Thursday, November 18, 2010

Thành phố sư tử Singapore (Hieu Minh)

Bạn đọc đoán Tổng Cua Times ít còm trên blog là vì y đang bận vi vu trên trời. Hiện đang ở sân bay Changi. Đến đây khá nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi viết được entry nào về Singapore (Singa – sư tử và pura – thành phố).

Lần này lão cố “rặn” ra vài dòng trong lúc đợi đi chuyến tiếp theo về một phương trời khác vì sợ cô giáo KD mắng dạo này quá lười.

 

Đi MRT thăm đất nước Singapore

Đang chuẩn bị từ Jakarta sang Singapore thì bên hành chính báo khách sạn M (mỗi chữ M) ở phố Anson Road ngay trung tâm thành phố bị hết chỗ. Họ “nhét” tạm mình vào Crowne Plaza ngay cạnh sân bay Changi khổng lồ, hiện đại, sạch đẹp vào loại bậc nhất trên thế giới.

Crowne Plaza như một khối vuông đen trắng. Vào trong lờ mờ như trong phim chiến tranh giữa các vì sao. Buồng tắm, nhà vệ sinh lắp kính thông ra phòng ngủ. Nếu ở hai người thì nàng tắm, tay kia tha hồ ngắm. Nếu đến lượt chàng kia ị thì cô bạn ngồi nhìn và bịt mũi. Không thể hiểu nổi cách bày trí hiện đại này. Giá phòng $250/đêm. Toàn thấy phi công, chiêu đãi viên, những người giầu có, nhỡ chuyến bay “náu tạm”.

Mass Rapid Transit

Ở gần sân bay thấy thú vị, vì đi vào thành phố bằng tàu điện MRT (Mass Rapid Transit -  Tầu điện tốc hành) nếu không muốn mất tiền đi taxi với giá trên trời. Chỉ cần khoảng 3$ Sing, sau 30 phút là tới được City Hall hay xem tượng sư tử phun nước. Nếu mang theo hành lý từ sân bay ra với vali có bánh xe thì bạn tha hồ vui với phương tiện công cộng rẻ tiền này.

Tên các nhà ga đủ kiểu, pha Tầu, Tây, Mã lai lẫn lộn. Nào là Woodlands, Newton, MacPherson, rồi Tai Seng, Choa Chu Kang. Có tên lạ như Joo Koon, mình tạm dịch và Du Côn, đến Boon Lay, dịch là Bùn Lầy cho dễ nhớ.

Đi Night Safary bằng xe điện đỏ (3$ Sing) đến bến Ang Mo Kio và đi tiếp bằng xe bus 138 với giá 1.8$ Sing. Ra công viên nước, khu vui chơi cũng thế, có tầu điện đưa đi. Với chút tiền $ Sing là bạn có thể chu du đất nước này trong một ngày bằng phương tiện MRT.

Tuy thế, vé vào cửa những nơi vui chơi, giải trí như Safari hay Disney đắt quá sức tưởng tượng của dân nghèo, thường là 30-40$ Sing vào cửa. Mỗi trò chơi lại thêm tiền. Lão HM đứng ngoài cổng chụp ảnh rồi đưa lên blog, bốc phét chút là bạn đọc nghĩ là hắn đã vào bên trong.

Đất chật người đông (5 triệu dân với diện tích bằng Sài Gòn mở rộng) nên chính quyền phát triển phương tiện xe bus, xe điện với giá vé trợ cấp. Dân ở trong khu chung cư có xe bus đưa đón tận nơi.

Nhà giàu có villa và xe hơi cũng khốn khổ. Cứ 10 năm phải thay xe, dù còn tốt và đẹp đến đâu chăng nữa cũng phải mang ra bãi rác hay xuất khẩu “tạm” sang các nước thích đồ cũ. Lý do ư, bảo vệ môi trường. Xe hơi ở Singapore rất mới và đẹp, không có xe ọp ẹp trên phố.

Buổi tối lên khu khác Marina Bay Sand, có ba tòa nhà đội một cái thuyền, một kiểu kiến trúc độc đáo nhất trên thế giới. Giá vé đi thang máy lên ngắm trời là 20$/người. Cái gì liên quan đến ăn chơi là chi tiền như nước.

Lên tầng 56 rồi cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo. Singapore hiện ra trong đêm như một thiên đường châu Á. Xe hơi chạy trên cao tốc, đèn sáng rực trời. Những tòa nhà chọc trời lung linh ánh điện trên vịnh. Có lẽ giấc mơ cụ Lê Nin tiến lên chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô từ thế kỷ trước cũng đến thế mà thôi.

