Sunday, May 16, 2010

Nguyễn Trần Bạt bàn về giá trị Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

Hỏi: Trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tác phẩm được rất nhiều người ca ngợi và học tập, đó là cuốn "Sửa đổi lối làm việc". Tác phẩm ra đời năm 1947, hai năm sau khi nước nhà giành được độc lập. Khi đó lực lượng Đảng viên chưa đông, hơn nữa tất cả đang tập trung vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và chính quyền mới thành lập. Theo ông, tại sao Hồ Chí Minh viết về một vấn đề có vẻ như không liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm của đời sống chính trị lúc đó?

Trả lời: Tôi biết đến tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Hồ Chủ tịch khi nó trở thành một xuất bản phẩm từ năm 1962. Năm đó tôi mới có 16 tuổi, nhưng với tư cách là một con người ở tuổi 16 tôi đã làm quen với nhu cầu rèn luyện bản thân. Vào những năm 60, trong điều kiện của xã hội chúng ta, những tác phẩm hiện đại và tập trung để hướng dẫn con người tu dưỡng bản thân hầu như không có, do đó, tôi chỉ có thể ăn những miếng bánh như vậy và phải nói rằng đến giờ tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm ấy. 

Đọc "Sửa đổi lối làm việc", tôi hình dung về Hồ Chí Minh như một con người có năng lực nhìn thấu thời gian, một con người có năng lực quán xuyến các khía cạnh khác nhau của đời sống, một con người có thể tập hợp được, thống kê được các vấn đề cơ bản đang diễn ra, sẽ diễn ra trong toàn bộ tiến trình chính trị mà mình là người lãnh đạo. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy rằng nếu một bà mẹ chỉ biết nghĩ đến sữa cho con uống hôm nay thì đứa con sẽ chỉ có mỗi sữa thôi, nhưng nếu bà mẹ ấy nhìn thấy rồi ngày mai con mình sẽ lớn, sẽ đi học thì đứa con chắc chắn là sẽ may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Tất cả các bà mẹ có tầm nhìn đều nghĩ tới việc học hành của con ngay từ khi mới mang thai. Năm 1997 tôi đến một trường trung học nổi tiếng cách thành phố Oxford khoảng mươi dặm để xin học cho các con tôi, bà hiệu trưởng tiếp tôi và nói rằng: Thưa ông, tôi không thể giúp gì ông trong chuyện này vì chỗ học ở trường tôi đã được đăng ký hết đến năm 2015 rồi. Trường của chúng tôi có một cái may mắt là tất cả các cặp vợ chồng quen biết với nhà trường khi mới kết hôn đã đăng ký chỗ học cho con.

Vậy tại sao Hồ Chí Minh lại quan tâm đến những vấn đề về thể chế, về nhân dân, về cán bộ, về quyền lực... khi cuộc chiến tranh chống Pháp đang ở giai đoạn khó khăn nhất? Đối với các nhà quân sự như đại tướng Võ Nguyên Giáp thì họ hình dung ra các lớp lang của cuộc chiến tranh và phân chia cuộc kháng chiến ra nhiều giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn phản công. Còn Hồ Chí Minh ở địa vị cao hơn đã hình dung ra trật tự của quá trình hình thành và phát triển nhà nước của một nước cộng hoà. Đấy là tâm trạng chủ đạo của Hồ Chí Minh. Phải nói rằng chúng ta đã may mắn có được một vị lãnh tụ như một bà mẹ không chỉ biết nghĩ đến sữa mà còn biết nghĩ đến ngôi trường và thày giáo ngay từ khi con mình mới chỉ là một bào thai.

Có thể thấy rằng năm 1947 chúng ta mới có chính quyền ở một số địa phương. Lúc bấy giờ trên lãnh thổ của chúng ta vẫn tồn tại hai loại chính quyền, chính quyền do thực dân dựng lên và chính quyền cách mạng. Nhưng Hồ Chí Minh biết rõ rằng chính quyền cách mạng sẽ tràn ngập lãnh thổ và để nắm được quyền lãnh đạo, nắm được quyền quản lý đất nước thì chính quyền cách mạng phải có các phẩm chất tốt. "Sửa đổi lối làm việc" chỉ là một cách đặt tên, nói cho đúng thì đó là sửa đổi tinh thần cơ bản của những người nhận trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo một dân tộc nhằm mục tiêu giải phóng nhân dân.


Hỏi: Đối với một đảng chính trị, đặc biệt là đảng cộng sản, thì về nguyên tắc, ý thức, tư tưởng và quan điểm chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Vậy tại sao trong "Sửa đổi lối làm việc", Hồ Chí Minh không đề cập đến tư tưởng hay lập trường của đảng viên cộng sản mà chỉ nói về vấn đề tu dưỡng phẩm chất và đạo đức của cán bộ?

Trả lời: Với tư cách là một nhà chính trị có trách nhiệm, có mục tiêu và có kế sách, Hồ Chí Minh tập trung quan tâm vào những yếu tố ảnh hưởng một cách sống còn đến sự nghiệp cụ thể. Tất cả những nhà chính trị chân chính dù theo trường phái tư tưởng nào cũng đều coi nhân dân là đối tượng quan trọng nhất của đời sống chính trị. Tất cả các tác động chính trị của họ đều hướng vào nhân dân, nhằm lôi kéo, tập hợp, tìm kiếm ở nhân dân sự ủng hộ. Nhưng khác với các nhà chính trị khác, đối tượng số một mà Hồ Chí Minh quan tâm là nhân dân bởi vì ông yêu nhân dân. Nhân dân trong tâm hồn Hồ Chí Minh như một nỗi thương cảm, nỗi day dứt, như mục tiêu sống của ông. Nhân dân của chúng ta có một lịch sử lâu dài hàng trăm năm với thân phận đau khổ và lép vế. Và Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nhân dân Việt Nam bằng tất cả sự quan trắc về sự thiếu hụt, sự đau khổ, sự bất hạnh và thân phận lép vế của họ. Cuộc cách mạng mà Hồ Chí Minh tạo ra chính là vì nhân dân. Hồ Chí Minh không nói một cách rõ ràng, nhưng ông bênh vực nhân dân như đứa con tinh thần của mình. Trong khi trang bị sức mạnh và quyền lực cho những đứa con trưởng thành, tức là các đồng chí của mình, Hồ Chí Minh rất lo lắng về thân phận của những đứa con còn lại là nhân dân. Hồ Chí Minh không quan tâm đến các đồng chí của mình với tư cách là đối tượng cần phải nâng đỡ mà với tư cách là lực lượng để giải phóng và nâng đỡ nhân dân. Ông trang bị phương tiện lý luận, phương tiện đạo đức, trang bị sức mạnh cho những đứa con trưởng thành với mục đích rõ ràng là giải phóng và nâng đỡ những đứa con còn lại. Có thể kết luận rằng, mục tiêu số một, mục tiêu tổng thể của đời sống chính trị của Hồ Chí Minh là giải phóng và nâng đỡ nhân dân. Toàn bộ tiến trình chính trị của Hồ Chí Minh là để giải phóng nhân dân.

