Thursday, November 18, 2010

Prof. Jing Huang talk at Bo Ngoai Giao: Thách thức đối với mô hình phát triển của Trung Quốc và tác động chính sách đến khu vực và Việt Nam

BIÊN BẢN CHI TIẾT TỌA ĐÀM VỚI GIÁO SƯ JING HUANG

DO BỘ NGOẠI GIAO VÀ HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG ĐỒNG TỔ CHỨC

(Hà Nội, ngày 22/10/2010)

A. PHẦN TRÌNH BÀY CỦA GIÁO SƯ JING HUANG:

1. Tôi có một tình cảm đặc biệt với Việt Nam bởi bố mẹ tôi đã đến Việt Nam khi tôi còn nhỏ, khoảng 7 – 8 tuổi. Bố mẹ tôi là bác sĩ quân y. Bố mẹ tôi ở lại Việt Nam 6 năm từ năm 1964 đến 1971 và sang Lào một năm sau đó. Họ quay về Trung Quốc mỗi năm một tháng để thăm chúng tôi. Đối với Việt Nam, tôi không ủng hộ người Mỹ, nhưng một điều mỉa mai là bây giờ tôi là công dân nước Mỹ.

         2. Tôi đã chuẩn bị 3 chủ đề cho chuyến làm việc ở Việt Nam lần này. Thứ nhất, tôi muốn bàn về Những thách thức và lựa chọn chính sách mà các nhà Lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đang đối mặt nhằm duy trì sự phát triển của Trung Quốc. Chủ đề thứ hai là sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc như một chiến lược cũng như thực tiễn và hàm ý của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới. Chủ đề thứ ba mà tôi muốn trao đổi là quan hệ Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Vì thời gian hạn chế, tôi đã kết hợp hai chủ đề là thách thức, lựa chọn của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và môi trường bên ngoài để chúng ta có một bức tranh hoàn chỉnh, tuy không hoàn hảo. Điều tôi sẽ trao đổi là làm thế nào và tại sao Trung Quốc có thể thành công và đâu là những thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt ở trong và ngoài nước và những lựa chọn chính sách của Lãnh đạo Trung Quốc là gì và những lựa chọn này có hàm ý như thế nào. Đây là những chủ đề rất lớn, mỗi chủ đề đủ để chúng ta viết một cuốn sách. Vì thế, tôi sẽ trao đổi rất ngắn gọn và hy vọng rằng chúng ta có thể đi vào chi tiết hơn trong phần Hỏi – Đáp.

Về mô hình phát triển của Trung Quốc

3. Bàn về thành công của Trung Quốc, chúng ta thường nghĩ ngay đến mô hình phát triển của Trung Quốc. Vì thế, nếu các bạn hỏi tôi 3 câu hoặc 3 dòng mô tả thành công của Trung Quốc, tôi sẽ đưa ra 3 dòng sau. Trước hết, đó là sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đây là vấn đề rất cần thiết. Chính phủ Trung Quốc không khoan dung khi đập tan những đối kháng chính trị, chúng ta đều biết điều này. Và dòng thứ hai là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Chúng ta đều biết chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường không song hành, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc và người Trung Quốc gộp chúng lại. Vì thế, Trung Quốc ngày nay có một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Dòng thứ ba là một môi trường bên ngoài hòa bình và thịnh vượng, đây là điều kiện để Trung Quốc thành công, là yếu tố then chốt để Trung Quốc trỗi dậy hòa bình mà tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn trong bài trao đổi của mình.

4. Tôi xin đề cập đến cái gọi là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có nghĩa là gì? Chúng ta có bức tranh theo chiều ngang và theo chiều dọc. Nếu bạn nhìn vào bức tranh ngang, chúng ta thấy nền kinh tế Trung Quốc là một miếng bánh lớn. Chúng ta sẽ nói rằng nền kinh tế thị trường chỉ ở khu vực ngoại biên của miếng bánh đó, hay nói khác đi là ở bên ngoài. Nếu bạn nhìn vào các ngành công nghiệp nhẹ như khách sạn, nhà hàng, chế biến, v.v. Nhưng nếu bạn đi vào trung tâm của nền kinh tế như tài chính, công nghiệp nặng, vận tải, liên lạc, quốc phòng, cái gọi là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, tất cả vẫn còn rất xã hội chủ nghĩa. Nói khác đi, Nhà nước Trung Quốc vẫn giữ độc quyền đối với những ngành này. Ví dụ hay nhất có lẽ là ngành công nghiệp dầu khí, 3 công ty lớn vẫn độc quyền nền kinh tế Trung Quốc. Thành công của Trung Quốc là Trung Quốc cân bằng được giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách năm 1978, nền kinh tế Trung Quốc còn xã hội chủ nghĩa hơn Việt Nam. Hơn 87% nền kinh tế là do các doanh nghiệp Nhà nước chi phối vào năm 1978 và những năm 1980. Ngày nay, doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm hơn 36%. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các nền công nghiệp xương sống vẫn bị kiểm soát bởi Nhà nước, đặc biệt lĩnh vực tài chính.

5. Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường XHCN, mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và Trung Quốc đều tìm ra các cách thức quản lý để khắc phục. Giai đoạn thứ nhất là vào giữa những năm 1980. Đó là việc làm thế nào để đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân có thể tồn tại ở một đất nước mà toàn bộ hệ thống kinh tế chính trị là dựa trên nền tảng xã hội chủ nghĩa. Giải pháp của Trung Quốc là: (i) Mở cửa nền kinh tế Trung Quốc để cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, cho họ nhiều khuyến khích, ưu đãi thuế và lợi ích để mời họ đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc. Và Trung Quốc có lợi thế đặc biệt khi triển khai giải pháp này, đó chính là Hoa Kiều. Nhóm người nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc đầu tư, đặc biệt là trong ngành nhà hàng, khách sạn và công nghiệp nhẹ, là người Đài Loan và người Hồng Công và Hoa kiều. Họ nói tiếng Hoa, hiểu văn hóa Trung Quốc và là những người tiên phong.

6. Thành công trên lập tức tạo ra thời kỳ thứ hai, đó là những khó khăn khi so sánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước với khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước trở nên tụt hậu, họ trở thành những doanh nghiệp thua lỗ chứ không phải thu lời ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nhiều thử thách hơn so với giai đoạn đầu. Để tiếp tục phát triển nền kinh tế, Trung Quốc đã làm ba việc, trong đó tôi cho rằng hai việc là rất thành công và một việc đem lại một số tác động tiêu cực.

7. Một thành công là họ đã tổ chức lại hoàn toàn các doanh nghiệp nhà nước. Họ áp dụng cơ chế thị trường vào các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm một lực lượng lao động lớn trong khu vực nhà nước. Xin lấy một ví dụ là ngành công nghiệp dầu mỏ. PetroChina trước đây là một doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp này có hơn nửa triệu nhân viên với bản chất là một xã hội nhỏ, có bệnh viện riêng, nhà trẻ riêng, trường học, nhà hàng... Nói khác đi, nếu bạn làm việc cho PetroChina, bạn không phải đi ra ngoài, mọi thứ đã nằm trong đó. Nhưng vào giữa những năm 1990, dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Chu Dung Cơ, PetroChina đã được chia thành hai phần, một là khối xã hội và hậu cần. Đây là mảng thua lỗ và do Nhà nước tiếp quản. Khối thứ hai là sản xuất, họ đưa khối này lên thị trường chứng khoán Hồng Công, Phố Uôn và điều hành nó y hệt  như Exxon Mobil, Shell, Chevron v.v. Bằng cách đó, họ đã biến doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp kiếm ra tiền bởi vì Nhà nước đã thu về phần thua lỗ. Nhưng do cách làm đó, có rất nhiều người bị sa thải, phần lớn trong độ tuổi 40 – 50. Họ dành phần lớn cuộc đời cống hiến cho ngành dầu mỏ nhưng bị sa thải, điều này đã gây ra rất nhiều xáo trộn xã hội đến ngày hôm nay. Ngày nay, Chu Dung Cơ vẫn là lãnh đạo bị căm hận nhiều nhất bởi nhiều người bị sa thải khỏi các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng tác động xã hội này cuối cùng có thể được giải quyết khi Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Vì thế, một kết quả khác và tôi cho rằng cũng là một trong những câu chuyện thành công về mô hình Trung Quốc là họ đã biến các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ thành các doanh nghiệp thu lời. Qua đó, Trung Quốc có lựa chọn, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp lớn trong tốp 500. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ để thị trường vận hành. Có một tác động tiêu cực khác do thị trường chi phối các doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp này có vài trăm người. Và khi thị trường chi phối, chúng ta biết công cụ đầu tiên là thu hẹp quy mô, sa thải những nhân viên không cần thiết và giữ lại những phần hiệu quả mà thôi. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ khác, ở nhà máy sản xuất xe máy Xia, họ sản xuất xe máy từ những năm 1980 – 1990 đến nay. Năm 2000, một doanh nhân Xingapo đến và nói: đây là một doanh nghiệp thua lỗ, tôi sẽ mua lại, sau đó, sẽ cắt giảm 40% nhân công và tăng gấp đôi sản xuất. Tuy nhiên với Chính quyền Trung Quốc vào thời điểm năm 1992 – 1993, điều đó là không thể thực hiện. Tôi dành thời gian nói về điều này bởi vì khi nói về cải cách ở Trung Quốc, người ta chỉ nói về những điều tốt, nhưng đó đã là một quá trình cải cách rất đau đớn, đặc biệt trong giai đoạn 1980-1990. Thời gian đau đớn đó đã giải thích rất nhiều khủng hoảng chính trị năm 1989. Tôi xin bỏ qua điểm này và chuyển sang điểm tiếp theo.

