Sunday, December 19, 2010

Chuyển tải nghệ thuật sống

    Chúng ta dạy học trò, dạy con cái, dạy em út, dạy người cấp dưới, dạy đệ tử cách sống hàng ngày—khiêm tốn, thành thật, yêu người, can đảm, dịu dàng, trí tuệ…  Và chúng ta có đủ những bài giảng mo-ran dài dằng dặc của chính ta, cũng như những bài giảng cổ truyền của các bậc đại sư đã được truyền tay qua nhiều thế hệ, để làm khí cụ trợ giảng.

    Nhưng tất cả những thứ đó chỉ có thể làm 10% việc dạy.   90% của việc dạy là cách sống của chính ta.  Cách sống của ta có “dạy” điều miệng ta “dạy” không?  Nếu miệng ta và các bản văn ta trao tay dạy A+, mà cách sống của ta nói A-, thì đương nhiên là các học trò của ta chỉ học A-.

     Trong giáo dục, chúng ta hay nói “trẻ em học bằng cách bắt chước”.   Thực ra thì tất cả mọi người, cả người lớn lẫn trẻ em, học bằng cách bắt chước.  Bạn muốn học cách bắt tay và chào hỏi như Mỹ, đương nhiên là chỉ có một cách học là bắt chước Mỹ.  Học suy nghĩ như Anh?  Đương nhiên là phải bắt chước Anh, chẳng có cách nào khác.  Bắt chước là cách học hiển nhiên, ở cả hai tầng ý thức và vô thức của con người.  Cho người nhìn nhau để học nhau, cho nên tác phong của thầy là cách dạy mạnh mẽ nhất, 24 giờ một ngày.

    Các bạn có nghe từ “mass mentality” chưa?  Tạm dịch là “tâm lý đám đông” hay “tư duy của đám đông”.  Xem thị trường chứng khoán, đô la, vàng, hay nhà đất là thấy ngay.  Một vài đại gia nào đó nói chứng khoán sắp xuống giá, bắt đầu bán, là có thể cả thị trường đua nhau bán đùng đùng.   Có tin gì đó ở đâu đó, vài đại gia nói chứng khoán sẽ lên, mọi người tranh nhau mua đùng đùng.  Đô la, vàng, nhà đất cũng vậy.  Một vài người làm gì đó, là mọi người có thể ùa theo đùng đùng mà không cần biết đúng sai.  (Nhìn các đại gia đầu tư, đôi khi người ra không khỏi thắc mắc: “Các quý vị này có phải là “nhà đầu tư” với kiến thức cùng mình như từ “nhà đầu tư” ám chỉ, hay chỉ là một bầy cừu rủ nhau chạy  vòng vòng loạn xạ đây?”).  Ví dụ khác, trong điều kiện không mấy vui vẻ với Trung quốc hiện nay, nếu nhà nước để mọi người thẳng tay hò hét chửi bới Trung quốc, thì e rằng chỉ trong một tháng toàn dân Việt Nam sẽ đòi xung phong mang súng bắc tiến.

    Bản tính con người là a dua và bắt chước như thế, cho nên người thầy dạy không chỉ bằng lời, mà phần lớn là bằng chính con người của mình, cách đi đứng nằm ngồi,  ánh mắt, bàn tay, cách xừ thế của mình hàng ngày với người khác… tất cả con người của thầy sẽ dạy học trò, 24 tiếng một ngày.

    Kiến thức, tri kiến, trí tuệ thực ra không sống khơi khơi giữa không trung.  Một câu “Hãy sống khiêm tốn” chẳng hạn, tự chính nó thực ra chẳng có nghĩa gì với ai cả.  Nhiều người chẳng biết “sống khiêm tốn” là sống thế nào, dù là đọc được từng chữ đó.  Nhưng khi học trò thấy thầy hàng ngày cư xử với học trò đầy tương kính, lắng nghe học trò với cách lắng nghe người ngang hàng thầy,  khi học trò hiểu sai thầy chỉnh với một thái độ khoan dung và tương kính, khi có khách đến thăm thầy có thái độ nhã nhặn và lễ độ đối với khách, khi khách mạt sát thầy nhịn nhục và dịu dàng với khách, khi nói chuyện với người ăn người làm thầy nói chuyện một cách yêu mến và tương kính… tất cả những điều này làm cho lời thầy nói “Hãy sống khiêm tốn” sáng tỏ như một chiếc đèn pha trong tâm trí của học trò.  Không phải thắc mắc nhiều “sống khiêm tốn là sống thế nào?”

    Mỗi người chúng ta là Phật đang thành.  Chúa sống trong mỗi người chúng ta.  Các câu nói này không chỉ là các từ hoa mỹ, mà là châm ngôn của nghệ thuật sống.

    Các bạn,  làm sao thấy Chúa, thấy Phật được?  Cả Phật Thích ca và Chúa Giêsu đã đi hơn mấy ngàn năm rồi.  Chẳng có cách thấy Phật thấy Chúa (trừ người nào có  may mắn được các ngài hiện ra).  Chỉ có một cách để chúng ta thấy được một chút bóng dáng thấp thoáng của Phật và Chúa là nhìn thấy Phật và Chúa trong mỗi chúng ta.  Nhìn nhau bằng con mắt trần tục của những con người trần tục với nhiều yếu đuối và sai sót, chúng ta vẫn có thể thấy được các thiện tính và ánh sáng của nhau để có thể nói:  “Tôi đã thấy được một chút hình ảnh của Chúa, của Phật, qua các bạn của tôi.”

    Các bạn, để mình lập lại: “Mỗi chúng ta là Phật đang thành.  Mỗi chúng ta có Chúa sống trong ta.  Chỉ có một cách để chúng ta thấy được một chút bóng dáng thấp thoáng của Phật  và Chúa là nhìn thấy Phật và Chúa trong mỗi chúng ta.”

    Tất cả các lời dạy của các triết lý, các giáo pháp, các đại sư, thật ra chỉ là những dòng chữ chết, vô hồn.  Chúng chỉ sống lại,  rực lửa và chiếu sáng khi chúng luân chuyển trong dòng máu của ta, biểu lộ ra  ngoài bằng cử chỉ và hành động của ta.  Đó chính là dạy,  là giáo huấn, là giáo dục, là làm gương, là tỏa  sáng.

    Các bạn, đừng tuyệt vọng vì cuộc đời nhiều rối rắm.  Rối rắm làm ta rối trí, mù mờ, tối tăm.  Nhưng, ánh sáng mạnh hơn bóng tối và ánh sáng xua được bóng tối.  Ánh sáng, vào mức sâu thẳm nhất, là Phật tính trong ta,  là Chúa trong ta.  Phật trong ta, Chúa trong ta, lập lại, không phải chỉ là các từ hoa mỹ nghe cho kêu, mà là bản tính tĩnh lặng trong sáng tinh tuyền của ta, có thể đi giữa mọi rối rắm u tối, đối phó với mọi tình cảnh một cách bình tâm và sáng suốt, đôi khi đến mức mà người khác phải gọi là “phi thường.”

    Nếu chúng ta tập trung tâm trí vào nguồn sáng đó, bằng cách sống với Phật trong ta, Chúa trong ta, mọi điều ta dạy sẽ trở  thành một nguồn sáng rất dễ thấy, rất dễ hiểu, rất dễ cảm nhận, và rất dễ hấp thụ đối với học trò.  Đó là quả tim ta đang chuyển hóa thế giới của ta ở mức mạnh mẽ nhất.

No comments:

Post a Comment