Nếu nhìn từ góc độ này thì chúng ta sẽ thấy ông đau đáu về cái gọi là độc lập dân tộc bởi đó chính là điều kiện để giải phóng nhân dân. Qua tác phẩm này chúng ta hiểu được một điều sâu sắc rằng, ông quan tâm đến nhân dân của ông, còn cách mạng chỉ là một phương tiện. Càng đọc tác phẩm tôi càng hiểu ra một điều là nỗi khắc khoải chính trị, nỗi khắc khoải tâm hồn, nỗi khắc khoải văn hoá lớn nhất của Hồ Chí Minh là bảo vệ nhân dân. Những ai muốn tự nhận là học trò của Hồ Chí Minh thì phải hiểu rằng bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh để lại là nhân dân là đối tượng trung tâm của đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của một nhà chính trị. Nếu không nhận ra điều đó thì không thể trở thành học trò của ông được.

Cái quan tâm thứ hai của Hồ Chí Minh là quan tâm đến đồng chí của mình. Những đồng chí của ông là lực lượng mà chắc chắn bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng của mình, vào kế sách của mình, Hồ Chí Minh biết sẽ làm chủ được đất nước, sẽ thắng giặc ngoại xâm. Nhưng sau khi thắng được giặc ngoại xâm rồi thì trong tâm hồn đồng chí của mình, nhân dân là gì? Chính vì nỗi lo lắng ấy nên Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề rèn luyện đạo đức đối với các đồng chí của mình. Bằng tác phẩm này, Hồ Chí Minh trang bị cho các đồng chí của mình các công cụ mang chất lượng tiêu chuẩn đạo đức nhằm hai mục đích rất rõ ràng: thứ nhất là thu hút sự ủng hộ của nhân dân để tiến hành một cách thuận lợi cuộc kháng chiến, và thứ hai là để những người đồng chí ấy với những thói hư, tật xấu nhiễm phải không trở thành nguy cơ của nhân dân khi họ cầm quyền.

Trong cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" có đoạn Hồ Chí Minh viết: "Nếu chúng ta hỏi cán bộ: 'Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?', chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: 'Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên'. Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: 'Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?' thì e nhiều cán bộ không trả lời được. Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân." Điều đó có nghĩa là Đảng và Chính phủ là phương tiện trong nhà chính trị Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân. Học tập Hồ Chí Minh chính là học điều này. Và từ góc độ này, có thể thấy rằng, đánh đuổi đế quốc xâm lược là một chiến dịch chính trị của Hồ Chí Minh để thực hiện mục tiêu giải phóng nhân dân. Nếu không phát hiện được điều ấy thì chúng ta thấy rất khó giải quyết vấn đề hậu chiến. Vì nhầm lẫn nên chúng ta mới kéo dài mối thù một cách vô lý ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Hay nói cách khác, kéo dài lòng căm thù là một sự hiểu nhầm rất nghiêm trọng đối với các tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh.

Qua tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Hồ Chủ tịch, chúng ta thấy rất rõ ràng rằng Đảng và Chính phủ là phương tiện, không phải là mục tiêu của đời sống chính trị. Việc bảo vệ Đảng và Chính phủ cũng giống như việc chúng ta phải lau súng. Uốn nắn đạo đức của cán bộ, đảng viên chính là làm cho vũ khí chính trị của mình không hoen gỉ. Hồ Chí Minh viết quyển sách này chính là làm cho khẩu súng ấy trơn tru, không hoen gỉ để trở thành phương tiện hữu hiệu và tin cậy nhằm thực thi mục tiêu chính trị là giải phóng nhân dân. Tác phẩm này có thể được xem, được học tập như một công đoạn chính trị quan trọng, đó là duy tu, bảo quản các phương tiện chính trị sao cho nó vẫn giữ nguyên được bản chất, để có thể thực hiện mục tiêu chính trị cơ bản là giải phóng nhân dân. 

Hỏi: Đọc tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", người ta thấy Hồ Chí Minh đưa ra các tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về phẩm chất, đạo đức cá nhân đối với các đồng chí của mình và xét cho cùng, đó là những đòi hỏi, những tiêu chuẩn do cá nhân Hồ Chí Minh đặt ra chứ không phải là các tiêu chuẩn được thỏa thuận và xác lập chung. Vậy, theo ông, Hồ Chí Minh đã đặt mình vào địa vị nào, với động cơ về tình cảm và lý trí nào để đặt ra các tiêu chuẩn như vậy?