8. Một thành công gần đây là vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đối mặt với vấn đề thứ ba mà họ đã xử lý khá tốt: hệ thống tài chính. Vào những năm 1990, cuối thế kỷ 20, ngành tài chính Trung Quốc trở thành ngành tham nhũng nhất và thiếu cải cách nhất. Ngân hàng Trung Quốc là ngành thua lỗ nhiều nhất. Tại thời điểm đó, theo thống kê chính thức, lượng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc chiếm 26% tổng tài sản nhưng con số thực tế còn lớn hơn nhiều. Chúng ta biết rằng nếu bạn sống ở một quốc gia tư bản như Mỹ, nếu một ngân hàng có hơn 7% nợ xấu thì ngân hàng đó phải phá sản. Nhưng ở Trung Quốc, một ngân hàng có nợ xấu nhiều vẫn có thể hoạt động vì hai lý do. Thứ nhất, lượng tiết kiệm vô cùng lớn của người Trung Quốc và thứ hai là chính sách của chính phủ Trung Quốc. Để giải quyết tình trạng này, điều họ làm là đưa tất cả các khoản nợ xấu ra thị trường. Họ để cho Morgan Stanley, Goldman Sach, Swiss bảo hiểm, họ gói ghém các khoản nợ xấu đó thành một gói, nói với các ngân hàng nước ngoài này rằng trong có những cái tốt trong đó, mặc dù tất nhiên cũng có những cái xấu, bạn có muốn mua không? Vì thế, những ngân hàng quốc tế này đến Trung Quốc, họ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Như vậy, bạn có thể thấy, về cơ bản, Trung Quốc bán một phần các khoản nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài, một phần các món nợ xấu còn lại thì Chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm. Sau đó, họ đưa cả 4 ngân hàng lớn ra thị trường, sử dụng cơ chế thị trường để điều hành chúng. Và bây giờ, các ngân hàng Trung Quốc làm ăn rất hiệu quả. Con đường phía trước còn rất dài nhưng ngân hàng Trung Quốc đã chuyển đổi từ mô hình nhà nước sang doanh nghiệp kiếm lời. Đây là một thành công lớn.  

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

9. Tôi cho rằng những bài học mà lãnh đạo Trung Quốc học được từ thành công của mô hình Trung Quốc có những hàm ý đối với Việt Nam. Bài học đầu tiên là ổn định chính trị là điều tuyệt đối cần thiết, bởi khi khi bạn trải qua quá trình cải cách triệt để như vậy, sẽ dẫn đến lượng người mất việc làm rất lớn. Rất nhiều người trong độ tuổi trung niên 40 – 50, chứ không phải những người trẻ mất việc. Lập tức, tính sẵn sàng xã hội biến mất. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội và cũng ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Chính phủ. Năng lực lãnh đạo trở nên đặc biệt quan trọng và Trung Quốc quản lý vấn đề này như thế nào? Tất nhiên, người ta cần nhiều động cơ hơn để hỗ trợ những người mất việc, làm cho họ hạnh phúc. Nhưng theo tôi, lý do chính là bộ máy chính trị tuyệt đối không khoan dung bất kỳ sự phản kháng có tổ chức nào. Bạn có thể có quyền biểu tình, nhưng mọi phản kháng chính trị có tổ chức phải được đập tan. Đấy là cách làm rất tàn nhẫn. Bài học thứ hai mà chính quyền Trung Quốc học được, đó là lạm phát là kẻ giết người. Đối với các quốc gia đang phát triển, lạm phát còn nguy hiểm hơn. Chúng ta biết rằng một trong những vấn đề của Trung Quốc năm 1989 là lạm phát hai con số. Từ năm 1986 đến năm 1989, lạm phát lên tới 27%. Tôi biết rằng Việt Nam cũng đã trải qua vấn đề này. Tôi không cần phải kể cho các bạn, mà các bạn phải kể cho tôi xem lạm phát gây ảnh hưởng tồi tệ thế nào đối với nền kinh tế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Kết quả là, kể từ những năm 1990 đến nay, tức là trong vòng hơn 20 năm qua, một ưu tiên trong chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc là kiểm soát lạm phát. Ví dụ điển hình nhất là việc Trung Quốc mới tăng lãi suất gần đây. Lý do duy nhất là Trung Quốc nhận thấy bong bóng kinh tế. Họ sợ lạm phát, đặc biệt là áp lực lớn về việc đồng tiền nâng giá. Trung Quốc biết rằng ngay ở trong giai đoạn này, Trung Quốc không thể cho phép một mức lạm phát cao. Vì thế, ngăn ngừa lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc. Đó là bài học họ đã học được rất tốt trong những năm 1980 và tôi cho rằng họ đã ra quyết định đúng. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Chính phủ Trung Quốc luôn quản lý chặt ngành tài chính. Nói cách khác, ngành cuối cùng mà Trung Quốc chưa mở cửa cho thế giới chính là ngành tài chính. Trung Quốc học bài học này không từ kinh nghiệm của mình mà của các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 ở Châu Á. Cuộc khủng hoảng này đã dạy cho Trung Quốc một bài học rất quan trọng là nếu bạn mở cửa ngành tài chính khi trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, bạn sẽ thu hút các khoản đầu cơ và làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những thay đổi bên ngoài. Với lý do đó, Chính phủ Trung Quốc đã rất thận trọng trong việc giữ kiểm soát ngành tài chính và không mở cửa ngành này. Chúng ta đều biết Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ không chuyển đổi được và không được lưu thông trong thương mại quốc tế. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên. Tất nhiên, nếu bạn hỏi tôi điều này là tốt hay xấu, tôi sẽ trả lời là sự kết hợp của cả hai.

Nhìn rộng ra, điều này cản trở nền kinh tế Trung Quốc. Khi phần quan trọng nhất của nền kinh tế, ngành tài chính vốn là trái tim của nền kinh tế không mở cửa, thì nền kinh tế vẫn còn rất xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên sự vận hành là theo nền kinh tế thị trường nhưng sự quản lý, sở hữu vẫn do Nhà nước kiểm soát phần lớn. Có sự đấu tranh giữa hai luồng ý kiến hoặc hai nhóm. Một nhóm cho rằng bạn phải mở cửa ngành tài chính, và chính phủ không nên và không thể can thiệp vào hoạt động tài chính. Nói khác đi, Trung Quốc phải từ bỏ kiểm soát giá, cho phép thị trường xử lý vấn đề tài chính. Nhóm kia thì có quan điểm đối lập rằng thị trường không phải lúc nào cũng có lý. Điều tiết trong hệ thống tài chính quan trọng hơn là nền kinh tế tự do. Vì thế, nhà nước cần duy trì năng lực kiểm sóat giá, đầu vào và đầu ra của tiền tệ cứng. Nói khác đi, tất cả tiền tệ cứng, mọi đầu tư nước ngòai, cho dù nhiều đến bao nhiêu, khi đến Trung Quốc phải đổ vào các Ngân  hàng Trung Quốc nằm dưới sở hữu của Chính phủ Trung Quốc. Như thế, Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm sóat cả đầu vào và đầu ra. Chính phủ Trung Quốc có một cơ quan đặc biệt gọi là cơ quan quản lý ngoại hối. Việc họ làm là theo dõi và kiểm soát dòng vốn vào và ra. Qua đó, họ có một cơ chế quản lý giá rất mạnh. Tôi biết hiện nay Việt Nam cũng đang trải qua tranh luận tương tự. Tôi có thể nói rằng cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới, Trung Quốc sẽ không buông ngành tài chính. Đó là một bất lợi vì nó cản trở sự phát triển lên cao hơn, nhưng một lợi thế là vào thời điểm khủng hoảng, nó cho Chính phủ Trung Quốc nhiều lựa chọn hơn, nhiều đạn dược hơn để giữ lạm phát thấp. Và ví dụ tốt nhất là chương trình kích cầu khổng lồ trong các năm 2008-2009. Nó đã tiếp sức cho nền kinh tế Trung Quốc.

10. Quá những phân tích trên, bạn sẽ thấy mô hình Trung Quốc chính xác là gì. Đó còn gọi là Đồng thuận Bắc Kinh. Sự khác biệt giữa Đồng thuận Bắc Kinh và Đồng thuận Oa-sinh-tơn là gì? Theo quan điểm của tôi, nếu bạn nhìn một cách đơn giản, Đồng thuận Bắc Kinh dựa trên 3 yếu tố cơ bản. Một là hệ thống giá trị, đồng thuận Bắc Kinh tập trung vào cộng đồng, đó là quốc gia của bạn, gia đình bạn quan trọng hơn bạn. Có nghĩa là quốc gia trước, sau đó đến gia đình, rồi đến bản thân. Kết quả là, lợi ích tập thể luôn luôn quan trọng hơn lợi ích cá nhân. Thứ hai là đến nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, và thứ ba là một đảng cầm quyền. Đó chính là đồng thuận Bắc Kinh. Nhưng nếu bạn nhìn sang Đồng thuận Oa-sinh-tơn, nó hoàn toàn khác. Đó là một hệ thống giá trị lấy cá nhân làm trung tâm, quyền lợi cá nhân quan trọng hơn quyền lợi tập thể. Và hạnh phúc của cá nhân người công dân là nền tảng cho hạnh phúc của cộng đồng. Thứ hai là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, và dựa trên nền tảng vốn kinh tế đó là nền dân chủ. Vì thế, nó có vẻ là một mô hình hoàn toàn khác. Nhưng cái mà tôi muốn tranh luận hôm nay là sự khác biệt giữa Đồng thuận Oa-sinh-tơn và Đồng thuận Bắc Kinh, không phải là sự khác biệt về loại hình mà là khác biệt về mức độ. Tôi cho rằng khi Trung Quốc phát triển hơn nữa, Đồng thuận Bắc Kinh sẽ tiến gần đến Đồng thuận Oa-sinh-tơn.

11. Trong phần hỏi đáp tôi sẽ giải thích lí do. Tôi có thể giải thích ngắn gọn 2 lí do như sau: Thứ nhất, nếu tôi hỏi bạn thành quả quan trọng nhất của việc hiện đại hóa nền kinh tế đối với loài người là gì? Tôi cho rằng một trong những điều đó là độc lập về kinh tế. Trong xã hội nông nghiệp, người vợ không thể sống nếu không có sự hỗ trợ từ người chồng, con cái không thể sống nếu không có bố mẹ, người già không thể làm gì nếu không có sự hỗ trợ từ con cái. Tuy nhiên sau thời kỳ công nghiệp hóa, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta đã có được sự độc lập về mặt kinh tế. Người vợ không còn phụ thuộc vào người chồng, ngay cả những đứa trẻ cũng có thể không cần sự giúp đỡ của bố mẹ nhờ hệ thống an sinh xã hội tốt. Lần đầu tiên, trên tư cách cá nhân, chúng ta không cần phải sống dựa vào nhau để kiếm sống nữa. Kết quả thứ hai, cơ bản hơn là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế đã biến đổi tất cả các nguồn lực quan trọng của nền kinh tế từ tay chân sang trí óc. Kết quả là chúng ta có tính linh động trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong xã hội truyền thống, một người không có mảnh đất nào là điều không thể tưởng tượng nổi. Nhưng trong xã hội hiện đại, các nguồn lực quan trọng nhất đều có trong bản thân chúng ta, chúng ta có thể “mang nó theo mình”. Như tôi, do không sống được tại Trung Quốc, tôi đến Mỹ, rồi sau đó đến Xingapo và có thể tôi sẽ đến Việt Nam làm việc. Tại sao tôi làm được? Đơn giản là tôi có tri thức, kỹ năng cần thiết để có thể kiếm sống. Khi con người độc lập về mặt kinh tế và có thể di chuyển trong xã hội ngày nay, sẽ rất khó để ngăn chặn dân chủ xảy ra vì họ sẽ đòi hỏi sự tham gia vào các đảng phái, thể chế chính trị, độc lập chính trị và tất nhiên họ có quyền đòi hỏi quyền công dân của mình. Nếu bạn nhìn vào quan điểm của Trung Quốc, tôi nghĩ điều này tất yếu sẽ xảy ra khó có thể ngăn chặn được. Trung Quốc cần phải hướng tới một xã hội cởi mở hơn, nhưng vấn đề đối với họ là làm thế nào để dịch chuyển từ điểm A đến điểm B.

