Tuesday, January 12, 2010

"Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của VN"-GS Joseph Nye tại bàn tròn trực tuyến Vietnamnet

"Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của VN"

Là một trong ít nước có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, ngày nay Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình. Một khi đi đúng hướng và thu hút được thiện cảm và ủng hộ của thế giới, Trung Quốc sẽ khó lòng "phủ bóng" Việt Nam - GS Joseph Nye nói tại bàn tròn trực tuyến.

"Không có lí thuyết nào hoàn hảo"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hân hạnh chào đón GS Joseph Nye đến VietNamNet và tham dự bàn tròn trực tuyến với chúng tôi. VietNamNet đã nhận được rất nhiều câu hỏi, hơn 600 câu hỏi của độc giả VNN gửi cho GS. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của độc giả tới chủ đề này và những học thuyết của GS.

Câu hỏi đầu tiên, thế giới đang trong giai đoạn chuyển sang nền văn minh thông tin. Theo ông, học thuyết sức mạnh mềm cần thay đổi thế nào để phù hợp với thế giới mới đó?

GS Joseph Nye: Đúng là thế giới đang bước vào kỷ nguyên thông tin mới, tuyên ngôn không quan trọng bằng việc có câu chuyện và đặc điểm hấp dẫn để thu hút người khác, đó là sức mạnh mềm. Sức hấp dẫn là rất quan trọng, nếu không có quân đội, cần có sự hấp dẫn. Nhưng sức mạnh mềm không đủ, sức mạnh thông minh, sự kết hợp giữa sức mạnh cứng và mềm, cũng rất quan trọng và mang lại điều mới mẻ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Mọi học thuyết đều có những mặt hạn chế. Sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh có những giới hạn nào?

GS Joseph Nye: Sức mạnh mềm là khả năng ảnh hưởng tới người khác thông qua sự hấp dẫn.

Tuy vậy, không thể làm vậy với những quốc gia như Bắc Triều Tiên. Không thể dùng sức hấp dẫn của phương Tây để ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngược lại, trường hợp Iraq, chính quyền Mỹ lại chỉ chú ý tới sức mạnh cứng mà không chú ý đủ tới sức mạnh mềm. Chỉ dùng sức mạnh cứng không thuyết phục được người dân Iraq và thế giới thấy tính chính nghĩa và cần thiết của cuộc chiến.

Vì vậy, phải có sự kết hợp giữa sức mạnh mềm và cứng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Loài người đã từng bao giờ sáng tạo ra một học thuyết hoàn hảo hay chưa và trong tương lai có thể có học thuyết như thế hay không?

GS Joseph Nye: Không bao giờ có thể, lý thuyết là bản đồ, không có bản đồ hoàn hảo.

Lý thuyết cung cấp cho ta một bức tranh, có những bản đồ tốt hơn những bản đồ khác, nhưng không có bản đồ hoàn hảo.

"Mọi thứ nên mang lại lợi ích cho số đông"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cho tới bây giờ, đã kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỉ 21, loài người vẫn không thể cùng nhau giải quyết được xung đột lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc. Ví dụ gần đây nhất là sự thất bại của hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu? Có học thuyết nào có thể giúp chúng ta vừa đảm bảo lợi ích quốc gia vừa giải quyết các vấn đề toàn cầu?

GS Joseph Nye: Có một học thuyết về công lợi, rằng mọi thứ nên mang lại lợi ích cho số đông mọi người. Nhưng chúng ta cần nỗ lực thuyết phục con người chấp nhận học thuyết ấy, phải có thời gian và học hỏi nhiều hơn.

Với trường hợp Hội nghị Copenhagen, tôi không nghĩ đó là thất bại hoàn toàn. Đó là một bước đi đúng hướng, bởi ít nhất chúng ta cũng đã đạt được đồng thuận là vấn đề này cần được chung tay giải quyết và chúng ta không thể để nhiệt độ thế giới tăng quá hai độ nữa vào năm 2050. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa. Chúng ta cũng đã đồng ý làm thế nào để thực hiện và lộ trình thực hiện để nhiệt độ không tăng quá hai độ nữa.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có nghĩ tôn giáo cũng là một sức mạnh mềm không?

GS Joseph Nye: Tôn giáo là nỗ lực để trả lời cho những câu hỏi mà loài người chưa thể trả lời, nó lớn hơn cuộc sống con người. Chúng ta chưa thể hoàn toàn hiểu hết thế giới. Chúng ta phải hiểu nó qua lý thuyết, qua biểu tượng, qua tôn giáo chứ không biết chắc chắn rằng nó có thật hay không. Điều chúng ta hy vọng nên là tôn giáo sẽ dẫn dắt cuộc sống chúng ta tốt hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tại sao các tôn giáo không thể hợp tác với nhau để cùng giải quyết những vấn đề toàn cầu trong khi tất cả các tôn giáo đều có chung mục đích là hướng thiện?

