Thursday, November 18, 2010

Ngô Bảo Châu: Đi theo lề là việc của những con cừu

Thông tin nổi bật nhất trên khắp thế giới người Việt tuần qua, là sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt huy chương Fields. Khỏi nói về niềm vinh dự và tự hào mà sự kiện này mang lại đối với người Việt, bởi đây là giải thưởng đạt tới hàng cao quý nhất về trình độ toán học thế giới. Theo như nhận xét của giáo sư G.Laumon, người thầy từng hướng dẫn luận án của Ngô Bảo Châu, cũng đồng thời từng là một nhà toán học lỗi lạc đoạt giải thưởng Fields, thì hiện tại Ngô Bảo Châu đang thuộc lớp lãnh đạo của nền toán học thế giới. Lời nhận xét này, chính xác theo đúng nghĩa đen, nếu xét về trình độ và thành tựu mà GS Ngô Bảo Châu đã đạt được tính đến thời điểm này.

Bên cạnh niềm tự hào lớn mà GS Ngô Bảo Châu mang lại cho người Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu cũng rất thẳng thắn khi nói về việc mình nhập quốc tịch Pháp đầu năm 2010 và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (thời điểm này khả năng nhận giải Fields của ông đã gần như chắc chắn). Theo GS Châu, việc đó sẽ khiến bên cạnh toán học Việt Nam, toán học Pháp cũng vì thế được vinh danh một cách xứng đáng. Ngô Bảo Châu đã hành xử như một người trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Để có được một Ngô Bảo Châu ngày hôm nay, ông có 18 năm sinh sống và được bồi đắp ở Việt Nam, sớm được đào tạo tại các lớp chuyên toán bởi các giáo sư giỏi nhất người Việt, được gặp các lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước Việt Nam khi đạt các giải thưởng Olimpic toán quốc tế (Điều gần như không bao giờ có ở các nước khác). Tuy nhiên, suốt 20 năm tiếp sau đó, phần lớn thời gian của ông là học tập và nghiên cứu tại Pháp, được sự hướng dẫn của nhiều tên tuổi lớn trong nền toán học thế giới, và được tiếp cận với một nền toán học phát triển nhất thế giới. Do đó, việc ông muốn cả Việt Nam và Pháp đều được vinh danh với huy chương Fields, nói lên con người trọng đạo lý của ông. Lời chia sẻ đầy ngụ ý của Ngô Bảo Châu: "Cá nhân tôi quý chiếc bút cũ hơn" cũng cho thấy nhiều suy nghĩ đích thực đằng sau những hành xử bề ngoài.

Nhiều người Việt Nam còn cảm thấy thú vị hơn khi làm một phép so sánh, ở Châu Á, tính đến nay chỉ duy nhất có Nhật từng có công dân đoạt 3 huy chương Fields. Trong nhiều năm, người Trung Quốc cố vơ lấy một huy chương Fields về phía mình bằng cách diễn giải quốc tịch của hai người từng đoạt Fields có gốc Hoa là Terence Tao và Shing - Tung Yau (Khâu Thành Đồng). Tuy nhiên, có vẻ điều này là khá muối mặt và lố bịch. Terence Tao, đoạt huy chương Fields năm 2006, mang quốc tịch Úc và được sinh ra cũng tại Úc. Trung Quốc chẳng có đóng góp tẹo nào trong việc tạo nên tài năng và sự nghiệp của Terence Tao. Ông này cũng từng khiến Trung Quốc muối mặt khi trả lời báo chí Trung Quốc, khi cánh báo chí cố gắng muốn nhồi cái gốc gác Hoa vào con người của ông: "Không, tôi là người Úc" - Terence Tao trả lời, bằng tiếng Anh. Trường hợp Khâu Thành Đồng thì hơi có phần phức tạp hơn, ông này sinh tại Quảng Đông, nhưng năm 1949, khi Khâu Thành Đồng mới 5 tháng tuổi, cả gia đình ông ta đã chạy loạn sang Hồng Kông để trốn tránh vấn nạn quân lính Mao Trạch Đông, lúc đó vừa nhất thống xong Trung Quốc. Kể từ đó, Sing Tung Yau được hưởng nền học vấn dưới sự ảnh hưởng của nước Anh, lúc đó Hồng Kông là đất của người Anh (Năm 1997 Hồng Kông mới được trả về Trung Quốc). Năm 1982, Yau nhận giải Fields với quốc tịch Mỹ. Như vậy với trường hợp Khâu Thành Đồng, Trung Quốc cũng chẳng có chút công lao gì để mà tự hào khi chẳng đóng góp gì cho việc hình thành tài năng cũng như thành tích của Yau.