Những thách thức Trung Quốc đang đối mặt

12. Thách thức đầu tiên, tôi nghĩ Việt Nam cũng đang gặp phải, là Chính quyền Trung ương ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đội ngũ cán bộ công chức. Một trong những nguyên nhân chính đó là nạn tham nhũng. Nhưng vẫn còn những nguyên nhân quan trọng hơn. Nhìn lại lịch sử phát triển, Trung Quốc đã trải qua 24 triều đại, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của mỗi triều đại là do các vị hoàng đế đã không kiểm soát được quan, quân của mình. Ngoại xâm hay nội chiến chỉ là những ngòi nổ tiềm tàng dẫn đến nguy cơ mất nước, điều cơ bản dẫn đến việc các đế chế sụp đổ là các vị hoàng đế không điều khiển được người dưới của mình. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tương tự hiện nay. Tại trung tâm Bắc Kinh, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày càng gặp nhiều khó khăn để kiểm soát các công chức cấp dưới tại Thượng Hải, Tứ Xuyên…

13. Thách thức thứ hai là phát triển không đồng đều. Nhìn vào sự phát triển của Trung Quốc có thể thấy quá trình phát triển này rất không đồng đều. Có một khoảng cách rất lớn giữa các vùng, miền. Điều này dẫn đến những lợi ích vùng miền khác nhau. Do đó, các cán bộ từng địa phương buộc phải điều hành phục vụ cho lợi ích của mình dù những lợi ích đó không phải lúc nào cũng đồng nhất với Bắc Kinh. Đó là lí do tại sao Trung Quốc gặp khó khăn trong quản lý, điều hành cán bộ.

14. Thách thức thứ ba là việc tăng trưởng dựa vào đầu tư. Đây là bài toán nan giải đối với Trung Quốc hiện nay. Từ năm 2001 cho đến năm ngoái, tăng truởng đầu tư trong GDP của Trung Quốc đã tăng từ 36% năm 2001 lên 72% năm 2009. Khi một nền kinh tế có 72% hoặc thậm chí chỉ 50% tổng số đầu tư thì bong bóng kinh tế là điều khó có thể tránh khỏi. Bong bóng lớn nhất tại Trung Quốc không phải là bất động sản, chứng khoán mà là bong bóng đầu tư. Là một nước đang phát triển nhưng Trung Quốc đã có năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu của thị trường ở phần lớn các ngành công nghiệp chủ đạo.

15. Thách thức thứ tư là quá phụ thuộc vào ngoại thương. Đây là vấn đề ngày càng trầm trọng với Trung Quốc. Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc phát triển dựa theo mô hình của Nhật Bản, sử dụng đòn bẩy các ngành xuất khẩu là động lực cho phát triển kinh tế. Mô hình này cần có hai điều kiện: (i) dòng vốn ổn định từ nước ngoài vào; (ii) thị trường nước ngoài đa dạng, rộng mở. Nhưng hiện nay, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, dòng vốn vào Trung Quốc đã dừng lại, thị trường nước ngoài cũng đang chao đảo và không còn thuận lợi nữa. Rõ ràng là Trung Quốc đang có vấn đề về ngoại thương. Từ năm 2008, Trung Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu ròng vốn hơn là một nước nhập khẩu vốn.

16. Thách thức thứ năm là mất an ninh năng lượng. Hiện nay, Trung Quốc mỗi ngày phải nhập 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm hơn 54% lượng tiêu thụ dầu của nước này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trong dài hạn của Trung Quốc.

17. Thách thức thứ sáu là môi trường tại Trung Quốc cũng đang ngày càng xấu đi. Quá trình công nghiệp hóa ồ ạt trong 30 năm qua đã phá hủy môi trường nước này đến nỗi 68% nước máy là không thể uống được, 330.000/1.000.000 dân sống trong điều kiện không đảm bảo theo chuẩn của Liên hợp Quốc.

18. Thách thức thứ bảy là cải cách hệ thống chính trị - xã hội. Hệ thống này đã không còn thích hợp.

19. Tôi đã trao đổi với Chính phủ Trung Quốc tuần trước và họ biết chính xác những gì đang diễn ra. Họ nói với tôi, GS Huang, chúng tôi biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề gì, hãy đưa ra giải pháp cho tôi. Họ thậm chí đã có giải pháp của riêng mình vì họ biết làm thế nào để giải quyết những vấn đề trên. Nhưng vấn đề là những chính sách họ đưa ra không mang lại hiệu quả. Nói một cách khác, hiệu quả chính sách mới là vấn đề.

- Vấn đề hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là sự méo mó của chính sách. Thế nào là méo mó chính sách? Do khoảng cách giữa các vùng của đất nước này quá lớn, bất kể chính sách nào Bắc Kinh đưa ra đều bị bóp méo khi áp dụng tại địa phương. Nếu Thượng Hải cho rằng đó là một chính sách tốt, được toàn bộ người dân Thượng Hải ủng hộ thì người dân Tứ Xuyên lại không nghĩ thế. Cùng một chính sách do Bắc Kinh đưa ra sẽ có sự giải thích khác nhau, áp dụng khác nhau phụ thuộc vào bạn đang ở đâu. Ví dụ, Việt Nam có quan hệ rất mật thiết với các tỉnh miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam, đặc biệt là với Quảng Tây. Cùng một chính sách triển khai nhưng ở Quảng Tây sẽ hoàn toàn khác với Thượng Hải. Sự méo mó chính sách hiện nay đã trở thành trở ngại không chỉ với những ai muốn đến Trung Quốc làm ăn mà ngay cả bản thân người Trung Quốc vì nó phản ảnh việc Chính quyền Trung ương đang ngày càng gặp khó khăn trong điều hành quản lý các địa phương. Do thời gian có hạn, tôi sẽ chỉ đưa ra một số số liệu để minh họa. Tôi chọn tình cờ 6 tỉnh vùng ven biển và 6 tỉnh tại nội địa, bạn có thể thấy sự khác biệt về GDP. Xét về GDP/đầu người hoặc đầu tư nước ngoài/đầu người trong năm 2008, thì đầu tư chiếm tới 60% GDP, có nghĩa là cứ mỗi 100 USD nền kinh tế sản xuất ra thì có tới 60 USD là từ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển không bền vững. Ở Mỹ, mọi người thường nói đến chuyện nợ, vì đây là vấn đề bất ổn đối với phát triển bền vững tại Mỹ. Nhưng tại Trung Quốc, đầu tư lại là yếu tố không ổn định đối với phát triển bền vững. Trung Quốc cần phải có các chính sách thay đổi ngay điều này.

- Về GDP bình quân đầu người có sự chênh lệch lớn. Tại Thượng Hải và các vùng ven biển, GDP/đầu người gần như xấp xỉ các nước phát triển, rất cao. Nhưng nếu nhìn vào 6 tỉnh nội địa, thu nhập lại rất thấp, thấp hơn cả Việt Nam. Tôi có hỏi một người Trung Quốc điều gì là yếu tố chủ đạo của chủ nghĩa Mác thì nhận được câu trả lời: nền tảng kinh tế quyết định cấu trúc chính trị. Họ không thể hình dung làm thế nào một nhà lãnh đạo Đảng tại các tỉnh này có thể có cùng một nhu cầu, lợi ích với các nhà lãnh đạo Trung ương. Do đó rất khó để chính quyền trung ương Bắc Kinh kiểm soát tình hình.

- Một vấn đề khác của Trung Quốc liên quan đến việc đầu tư quá mức là lĩnh vực công nghiệp dịch vụ (ngành công nghiệp thứ ba) có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường thì chưa bao giờ vượt qua ngưỡng 40%. Một trong những sự khác biệt lớn giữa một nền kinh tế phát triển và đang phát triển là trong nền kinh tế phát triển, tỷ trọng dịch vụ thường chiếm trên 50%, thậm chí trên 60% GDP. Nhưng tại Trung Quốc sau 30 năm đổi mới, động lực tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn là ngành công nghiệp thứ hai, đó là ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất. Nếu nhìn Nhật Bản, 4 con rồng Hồng Công, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc thì sau 20 năm đổi mới phát triển, ngành công nghiệp thứ ba của các nước này đã vượt qua ngành công nghiệp thứ hai để trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế. Nhưng sau 30 năm điều này vẫn chưa xảy ra tại Trung Quốc.

20. Cuối cùng là bài toán phân phối của cải. Tháng trước, tôi đã đưa ra một số luận cứ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc: (i) tình trạng tiến thoái lưỡng nan cơ bản của loài người là khát vọng và nhu cầu vô tận trong khi nguồn lực lại hữu hạn. Do đó, tất cả các hệ thống chính trị, không phân biệt đó là hệ thống nô lệ, tư bản, xã hội chủ nghĩa có chức năng cơ bản là phân phối. Trong lịch sử phát triển của xã hội lòai người, tất cả các cuộc cách mạng và cải cách chính trị về cơ bản là do nhu cầu phân phối lại của cải. Khi bạn làm ra của cải, bạn không cần một hệ thống chính trị mới, hệ thống chính trị cũ vẫn có thể phát huy tác dụng trong hoàn cảnh này. Từ Đặng Tiểu Bình cho tới Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, ba thế hệ lãnh đạo đều tập trung vào phát triển. Nhưng thế hệ lãnh đạo hiện nay và tiếp theo đang phải đối mặt với bài toán phân phối của cải. Trong khi cố gắng giải quyết vấn đề phân phối của cải, không có cách nào khác là phải đổi mới hệ thống chính trị vì đơn giản là hệ thống chính trị cũ dựa vào nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa không thể giải bài toán phân phối do nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tạo ra.

