cũ chạy ngoằn nghèo ở bên trong. Tổng cộng tổn phí khoảng 6.81 tỉ Euro. Cũng nhờ thực hiện công trình Deltawerken, nhiều kỹ thuật làm đê mới được áp dụng, và nhiều tàu đựơc đóng chỉ dành cho kỹ thuật tân tiến này. Rottendam là hải cảng lớn nhất thế giới mà hàng hải là ngành kinh tế hàng đầu của Hoà Lan. Ngoài ra, khoá kín biển sẽ làm hư hại môi trường bên trong tam-giác-châu. Để duy trì tàu bè thông thương nhộn nhịp, và ngành ngư nghiệp nội địa không bị ảnh hưởng, các kỹ sư thủy lợi phải thiết kế lại các cổng-điều-chỉnh-nước, cống-tháo-nước, cầu, v.v. để thế nào nước biển của Biển Bắc thông thương được với hồ nước nội địa, tàu bè có thể qua lại dễ dàng, cá hồi (salmon) có thể di chuyển vào ra để sinh sản, v.v., nhưng khi cần thì có thể khoá kín hoàn toàn, không cho lụt biển, triều cường xâm nhập nội địa. Cũng như công trình Zuiderzeewerken, để rút tỉa kinh nghiệm và thử nghiệm kỹ thuật mới thiết kế, các kỹ sư thủy lợi bắt đầu thực hiện trước những dự án nhỏ, dễ dàng nhất ở công trình Deltawerken.

Đại công trình Deltaweerken

Năm 1950, 2 cửa vịnh nhỏ ở Brielle và Vlaardingen được chắn đê biến thành hồ nước.

Tiếp theo là khoá cửa vịnh Oosterschelde, Haringvliet và Grevelingen bằng một con đê biển dài 700 km. 17 cống-thoát-nước trên đê Haringliet có khả năng tháo 21,000 m3/giây. Hai cửa Vịnh ở Nieuwe Waterweg và Westerschelde được tàu bè thông thương đến Rotterdam và Antwerp nhờ các cổng-đều-chỉnh-nước tân tiến. Đê dọc thủy lộ này cũng được nâng cao hơn và vững chắc hơn. Đồng thời các công trình xa lộ, cầu cống trong vùng này được xây dựng hay tái thiết. Vì áp lực của nhóm bảo vệ môi trường và các nông dân nuôi sò, thay vì biến hồ Oosterschelde thành hồ nước ngọt, nay phải để nước biển chảy vào, vì vậy các cống-chống-cường triều được thiết kế lại. Bình thường, các cống này mở để nước biển chảy vào, hay rút ra theo thủy triều, nhưng khi có bão, khi cường triều cao quá 3 m trên mực biển, thì tự động các cống-chống-cường-triều đóng kín.

Kỹ thuật mới được áp dụng khi làm đê Braakman. Vùng này có thủy triều cao, với dòng hải lưu chảy mạnh, đê bình thường không thực hiện được vì bị trôi. Dùng các khối vuông rỗng bằng ximăng cốt sắt tiền chế –gọi là phoenix caissons- xếp thẳng hàng, đổ cát đầy rồi trét kín mặt với ximăng. Sau đó, đê được xây trên khối ximăng chứa cát tiền chế này.

Công trình Delta hoàn thành năm 1997, sau gần 50 năm thực hiện, và đó là công trình chống lụt biển lớn nhất thế giới, tổng cộng 16,493 km đê biển, gồm 2,415 km đê chánh và 14,077 km đê phụ, với tổng cộng 15 công trình chính.

Vì hiệu quả hâm nóng toàn cầu, với nguy cơ nước biển dâng cao, đồng thời với nền móng nước Hoà Lan đang sụp lún, chánh phủ Hoà Lan từ 1996 đang tăng cường làm cao thêm với nền móng đê vững chắc hơn cho khoảng 400 km đê hiện hữu và phải hoàn thành năm 2015.

Chống ngập lụt do sông

Sông Rhine khi vào lãnh thổ Hoà Lan chia thành nhiều phụ lưu, quan trọng là Ijssel chảy vào Zuiderzee (nay là hồ Ijsselmeer), và Waal cùng với sông Maas (phụ lưu của sông Meuse) chảy vào Tam-Giác-Châu phía nam.

Từ ngàn xưa, để ngăn lụt từ nước các sông này dâng cao trong mùa mưa lũ (mùa đông), mỗi một bên bờ sông xây 2 đê kiên cố. Đê kế dòng sông gọi là "đê-mùa-hè" (mùa có ít mưa, lụt), có nhiệm vụ ngăn lụt nhỏ, nếu có, trong mùa hè; và đê bên ngoài là "đê-mùa-đông" (mùa lũ lụt chính), là đê chánh, cách xa sông, có nhiệm vụ không cho nước lũ tràn vào đồng hay vào các polders. Trong mùa hè, khoảng đất giữa 2 đê-mùa-hè và đê-mùa-đông khô ráo, dùng làm đồng cỏ hay canh tác, nhưng vào mùa đông, nó trở nên ngập lụt và khoảng đất giữa 2 đê-mùa-đông thành một dòng sông lớn, nhờ vậy làm giảm sức chảy tránh phá vỡ bờ đê (đê-mùa-đông) gây lụt.

Vùng ngập lụt do sông ở Hoà Lan hiện nay

Ngày 02/02/1995, mưa lũ ở Pháp và Đức làm sông Rhine và Meuse ngập lụt, nước sông Rhine tại Lobith (biên giới với Đức) dâng cao 13.48 m trên mực biển. Chính quyền sợ rằng các đê dọc các sông này trong lãnh thổ Hoà Lan không thễ chống cự nổi với áp lực nước ở thượng lưu nên phải ra lệnh 250,000 dân ở vùng Đông và trung tâm Hoà Lan phải di tản. Mặc dầu không bị vỡ đê, hay nước tràn qua đê, chính phủ Hoà Lan lập tức có chương trình khẩn cấp 1.2 tỉ USD để củng cố lại hơn 800 km hệ thống đê dọc sông và dự trù phải hoàn thành trước 2008. Nếu các đê này vỡ, 70% lãnh thổ Hoà Lan sẽ chìm ngập dưới 6 m nước.

Với hệ thống đê biển và đê sông hiện tại, các kỹ sư thủy lợi Hoà Lan cam đoan rằng dầu mực nước biển có dâng cao thêm 1 m và với vũ lượng gia tăng thêm 25% ở Tây Âu do hậu quả hâm nóng toàn cầu, Hoà Lan sẽ vẫn an toàn. Tuy vậy, chính phủ Hoà Lan lúc nào cũng cảnh giác vấn đề nghiêm trọng này.

Tái tạo sinh môi.

Với hệ thống đê biển vững chắc, nước mặn không còn xâm nhập vào nội địa, sinh môi vùng nước mặn, nước lợ bị hủy họai. Hồ Grevelingen trở thành nước ngọt khi con đê biển Brouwerdam dài 6 km hoàn thành (1971), động và thực vật nước mặn bị hủy diệt. Vì vậy, năm 1978 một cống nước được thiết lập trên đê này để nước biển thông thương lại với hồ, nhờ vậy môi trường biển được tái tạo và động thực vật biển được tái sinh trong hồ này. Cũng vậy, việc tái tạo môi sinh cũng được thực hiện ở Hồ Haringvliet

Giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Sông Rhine bị ô nhiễm rất nặng, mà Hoà Lan ở hạ lưu nên nhận nhiều hậu quả, nhất là ở Hồ Ketelmeer. Để giải quyết vấn đề này, các kỹ sư Hoà lan làm một đê vòng tròn, đường kính 1 km ở giữa Hồ Ketemeer, đê cao hơn mặt nước hồ 10 m, bên trong đào sâu 45 m, vách đê bên trong được hàn kín. Polder đặc biệt này dùng để chứa các chất thải do xáng múc từ hồ.

Nếu không có hệ thống đê biển và đê sông, 70% lãnh thổ Hoà Lan sẽ chìm sâu 6m khi có lụt do biển hay sông. Người Hoà Lan đã phấn đấu liên tục trên 2,000 năm nay để có một đất nước giàu đẹp hiện nay. Chính phủ, quốc hội, nhân dân, các nhà khoa học, nông gia, các nhà bảo vệ môi trường, v.v. cùng ngồi chung với nhau để giải quyết việc sống còn của đất nước họ. Vì vậy không có nhiều mâu thuẫn chính trị, xã hội, kinh tế trong vấn đề giải quyết vấn đề lụt lội ở Hoà Lan. Tất cả đều nhắm đến tương lai lâu dài cho một đất nước Hoà Lan phồn thịnh.

Reading (UK), 07/01/2008

Trần-Đăng Hồng

(còn tiếp)

Phần 2. Kinh nghiệm Mississippi

Monday, November 23, 2009

Bàn về tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS-Nguyen Van Tuan


Hôm kia, tôi có viết trong entry về kết quả phon hàm GS/PGS rằng người trẻ tuổi nhất là 32 tuổi. Hôm nay, qua Tuổi Trẻ tôi mới biết người đó là một nhà khoa học máy tính (“Phó giáo sư 31 tuổi: học xong về nước ngay”). Nhưng chẳng hiểu sao máy tính của tôi “nó” tính chẵn là 32 tuổi, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là đợt này có người tuổi trẻ tài cao được phong hàm PGS. Điều đáng nói là anh này cũng học từ Úc (trường Đại học Wollongong).

