14/02/2010 12:45:31
ĐAM MÊ ĐỂ THẤY NGỌT NGÀO SAU MỖI THẤT BẠI ĐẮNG CAY
Theo anh, đam mê có vai trò gì trong sự trưởng thành của người trẻ?
Đam mê là cội nguồn tạo nên niềm vui sướng đích thực của mỗi con người. Vì vậy, nó vừa là nhu cầu khao khát vừa là động lực để mỗi người vươn tới với tất cả sức mạnh tiềm ẩn của mình. Với mỗi người, năng lực trí tuệ giúp có được một công danh tốt, năng lực cảm xúc giúp có được một cuộc sống hài hòa, còn lòng đam mê giúp để lại một di sản.
Theo đuổi niềm đam mê đến tận cùng giúp người ta nghe thấy tiếng reo vang cổ vũ từ những khó khăn thách thức đáng sợ trên chặng đường xa thẳm đầy chông gai, thấy vị ngọt ngào từ những thất bại cay đắng, và thấy hạnh phúc và may mắn từ sự nghiệt ngã của số phận.
Sự cao quí của một niềm đam mê được đo bằng giá trị nó tạo ra cho xã hội khi người ta theo đuổi nó đến tận cùng: Từ tìm tòi ra cách nấu một món ăn ngon đến vẽ một bức tranh đẹp; từ tạo ra sản phẩm làm người tiêu dùng hứng khởi đến khơi dậy lòng nhân ái sâu thẳm trong mỗi con người; từ chiến công làm đồng bào mình hãnh diện đến nỗ lực hiến dâng cho một tương lai tươi sáng của đất nước.
Khơi dậy và làm bùng lên niềm đam mê cao quí tạo cho mỗi con người, đặc biệt là các bạn trẻ, không chỉ đánh thức nguồn năng lượng tiềm tàng, vô giá để vượt qua gian khó mà còn giúp họ cảm nhận được, thấy được chính mình trong những nét đẹp sâu thẳm của cuộc đời.
Trong khoa học, sự đam mê của những người trẻ quan trọng thế nào, thưa anh?
Tuổi thanh niên là thời mà con người có sức sống mạnh mẽ để có thể làm được nhiều việc với sự táo bạo vô song. Đó là thời gian con người có thể tích lũy kiến thức nhanh nhất và làm việc sáng tạo nhất. Đó là thời gian quý giá để mỗi người chuẩn bị cho sự nghiệp sau này. Thời gian không quay ngược lại được. Đam mê được phôi thai từ lúc trẻ tuổi, và niềm đam mê này sẽ bùng phát hay lụi tàn; bùng phát đến đâu hay lụi tàn đến mức nào tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của mỗi người trong những tháng năm trẻ tuổi.
Và anh cho rằng một người chỉ thực sự sống đẹp khi có một niềm đam mê cao quí thôi thúc mình trong cuộc đời?
Mục sư Martin Luther King có một câu nói rất hay, tạm dịch là "Một con người chỉ bắt đầu cuộc sống đích thực của mình khi anh ta có thể vượt qua khuôn khổ hạn hẹp của mối lo cá nhân để hướng tới những mối lo rộng lớn hơn của đồng loại". Giá trị của một con người không đo bằng tiền hay chức vụ mà bằng sự cao quí và mãnh liệt của niềm đam mê mà người đó theo đuổi. Tích kết từ triết lý Hy Lạp về ý nghĩa của sự đam mê trong tiến bộ của nhân loại, những người làm bộ phim Serendipity được chiếu gần đây cho nhân vật chính của mình nói một câu làm xôn xao giới trẻ toàn cầu: "Khi một con người qua đời, người Hy Lạp không viết cáo phó mà đặt một câu hỏi: Người đó lúc sinh thời có niềm đam mê cao quí nào không?".
SỨC MẠNH CỘNG HƯỞNG
Liệu có thể nói rằng, lòng đam mê mãnh liệt ắt mang lại thành công?
Không hẳn như vậy, đặc biệt với một dân tộc đầy xúc cảm như người Việt ta. Đam mê là nguồn năng lượng vô hạn, nhưng nó chỉ thành động lực mạnh mẽ trên hành trình đi đến thành công nếu có hướng đi đúng, thấu hiểu thực tại, và biết được chính mình. Một con người cũng như một đất nước chỉ thực sự biến được xúc cảm của mình thành sức mạnh vô song khi có được sự khai sáng của tư duy và sự thấm thía về những thất bại và trải nghiệm trong quá khứ.
Người Singapore đi được đến thành công hôm nay là nhờ thổi bùng ngọn lửa đam mê đuổi kịp các quốc gia phát triển bằng ba công cụ tư duy: Nhìn xa (biết xu thế thời đại và mục đích tương lai); Nhìn ngang dọc (học hỏi khắp nơi để chắt lọc tinh hoa nhân loại); và Nhìn lại (tự xem lại quá trình đã qua để đúc rút, chiêm nghiệm, và lớn lên).
Người Việt ta có lòng đam mê tiềm ẩn rất mãnh liệt nhưng các công cụ tư duy để lòng đam mê này trỗi dậy và đi đúng hướng còn khá hạn chế. Ba điểm yếu khá nổi bật của không ít người Việt là: Lựa chọn đường đi bằng cảm xúc chứ ít bằng lý trí nên có thể chọn nhầm đường đi; Cố bám lấy định kiến và tư duy cũ để nhận thức thực tại nên thường e ngại và tránh né sự đổi thay; Thiếu lòng quả cảm để chiêm nghiệm, học hỏi trải nghiệm nên khó lớn lên từ thất bại, thách thức.