Về giải pháp: Chính sách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo luôn nhấn mạnh đến việc phát triển khoa học, gồm 4 bước chuyển trong các ưu tiên chính sách: (i) chuyển dịch từ số lượng tăng trưởng chuyển sang chất lượng tăng trưởng. Nghĩa là chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung ngày càng nhiều vào ngành công nghiệp thứ ba (dịch vụ), đặt chất lượng tăng trưởng cao lên hàng đầu; (ii) tập trung vào vùng nội địa, đây là tin tốt cho Việt Nam vì Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào vùng Tây – Nam (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây). Đây là lý do vì sao trong những năm gần đây những tỉnh này rất năng động trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các nước như Việt Nam và các nước vùng Mê-công. Trung Quốc nhận thức được rằng giải quyết bài toán khoảng cách vùng miền là một trong những giải pháp cơ bản đối với những thách thức nước này đang phải đối mặt hiện nay; (iii) chuyển từ việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp xuất khẩu sang phát triển thị trường nội địa; (iv) chuyển từ việc tạo ra của cải sang phân phối của cải. Việc phân phối của cải đã tạo ra nhiều bất ổn về xã hội và chính trị, khoảng cách phát triển giữa các vùng những vấn đề gây không ít đau đầu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

21. Về các thách thức bên ngoài: Đó là vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc. Hiện nay nước này đã trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới và tôi cũng tin rằng Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai trên thế giới. Tính hiệu quả sử dụng năng lượng tại Trung Quốc là khá thấp, chỉ bằng 1/3 Nhật Bản, và ½ Châu Âu. Với việc giá năng lượng bị bóp méo nghiêm trọng (khi mua dầu Trung Quốc phải thanh toán theo giá thị trường, nhưng vì để đảm bảo ổn định chính trị và phát triển bền vững, giá dầu trong nước lại được bán với giá rất thấp). Điều này mang lại ngày càng nhiều gánh nặng đối với ngành công nghiệp dầu khí. Dễ hiểu khi điều đó dẫn đến việc thị trường năng lượng bị bóp méo nghiêm trọng.

22. Thách thức bên ngoài thứ hai là sự kết thúc của toàn cầu hóa. Có hai yếu tố thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa trong 10 năm qua: (i) sự bành trướng của thị trường phố Wall. Vào năm 1993, khi quá trình toàn cầu hóa bắt đầu, khu vực sản xuất và công nghiệp chiếm 43% GDP Mỹ, năm 2007 khu vực sản xuất chỉ chiếm 12.7% GDP nhưng các dịch vụ tài chính đã tăng gấp 6 lần. Do sự phát triển của ngành tài chính, chúng ta được chứng kiến một dòng chảy vốn lớn chưa từng có trên thế giới từ các nước phát triển tới các nước đang phát triển, các nước nghèo. Dòng chảy này vẫn đang tiếp diễn; (ii) Sự quốc tế hóa sản xuất và dịch vụ. Tiền chảy từ nước giàu vào nước nghèo và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ lại chảy ngược lại từ nước nghèo vào nước giàu. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử loài người. Sự luân chuyển trái ngược này đã tạo ra quá trình toàn cầu hóa.

Ai cũng được lợi từ quá trình đó nhưng vấn đề là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hai dòng chảy này đang chậm lại hoặc ngừng hẳn. Sự bành trướng về mặt tài chính đã được thay thế bằng việc được cấu trúc lại. Phố Wall đi vay tiền khắp nơi thay vì cho mượn tiền như trước. Do các gói kích thích kinh tế, chính sách bảo hộ thị trường các nước phát triển cũng biến động lớn. Quá trình quốc tế hoác nền sản xuất và dịch vụ cũng chậm lại. Kết quả là Trung Quốc và các nước Châu Á phải đối phó với một thách thức lớn là giải quyết tình trạng này thế nào? Chúng ta biết rằng, thách thức cũng đồng nghĩa với cơ hội. Châu Á sẽ là động lực phát triển kinh tế trong 20, 50 năm thậm chí hơn nữa. Trong số 10 nước hàng đầu có thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới thì có đến 8 nước tại khu vực Châu Á: Trung Quốc, Nga, Ả rập xê-út, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Hong Kong (đứng thứ 7 là Đức, đứng thứ 10 là Brazil). Lượng dự trữ ngoại hối của Châu Á là trên 5.600 tỷ USD. Nếu bạn xét về tiềm năng phát triển công nghiệp, Châu Á là khu vực có tiềm năng nhất. Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ còn có Việt Nam, Indonesia, Malaysia… những nước diện tích rộng đã bắt đầu quá trình công nghiệp hóa. Trung Quốc là thị trường phát triển lớn nhất. Đây là lần đầu tiên tôi cho rằng sự phát triển của Châu Á sẽ được tài trợ bởi tiền của Châu Á. Nói cách khác, các nguồn tài chính lớn cho đầu tư tại Châu Á sẽ không còn đến từ phố Wall, Frankfurt, London mà sẽ đến từ Tokyo, Thượng Hải, Singapore, Hồng Công…Đó là một sự thay đổi mang tính lịch sử. Dường như đang có một cơ hội lớn tại Châu Á nhưng những cơ hội đó lại phản ánh những thách thức thậm chí còn lớn hơn đối với Trung Quốc.

23. Thứ ba, mặc dù Châu Á có rất nhiều tiền, nhưng Châu Á không có một cơ chế phối hợp nào về tài chính, Châu Á cũng chưa có một đồng tiền chung nữa. Tất cả các nước Châu Á đều dung đồng USD làm dự trữ. Khi tôi ở Washington, một chính trị gia có nói với tôi rằng “không cần biết Mỹ thâm hụt thương mại bao nhiêu, nhưng khi tất cả các ngân hàng vẫn tiếp tục đến phố Wall để kinh doanh thì chúng tôi vẫn ổn”. Việc Châu Á có thể xử lý các vấn đề tài chính của mình như thế nào sẽ có ảnh hưởng hết sức to lớn đến phát triển trong tương lai của Châu Á. Là nền kinh tế số một tại châu Á hiện nay, là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc có một trách nhiệm không thể chối cãi trong việc giải quyết vấn đề này.

Tôi sẽ chỉ rõ hơn nó dễ bị tổn thương như thế nào. Trong 1 tháng, tháng 10/2008, các nước Châu Á đã mất trên 150 tỷ USD tiền mặt, đây là thách thức đầu tiên Trung Quốc phải đối mặt. Thách thức thứ hai đối với Trung Quốc đến từ chính bản thân Trung Quốc. Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc không có nghĩa là nước này sẽ giữ nguyên bản sắc hòa bình khi đã đạt đến một mức độ mong muốn nào đó. Nói cách khác, sự bành trướng nhanh sức mạnh quốc gia, nhất là sức mạnh quân sự, sẽ mang lại một thách thức cho chính bản thân nước này khi Trung Quốc muốn tiếp tục giúp đỡ các nước có cùng lợi ích, để giữ cho mọi người cùng đi trên một con thuyền hòa bình. Trung Quốc không có chiến lược an ninh toàn cầu, thậm chí chiến lược an ninh khu vực cũng không có. Chiến lược an ninh của Trung Quốc dựa trên 2 viễn cảnh: (i) nổi dậy từ bên trong; (ii) Đài Loan độc lập. Hiện nay quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, liệu Trung Quốc có phát triển một chiến lược an ninh khu vực và toàn cầu của riêng mình? Nếu Trung Quốc làm vậy, Trung Quốc sẽ phải liên minh với Mỹ và Nhật Bản vì trong 60 năm qua, bảo đảm an ninh khu vực là do liên minh Mỹ-Nhật đảm nhiệm. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ làm vậy. Nhưng nếu Trung Quốc không làm thế thì làm thế nào nước này có được một chiến lược an ninh khu vực và toàn cầu cho riêng mình? Đây cũng là một thách thức nữa của Trung Quốc. Thách thức này phản ánh một thách thức cơ bản là hệ thống chính trị Trung Quốc không còn thích hợp với dòng chảy chính trị thế giới. Sự không tương thích giữa hệ thống chính trị Trung Quốc và dòng chảy thế giới sẽ là thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải giải quyết nếu muốn tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững.

Giải pháp của Trung Quốc

24. Để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nhưng vẫn giữ được ổn định chính trị, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khá tốt nhưng không hiệu quả lắm, cụ thể là:

- Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý và phát triển một xã hội hài hòa. Điều này có nghĩa là củng cố hệ thống lãnh đạo tập thể, không phải là cá nhân lãnh đạo. Giải pháp này có vai trò rất quan trọng. Sau khi ra đời năm 1949, Trung Quốc đã trải qua 4 thế hệ lãnh đạo: Chủ tịch Mao Trạch Đông (cùng thời với Chủ tịch Hồ Chí Minh), tiếp đến là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào. Nếu tôi hỏi bạn ai là người quyền lực nhất, có ảnh hưởng nhất trong số những người đó, câu trả lời sẽ là Mao Trạch Đông. Xu thế là nhà lãnh đạo sau lại yếu đi so với người trước đó. Đặng Tiểu Bình kém thế hơn so với Mao Trạch Đông, Giang Trạch Dân tầm ảnh hưởng yếu hơn Đặng Tiểu Bình và Hồ Cẩm Đào yếu hơn Đặng Tiểu Bình. Tôi tin rằng Tập Cận Bình sẽ yếu hơn so với Hồ Cẩm Đào bây giờ. Nhưng nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi thế này “dưới sự lãnh đạo của ai Trung Quốc có sự ổn định và chính sách nhất quán nhất?” Dưới thời Mao Trạch Đông, cứ mỗi 4-5 năm, Trung Quốc lại có một cuộc đấu tranh lớn (từ Bành Thiếu Hoài, Lý Thiếu Kỳ…), có vẻ giống như những năm đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, ổn định chính trị là rất kém, và tất nhiên song hành với đó là sự nhất quán trong chính sách cũng không được tốt, cứ 4-5 năm lại có sự thay đổi trong chính sách. Sau năm 1989, từ thời Giang Trạch Dân cho đến Hồ Cẩm Đào, ngay cả quyền lực lãnh đạo cá nhân có suy giảm, thì không có sự phản đối đáng kể nào. Ổn định trong lãnh đạo là rất tốt. Đây là tin tốt đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ có thể mất trên giường thay vì cái chết lạnh lẽo trong nhà tù. Tất nhiên chính sách vẫn được giữ nhất quán, chính sách cải cách vẫn còn giữ được cho đến nay. Như vậy vai trò lãnh đạo cá nhân suy giảm nhưng Trung Quốc lại có sự ổn định lãnh đạo và chính sách nhất quán. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời khá rõ ràng, đó là sự lãnh đạo tập thể. Dưới thời Mao Trạch Đông, do vai trò cá nhân quá lớn nên Mao không bao giờ thỏa hiệp. Thông thường một nhà lãnh đạo độc quyền, có vai trò bao trùm không bao giờ nghĩ đến chuyện thỏa hiệp, nếu không đứng về phe người đó bạn sẽ bị giết. Do đó sẽ không có luật chơi chung, bất cứ việc gì Mao nghĩ là đúng thì ông ta sẽ làm. Một nhà độc tài có quyền lực không phải do ông ấy là một siêu nhân mà do đấy là người duy nhất không tuân theo luật lệ và có thể tạo ra luật chơi mới nếu muốn. Đó là điều lý giải tại sao Mao lại có quyền lực bao trùm như vậy. Stalin, Hitler là những con người như vậy và tất nhiên là cả Mao Trạch Đông nữa. Nhưng khi có lãnh đạo tập thể, quyền lực được chia đều cho một nhóm người. Không ai có thể hạ gục đối thủ chỉ bằng một nắm đấm, để đạt được mục đích nhóm người này phải thỏa hiệp cùng nhau. Khi thỏa hiệp họ phải đưa ra luật chơi, khi đã có luật chơi họ phải có các bước/thủ tục trong việc ra quyết định. Ngày nay tất cả các chính trị gia, các nhà lãnh đạo đều đấu tranh rất quyết liệt vì quyền lực, họ sẵn sang đâm sau lưng đối thủ nếu có thể. Nhưng dù thế nào thì quyết định cuối cùng theo số đông vẫn phải đạt được sự đồng thuận của số đông. Đây cũng là nguyên nhân tại sao Trung Quốc có môi trường chính trị ổn định.