Sing - Tung Yau là một nhà toán học rất có tài năng, công trình Calabi - Yau của ông ta (đọat giải Fields năm 1982) là một công trình đột phá cho toán học và vật lý học. Tuy nhiên về sau này tính hám danh khiến Yau bị tổn hại danh tiếng rất nhiều. Đó là sự kiện Sing - Tung Yau cố gắng tìm cách chiếm đọat công lao của nhà toán học vĩ đại người Nga Perelman, người đã giải thành công bài toán thiên niên kỷ về Giả thuyết Poincare (Giả thuyết cực kỳ quan trọng trong toán học này ngót 100 năm không có người giải được, được coi là một trong số những bài toán hóc búa nhất thiên niên kỷ, hơn nữa lại có vai trò sống còn đối với sự phát triển của vật lý học và toán học), bằng cách lập ra một nhóm hai nhà toán học Trung Quốc là Xi-Ping Zhu và Huai-Dong Cao, vốn là đệ tử của Yau, tìm cách diễn giải lại cách chứng minh Poincare của Perelman, và nhận vơ rằng chính họ mới là người chứng minh bài toán này. Tất nhiên trong một thế giới mà mọi sự đúng sai đều rất rõ ràng như thế giới Toán học, thì nỗ lực của Yau chẳng nhận được gì khác ngoài sự coi thường. Tất cả các nhà toán học hàng đầu trên thế giới và hiệp hội toán học quốc tế đều thống nhất rằng chính Perelman mới là người giải được giả thuyết Poincare, và họ đã ghi nhận công lao của ông bằng cách trao cho Perelman huy chương Fields (năm 2006), và viện toán Clay đã trao cho Perelman giải thưởng cao nhất của viện này qua việc giải được một trong số các bài toán thiên niên kỷ, phần thưởng lên tới 1 triệu USD. Perelman đã từ chối không nhận cả hai giải thưởng. Lý do đích thực, theo nhiều người nói, thì do ông khinh thường nhân cách của Sing - Tung Yau (Khâu Thành Đồng), và muốn rời bỏ thế giới toán học bởi không muốn xếp chung trong một thế giới tồn tại một người như Yau. (Dù Perelman từ chối nhận huy chương Fields, nhưng trang web của tổ chức này vẫn ghi chính thức ông là người được trao giải, và chú thích thêm: từ chối nhận).

So sánh như thế, để thấy Ngô Bảo Châu thực sự đã khiến người Việt Nam có quyền tự hào một cách xứng đáng. Việt Nam vốn là một đất nước được vinh danh bởi những vị tướng có chiến công hiển hách. Giờ đây, là một lĩnh vực khác, với đỉnh cao tri thức về toán học. Có thể hiện tại Việt Nam còn nằm trong nhóm các nước kém phát triển nhất Á Châu, nhưng rõ ràng, phải là một dân tộc có tầm vóc mới có thể sản sinh ra những tài năng mà những đất nước khác, dù có trình độ phát triển cao hơn rất nhiều, với mức sống và thu nhập gấp nhiều lần Việt Nam, cũng chưa bao giờ tạo ra được.

Sự tự hào này không phải chỉ có ý nghĩa như một liều thuốc ru ngủ. Trái lại, nó thổi lên một ngọn lửa đam mê chinh phục những đỉnh cao về tri thức, về nỗ lực đưa đất nước vươn lên, và thổi lên một sự tự tin mà người Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào tiềm lực của mình. 

Sau khi nhận giải Fields, một nhà khoa học vốn cần và luôn ưa thích cách sống lặng lẽ, Ngô Bảo Châu phải đối mặt với khá nhiều phiền toái do giới truyền thông và sự ồn ào do nổi tiếng mang lại. Ông có một câu trả lời gây chú ý trên nét: "Đi theo lề trái hoặc phải là việc của con cừu, không phải việc của một người tự do". Nhận xét của GS Châu khá gây động chạm và là một đòn khá đau đánh trực tiếp vào đám người cả trong nước lẫn nước ngoài vốn trước giờ tự phân mình thành hai phe: "Lề trái" - nỗ lực chống chính quyền, và "Lề phải" - Nỗ lực tuyên truyền đánh bóng chính quyền. Quả thực với tư duy của một người làm khoa học, hơn thế, là một người có nhận thức để biết đâu là đúng hoặc sai, thì việc khép mình vào một "loại lề" không phải là hành vi của một người tự do. "Lề trái" hoặc "Lề phải" đều có những cái đúng riêng, và cũng có đầy rẫy những sự cực đoan ngu muội từ cả hai phía. Một người tự do, phải biết nhìn thấu cả những điểm đúng ở Lề trái cũng như Lề phải, và phải biết quay lưng với cả những sự ấu trĩ vốn tồn tại phổ biến ở cả hai loại lề. Bằng lời tuyên bố này GS Châu thể hiện khá rõ tư duy một người làm khoa học, vốn hướng tới chân lý và cái đúng. Và đến bao giờ, cả những thành phần ngu xuẩn trong chính quyền và cả đám đần độn muốn bôi nhọ chính quyền, mới thôi việc "phân lề", để người Việt Nam có thể trở thành một khối đoàn kết hướng tới sự phát triển, phồn vinh và ánh sáng của tri thức?

Một câu chót đáng suy ngẫm trong bài bộc bạch trên net sau khi nhận giải của GS Châu: "Không phải ai cũng có khả năng nhận giải Noben hay Fields, nhưng bất cứ ai cũng có thể lựa chọn cách sống để sống có ý nghĩa".

 

No comments:

Post a Comment