Trả lời: Không phải tự Hồ Chí Minh đặt ra những tiêu chuẩn như vậy. Đó là những đòi hỏi mà Hồ Chí Minh đặt ra bằng kinh nghiệm dày dạn trong cuộc sống, bằng sự đồng cam, cộng khổ cùng với đồng bào và đồng chí của mình. Những tiêu chuẩn này được hưởng ứng, được khâm phục là bởi vì nó không phải là đòi hỏi của Hồ Chí Minh mà là đòi hỏi của đời sống chính trị, Hồ Chí Minh chỉ có công hình dung ra một cách tổng thể các khía cạnh của đời sống chính trị để đặt ra các tiêu chuẩn. Hồ Chí Minh không phải là người chủ quan. Trong toàn bộ tác phẩm, Hồ Chí Minh luôn nói đến một nguyên tắc, đó là cần phải gần dân, thương dân và vì dân. Có thể nói, đấy là linh hồn của các đòi hỏi chính trị của Hồ Chí Minh đối với các đồng chí của mình. Muốn gần dân, thương dân và vì dân thì phải có các phương tiện, phải có các công cụ và phải có các cách thức. Bằng cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" Hồ Chí Minh đã trang bị các cách thức cho các đồng chí của mình để gần dân, thương dân và vì dân và để đi đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng nhân dân.


Trong "Sửa đổi lối làm việc" chúng ta thấy Hồ Chí Minh nói rất rõ về các phẩm chất của người đảng viên cộng sản như Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, nhưng đó không phải là các phẩm chất do Hồ Chí Minh đặt ra. Đấy là những phẩm chất đã được hình thành bởi nền văn hoá của xã hội Việt Nam, xã hội châu Á cũng như mọi xã hội khác. Chữ Nhân đã được Khổng Tử nói từ hơn 2000 năm trước. Ở phương Tây chúng ta cũng thấy rằng hầu hết các tác phẩm văn học cổ điển đều nói đến nhân đạo. Người ta nhân đạo đến mức ngay cả những thanh kiếm cũng được chế tạo rất đẹp đẽ, để cho con người ngay cả khi cầm một thứ nguy hiểm nhất là vũ khí cũng vẫn phải đẹp. Chúng ta cần phải thấy rằng, Nhân không phải là phẩm chất Hồ Chí Minh đặt ra mà là cuộc sống đặt ra và Hồ Chí Minh, với tư cách là một người lãnh đạo, đã biết đặt ra cho đồng chí của mình những phẩm chất mà con người và xã hội đòi hỏi. Giá trị của Hồ Chí Minh chính là việc khẳng định và thừa nhận tất cả các giá trị có tính kế thừa của văn minh nhân loại. Với tư cách là một nhà chính trị, thừa nhận chữ Nhân tức là Hồ Chí Minh thừa nhận các giá trị nhân đạo truyền thống mà loài người có. Hồ Chí Minh là một nhà chính trị không xuất hiện như một dị biệt mà xuất hiện từ con người, thừa nhận các truyền thống, các đặc trưng của con người. 

Đấy chính là những tiêu chuẩn mà Hồ Chí Minh sử dụng để tập hợp các yếu tố công cụ để tạo ra cuộc giải phóng nhân dân. Chính vì mục tiêu giải phóng nhân dân mà Hồ Chí Minh đã thừa nhận các phẩm chất được con người thừa nhận từ lâu. Hồ Chí Minh ý thức được tính chất khốc liệt trong sự nghiệp ấy nên ông cần những con người dũng cảm. Hồ Chí Minh tin chắc rằng bằng công cuộc chính trị này ông và các đồng chí của mình sẽ trở thành người cầm quyền, cho nên ngay từ khi mới cầm quyền ông đã phải tính đến chuyện liêm chính của bộ máy chính trị… Ở đây chúng ta có thể khẳng định rằng mục đích của Hồ Chí Minh là giải phóng con người, vì thế không có tiêu chuẩn chính trị nào ông đưa ra cho các đồng chí của mình mà xa lạ với con người cả.


Hỏi: Xin ông phân tích về tầm nhìn của Hồ Chí Minh thông qua cuốn sách?

Trả lời: Nguyên nỗi lo toan đau đáu của ông về phẩm hạnh của các đồng chí của mình đã khẳng định tầm nhìn của ông rồi. Những nỗi lo về sự suy thoái, về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho phẩm hạnh của những nhà chính trị đã xuất hiện trong ông ngay từ ban đầu. Đấy là tầm nhìn. Đọc thật kỹ quyển sách, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ của ông là nỗi lo đau đáu về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho các đồng chí của mình. Và nỗi lo ấy được xác nhận bởi thực tế tha hóa, bởi hiện tượng tham nhũng tràn lan như chúng ta đang thấy. 

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh là tầm nhìn về con người. Ông không chỉ nhìn thấy những giá trị tích cực mà còn nhìn thấy cả những mặt tiêu cực của con người. Tầm nhìn ấy lớn lắm, xa lắm. Nếu chúng ta nối tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" với Di chúc cuối cùng của cuộc đời ông thì chúng ta sẽ thấy nỗi lo ấy là một đường cong liên tục, có lúc lên, có lúc xuống. Những tham số tham gia vào nỗi lo lắng của ông khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, của cuộc cách mạng, của đời sống chính trị, nhưng nó là một đường cong liên tục. Ông lo nghĩ và đau đáu về sự tha hóa do quyền lực tạo ra cho các đồng chí của mình. Điều đó chứng tỏ ông rất hiểu con người. Toàn bộ nhịp điệu chính trị của Hồ Chí Minh là đi giữa một lằn ranh rất mảnh, rất hẹp, đó là ranh giới giữa ưu điểm và nhược điểm của các đồng chí của mình. Ông dẫn cuộc cách mạng của ông đến ngày thành công bằng sự tiên lượng, bằng sự đánh giá một cách rất cụ thể, rất chi tiết tất cả các thói hư tật xấu cũng như những ưu điểm của các đồng chí của mình. Cho nên, sự nghiệp của ông là một sự nghiệp vô cùng vất vả. Không phải chỉ có việc giải quyết các mâu thuẫn đối ngoại của cuộc chiến tranh mới là vất vả, cái đấy dễ hơn nhiều so với xử lý các mâu thuẫn trong đời sống tâm hồn của các đồng chí của mình. Hồ Chí Minh không chỉ là người có tầm nhìn, ông còn là người hoạch định được tầm nhìn của mình về con người một cách chi li đến mức hiểu được từng con người, từng đồng chí xung quanh mình. Ông cũng hiểu được tâm lý số đông trong các cộng đồng rộng hơn của các đồng chí của mình. Và xuyên suốt sự xấp xỉ cái trạng thái tích cực và tiêu cực của các đồng chí của mình, ông luôn luôn có một nỗi lo, không phải sự tan rã của các đồng chí của mình, mà là sự "xổng ra" của các thói xấu sẽ gây hại cho nhân dân của mình. Đấy là nỗi lo lớn nhất và vĩ đại nhất của Hồ Chủ tịch. Đấy không còn là tầm nhìn nữa mà là sự đọc chính tả một cách chi li, lâu dài theo thời gian của một con người vĩ đại thấu hiểu tất cả các thói hư tật xấu của con người.

