Cù Huy Hà Vũ
Kỷ niệm 5 năm ngày mất của Nhà thơ Huy Cận (2/2005 – 2/2010)
Giáp Tết Ất Dậu 2005, trời chuyển lạnh trong những cơn gió rấm nước vốn dĩ tuần hoàn của Trời – Đất. Người lớn, con trẻ đa phần hào hứng đón nhận cái sự gây tê ấy của thời tiết như sứ giả của Xuân về. Kẻ khoa tay, người vỗ đùi "Có thế mới Tết!"
Nhưng đối với các bậc cao niên thì không hiển nhiên như vậy, không dè chừng cái lạnh lại trở thành đối thủ độc ác, kẻ tranh giành sự sống của chính họ. Vậy mà cha tôi, Huy Cận, chỉ còn cách cái ngưỡng lý thuyết "trăm năm trong cõi người ta" có một con Giáp, vẫn hồn nhiên, vẫn xăng xái ra đường, đến cơ quan, thăm bè bạn, đưa tác phẩm mới cho tòa soạn…
Cha tôi bảo: "Báo Nhân dân số Tết có đăng bài của cha đấy – Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, bậc hiền tài của thời đại. Vũ nhớ xem, ở trang 2″. Vâng, thưa cha, con đọc đây – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho những ai đã có dịp gặp Người: người ta tưởng được tiếp kiến một nhà lãnh đạo Nhà nước, một lãnh tụ cách mạng thì người ta lại được gặp Con Người…
Đùng một cái, đúng 29 Tết, cha tôi vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt – Xô (ông vẫn chưa quen với cái tên Hữu Nghị) vì sưng phổi, với triệu chứng sốt cao, áp huyết lên tới 150 (mà ngày thường chỉ là 120, như sức khỏe của nhà nông chính hiệu). Vậy là lần đầu tiên trong đời, cha tôi không được đón Tết giữa những người thân, những người đồng chí.
Sáng mồng 3 Tết, tôi lại vội vào thăm ông. Cùng đi có Cù Huy Xuân Đức, thằng cháu đích tôn và Cù Huy Thước em trai ông, một chiến binh Điện Biên Phủ. Cha tôi vẫn đang thiêm thiếp, râu mấy ngày không cạo dễ đã cả phân dài. Và tôi đứng đó, nhìn cha, trào nước mắt…
Như lại thấy
"Chiều năm giờ rưỡi ra về
Cổng trường mẫu giáo đề huề bố con
Con vừa năm tuổi mầm non
Bố ngoài bốn chục vẫn còn tươi xanh
Con đi theo bố như cành
Bố bên con tựa cây lành ra hoa" (*).
Bỗng cha tôi mở mắt, gọi "Vũ đấy à" như thể biết thằng cu Vũ của ông sẽ đến, như thể chờ tôi đã lâu. Rồi vẫy tay gọi chúng tôi đến bên trò chuyện.
Nhận "lì xì" của tôi, ông xòe ra đếm, nhận phong bì Tết mà Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhờ tôi trao, ông cũng mở ra xem. Như trẻ được quà, như sự cẩn thận cố hữu đã làm ông nổi danh "Cù Huy Cẩn thận".
Bao điều để hỏi cũng bấy nhiêu để nói, rằng sức khỏe mẹ Như ra sao, công việc của Dương Hà vợ tôi và nhà chú Thước thế nào, rằng thằng cháu đích tôn Xuân Đức, mày đã hôn cô nào chưa hay vẫn mải giành truyện với em Xuân Hiếu, rồi về Xuân Diệu, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến dự định ra Giêng về quê Ân Phú để nghệ sĩ Đào Trọng Khánh quay nốt bộ phim ba tập về Huy Cận…
Chừng thấy ông nằm im nghe, đồ rằng ông thấm mệt nên ba chúng tôi định đứng dậy cáo lui thì Huy Cận ngoắc lại.
Nhắm mắt, tĩnh lặng, cha tôi dường như dốc sức cho một điều gì thật hệ trọng. Và đây là câu chuyện cuối cùng của ông.
Ngày xưa có một ông vua xứ Macédoine tên là Philippe, nên người ta gọi là Philippe de Macédoine. Ông là cha của vua Alexandre III. Cả hai bố con đều rất giỏi, đều rất nổi tiếng. Nhưng ông bố cực kỳ hay – nhấn mạnh bằng một cái khoát tay, ông tiếp:
Cửa phòng ngủ của Philippe làm bằng đồng (bronze) và cứ mỗi sáng 12 cận vệ lại cầm chùy đập vào đó.