Trong một entry trước, tôi có nhận xét rằng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) hình như không quan tâm đến các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học khi họ xét phong hay đề bạt chức danh giáo sư, và điều này là một điều bất bình thường. Bất bình thường là vì hầu như khắp nơi trên thế giới, các đại học đều dựa vào thành tựu nghiên cứu khoa học và thành tích giảng dạy làm 2 tiêu chuẩn để đề bạt chức danh khoa bảng. Thành tựu khoa học được phản ảnh qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học mà ứng viên đã công bố trên các tập san quốc tế. Ở đây, cần phải nhấn mạnh sự khác biệt giữa (a) các bài báo đăng trong các hội nghị (gọi là conference proceedings hay tương tự) và (b) những bài báo công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt nghiêm chỉnh. Khi nói đến “công bố quốc tế”, người ta chỉ nói đến những bài báo ở dạng (b). Cũng có ngành xem những bài báo ở dạng (a) là “công bố quốc tế” nhưng phải là các hội nghị lớn có uy tín, có bình duyệt hẳn hoi, và được cộng đồng của ngành đó công nhận. Trong ngành y, tất cả các bài báo trong các hội nghị -- dù lớn hay nhỏ -- đều không bao giờ được xem là “công bố quốc tế”.

Thành tích khoa học của anh Duy cho thấy anh rất tích cực làm việc, tham dự nhiều hội nghị. Nhưng hình như thành tựu khoa học của anh chỉ dừng ở đó. Không thấy anh công bố một bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế, mà chỉ thấy toàn những bài báo trong hội nghị, kể cả hội nghị trong nước. Có lẽ công bố bài báo trong hội nghị là “văn hóa ngành” bên khoa học máy tính chăng. Cũng có thể đó là văn hóa và tiêu chuẩn phong hàm ở Việt Nam.

Vậy câu hỏi đặt ra là ở các nước Âu Mĩ người ta làm như thế nào ? Ở các nước như Mĩ hay Úc này, muốn đề bạt vào các chức vụ khoa bảng như GS/PGS, ứng viên phải hội đủ một số điều kiện và tiêu chuẩn. Những điều kiện và tiêu chuẩn này thường không cố định hay cụ thể, mà còn tùy thuộc vào từng địa phương, đẳng cấp của trường đại học, và bộ môn khoa học. Chẳng hạn như mặc dù điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có văn bằng tiến sĩ, nhưng trong các bộ môn như luật khoa, kinh tế hay y khoa, có khi ứng viên chỉ có bằng thạc sĩ (thậm chí cử nhân) cũng có thể xin đề bạt vào các chức vụ giáo sư.

Điều kiện thứ hai là thời gian. Thông thường, ứng viên thường phải trải qua ít nhất là hai năm nghiên cứu sau khi xong học vị tiến sĩ để có thể xin đề bạt lên chức vụ giảng sư (hay assistant professor). Thời gian cần thiết để một assistant professor được đề bạt lên phó giáo sư thường là ít nhất 3 năm và cao nhất là 6 năm. Từ phó giáo sư lên giáo sư, thời gian cần thiết ít nhất là 5 năm. Những con số trên đây chỉ là những qui định rất chung chung, bởi vì trong thực tế, nó còn tùy thuộc vào từng cá nhân ứng viên và nhu cầu của bộ môn khoa học. Trong các bộ môn như công nghệ thông tin, y học, kinh tế, v.v… thời gian tối thiểu có thể ngắn hơn những qui định chung trên đây.

Về tiêu chuẩn chung, để được đề bạt vào các chức vụ khoa bảng trên, ứng viên phải tự chứng minh và được đánh giá là những nhà khoa học hay nhà giáo xuất sắc:

  • Để trở thành một assistant professor (hay lecturer bên Úc và Anh), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi trường đại học và quốc gia ;
  • Để được đề bạt vào chức phó giáo sư, ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi quốc gia và quốc tế, có đóng góp cho việc phát triển chuyên môn, và có công trong việc đào tạo sinh viên cấp tiến sĩ ;
  • Để được đề bạt từ phó giáo sư lên giáo sư, ngoài thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, được đồng nghiệp quốc tế công nhận, ứng viên còn phải chứng minh cho thấy mình có khả năng lãnh đạo chuyên ngành trên trường quốc tế.

Về tiêu chuẩn "cụ thể", đề bạt giáo sư và giảng sư, các đại học thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chính : thành tích hoạt động khoa học, giảng dạy và quản lí bộ môn, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng.

Thành tích hoạt động khoa học được đánh giá bằng các tiêu chí như số lượng và chất lượng bài báo khoa học đã công bố, số lượng bằng phát minh (patents of invention), uy danh và sự công nhận của giới chuyên môn trong ngành. Không có trường nào có qui định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được đề bạt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là assistant professor phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư thì ít nhất là 20, và giáo sư thì ít nhất là 50. Chất lượng bài báo thường được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà bài báo khoa học được công bố. Hệ số ảnh hưởng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học (chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số ảnh hưởng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học), cho nên một cách đánh giá chất lượng khác là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo (citations). Số lần trích dẫn nhiều cũng có nghĩa là công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Nếu ứng viên công bố toàn những bài báo mà không ai trích dẫn thì giá trị của chúng cũng chẳng cao hơn con số 0 (vô dụng) bao nhiêu !

Tiêu chuẩn về giảng dạy thì khó đánh giá hơn, bởi vì người đánh giá chính là sinh viên, và rất ít khi nào đại học tổ chức những cuộc bình bầu thầy cô qua hỏi ý kiến sinh viên một cách có hệ thống ! Nhưng cũng có thể đánh giá qua việc ứng viên khuyến khích sinh viên đào sâu suy nghĩ, hay đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển course học trong phạm vi trường đại học hay quốc gia.

Thu hút tài trợ cho nghiên cứu có liên quan mật thiết với thành tích hoạt động khoa học : nhà khoa học có thành tích khoa học cao dễ xin tài trợ và có khả năng thu hút tài trợ nhiều hơn nhà khoa học mới ở bước đầu sự nghiệp. Thông thường một phó giáo sư thường chủ trì những công trình nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn đô-la, và một giáo sư thường chủ trì những công trình hàng triệu đô-la.

Giáo sư đại học không nên chỉ ngồi trong tháp ngà, mà còn phải đóng góp vào các hoạt động cộng đồng. "Cống hiến cộng đồng" ở đây có nghĩa là giáo sư phải tích cực đóng góp vào những hoạt động nhằm phát triển mối liên hệ giữa đại học và cộng đồng, tham gia vào việc phát triển các hiệp hội chuyên ngành, và đóng góp vào những bàn luận về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị ở bình diện quốc gia và quốc tế. Phải thừa nhận rằng tiêu chuẩn này tương đối chủ quan vì không thể cân đo đong đếm được ; do đó, dù được xem là một tiêu chuẩn, trọng lượng của tiêu chuẩn này trong việc đề bạt chức vụ khoa bảng không mấy cao.

Nói tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn số 1, còn các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét nhưng trọng lượng không cao. Một số trường đòi hỏi ứng viên phải đạt được mức độ xuất sắc (excellence) ít nhất là hai tiêu chuẩn để được xét duyệt tiến phong chức danh giáo sư ; ứng viên chỉ xuất sắc một tiêu chuẩn thì không được xét đơn đề bạt. Một số tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp bậc giáo sư có thể tóm lước như sau:

Để được đề bạt lên chức assistant professor, ứng viên phải có công bố ít nhất là 5 bài báo khoa học mà ứng viên là tác giả số một của bài báo. Tất nhiên, khi nói đến "bài báo khoa học" ở đây là đề cập đến những bài báo trên các tập san có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-review system), chứ không phải những bài báo trên các báo chí phổ thông dành cho công chúng. Ngoài ra, ứng viên còn phải chứng minh mình có khả năng giảng dạy, có khả năng phát triển course học hữu hiệu cho khoa. Các tiêu chuẩn về thu hút tài trợ và hoạt động cộng đồng cũng được xem xét, nhưng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu, bởi vì ứng viên còn trong giai đoạn "tập sự".


Để được đề bạt lên chức phó giáo sư, ứng viên cần phải có ít nhất là 20 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (có bình duyệt), và ít nhất là 30% trong số này phải trên các tập san số một trong ngành. Về giảng dạy, ứng viên phải chứng tỏ mình có khả năng giảng dạy, và đã đào tạo thành công sinh viên thạc sĩ và ít nhất là đào tạo thành công một tiến sĩ. Ngoài các tiêu chuẩn về nghiên cứu và giảng dạy, ứng viên còn phải chứng minh mình có uy tín trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tức là được mời giảng dạy tại các đại học hay viện nghiên cứu khác (ngoài trường đại học). Ứng viên cũng phải chứng minh mình đã có cống hiến góp phần nâng cao tri thức cho quần chúng qua các hoạt động cộng đồng hay ngoài đại học, như làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ, công ti kĩ nghệ, hay viết báo cho các báo phổ thông nhằm phổ biến kiến thức. Ứng viên còn phải chứng tỏ mình có cống hiến cho chuyên ngành như tham gia bình duyệt báo khoa học cho các tập san quốc tế, tham gia trong ban chấp hành các hiệp hội chuyên môn, và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, v.v…