Tầm nhìn là một đại lượng chung chung, nó lệ thuộc vào chất lượng của đôi mắt và trí tuệ đằng sau đôi mắt ấy. Chỉ có tầm nhìn không thôi thì chưa đủ, tầm nhìn chỉ phỏng đoán các tình huống chính trị chứ không đủ để tổ chức đời sống chính trị. Chi li đến mức đo đếm khuyết tật của con người và tai họa mà con người có thể gặp trong đời sống mới đủ để tổ chức đời sống chính trị.

Hỏi: Những phân tích của ông đã giải mã được là tại sao HCM lại viết "Sửa đổi lối làm việc". Nhiều người đọc nhưng không hiểu được động cơ của HCM khi viết quyển sách.

Trả lời: Tôi có hai đứa con trai. Khi chúng đi chơi, tôi cho mỗi đứa một ít tiền và tôi luôn theo dõi xem thằng anh hay thằng em chi tiền. Tôi luôn luôn lo sợ rằng thằng anh sử dụng uy thế của mình để bắt thằng em chi tiền và do đó dự trữ của thằng em cho những lúc rủi ro ít hơn thằng anh. Đấy là tâm trạng của Hồ Chí Minh khi viết quyển sách này, ông luôn luôn lo lắng không biết đứa con lớn có bắt nạt đứa con bé không, nếu mình trang bị cho nó quyền lực. Nỗi lo ấy không chỉ là tầm nhìn mà đó là nỗi lo của thánh nhân đối với việc hình dung ra thân phận lâu dài của con người. Tôi cho rằng nếu học tập quyển sách "Sửa đổi lối làm việc" của Hồ Chí Minh theo tinh thần mà chúng ta đã phân tích thì chắc chắn là đất nước này sau một năm sẽ thay đổi.


Chúng ta đều biết rằng, để xây dựng nhà nước người ta có rất nhiều công cụ khoa học, tất cả các công cụ đó về bản chất đều hướng tới việc hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước. Hồ Chí Minh không nói nhiều đến kiến thức hay lý luận về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng ông có những nỗi lo còn lớn hơn cả kiến thức và lý luận. Bắt đầu từ tình yêu nhân dân mà Hồ Chí Minh hình dung ra sự tha hoá của quyền lực, và bắt đầu từ sự lo lắng cho thân phận của con người mà Hồ Chí Minh thức tỉnh về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực.Tác phẩm này có giá trị như một sự thông báo với xã hội chúng ta rằng luôn luôn cần có các cách thức để kiểm soát quyền lực, nếu không thì đối tượng phải chịu tất cả các thất thiệt do việc lạm dụng quyền lực là nhân dân. 

Vì không thể lý tưởng hoá con người một cách hoàn toàn được nên con người luôn luôn đi tìm những cách thức, công cụ để hạn chế việc lạm dụng quyền lực công, đấy là công việc phổ biến trên toàn thế giới. Việc rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức mà Hồ Chí Minh nói trong cuốn sách chính là một đóng góp của ông vào kho tàng các biện pháp để kiểm soát quyền lực. Vậy đóng góp ấy có giá trị không? Cùng với sự phát triển và đa dạng hoá của đời sống thì kiểm soát bằng đạo đức chiếm tỷ lệ không cao trong kiểm soát quyền lực công, nhưng giá trị của nó thì vĩnh viễn. Lúc nào, ở đâu và vào thời đại nào con người cũng phải rèn luyện đạo đức để không lạm dụng quyền lực. Trong thời đại của chúng ta, song song với việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong việc sử dụng quyền lực công, xã hội vẫn phải xây dựng các thể chế để kiểm soát quyền lực. Xây dựng thể chế để kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ việc sử dụng quyền lực nhà nước là nhiệm vụ của những người còn sống. Nhưng trong khi xây dựng thể chế, chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có đạo đức thì thể chế được xây dựng chỉ có thể hạn chế được cái xấu mà không tạo ra được cái tốt. Ứng dụng các bài học đạo đức từ tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" chính là một cách thức để làm cho thể chế hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không thể đối lập hay tách rời giữa đạo đức và thể chế, bởi vì xây dựng thể chế là công việc của nhà cầm quyền, còn rèn luyện đạo đức là để nhân dân thừa nhận nhà cầm quyền. Nếu nhân dân không tin tưởng vào đạo đức của nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ không có cơ hội và điều kiện để xây dựng thể chế.

Không chỉ có thế, việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần Hồ Chí Minh, tâm hồn Hồ Chí Minh còn có giá trị ở chỗ nó hướng dẫn mỗi người tìm kiếm tự do cho chính mình. Mỗi con người, dù là người có quyền hay không có quyền mà không có đạo đức thì sẽ bị kiểm soát bằng thể chế, mà kiểm soát bằng bất kỳ cái gì đều là mất tự do. Cho nên, càng rèn luyện, tu dưỡng để có sự trong sáng và ngay thẳng trong tâm hồn thì chúng ta càng tự do. Tự do gắn liền với đạo đức và không bao giờ xa rời đạo đức. 

