Monday, January 11, 2010

Tỉnh táo mà yêu

Có rất nhiều câu phương ngôn nói về sự bùng nổ của tình yêu. Nào, đừng có dạy khôn tình yêu, vì tình yêu chẳng nghe gì ngoài nhịp tm đang đập si dại đến tơi bời của nó. Khi ấy tình yêu vẫy gọi chẳng khác gì châu Mỹ mới đang phát tín hiệu cho chàng Colombus hãy lên tầu để tìm kiếm miền đất hứa còn chưa được thăm dò.



Nhưng nhân loại cũng đã đưa ra rất nhiều lời khuyên rằng: “Hãy yêu như điên nhưng đừng yêu như một người điên”. Đó là cách kêu gọi rằng hỡi những kẻ đang theo đuổi tình yêu. Chúng ta luôn có hai thứ lý trí và cảm xúc. Tại sao chúng ta lại không mang cả hai thứ đó, nghĩa là con người toàn diện của chúng ta vào tình yêu.

Có rất nhiều người, họ chỉ yêu bằng cảm xúc. Nào mới đầu nhìn người khác thấy đáng yêu quá, rồi lòng si mê, rồi tìm cách gặp gỡ, gần gũi, ve vãn, tán tỉnh, rồi yêu quên cả trời đất. Ai khuyên thế nào cũng không nghe, người ta chỉ chăm chắm đuổi theo niềm si mê của mình. Nào tìm gặp người yêu thì được gần gũi, vuốt ve, si mê, đắm đuối, quyến luyến chẳng rời… nghĩa là bỏ qua tất, mặc kệ tất để yêu, nhưng ở đời oái oăm thay như người Anh bảo “Tình nóng chóng nguội” (Hot love is soon cold). Còn người Việt thì bảo:

Thắm lắm thì lại mau phai
Đến khi mưa nắng biết ai bạn cùng

Hiển nhiên rằng: Cảm xúc của con người thường chóng tàn nhất, là cái nay còn mai hết, như người Việt bảo “cả thèm chóng chán”, những người si mê bằng cảm xúc vẫn thường có mới nới cũ, rồi thì ruồng rẫy, phụ bạc nhau, làm xảy ra bao cảnh xót xa, nhẹ thì oán hận nguyền rủa nhau, nặng thì đâm chém, tạt axít để báo thù. Tại sao vậy? Như ở trên chúng ta đã nói, con người trọn vẹn bao gồm lý trí và cảm xúc, trong khi đó, nếu người ta chỉ đem cảm xúc vào tình yêu thì làm sao có thể không mắc sai lầm hay vấp phải những điều đáng tiếc. Đặc biệt, lý trí là cái cao hơn cảm xúc, nó là học vấn, là sự giáo dục, là những gì con người phải rèn luyện, tích lũy trong quá trình sống, là đạo đức, là khôn ngoan. Tất cả những thứ thượng tầng ấy lại đứng ngoài sự nghiệp của tình yêu, thì làm sao tình yêu có thể bay cao cũng như trụ vững? Dễ hiểu, người phương Tây có câu: “Kẻ nào đám cưới trên đường sẽ phải ăn năn”. Nghĩa là, đối với tình yêu đặc biệt là hôn nhân, nếu người ta chọn vội vàng theo kiểu những thú vui bồng bột nhất thời, thì chắc chắn sẽ rước lấy sai lầm, bởi vì cái nhìn vội vàng đó không thể đánh giá được đầy đủ phẩm chất của con người sẽ gắn bó với mình cả đời: Than ôi, hạnh phúc trăm năm của cả đời người mà cẩu thả chọn bừa, ôm vội, làm hoài phí chính cuộc đời mình, chẳng đáng tiếc và đáng ân hận lắm sao? Chọn mớ rau, ăn một bữa, người ta có thể cẩu thả, vội vàng, nhưng chọn một người bạn đời để song hành với mình suốt chặng đường trăm năm, mà cẩu thả thì thật vô trách nhiệm với bản thân. Ở đời, người ta chưa nhìn thấy ai vô trách nhiệm mà sống đầy đủ và hạnh phúc cả, đơn giản, như chiếc kim đồng hồ chạy không đúng chức năng, người ta sẽ vứt nó vào xó, chứ đừng mong đeo nó vào cổ tay để ra đường trưng diện. Một người vô trách nhiệm thì cũng vậy, số phận sẽ quăng họ đi vì không còn dùng được.