Từ phó giáo sư lên giáo sư là một bước nhảy vọt tương đối lớn, cho nên tiêu chuẩn cũng càng cao. Tuổi đời trung bình của một giáo sư là 55 ; rất ít ai được đề bạt chức danh giáo sư trước độ tuổi 40. Về tiêu chuẩn nghiên cứu bất thành văn, thông thường các ứng viên phải có ít nhất là 50 bài báo khoa học, và trong số này ít nhất là 50% phải trên các tập san số một trong ngành. Chỉ số H trung bình của một giáo sư các trường lớn bên Mĩ thường là 20 trở lên. Số lượng bài báo phải đều hàng năm, chứ không phải bất thường (điều này chứng tỏ ứng viên có khả năng hoạt động khoa học về lâu về dài)! Về đào tạo, ứng viên phải đào tạo thành công ít nhất là 3 tiến sĩ trong thời gian giữ chức phó giáo sư. Ứng viên phải chứng minh đã từng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn (3 năm trở lên với ngân sách trên nửa triệu đô-la). Ngoài các hoạt động cộng đồng và cố vấn cho chính phủ, quan trọng hơn hết ứng viên phải chứng minh mình có uy danh trên trường quốc tế. Nói cách khác, ứng viên phải từng được mời giảng dạy tại các đại học khác, được mời làm chủ tọa (chair) các hội nghị chuyên môn hay được mời làm phát biểu viên chính (keynote speaker) trong các hội nghị chuyên ngành, được bổ nhiệm vào ban biên tập của các tập san khoa học quốc tế, được mời bình duyệt các dự án nghiên cứu khoa học, v.v…

Đối chiếu các điều kiện và tiêu chuẩn trên đây với các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư ở nước ta, ai cũng thấy có nhiều khác biệt, nhất các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như trong một bài phỏng vấn đăng trên VietNamNet ngày 11/3/2004 (http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2004/03/54931), Giáo sư Đỗ Trần Cát cho biết : « Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín », và mỗi ngành chỉ có hai « tạp chí uy tín » ở trong nước, hiểu theo nghĩa « nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi ». Nói cách khác, theo qui định này, để đề bạt chức vụ giáo sư, ứng viên chỉ cần có 2 bài báo khoa học ! Tôi nghĩ tiêu chuẩn này quá … thấp cho một giáo sư. Ngay cả tiêu chuẩn "ít nhất 12 điểm công trình" cho một giáo sư cũng còn quá thấp.

Xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh giáo sư, bởi vì họ là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam. Người dân muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư ở nước ta. Đành rằng cũng cần phải xem xét đến các điều kiện mang tính địa phương trong khi đề bạt giáo sư, nhưng các hoạt động khoa học thì lại mang tính quốc tế, và không có lí do gì các thước đo khách quan mà đa số nước trên thế giới đang sử dụng không áp dụng cho nước ta. Việt Nam có thể nới lỏng hay hạ thấp vài con số để có giáo sư, nhưng về phương cách làm việc và thước đo thành tích khoa học thì không nên làm khác quốc tế, nhất là trong lúc chúng ta muốn hội nhập.

NVT

Saturday, November 21, 2009

Không thể không nói-Phong Thuy Vietnam va van de voi Trung Quoc-KTS Tran Thanh Van

KTS Trần Thanh Vân là người có đến 55 năm "duyên nợ" với Trung Quốc. Không ngờ chị lại có quê ngoại vốn là quê nội của tôi và trời xui đất khiến thế nào mà ngày đầu kháng chiến toàn quốc, riêng bố lên ATK còn mẹ con cô bé Vân lại dắt díu nhau chạy tuốt về Đức Thọ Hà Tĩnh để hưởng cái không khí "gạo trắng nước trong" thơ mộng những năm đầu và rước lấy tai họa vào mấy năm sau đó, khi Cải cách ruộng đất đợt 5, đợt cuối cùng và cũng là sai lầm kinh hoàng nhất, nổ ra ở đây. Cô bé Vân nhỏ hơn tôi ít nhất cũng đến 5 tuổi và được bố vội vã trở về đưa ra Việt Bắc ngay nên không thể biết gì thêm về những chuyện "long trời lở đất" như tôi, nhưng cũng đã kịp chứng kiến cảnh ông ngoại là một thầy lang hiền lành có uy tín trong vùng và người mẹ, từ tuổi còn rất trẻ đã biến thành tiểu thư Hà Nội nên khi trở về lại quê cha là tất tả lo kêu gọi chị em thành lập tổ may áo rét cho binh sĩ, cả hai người, ông và mẹ đều bị đưa ra đấu trường (trong Phát động Giảm tô vào 1953, đấu trường cũng đã ghê gớm, dữ dằn nhưng chưa khủng khiếp bằng bước sau, năm 1955, được gọi đúng tên CCRĐ). Những lởn vởn trong đầu về bàn tay can thiệp của đội quân do Bác Mao phái sang giúp chúng ta, gây ra chết chóc và làm tanh bành đất nước, bắt đầu dấy lên trong chị từ những ngày ấy.

Chị Vân cũng có cả những trải nghiệm về những ngày tháng "hữu nghị Việt Trung Xô" (tuy chị nhớ nhầm diễn ra sau CCRĐ, kỳ thực nó bắt đầu trước cơn bão ấy khá lâu và kéo dài mãi đến sau này) mà về phần tôi, không bị những cuộc đại liên hoan nhảy múa "xồn la xồn" rộn rã - ở bất kỳ nơi đâu ta sinh hoạt - mê hoặc, nhưng thú thực, một ít bài hát thuở ấy còn quyến rũ tôi đến nay về cái giai điệu du dương của chúng, nhất là về cái sức thôi thúc tuổi trẻ đắm vào giấc mơ chiến đấu cho một thế giới đại đồng: "Ai nghe chăng tiếng kèn trên Leningrade / Ai nghe chăng tiếng hát giữa Trung Hoa / Hà Nội ơi ngày chiến thắng không xa và / Khi lúa đơm hoa cờ / Tiến quân ta về Thủ đô / Ai nghe chăng xích xiềng đang tung nơi nơi / Và ngày mai khi súng lặng nơi chiến trường / Là lúc ta lên đường đập tan sóng Thái Bình Dương...".

Chị Thanh Vân may mắn hơn tôi được sang Thượng Hải theo học ngành kiến trúc từ 1960 đến 1966, tận mắt nhìn thấy bức tranh náo loạn của Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc làm cho hàng mấy trăm triệu con người trở nên hung hăng điên dại. Còn chúng tôi, vào Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1956, chúng tôi cũng đã nhận được tiếng dội của phong trào Đại tiến vọt từ Trung Quốc dội đến, đã cùng nhau đi thu thập chảo gang và đồ sắt phế liệu để chuẩn bị mở lò luyện thép trong trường, may mà cụ Hồ đã kịp có ý kiến để những chuyện đó không xẩy ra ở Việt Nam.

Trong khóa học Ngữ văn đầu tiên sau hòa bình của mình, bên cạnh các chuyên gia Liên Xô, chúng tôi lại cũng có may mắn được học với những chuyên gia lỗi lạc về văn học cổ điển Trung Quốc như GS Trương Trọng Thuần, từ Đại học Bắc Kinh cử sang, tính tình thật đôn hậu, vừa uyên thâm vừa vẽ giỏi, có thể vẽ minh họa thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị bằng phấn ngay trên bảng. Và theo các bạn cùng khóa của tôi sau ngày tốt nghiệp ít năm được chọn sang làm tu nghiệp sinh ở Trung Quốc kể lại, thì trong Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, một đêm kia, thầy Trương Trọng Thuần đã đánh bạo lần mò đến ký túc xá của đoàn học sinh Việt Nam gõ cửa rất gấp, đưa ra 2 lá thư, với giọng nghẹn trong nước mắt, nhờ học trò cũ chuyển giúp ông về nước, nhằm xin với "bên nhà" cho được sang lánh nạn ở Việt Nam. Tiếc thay thư gửi về mà không có hồi âm khiến thầy mong đỏ cả mắt, rồi chuyện gì xẩy ra đã xẩy ra: khoảng vài tuần sau cái đêm liều mạng đến gõ cửa các học trò Việt Nam, thầy đã biến mất tăm dạng, đến nay không ai biết ở đâu...

Phần thứ hai của bài viết của KTS Trần Thanh Vân là một kiến giải có tính chất dự báo về việc áp dụng lý thuyết phong thủy để nhìn xem hình thế địa mạch trái đất như một sợi dây liên thông vô hình không dứt, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng. Tôi không dám lạm bình vào những điều huyền vi này, bởi phong thủy là một môn học đòi hỏi phải có sự kết hợp xét đoán nhiều mặt, tinh tường, về những gì đã hiện hình trên thế núi, hình sông mạch đất, và cả những gì thuộc phạm vi tâm linh chứ chưa hiện rõ. Tôi tuyệt nhiên không biết một chút sơ đẳng về cái học uyên áo kia trong khi chị đã có đến 19 năm đào sâu về nó. Bởi vậy, chỉ xin được giới thiệu với bạn đọc kiến giải của chị như những giả thuyết không chỉ hấp dẫn về khả năng liên tưởng sâu xa mà phía sau nó còn là một lời cảnh báo nghiêm khắc với những ai có quyền, có tiền, có đủ thứ, chỉ duy không có trái tim hoặc trái tim đã bị chia ra nhiều phần, phần lớn nhất buộc phải dâng cho kẻ khác, vì thế mắt mở to mà không hề nhìn thấy mọi hiểm họa đang rình rập tứ phía đối với giải đất cong cong hình chữ S ruột thịt của 85 triệu con dân Việt. Và đây là lời cảnh báo chị muốn đưa ra: hãy kịp thời tỉnh lại đi những ai đang mê muội trong giàu sang và quyền lực, vì bàn chân lũ cáo ranh mãnh đã mon men đặt lên một vài trong các tử huyệt của đất nước.

Nguyễn Huệ Chi


PHẦN I

TÔI BIẾT GÌ VỀ TRUNG QUỐC?