- Thứ hai là tái cơ cấu hệ thống hành chính nhằm cải thiện tính hiệu qủa và phối hợp. Đây sẽ tiếp tục là một thách thức không nhỏ.

- Thứ ba là đẩy mạnh cơ chế luân chuyển cán bộ cao cấp: vấn đề hiện nay là chính quyền trung ương gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cán bộ tại địa phương. Họ thực hiện chính sách các vị hoàng đế trước đây đã từng làm, đây không phải là việc làm mới tại Trung Quốc. Từ thời nhà Thanh, cứ theo nhiệm kỳ 3-4 năm, các vị hoàng đế lại thay đổi người đứng đầu các địa phương một lần. Khi thực hiện chính sách luân chuyển này, bản thân cán bộ đó phải tự lo cho mình, người đó không thể mang theo cấp dưới đi cùng, họ buộc phải thích nghi với một môi trường mới hoàn toàn. Trước khi cán bộ đó tạo được một thế lực lớn cho mình tại địa phương thì lập tức sẽ được luân chuyển sang nơi khác. Chính sách luân chuyển cán bộ này được thực hiện rất triệt để tại Trung Quốc, điều này cũng là một cách để chính quyền Trung ương ngăn chặn sự lớn mạnh và thách thức từ chính quyền địa phương.

- Thứ tư là tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ và quy mô.

- Thứ năm là tiến hành các chương trình đào tạo và giáo dục cán bộ: Từ năm 2002, tất cả các cán bộ cấp huyện đều phải tham gia khóa đào tạo hoặc được đào tạo lại ít nhất 6 tháng trong các trường Đảng. Họ bị cách ly hoàn toàn với công việc, sống cùng nhau, sống đời sống học sinh trong vòng 6 tháng để tẩy rửa những tư tưởng xấu; xây dựng tình đồng chí, tính đoàn kết, những yếu tố rất quan trọng cho sự tồn tại của chế độ hiện nay.

- Vấn đề cuối cùng là “dân chủ tịnh tiến” và dân chủ trong nội bộ Đảng trong việc hoạch định chính sách: việc lựa chọn các nhà lãnh đạo, quá trình đưa ra các chính sách là rất dân chủ, không một cá nhân nào có thể chi phối quá trình này.

25. Tuy nhiên, các giải pháp này cũng gặp một số khó khăn. Hiện nay, tôi cho rằng có 2 vấn đề tiến thoái lưỡng nan và nút thắt cổ chai cơ bản của Trung Quốc giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Lợi ích của các địa phương không phải lúc nào cũng đồng nhất với Trung ương, điều này dẫn đến nhiều xung đột về xã hội chính trị. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này do: (i) Căng thẳng trong việc phân bổ các nguồn lực (thuế và thu nhập); (ii) Các lợi ích xung đột; (iii) Phân cấp (để duy trì tăng trưởng kinh tế) đối trọng với tập quyền (để đảm bảo quyền lực của Bắc Kinh trong hoạch định chính sách). Trung Quốc theo nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đều biết rằng kinh tế thị trường đòi hỏi sự phân cấp. Nếu bạn muốn tập trung tất cả các nhà quản lý, giám đốc vào một chỗ, bạn cần phải trao quyền và sức mạnh cho họ. Nhưng do hệ thống chính trị Trung Quốc, để duy trì tính hiệu quả của chính sách, để duy trì quyền lực của chính quyền trung ương, bạn cần phải phân cấp để quản lý. Tập quyền vì ổn định chính trị, phân cấp để duy trì tăng trưởng kinh tế đã trở thành tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn trong khắc phục; và (iv) sự méo mó chính sách mà tôi đã đề cập ở trên rồi.  

Về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc:

26. Chúng ta biết rằng sự trỗi dậy thành công của Trung Quốc là nhờ hai chính sách cơ bản chính: (i) trỗi dậy hòa bình và (ii) tham gia và trỗi dậy nhờ hội nhập. Vậy chính xác chính sách trỗi dậy hòa bình là gì? Nói đến trỗi dậy hòa bình cần phải đề cập đến những trái ngược cơ bản hay tình trạng tiến thoái lưỡng nan cơ bản mà Trung Quốc phải đối mặt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Có 3 tình trạng tiến thoái lưỡng nan như sau:

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan thứ nhất, nếu so sánh sự trỗi dậy của Trung Quốc và các thế lực khác trước đó, có thể thấy một số khác biệt lớn. Từ Tây Ban Nha đến Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Liên Xô….tất cả các nước này trước khi trỗi dậy đều có năng lực quân sự để có thể triển khai các chiến dịch lớn ngoài biên giới các nước này. Họ có cái gọi là năng lực quân sự toàn cầu. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ có được điều đó, và Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được điều đó, mặc dù có tốc độ phát triển quân sự rất nhanh. Tôi không tin trong tương lai, quân đội Trung Quốc có thể đối đầu được với chiến tranh hủy diệt bên ngoài lãnh thổ. Ví dụ năm 1979, họ đã cố gắng tiến hành cuộc chiến tại Việt Nam chỉ trong 15 ngày nhưng tổn thất họ phải nhận là rất nặng nề. Trung Quốc không có đủ sức mạnh cứng để bảo vệ các lợi ích của quốc gia trên toàn thế giới này. Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan đầu tiên. Ví dụ điển hình nhất là vào năm 1999 khi đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrad bị Mỹ ném bom, việc duy nhất Trung Quốc có thể làm là biểu tình phản đối. Ngay cả hiện nay, tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), tôi không tin là Trung Quốc có thể tiến hành bất cứ hành động quân sự nào vì đơn giản là họ không thể làm được.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan thứ hai là một thế lực đang trỗi dậy, Trung Quốc chắc chắn không thể tránh khỏi xung đột với Mỹ. Dù thế nào thì Trung Quốc cần phải hết sức tránh đối đầu với Mỹ. Mỹ có thể giúp Trung Quốc những cũng có thể đẩy nước này xuống vũng bùn. Do đó, quan hệ Mỹ - Trung đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Tiến thoái lưỡng nan ở chỗ mâu thuẫn lợi ích với Mỹ là điều không thể tránh khỏi nhưng Trung Quốc không thể đối đầu với nước này.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan thứ ba đối với Trung Quốc trong quá khứ và tương lai là sau sự sụp đổ của Liên Xô, tất cả những vấn đề có thể mang lại nguy hại lớn đối với sự ổn định của Trung Quốc lại đến từ trong nội tại nước này. Vấn đề Tây Tạng, nhân quyền, cách biệt về mặt kinh tế, dân chủ, thậm chí cả vấn đề Đài Loan…là những mối đe dọa nội tại đối với Trung Quốc. Nhưng ngòi nổ của những vấn đề trên lại nằm ở bên ngoài. Đạt Lai Lạt Ma ở bên ngoài, Mỹ ủng hộ Đài Loan, vấn đề dân chủ nhân quyền cũng bị giật dây từ bên ngoài. Tôi gọi những vấn đề này là quả bom nổ chậm có hỏa lực rất mạnh nằm ngay trong ngôi nhà bạn nhưng ngòi nổ lại được đặt ở phía bên ngoài ngôi nhà. Làm thế nào để giải quyết những vấn đề này? Vì Trung Quốc phải mở cửa nhất định với thế giới, làm thế nào để Trung Quốc cô lập các hoạt động gây nguy hại cho nước này từ bên ngoài trong khi vẫn mở rộng cửa để đảm bảo phát triển bền vững đất nước?

Những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc

27. Trên đây là ba tình trạng tiến thoái lưỡng nan các nhà Lãnh đạo Trung Quốc, bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình, đã và đang tìm cách giải quyết. Qua hết cuộc tranh luận này đến cuộc tranh luận khác trong các năm 2001, 2002, 2003, cuối cùng Trung Quốc đưa ra chính sách gọi là trỗi dậy hòa bình. Chính sách này hết sức đơn giản: Trung Quốc sẽ không thách thức (điều mà Liên Xô và Nhật Bản làm trước đây) các cơ chế hiện có trong hệ thống quốc tế toàn cầu. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tham gia vào hệ thống quốc tế sẵn có đó. Hệ thống này được xây dựng, duy trì và được dẫn dắt bởi chế độ dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Như vậy cải cách và mở cửa đã trở thành những nhân tố tiên quyết để Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế toàn cầu mà Trung Quốc không phải là người đứng đầu hệ thống đó. Trỗi dậy hòa bình là một chiến lược hội nhập. Nếu bạn nhìn lại chính sách ngoại giao của Trung Quốc từ năm 2001, Trung Quốc đã có những điều chỉnh quan trọng.

- Với Bắc Triều Tiên: Trước đây, hai ưu tiên trong chính sách với Bắc Triều Tiên của Trung Quốc là hòa bình và không có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc luôn đặt vấn đề hòa bình và ổn định lên trước nhưng từ năm 2003 Trung Quốc đã thay đổi thứ tự ưu tiên đưa không vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chính sách với Bắc Triều Tiên, nghiêng hơn về chính sách của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là yếu tố cơ bản gây bất ổn. Từ năm 2003, Trung Quốc luôn đi đầu trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nước này đóng một vai trò rất quan trọng trong đàm phán 6 bên về Triều Tiên.

