Các nhà khoa học khuyến nghị thay đổi quan niệm ấy, con có thể mang họ mẹ, con gái có thể nối dõi tông đường.
Cháu ngoại tôi đã lấy họ Văn
Theo tôi, việc con gái đứng ra thờ cúng tổ tiên hoàn toàn được phép. Như tôi đây, một trong ba cô con gái khi lấy chồng, sinh con vẫn lấy họ của ông ngoại là “Văn”. Chuyện phụ nữ thắp nhang khói trong gia đình, dòng họ đâu là vấn đề quan trọng nữa.
Tuy nhiên, con gái không làm trưởng tộc được bởi xã hội ta chưa thể coi nhẹ chuyện này được. Bạn hãy nhìn vào bộ máy tư nhân mà xem, có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo, có chiến lược làm kinh tế rất giỏi. Thế nhưng tại khối hành chính sự nghiệp của nhà nước, tỉ lệ nữ làm lãnh đạo không cao. Ví như Nghệ An quê tôi có truyền thống cách mạng nhưng phụ nữ được đề bạt lãnh đạo là rất hiếm. Quan niệm này khó bỏ lắm. Đặc biệt ở nông thôn, quan niệm dòng họ cực kỳ lớn.
“Làm thế nào có thể phá bỏ rào cản, tập quán trọng nam khinh nữ ư?”. Khó lắm bởi ngay chính luật pháp còn quy định “nữ 55 tuổi buộc phải về hưu trong khi nam giới là 60 tuổi”. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Trong khi phụ nữ ở tuổi đó mới thực là tách được sự ràng buộc của gia đình, có nhiều thời gian rảnh hơn để tập trung sức lực cống hiến cho công việc. Thế mà lại bắt họ phải về hưu khi vẫn còn sức lực cống hiến cho xã hội.
GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội
Thời mẫu hệ phụ nữ từng thừa tự
Theo tôi, con gái hoàn toàn có thể thờ cúng tổ tiên, bởi theo chế độ mẫu hệ ở thời kỳ trước đây, người chủ gia đình còn chủ cả việc thờ cúng hằng ngày trong gia đình. Trong thời kỳ chiến tranh, đàn ông ra trận chiến đấu, phụ nữ phải làm mọi việc từ làm ruộng, cày cấy đến thắp hương, thờ cúng hay chôn cất mồ mả khi có người chết... Thế nhưng người phụ nữ lại không thể làm trưởng tộc được bởi liên quan đến việc ghi tên “đinh” (con trai - NV) vào cuốn gia phả của dòng họ. Ví dụ như gia đình sinh được năm người con, trong đó có ba trai, hai gái nhưng tên trong gia phả chỉ có ba con trai. Cũng như trước đây, vua thường truyền ngôi cho con trai trưởng. Nếu con trưởng không có thì nhường ngôi cho con thứ có con trai.
Việc thay đổi để phụ nữ thờ phụng tổ tiên không ảnh hưởng gì đến truyền thống hay văn hóa. Ảnh: HTD
Đến bây giờ xã hội đã có nhiều thay đổi. Con cái đi ra thành phố nhiều nên chẳng ai chê trách là bất hiếu nếu như không thể có con. Ngày nay, con có thể mang họ mẹ, phụ nữ có thể là người kiếm tiền chính trong gia đình… Tuy nhiên, gần đây tôi thấy xã hội đang có xu hướng “chảy ngược về cội nguồn”. Nhiều dòng họ đã có người đứng ra làm lại gia phả, tập hợp lại người trong họ lưu lạc nhiều năm… Một số tôn ti trật tự bắt đầu được khôi phục (nếu không có con trai phải ngồi ăn cỗ mâm dưới - NV).
Tuy nhiên, quan niệm này cũng được làm nhẹ hơn ngày xưa và cũng không còn bị lên án là “bất hiếu” khi không sinh được con trai.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Viện Văn học Việt Nam
Con nào cũng là con, miễn là có hiếu
Tỉ lệ nam cao hơn nữ trong những năm gần đây ở một số địa phương có nguyên nhân xuất phát từ quan niệm Nho giáo “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh một con trai là có, sinh mười con gái coi như chưa có) và ngày nay vẫn còn trong nhân dân. Mặt khác, con trai (hay đàn ông) vẫn được coi là lực lượng lao động chính trong gia đình, đặc biệt ở nông thôn vì “con gái là con người ta”. Bên cạnh việc sản xuất, con trai phải thờ cúng, hương khói để giữ tròn đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên.
Quan niệm này vẫn rất phổ biến trong nhân dân, do trình độ dân trí ở nông thôn còn chưa cao và việc tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng của các đoàn thể xã hội vẫn còn chưa đầy đủ.