Khu phố Tầu (China Town Heritage) huyền ảo trong đêm với những đèn lồng đỏ thắm. Thôi thì thượng vàng hạ cám có thể mua ở đây. Chỗ thì đắt như trên trời, với bát hủ tiếu 20$, chỗ khác chỉ 2$. Singapore có rất nhiều người Hoa nên văn hóa ẩm thực mang đậm nét Trung Quốc.

Gặp dân Aussi bàn về toàn cầu hóa

Đang ngồi trong văn phòng trên tầng 15 của tòa nhà MAS ở trung tâm Singapore bỗng nhìn thấy ngoài phố mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, tưởng như nhà sắp sập tới nơi. Những cơn mưa chiều xứ lạ chợt đến chợt đi, lãng mạn không kém Sài Gòn. Sau trận mưa rào, đường phố sạch hơn, không khí trong lành từ biển thổi vào, thấy tâm hồn thư thái, bỗng muốn viết đôi dòng.

Đúng lúc ấy, anh chàng Paul đồng nghiệp từ xứ Kangaroo lại rủ đi café trong quán McDonald. Lạ đời cho thằng cha này, rủ người sống bên Mỹ vào McDonald bên Singapore. Có lẽ hắn đoán mình đang nhớ “quê hương” thứ hai chăng.

Marina Hotel

Đứng ngoài hành lang đợi mưa tạnh để ra quán café gần đó thì hắn bảo, hay là ta chạy dưới trời mưa, lấy tý nước lên đầu cho có lộc. Hắn quen dân Á tới mức biết cả “lộc” mưa trời.

Paul đang làm tư vấn về an ninh cho văn phòng khu vực. TOR của hắn đơn giản, thấy ở đâu có sự cố ảnh hưởng đến VP là hắn liên lạc để đưa ra quyết định quan trọng.

Cha Aussie này thuộc loại cởi mở. Hắn đã ở Indonesia 12 năm, lấy vợ Indo. Hồi bé sống trong một gia đình bên Thái 2 năm, biết đi lễ chùa. Paul lang thang ở biên giới Papua (Indonesia) và Papua New Guinea (PNG) mấy năm, suýt bị thổ dân ăn thịt.

Hắn sang VN làm cho một công ty về an ninh sứ quán, suýt lấy vợ HN. May cho đời hắn, vớ phải một tiger gốc Việt thì đời toi.

Một con người như thế hẳn phải thú vị. Quả thật, nói chuyện 20 phút mà HM phải cầm bàn phím viết entry này.

Thấy mình kể đi tầu điện từ sân bay Changi về trung tâm thành phố, nhà cửa sang trọng, đường phố không có tý rác nào, ô tô đẹp, đỗ có hàng lối. Dù đất chật người đông nhưng vẫn có những khu cây xanh công cộng. Một đất nước giầu đẹp, sạch và hiện đại, sang trọng và ít tham nhũng thuộc loại nhất nhì thế giới.

Paul nói, Singapore có những người lãnh đạo rất thông minh và dám quyết. Họ trong sạch nên quân dưới quyền cũng trong sạch. Họ ở sạch sẽ nên biết giữ môi trường trong sạch. Dân giàu thì nước mạnh, lãnh đạo cũng giầu và mạnh theo. Win-win là thế.

So với Indonesia, một đất nước mà HM vừa ở đó vài ngày trước khi đi Sing, thì triều đại Suharto sau 30 năm cầm quyền đã chiếm 36.000km2 đất làm của riêng cho dòng họ. Ước tính khoảng 30 tỷ đô la và hàng trăm ngàn m2 của những tòa nhà chọc trời của thủ đô Jakarta thuộc về gia đình cựu tổng thống. Trong 3 thập kỷ cầm quyền, mỗi năm họ kiếm lời của nhân dân 1 tỷ đô la để làm của riêng.

Vì chỉ nghĩ đến bản thân nên những người lãnh đạo của Indonesia đã để lại di sản nghèo khổ cho quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới. Thủ đô Jakarta không có vỉa hè cho người đi bộ. Phố phường chật hẹp, ô nhiễm và kẹt xe chẳng khác gì Hà Nội.

Trước khi Suharto về với đất trời thì hàng ngày ông chỉ ăn không nổi một miếng thịt, uống không nổi một cốc sữa, nằm 1/3 cái giường. Tham lam hàng chục tỷ đô la để làm gì khi không ai mang theo đi lúc chết, trong khi hàng trăm triệu dân Indo sống trong lầm than hàng mấy thập kỷ, không thể thoát khỏi cái bẫy của các nước thu nhập trung bình (>1000$/năm) mấy chục năm nay.

Cuối cùng, triều đại đó cũng sụp đổ vì sự nổi giận của dân chúng,  do không chịu nổi sự bất bình đẳng trong xã hội, kẻ ăn không hết người lần không ra.

