Sunday, December 19, 2010

Thói quen KHÔNG nói xin lỗi của người Việt

    Có một việc nên làm rất thường xuyên, nhưng đối với người Việt thì lại cực kỳ khó làm. Đó là xin lỗi. Đa số dân ta có thái độ “ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn xin lỗi”.

    Tại sao?

    Lúc nhỏ em bé Việt nào cũng bị ăn đòn và phải xin lỗi sau trận đòn, hứa là không tái phạm nữa. Có lẽ vì xin lỗi được xem như là hành động của trẻ con, của tội phạm, và người lớn đứng đắn thì không có tội gì mà phải hạ mình xin xỏ, mất danh dự, cho nên ta thà mổ bụng tự sát theo kiểu harakiri để rửa danh chứ tội thì nhất định không xin?

     Các bạn đã làm thương mãi hẳn là đã thuộc nằm lòng câu “Khách hàng là thượng đế”. Thế thì bạn cư xử với thượng đế cách nào bạn biết không? Chiều chuộng và lễ độ với thượng đế hết mức. Và 3 từ người ta phải nói với thượng đế thường xuyên và liên tục là: vâng, cảm ơn, và xin lỗi.

    Khi bạn làm thương mãi và khách hàng của bạn không được vui, bạn luôn luôn xin lỗi, kể cả khi bạn chẳng có lỗi gì cả. Ví dụ: Bà khách đang có chuyện gì đó không vui, đi vào tiệm gọi ly Coca Cola, mọi thực khách khác cũng nghe bà ta gọi Coca. Một lúc sau tiếp viên bưng ra ly Coca, bà ta mắng cho một trận là điếc, bà đã gọi cà phê tại sao đưa Coca. Tiếp viên đã được huấn luyện tử tế sẽ đương nhiên xin lỗi là nghe nhầm và mang ly cà phê ra cho bà.

    Không phải chỉ là thương mãi mà thôi, trong cuộc sống thường ngày cũng thế, một tiếng xin lỗi làm được rất nhiều điều huyền diệu. Nếu ta trễ hẹn, nếu ta lỡ nói một câu làm ai phiền, nếu ta lỡ nói điều gì về ai đó rồi từ đó các bạn ta đồn thêm tin thất thiệt, nếu ta lỡ quẹt xe ai… xin lỗi một câu là mọi người đều vui vẻ.

    Đôi khi vì lý‎ do pháp lý,ta không thể nhận lỗi, ví dụ tai nạn xe cộ làm ta nghĩ là lỗi thật ra là của người kia, thì ta vẫn có thể xin lỗi mà không nhận lỗi: “Thưa chị tôi rất tiếc là tai nạn này xảy ra”. Trong thương mãi cũng vậy, một bà khách sai 100% nhưng bà ấy phàn nàn gì đó, ta vẫn có thể xin lỗi kiểu không nhận lỗi gì cả: “Thưa bà, tôi rất tiếc là bà không được vui. Tôi xin giảm 15% cho bữa ăn này của bà, mong là bà được hài lòng.” (Mình thường giải thích với các quý vị thương gia là, giảm 15% hay 50% hay cả 100% để xin lỗi, ngay cả khi mình không có lỗi, là cách quảng cáo rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất, thay vì tốn cả núi tiền quảng cáo trên TV mà không ai thèm đá động tới mình).

    Xin lỗi đôi khi là để nhận lỗi, xin được tha thứ. Nhưng phần nhiều là xin lỗi là một hành động hạ mình xuống để làm cho người kia được vui–một hành động khiêm tốn, chẳng liên hệ gì đến việc mình thực sự có lỗi gì hay không.

    Người tự tin và khiêm tốn luôn luôn sẵn sàng xin lỗi. Người thiếu tự tin rất sợ xin lỗi. Ngày cả khi bạn không có lỗi về việc người ta tố bạn, và bạn nhất định không nhận lỗi đó được vì lý do pháp lý, bạn vẫn có thể xin lỗi về các việc khác liên hệ đến việc đó. Ví dụ: Bạn quên khoá cửa phòng và có người trộm tiền của công ty trong ngăn tủ của bạn. Bạn đương nhiên là không nhận tội bạn đã lấy tiền, nhưng ít ra là xin lỗi đã bất cẩn không khóa tủ.

    Xin lỗi là liều thuốc huyền nhiệm chặn đứng mọi tranh chấp, cãi cọ không cần thiết. Vào quán cà phê bạn vừa quay sang bàn bên cạnh liền bị một cậu hất hàm “Nhìn gì? Muốn kiếm chuyện sao đây?” Chỉ cần xin lỗi một câu “Xin lỗi anh, mình làm anh hiểu lầm. Mình không có ‎ý đó” thì có lẽ là chiến tranh chẳng bao giờ xảy ra.

    Hình như đối với người Việt ta xin lỗi là một hành động nhục nhã hay sao?

    Các bạn chỉ có người thiếu tự tin, thiếu trưởng thành, thiếu khiêm tốn mới nghĩ thế.

    Nếu bạn khiêm tốn, tự tin và trưởng thành, có lẽ “xin lỗi” là từ bạn nói nhiều thứ ba trong kho tàng ngôn ngữ, chỉ sau từ “vâng” và từ “cám ơn”.

No comments:

Post a Comment