- Về vấn đề Đài Loan: trước năm 2004, chính sách của Trung Quốc là thống nhất trước nhưng sau năm 2004 quan điểm của Trung Quốc là tiến hành cách tiếp cận chấp nhận hiện trạng - nhằm thúc đẩy phát triển hòa bình ở bên kia eo biển Đài Loan theo nguyên tắc một Trung Quốc. Sau năm 2004, lần đầu tiên Trung – Mỹ có quan điểm đồng thuận về eo biển Đài Loan.

- Về quan hệ với Nhật Bản: Dưới thời Giang Trạch Dân, từ năm 2001-2006 không có một cuộc gặp gỡ nào giữa lãnh đạo hai nước Trung Nhật. Trung Quốc coi Nhật Bản là một đồng minh nhỏ của Hoa Kỳ. Giang Trạch Dân cho rằng nếu Trung Quốc có một quan hệ tốt, ổn định với Mỹ thì Nhật Bản sẽ bị bỏ rơi. Nhưng từ năm 2004, Trung Quốc bắt đầu thay đổi chính sách với Nhật Bản, nhìn nhận nước này như là một láng giềng ở Châu Á thay vì là một đồng minh của Hoa Kỳ và tiến hành những động thái nhằm cải thiện quan hệ Trung - Nhật ngay từ trước khi ông Koizumi từ chức.

- Đặc biệt, một sự điều chỉnh đáng chú ý trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là họ cố gắng tạo ra một cái bánh mà ai cũng có phần. Sự phát triển của Trung Quốc phải gắn với và phải đóng góp cho sự phát triển của các nước trong khu vực. Trung Quốc hết sức tránh tình trạng trò chơi mà trong đó chỉ có duy nhất một người thắng cuộc, đặc biệt là trong cuộc chơi với các nước lớn, hay thậm chí với các nước ASEAN. Có thể thấy từ sau năm 1997-1998, sự phát triển của Trung Quốc đã ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực. Trung Quốc ý thức được rằng chỉ khi tất cả ai cũng có cùng một mối quan tâm, có cùng lợi ích thì nguy cơ chiến tranh mới không xảy ra. Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đã thu nhận được rất nhiều thành quả. Thành quả quan trọng nhất theo tôi là Trung Quốc và Mỹ đã trở thành ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế. Do lợi ích chung ràng buộc này, quan hệ Mỹ-Trung đã vượt quá quan hệ song phương vì bất cứ một vấn đề nào giữa Trung Quốc và Mỹ cũng trở thành một vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Vấn đề tỷ giá, thâm hụt thương mại, khủng bố, hạt nhân…nếu là một vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc thì đó cũng chính là vấn đề của tất cả chúng ta. Không có sự hợp tác giữa hai siêu cường này, chúng ta không thể giải quyết được gì trong thế giới này. Tôi tin rằng, quan hệ Trung – Mỹ có thể căng thẳng, có thể xấu đi nhưng sẽ được giữ ổn định vì nền tảng cơ bản đã được thiết lập và có sự ràng buộc chặt chẽ giữa hai bên, khó có thể tách rời.

PHẦN HỎI ĐÁP

Câu hỏi 1: Cuộc cải cách của Trung Quốc 30 năm qua và quá trình đổi mới của Việt Nam 25 năm nay có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Vì vậy, khi nghe thuyết trình của Giáo sư, những thành công hay tình huống có vấn đề của Trung Quốc đều có thể gợi mở nhiều điều bổ ích cho Việt Nam. Trên tinh thần đó, tôi thấy có một số điểm rất muốn trao đổi thêm với Giáo sư.

Mở đầu bài phát biểu của mình GS đặt vấn đề về ổn định chính trị của TQ và kết thúc bài trình bày GS cũng đặt vấn đề, trong điều kiện thế giới toàn cầu hoá hiện nay, TQ nếu có những thay đổi, những biến đổi về mặt chính trị, thể chế thì khó có sự phù hợp và dẫn đến tình huống phát triển mà tôi hiểu rằng như là một sự phát triển xã hội. Tôi nghĩ rằng việc duy trì ổn định chính trị cũng có rất nhiều cung bậc khác nhau, có thể ổn định bằng con đường bạo lực, bằng sức mạnh quân sự, một thể chế quan liêu mệnh lệnh theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, cũng có thể ổn định chính trị bằng cách khơi dậy được sự đồng thuận của dân tộc và sự phát triển của dân chúng bằng cách đem lại lợi ích thiết thực cho họ, thì cái ổn định ấy mới là ổn định chính trị tích cực mà cần cho sự phát triển và hiện đại hoá của TQ. Tôi nghĩ các nhà cải cách TQ cũng đã tìm đến cái ổn định đó. Dĩ nhiên trong quá trình cải cách TQ cũng vấp phải những tình huống như sự kiện Thiên An Môn, như vấn đề Tân Cương, như vấn đề Tây Tạng, những vấn đề mà phương Tây nói về dân chủ nhân quyền. Nhưng mà theo tôi, đường hướng chủ đạo của TQ là đổi ổn định chính trị bằng cách phát triển kinh tế để tạo được một sự phát triển phồn vinh cho dân tộc Trung Hoa. Đây là điểm tôi muốn trao đổi thêm với GS.

Một điểm nữa là trong phát biểu của GS và tài liệu cung cấp, GS có đưa ra một luận điểm mang tính chất đánh giá và dự báo: các nhà hoạch định chính sách TQ thì phát hiện chuẩn đoán đúng vấn đề, đưa ra được những giải pháp khả thi nhưng mà trong thực hiện thì những chính sách dường như lại thất bại và không đạt được những điều mong muốn về hiệu quả. Vậy ở đây có gì mâu thuẫn không? Nó thuộc về những trở ngại thuộc về nhân tố khách quan hay là những tình huống đặt ra trong chính cấu trúc chính trị, thể chế của TQ hay là những vấn đề xung đột của các nhóm lợi ích, chủ nghĩa địa phương như là GS đã có nhấn mạnh?

Điểm thứ ba mà tôi rất muốn GS trao đổi kỹ thêm là GS đánh giá và nhận định như thế nào về xu hướng khách quan của vấn đề dân chủ hoá thể chế chính trị của TQ? Thực hiện điều này ở TQ là thuận hay là nghịch? Thuận lợi nhiều hơn hay khó khăn cản trở nhiều hơn? Và GS có dự báo gì về những kịch bản có thể xảy ra trong 5 – 10 năm tới đối với đà phát triển của TQ như hiện nay?

Câu hỏi 2: Thời gian còn lại không còn nhiều nên tôi không dám bình luận gì mà chỉ đặt một số câu hỏi cho GS. Tôi muốn GS giúp làm rõ hơn bản chất của mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và các điểm đặc sắc của mô hình này? Các điểm khác biệt chủ yếu của mô hình này so với mô hình kinh tế thị trường chung của thế giới hiện nay là ở chỗ nào? Đây là những vấn đề rất gần và liên quan đến chúng tôi.

Liên quan đến chủ đề lớn thứ hai mà GS có gộp lại để nói thì chúng tôi cũng muốn nêu một số câu hỏi và rất muốn được GS giải đáp thêm. Sự trỗi dậy hoà bình của TQ đang làm nảy sinh một số thách thức và cơ hội như thế nào đối với VN nói riêng và các nước ASEAN nói chung? Trong quá trình tiếp tục trỗi dậy thì TQ nên và cần giải quyết như thế nào mối quan hệ và lợi ích giữa họ và các nước trong khu vực?

Trả lời của Giáo sư Jing Huang:

Các câu hỏi trên đều rất khó trả lời, thật sự tôi không chắc là tôi có các câu trả lời chính xác cho các câu hỏi này không nhưng tôi sẽ cố gắng. Về ổn định chính trị, cho phép tôi kể  ra các nhà lãnh đạo TQ hiểu những gì họ không thế làm. Trước tiên, trong chính trị các nhà lãnh đạo TQ có những quan điểm khác nhau, tuy nhiên trong ba vấn đề họ có quan điểm chung. Vấn đề thứ nhất là họ sẽ không chịu từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách chính trị. Cải cách chính trị có đặc thù là cải cách thượng tầng trong các cải cách và điều đó có nghĩa rằng, ưu tiên đầu tiên là tái xây dựng chứ không phải là phá huỷ. Vì vậy, họ sẽ loại trừ tất cả các yếu tố đe doạ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là cái KHÔNG thứ nhất: không làm hư hại vai trò của Đảng. Thứ hai là họ sẽ không có bất cứ hành động gì trừ trường hợp họ hoàn toàn chắc chắn rằng hành động đó không gây tổn hại lớn đến ổn định chính trị. Đây chính là lý do tại sao Trung Quốc thường thử nghiệm chính sách. Trung Quốc là quốc gia đủ lớn để họ thiết lập các khu vực, như Thâm Quyến, để thí nghiệm các chính sách mới. Nếu chính sách thí nghiệm thành công họ mới áp dụng cho toàn quốc gia. Vì thế thứ hai là KHÔNG thay đổi chính sách một cách đồ sộ. Ở TQ thường có các thay đổi nhỏ trong chính sách chính trị mà không có những thay đổi lớn. Và điều thứ ba là họ sẽ KHÔNG để cho bất cứ sức mạnh nước ngoài hay ngoại lực nào áp đặt thay đổi nào đó vào TQ, kể cả về nội dung lẫn lộ trình. TQ sẽ hoàn toàn tự định đoạt hướng đi, giữ vững quyền hoạch định chính sách của mình.

Dựa trên ba KHÔNG nêu ở trên, các nhà lãnh đạo TQ hiểu rằng có một số việc họ có thể làm và họ bắt buộc phải làm. Vấn đề thứ nhất họ bắt buộc phải làm là vì họ hiểu mô hình chính trị TQ được xây dựng trên mô hình Xô-viết, cái mô hình mà họ gọi là “lồng chim” tức là rất chắc chắn về chiều dọc tuy nhiên rất yếu theo chiều ngang. Nhưng vấn đề chính là nền kinh tế thị trường đã tạo ra rất nhiều “chim” và những con chim này lớn đến nỗi không thể giữ trong lồng chim. Vì vậy tình huống khó xử là bạn phải có để các con chim này tiếp tục bay trong lồng và duy trì lồng chim hay không? Vấn đề thứ hai là lựa chọn lồng chim như thế nào để con chim trong lồng vẫn có khoảng trống để bay lượn. Vấn đề thứ ba là trong quá trình cải cách, Trung Quốc sẽ không để cho bất kỳ ngoại lực có cơ hội ảnh hưởng đến TQ. Khi bạn cải cách bạn có sự thay đổi rất lớn và tạo cơ hội cho ngoại lực can thiệp và thao túng nội bộ của bạn. Họ phải đảm bảo rằng, trong quá trình cải cách, họ không để bất kỳ ngoại lực nào có cơ hội can thiệp vào chính trị nội bộ.