Vì vậy, nguồn năng lượng to lớn của lòng đam mê của nhiều người có thể bị chôn vùi, thậm chí thui chột và tiêu biến trong những niềm vui manh mún vật chất, sự cầu toàn cá nhân, những toan tính hạn hẹp, và sự biện bác cho sự dối lòng.
Tôi luôn tự hỏi, người Việt chúng ta hôm nay có nhỏ bé quá không so với niềm khao khát của Bà Triệu Thị Trinh, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa, gần 2000 năm trước đây: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình giữa biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!".
Bài học lịch sử nào có thể làm ta nhớ lại rằng: lòng đam mê mang lại sức mạnh kỳ diệu?
Khi bàn về sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ 21, các học giả phương Tây chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên châu Á trỗi dậy. Vào thế kỷ 13, đế chế Mông Cổ đã chinh phục và bá chủ thế giới. Điều kỳ lạ trong giai đoạn này, chỉ có dân tộc Việt Nam bảo vệ được sự độc lập của mình bằng những chiến thắng kỳ diệu trước đội quân bách chiến bách thắng này. Điều kỳ lạ này chắc chắn sẽ được các học giả nhắc đến trong tương lai như một lý giải đầy tính thuyết phục, nếu một ngày mai đây dân tộc Việt Nam mình nổi lên trong hòa bình với một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới.
Điều kỳ lạ này là một minh chứng về sức mạnh kỳ diệu của người Việt Nam sản sinh từ cộng hưởng niềm đam mê của người dân trong khát vọng giải phóng dân tộc với tài trí của người lãnh đạo, lòng hiến dâng cho đất nước. Câu chuyện về chàng trai trẻ Phạm Ngũ Lão, một người đan sọt ở làng Phù Ủng (Đường Hào, Hải Dương) là một ví dụ.
Chuyên kể rằng: Trần Hưng Đạo cùng tùy tùng đi ngang qua Đường Hào thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt. Quân lính kéo đến, dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi thản nhiên không hề hay biết. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích. Thấy lạ, quân lính chạy đến bẩm Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo liền dừng lại hỏi. Khi đó Phạm Ngũ Lão mới chợt bừng tỉnh và xin xá tội thất lễ vì quá mải nghĩ một câu trong binh thư nên không hề biết mọi việc xung quanh. Trần Hưng Đạo không giận mà lấy làm mừng vì biết đây là người kỳ tài nên cho ngồi cùng kiệu đưa về kinh và tiến cử lên vua. Nhờ vậy, mới ở tuổi 30, Phạm Ngũ Lão đã được giao trọng trách, lập nên những chiến công hiển hách như trận Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp .
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Phạm Ngũ Lão không đủ niềm đam mê và tránh ra khi quân lính dọn đường? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người lính thấy lạ nhưng không bẩm Trần Hưng Đạo mà mắng mỏ thô bạo Phạm Ngũ Lão và lôi ông đi xử lý? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trần Hưng Hưng Đạo không dừng lại hỏi han mà vội đi vì công việc quá bận? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trần Hưng Hưng Đạo dừng lại ân cần hỏi han nhưng không để tâm đến tài năng của Phạm Ngũ Lão?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trần Hưng Hưng Đạo dừng lại ân cần hỏi han và biết Phạm Ngũ Lão là người có tài nhưng cơ chế không cho ông thu dụng? Nếu một trong những giả định trên quả thật xảy ra, chúng ta sẽ không chỉ không có những người anh hùng như Phạm Ngũ Lão mà có lẽ nước ta sẽ bị chìm đắm trước vó ngựa chinh phục của quân Nguyên-Mông. Hiện tượng Phạm Ngũ Lão là một chỉ số đặc sắc về sức mạnh cộng hưởng của lòng đam mê của người dân và tầm vóc cao quí của người lãnh đạo khi dân tộc Việt lâm nguy.
Anh có điều gì chiêm nghiệm muốn chia sẻ với lớp trẻ trong nước về niềm đam mê?
Trong chặng đường gian truân theo đuổi niềm đam mê của mình, tôi rất thấm thía một câu nói của Goethe, một nhà thơ lớn người Đức thế kỷ 19, đại ý là: Niềm khao khát của chúng ta là những con Phượng Hoàng đích thực; mỗi khi bị đốt cháy rụi, nó lại trỗi dậy rực rỡ từ đống tro tàn.
Sự hèn yếu của một con người hay của một đất nước không phải ở vị thế nghèo nàn hiện thời về vật chất; cũng không phải ở sự thua kém nhất thời về tri thức hay năng lực; mà ở sự tự chôn vùi khát vọng sâu thẳm của lòng mình bằng những món lợi chụp giật hoặc sự mưu cầu cá nhân. Sự đam mê của người trẻ là một chỉ dấu quan trọng cho mức độ phát triển và sức mạnh hiện tại lẫn tương lai của một dân tộc. Một dân tộc có những người trẻ đam mê là một dân tộc tràn đầy năng lượng sống.
Tôi rất cảm kích về tấm gương của Nguyên Công Trứ, một vị quan triều Nguyễn thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp đầy sóng gió, thành bại, và trắc trở của ông luôn chói sáng một niềm đam mê lập công và hiến dâng cho Tổ quốc. Ông quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhưng đã chủ động đề xuất việc chiêu mộ dân nghèo đắp đê lấn biển, lập ấp. Nhờ đó khai sinh các huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).
Tôi ước mong trong đời mình được thấy những hóa thân của Phạm Ngũ Lão hay Nguyễn Công Trứ trong những năm tháng đầy thử thách phát triển hiện nay của đất nước mình.
Xin cảm ơn anh!
Lê Ngọc Sơn (thực hiện)
No comments:
Post a Comment