Sunday, January 10, 2010

Sống với niềm tin - P/v Lê Hoàng, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ

Sống với niềm tin

SGTT - Dường như với anh, bao giông bão đã chìm sâu, để chỉ còn lại sự bình thản. Nụ cười ấm áp và hiền lành, câu chuyện của anh vào một buổi chiều cuối năm trải dài với bao duyên nợ gắn liền những con chữ, như một sự đeo bám quyết liệt để được sống với niềm tin…



Anh đã trải qua một thời trai trẻ đầy thử thách, đối mặt với sự sống còn, và có quyền chọn lựa cho mình lẽ sống mà anh cho là đẹp nhất?

Quê tôi ở Quảng Nam, mười tuổi đã theo gia đình vào Nam vì cuộc mưu sinh, và cũng là để tránh sự đàn áp của Ngô Đình Diệm với những người kháng chiến. Tôi được cha và các anh chị cuốn ngay vào không khí đấu tranh hừng hực của Sài Gòn, và hoà vào phong trào đấu tranh đô thị của học sinh, sinh viên. Mười bảy tuổi tôi đã tham gia hoạt động bí mật, 18 tuổi vào Đoàn, 19 tuổi vào Đảng, 20 tuổi bị bắt vào tù và biệt giam đến 30.4.1975 mới được ra… Tuổi trẻ dấn thân với ước nguyện giải phóng đất nước, đem lại hoà bình, xoá bỏ khổ đau cho dân mình là lẽ sống không chỉ của riêng tôi mà của hầu hết người Việt Nam yêu nước ở thời điểm đó.

Mười bốn năm gắn bó với NXB Trẻ từ khi đất nước bắt đầu mở cửa, nghiệp chữ nghĩa đã vận vào anh dai dẳng, anh có giữ được sự dấn thân như thời tuổi trẻ để tạo nên không khí mới mẻ cho ngành xuất bản?

Tôi phân biệt hai loại nhu cầu: nhu cầu đọc dễ dãi để giải trí đơn thuần, và nhu cầu đọc để tìm kiếm những giá trị có ích cho tinh thần, tri thức. Giữa thế giới muôn trùng của sách, làm thế nào để mang đến cho con người những giá trị nhân văn, những giá trị sống đích thực, giúp con người yêu đời hơn là hướng đi riêng mà tôi đã chọn cho NXB Trẻ. Từ đó tủ sách Áo Trắng, Tuổi Hồng, Sống Đẹp, Quà Tặng Cuộc Sống, Kiến Thức Bách Khoa, Kinh Tế… ra đời. Khi những tiểu thuyết diễm tình, võ hiệp đang thắng thế, bày bán tràn lan, thì NXB Trẻ kiên định với phương châm "Nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn trí thức", chọn đất lành để gieo những hạt giống lành. Những cuốn sách in ra phải tạo được hiệu quả xã hội trước đã, từ đó hiệu quả kinh tế tất yếu sẽ đến. Tôi tin là mình đã chọn đúng cơn khát hướng thiện của con người.

Còn với Tuổi Trẻ?

Những thang giá trị có thể bị một bộ phận những người có chức có quyền làm cho suy đồi, nhưng đi vào từng gia đình, từng dòng tộc, thôn xóm, sẽ thấy những hạt mầm lấp lánh

Tuổi Trẻ là một tờ báo chính trị – xã hội, nếu đọc kỹ, sẽ cảm nhận được dòng chảy ngầm tha thiết hướng tới con người, với sự dấn thân và tính chiến đấu cao, nhằm mang tới sự công bằng cho người dân chứ không phục vụ cho một thế lực nào. Tính nhân văn, chất trí tuệ, sự thân thiện, niềm tin yêu cuộc sống của Tuổi Trẻ thể hiện rõ ở những cuộc vận động lớn như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, diễn đàn Mãi mãi tuổi hai mươi, Ký tên vì công lý, Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hãy chào cờ vào sáng thứ hai, Ước mơ của Thuý… hay mảng chống tiêu cực như loạt bài điều tra về điện kế điện tử, nước bẩn, kẹt xe… Những dòng nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm gieo vào lòng người đọc lòng nhân ái, sự tận tuỵ, hết lòng vì đồng đội, đến nỗi chính người lính Sài Gòn phải thốt lên: "Đừng đốt, trong đó đã có lửa". Đó là ngọn lửa yêu thương, tính lành, lòng nhân. Tính chiến đấu của Tuổi Trẻ không phải là cuộc tương tàn, mà là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, những tiêu cực của cơ chế cũ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…

Đảm nhận nhiều trọng trách, cách lãnh đạo của anh có gì khác biệt để kích thích được sự sáng tạo của mọi người?