GS Joseph Nye: Cơ bản thì tôn giáo có vai trò dẫn dắt và hướng con người tới những điều tốt hơn. Tuy vậy, khi thì tôn giáo hoàn thành vai trò của nó, khi thì không.

Con người luôn không hoàn hảo và có nhiều lợi ích đối nghịch với những điều tốt đẹp lớn lao. Tôi để ý thấy Giáo hoàng vừa rồi có chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới đã không làm nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu.

Luôn có niềm hi vọng rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo nên đóng vai trò nhắc nhở người khác về những điều tốt đẹp cho thế giới.

"Việt Nam là một câu chuyện hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và tinh thần độc lập"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông nghĩ gì về quyền lực mềm của Việt Nam?

GS Joseph Nye: Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm. Đất nước các bạn có một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử, sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể vẽ hình ảnh của mình trong lòng các quốc gia khác như thế, các bạn có nhiều sức thu hút, nhiều sức mạnh mềm với các quốc gia khác.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhìn ở khía cạnh này thì theo ông, Việt Nam có thể đóng góp cho thế giới giá trị gì?

GS Joseph Nye: Nếu Việt Nam thể hiện cho thế giới thấy hình ảnh một nước vừa phát triển nhanh vừa cởi mở và dân chủ, Việt Nam sẽ thu hút được các nước khác. Hàn Quốc là một ví dụ tốt.

Vũ Đình Hạnh (vudinhhanhtv@...): Để Việt Nam có vị thế đáng kể, chính sách ngoại giao của Việt Nam cần mềm mức nào?

GS Joseph Nye: Khi Việt Nam tham gia vào ASEAN, Liên Hợp Quốc và có quan hệ song phương càng tốt hơn với các quốc gia khác, Việt Nam sẽ ngày càng có vai trò tích cực hơn, điều đó đã nâng cao sức mạnh mềm cho Việt Nam.

Nguyễn Hữu Việt ( Sở Xây dựng Đồng Tháp, cựu học viên Fulbright tại Việt Nam) Trong cuộc bàn tròn 2 năm trước của GS với VietNamNet, giáo sư nói rằng sức mạnh mềm của Việt Nam nằm ở tinh thần độc lập và phát triển kinh tế. Tôi cảm nhận được điều này trong lịch sử của dân tộc mình cũng như sự phát triển của đất nước thời gian qua. Nhưng vấn đề nổi bật ở  Việt Nam hiện nay cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế là: Việt Nam nên phát triển thế nào trong thập niên mới, giáo sư có thể chỉ ra lộ trình cho Việt Nam trong thập niên mới, để kết hợp tốt nhất giữa sức mạnh mềm và sức mạnh cứng?

GS Joseph Nye: Lời khuyên của tôi trong hai năm trước khi trực tuyến trên VietNamNet vẫn còn nguyên giá trị. Thế giới ngưỡng mộ Việt Nam về tinh thần độc lập dân tộc và phát triển kinh tế nhanh chóng. Điều tôi muốn nói thêm là Việt Nam cần tăng tự do phát ngôn và tính phản biện trong nước hơn nữa, về đối ngoại, nên quan hệ chặt chẽ với các quốc gia khác nhất là khối ASEAN. Đó là cách tăng sức mạnh mềm.

"Việt Nam có thể là trung gian hòa giải của thế giới"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, Việt Nam có thể trở thành một nhà trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột trên thế giới giữa các quốc gia, giữa các dân tộc và tôn giáo được hay không?

GS Joseph Nye: Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó. Việt Nam giờ đây đang lãnh đạo ASEAN, đó là nền tảng tốt để giải quyết các cuộc xung đột. Việt Nam nên phát triển kinh tế thành công, giải quyết mâu thuẫn với láng giềng cũng như hiện đại hoá trong nước thành công.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngày nay, thế giới vẫn đang chứng kiến rất nhiều cuộc chiến và xung đột giữa các quốc gia, dân tộc. Việt Nam cũng từng trải qua chiến tranh, mất mát nhiều năm với nghìn năm Bắc thuộc và hàng chục năm đấu tranh chống ngoại xâm Pháp và Mỹ... để giành được hòa bình ngày nay. Dân tộc Việt Nam hơn ai hết hiểu giá trị của hòa bình, và cái giá của chiến tranh. Việt Nam có đủ kinh nghiệm và khả năng để có thể đóng vai trò trung tâm, là người hòa giải các xung đột, xây dựng hòa bình cho thế giới. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để Việt Nam có thể tự giới thiệu mình và đóng vai trò cầu nối, một trung tâm vun đắp cho hòa bình thế giới ấy?