Lâu nay mọi người vẫn nghĩ rằng tôi là một Kiến trúc sư cảnh quan có hiểu chút ít về phong thủy Thăng Long, âu cũng là chuyện bình thường, cho nên những vấn đề gì liên quan đến phong thủy của Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội mở rộng ngày nay thì họ hay hỏi tôi, ngoài ra tôi không biết điều gì khác. Tôi cũng tự nghĩ như vậy, nên không muốn chen vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi không thông thạo như kinh tế, xã hội, đặc biệt là các vấn đề an ninh, chính trị và thời sự quốc tế!

Cách đây vài tháng, khi xây dựng chương mục Địa linh của Chương trình văn hóa 1000 năm Thăng Long, một nhóm nghiên cứu của Ban khoa giáo Đài truyền hình trung ương đến gặp tôi để lấy tài liệu về Địa mạch và Hồn cốt Thăng Long. Giữa chừng câu chuyện, họ hỏi tôi "Chị nghiên cứu đề tài này lâu chưa?" Tôi lưỡng lự giây lát, rồi trả lời họ: "Khoảng chừng đã 55 năm"

– "Cái gì? 55 năm?"

– "Vâng! từ ngày còn là con bé con".

Thế rồi tôi kể cho họ nghe những câu chuyện khiến tôi phải chứng kiến, phải tìm hiểu từ ngày tôi còn nhỏ. Vào đại học, tôi làm đơn thi Bách khoa vô tuyến điện hoặc Tổng hợp Lý toán, nhưng lại bị phân công theo ngành Kiến trúc. Sau này, tôi học phong thủy cho biết để hành nghề kiến trúc sư, càng ngày tôi càng ý thức được đó là cái nghiệp đời người của tôi. Vâng, đúng là nghiệp đời người đặt tôi vào tình huống liên tiếp phải va chạm với những sự thật và tôi không thể không theo đuổi đến cùng sự thật đó. Xin nhắc lại rằng kiến thức của tôi bắt nguồn từ những sự thật, từ những điều mắt thấy tai nghe, không phải từ lý thuyết.

Sự thật và trải nghiệm

Tôi xin mở đầu câu chuyện nghiêm túc này bằng mối "quan hệ" của tôi với vấn đề Trung Quốc mà tôi sắp kể ra, đó là lý do thôi thúc tôi phải đi sâu tìm hiểu bản chất của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa này. Có thể có những nhà nghiên cứu chiến lược lâu năm có cách nhìn khác và chưa công nhận những điều tôi sắp nói, nhưng với trách nhiệm của một công dân, một người con đất Việt, tôi như là một nhân chứng có thể khẳng định rằng ít ai có cơ hội để "hiểu" Trung Quốc hơn tôi. Cho nên, dù đã có thời gian dài tôi tránh nhắc tới những chuyện đó, nhưng càng tránh tôi càng thấy phải nói ra hôm nay để mọi người cùng biết.

Đúng vậy, tôi không chỉ từng có kỷ niệm 5 năm du học ở Thượng Hải, cái thời mọi người hay hát "Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông / Chung một Biển Đông, thắm tình hữu nghị…"; trước đó tôi đã có hai kỷ niệm sâu đậm và rất hãi hùng liên quan đến Trung Quốc.

Kỷ niệm thứ nhất: Cải cách ruộng đất năm 1953

Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm. Vùng quê ngoại Đức Thọ Hà Tĩnh, nơi chúng tôi theo mẹ tản cư về đã hết yên ổn của vùng tự do thời kháng chiến và bắt đầu chịu cảnh máy bay bắn phá. Nhưng, cuộc "bắn phá" tàn khốc hơn lại chính là những cuộc đấu tố địa chủ và Việt gian phản động trong mọi làng xã ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Ông ngoại tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi có tiếng, chuyên nghề xem mạch bốc thuốc và ông tôi đã cứu sống nhiều người nên được dân trong vùng nể trọng gọi bằng thầy. Tiền bạc chắc chẳng có nhiều, nhưng mùa nào thức nấy, trong nhà ông ngoại tôi không bao giờ thiếu của ngon vật lạ do gia đình bệnh nhân mang đến tạ ơn cứu mạng như rổ lạc đầu mùa, cân đỗ xanh, thúng gạo nếp, mớ khoai lang, nải chuối chín, có khi còn có cả con gà sống thiến hay chục trứng tươi… Nhà chỉ có hơn một mẫu ruộng, ông ngoại tôi giao hẳn cho mấy người bà con trong họ trồng cấy và không thu tô, nhưng trong CCRĐ ông tôi vẫn bị quy là địa chủ, mà là địa chủ cường hào.

Mẹ tôi nguyên gốc là cô gái làng dệt lụa Tùng Ảnh ở Đức Thọ, đã theo ông ngoại ra sinh sống ở Hà Nội nhiều năm và có cửa hàng bán tơ lụa ở Hà Nội. Đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, mẹ tôi đã bỏ lại hết nhà cửa và tài sản, đưa chúng tôi tản cư về Đức Thọ Hà Tĩnh, vận động nhiều nữ thanh niên bỏ nghề dệt lụa, xây dựng một nghề mới là xe sợi, nhuộm sợi và đan áo rét cho bộ đội. Cặm cụi làm việc đó, mẹ tôi vừa nuôi sống cho gia đình và bản thân, vừa đóng góp tích cực cho kháng chiến. Tôi còn nhớ bài hát "Áo mùa đông" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào những ngày đó: "Gió bấc heo may / xào xạc rung cây lá lá bay / một mùa đông bao người đan áo…" chính là nói về công việc của mẹ tôi và các chị, các cô trong Hội phụ nữ kháng chiến cứu quốc. Vào những ngày đó, ở vùng tự do nghèo nàn Thanh Nghệ Tĩnh làm gì có len để đan áo, sáng kiến xe sợi bông, nhuộm sợi thành các màu xanh, màu nâu, màu cỏ úa rồi đan thành áo gửi ra chiến trường, đã được ca ngợi như một chiến công lớn.

Nhưng trong CCRĐ thì công cũng thành tội, có một người bạn thân hồi nhỏ của mẹ tôi là Bí thư chi bộ xã đã treo cổ tự tử vì bị truy bức quá, lập tức mẹ tôi bị gán tội là trùm Quốc dân đảng đã giết ông Bí thư đó để bịt đầu mối hoạt động gián điệp và mẹ tôi liền bị lôi ra đấu tố. Cay đắng hơn cả là người được Đội cải cách bôì dưỡng để đứng lên đấu tổ mẹ tôi hăng nhất lại là một bà bạn cũng tản cư từ thành phố về và đã được mẹ tôi đưa vào tổ đan áo binh sĩ.

Cha tôi đang ở vùng ATK của chiến khu Việt Bắc nghe tin đó thì hoảng hốt, vội vào Hà Tĩnh đón chị em tôi lên Việt Bắc để lánh nạn. Vừa đặt chân đến Chợ Chu – Định Hóa – Thái Nguyên thì tôi được nghe câu chuyện họ vừa xử bắn bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đồng Bẩm huyện Đại Từ. Một vụ xử bắn oan nghiệt đối với một người phụ nữ từng có công lớn mà đến nay mọi người vẫn còn nhớ.

Trong các xó xỉnh của Việt Bắc hôì đó, người ta bàn tán về hoạt động của các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta kinh nghiệm phát động quần chúng đấu tranh giảm tô và đòi ruộng đất về chia cho dân cày mà Việt Bắc và vùng tự do Liên khu 4 được chọn làm điển hình.

Sau này, khi ông ngoại tôi đã mất rồi, đại gia đình có dịp gặp nhau ôn lại chuyện cũ, mọi người đều bảo nhau hãy nén lòng quên nỗi đau buồn đó đi.

Kỷ niệm thứ hai: Trời phạt

Chưa hết hoang mang về chuyện bức hại chém giết lẫn nhau trong CCRĐ, thì chúng tôi được ném vào "Trận đồ bát quái" của tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô.

Liên Xô thì ở tận đẩu tận đâu xa xôi lắm, nhưng Trung Quốc thì ở ngay bên cạnh. Suốt ngày hễ gặp nhau ngoài đường dù chưa quen biết là người ta cũng liền nắm tay nhau hát múa rộn ràng. Hòa bình lập lại, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, thì trên đường phố Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều chuyên gia Trung Quốc. Còn nhỏ xíu nhưng tôi dễ dàng nhận ra họ vì cái áo kiểu Tôn Trung Sơn rộng thùng thình dài đến gần đầu gối, cái quần xanh công nhân cũng rộng thùng thình và cái mũ lưỡi trai bằng vải cũng mầu xanh như vậy. Tòa dinh thự hoành tráng của Hoàng Trọng Phu trước Vườn hoa Canh nông và các biệt thự kế tiếp trên phố Hoàng Diệu và phố Khúc Hạo trở thành Đại sứ quán và khu dành riêng của người Trung Quốc. Mỗi buổi sáng sớm họ đứng kín nửa Vườn hoa Canh nông tập thể dục và hô "I, ơ, xan, xư" ầm vang khu phố Cột Cờ.

Ngày đó gia đình tôi ở gần kề các Đại sứ quán. Là con bé mới học đến cấp 2, tôi không thể hiểu nổi những chuyện đã xẩy ra, nhưng tôi có thói quen ghi nhật ký. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ được những trang nhật ký trẻ thơ ghi tỷ mỷ kỷ niệm về lễ mít tinh ngày 1/1/1955 nhân dân Thủ đô chào đón TW Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc trở về, đặc biệt trong cuốn nhật ký cũ ấy, tôi có ghi lại kỷ niệm về một người con gái Trung Quốc tên là Khương Nãi Tuệ, chị ta được tôi tặng hoa và tặng khăn quàng đỏ trong buổi chiêu đãi Đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ do Chủ tịch UBND thành phố Trần Duy Hưng tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội tối hôm 10/9/1955 và cả câu chuyện chiều hôm sau, ngày 11/9/1955, chị Văn công Khương Nãi Tuệ bị chết trong cơn lốc Hồ Tây, khi chị ta đang đóng vai Sen Chúa trong điệu Múa Hoa Sen, trên chiếc sân khấu ghép tạm cạnh Đầm Trị – Phủ Tây Hồ.