Hỏi: Hiện nay vẫn có những quan điểm tranh cãi xung quanh vấn đề cái gì thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành năm 1911 rời đất nước? Có ba phương án: một là do tinh yêu thương đối với đồng loại, hai là do sự căm thù với thực dân đang giày xéo đất nước và thứ ba do sự tự ái của một kẻ mất nước. Đấy là những phỏng đoán của những người tôn sùng Hồ Chí Minh. Còn những người tầm thường khác thì giải thích theo những cách rất tầm thường. Vậy ông lý giải như thế nào về vấn đề này? 

Trả lời: Tôi sẽ không bàn đến chuyện rất nhiều người tầm thường cố gắng giải thích một cách tầm thường về Hồ Chí Minh. Bởi vì đã là những con người tầm thường thì giải thích mọi cái đều tầm thường, nếu không thì chúng ta không hiểu được họ. Tổ chức ra một mục tiêu như tìm lại độc lập dân tộc và trở thành nguyên thủ của một quốc gia khó hơn nhiều so với việc tìm cách để thành đạt cho cá nhân mình rồi gỡ tội cho cha. So với việc tạo ra đất nước và tạo ra nền độc lập dân tộc thì những việc kia dễ hơn nhiều. Hồ Chí Minh đã tiếp cận và xây dựng quan hệ với những đối tượng cực kỳ khó ở trên thế giới và để giải quyết những vấn đề của mình, ông có hàng trăm, hàng nghìn cách. Khi còn là thanh niên, ông đã sang Pháp và làm quen với Romain Rolland, Henri Barbusse và Paul Vaillant Couturier, những nhà văn đồng thời cũng là nhà chính trị nổi tiếng của nước Pháp. Ông cũng làm quen với những vĩ nhân, những nhà văn hoá vĩ đại của nhân loại như Picasso, như Charlie Chaplin. Đấy là chưa kể đến những nhà chính trị của nhân loại. Để làm quen với những con người như vậy không hề dễ gì với một chàng trai đến từ một xứ lạc hậu, lại một mình trên đất khách quê người. Hồ Chí Minh là thiên tài trong việc tổ chức các quan hệ của mình với các danh nhân. Cho nên, có những cách giải thích về Hồ Chí Minh một cách tầm thường là vì đó là giải thích của những người tầm thường. Cái đó không đáng lên án. Chắc chắn là Hồ Chí Minh đi tìm con đường để thoả mãn khát vọng chính trị cơ bản của mình và khát vọng đó bộc lộ dần thông qua những tác phẩm, cũng như các hành động và các thành tựu của Hồ Chí Minh, đó là giải phóng nhân dân. Điều đó không cần phải tranh luận.

Tất cả cái vĩ đại của Hồ Chí Minh là ông có rất nhiều hành động để được giải thích một cách khác nhau. Hiện tượng các tầng lớp xã hội khác nhau giải thích về các hành động của Hồ Chí Minh một cách rất khác nhau là một hiện tượng tất yếu. Một người không gây ra được sự chú ý rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thì liệu người đó có thể tạo ra ảnh hưởng chính trị không? Cho nên sự giải thích khác nhau về các cung bậc khác nhau hay các mức độ khác nhau của các giá trị Hồ Chí Minh nghe thì có vẻ lộn xộn và mâu thuẫn nhưng đó chính là sức mạnh chính trị của Hồ Chí Minh, bởi vì ông tập hợp được sự chú ý của các tầng lớp xã hội khác nhau. Tức là trong cái phổ chất lượng hành vi của Hồ Chí Minh có chứa đựng các yếu tố văn hoá gây ra sự chú ý khác nhau của các tầng lớp xã hội khác nhau và đấy là sự tài hoa của nhà chính trị. Sự tài hoa của một nhà chính trị thông thường có thể đủ để gây ra sự chú ý nhưng chưa chắc đã đủ để tạo ra sự chú ý liên tục như Hồ Chí Minh. Ông gây ra sự chú ý và theo dõi liên tục của tất cả các tầng lớp xã hội bởi vì trong ông chứa đựng những phẩm chất buộc con người phải chú ý và những phẩm chất ấy rất gần gũi với con người. Cho nên chính những sự phân tích có vẻ mâu thuẫn và phong phú về Hồ Chí Minh đã phản ánh phẩm giá của Hồ Chí Minh, phản ánh trí tuệ và cách thức khôn ngoan của Hồ Chí Minh với tư cách là một nhà hoạt động chính trị và xã hội.

Hỏi: Theo ông, trong con người Hồ Chí Minh lúc ấy tâm lý nào là tâm lý chủ đạo: tình yêu, lòng căm thù (ở đây là căm thù kẻ xâm lược) và lòng tự ái (ở đây là lòng tự ái của kẻ bị mất nước)? 

Trả lời: Tôi cho là chỉ có cái thứ nhất, không có hai cái sau. Con người mà sử dụng cuộc đời mình để thoả mãn các tự ái thì sẽ không có sự nghiệp, cho dù đó là tự ái gì. Nếu động cơ của Hồ Chí Minh là tự ái thì người ta sẽ tìm cách xoa dịu ngay. Và trên thực tế không chỉ có nhà cầm quyền Pháp muốn xoa dịu Hồ Chí Minh mà ngay cả xã hội Pháp cũng chấp nhận ông, những nhà chính trị có chất lượng đồng chí ở Pháp cũng chấp nhận ông. Nói cho cùng ông cũng đã có một chút địa vị xã hội đủ để thoả mãn tự ái của một con người.