Một câu hỏi đang làm các nhà lãnh đạo TQ đau đầu là làm thế nào để cải cách chính trị mà không gây bất ổn? Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ với các bạn một lời khuyên. Nếu tôi tìm một hệ thống chính trị để hướng tới dân chủ, hệ thống đó phải giữ vững ổn định chính trị và kinh tế. Các bạn có thể thấy rằng có nhiều hệ thống chính trị dân chủ nhưng theo lý thuyết thì có sáu loại chính trị dân chủ: kiểu Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Thụy Điển. Kể cả hệ thống kiểu Singapore cũng có thể tính là một nền chính trị dân chủ. Tất cả các kiểu dân chủ này có một số điểm chung. Điểm thứ nhất là các quá trình chính trị mang tính thể chế hoá rất cao. Khi tôi nói đến thể chế hoá chính trị, ý tôi là thể chế hoá quyền lực, thể chế hoá hoạch định chính sách và thể chế hoá quá trình tham gia chính trị. Ở TQ, thế chế hoá quá trình chính trị đã đạt nhiều kết quả như tập thể hoá vai trò lãnh đạo. Điều đó có nghĩa là quyền lực đi cùng với vai trò, vị trí bạn đảm nhiệm chứ không đi cùng con người bạn. Anh có quyền nếu anh có vị trí chứ không phụ thuộc vào con người của anh. Có thể lấy một ví dụ, năm 1998, Đặng Tiểu Bình rút khỏi chính trị và trở thành một người dân bình thường. Trước đó, tức là cho đến năm 1997, ông là người đàn ông quyền lực nhất TQ mặc dù ông không có vai trò chính thức. Nhưng khi Giang Trạch Dân rút lui, từ bỏ vị trí cuối cùng của ông là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương năm 2004, ông ta biến mất khỏi trường chính trị. Ông ta vẫn có rất nhiều ảnh hưởng nhưng không còn quyền nữa. Quyền lực của ông đã không còn hợp pháp. Đó là một tiến bộ rất lớn mà TQ đạt được. Một vấn đề nữa liên quan đến thể chế hoá quyền lực là quyền lực được chia sẻ vì chỉ quyền lực mới kiểm soát được quyền lực. Chúng ta đều hiểu điều đó. Nếu bạn đọc tất cả các hiến pháp của các nước phương Tây, một điều bạn nhận thấy là họ đều không tin tưởng quyền lực, không tin tưởng chính phủ của họ. Họ chỉ tin vào Chúa và Dân chủ, đúng không? Nếu bạn không tin tưởng quyền lực thì làm thế nào để kiểm soát nó? Thể chế hoá quyền lực. Chia rẽ quyền lực và dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Bạn phải đảm bảo rằng quyền lực không bị cá nhân hoá. Về vấn đề này tôi nghĩ TQ đã đạt nhiều tiến bộ. Vấn đề thứ hai là thể chế hoá quá trình hoạch định chính sách. Có nghĩa là không quan trọng ý tưởng của tôi xuất sắc như thế nào, nếu muốn biến nó thành chính sách thì phải qua một quá trình nghiêm ngặt: thảo luận, bỏ phiếu thông qua. Trong quá trình này chúng ta đạt được hai điều tốt: thứ nhất là sự kiểm tra và thứ hai là tính minh bạch. Tôi không quen bạn và bạn cũng không quen tôi nhưng nếu chúng ta đưa ra các ý kiến của mình và cùng thảo luận và bỏ phiếu, tôi sẽ hiểu bạn hơn. Một vấn đề chính trị sau khi thảo luận sẽ là một thoả thuận. Nói theo ý này thì một hệ thống chính trị dân chủ là một hệ thống tìm kiếm thoả thuận. Như vậy một đặc tính quan trọng của hệ thống chính trị dân chủ là sự thể chế hoá quá trình hoạch định chính sách. Trong lĩnh vực này TQ mới chỉ đang bắt đầu.

Nhưng nếu nói về dân chủ hoá thì TQ yếu nhất trong lĩnh vực thể chế hoá sự tham gia chính trị. Ví dụ, đa đảng cạnh tranh với nhau là một dạng thể chế hoá sự tham gia chính trị. Phát biểu ý kiến, bỏ phiếu là một cách thể chế hoá sự tham gia chính trị. Ở các nền dân chủ, các hoạt động trên đều được thể chế hoá hoặc chính thức hoá. Vì vậy sự khác biệt giữa các nền dân chủ và nền dân chủ sơ sinh là ở lĩnh vực này. Ở các nền dân chủ sơ sinh, các vấn đề quan trọng không được thảo luận vì nếu không ta sẽ có tình huống hỗn độn bởi vì sự tham gia chính trị không được thể chế hoá. Một ví dụ điển hình là Thái Lan hoặc nhìn ở góc độ khác là Đài Loan. Nhưng ở TQ, quá trình thế chế hoá sự tham gia chính trị mới bắt đầu. Thể chế hoá sự tham gia chính trị dựa trên hai nền tảng: (i) dựa trên xã hội công dân, bạn phải tôn trọng xã hội và công dân của bạn; (ii) các tổ chức phi chính phủ. Trong cả hai lĩnh vực này TQ rất yếu nhưng các tổ chức phi chính phủ tại TQ đang phát triển rất nhanh. Lời khuyên của tôi dành cho các nhà lãnh đạo TQ là củng cố thể chế hoá quyền lực. Tôi không nhận xét dưới góc độ chính trị, tuy nhiên tôi nhận xét dưới vai trò là nhà khoa học chính trị, bất kỳ ai cố gắng phá huỷ hoặc làm hỏng các quy trình chính trị, người đó là kẻ thù nguy hiểm bậc nhất bởi vì các hành động này sẽ mang lại bất ổn. Điều mà tôi muốn nói là câu hỏi được đặt ra cho các nhà lãnh đạo TQ không phải là bao giờ tiến hành cải cách chính trị mà khi nào tiến tới dân chủ. Năm 2006 nhân dịp chuyến thăm Mỹ, Hồ Cẩm Đào nói rằng “Không có dân chủ thì sẽ không có đổi mới”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng khẳng định rất nhiều lần rằng dân chủ là quá trình không thể tránh khỏi. Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản TQ cũng khẳng định rằng dân chủ là một ý tưởng tốt và TQ phải thực hiện điều đó. Vấn đề là đạt được dân chủ bằng cách nào và với tốc độ như thế nào. Đây là vấn đề chính vì không có ai có thể dạy TQ. Không ai có đủ kinh nghiệm để chỉ cho các nhà lãnh đạo TQ. Các nhà lãnh đạo TQ phải tự tìm ra con đường của mình và chính vì thế họ phải làm theo lời khuyên của ông Đặng Tiểu Bình: “Hãy vượt con sông nhưng nhớ đặt chân lên các hòn đá” nhưng vấn đề là ở TQ chỉ có những con sông lớn và rất sâu. Nếu ai đó hỏi tôi tương lai của TQ sẽ như thế nào thì tôi sẽ trả lời là tôi không biết. Thế nhưng nếu TQ tiếp tục đà phát triển như hiện nay, tôi sẽ là người lạc quan vô điều kiện về TQ bởi vì TQ là một quốc gia rất lớn, khó có thể sụp đổ.

Về vấn đề kinh tế thị trường, TQ có tự do hoá nền kinh tế của mình đến đâu cũng không quan trọng. Có một điều làm cho TQ khác với các nền kinh tế thị trường khác: sự can thiệp mạnh mẽ của CP vào nền kinh tế. Nếu các bạn xem xét sự khác biệt giữa nền kinh tế thị trường của Mỹ, của Nhật và của TQ các bạn sẽ thấy CPTQ luôn luôn giữ cho mình khả năng can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế khi cần thiết. Các hành động của CP đều mang nặng mục đích chính trị, sau đó mới đến mục đích kinh tế. Vì vậy tiền tệ luôn luôn là một phương tiện chính trị chứ không phải là phương tiện kinh tế. Tôi muốn nêu một ví dụ: nếu CPTQ để nền kinh tế thị trường quản lý chính sách tiền tệ, quản lý thị trường tài chính TQ thì điều đó có nghĩa là để Wall Street quản lý nền kinh tế TQ, quản lý thị trường tài chính TQ. Mỹ không chỉ là một siêu cường quốc trong lĩnh vực quân sự mà còn cả trong lĩnh vực tài chính. Đồng đô-la là đồng tiền duy nhất của cả thế giới vì thế nếu TQ mở cửa thị trường tài chính của mình thì đồng đô-la sẽ chi phối thị trường tài chính TQ. Để tóm tắt lại tôi muốn nói rằng sự khác biệt duy nhất giữa nền kinh tế định hướng XHCN của TQ và các nền kinh tế thị trường khác là CPTQ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền can thiệp vào nền kinh tế. Đối với nền kinh tế TQ, quản lý tốt hơn là thả nổi. Chúng ta phải hiểu điều đó.

Và cuối cùng về vấn đề hoà bình trong khu vực, các nhà lãnh đạo đều hiểu rằng kẻ thù đang rình rập xung quanh họ. TQ hiện đang có ba vấn đề về an ninh quốc gia. Nếu TQ tự phát triển thì khu vực châu Á sẽ bị bỏ xa và TQ sẽ không thể giữ được tốc độ phát triển của mình. Đây là một khái niệm hơi khó hiểu nhưng nếu bạn muốn giàu thì bạn phải làm thế nào để láng giềng của bạn cũng trở nên giàu hơn. Vấn đề thứ hai là TQ có lượng tài nguyên hạn chế và họ hiểu rõ điều đó. TQ rất rộng nhưng lượng tài nguyên tính theo đầu người thấp nhất khu vực, đặc biệt là tài nguyên nước, năng lượng, đất đai. Số lượng tất cả các tài nguyên của TQ đều thấp hơn so với mức trung bình của khu vực. Vì thế nếu TQ không hợp tác với các nước tỏng khu vực thì không thể tiến xa. TQ là quốc gia đi đầu trong bảo vệ WTO. Bạn có thể nói rằng chính sách tiền tệ, thương mại của TQ không công bằng nhưng về nguyên tắc TQ rất ủng hộ tự do thương mại. Vấn đề thứ ba là tài nguyên nước. Nếu các bạn nhìn vào địa lý châu Á, tất cả các nguồn nước đều tập trung tại một nơi. Châu Á có khoảng 4 và một nửa con sông lớn. Tại sao lại một nửa? Ta có sông Trường Giang, Hoàng Hà, Mê Công và sông Hằng. Một nửa là Indian River. Tất cả bốn con sông đều bắt nguồn cùng một nơi. Vấn đề chính ở đây là nếu các bạn xem xét các nước phát triển và các nước đang phát triển, sự khác biệt lớn nhất là việc sử dụng nguồn nước phục vụ công nghiệp. Tại các nước đã phát triển, lượng nước sử dụng cho công nghiệp là khoảng 59- 60%, tại các nước đang phát triển số liệu này chỉ khoảng 18%.  Tại TQ, lượng nước được sử dụng cho công nghiệp là khoảng 38-40%; tại Ấn Độ 28%. Tôi không biết lượng nước sử dụng cho công nghiệp tại Việt Nam là bao nhiêu tuy nhiên tôi khá bất ngờ nếu lượng đó vượt quá 30%. Các quốc gia Châu Á đang công nghiệp hoá và lượng nước được sử dụng để phục vụ công nghiệp sẽ tăng đáng kể trong tương lai. Nước công nghiệp có tính rủi ro rất cao: nước thải nông nghiệp là nước bẩn nhưng nước thải công nghiệp là nước độc hại và rất khó để tái tạo. Các nước Châu Á sẽ phải tranh giành tài nguyên nước và TQ biết điều đó. Nước không chỉ là một mặt hàng đắt giá, nước còn là mặt hàng chiến lược. TQ có ba lựa chọn để giải quyết vấn đề này. Lựa chọn thứ nhất: đấu tranh với các nước trong khu vực để giành nước. Lựa chọn này sẽ khiến tất cả các quốc gia mất mát. Lựa chọn thứ hai là hợp tác với Ấn Độ để tìm ra giải pháp chung và sau đó đàm phán với các nước khác. Tôi nghĩ TQ đã chọn lựa chọn thứ nhất vì họ đã mở các đập ngăn nước chảy về các quốc gia phía Nam trong đó có cả Việt Nam. Họ gọi là thoả thuận Mê Công. Tôi nghĩ ta nên khuyến khích TQ hợp tác với các nước trong khu vực. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng sẽ khiến tất cả chúng ta là người chiến thắng.

