Friday, February 26, 2010

Hãy suy nghĩ như một triết gia và làm như một người thợ - Giản Tư Trung


20/12/2009 02:48:20 
(SVVN) Anh Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE - người đang tâm huyết và mải mê với các dự án giáo dục của mình, cùng hy vọng nâng cao doanh trí và dân trí, đã có cuộc trò chuyện với SVVN về cách đào tạo hiện nay ở các trường ĐH ở VN.

KHÁT VỌNG SÁNH VAI 
Trong tâm thức người Việt, thường có lối suy nghĩ phổ biến "sự học dẫn người ta đến sự thành công". Anh thì nghĩ sao? 
Ai cũng biết sự học thay đổi một phần con người, và Việt Nambây giờ có rất nhiều người có khả năng. Ngày xưa, rất ít người có thể tiếp cận với sự học và không phải bất cứ ai học cũng thành công. Còn ngày nay gần như ai cũng học hết rồi, vậy làm thế nào để thành công?

 Theo tôi, những người thành công là những người biết học. Học không chỉ là học những cái chuyên môn, mà còn phải học để mà hấp thu được những bộ óc lớn. Đó mới là cái đỉnh cao. Thế nên mới có chuyện, có người chỉ điều hành công ty con con với 5-6 nhân viên mà phải học đến… sói cả trán. Do vậy, giờ đây sự học là cái thứ không phải quan trọng nhất. Không phải sự học nào cũng quyết định thân phận, mà phải là biết cách học.

Trong sự học, làm thế nào để một người trẻ biết là mình thành công hay chưa? Tiêu chí nào để định lượng được chỉ số thành công của người trẻ?

Tôi có hỏi các học viên: Các anh chị có ai có khát vọng lớn hay không?". Hơn nửa lớp giơ tay nói là có khát vọng lớn. Thế khát vọng lớn là gì? Mình lấy lại câu của Bác Hồ nói là: sánh vai với các cường quốc năm châu để chia sẻ cùng các bạn học viên.

Các bạn muốn biết mình có khát vọng lớn hay không thì xin phép tạm chia làm 5 mức xà, người đặt ra mức xà cao nhất mới có khát vọng lớn. Lớn hay không là tùy theo mức xà, và khả năng mình vượt qua mức xà đấy. Mức xà thấp nhất là so sánh với các bạn học phổ thông, mức xà tiếp theo là so sánh với những bạn học đại học. Tham vọng cao hơn thì so sánh với bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực mình làm ở trong nước. Mức xà thứ 4 là so sánh với các bạn đồng nghiệp quốc tế trong khu vực (Singapore, Hồng Kông, ấn Độ, Trung Quốc). Mức xà thứ 5 là so sánh với các cường quốc năm châu. Thực ra, mình ngang vai với quốc tế thì chỉ bằng eo của các cường quốc. So với đồng nghiệp trong nước như sánh với đầu gối, bạn học thì sánh với mắt cá chân. Muốn khát vọng lớn thì phải sánh vai thì mới gọi là khát vọng lớn.

BÀN VỀ KẺ THÙ CỦA ĐẠO ĐỨC VÀ GIÁO DỤC

Hơn sáu mươi năm trước, khi đất nước mới độc lập, chúng ta xác định một trong những kẻ thù lớn nhất lúc đó là giặc dốt. Vậy theo anh, kẻ thù lớn nhất của thời  đại hiện nay  là gì?

Theo tôi, không phải riêng Việt Nam mà cả các nước trong khu vực có 3 kẻ thù lớn nhất: Kẻ thù thứ nhất là thiếu trung thực, thứ 2 là ngộ nhận về sự hiểu biết, kẻ thù thứ 3 là sự lười biếng. Có nhiều người lười biếng nhưng họ không nghĩ vậy. Trong 3 kẻ thù này kẻ thù lớn nhất là sự ngộ nhận. Einstein từng nói: Trên đời này chỉ có hai thứ là vô tận, đó là vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Nhưng vũ trụ thì không chắc lắm còn cái thứ 2 thì chắc chắn nó vô tận. Nghĩa là bi kịch lớn nhất của con người không phải sự ngu dốt mà là dốt nhưng không biết mình dốt.

