Sunday, December 19, 2010

Bàn về Đạo và Đời

Đây đang là mùa Giáng Sinh. Ở Việt Nam cách đây mấy năm thì Giáng Sinh chỉ là ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa, còn bây giờ chúng ta có thể thấy là không khí của đêm Noel tràn ngập khắp nơi. Giáng Sinh dường như đã trở thành ngày lễ của tất cả mọi người. Sự phấn khởi, ấm áp, và niềm vui trong không khí của đêm Noel chẳng phân biệt và chẳng loại trừ ai là người theo đạo hay không theo đạo.

Mình nhớ là hồi bé qua cách nói chuyện của người lớn, mình có cảm giác như những người theo đạo Thiên chúa,và người không theo đạo (hay người lương) thuộc về hai thế giới khác nhau (đạo Phật thì phổ biến và ít nhiều đều có trong các gia đình nên mình không so sánh ở đây). Trong con mắt trẻ thơ thì mình chỉ mường tượng rằng người theo Thiên Chúa hay đi lễ nhà thờ, họ thờ phụng chúa Giesu khác với người lương thờ ông bà tổ tiên, họ thường chỉ kết hôn với người cùng đạo, và đâu đó mình nghe được qua bạn bè mình rằng những người bạn có đạo thường là rất tốt và đáng tin cậy.

 Mình cũng không biết gì hơn thế, cũng không nghe ai thảo luận hay giải thích tại sao lại có người theo đạo và không theo đạo, theo đạo tốt hay không tốt, người có đạo có khác gì với người lương không? Mọi thứ cứ ở đó như nó vốn thế, thậm chí khi nói về tôn giáo thì mình nghe nhiều ý kiến phản đối hơn là các phân tích tích cực. Có lẽ là mọi người có ác cảm trong quá khứ vì một số người đã dùng tôn giáo để phục vụ cho mục đích chính trị hay mưu đồ cá nhân.

Nếu bạn là một độc giả thường xuyên của Đọt Chuối Non thì hẳn là bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi này. Bản thân mình cũng vậy. Nói một cách ngắn gọn, đạo nào cũng có chung một mục đích là hướng con người trở về đúng với bản chất thật nhất: sống có đạo đức, thiện tâm, khiêm tốn. Theo đạo hay không theo đạo cũng chỉ là một cái nhãn (label), chúng không nói lên điều gì nhiều nếu như bản thân chúng ta không thể hiện được điều đó trong đời sống của mình.

Đứng ở góc độ cá nhân, mình thấy hiểu về đạo quan trọng vì một số lí do. Thứ nhất là niềm tin. Khi mình còn bé thì gia đình là chỗ dựa tinh thần rất vững chắc. Bố mẹ luôn là động lực để mình cố gắng vươn lên. Nhưng khi tốt nghiệp đại học mình cảm thấy muốn thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ, muốn tự lập để khẳng định mình. Lúc đó thì các quyết định của mình không còn là để làm cho bố mẹ vui nữa. Ngay cả khi bố mẹ không đồng ý mình vẫn theo đuổi công việc mà mình mong muốn, và lúc đó mình đi tìm một chỗ dựa tinh thần lớn hơn bố mẹ mình. Sau này thì mình nhận ra đó chính là God (Chúa, Phật hay đấng tối cao nào đó không phải là con người). Thứ hai là sức mạnh. Nói một cách đơn giản là khi tin vào một điều lớn lao thì bản thân mình cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Mình không sợ chết (vì nếu theo giải thích của Phật thì đời sống của con người trên thế gian rất ngắn ngủi, con người cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc thôi). Mình cũng không lo lắng cho tương lai (vì theo giải thích của Phật thì tương lai là cái không ai biết, sống cho ngày hôm nay, ở đây lúc này thôi). Mình cũng không tức giận hay để bụng ai nữa (vì chúa Giesu bảo phải yêu hàng xóm của mình, yêu cả kẻ thù của mình). Những thay đổi đơn giản như vậy thôi nhưng đã khiến mình cách nhìn của mình về cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Ở góc độ quốc gia, mình cũng có chút trải nghiệm chia sẻ với các bạn. Khi sang Mỹ mình thấy có một điều rất khác biệt là thực hành tôn giáo ở đây lại rất mạnh, khác hẳn với Việt Nam. Đạo là văn hóa. Ở những vùng còn giữ được nhiều truyền thống văn hóa như Midwest (trung Mỹ), người dân chăm đi lễ nhà thờ và sống rất tốt, hay giúp đỡ người khác. Có một hôm đọc website giới thiệu của giáo sư, mình còn thấy giáo sư viết rõ gia đình ông ấy hay đi nhà thờ nào. Mình khá ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu thì mình mới biết rằng đó là một dấu hiệu chỉ ra: 1) “Tôi và gia đình tôi theo đạo (tức là tin vào chúa Giesu)”, 2) “Chúng tôi đáng tin cậy”. Dấu hiệu thứ 2 là một cách hiểu ngầm, nhưng lại rất quan trọng trong xã hội Mỹ. Không thể phủ nhận một điều là nhờ có đạo Tin Lành mà xã hội Mỹ là một xã hội có tính tin tưởng giữa các cá nhân cao (high-trust society). Năm 1904, Max Weber, nhà kinh tế chính trị và xã hội người Đức, đã viết một cuốn sách về vai trò quyết định của Thiên Chúa giáo đối với sự phát triển kinh tế thần kì của nước Mỹ. Rõ ràng là sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng nếu chúng ta nhìn đạo ở góc độ văn hóa và tính tích cực của đạo trong việc xây dựng niềm tin của con người và sự tin tưởng giữa các cá nhân, thì giải thích của Weber cũng rất có lý: nước Mỹ mạnh nhờ có đạo Tin Lành. Điều này cũng đúng với các quốc gia phát triển khác như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay cộng đồng người Do Thái. Đặc điểm chung của họ là xã hội có sự tin tưởng cao giữa các cá nhân và niềm tin vào God.

Chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho hệ thống, cho lãnh đạo, cho cơ chế đã làm trì trệ sự phát triển của đất nước, nhưng nếu nhìn xa hơn thì tất cả những điều đó lại cũng là một sản phẩm của văn hóa và lịch sử. Chúng ta vẫn nói rằng đạo Phật là tôn giáo phổ biến ở Việt Nam, văn hóa Việt Nam là văn hóa Phật giáo. Người Việt ai cũng ít nhất một lần ghé chùa, thắp hương, khấn Phật nhưng những người thực sự hiểu Phật giáo và có ý niệm về Phật trong đời sống của mình thì ít mà những người ghé chùa lễ phật để cầu danh lợi thì ngày càng nhiều.

Christmas is not a time nor a season, but a state of mind - Calvin Coolidge

Giáng sinh không phải là một thời cũng không phải là một mùa, mà là một cách nhìn. 

Mong rằng mỗi khi Noel về, chúng ta cũng hòa cùng thế giới để chào đón ngày chúa Giesu ra đời, cùng vui chơi, ca hát, tặng nhau những món quà của tình yêu thương, và không quên dành một phút lắng đọng để nhìn lại mình.

Chúc các bạn mùa Giáng Sinh an lành.

Hoàng Khánh Hòa

 

No comments:

Post a Comment