Tôi may mắn được phân công làm những việc hợp với nguyện vọng của mình, được làm những công việc của tâm hồn, mở mang kiến thức, giúp con người và chính mình sống hạnh phúc hơn. Hàng ngày, sống với những người chung chí hướng, dù là người đứng đầu nhưng tôi luôn coi mình là thành viên của một tập thể, nếu mất đi một thành tố dù nhỏ nhoi thì guồng máy cũng không thể vận hành. Từ đó hình thành trong tôi ý thức luôn tôn trọng, lắng nghe đồng đội, quan tâm thực sự đến từng người bằng hành động cụ thể. Người ta có thể sống và cống hiến cao nhất khi chia sẻ được với lý tưởng cao cả của tổ chức. Muốn thế, phải có dân chủ. Muốn dân chủ phải công khai, minh bạch mọi công việc của cơ quan để mỗi người thấy được sự trong sáng của tổ chức.

Làm thế nào để anh có thể giữ được sự trong sáng, chất trẻ, chất "đỏ" của chính mình và của đội ngũ trong cơn lốc chóng mặt của vật chất và những cám dỗ có thể bẻ cong ngòi bút?

Xây dựng lý tưởng cho đội ngũ là điều dứt khoát phải có, bên cạnh đó là quy chế khắt khe. Ở Tuổi Trẻ không có sự vẩn đục, thu tóm, chia rẽ; bầu không khí làm việc luôn tích cực và thân thiện. Hơn ai hết, người lãnh đạo phải gương mẫu, trong sáng, giản dị và cởi mở, biết lo cho đời sống anh em từ vật chất đến tinh thần, để mỗi người đều có thể tự hào về thu nhập là từ mồ hôi nước mắt của mình. Giá trị sống của mình không phải ai cũng mua được dễ dàng. Chất trẻ đã đi cùng và trở thành máu thịt của từng người, người sau quyện lấy người đi trước. Trong nội bộ, anh em luôn nói với nhau hãy cảnh giác thường trực với bệnh cường quyền của người làm báo. Muốn thế, phải có lòng tin, sự công bằng với trách nhiệm cao nhất để tính chân thực được bảo đảm.

Lo lắng nhất của đội ngũ làm báo hiện nay là đánh mất tính phản biện, cũng chính là đánh mất lòng tin của bạn đọc, anh nghĩ gì về điều này?

Một xã hội muốn phát triển phải có phản biện. Báo chí Việt Nam cần phải tăng cường tính phản biện hơn nữa. Một tờ báo mất đi vai trò phản biện thì sẽ không được bạn đọc chấp nhận. Nhưng phản biện thế nào là việc rất khó, không đơn giản. Phải khắc phục tính phản biện phiến diện của một số người làm báo trong thời gian qua đã mắc phải, để không nhìn một chiều, thiên lệch. Trước một sự việc phải hết sức kỹ lưỡng, xem xét kỹ hồ sơ, chứng cứ, cơ sở tin cậy, và có cái nhìn toàn diện, khách quan. Vụ PMU 18 với Tuổi Trẻ không phải là không có bài học.

Một xã hội muốn phát triển phải có phản biện. Báo chí Việt Nam cần phải tăng cường tính phản biện hơn nữa. Một tờ báo mất đi vai trò phản biện thì sẽ không được bạn đọc chấp nhận

Anh có thấy là làng báo đang khủng hoảng đội ngũ kế thừa, nhất là vai trò các tổng biên tập?

Tôi nghĩ hơn ai hết, người lãnh đạo một tờ báo phải là người có lý tưởng, ngưỡng mộ sự công bằng, đau đáu với nỗi khổ của người nghèo, với những oan ức của người dân thấp cổ bé miệng. Trong máu mình phải có điều đó, nếu không sẽ lãnh cảm, nguội lạnh trước những vấn đề của cuộc sống, dễ toan tính lợi ích cá nhân. Khi cái này yếu đi thì cái khác sẽ mạnh lên. Các tổng biên tập của Tuổi Trẻ hầu hết đều xuất thân từ phong trào, từng là cán bộ Đoàn, nên chất trẻ và chất đỏ nhiễm vào máu. Vừa là người quản trị giỏi, phải vừa có đạo đức, nếu tư túi thì chính guồng máy ở đây sẽ loại ra liền. Trong những thăng trầm của nghề nghiệp, hơn ai hết chính mình phải chia lửa với anh em, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn luôn nhận tổn thất về mình trước.

