HIỆU MINH
Entry thử bình "loạn" về đôi chữ Nho dù HM chẳng biết từ nào, ngoài nỉ hảo, zuenan, tung san dang. Ai thấy sai sót hoặc muốn đóng góp, xin cứ việc tự nhiên. Mọi phản hồi xây dựng đều được hoan nghênh.
Thăm thú rất nhiều nơi ở Trung Quốc hay chùa chiền Việt Nam, trên các hoành phi, trướng, cửa ra vào nhiều câu đối, thấy chữ tượng hình, như nhìn bức vách. Chợt buồn, giá như hiểu những gì tiền nhân để lại.
Chữ tượng hình rất giầu văn hóa vì thế mới có nước Trung Hoa vĩ đại. Những người Hoa tôi quen, rất tốt, chu đáo nhiệt tình và chung thủy với bạn. Thấy tiếc thời xưa không theo học tiếng Trung.
Ông nội HM từng vác roi bắt đám cháu học chữ Nho, nhưng không đứa nào nuốt nổi. Cụ mắng "Một chữ bẻ đôi không biết, làm sao nên người". Bé không hiểu làm sao người ta bẻ được chữ. Hóa ra làm được thật.
Bác Bernard Donge (bác Bảo), một đồng nghiệp gốc Việt, đã về hưu bên DC, thạo rất nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Trung. Bác cho vài ví dụ về chữ "bẻ đôi" hay kể cả "chẻ tư".
Giá Thú
Chữ "gia" (家) bao gồm một cái chóp phía trên tượng trưng cho mái nhà và chữ "lợn – trư" phía dưới. Mái nhà che con lợn thành ra chữ "gia – nhà".
Người nữ (女) là có hình tượng trưng là người quì chân, một văn hóa trọng nam khinh nữ của Nho giáo. Khi họ đi lấy chồng được gọi là Xuất Giá. Chữ "Giá" ( 嫁) bao gồm chữ "nữ" (女) đứng cạnh chữ gia (家).
Quan niệm hôn nhân (xuất giá – 嫁) của người nữ có biểu tượng bao gồm người đàn bà đứng cạnh ngôi nhà. Thật tuyệt vời. Thử tưởng tượng, ngôi nhà không có mái, người phụ nữ và con lợn (của cải, vật chất), có là tổ ấm hay không.
Trong khi quan niệm của nam giới lại khác. Chữ "thú" (娶) bao gồm ba chữ ghép lại: nữ (女) phía dưới, nhĩ – tai (耳) và tay (交) phía trên. Có thể hiểu, hôn nhân với người nam - thú (娶), lấy tay kéo tai người nữ về với mình, nghĩa là phải chỉ huy được vợ.
Thời nay, các chị kéo tai các chàng lúc yêu, cưới xong các bà mang kéo xẻo tai chồng và đôi khi cáu quá, xẻo cả chỗ khác quí hơn
Khi cưới xong, chính quyền nhắc nhở phải ra Ủy ban lấy giấy chứng nhận "Giá Thú" là có nguyên nhân từ hai chữ 嫁 娶 , Giá của người Nữ và Thú của người Nam.
Người nữ lo tề gia, người nam lo yên nhà (kéo được tai vợ), thì mới mong Trị quốc, Bình thiên hạ.
Đã ai cầm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà hiểu Giá Thú là gì chưa. Bạn nghĩ sao về cách lý giải của người xưa.
Nguy Cơ – Nguy hiểm và Cơ hội
Lại bàn thêm một chữ khác là Nguy (危) Cơ (机 – được đơn giản hóa, chữ Cơ ảnh bên cạnh là chữ cổ). Chữ Nguy (危) giống như người bị một vật đè nặng lên đầu, rất nguy hiểm. Chữ Cơ hội (机) bao gồm chữ Mộc – cây (木) cạnh chữ Số đã được đơn giản hóa (xin lỗi không "bẻ" được chữ bên cạnh).
Trong tiếng Anh ta có từ Risk – Nguy Cơ. Risk trong quá khứ được hiểu nôm na là nguy cơ ảnh hưởng xấu đến một đối tượng nào đó. Nhưng thời đại hội nhập, Risk được hiểu bao gồm Danger (nguy hiểm) và Opportunity (cơ hội). Dịch là Nguy Cơ rất chính xác.
Biển Đông thời nay
Mấy tuần nay báo chí, blog nhộn nhịp đưa tin về Việt Nam mua tầu ngầm, đặt hàng máy bay hiện đại của Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm Mỹ, mua trực thăng Pháp.
Lại có tin Trung Quốc gửi thêm chiến hạm tới biển Đông, tầu đánh cá của họ tung tăng quăng chài, thả lưới.
Mới đây, Đại sứ Trung Quốc Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường trả lời phỏng vấn báo chí đã cho rằng, giải pháp thiết thực hiện nay, đó là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước. Ông nói thêm ""Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại".
Đôi chỗ trong phỏng vấn, dân mình không hài lòng. Blog nóng lên, đại loại như sắp đánh nhau đến nơi rồi.
Nhưng tôi lại nghĩ khác, không dễ thế. Hai anh láng giềng này khó choảng nhau lần nữa vì văn hóa chữ tượng hình này.
Kế trong túi càn khôn - Nguy Cơ
Là người Hoa, ông Tôn Quốc Tường hiểu rất rõ hai chữ Nguy Cơ trong tiếng Trung như thế nào. Nguy hiểm có thể biến thành Cơ hội (危 机).