Năm 1945, Bác Hồ nói là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Sự thực là kẻ thù lớn nhất sau năm 1945 (giặc dốt) cực kỳ dễ thương, vì ở thời điểm đó ai cũng thừa nhận là mình dốt. Ở cái xã hội ai cũng thừa nhận mình dốt thì quá tuyệt vời, vì khi người ta nghĩ mình dốt thì người ta phải nỗ lực hết sức để mình giỏi. Nhưng theo bạn, bây giờ giặc dốt còn hay không? (Cười).

Nhưng còn sự lười biếng? Nó liên quan gì đến câu chuyện chúng ta đang bàn?

Thay vì nói về sự lười biếng, ta bàn đến sự chăm chỉ. Tại vì có nhiều người lười biếng nhưng người ta tưởng mình chăm chỉ. Cái đó cũng nguy hiểm. Theo tôi, chúng ta không nên nói nhiều về đạo đức mà nên nói về chăm chỉ vì chăm chỉ là một trong những biểu hiện cao nhất của đạo đức.

 Một người có đạo đức chắc chắn là một người lao động cật lực. Nhưng một người lao động cật lực thì chưa chắc đã là người có đạo đức. Một người mà không chăm chỉ là một người không có đạo đức hay nói cách khác là đạo đức giả. Bất cứ ai cũng có thể thành công nếu có tài năng và lao động cật lực.

Yếu tố cấu thành quan trọng và căn bản nhất của đạo đức là chăm chỉ. Vừa rồi, tôi có gặp một ông lao công quét sân, lau bàn… ở trường. Bàn dính bẩn ông lấy giẻ lau, tôi có cảm giác ông không lau bàn mà ông đang lau vàng, lau kim cương. Mình thấy là "do something with love" tức là làm việc với tình yêu chứ không phải trách nhiệm. Khi mình đào tạo nhân viên lao công để lau bàn mình chỉ cách để họ lau bàn thế nào cho sạch thì dễ lắm, nhưng để có một nhân viên làm việc với tình yêu thì đó là công cuộc của cả một nền giáo dục quốc gia.

Có lần tôi đi máy bay của một hãng hàng không Nhật, khi tôi ăn xong có cô tiếp viên đến dọn, cô tỏ ra rất hạnh phúc khi thấy mình vui. Xong, cô ấy cười và hỏi: Anh thấy ngon chứ?, mình cười và nói Rất ngon!. Họ không xem nhân viên của họ là tiếp viên hàng không mà xem như là những đại sứ cho hãng hàng không.

Nghĩa là nói gì đi nữa thì chúng ta vẫn phải quay về câu chuyện triết lý của giáo dục?

Thực ra thì quốc gia nào cũng có triết lý giáo dục của họ. Mình đã giải thích "thực học", đưa ra tôn thờ giá trị thực học chứ không phải tôn vinh. Giống như một nhà văn nổi tiếng người Mỹ có nói một câu: Trong vũ trụ giả dối, một hành động trung thực sẽ là hành động cách mạng. Nhiều khi mình vẫn tin xã hội có rất nhiều  người tâm huyết và trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ không nhụt chí.

Người làm chuyên môn như mình, phải làm như là kiến  - tha lâu thì đầy tổ, nhưng nghĩ thì phải như voi mới được. Mình rất thích câu chuyện "những con sao biển" về triết lý hành động và tổ chức: Có một anh chàng đi du lịch ra biển, anh thấy trong rất nhiều người tắm biển có một cậu bé cứ lúi húi nhặt cái gì đó rồi lia ra biển. Tò mò chạy lại gần xem thằng bé làm gì thì hóa ra không phải nó lia đá, mà nó nhặt con sao biển đang mắc cạn. Ông này nhìn thấy nó làm vậy thì cười: "Ê nhóc! Cậu có biết trên bãi biển này có bao nhiêu con sao biển không?"! Nó không nhìn lại ông ấy mà nói liền: "Nhưng mà cháu có thể cứu được con này mà!". Ông ta giật mình và nghĩ rằng "Tại sao mọi người không nghĩ thế".