Trong khi đó ông Lý Quang Diệu của Singapore cũng thuộc hàng ngũ lãnh đạo giầu có trên thế giới nhưng ông giầu có lại giúp 5 triệu dân giầu có theo. Đó chính là sự khác biệt của người lãnh đạo. Để win-win cho cả một dân tộc thì trí tuệ của người lãnh đạo phải vượt lên tầm thời đại.

Paul bảo tôi, nếu VN thoát được cái bẫy tham nhũng mà các nước thu nhập trung bình dễ mắc phải thì sẽ tiến rất xa. Dân tộc này thừa dũng cảm và trí tuệ cho sự phát triển.

Anh nhắc đến Singapore cách đây 40 chỉ là một nơi nghèo khó. Thế mà sau vài thập kỷ, đồng tiền đô la Sing có tên trên thị trường thế giới, dù miền đất này chỉ rộng như thành phố Sài Gòn.

Paul giải thích rằng, người Úc có tầm nhìn xa có lẽ do đại dương bao la xung quanh và sa mạc quá rộng lớn, không có gì che tầm nhìn của họ. Đi trên sa mạc hay đại dương nên họ luôn tìm đường ngắn nhất.

Trong khi đó dân Mỹ thuộc loại theo sách vở, toàn đi đường vòng vèo. Muốn có dân chủ ở VN thì phải gây chiến, 3 triệu người Việt chết, 60 ngàn lính Mỹ tử trận. Cần Iraq Hồi giáo theo phương Tây họ “tìm ra” chiến tranh vùng Vịnh.

Làm kinh tế theo sách, xây nhà theo sách, tham chiến theo sách và ngủ với người tình cũng mở sách đến công đoạn ấy phải làm gì.

Để làm được một việc như thay đổi chính sách quốc gia thì bên Mỹ mất cả năm, xứ Úc mất vài tháng, Singapore cần một tháng. Paul hỏi, chẳng biết VN ta cần bao lâu.

Úc và Mỹ giống nhau ở chỗ là có quá nhiều dân chủ. Dân chủ thì có cả hay lẫn dở (pros and cons). Có đối trọng nên làm gì cũng mất thời gian dù khá chắc chắn.

Độc quyền như Singapore, trong một đêm có thể thay đổi được chính sách của nhà nước, trong khi tại Mỹ và Úc thì phải mất vài năm, bỏ phiếu, biểu tình rồi thỏa hiệp.

Người Mỹ sang Sydney lười dần đi vì mê rượu vang Chardone hay Shiraz chát nhắm với thịt Kangaroo tối ngày.

Người Úc sang Mỹ một thời gian thấy ở đó bon chen nên chuồn về nuôi rắn ở xa mạc hơn là sống ở New York trong những căn hộ bé tý với giá thuê vài ngàn đôla/tháng.

Paul có cách nghĩ đa chiều về người Mỹ, người Úc, người Indonesia và Singapore khá thú vị.

Một góc phố

Có lẽ nể mình là VN nên hắn toàn khen nước ta. Nào là Hà Nội rất đẹp và êm đềm, người Việt mến khách, hay cười (có lẽ do tiếng yếu nên cười trừ chăng?), các cô gái hiền và đáng yêu. Nhưng thỉnh thoảng hắn vẫn “sờ” phải đồ rởm “tiền lá đắt hơn tiền bánh” hay đệm silicon ở Sài Gòn.

Hắn thổ lộ, nếu lấy vợ lần nữa thì thế nào cũng tìm một cô gái Hà Nội. Hắn có biết đâu rằng, Hà Nội hiện có cả người Mường, nông dân Hà Tây, phố phường kéo lên tận rừng trên Hòa Bình.

Thiếu nữ Hà thành bây giờ đã khác xưa, đang dần biến thành những hổ cái ngoài đường. Động một tý là nhẩy vào đánh hội đồng. Xé áo, lột truồng bạn, quay video đưa lên mạng cho cả thế giới xem.

Viết tới đây thì máy bay chuẩn bị ra đường băng. Chợt thấy các em chiêu đãi viên xinh đẹp với nụ cười mê hồn của hãng hàng không Singapore hiện ra nhắc nhở cài dây an toàn và dựng ghế thẳng đứng.

Có lẽ đất nước Singapore với tầm nhìn thế kỷ của người lãnh đạo, cũng đẹp và duyên dáng như các nàng tiên trên trời này. Đến một lần lại muốn hẹn lần sau với người đẹp trên mây.

Chúc các bạn vui cuối tuần và hẹn gặp ở Hà Nội ngày nào đó, hôm nào đó vào lúc đẹp trời khi mây ít thay đổi và tầm nhìn xa trên 10km.

Hiệu Minh. 4-12-2010

http://hieuminh.org/2010/12/04/hai-ngay-voi-su-tu/

No comments:

Post a Comment