Ai cũng thấy có gia đình sinh toàn con gái vẫn rất giỏi giang, ngoan ngoãn. Trong khi đó, có gia đình có 4-5 con trai mà không phụng dưỡng cha mẹ được chu đáo, thậm chí làm đau lòng tổ tiên.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng mất cân bằng tỉ lệ sinh trai-gái chỉ bằng cách giáo dục để thay đổi quan niệm đó thôi. Gia đình trí thức thành phố đã coi nhẹ quan niệm này. Với những gia đình tân tiến này thì “con nào cũng là con, miễn là có hiếu, ngoan ngoãn, thành đạt”.
TS Nguyễn Xuân Diện
Phụ nữ thừa tự không ảnh hưởng tới văn hóa
Không chỉ Việt Nam mà các nước châu Á đều có quan niệm Nho giáo với những chuẩn mực trọng nam khinh nữ:Nam tôn nữ ti, nữ nhi ngoại tộc… Truyền thống, phong tục thờ phụng tổ tiên theo dòng nam ở nước ta bắt nguồn từ quan niệm trên.
Việc thay đổi để phụ nữ thờ phụng tổ tiên không ảnh hưởng gì đến truyền thống hay văn hóa. Bởi cái truyền thống không quan trọng nằm ở hình thức bên ngoài. Cái quan trọng là cái tính chất bên trong: những gì chúng ta cảm nghĩ, những gì chúng ta ứng xử. Vậy thì không quan trọng là nam hay nữ thờ tự, chỉ cần vẫn giữ được văn hóa uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tổ tiên.
Với đời sống mới, chúng ta cũng không thể nào giữ mãi truyền thống được: trang phục, phương tiện… chúng ta cũng có giữ truyền thống được đâu.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Nhật Chiêu
TỐ NHƯ - TR.G
Chế độ phụ hệ gây tâm lý thích con trai Tỉ số giới tính khi sinh tự nhiên dao động từ 104 đến 106 bé trai trên 100 bé gái. Đây là con số mang tính phổ quát trên toàn thế giới và là một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng để đảm bảo sự cân bằng giới tính của dân cư. Một nghiên cứu do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) thực hiện đã cho thấy tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái (tính cho giai đoạn từ tháng 4-2008 đến tháng 3-2009).Theo yêu cầu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội triển khai một nghiên cứu định tính tìm hiểu về các yếu tố văn hóa, xã hội và thị trường đang tác động đến tăng tỉ số giới tính. Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ngãi và Cần Thơ (cả bốn địa phương này đều có tình trạng gia tăng tỉ số giới tính khi sinh). Ở mỗi tỉnh/thành phố, nghiên cứu được triển khai tại một bệnh viện công và hai cơ sở y tế tư nhân. Tổng số 248 người đã được phỏng vấn hoặc tham gia thảo luận nhóm. Cuộc nghiên cứu đã rút ra một số khuyến nghị mà yếu tố đầu tiên là “Thay đổi một số quy tắc phụ hệ để dẫn đến thay đổi trong quan niệm về vai trò của con trai và con gái, dẫn đến bình đẳng giới”, trong đó có giải pháp khuyến khích con gái tiếp nối dòng dõi gia đình và thờ cúng tổ tiên. Các khuyến nghị 1. Thay đổi một số quy tắc phụ hệ để dẫn đến thay đổi trong quan niệm về vai trò của con trai và con gái, dẫn đến bình đẳng giới. Các hoạt động cụ thể bao gồm: - Rà soát, cải thiện và xây dựng các chính sách hỗ trợ bình đẳng giới như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Thừa kế… để xác định những điểm cần nhấn mạnh, điều chỉnh, bổ sung nhằm: - Khuyến khích con gái tiếp nối dòng dõi gia đình và thờ cúng tổ tiên. - Khuyến khích cha mẹ già sống chung với con gái và tạo điều kiện cho con gái chăm sóc cha mẹ già. - Khuyến khích thực hiện chia tài sản một cách công bằng và hợp lý cho con trai và con gái. - Cho phép các con có thể mang họ của cha hoặc của mẹ. - Tăng cường các hoạt động phổ biến, giám sát và hỗ trợ thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình. - Đề cao giá trị của bé gái/phụ nữ. 2. Cải thiện hệ thống an sinh xã hội. 3. Kiểm soát các dịch vụ y tế có thể bị lạm dụng cho lựa chọn giới tính. 4. Xây dựng chương trình truyền thông toàn diện. (Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) |
- Để làm cân bằng lại tỷ lệ con trai con gái, bên cạnh việc ban lệnh luật, chỉ có cách các cơ quan báo chí, tuyên truyền, đoàn thể thuyết phục người dân hiểu rằng: sinh con trai hay con gái đều là con mình, miễn sao dạy dỗ chúng nên người, cho ăn học đàng hoàng sau này lớn lên làm việc ích nước lợi dân.
No comments:
Post a Comment