Khương Nãi Tuệ chết, mang theo chiếc khăn quàng đỏ do tôi tặng. Cùng chết trong tai nạn đó còn có nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn và hai người nữa. Mộ của họ mai táng ở nghĩa trang Bất Bạt huyện Ba Vì.

Sau cơn lốc khủng khiếp đó, tôi hay rơi vào tâm trạng ngẩn ngơ vì luyến tiếc chiếc khăn quàng đỏ thì ít mà vì sợ hãi như thể tôi có liên can tới cơn lốc làm lật úp ba chiếc thuyền và hại chết cô nghệ sĩ múa thì nhiều, nên tôi hay đi lang thang nghe ngóng chuyện người lớn. Rất nhiều câu chuyện nhỏ to đập vào tai tôi về một âm mưu yểm huyệt Hồ Tây nhưng bất thành và những người tham gia vào âm mưu đó đã bị Trời phạt. Ngày đó Trung Quốc và Việt Nam thân nhau lắm, nên người ta chỉ dám xầm xì nửa kín nửa hở và một cô bé con như tôi không sao hiểu nổi thứ tình hữu nghị quái gở gì mà "người bạn lớn thân thiết" lại tìm mọi cách làm hại "đứa em tội nghiệp" vừa thoát khỏi chiến tranh chống Pháp và đang rơi vào cuộc chiến tranh chống Mỹ?

Mấy chục năm sau, để giải tỏa tâm lý cho tôi quanh chuyện chiếc khăn quàng đỏ, nhà ngoại cảm Phan Oanh làng Xuân Đỉnh tặng tôi một bài thơ dài, trong đó có mấy câu: "Tâm con trẻ hồn nhiên không xấu / Dấu nhà Trời ai thấu được đâu / Một dải khăn đào kết một cái cầu / Để hồ thẳm nước sâu / Bà là nhịp cầu giữ yên non nước…".

Du học ở Trung Quốc

Tuổ trẻ hồn nhiên với nhiều ham thích đã có lúc cuốn hút tôi, khiến tôi tạm quên đi cảm giác hoang mang lẫn sợ hãi hồi nhỏ.

Năm 1960 tôi tốt nghiệp phổ thông trung học, được miễn thi đại học, tôi được cử đi học ngoại ngữ để sang Trung Quốc theo học ngành kiến trúc. Niềm háo hức khiến tôi và các bạn cùng lứa sung sướng trong cảnh được "ăn cơm Bác Mao", được chăm sóc dạy dỗ ân cần, lúc ốm đau được đầu bếp nấu những món ăn theo ý thích rồi mang đến tận phòng riêng phục vụ tận tình.

Những năm tháng đó, mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần của chúng tôi đều được chăm sóc đặc biệt. Học Kiến trúc thì được học vẽ mỹ thuật trong 3 năm đầu, học kỳ nào chúng tôi cũng được thầy giáo là một hoạ sĩ danh tiếng dẫn đi vẽ dã ngoại ở các khu danh lam thắng cảnh cách Thượng Hải hàng trăm cây số, như các thành phố Hàng Châu, Vô Tích, Tô Châu và ở hẳn đấy vài tuần. Ông họa sĩ già hai bàn tay lấm mầu nhem nhuốc tận tình hướng dẫn chúng tôi cầm bút lông chấm phá các mảng mầu xanh đỏ, còn vợ ông thì đi theo chăm sóc chồng và cần mẫn gọt những trái lê trái táo bê đến từng góc vườn chia cho đám học trò chúng tôi. Ngoài ra, những ngày ở trong trường chúng tôi luôn luôn được hưởng ưu đãi hơn người, riêng tôi vì ham thích âm nhạc nên còn được giữ chìa khoá một căn phòng có chiếc Piano sang trọng để tự do luyện tập. Đó là những thứ mà khi ở nhà với cha mẹ, tôi chưa bao giờ dám mơ tới.

Chưa bao giờ tôi tự đặt cho mình câu hỏi: "Có phải họ đang vỗ béo chúng tôi để sau này về nước chúng tôi sẽ trở thành hạt giống cho họ gieo mầm bành trướng phá hoại đất nước mình hay không?" Chưa bao giờ tôi tự hỏi như thế cả, nhưng trong lòng không thể không gợn lên những thắc mắc vô cớ. Tôi biết Trung Quốc ngày đó còn nghèo lắm, các bạn sinh viên Trung Quốc phải ăn ở chen chúc trong những căn phòng chật chội của ký túc xá, bữa cơm của họ chỉ có chiếc bánh bao không nhân, một bát cháo hoa loãng và vài miếng ca-la-thầu.

Ngược lại tôi và chị bạn gái người Sài Gòn tập kết thì được hai cô bạn người Thượng Hải nữa ở cùng trong một ngôi nhà dành riêng cho giáo viên và trợ giảng. Đó là một tòa nhà 2 tầng có nhiều phòng, chúng tôi ở tầng hai cùng các giáo viên nữ, còn tầng một dành cho giáo viên nam. Đã là giáo viên và trợ giảng đại học, nhưng họ còn rất trẻ và đều chưa có gia đình riêng. Tôi hay lui tới thăm nom họ và ái ngại thấy họ sống rất đạm bạc. Hóa ra họ phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi chúng tôi. Tôi phát hiện biết có một thầy giáo bị bệnh gan và tiểu đường rất cần bồi dưỡng nhưng tiêu chuẩn tem phiếu không đủ cung cấp, thầy luôn luôn bị ngất xỉu, thấy vậy tôi hay đi mua thêm các thức ăn mang đến biếu thầy. Chúng tôi trở thành người thân của các thầy cô giáo. Có những buổi chiều ngày thứ 7, khi 2 cô bạn Thượng Hải đã về nhà, tôi và chị bạn Sài Gòn xuống ghế đá trên vườn hoa ngồi hóng gió, thì các thầy cô giáo lân la đến bên chúng tôi, họ tâm sự, chuyện trò và cho chúng tôi biết rất nhiều chuyện bí mật trong trường và trong xã hội, tôi có cảm giác như đất nước này sắp có đại loạn.

Rồi đại loạn đến thật, cách mạng văn hóa nổ ra, đại đa số học sinh trung học và sinh viên đều bỏ học, xuống đường tham gia Hồng vệ binh. Chúng tôi phải chứng kiến cảnh suốt ngày Hồng vệ binh đi phá phách, hò hét, rạch quần áo, cắt tóc người qua đường và báo chữ to xuất hiện khắp mọi nơi. Thê thảm hơn là chính mắt chúng tôi được chứng kiến các Giáo sư trong trường đã từng giảng dạy chúng tôi tận tình, bị làm nhục ngay trong sân trường bằng cách phải đeo các biểu ngữ bằng giấy báo dán trên lưng hoặc đội những chiếc mũ có chóp nhọn, ghi những dòng chữ tục tĩu.

Là một đứa con gái xuất thân trong một gia đình có nền giáo dục truyền thống ở Việt Nam, tôi không sao chấp nhận nổi thứ triết lý cách mạng cho phép học trò đấu tố thầy, hành hạ và sỉ nhục thầy như vậy. Nhận thức về một nước Trung Hoa có truyền thống văn hóa lâu đời, hơi phong kiến một chút, nhưng rất nề nếp và rất có kỷ cương đã hoàn toàn sụp đổ trong tôi. Đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi phải chứng kiến hiện tượng vô đạo và bất nhân đáng sợ đó. Rất lâu về sau tôi vẫn không thể hàn gắn được vết thương như những nhát chém trong tim mình, về hình ảnh những Giáo sư đáng kính của chúng tôi bị hành hạ lên bờ xuống ruộng bởi chính những người bạn sinh viên đã từng học tập ca hát bên chúng tôi. Trong số đó, tôi biết, có người không muốn hành xử đê tiện như vậy, nhưng nếu họ đi ngược lại phong trào chung, thì chính họ bị lôi ra đấu tố.

Chúng tôi rất sợ bị liên lụy nên nín lặng quan sát và nhìn nhau thầm hỏi: " Họ đang cắn xé nhau, đến bao giờ thì họ cắn mình đây?"

Đó là giữa năm 1966, đúng lúc chúng tôi làm xong đồ án tốt nghệp, trường học gần như không hoạt động, chúng tôi không được bảo vệ luận án tốt nghiệp mà chỉ được cấp bằng có đóng dấu nhưng không có chữ ký. Chúng tôi khăn gói vội vàng rút về nước. Tất cả bạn học và thầy giáo đã bị đưa đi ra khỏi trường, một số đi lao động quản thúc ở vùng nông thôn nào đó, một số khá đông đang là Hồng vệ binh ngày ngày đi đập phá hò hét hoặc đả đảo ai đó. Cảnh Trường đại học Đồng Tế, ngôi trường được xếp loại nhất nhì Trung Quốc, do người Đức thành lập đã gần 100 năm trở nên hoang vắng buồn thảm đến lạnh sống lưng. Giáo sư nổi tiếng Lý Đức Hóa, người từng được nhiều giải thưởng Quốc tế và bà vợ Bác sĩ người Đức của ông không biết đã trôi dạt đi đâu? Lúc chúng tôi lên xe để ra ga về nước, chỉ có mấy ông bà cấp dưỡng từng chăm sóc bữa cơm hàng ngày lặng lẽ gật đầu đưa tiễn chúng tôi, mắt họ rơm rớm lệ.

