Sunday, February 21, 2010

Những biện pháp thu phục lòng người


13-11-2009  08:31:58 GMT +7

-Trong lịch sử của dân tộc ta, việc thu phục nhân tâm, cố kết lòng người có ý nghĩa sống còn đối với mỗi triều đại. Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc, ba lần chiến thắng quân Nguyên đã có câu nói nổi tiếng "chí chúng thành thành" (ý chí dân chúng là bức tường thành). 

1 - Lý Thường Kiệt với bài thơ "Nam quốc sơn hà" 

Vào thời nhà Lý, quân Tống sang xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh, Lý Thường Kiệt cho đắp thành lũy, dàn trận đối địch trên sông Như Nguyệt (tức sông Cầu) để chống giặc. Ở đây có đền thờ Trương Hống, Trương Hát, hai vị tướng từ triều đại trước. Để kích thích tinh thần chiến đấu của ba quân, Lý Thường Kiệt đã sáng tác bài "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam). 

Ông chọn người có giọng sang sảng, ban đêm bí mật vào đền dùng loa đọc nhiều lần bài thơ này: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). 

Quân lính nghe đọc thơ, ai cũng tin rằng quân ta có thần nhân phù trợ, tất sẽ chiến thắng, vì vậy, ai cũng cố gắng hết lòng hết sức vì chủ tướng. Cuối cùng, Lý Thường Kiệt đã đuổi sạch quân Tống, giải phóng đất nước. Bài thơ như một bài hịch, một bản tuyên ngôn hùng hồn. Ngày nay, mỗi lần chúng ta đọc lại vẫn thấy hào sảng một cách lạ lùng. Huống chi giữa đêm khuya lại nghe thần linh đọc, ý chí chiến đấu của ba quân được kích thích cao độ. Đây là một cách tuyên truyền hết sức độc đáo. 

2 - Nguyễn Trãi viết chữ lên lá 

Đầu thế kỷ XV, nước ta bị giặc Minh đô hộ. Lê Lợi phất cờ dấy nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá). Lúc đầu điều kiện chiến đấu của quân ta vô cùng khó khăn bất lợi: "Tuấn kiệt như sao buổi sáng/Nhân tài như lá mùa thu" và "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/Khi Khôi Huyện quân không một đội"... (Cáo Bình Ngô). Nguyễn Trãi vào rừng sâu, dùng mỡ viết lên lá cây mấy chữ: "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm bề tôi). 

Các loài côn trùng theo vệt mỡ ăn thủng lá cây thành chữ. Lá rụng trôi xuống sông, quân dân nhặt được ai cũng tin rằng việc Lê Lợi dấy nghĩa là do ý trời. Từ đó quân theo về rất đông: "Gươm mài núi, đá núi cũng mòn/Voi uống nước, nước sông phải cạn" (Cáo Bình Ngô). Trải 10 năm chiến đấu gian khổ, cuối cùng Lê Lợi đã giải phóng được đất nước. 

3 - Quang Trung với 100 đồng tiền hai mặt như nhau 

Lại nữa thời Tây Sơn, Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà dẫn 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Từ Phú Xuân (Huế) Nguyễn Huệ đắp đàn trên núi Bân Sơn tế cáo trời đất, lên làm vua kéo quân ra Bắc diệt giặc. Trước khi xuất quân, Nguyễn Huệ đã khấn: "Nếu thần hiển linh phù trợ, xin cho 100 đồng tiền đều sấp". 

Lễ Hội Quang Trung được tổ chức tại Bình Định.


Sau đó ông tung 100 đồng tiền lên cao, những người đứng đầu hàng quân đều trông rõ: Trăm đồng như một, đều sấp. Quân ta tin rằng công cuộc giải phóng đất nước là do ý trời đã được thần linh phù trợ, vì vậy, muôn người như một đều đồng lòng. Thật ra đấy là một mẹo nhỏ của Nguyễn Huệ: Ông đã bí mật cho đúc 100 đồng tiền đặc biệt mà hai mặt đều như nhau để dùng trong việc này. 

Tất nhiên việc làm "thuận lẽ trời hợp lòng người" thì những mẹo nhỏ như trên mới có thể thực hiện được. Còn khi đã làm những việc bạo thiên nghịch địa để mất lòng dân thì không một mẹo nào có thể thi thố được. Người xưa nói "quốc dĩ quân di bản" (nước lấy dân làm gốc là vì thế).

Đôn Mai


No comments:

Post a Comment