Cấp độ thứ hai cao hơn là lòng căm thù thì tôi không tin là Hồ Chí Minh có tâm lý ấy, bởi vì ông không có kẻ thù xâm phạm đến quyền lợi cá nhân của ông một cách trực tiếp, mà không có kẻ thù của cá nhân mình thì không thể có lòng căm thù được. Nhiều người nói rằng căm thù thực dân vì chúng bóc lột nhân dân của mình, nhưng tôi cho rằng sự gán ghép hai động cơ này với nhau là vô lý, là không biện chứng. Con người chỉ căm thù cái gì đó khi nó gây thất thiệt cho chính họ. Hồ Chí Minh không phải là người bị thất thiệt, Hồ Chí Minh không muốn cái gì khác nên không thất thiệt. Ông không có lòng căm thù, thậm chí có những bằng chứng, những cơ sở để có thể biến mất lòng căm thù nếu như từ đầu ông có một chút. Chúng ta đều thấy là rất nhiều người làm việc với người nước ngoài khi đã 70, 80 tuổi vẫn rất nhớ đến người đồng nghiệp cũ, sếp cũ hay thày cũ của mình. Con người sống với nhau trong những va chạm cá nhân và ở đó có cả sự bực bội lẫn sự bịn rịn, mà người phương Tây nói chung rất giỏi trong việc chủ động tạo ra sự bịn rịn. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể bịn rịn những người bạn phương Tây, những người bạn Pháp của mình. Làm sao có thể duy trì lòng căm thù người Pháp khi ông nhận được từ những người bạn Pháp tình cảm có thật? Hồ Chí Minh chưa bao giờ là nạn nhân của sự cố ý nào từ phía người Pháp, trừ trường hợp khi ông là nhà chính trị. Nếu căm thù người Pháp thì tại sao ông lại sang Pháp? Tôi không tin rằng cả tự ái cá nhân lẫn lòng căm thù tạo ra sự vĩ đại của Hồ Chủ tịch hay tạo ra động cơ chính trị của Hồ Chủ tịch. Nếu chỉ là độc lập dân tộc thôi thì những kẻ thực dân thừa khôn ngoan để tạo ra những cái vỏ hình thức của khái niệm này.

Hồ Chí Minh làm Cách mạng Tháng Tám là để tiếp cận quyền lực từ phía triều đình nhà Nguyễn, tức là khái niệm độc lập dân tộc như việc tồn tại một nhà nước của người Việt là vẫn có, mặc dù nó bị chia làm ba kỳ và được cai trị bằng chế độ thuộc địa và chế độ bảo hộ. Là một nhà chính trị, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng đấy là những trạng thái khác nhau, những cấp độ khác nhau của khái niệm được gọi là độc lập dân tộc. Nhưng Hồ Chí Minh tìm độc lập dân tộc trong sự thống nhất, trong sự nhất quán, trong sự trọn vẹn của đất nước, cho nên, ông không chấp nhận những trạng thái, những mức độ độc lập dân tộc trước ông. Ông định nghĩa độc lập dân tộc là sự trọn vẹn, là sự toàn vẹn, là sự thống nhất của nước Việt Nam, vì thế, ông đã theo đuổi cuộc chiến tranh miền Nam cho đến khi nó thành công. Có thể nói định nghĩa độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh khác với các định nghĩa khác. Khi chấp nhận Việt Nam là quốc gia độc lập trong khuôn khổ của Liên hiệp Pháp là ông muốn tránh một cuộc chiến tranh lúc chính quyền cách mạng còn sơ khai. Vì lực lượng cách mạng còn yếu nên ông buộc phải chấp nhận hiệp định sơ bộ, nhưng trong tâm hồn ông không chấp nhận điều đó.

Tuy nhiên, độc lập dân tộc trong sự toàn vẹn, trong sự trọn vẹn của nó cũng không phải là mục tiêu khó nhất, bởi vì giai đoạn Hồ Chí Minh tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là giai đoạn mà phong trào đòi độc lập dân tộc trở thành một phong trào lớn của thế giới. Sau khi chiến tranh Thế giới Thứ Hai kết thúc thì các quốc gia trong phong trào này đều tìm được độc lập dân tộc. Người Ấn độ giành độc lập năm 1947, Người Trung Quốc năm 1949, người Malaysia năm 1957... Cho nên, mục tiêu độc lập dân tộc là một mục tiêu quan trọng nhưng không khó mà cái khó là giải phóng và tìm kiếm tự do cho nhân dân, khó đến mức mà 50 năm sau Hồ Chí Minh điều đó vẫn chưa đạt được. Ngay cả trong khái niệm độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh chúng ta cũng có thể khẳng định là không có sự căm thù. Ở cá nhân Hồ Chí Minh lòng căm thù không phải là một động lực chính trị cơ bản. Động lực chính trị của ông là đi tìm độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân, cái mà sau này ông viết trong Tuyên ngôn Độc lập.

Tóm lại, không phải lòng căm thù đế quốc Pháp, không phải là sự tự ái cá nhân mà tình yêu đối với nhân dân chính là động lực chính trị duy nhất và cơ bản nhất của Hồ Chí Minh.

Hỏi: Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó. Cho đến nay nhiều người nước ngoài vẫn băn khoăn chưa rõ rằng Hồ Chí Minh là nhà độc tài hay là nhà dân chủ. Ý kiến của ông về khía cạnh này như thế nào?