GS Joseph Nye: Việt Nam có thể giới thiệu và đóng vai cầu nối trung gian cho hòa bình thế giới thông qua việc tham gia các hoạt động tại LHQ và các chương trình của LHQ, thông qua vai trò lãnh đạo của ASEAN mà Việt Nam là chủ tịch luân phiên năm 2010 này và thông qua quan hệ song phương tốt đẹp với các nước trên thế giới. Việt Nam tận dụng các cơ chế này để đóng vai trò quan trọng là trung gian cho hòa bình thế giới.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Điều đó mới chỉ thuộc vai trò của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thúc đẩy quá trình này thông qua vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động xã hội và nhân dân Việt Nam. Quan điểm của ông?

GS Joseph Nye: Đúng như vậy. Nếu nhìn vào câu chuyện của nước Mỹ, có thể thấy, rất nhiều sức mạnh mềm của Mỹ không phải lúc nào cũng đến từ Chính phủ mà từ xã hội dân sự, các tổ chức như của Melinda Gates, Bill Clinton..., từ các tổ chức phi chính phủ... Nếu Việt Nam phát triển một hệ thống xã hội dân sự cởi mở và hấp dẫn thì Việt Nam cũng có thể phát triển nguồn sức mạnh mềm này.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo Giáo sư, có nên chăng thế giới có một ngày hòa hợp hòa giải, để các quốc gia, dân tộc đang có xung đột có thể ngừng chiến, nghĩ về khả năng hòa giải và hòa bình?

GS Joseph Nye: Thực ra lúc nào nói cũng dễ hơn làm. Về nguyên tắc, chúng ta luôn có thể tìm thấy giải pháp cho bất kì cuộc xung đột nào. Ý tưởng về sự hòa hợp, hòa giải, về ngày hòa giải là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thật không dễ để đạt được trên thực tế. Đơn cử, hãy nhìn vào xung đột trong thế giới Ả rập giữa người Israel và người Palestine. Rất nhiều người đã gợi ý giải pháp nhưng rất khó để có thể mang hai bên lại gần nhau, thỏa hiệp và thương lượng.

"Trung Quốc không thể đơn thương độc mã phát triển"

Độc giả Trịnh Bá Đường: Theo Giáo sư, phải chăng sức mạnh Mỹ đang bị đe dọa bởi Trung Quốc, một nền kinh tế đang lớn mạnh và ngày càng tỏ rõ ý muốn trở thành lãnh đạo mới của thế giới? Ngài có cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển cần hành động để bảo vệ mình trước những ảnh hưởng của Trung Quốc?

GS Joseph Nye: Sức mạnh của Trung Quốc rõ ràng đang tăng lên, tuy nhiên, việc gia tăng sức mạnh này đe dọa Mỹ thì chưa hẳn đã đúng. Sức mạnh của Mỹ lớn hơn Trung Quốc rất nhiều trong thập kỉ tới, cả về sức mạnh kinh tế lẫn sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm. Tôi không nghĩ sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa Mỹ.

Nếu Trung Quốc hành xử không đúng đắn, điều quan trọng là chúng ta có thể đứng lên phê bình, cảnh cáo Trung Quốc, nhưng chúng ta cần nhận thức rằng Trung Quốc không thể nào đơn thương độc mã trên con đường phát triển của mình. Muốn phát triển nhanh, mạnh, Trung Quốc cũng cần sự ủng hộ, hợp tác của thế giới. Cả Trung Quốc và thế giới đều hiểu rõ điều này. Mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng hòa bình.

Độc giả Thủy Chung: Hiện nay, Trung Quốc rất tích cực thi hành "sức mạnh mềm". Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực sự của việc này, liệu có khoảng cách nào giữa thực chất và những gì được giới truyền thông thổi phồng không?

GS Joseph Nye: Phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào thẳng thắn cho biết nước này chủ trương tăng cường sức mạnh mềm bên cạnh sức mạnh kinh tế và quân sự. Thực tế, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược này như việc mở một loạt các viện nghiên cứu Khổng tử, thu hút sinh viên nước ngoài tới Trung Quốc. Đây là những bước đi mạnh mẽ để Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có vấn đề với sức mạnh mềm của mình. Trung Quốc có những hành xử bên ngoài không được lòng người, làm xấu đi hình ảnh của mình với thế giới: các hành xử ở Biển Đông, hành xử thiếu hợp tác tại Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen vừa rồi, vấn đề nhân quyền... bị báo chí châu Âu và Trung Quốc lên tiếng chỉ trích.