Người Trung quốc trong chiến tranh biên giới 1979 đã định dạy Việt Nam một bài học. Không biết có dạy được gì, nhưng họ hiểu ra, quân đội Trung Quốc không thể dùng chiến thuật biển người trong chiến tranh hiện đại. Đó là cơ hội trong thất bại.
Hôm nay, sức mạnh quân sự của Trung Quốc làm Mỹ phải nể sợ. Mạnh quá nên có cơ hội làm chủ biển Đông như họ muốn.
Tuy nhiên, nước yếu cũng hiểu Nguy và Cơ.
Grudia một thời là bạn của nước Nga. Thời trước, bác Stalin từ đó sang Liên Xô làm Nguyên soái, rất thân ái. Nhưng sau này liên bang tan vỡ, gấu Nga to lớn bắt nạt, chèn ép biên giới, rồi biến mấy tỉnh của Grudia thành của riêng.
Chiến tranh xảy ra, Grudia bị thiệt hại hàng chục tỷ. Đổi lại, dân chúng Tbilisi hiểu rằng nên theo Mỹ tốt hơn. Hàng xóm toàn ném đá giấu tay thế thì tin thế nào được.
Trước đó, Hoa Kỳ rất khó khăn thuyết phục Grudia cho đặt radar. Nhưng bây giờ thì Grudia gật đầu lia lịa. Nguy hiểm đã qua và đây là Cơ hội cho Grudia phát triển. Không còn chuyện ngoại giao trên dây giữa Nga và Mỹ. Nước Nga mất trắng hàng xóm.
Chuyển nguy nan thành cơ hội đã có từ hàng ngàn năm và sẽ còn mãi.
Mấy ông Việt Nam mải mê chiến thắng sau 1975, cứ tưởng mình nhất thế giới. Sau mấy chục năm nhìn lại mới thấy xe tăng không thể khởi động, máy bay rơi liên tục, tên lửa chưa chắc đã bay quá ngọn tre.
Thấy hàng xóm đang sủi tăm ngoài biển Đông với tầu ngầm kilo nên mới giật mình. Vội chạy sang Nga, Mỹ, Pháp, mua vũ khí.
Mời hạm trưởng Hùng hay nghị sỹ Joseph Cao, người Mỹ gốc Việt, kể cả những diều hâu như Jim Web sang Hà Nội để bàn chuyện bất đồng trong trong đồng thuận, và liệu xem bác Obama có thích thuê đảo nào ở biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà tướng Phùng Quang Thanh được nhiều người bầu là nhân vật của năm 2010 của Việt Nam.
Nếu tài giỏi có thể biến Nguy nan thành Cơ hội. Cơ hội thay đổi, Cơ hội tìm bạn khác tin cậy, Cơ hội tự nhìn lại mình, Cơ hội nhìn nhận, làm thế có lợi lộc gì không. Chỉ có điều, học và áp dụng ngoài đời thế nào lại là câu chuyện khác.
Dù thất bại chăng nữa nhưng Cơ hội thế nào cũng có. Chỉ có điều là Cơ hội của bên này có là mong muốn của bên kia hay không. Và người ta có biết khai thác hay không.
Huynh và Tín
Bác đại sứ Tôn Quốc Tường nhắc đến tình hữu nghị anh em của hai nước.
Chữ "brother – anh – huynh" (兄), bao gồm chữ Nhân (人) và chữ Khẩu – miệng (口) phía trên. Ông anh bao giờ cũng là người với cái mồm to, luôn lên giọng kẻ cả để dạy đàn em.
Đàn anh, nếu sai sót, cũng nên nhận lỗi, vì có Nhân (人) ở trong chữ Huynh.
Chữ Tín – Trust (信) trong tiếng Trung cũng rất hay, bao gồm hai từ, Nhân (人) và Ngôn (言), người đàn ông đứng cạnh lời nói. Tôi đồ răng Trust trong tiếng Anh là "cọp" từ chữ Tín đó, nghe mang máng trust như tín.
Trường hợp Huynh (兄) không còn Nhân (人), chỉ còn chữ Khẩu (口), nghĩa là mọi thứ chỉ còn "lời nói gió thoảng bay". Chữ Tín (信) mất Nhân (人) cũng chỉ còn Ngôn (言) từ trống rỗng. Trong mọi quan hệ, chữ Nhân mới quan trọng làm sao.
Có lẽ gặp khó khăn, phải giở cẩm nang Nguy (危) Cơ (机) ra, khắc tìm được lối thoát.
Về đối nội, quốc gia như một đôi trai gái trong Giá Thú, cần hai chữ 嫁 娶 song hành. Nếu chỉ có Giá (嫁), dân thông minh, cần cù, mà lãnh đạo (Thú 娶) lại không biết yên dân thì khó Trị quốc, nói chi đến Bình thiên hạ.
Còn đám dân thường như HM ư. Thôi thì đọc thêm văn hóa nước người, biết đối đáp, hiểu ẩn ý, sẽ tìm ra cách đối nhân xử thế.
Đại loại, hiểu người ta rồi, không còn gì và không còn ai đáng ngại.
Chúc độc giả vui cuối tuần. HM. 8-1-2009.
Entry này kính tặng bác Bảo – Bernard Donge, chuyên gia quốc tế cao cấp về kiểm toán. Cảm ơn bác đã có buổi nói chuyện thú vị về sức khỏe nhưng lại dùng triết lý chữ tượng hình.
No comments:
Post a Comment