Đảm nhận công việc mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, anh có cảm thấy khó khăn để tạo dựng một bản sắc riêng cho tổng công ty Văn Hoá Sài Gòn?

Với hệ thống gần 50 cửa hàng sách trên cả nước cùng chuỗi rạp và các đội chiếu phim lưu động, rồi sản xuất băng đĩa nhạc, in ấn những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao… tôi nghĩ công việc sẽ thú vị hơn vì có nhiều phương tiện giúp mình chuyển tải cái hay, cái đẹp đến với mọi người.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh với nghề dệt vải, chất doanh nhân dường như đã có sẵn trong anh, liệu có mâu thuẫn gì với con người sống quá lý tưởng như anh?

Làm báo, hay làm xuất bản đều cần đến tư duy của một doanh nhân, bởi người đứng đầu phải chọn lựa ghê gớm giữa các giải pháp, biết đầu tư vào chỗ nào hiệu quả nhất. Khi nhiều báo bạn bung ra các ấn bản phụ, coi đó như xu hướng mới của hình thức tập đoàn báo chí, thì tôi vẫn kiên định với sản phẩm chủ lực là tờ báo ngày, dày công nâng cao chất lượng tin bài, phóng sự, hồ sơ và tăng cường những chuyên mục mới như Tài chính chứng khoán, Sống khoẻ, Tổ ấm, Thế giới muôn màu, Nhịp sống số… Có lẽ nhờ thế mà số lượng phát hành Tuổi Trẻ đã tăng vọt từ xấp xỉ 300.000 bản/ngày lên bình quân 450.000 bản/ngày, có thời điểm đạt hơn 500.000 bản/ngày. Và tất nhiên quảng cáo cũng tăng, trong khi đội ngũ không phải tăng thêm nhiều. Đó là chọn lựa đúng trong đầu tư, sự phán đoán, định lượng của nhà quản trị. Giá trị tập đoàn không ở số lượng đầu báo mà là sức mạnh của thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Con người lý tưởng và con người doanh nhân trong tôi là thống nhất, bởi đều hướng đến những giá trị đẹp của cuộc sống. Không có kinh tế thuần tuý, mà trước hết phải có hiệu quả xã hội, như thế mới có bạn đọc lâu dài và phát triển bền vững được. Tôi hay dùng chữ "phát triển" hơn là dùng chữ "tăng trưởng". Phát triển dứt khoát phải có hiệu quả xã hội, như vậy người làm báo mới cảm thấy có lẽ sống trong công việc của mình.

Anh nghĩ gì về sự được mất trong những khúc quanh của cuộc đời? Anh có buồn nhiều không khi phải chia tay với nghề báo?

Thực ra mình được nhiều lắm, chứ có mất gì đâu. Rời NXB Trẻ, rời báo Tuổi Trẻ khi thương hiệu đang được bạn đọc tin yêu, và đội ngũ kế thừa dồi dào sức trẻ, tiếp tục giữ vững bản sắc của thương hiệu, tôi thấy hạnh phúc. Bây giờ tôi được thư thái hơn, máu mê với báo chí thì còn nhiều, nhưng chỉ với tư cách một người đọc. Suốt một thời gian dài đam mê công việc, tôi đang phải suy nghĩ lại. Phải chăng tôi đã quá sa đà công việc mà ít chăm sóc gia đình. Đến giờ này, tôi phải dành nhiều thời gian hơn cho người thân, bè bạn chí cốt, và cho sức khoẻ của chính mình, để được sống thực sự hạnh phúc.

Là người phải đưa ra quyết định, đôi khi là quyết định sống còn với cả một tập thể, có bao giờ anh thấy cô đơn?