Vì thế, hiệu quả thực chất của sức mạnh mềm Trung Quốc còn nhiều điều phải nói. Nhìn vào thăm dò dư luận thì thấy, sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn chưa thể so với Mỹ.

"VN nên thúc đẩy tiếp cận đa phương để ứng phó với hành xử ông lớn của TQ"

Độc giả Trần Xuân Lý: Trung Quốc đang thực hiện học thuyết sức mạnh mềm để đẩy nhanh quá trình trở thành siêu cường. Tuy nhiên, với  các nước láng giềng, họ áp dụng nhiều sức mạnh cứng. Ông nhận xét thế nào?

GS Joseph Nye: Trung Quốc cho thế giới thấy họ đang mở rộng sức mạnh mềm, đó là tự nhiên với những quốc gia có nhiều sức mạnh cứng, họ muốn hình ảnh của họ thân thiện và không gây họa với các nước láng giềng.

Tuy vậy, Trung Quốc mâu thuẫn trong thông điệp của họ. Ví dụ như việc Trung Quốc cư xử ông lớn với Việt Nam trên biển Đông hoặc gặp phải vấn đề nội bộ . Làm như thế, hình ảnh sức mạnh mềm của Trung Quốc bị tổn hại. Những nước láng giềng có thể tận dụng điểm yếu này để có vị thế và tiếng nói hợp lý hơn.

Độc giả Đặng Thái SơnHiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc có những bất đồng trên Biển Đông. Vấn đề là Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng cũng phải bảo vệ chủ quyền. Việt Nam nên sử dụng sức mạnh cứng và mềm như thế nào để giải quyết vấn đề trên?

GS Joseph Nye: Tôi nghĩ Việt Nam muốn quan hệ tốt với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn, một quyền lực lớn trong khu vực. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có những cách cư xử như ông lớn, Việt Nam cũng cần có các tiếp cận đa phương, tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác nữa.

Việt Nam nên tận dụng vai trò của ASEAN mà Việt Nam là chủ tịch. Việt Nam nên đưa cuộc xung đột lên ASEAN, đa phương hóa nó. Khi đó, Trung Quốc sẽ thấy cái giá phải trả đắt hơn khi đó là xung đột song phương.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có ý kiến cho rằng, hình ảnh Việt Nam cạnh Trung Quốc như cây nhỏ bị cớm nắng vì ở dưới cây lớn, làm sao để thoát khỏi bóng của tán cây bên trên?

GS Joseph Nye: Việt Nam có vấn đề với nước láng giềng lớn Trung Quốc với dân số lớn hơn 10 lần. Điều nên làm là tranh thủ sự thông cảm của các nước láng giềng khác cũng như nhân dân thế giới bằng chính động thái của mình, bằng cách cởi mở với thế giới, cho phép tự do và phản biện trong nước, phát triển kinh tế thành công, quan hệ tốt với láng giềng. Đó là cách chứng tỏ Việt Nam đi đúng hướng. Khi đó, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự cảm thông và ủng hộ của thế giới. Và sẽ khó cho Trung Quốc trong việc "phủ bóng" Việt Nam.

"Giữ cân bằng bên trong khu vực"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Triển vọng tương lai của châu Á trong thập kỉ tới như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Joseph Nye: Trong thập kỉ tới, châu Á vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là đầu tầu của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý còn nhiều khác biệt giữa các phần của châu Á rộng lớn, không phải là một châu Á thống nhất. Nhiều người nhìn thấy vẫn tồn tại sự đối đầu giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.  Sự phát triển của châu Á là điều sẽ diễn ra, nhưng còn nhiều việc phải làm để giữ cân bằng bên trong khu vực, giải quyết xung đột giữa các nước.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong bối cảnh như vậy, vai trò của ASEAN trong khu vực như thế nào?

GS Joseph Nye: Các nước Đông Nam Á không bao giờ có thể lớn bằng Trung Quốc. Lợi ích của các nước Đông Nam Á là làm việc cùng nhau để cân bằng với Trung Quốc. ASEAN ngày càng trở thành tổ chức quan trọng trong tương lai nếu các nước thành viên hợp tác chặt chẽ cùng nhau.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với trình độ phát triển, xã hội còn khác nhau, các định chế còn lỏng lẻo, lại bị tác động mạnh, từ bên ngoài, ASEAN phải làm gì để xây dựng một ASEAN có tính gắn kết cao và trở thành một khối có sức mạnh và có vị trí với thế giới hôm nay?