- Philippe đã dậy chưa? (như gọi thường dân).
- Dạ, tôi vừa dậy.
- Philippe có nhớ rằng Philippe cũng chỉ là một con người không?
- Dạ, cho đến hôm nay tôi còn nhớ. Nhưng ngày mai nhắc lại không rồi tôi lại quên.
Nghĩa là tôi không phải là thánh nhân. Nhưng để làm Người cũng phải rèn luyện – cha tôi bình – Như thế mới trị dân được. Bác Hồ là như thế!
Thật đột ngột nhưng không bất ngờ vì Hồ Chí Minh luôn ở trong Huy Cận kể từ lần diện kiến Người lần đầu tiên tại Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, nơi người thi sĩ khai sáng Thơ Mới kiêm Kỹ sư Canh nông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc (tiền thân của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Chẳng phải cha tôi đã hơn một lần nhắc "Cái thuở Tân Trào lưu luyến ấy / Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên"!
Bác Hồ là như thế! Mắt cha tôi lại ánh lên, Bác tự cho mình là một con người thôi, không tự cho mình là thánh thần. Còn thánh thần là do mình, do chúng ta cả. Rồi như để làm rõ hơn mạch tư duy này, ông tiếp:
Có thời cả ở Bảo tàng Cách mạng lẫn Bảo tàng Lịch sử người ta lưu giữ "nắm đất Bác Hồ", là nắm đất được cho rằng Bác đã lưu giữ ngay khi đặt chân lên đất Cao Bằng, như một kỷ niệm ngày về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.
Vấn đề không phải là trong hai nắm đất đó, đâu là nguyên gốc, đâu là bản sao mà là đấy có phải là sự thật lịch sử không. Và rồi bố đã có dịp trực tiếp hỏi Bác về nắm đất đó thì Bác cười: "Mình xúc động thì vốc đất lên hôn rồi lại thả xuống, chứ giữ làm gì.
Chắc các cô, chú yêu quý Bác mà làm đó thôi!". Rồi có lần khi nghe mọi người hát: "Hồ Chí Minh xuất hiện trong muôn ánh sao", Bác có nói: "Tôi là người từ nhân dân lao động mà ra chứ đâu phải trên trời rơi xuống".
Chợt nhớ ra rằng cha tôi đã từng là Thứ trưởng Văn hóa phụ trách Bảo tồn bảo tàng và Văn công. Cũng có thể sau cuộc "truy căn" này của cha tôi mà từ khá lâu rồi, "nắm đất Bác Hồ" không còn thấy ở các bảo tàng nữa.
Bố được ngủ cùng giường với Bác Hồ 3 đêm tại Bắc Bộ Phủ, trước ngày toàn quốc kháng chiến, vì tình hình lúc đó rất khẩn trương – (ngoài tư cách Thứ trưởng Nội vụ được Hồ Chủ tịch giao trước khi đi Pháp để giúp cụ Quyền Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, cha tôi còn đảm nhận vai trò thư ký đặc biệt giúp Người trong điều hành Chính phủ để rồi những năm sau trở thành Tổng Thư ký đầu tiên của Hội đồng Chính phủ) – Bố sợ choán chỗ của Bác nên nằm ép sát mép giường thì Bác bảo: "Chú Cận nằm dịch vào trong cho khỏi ngã".
Bác Hồ là như thế, rất nhân tình, rất con người! Chính vì vậy – gương mặt cha tôi bừng dậy – trong các lãnh tụ cách mạng của thế kỷ XX, thế giới đánh giá Hồ Chí Minh là số 1, là "năm-bờ-oăn"!
Vậy là bài báo cuối cùng, và cả câu chuyện cuối cùng của cha tôi đều về một nhà văn hóa lớn, bậc hiền tài của thời đại, nhưng trước hết về một Con Người: Hồ Chí Minh!
Biết đâu, cái sự quấn quít của tình Dân tộc và Nhân văn đã lại đưa Huy Cận về bên vị Cha già Dân tộc nơi cao ấy của thế giới Người Hiền; để rồi ông lại được ngủ bên Người như 60 năm trước… Và tôi nghĩ cha tôi – cũng đã là một Con Người – xứng đáng được thế!
(*) Mỗi chiều tới đón con về – Bài thơ cuộc đời – Huy Cận
No comments:
Post a Comment