Không. Người ta chỉ cô đơn khi mất trắng. Tôi thì còn nhiều lắm. Là một nhà quản trị, tôi biết mình phải làm gì, làm như thế nào, và dự liệu khả năng rủi ro. Vụ PMU 18 vừa rồi tôi biết nguyên nhân khách quan mà mình không lường trước được, và tổn thất ấy là ngoài ý muốn, mình phải chấp nhận chứ. Mình làm với động cơ muốn cho xã hội tốt đẹp hơn. Quan trọng là đã rút ra được bài học gì từ tổn thất ấy. Bài học giúp cho mình thấy bình tâm.

Lãnh đạo một tờ báo phải là người có lý tưởng, ngưỡng mộ sự công bằng, đau đáu với nỗi khổ của người nghèo, với những oan ức của người dân thấp cổ bé miệng

Điều gì giúp anh giữ được sự lạc quan, tình yêu thương con người bền bỉ như thế?

Có lẽ vì tôi sống với niềm tin. Cơ sở để tôi có niềm tin là khi nghĩ về dân tộc mình. Tôi từng qua Campuchia thăm Angkor Wat, từng đứng trước cung điện Mùa Đông chiêm ngưỡng vẻ kỳ vĩ của nó… Nếu so sánh với cố đô Huế hay chùa Một Cột, lòng ta dễ bị đổ vỡ. Nhưng không phải vậy, Việt Nam có một công trình vô cùng vĩ đại mà cha ông để lại, đó là sự hoàn chỉnh một đất nước hình chữ S. Ý nghĩa về một dân tộc mở mang bờ cõi từ một nửa chữ S cao cả hơn bất cứ một đền đài kỳ vĩ nào chỉ phục vụ cho một ông vua, một triều đại. Khi đi trên con đê chắn sóng dọc sông Hồng, tôi cũng bắt gặp cảm giác đó. Cơn lốc vật chất có thể làm chao đảo các giá trị tinh thần chứ không thể huỷ hoại. Những thang giá trị có thể bị một bộ phận những người có chức có quyền làm cho suy đồi, nhưng đi vào từng gia đình, từng dòng tộc, thôn xóm, sẽ thấy những hạt mầm lấp lánh. Tự thân hạt nhân gia đình tìm được sức đề kháng, để giữ lại và truyền đi những hạt giống lành… Nghĩ vậy nên tôi rất lạc quan, thấy yêu đời, yêu công việc và tin cậy con người. Phương châm sống của tôi là không có kẻ xấu hay người tốt, chỉ có những con người với đầy đủ mọi ưu, khuyết, không ai bị loại khỏi đời sống, quan trọng là mình biết phát huy điểm mạnh, giúp người ta tự tin hơn.

Gia đình anh còn kinh doanh rất phát đạt với hệ thống karaoke Nnice, đó phải chăng cũng là điểm tựa kinh tế giúp anh trụ vững hơn?

Tôi may mắn được sống trong một gia đình hiền lành, sống bằng mồ hôi nước mắt, làm gì cũng lấy phương châm ngay ngắn, chính đạo. Nnice là thành quả của cả gia đình, để có được cuộc sống yên ổn hơn cho con cháu, giúp tôi tự tin hơn, không phải chạy vạy để làm hư mình. Nguyên tắc kinh doanh của tôi là lành mạnh, chất lượng, biết chăm sóc con người, và chịu bỏ tiền để làm quảng bá đến nơi đến chốn.

Cuốn sách nào mà anh tâm đắc nhất?

Bí mật của sự may mắn, một câu chuyện cổ tích về cây thông năm lá. Cơ hội là dành cho tất cả mọi người, quan trọng là bạn có nhận ra và biết nắm lấy hay không. Triết lý đó đã dẫn dắt tôi vượt qua mọi gian nan. Người thầy lớn nhất của tôi chính là những cuốn sách, và cuộc đời thăng trầm của bản thân mình.

Anh có thể tự hoạ chân dung mình?

(cười) Anh em thường nói với tôi nhìn anh Hoàng thấy hiền, dễ gần, bình an. Những lúc cam go nhất, tôi tắt đèn, ngồi yên lặng trong bóng tối để tâm mình lắng lại, tự nhiên như trút được gánh nặng, lý giải được mọi vấn đề… Gia đình tôi sống trong không khí của đạo Phật, triết lý đạo Phật bàng bạc trong cách cảm, cách sống, hoài bão, ước mơ và năng lực tư duy của tôi. Bản lĩnh sống của con người chính là giữ được sự bình tâm.

thực hiện Kim Yến
chân dung hội hoạ
Hoàng Tường

No comments:

Post a Comment