GS Joseph Nye: Nhìn vào các nước thành viên ASEAN, họ có tiềm năng đáng ghi nhận để đóng vai trò lớn hơn trên thế giới. Trong quá khứ, cũng có lúc ASEAN đã phát triển đạt mức tiềm năng của mình. Tuy nhiên, các nước thành viên cần nhìn nhận và xác định một lộ trình chung, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn với vị thế lớn hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy ông có lời khuyên nào cho Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN 2010 này không?

GS Joseph Nye: Tôi hi vọng Việt Nam sẽ là vị chủ tịch năng động của ASEAN, chủ động thúc đẩy các lộ trình hợp tác của tổ chức khu vực này.

"Bêu danh để đổi cách ứng xử"

Độc giả Trung Hồ: Trung Quốc đang tận dụng quy mô, độ lớn của thị trường để tạo ra một sức mạnh mới làm sức ép, mặc cả với các nước khác hoặc không tôn trọng các cam kết như bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vậy đây là dạng sức mạnh gì?

GS Joseph Nye: Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác phản đối quan điểm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khắt khe của Mỹ. Họ cho rằng mình nên có quyền sử dụng các sản phẩm đó. Tuy nhiên, đó là sự không hợp lý và gây bất lợi cho hoạt động sáng tạo trên thế giới. Tôi cho rằng cần có thêm nhiều các cuộc trao đổi để thảo luận về vấn đề này và thực hiện trong khuôn khổ WTO.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Làm thế nào để ngăn chặn và trừng phạt các hành động làm tổn hại các thoả thuận và quy định quốc tế, làm phá vỡ sự công bằng của thế giới?

GS Joseph Nye: Nhiều người đề xuất biện pháp chỉ tên, và làm xấu hổ. Nghĩa là, cảnh cáo để nước lớn nhìn nhận rằng việc họ sử dụng sức mạnh để bặt nạt nước khác, hay không thực hiện cam kết với tư cách cường quốc phải thấy xấu hổ và thay đổi cách làm. Đó là cách hay. Nhiều tổ chức trên thế giới cũng kêu gọi ủng hộ cho biện pháp chỉ đích danh và cảnh cáo này.

"Tận dụng chủ nghĩa dân tộc lành mạnh"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tồn tại tình trạng một số nước lớn đi liền với phát triển kinh tế là phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ngăn chặn điều này như thế nào?

GS Joseph Nye: CN dân tộc cực đoan nguy hiểm với thế giới, khi họ sử dụng sức mạnh để đe dọa láng giềng, nhưng phải tỉnh táo phân biệt CN dân tộc cực đoan khác với CN dân tộc lành mạnh hiện đại, khi mỗi người dân có quyền tự hào với dân tộc mình, từ đó mang lại sức mạnh và lòng can đảm cho người dân nước đó. Chúng ta phải cố gắng hạn chế chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời khuyến khích chủ nghĩa dân tộc lành mạnh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông thấy, người Việt Nam có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh đó hay không?

GS Joseph Nye: Việt Nam là một trong những ít nước có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, thể hiện qua cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại xâm lược của các nước lớn: Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Việt Nam có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh theo nghĩa như thế. Ngày nay Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng chủ nghĩa dân tộc lành mạnh đó cho sự phát triển của mình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đã hơn 1h trực tuyến, ông còn điều gì muốn chia sẻ với độc giả VietNamNet?

GS Joseph Nye: Tôi rất vinh dự được đối thoại với độc giả VietNamNet. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các câu hỏi thông minh, trí tuệ và thức thời. Đây là hình thức trao đổi rất hay và chúng ta nên phát triển thêm trong tương lai.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông nghĩ sao về ý tưởng thành lập một viện nghiên cứu phát triển, phổ biến và áp dụng sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh tại Việt Nam và khu vực?

GS Joseph Nye: Ý tưởng về việc thành lập một trung tâm nghiên cứu bao giờ cũng hay. Về mặt học thuật, tôi sẵn lòng chung tay hỗ trợ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sau hơn một giờ trực tuyến, hi vọng Giáo sư đã phần nào giải đáp được những câu hỏi của các bạn. Xin cảm ơn Giáo sư vì đã dành thời gian trong lịch trình làm việc bận rộn của mình cho độc giả VietNamNet và đã có cuộc đối thoại rất thú vị.

No comments:

Post a Comment