Trả lời: Nếu Hồ Chí Minh là một nhà độc tài thì tất cả các lực lượng nằm dưới quyền của ông đều không có chữ "Nhân dân", Hiệu sách Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân... Nhân dân là lý tưởng chính trị của Hồ Chí Minh. Nếu xét về mặt khát vọng chính trị thì Hồ Chí Minh là một người thuộc về nhân dân. Sự lâu bền của các giá trị chính trị của Hồ Chí Minh mà cho đến bây giờ vẫn còn có tác dụng đối với đời sống chính trị của chúng ta chính là do động cơ nhân dân của ông. Hồ Chí Minh đã hy sinh toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp chung. Vậy ông hy sinh để làm gi? Để tập hợp nhân dân. Không thể nghi ngờ động cơ nhân dân, động cơ con người của Hồ Chí Minh. Ngày xưa chúng ta vẫn thấy Hồ Chí Minh đi bộ, nhưng có bao giờ chúng ta thấy sự tuyên truyền nào về việc đó đâu. Còn bây giờ chi phí để tuyên truyền về việc một Thứ trưởng đi xe máy đến chỗ làm việc tốn kém ngang với mua một cái ôtô. Chúng ta đều biết rằng chi phí cho 1 phút quảng cáo là khoảng 3.000 đô la, mà để nói về chuyện ấy phải mất 10 phút, tức là tốn 30.000 đô la. Số tiền ấy có thể mua được ôtô. Hồ Chí Minh không quảng cáo đạo đức của mình, ông sống trong sự im lặng với những ưu điểm riêng của mình. Những sự hy sinh lợi ích cá nhân, hưởng thụ cá nhân là một hiện tượng có thật, một sự thật về Hồ Chí Minh. Nhưng sự hy sinh đó không phải là ngẫu hứng, Hồ Chí Minh biết rất rõ rằng, với nhân dân Việt Nam nếu người lãnh đạo không có đức hy sinh như vậy thì sẽ không có sự hấp dẫn chính trị. Trong các nhà lãnh đạo của dân tộc chúng ta có những người giản dị, có những người dân dã mà bản thân đó đã là sự hấp dẫn. Sự dân dã một cách bản năng chưa được gọt giũa và được mài sắc bằng sự hiểu biết cũng đủ để có thể tạo ra sức hấp dẫn và đấy chính là đặc điểm của người Việt. Là một nhà chính trị của Việt Nam thì phải biết rằng nếu không khiêm tốn và giản dị thì không thể trở thành người tập hợp tình cảm, sự ủng hộ và sự đồng thuận của xã hội được. Cái mà chúng ta học tập ở cuốn sách này là nếu không có những sự hy sinh đơn giản và sơ cấp như vậy trong đời sống sinh hoạt của một nhà chính trị thì người đó không trở thành kẻ hấp dẫn chính trị đối với xã hội của chúng ta.

Hỏi: Nhiều người vẫn thắc mắc rằng để phấn đấu trở thành một nhà chính trị thì người ta phải hy sinh, nhưng khi đã đạt đến đỉnh cao thì tại sao Hồ Chí Minh vẫn sống theo nguyên tắc như vậy? Theo ông, đó là động cơ hay là thẩm mỹ chính trị của Hồ Chí Minh?

Trả lời: Tôi nghĩ là cả hai. Hồ Chí Minh hiểu người dân Việt Nam, hiểu tiến trình phát triển tâm lý xã hội của các giá trị văn hoá Việt Nam cho đến khi ông mất, thậm chí cả sau khi ông mất. Hồ Chí Minh sống khiêm tốn và giản dị là bởi vì ông biết rằng đó là một loại sức mạnh chính trị. Với tư cách là một nhà chính trị bậc thầy, một nhà chính trị khôn ngoan, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng cái đó không phải chỉ là tác phong, chỉ là tư đức mà còn là công cụ chính trị trong điều kiện của những xã hội như xã hội của chúng ta. Ông giữ gìn sự giản dị, khiêm nhường của mình không chỉ bởi vì đấy là lối sống tự nhiên của ông, mà còn vì ông hiểu rằng lối sống ấy tạo ra sức mạnh chính trị.

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có trí tuệ, ông không bản năng khi giản dị và khiêm tốn. Hồ Chí Minh đã từng sống trong những điều kiện không hề giản dị. Ông quen với nhiều người bạn lớn và những người bạn lớn của ông thì không phải người nào cũng khiêm tốn. Ông được những nhà văn hoá, những nhà khoa học bậc thầy như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Trần Đức Thảo tôn sùng thành thủ lãnh, thành thần tượng của mình. Để đến gần và làm quen với những người như thế không phải là dễ, bản thân những mối quan hệ ấy xác lập những căn cứ rất căn bản để con người có thể tự hào. Tự hào và tự mãn là hai tờ giấy rất mỏng để bên cạnh nhau và khoảng cách giữa chúng còn mỏng hơn cả tờ giấy. Hồ Chí Minh hoàn toàn có điều kiện để tự hào và chỉ sao nhãng một chút thôi là trở thành kẻ tự mãn. Chỉ có trí tuệ chính trị mới làm cho ông không trở thành kẻ tự mãn được. Chỉ có ý thức tự giác về giá trị chính trị của sự khiêm tốn và giản dị mới giữ ông một cách tự giác trong ranh giới mong manh như vậy giữa tự hào và tự mãn. Nhiều nhà chính trị có thể vẫn vĩ đại nhưng khiêm tốn thì không. Vậy đấy là tính cách ngẫu nhiên của Hồ Chí Minh hay là thẩm mỹ chính trị của ông? Tôi khẳng định đấy là thẩm mỹ chính trị, bởi vì Hồ Chí Minh ý thức rất rõ rằng đối với nhân dân các nước chậm phát triển, đang phát triển như chúng ta thì sự khiêm tốn và giản dị là sức mạnh chính trị. Cho nên khi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải khẳng định với những nhà chính trị rằng đánh mất sự khiêm tốn và giản dị chính là đánh mất sức mạnh chính trị chứ không phải là đánh mất tư đức. Khiêm tốn và giản dị không phải là phương thức để Hồ Chí Minh giữ gìn địa vị chính trị của mình mà đấy chính là sức mạnh chính trị của Hồ Chí Minh để hấp dẫn nhân dân, để dẫn nhân dân đi đến mục tiêu giải phóng chính họ. Con người chỉ có thể kiên nhẫn, nhẫn nhục trong tình yêu và trong sự khiếp sợ. Ở Hồ Chí Minh không có sự khiếp sợ, ông dám đứng lên làm một cuộc kháng chiến chỉ vì một điều, đó là tình yêu. Yêu ai, yêu cái gì mà Hồ Chí Minh kiên nhẫn như vậy đối với các phẩm chất của mình là giản dị và khiêm tốn? Đó là tình yêu nhân dân. 

Hỏi: Vậy theo ông các phẩm chất của Hồ Chí Minh có tạo ra được sự hấp dẫn đối với các đồng chí của ông không? 