Giờ, chúng ta thử ngắm xem những người thả trôi đời mình theo cảm xúc sẽ như thế nào? Có rất nhiều chàng trai, cô gái còn chưa đến tuổi dậy thì, vừa thấy cánh cửa tuổi trẻ phơi phới mở ra, đã mở hết ngăn vách của trái tim đong lấy tình yêu. Thôi thì tán tỉnh, hẹn hò, dạo chơi đến tận khuya. Bài vở bê trễ, thậm chí trốn học để hẹn hò, và người ta còn tìm cách tăng tốc để tuổi vị thành niên của mình băng vào lãnh địa của người lớn. Các cuộc hẹn hò mau chóng chạy đến đí của quan hệ đàn ông, đàn bà. Rồi bỏ học, rồi bụng mang dạ chửa, rồi bị bỏ rơi, rồi khủng hoảng tinh thần dẫn đến rất nhiều hậu quả thương tâm, như bỏ học, bỏ thai nhi vào thùng rác, bỏ nhau bằng cách thanh toán “thằng đểu” hay “con lừa” ấy…

Như vậy thì tình yêu của họ được những gì? Lắm khi có bạn trẻ còn trề môi ra bảo: Được gì ư, sao câu hỏi lại đạo đức già nua thế, yêu là được yêu chứ còn gì nữa.

Câu hỏi được gì không đơn giản chỉ là đạo đức, mà mang tính mục đích sát sườn của cuộc đời. Có nhiều bạn trẻ yêu hết mình, bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên, thậm chí trí óc còn tê liệt mặc kệ trước mọi suy tư đúng đắn khôn ngoan, lao vào yêu không cần biết đến hậu quả. Kết cục là bỏ học, đi xin việc chẳng ai nhận vì trình độ văn hóa còn quá thấp, tay nghề lại chưa có, thế là đành lang thang, chạy chợ sống nhì nhằng, còn có khá nhiều người vì túng quẫn nên còn lao vào con đường tội phạm.

Yêu để làm gì? Chắc hẳn ai yêu cũng muốn cho đời mình hạnh phúc lên, nhưng yêu đương chóng vánh chỉ trong một thời gian ngắn phá vỡ tuổi trẻ, làm dang dở đổ nát chính cuộc đời mình thì tình yêu hoặc cách yêu như thế có không đáng không? Chúng ta nên nhớ, các học giả và trí khôn của loài người trên khắp thế giới đều cho rằng: Nếu cuộc sống mà bỏ qua sự dẫn dắt của lý trí sáng suốt thì sẽ trở thành một tai họa. Nhưng việc yêu mù quáng quên cả lý trí không chỉ ở những người trẻ, mà nó là bài học cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Chúng ta đều biết mới đây, có cả ông già tuổi hơn bẩy mươi mà còn đòi bán nhà, bỏ vợ con, đòi cưới một cô vợ ít hơn mình dăm chục tuổi. Còn nhiều anh chồng hay chị vợ, cửa nhà đang êm ấm, bỗng mắc lưới tình, thế rồi dám làm bất kể việc gì để si mê chạy theo mối tình của mình. Bán nhà ư? Xách đồ ở nhà đem đi bán ư? Ruồng rẫy vợ con ư? Ông dám làm tất để cho nỗi đam mê bốc lên tận trời xanh.
Đam mê rất đáng ao ước nhưng người ta không thể đánh đổi hay đánh mấy tất cả để đổi lấy đam mê. Có một văn hào nói rằng: “Vì tình yêu tôi có thể chết, nhưng vì danh dự tôi có thể hy sinh tình yêu”. Một người không còn danh dự sống với mọi người mà phải trốn tránh chui lủi thì làm sao thấy hạnh phúc được. Giản dị hơn một người cho dù là bạn tình, là vợ hay chồng, hay bạn khác giới đi nữa, nếu người đó không còn danh dự thì làm sao có thể đáng yêu và đáng giữ gìn trong mắt người khác?

Một bạn trẻ chưa kịp học hành gì, để cho cảm xúc đam mê dẫn đi, rồi bỏ bê tất cả, đổ vỡ theo sau, thử hỏi bạn đó có thể xây dựng hạnh phúc lâu dài. Một người lớn tuổi để cho đam mê tức thời lôi tuột đi đánh rơi cả gia đình dựng xây bấy lâu, thử hỏi đó có phải là cách sống dại dột.

Người Hồi giáo, đàn ông không có tiền không lấy được vợ. Người Anh, đàn ông không có công ăn việc làm, khó được phép lấy gia đình. Điều đó có nghĩa rằng: Không có học hành, không nghề nghiệp, không danh dự, không được đồng nghiệp cũng như xã hội quý trọng, thật khó kiếm được mảnh tình vắt vai. Thậm chí không được quyền nghĩ đến hạnh phúc tổ ấm.

Không ai có thể cấm chúng ta yêu. Chỉ có điều chúng ta yêu làm sao để tình yêu đó chắp cánh cho cuộc đời ta thêm hạnh phúc, chứ đừng để nó lôi tuột trái tim ta xuống vực thẳm mà không có đèn “xi nhan” của lý trí, khiến đời ta trở thành địa ngục của bất hạnh và ân hận. Hãy yêu hết mình, nhưng mà yêu bằng một lý trí biết thao thức.

No comments:

Post a Comment