Đến lúc đó thì tình cảm trong tôi hoàn toàn mất phương hướng và tôi thực sự hiểu rằng người dân lao động Trung Quốc rất tốt, giới trí thức Trung Quốc cũng thật tốt, các bạn học của tôi cũng tốt lắm. Nhưng các nhà cầm quyền? Tôi không sao hiểu nổi các nhà cầm quyền và thứ "tình hữu nghị" mà suốt ngày họ ra rả trên đài phát thanh và trên báo chí. Tôi rất muốn tìm hiểu xem cái gì là động lực thúc đẩy họ? Nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của tôi.

Chúng tôi rời Thượng Hải buồn bã và vội vàng như ma đuổi.

Thời kỳ đã trưởng thành

Chúng tôi về đến nhà đúng vào lúc máy bay Mỹ đang đánh phá Miền Bắc ác liệt. Không khí cả nước có chiến tranh cuốn hút chúng tôi, khiến chúng tôi tạm quên đi những cảm giác khó chịu của những ngày cuối cùng sống trên đất Thượng Hải. Ngày ấy sinh viên từ nước ngoài về vẫn chưa nhiều, nên hôm đầu tiên về nhận công tác ở Bộ Kiến trúc, chúng tôi đã được Bộ trưởng Bùi Quang Tạo đón tiếp ân cần. Bộ trưởng khuyên chúng tôi vứt bỏ lối sống cậu ấm cô chiêu ở nước ngoài và sớm thích nghi với khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" của thanh niên thời chiến.

Sau đó, mỗi người đến nơi sơ tán ở các làng quê theo địa chỉ riêng của từng đơn vị công tác. Viện Quy hoạch đô thị của tôi ở huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên.

Vĩnh Tường của bà Hồ Xuân Hương rất đẹp, nhưng chỉ đẹp ban ngày. Còn đêm đến, khi ngồi tư lự một mình bên ngọn đèn dầu trong nhà dân, những ký ức thời trẻ thơ và những kỷ niệm ở Thượng Hải lại ập về khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm.

Lúc này đã đủ lớn để có những chính kiến của riêng mình, nhưng tôi không thể nói ra với ai. Tôi ở cùng nhà với một chị tốt nghiệp ở thành phố Kiev về, chúng tôi quý nhau và luôn giúp đỡ nhau, còn "Liên Xô xét lại" và "Trung Quốc giáo điều" thì mặc kệ họ, miễn là họ vẫn đang giúp ta những chiếc máy bay Mic bay trên bầu trời và những phong lương khô để chống đói.

Dù sao, 5 năm ở Thượng Hải cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp hơn kỷ niệm xấu, tôi cố tự lý giải rằng sự cố đã xẩy ra là do sự quá đà của một nhóm người hãnh tiến nào đó. Khoảng 10 năm tiếp theo, không thể liên lạc thư từ với bạn học cũ, nhưng tôi theo dõi và nuôi trong lòng chút hy vọng đổi thay của một đất nước đã nuôi tôi ăn học thời sinh viên, ở đó tôi từng có những thầy giáo và bạn học thân thiết. Khi nghe tin ông Đặng Tiểu Bình được phục chức, tôi những tưởng tình hình sẽ khá hơn, nhưng tôi chưa kịp mừng thì liền xẩy ra cuộc tấn công biên giới đầu năm 1979 do ông Đặng Tiểu Bình chỉ huy để "Cho Việt Nam một bài học". Không chỉ có thế, mười năm sau lại thấy cuộc tàn sát đẫm máu nội bộ của Sự kiện Thiên An Môn cũng do Đặng Tiểu Bình chỉ huy, tôi thực sự thất vọng và hiểu rằng những người cầm đầu nhà nước Trung Quốc thời nào cũng vậy, họ chống nhau, phá nhau chỉ vì tranh cướp quyền lực và càng lộ rõ thói cường quyền, tàn bạo kiểu thời Trung cổ của họ mà thôi.

Trung Quốc hôm nay?

Sau 60 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, chẳng tìm hiểu kỹ thì ai cũng biết Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều và rất đáng kính nể. Tuy vậy, khi tôi trở lại thăm trường cũ, thăm thầy giáo và thăm bạn học cũ, thì tôi hiểu: ngoài bộ mặt hào nhoáng đầy khí thế của một Trung Quốc đại nhảy vọt mà họ đang ra sức quảng bá, vẫn còn có một Trung Quốc khác rất âm thầm, u uất và đau đớn của tầng lớp trí thức và những người dân lương thiện ở trên khắp nước Trung Hoa đã từng bị chà đạp, bị sỉ nhục và chịu nhiều đắng cay trong nửa thế kỷ qua. Tầng lớp này không ít đâu, con số có thể đến hàng trăm triệu hoặc hơn và đang sống trên khắp miền của đất nước họ. Chính quyền hiện tại đang áp đảo họ, khiến họ phải câm lặng, nhưng chính quyền không thể thu phục được lòng họ và họ sẽ bùng lên bất cứ lúc nào.

Đến Thượng Hải, tôi thấy Thượng Hải thay đổi rất nhiều. Nhưng khi tôi về thăm trường cũ, đến thăm thầy cô giáo cũ vẫn đang sống trong "Đồng Tế tân thôn" bên cạnh trường và thăm nhà riêng một vài bạn học cũ, tôi thấy một cuộc sống khác hẳn. Họ rất nghèo nàn và thật khắc khổ. Có bạn vừa gặp tôi, liền ôm hai vai tôi và khóc nức nở. Đây không phải vì họ cảm động, vì mừng vui hội ngộ sau nhiều năm xa cách. Họ khóc vì gặp lại chúng tôi là gặp lại nhân chứng của một thời nhục nhã và đáng xấu hổ. Tôi đọc được tình cảm đó khi tôi xem bộ phim truyện "Nghiệp chướng" nói về những éo le và mất mát đeo đẳng suốt đời lớp thanh niên trí thức Thượng Hải, trong đó có rất nhiều người từng là bạn tôi. "Nghiệp chướng" là cái giá rất đắt mà những người cầm đầu đất nước này đã gây ra cho bao gia gia đình trí thức để rồi đến lúc họ sẽ phải trả. Một người bạn tôi nói vơí tôi: "Tôi từng là Hồng vệ binh và đang là nạn nhân của Hồng vệ binh suốt đời. Đó là lũ con tôi, cháu tôi hôm nay".

Có trong tay cuốn địa chỉ và số điện thoại của bạn cũ ở khắp nơi, chúng tôi đã dành ra gần 2 tháng đi thăm bạn và để quan sát sự thay đổi của nước Trung Hoa. Nhưng khắp Trung Quốc hôm nay, ngoài những người rất câm lặng, rất đau khổ như tôi vừa nói, còn lớp người Trung Quốc thứ ba đang vừa là chỗ dựa vừa là gánh nặng uy hiếp Nhà nước Trung quốc: Bọn này đông lắm. Đó là lũ lưu manh mạnh vì gạo bạo vì tiền. Đáng tiếc, các vị trong chính quyền Nhà nước Trung Hoa đã từng có thói quen dùng bọn lưu manh này làm "chỗ dựa" để đối phó với các lực lượng thù địch, nhưng khi không cần nữa hoặc không sử dụng được nữa thì họ tiêu diệt "chỗ dựa" đó đi.

Tôi nhớ lại ngày chúng tôi chuẩn bị về nước năm 1966, bà Giang Thanh nổi lên oai phong y như Võ Tắc Thiên ngày xưa, cạnh bà có 3 kẻ thân cận là Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều, tạo thành một "Bộ tứ trụ" điều khiển gần một tỷ dân. Nhưng thời nay còn có rất nhiều người cao thủ hơn bè lũ bốn tên thời đó. Thời nay có các băng đảng lưu manh kết hợp với công an và chính quyền hình thành hệ thống Mafia ở khắp mọi nơi. Sự kiện triệt phá Mafia ở thành phố Trùng Khánh vừa qua là một thí dụ. Không thể tin được trong một đô thị hiện đại của một quốc gia hùng mạnh mà bọn lưu manh côn đồ bị truy bắt trong một đợt đã lên đến ngót 2000 tên, trong số đó có cả Giám đốc Sở Tư pháp và nhiều sĩ quan công an.

Cuôí cùng, có thể quan sát "Trung Quốc hùng cường hôm nay" bằng cách quan sát những người Trung Quốc đang xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều với vai trò lao động chui. Những người này có thể vì đói khát quá hoặc vì đã là tội phạm bị giam cầm lâu quá, nay được đưa sang đây để sống cuộc đời phá phách, trộm cắp, lừa đảo và để tìm cách lấy vợ sinh con và sẽ là lực lượng nằm vùng nội ứng cho các cuộc tấn công của quân chính quy sau này.

Lũ người này có đáng sợ không? Làm cách nào để dẹp chúng? Thiết nghĩ mọi người đều hiểu.

PHẦN II

TÔI HIỂU GÌ VỀ TRUNG QUỐC?

Sau khi đã biết quá rõ mục tiêu truyền kiếp của nhà cầm quyền Trung Hoa suốt mấy ngàn năm là trấn áp nội bộ, tranh chấp quyền lực và chiếm bằng được đất nước ta, tôi quyết định xin về hưu từ năm 1992 với nhiều lý do riêng, một lý do trong đó là muốn tập trung thời gian vào nghiên cứu các lý thuyết về phong thủy địa mạch, thứ lý thuyết mà từ năm 1955 tôi đã "không may" bị tận mắt chứng kiến.