 Sau đó, ông ấy cũng nhặt và rất nhiều người cùng nhặt, hàng vạn con sao biển đã được cứu. Câu chuyện chỉ có vậy. Hãy có tầm nhìn của người lớn nhưng phải có tâm hồn của đứa trẻ. Đó là câu chuyện cho ta thấy khi mình làm cái gì thì làm cái cụ thể, nhưng khi nghĩ thì đến cái cao rộng.

Chẳng thế mà, vừa rồi miền Trung lũ lụt. Lúc đó mình xung phong đóng góp một ít. Mình giúp được một người thì cứ nghĩ là một người thôi. Cũng như mình có thể đóng góp 2 gói mỳ thì cứ đóng góp 2 gói. Tại sao cứ nghĩ đến triệu gói mà không nghĩ đến 2 gói? Chứ cứ nghĩ: Hai gói mì thì giúp được ai, rồi không giúp, thì lấy đâu ra triệu gói mì?!

Quay lại câu chuyện giáo dục, cổ vũ được những người thực học, và tôn trọng họ, cả xã hội sẽ làm theo.

TRIẾT GIA VÀ CÁI BÚA

Là một người làm về giáo dục và tâm huyết với các bạn sinh viên, anh có suy nghĩ thế nào về cách đào tạo ở các trường ĐH hiện nay?

Theo tôi, cách giáo dục con người, kể cả đại  học của ta hay của Tây thì cũng cần nhấn mạnh hai điểm, học cách nghĩ và học cách học. 
Khi tôi đến Viện Công nghệ Massachusetts, thấy người ta có một cách diễn đạt rất hay: Biểu tượng (logo) của trường học là một vị triết gia và bên cạnh là cái búa. Suy nghĩ kỹ ta mới thấy rằng: Những người vĩ đại trong cuộc đời này luôn có một đặc tính rất căn bản: Khi anh làm có thể làm những cái rất nhỏ nhặt, tưởng như là tầm thường nhưng khi anh nghĩ thường như là một triết gia… Nên thường thường nó tạo ra một lớp người chỉ nói những thứ tưởng như là chuyện "trên trời", nhưng ngoài đời thực họ làm được những việc rất đáng để đời…

Tôi nghĩ, ở những trường đại học danh tiếng đều có tư tưởng đó, nhưng không có trường nào có cách diễn đạt dễ hiểu và tuyệt vời như MIT

Vậy theo anh, chúng ta nên làm  thế nào?

Mỗi quốc gia có bối cảnh khác nhau, nên sẽ có những vấn đề khác nhau. Mà khi vấn đề khác nhau sẽ có giải pháp khác nhau và do đó sẽ hình thành mô hình khác nhau. Chúng ta có thể học hỏi từ thế giới, nhưng không nên copy mô hình này, mô hình nọ để áp khung cho nền giáo dục.

Ngoài ra, một xã hội có nền giáo dục bất bình thường, sẽ đào tạo ra những người mà khi bước vào một khu rừng rậm rạp thì người ta chỉ "thấy cây mà không thấy rừng". Lối giáo dục này cũng rất không tốt.

Cách đây không lâu tôi có tham luận ở vài cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục tổ chức ở nước ngoài. Một số đại biểu quốc tế "chất vấn" mình "cải cách giáo dục Việt Nam bắt đầu từ đâu"? Nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ trả lời bắt đầu từ nội dung, từ thi cử, từ tiểu học, từ đại học, nhưng tôi không nghĩ như thế. Mà phải bắt đầu từ việc "định nghĩa lại con người", thế nào là "con người", chúng ta muốn có những con người như thế nào và làm sao để tạo ra những con người như thế. Tiếp đó, cần định nghĩa lại vai trò của tất cả các chủ thể giáo dục. Định nghĩa lại vai trò của người học, người dạy.

Nhà nước cũng cần nhìn nhận lại cả vai trò và công việc của mình trong hệ thống giáo dục. Phải bắt đầu từ cái gốc và cái chóp. Vì mọi thứ giải quyết phải bắt đầu từ con người, cụ thể hơn là từ việc xác lập lại vai trò và công việc của những con người thuộc các chủ thể trong hệ thống giáo dục.

Xin cảm ơn anh!

 

Lê Ngọc Sơn (thực hiện)

No comments:

Post a Comment