- Liệu "tiếng trống đốc học trên VTV lúc 19h hàng ngày" có thực sự đốc trẻ em tự giác học tập? Có khơi dậy được tinh thần "học tập suốt đời" của một "xã hội học tập"?
Là người nghiên cứu nhiều năm về Phan Khôi - một học giả có nhiều ý tưởng về sự "thực học" của nước nhà, lại trưởng thành từ nền giáo dục lúc giao thời, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ ý kiến xung quanh những vấn đề đặt ra.
Nếu bảo hiếu học là để giải quyết cho sự háo danh của người Việt Nam thì cũng có phần đúng... |
Mục tiêu ở tầm cao vẫn còn… rất xa
Ông nghĩ thế nào về ý tưởng "đánh trống đốc học" trên VTV vào buổi tối?
Từ xưa đến nay đã xuất hiện rất nhiều ý tưởng khuyến khích sự học. Ý tưởng này không phải là sáng kiến đầu tiên trong khoảng vài chục năm gần đây.
Theo tôi, không nên nghi ngờ sự hiếu học của dân mình. Chỉ có điều, nó có bền không và có hướng dẫn người ta đi xa hay không trên con đường học tập? Đó mới là vấn đề. Cái này liên quan đến mục tiêu sự học
Đối với người Việt Nam, học để mở mang hiểu biết là nhu cầu có thực, nhưng nhu cầu đó chỉ hiện hữu ở mức tương đối. Ví như, ở thời Nho học xa xưa, dân thường, nhất là phụ nữ thì đừng mơ là được đi học.
Sang thời kỳ dùng chữ Quốc ngữ thì việc biết chữ được cộng đồng người Việt mình nhìn nhận lại, xem là cần thiết cho cuộc sống; những năm 1930 đã có những vận động mạnh mẽ, và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thì chuyện đọc thông viết thạo là chuẩn phổ cập đặt ra cho mọi người.
Mức tiếp theo, mục tiêu của sự học là đi đến chuyện tìm cơ hội thăng tiến. Vì "một người làm quan cả họ được nhờ", nên suốt thời gian dài trong học chế khoa cử Nho giáo, cả một lớp người đi học chỉ nhắm tới mục đích làm quan. Tư tưởng này vẫn được tiếp tục trong thời thực dân. Thời này học làm quan cũng có, nhưng ít hơn; trong khi đó cái phổ biến hơn lại là học để làm "thầy", nhất là 3 nghề danh giá, kiếm sống tốt: thầy thuốc, thầy kiện, thầy giáo. Đối với xã hội hiện đại, việc học gắn với nhiều mức phát triển của tri thức và của đời sống.
Nếu nói đến những mục tiêu của việc học của người Việt và cộng đồng Việt, thì tôi nghĩ, những mục tiêu ở tầm cao mà người Việt ta đeo đẳng, vẫn còn rất xa!
Tại sao mục tiêu ở tầm cao của người Việt ta đeo đẳng còn rất xa?
Việc học bao gồm nhiều mục tiêu, gần và xa.
Gần là những gì cần học để một con người tự nhiên hội nhập với xã hội, có những hiểu biết, kỹ năng tối thiểu để sống với xã hội.
Suốt từ bậc mẫu giáo đến sau khi học xong đại học, nói một cách ước lệ, người học chỉ tiếp nhận vốn tri thức và kỹ năng mà nhân loại đã tổng kết.
Con đường từ cánh cửa đại học, đối với các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trở đi, mỗi người học là tìm ra, làm ra những đóng góp mới vào kho tàng tri thức và kỹ năng của nhân loại. Chữ "học" lúc này cần phải mang hàm nghĩa "nghiên cứu", "phát minh". Các tấm bằng kể trên chỉ là điều kiện chứ không phải là mục tiêu của sự học ở chặng này. Mỗi đóng góp bằng kết quả nghiên cứu, sáng chế, phát minh bao giờ cũng sẽ được đồng nghiệp trong và ngoài nước kiểm định. Nói rằng mục tiêu của sự học vẫn còn là xa đối với số rất đông người học nước ta, là theo ý nghĩa ấy.
Ông chưa nói có ủng hộ ý tưởng đánh trống trên ti-vi?
Tôi chưa biết, với 15 giây đó thì sẽ nói những gì. Đây là ý tưởng không mới, vì vài chục năm nay, các dòng họ, các gia đình, các địa phương đã có khá nhiều biện pháp. Thậm chí, việc những dòng họ trao giải cho con cháu đạt thành tích cao trong học tập đã diễn ra cách đây cả chục năm rồi.
"Thực học" rất kém
Ông là người nghiên cứu về Phan Khôi, một học giả nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Phan Khôi đã từng ví sự học của người Việt như một cục gạch để gõ cửa giàu sang, khi đã giàu sang rồi thì không học nữa… Có phải tinh thần hiếu học chỉ để giải quyết cho sự háo danh của người Việt?
Thực ra, mỗi con người có những mục tiêu khác nhau. Với từng con người cụ thể thì năng lực học, năng lực tiến thân trong sự học, đến một chừng nào đó sẽ dừng lại, không thể đi xa hơn được. Không phải bất kỳ người nào cũng có thể đi đến cùng trong việc học. Nói gần hơn là không phải người nào cũng đạt đến trình độ tiến sĩ, không phải người nào cũng là bác học...