Chúng ta phải cám ơn các nhà truyền giáo Phương Tây, đặc biệt là các giáo sĩ Bồ Đào Nha có công đầu về việc sử dụng chữ gốc La-tinh để phiên âm tiếng Việt trong việc truyền đạo vào nước ta ở thế kỷ XVI-XVII như Francisco de Pina, đến người biên soạn cuốn từ điển Việt-Bồ-La đầu tiên là Alexandre de Rhodes (1651) và nhất là người có công hoàn chỉnh chữ quốc ngữ ở thế kỷ XIX để trở thành chữ viết chính thống của nước ta đầu thế kỷ XX là Bá Đa Lộc – Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine. Cám ơn các vị Giáo sĩ đã góp phần giúp ta thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa nô dịch Trung Hoa. Nhưng đây cũng là một sơ hở khiến lớp trí thức trưởng thành trong thế kỷ XX đã lãng quên một số cơ sở quan trọng của khoa học Phương Đông, trong đó có Phong thủy, Địa mạch và Kinh Dịch.

Sau 17 năm nghỉ việc ở Bộ Xây dựng, tôi đã cố bù lại những lỗ hổng mà lớp trí thức ở lứa tuổi của tôi đã mắc phải. Lúc này tôi đã có nhiều thời gian để hiểu rõ trong cấu trúc phong thủy địa mạch của nước ta có một thứ mà nhà cầm quyền Trung Quốc rất thèm muốn. Họ thèm muốn vì họ không có và họ hiểu rằng làm chủ được cái đó là họ chiếm được nước ta và chiếm được nước ta là họ làm chủ được cả thế giới. Tôi nói nhà cầm quyền thèm muốn chứ không phải nhân dân, bởi vì thực hiện mộng bá quyền, người dân lương thiện Trung Quốc không hề được hưởng lợi.

Hệ Địa mạch nước Trung Hoa: Chiếc bánh sandwich

Một đất nước rộng lớn mà các lớp đất, đá, núi, sông… chồng xếp thành từng lớp như cái bánh sandwich

que-chan.jpg
Nước Trung Hoa hình quẻ chấn

Theo phân tích và tổng kết hệ thống đã công bố tháng 5/2005 của KTS Lý Thái Sơn, thì đó là một thứ liên kết rời rạc của hệ Tam đại càn long sẽ bị trôi tuột đi bất cứ lúc nào, đó là một nước Trung Hoa có các khu vực Bắc Hoàng Hà, khu kẹp giữa Hoàng Hà và Trường Giang, khu Nam Trường Giang, tạo thành một quẻ Chấn gồm hào một liền và hào hai gãy, hào ba gãy có nghĩa là sấm sét, không ổn định, dễ vỡ tung; cũng như khu Đông và khu Tây là hai vệt thẳng đứng, không có mối quan hệ về kinh tế, phong tục tập quán, sắc tộc và có thể tách ra thành 4 hoặc 5 quốc gia độc lập.

Mặt khác, ngay cả đến dân tộc Đại Hán cũng là kết quả của một quá trình chiến tranh và đồng hóa lẫn nhau, vì người Hán nguyên gốc rất ít, nhưng người ta có chính sách cưỡng chế người dân tộc khác biến thành người Hán, nên họ bị phản đối và ở nước Trung Hoa chưa bao giờ hết nội chiến. Ở Trung Hoa không có hai chữ "ĐỒNG BÀO" và trên đất nước này không có cụm từ sức mạnh đoàn kết toàn dân. Hiện nay không chỉ Đài Loan là quốc gia độc lập mà Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, Ma Cao… đang như các quốc gia bị Bắc Kinh đô hộ. Nếu tách được ra thì các quốc gia đó sẽ giàu có và trù phú hơn nhiều. Còn Bắc Kinh thì luôn phải dùng biện pháp đàn áp. Họ đàn áp ở ngay giữa Thủ đô như sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đàn áp dã man các vùng xa xôi như Tây Tạng, Tân Cương trong năm 2008 và 2009.

Tuy vậy, các thế hệ cầm quyền Trung Hoa từ thời cổ đến nay đều đã nghiên cứu kỹ phong thủy địa mạch và họ ý thức được rằng có một cách vãn hồi được điểm yếu cấu trúc trượt của chiếc bánh sandwich là phải làm chủ đường kinh mạch lợi hại đi từ đỉnh Everest cao gần 9000m của dãy Hymalaya qua cao Tây Tạng, qua nguyên Vân Nam, qua đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, xuống vịnh Hạ Long rôì đi đến đáy đại dương sâu nhất thế giới gần 11Km ở vịnh Mindanao Philippin. Đó cũng là mạch đất độc đáo nối từ "Cổng Trời" đầy thiên khí đến "Địa Huyệt" đầy của cải có độ cao chênh nhau ngót 20Km và là đường kinh mạch quan trọng nhất thế giới. Nếu họ làm chủ được đường kinh mạch này thì không những họ có gọng kìm xiết chặt chiếc bánh sandwich đó, không cho nó trôi trượt đi, mà họ còn có thể mau chóng làm chủ cả thế giới. Bởi vậy, lúc này họ đang cố sức "củng cố nơi họ đã là chủ và chiếm thêm nơi họ chưa chiếm được" để thực hiện ước nguyện bá chủ toàn cầu.

* Sau hàng ngàn năm với nhiều thủ đoạn, cao nguyên Vân Nam rộng 390.000Km2 có 26 dân tộc đến nay đã bị họ khống chế hoàn toàn, người dân tộc Di, dân tộc Choang mỗi ngày một ít, người Hán đã di cư về đây trên 20 triệu và thành phố Côn Minh hiện đại hơn ba triệu dân ngày nay là thành phố của người Hán (người Hán thật thì ít, người Hán mới bị đồng hóa thì nhiều).

* Ngược lại, khu tự trị Tây Tạng, nóc nhà của thế giới và là Thủ đô của Đạo Phật, vốn là một quốc gia độc lập văn minh, đã bị chính thức lệ thuộc vào Trung Hoa từ năm 1914 đến nay. Thật xấu hổ và nhục nhã cho một chính thể, một Nhà nước suốt ngày hô hào "đoàn kết các dân tộc" lại đang đàn áp và hủy diệt người Tây Tạng, đập phá chùa chiền đến mức người đại diện cho Đạo Phật và là linh hồn của dân tộc Tạng là Đức Đa Lai Lạt Ma phải đi lưu vong, việc đó đã khiến Ấn Độ và các quốc gia Tây Á không thể làm ngơ và đang ở bên dân tộc Tạng. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước Trung Quốc sẽ không thể đạt được cái họ muốn (Tây Tạng).

Cung-điện-taytang-potola.jpg
Cung điện Tây Tạng Potola

Còn ở Việt Nam chúng ta? Lịch sử bốn ngàn năm của nước ta là lịch sử chống ngoại xâm. "Ngoại xâm" đây là chỉ giặc Phương Bắc, bởi vì Phương Đông, Phương Tây và Phương Nam gần như không có. Hơn hai ngàn năm qua thì giặc ngoại xâm đã bị chỉ đích danh những những nhân vật cụ thể như Triệu Đà, Mã Viện, Cao Biền… Bởi thế ta rất cần biết tại sao họ quyết chiếm nước ta và tại sao họ không thể chiếm nổi?

Địa mạch Việt Nam: Khúc quan trọng trong địa mạch toàn cầu

Trong quá trình địa kiến tạo vỏ trái đất, có những nếp gấp lớn tạo ra dãy núi cao đóng vai trò đường kinh mạch trọng yếu xuyên qua nhiều quốc gia như phần trên đã phân tích. Sau Tây Tạng, Vân Nam, thì đồng bằng Bắc Bộ nước ta là phần rất quan trọng của mạch đất này (đọc Đại địa mạch quốc gia). Dãy Hymalaya chạy vòng vèo như hình con rồng lớn, đoạn đến nước ta là dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Xi Pan cao 3143m, đến Việt Trì mạch đất lặn xuống, tỏa ra và qua sông Đà lại xuất hiện cụm Ba Vì cao 1226m, điểm nhấn của THĂNG LONG NÚI CHẦU SÔNG TỤ. Trước khi Vua Lý Thái Tổ chọn nơi này dựng Kinh đô Thăng Long thì người Trung Hoa đã dòm ngó vùng đất kỳ bí này và Cao Biền tấu thư kiểu tự là một trong những kết quả tìm kiếm công phu nhất. Theo báo cáo của Cao Biền, một người tài giỏi gốc Mãn Châu thì vùng đất nhỏ bé này tụ hội rất nhiều linh khí đất trời và sản sinh ra nhiều hiền tài, ông ta tìm thấy 632 huyệt chính, huyệt phát đế và 1617 huyệt bàng, huyệt phát quan, nên một mặt ông ta theo lệnh vua Đường Y Tông yểm phá các báu huyệt để tiêu diệt hiền tài của nước ta, mặt khác ông ta hiểu giá trị của vùng đất này, nên đã xây thành Đại La, mưu đồ thực hiện mộng bá vương và đã bị vua Đường trị tội. Âm mưu yểm huyệt Thăng Long chưa bao giờ ngơi nghỉ trong đầu các nhà cầm quyền Trung Hoa và hành động thô bạo ngày 11/9/1955 mà tôi vô tình chứng kiến có làm cho họ thận trọng hơn.

Hiện nay họ biết không thể ngang nhiên đổ bộ vào Thủ đô, họ đi vòng vèo từ phía Tây qua Lào, qua Cam pu chia và họ đang chiếm Bauxite Tây nguyên, còn tại Trung tâm Thủ đô, họ đang nhờ bàn tay nào phá Thủ đô của ta? Tinh ý, chúng ta sẽ biết.