Như tôi đã đề cập với các nhà lãnh đạo TQ, chúng ta nên thực hiện chính sách 3C: trao đổi, hỏi ý kiến và hợp tác. Nếu chúng ta không hợp tác được thì ít ra chúng ta phải giữ liên lạc và xin ý kiến của nhau. Tôi hi vọng các nhà lãnh đạo TQ sẽ đủ thông minh để hiểu rằng hợp tác là giải pháp duy nhất. Tôi tin tưởng rằng họ hiểu vì tôi đã nói chuyện với vài người và họ cũng khẳng định rằng hợp tác là con đường duy nhất.

Khi tôi còn là sinh viên khoa Lịch sử tôi hiểu rằng các tình huống con người giết nhau vì lợi ích xung đột ít hơn rất nhiều so với giết nhau vì bất đồng ý kiến. Lý do rất đơn giản là vì xung đột lợi ích xảy ra hàng ngày, bạn có thể tiến tới một thoả thuận nếu bạn chia sẻ ý kiến, có những quy tắc chung. Chúng ta có chiến tranh chỉ khi nào ta không tìm được giải pháp hay tiếng nói chung. Tôi tin tưởng rằng TQ có thể yên tâm phát triển và khu vực cũng có thể phát triển nếu Châu Á tìm được một hệ thống giá trị chung. Theo tôi hệ thống giá trị này là dân chủ.

Câu hỏi 3: Thời gian không có nhiều, tôi chỉ đưa ra một số câu hỏi mong sự giải đáp của GS. Câu hỏi thứ nhất liên quan tới 7 thách thức của TQ mà GS nêu ra, tôi cho rằng đây là các vấn đề được nhìn qua nhiều cửa sổ khác nhau của cùng một ngôi nhà. Còn một thách thức nữa mà chúng tôi có thể nhận ra dưới góc độ kinh tế là dự trữ ngoại hối của TQ. Có một số nghiên cứu cho rằng mức dự trữ này vượt quá mức tối ưu của TQ. Một số người cho rằng nó thể hiện sức mạnh của TQ nhưng một số người cho rằng đó là rủi ro rất là lớn. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào? Điểm thứ hai chúng tôi muốn thảo luận liên quan đến khu vực Đông Nam Á. Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay chúng tôi thấy là nếu trong trường hợp có chính trị bất ổn mà theo GS phân tích có một số rủi ro, TQ đang cố gắng xây dựng chủ nghĩa dân tộc để duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp có khủng hoảng kinh tế hay khó khăn nảy sinh trong tăng trưởng bền vững thì chủ nghĩa dân tộc này có bị định hướng gây ra những xung đột nhỏ có thể kiểm soát được ở trong khu vực để đánh đổi lấy ổn định chính trị nội bộ trong nước của TQ hay không? Mặc dù GS phân tích rằng TQ chưa có đủ khả năng gây ảnh hưởng ở xa thì điều này sẽ có liên quan đến an ninh khu vực, GS có quan điểm gì về vấn đề này?

Câu hỏi 4: Xin GS làm rõ hơn những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở TQ và khác biệt so vớicác nước tư bản khác? Theo nhận định cuả GS thì hiện nay TQ đã nhận định đầy đủ và đúng đắn các ngành hay lĩnh vực mà TQ cần phải thiết lập thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hay chưa? Nếu theo tôi hiểu không nhầm thì đến nay thành công trong sự phát triển của TQ về mặt kinh tế là cải cách và mở cửa, mà trong cải cách kinh tế chủ yếu là chuyển sang kinh tế thị trường từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Bước sang giai đoạn mới để phát triển bền vững, để giải quyết 7 thách thức mà GS đã nêu, phải chăng bí quyết của TQ sẽ là dân chủ hoá xã hội và thực hiện nhà nước pháp quyền XHCN ở TQ?

Trả lời của Giáo sư Huang Jing

Các câu hỏi rất hay và khó, tôi đánh giá cao điều đó vì qua cơ hội này tôi có thể học hỏi rất nhiều từ các bạn. Dự trữ ngoại tệ là một vấn đề khó khăn ở TQ. Dự trữ ngoại tệ liên quan đến hai vấn đề: Thứ nhất là dự trữ ngoại tệ mang tính nghĩa vụ nhiều hơn là tài sản. Tôi đồng ý với ý kiến của bạn rằng dự trữ ngoại tệ đang mang lại một vấn đề rất lớn đối với TQ. Làm sao để xử lý vấn đề này? Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo TQ không có giải pháp hay câu trả lời chính xác. Giải pháp hiện tại là giữ không cho tình hình xấu đi. Nói cách khác là họ giữ lượng dự trữ ở một mức nhất định nhưng giải quyết như thế nào thì họ không biết. Và để kiểm soát lượng dự trữ họ có ba cách: Thứ nhất là duy trì mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và TQ không bị tổn thương vĩnh viễn; Thứ hai là tiêu nhanh nhất có thể lượng dữ trự ngoại tệ này. Chính vì thế từ năm 2008, TQ trở thành quốc gia đầu tư ra ngoài nhiều hơn là nhận đầu tư, đầu tư ra nước ngoài của TQ đã tăng hơn 240% trong năm vừa qua. Nói cách khác họ đang cố gắng chuyển từ vốn lưu động thành tài sản cố định và tôi nghĩ rằng trong bối cảnh này Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội.

Về vấn đề chủ nghĩa dân tộc, tôi đồng ý với các bạn. Chủ nghĩa dân tộc có thể là một chính sách nguy hiểm. Nếu các bạn so sánh chủ nghĩa dân tộc theo kiểu phương Đông và chủ nghĩa dân tộc mô hình phương Tây, các bạn sẽ thấy hai mô hình hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc là con đẻ của xã hội hiện đại, là sản phẩm của chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Ở thế kỷ 18 chúng ta không có chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc ở các nước phương Tây là sản phẩm, là chiến thắng và kết quả của quá trình công nghiệp hoá, của chủ nghĩa tư bản. Nó xuất phát từ niềm kiêu hãnh, sự tự tin và tự tán dương. Nhưng chủ nghĩa dân tộc phương Đông, ở Việt Nam hay ở TQ, Ấn Độ hay kể cả ở Nhật Bản xuất phát từ sự nhục nhã, thất bại. Các quốc gia này bị đánh bại và chịu nhiều bất công dưới các nước đế quốc phương Tây. Chính vì thế họ luôn thỉnh cầu chủ nghĩa dân tộc. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa dân tộc ở phương Tây và phương Đông. Cũng chính vì thế, các nước phương Đông rất nhạy cảm với vấn đề chủ quyền, độc lập bởi vì họ đã mất mát quá nhiều để giành được nó. Khi TQ phát triển nhanh, đã bắt đầu có yếu tố tích cực của chủ nghĩa dân tộc, đó là niềm kiêu hãnh, sự tự tin, tương tự như Nhật Bản năm mươi năm trước. Ấn Độ cũng đang gặp phải vấn đề trên và cả Việt Nam nữa. Sau chiến tranh giành độc lập, các bạn đã chiến thắng một cách vẻ vang, đánh bại đế quốc Mỹ, các bạn trở nên tự tin và kiêu hãnh hơn. Ở TQ đó là một vấn đề. Như tôi đã nói, Đảng Cộng sản TQ chưa bao giờ nhận thấy một vấn đề cơ bản liên quan đến tính hợp pháp chính trị của mình. Nói cách khác thì tính hợp pháp chính trị luôn luôn là một vấn đề. Họ phải củng cố tính hợp pháp chính trị của mình. Ở TQ có một môn học gọi là “giáo dục chủ nghĩa dân tộc”. Giáo dục chủ nghĩa dân tộc nghĩa là Đảng CS TQ luôn luôn nhắc nhở người dân rằng họ đã phải chịu khổ như thế nào trong quá khứ, tức là trước năm 1949. Dưới sự dẫn dắt vĩ đại của đảng Cộng sản TQ, người dân Trung Hoa đã thành công. Nói cách khác họ dùng yếu tố tiêu cực và yếu tố tích cực của chủ nghĩa dân tộc để củng cố cho nhau. Điều này thực sự là một hiểm hoạ vì nó mang lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Đáng ra ta phải dùng yếu tố tích cực để loại trừ yếu tố tiêu cực thì ở TQ người ta lại sử dụng cả hai yếu tố để củng cố cho nhau và tạo ra một sản phẩm nguy hiểm. Tôi cho rằng Đảng Cộng sản TQ hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Họ cố gắng kiểm soát chủ nghĩa dân tộc và những hình thức kiểm soát các hành động biểu tình chống Nhật tại TQ thời gian vừa qua là một ví dụ. Họ hiểu rằng chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành một vấn đề chính trị và làm suy yếu ổn định chính trị bởi vì chính dựa trên chủ nghĩa dân tộc mà Đảng Cộng sản TQ đã nắm quyền.

No comments:

Post a Comment