Ngô Bảo Châu là một hiện tượng. Khá nhiều những người khác, đã đoạt giải toán quốc tế nhiều lần nhưng không tiến được ở mức như Ngô Bảo Châu.
Về năng lực nhận thức, có những người ở giai đoạn nhất định của cuộc đời mình thì tiếp nhận tốt, nhưng có những giai đoạn không tốt. Mà số đông bao giờ cũng hoạt động để sống. Cho nên, phải nói thật, số đi thật xa bao giờ cũng là chọn lọc, rất chọn lọc.
Nếu bảo hiếu học là để giải quyết cho sự háo danh của người Việt Nam thì cũng có phần đúng. Nhưng nếu không có một chút háo danh trong tâm lý, người ta cũng khó mà chăm học.
Quan điểm "khi gõ được cửa giàu sang rồi thì không học nữa" hiện nay đã lỗi mốt chưa?
Cá nhân tôi cho rằng, quan điểm này đúng, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh. Ngay cả những người đang làm việc cho các cơ sở nước ngoài, lương cao, có nhà đẹp, xe đẹp... nhưng đọc sách rất ít, đi chơi nhiều hơn.
Trong "thế giới" quen biết của đám các con các cháu tôi, tôi thấy "sở thích văn hóa" của nhóm này thường là đi du lịch, chứ không phải là đọc sách. Còn có nhiều đại gia bầy tủ sách riêng to đẹp để lòe thiên hạ và xuất hiện trước công chúng với "tự bạch" giả dối. Ví như được hỏi "thói quen là gì?", câu trả lời đầu lưỡi là "đọc sách", nhưng nói chuyện khoảng 10 phút thì thấy không phải thế.
Vậy theo ông, những quan điểm giáo dục nào của Phan Khôi vẫn còn giá trị trong giai đoạn hiện nay?
Phan Khôi là một trong những người được tiên đoán là một tiến sĩ Nho học tương lai rất giỏi của vùng đất Quảng Nam. Những người đưa ra tiên đoán là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.
Thế nhưng con đường khoa bảng của Phan Khôi chỉ dừng ở thi tú tài. Sau đó, ông bỏ học chữ Nho, bỏ con đường khoa cử để vào học tiếng Pháp và tìm thầy học chữ Quốc ngữ. Ông vào học ở trường Pellerin ở Huế, ngồi giữa đám học trò trẻ con, chỉ để học tiếng Pháp. Học chữ Quốc ngữ còn khó hơn, vì chưa có thày dạy; ông tìm được một người dạy được vài tháng rồi nghỉ, vì thầy hết chữ!
Phan Khôi không theo đuổi thi cử chữ Hán nhưng vẫn dùng chữ Hán đọc tất cả những sách báo mới từ Trung Quốc đưa vào, cũng như dùng vốn chữ Pháp để đọc sách báo từ Pháp đưa sang, nên ông là một người hiểu biết rất rộng về văn hóa Trung Hoa, văn hóa nhiều nước khác... Nên nhớ, ông là một trong không nhiều tác gia người Việt đã dịch Kinh Thánh (Bible)
Ý ông là trong quá trình học không nên đặt nặng vấn đề thi cử?
Đúng như vậy. Phan Khôi đã không đặt nặng vấn đề này.
Nhưng việc rẽ ngang đó có định hướng nào từ phía nhà trường, giáo viên...?
Vấn đề này phải xuất phát từ cả hai phía. Thật ra, những người xuất sắc, lỗi lạc kiểu như Phan Khôi đương nhiên không nhiều. Nghĩa là những người có bản lĩnh, có chủ kiến, họ nhận ra rất sớm tình hình và họ thấy cần phải thay đổi. Tự ông tìm tòi nguồn học. Còn đối với số đông hơn thì, để khuyến khích sự học, cần có sự định hướng của những người hiểu biết hơn. Các thế hệ đàn anh trong xã hội rất quan trọng.
Cái thực học là cái cần phải nhấn mạnh. Theo tôi vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với chúng ta hiện nay. Vì, khoảng mấy chục năm gần đây, nhất là từ thời đổi mới (nhưng đây không phải là kết quả của "đổi mới"!), việc học ĐH, trên ĐH gắn với văn bài trường ốc, với khoa cử nhiều hơn là với thực học. Đặc biệt khối khoa học xã hội, chất thực học rất kém.
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, tôi có nêu nhận xét: văn bài trường ốc đang "úm" phê bình văn chương, làm cho phê bình yếu hẳn đi.
Phần 2: Chỉ cần ông thầy hiện đại đừng... tệ quá
Lan Anh - Kiều Oanh (thực hiện)
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân sinh năm 1945. Là học sinh duy nhất của trường Biên Hòa (Hà Nam) năm 1964 được nhận phần thưởng của Hồ Chủ Tịch vì có kết quả học tập của tất cả các môn đều đạt điểm 5 (thang điểm cao nhất thời đó). Năm 1968, tốt nghiệp ngành ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Hoạt động chủ yếu là phê bình, nghiên cứu văn học, biên dịch thông tin lý luận văn hoá văn nghệ. |
No comments:
Post a Comment