Địa mạch Việt Nam: Vùng Biển Đông, yết hầu của Đông Nam Á

Không phải ngẫu nhiên vô cớ mà trên vịnh Bắc Bộ rộng lớn của chúng ta còn có vịnh Hạ Long bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, ngay sát Cảng Vân Đồn lại có vịnh Bái Tử Long, và ngoài khơi xa của Hải Phòng có đảo Bạch Long Vĩ, ngoài ra còn có nhiều đảo có tên liên quan đến Rồng như Hòn Rồng, Long Châu, thôn Cái Rồng…, cái tên Long liên quan đến phần đuôi của con Rồng lớn xòe ra ở đồng bằng Bắc Bộ, đi xuống nước ở Cảng Vân Đồn và kết thúc ở đáy Đại dương thuộc vịnh Mindanao thuộc Philippin. Có lẽ đây cũng chính là cái chốt trọng yếu khiến Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh và ngang nhiên công bố đường lưỡi bò chín đoạn trên Biển Đông vào tháng 5/2009, vi phạm trực tiếp đến 5 quốc gia Đông Nam Á và nền an ninh cả thế giới. Đây là sản phẩm kế thừa của chính quyền Quốc dân Đảng từ năm 1947, điều đó cũng cho thấy thời nào cũng vậy, mưu đồ bá quyền của chính quyền nhà nước Trung Quốc không thay đổi. Chắc hẳn lúc này không chỉ các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia và Malaysia ý thức được đường lưỡi bò này vi phạm đến chủ quyền của mình, mà gần như cả thế giới đã nhận ra mưu đồ chiếm cứ con Rồng lớn nhất thế giới của nhà nước Trung Hoa, bởi vì chiếm cứ được cái yết hầu này là họ chiếm được cả Châu Á và một khi chiếm được Châu Á rồi thì bước đi tiếp sẽ ra sao? Thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước Châu Âu có để cho họ làm điều đó không ?

Địa mạch Việt Nam: Cấu trúc Âm Dương hoàn chỉnh

Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi đầu tiên của Nhà nước Văn Lang, nhưng hình chữ S của Con Rồng đất nước Việt Nam ngày nay đã tạo nên một thế cân bằng Âm Dương rất hoàn chỉnh. Như sự ví von của nhà thơ Xuân Diệu, thì Đất nước ta như một con tàu / Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau.

NuicháuongtuTL.jpg

Núi chầu sông tụ Thăng Long theo hình thế Âm Dương

Điều đó cho thấy từ mấy ngàn năm trước cái nôi đồng Bằng Bắc Bộ đã vững như bàn thạch, từ thế kỷ XVI trở lại đây, khi đất nước đã phát triển xuống phía Nam thì con thuyền đất nước đã đủ tư cách rẽ sóng ra khơi và điều đó cũng cho thấy đã là con thuyền thì các phần mũi thuyền, thân thuyền và đuôi thuyền không thể tách rời nhau. Bởi vậy hơn lúc nào hết, chúng ta cần ý thức được sự sốg còn của vận mệnh đất nước, để xác định thái độ và hành động của mình.

LỜI CUỐI BÀI

Để kết thúc bài viết, tôi muốn quay lại những dòng mở đầu, rằng tôi không có chút năng khiếu nào trong những vấn đề kinh tế, xã hội và an ninh chính trị, nhưng do nghề nghiệp và do số phận, tôi đã có dịp hiểu rất sâu vào cốt lõi của vấn đề kinh tế và chính trị trong mối quan hệ vơí Trung Quốc hiện nay. Bởi vậy tôi muốn khuyên tất cả mọi người, nhất là các vị sinh ra sau tôi và chưa có dịp trải nghiệm như tôi, là hãy tỉnh táo để thoát ra khỏi cõi u mê của sự hoang tưởng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cha ông ta đã trải qua hàng ngàn năm mới đưa ra được lời dạy bảo và bản thân tôi phải trải qua hơn 55 năm để chiêm nghiệm và thấm nhuần lời dạy bảo của cha ông.

Tôi biết, lúc này đã có rất nhiều người suy nghĩ như tôi hoặc sâu sắc hơn tôi, nhưng vẫn còn khá đông người đang lầm lẫn và ảo tưởng, không ít người còn rất sợ vía người bạn lớn vĩ đại Trung Hoa, tôi không trách họ vì đôi lúc chính tôi cũng tin ở họ và nể sợ họ lắm. Nhưng xin mọi người hãy bình tâm và suy ngẫm xem cái gì tạo nên sức mạnh của họ và cái gì đang giết chết sức mạnh đó?

Đông dân là một sức mạnh

Đúng vậy, ngày tôi đang học ở Thượng Hải thì Trung Quốc mới xây xong cầu Trường Giang, họ rất tự hào nói rằng, chỉ cần toàn dân Trung Hoa, mỗi người tiết kiệm một cái bánh bao là đủ xây một cái cầu Trường Giang. Đó là một việc làm tốt.

Trong thế vận hôị 2008 ở Bắc Kinh, họ xây dựng Sân vận động Tổ Chim độc đáo hết 432 triệu USD, nếu chia cho 1,3 tỷ dân thì họ phải cắt xén của mỗi người 0,32 USD, việc đó có vẻ cũng vẫn tốt.

Hiện nay họ đang làm nhiều việc ghê gớm hơn như xây dựng đại hàng không mẫu hạm trên Biển Đông và các căn cứ hải quân… tôi nghĩ họ cũng sẽ làm được đủ để dọa nạt chúng ta và các nước trong vùng.

mô-hình-hàng-không-mẫu-hạm-ở-vũ-hán-ship2.jpg
Mô hình hàng không mẫu hạm ở vũ Hán

Có điều, một thảm họa đông dân mà Nhà nước không vì dân thì Nhà nước sẽ khốn đốn. Có ai biết rằng trên đất nước Trung Hoa vĩ đại đang có 200 triệu người sống lang thang không nhà cửa và đặc biệt hệ thống băng đảng Mafia ở hầu hết các thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải, Quảng Châu… đang chia cắt quyền lực của đất nước họ hay không? Việc tầy trời này thiết nghĩ cũng không cần nhiều lời và chính là việc của các nhà chiến lược.

Vậy thì mọi nỗ lực của họ có thể có một kết thúc có hậu hay không?

TTV

Thursday, November 19, 2009

Tiếng Anh bài 9. Dùng dấu phẩy

Tiếng Anh bài 9. Dùng dấu phẩy

Tưởng rằng chuyện dùng dấu phẩy là đề tài của học sinh tiểu học, nhưng trong thực tế thì cách dùng dấu phẩy không đơn giản như chúng ta tưởng. Chả thế mà sách dạy tiếng Anh cho các nhà chuyên môn vẫn có một chương hay phần dài của chương sách để chỉ dẫn cách dùng dấu phẩy cho đúng.

Chẳng nói đâu xa, trong cái concept paper mà tôi có dịp bàn trước đây, tác giả có viết một câu mà tôi nghĩ rằng thiếu dấu phẩy: "Developments in and related to the South China Sea have by and large been consistent to the overall contemporary trend toward greater cooperation in Asia-Pacific."

Vậy thì dấu phẩy nên được dùng trong trường hợp nào? Sau đây là những trường hợp cần đến dấu phẩy.

1. Tách rời một danh sách sự việc hay đối tượng:

John, Fred, and Frank. (Chú ý: có khi người ta không dùng đến dấu phẩy cho đối tượng sau cùng, như "John, Fred and Frank").

He wrote paper articles, books, and short stories.

He went across the sidewalk, down the street, and into the bar.

2. Tách rời các mệnh đề trong một câu văn phức tạp được nối bằng những liên từ:

The professor invited his students to lunch, and most of them accepted the invitation.

I have not completed my experiment, yet I plan to do another one.

3. Tách biệt những thán từ (interjection):

Oh, I thought so.

Hello, I am glad to see you here.

I try so hard, alas, to do it

Yes, I will be pleased to discuss with you.

4. Để khởi đầu một câu văn mang tính bổ nghĩa (modifier). Những từ mang tính bổ nghĩa thông dụng là however, nevertheless, moreover, furthermore, therefore, on the other hand.

However, the relationship did not exist.

On the other hand, we found that the CFG gene was associated with increased risk of hypertension.

5. Để khởi đầu một nhóm từ tuyệt đối (absolute phrase). Những nhóm từ tuyệt đối là thường được cấu trúc bằng động tính từ (participle) hay đại danh từ như the sun having risen:

The river being cold, we did not go swimming.

It seems sensible, the weather being warm, to pack a lunch.

6. Để bắt đầu một mệnh đề trước một chủ từ:

During the long winter of 1881, the King suffered a sever illness.

(Câu này cũng có thể viết: In 1818, the King suffered a severe illness).

7. Để bắt đầu một thán từ trong một thứ tự bình thường như:

The university, old and respected, went broke.

The year of his graduation, 1950, was an eventful one.

8. Để tách rời hai điều tương phản nhau:

I want to see a doctor, not a lawyer.

She longed to find happiness, but found misery instead.

9. Để khởi đầu những yếu tố không có giới hạn:

His father, Mr. Smith, was ill

My friend, who is an engineer, is coming for a visit

10. Để tránh hiểu lầm:

During the summer, days become longer
(nếu viết During the summer days become longer thì người ta có thể hiểu summer days là một danh-tính-từ)

Soon after, the meeting was adjourned
(nếu không có dấu phẩy, người đọc có thể hiểu after the meeting)

Với những hướng dẫn trên, chúng ta có thể quay lại với câu văn của Học viện Ngoại giao và viết lại như sau:"Developments in and related to the South China Sea have, by and large, been consistent to …". Nhưng câu văn đó nhiều sai sót về cách dùng từ mà tôi đã bàn trước đây.

NVT