Trả lời: Có một câu nói rất hay đại ý là không ai là vĩ nhân đối với người hầu phòng. Sự hấp dẫn đối với những kẻ ở xa và hấp dẫn đối với những người ở gần đòi hỏi hai loại công nghệ khác nhau, hai cách thức khác nhau. Không phải tất cả mọi người đều bị Hồ Chí Minh thu phục tuyệt đối và Hồ Chí Minh cũng không kỳ vọng điều ấy. Sự phân bố những người bị Hồ Chí Minh hấp dẫn không giống như hiện nay chúng ta mô tả. Tôi thấy rằng, những người có giáo dục bị Hồ Chí Minh hấp dẫn lâu hơn và sâu hơn so với những người ít giáo dục. Tại sao? Bởi vì đó là sự cảm phục có thật. Cho nên, sự phân bố những người bị Hồ Chí Minh thu phục không hề lệ thuộc vào việc họ có phải là người cộng sản hay không. Vậy Hồ Chí Minh hấp dẫn ai và hẫp dẫn bằng gì? Muốn học tập tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta phải biết Hồ Chí Minh hấp dẫn con người bằng gì. Nhưng nếu ai đó trả lời là bằng cái này hay bằng cái kia là sai. Bằng cái gì là do Hồ Chí Minh lựa chọn và sự lựa chọn đó rất kỹ đối với từng đối tượng. Hồ Chí Minh chủ động hấp dẫn người khác, Hồ Chí Minh có ý thức về việc tạo ra sự hấp dẫn của cá nhân mình đối với những đối tượng khác nhau và có ích cho sự nghiệp giải phóng nhân dân. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, khát vọng giải phóng nhân dân là giá trị chung nhất và phổ biến nhất trong sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh. Cho nên, đối với mỗi con người, học tập Hồ Chí Minh chính là học tập để cấu tạo cho tâm hồn mình có một chút gì đó chung với Hồ Chí Minh. Tôi là người học tập Hồ Chí Minh từ năm 16 tuổi, tôi đi tìm các giá trị tinh thần, giá trị tâm hồn của Hồ Chí Minh để học chứ không phải là học và làm theo tác phong của ông.

Hồ Chí Minh hấp dẫn người khác một cách có ý thức mà để mà hấp dẫn người khác một cách có ý thức thì phải rất đa dạng về đời sống văn hoá và tinh thần. Để hấp dẫn giáo sư Trần Đức Thảo thì Hồ Chí Minh phải có chất lượng của một nhà hiền triết hoặc ít nhất là biết hưởng ứng và cảm nhận các giá trị triết học. Hay nếu không phải là một nhà nhân văn, nếu không phải là một người có chất lượng văn học thì Hồ Chí Minh không hấp dẫn được giáo sư Nguyễn Mạnh Tường. Ở Hồ Chí Minh có những sự chuẩn bị rất chu đáo để hấp dẫn những đối tượng đặc biệt như thế. Nếu con người không chuẩn bị cho mình hấp dẫn thì làm sao hấp dẫn nổi những người như vậy? Hồ Chí Minh hấp dẫn cả những người như giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Tạ Quang Bửu. Ở thời Hồ Chí Minh không có nhiều công cụ để thuyết phục và cũng không có các công cụ để khuất phục con người như bây giờ. Ông chỉ có những công cụ được khoác một bộ áo mà ai cũng hiểu được và cảm phục, đó là đạo đức. Giữ gìn đạo đức và rèn luyện các tiêu chuẩn đạo đức của mình là các công cụ chính trị duy nhất của Hồ Chí Minh. Cho nên, nếu không mài sắc cái vũ khí duy nhất mà mình có trong điều kiện khó khăn của chính quyền cách mạng thì làm sao Hồ Chí Minh trở thành nhà chính trị, nhà lãnh đạo thành công được. Đi tìm sự cảm phục của con người hay chinh phục con người, hấp dẫn con người là công cụ chính trị gần như duy nhất và chủ yếu của Hồ Chí Minh. Ngay cả sự quyết tâm của ông cũng tạo ra sự hấp dẫn.

Sự dũng cảm của HCM khi lên tàu đi thương thuyết mà hoàn toàn có thể bị bắt làm con tin cũng tạo ra sự hẫp dẫn. Bây giờ chúng ta không có nhiều người dũng cảm như thế. Cho nên, có thể nói Hồ Chí Minh hấp dẫn con người bằng tình yêu con người của mình, bằng ý chí sắt đá của mình, bằng sự dung dị và khiêm nhường của mình, bằng sự đa dạng tinh thần của mình, bằng sự thông thái của trí tuệ của mình.

Chính vì vậy, có thể coi "Sửa đổi lối làm việc" là một tuyên ngôn về cách thức chính trị. Nó không hoàn toàn giống như cái tên của nó. Học tập cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" là một cách thức để phục sinh lại sức mạnh chính trị của những người cộng sản Việt Nam, hay là của bất kỳ đảng chính trị Việt Nam nào cầm quyền. Và thực chất sửa đổi lối làm việc là sửa đổi lề lối quan hệ với nhân dân.

Hỏi: Với tư cách là một nhà nghiên cứu chính trị, theo ông, ở thời điểm hiện tại những bài học nào từ Hồ Chí Minh vẫn có giá trị thiết thực và những bài học nào chỉ còn là giá trị lịch sử?

Trả lời: Để trở thành một con người hấp dẫn người khác và có thể xây dựng quan hệ thân ái với con người thì không có bài học nào chỉ còn giá trị lịch sử. Nó vẫn còn tiếp tục có giá trị vĩnh viễn. Rèn luyện mình để trở thành một người hấp dẫn với con người, thân thiện với con người, gần con người và hiểu con người là những kinh nghiệm có giá trị vĩnh viễn. Chừng nào con người còn thì sự rèn luyện như vậy vẫn còn cần thiết. Chúng ta đừng rèn luyện mình để mị dân. Cần phải rèn luyện mình để nhân dân cảm phục về sự chân thành, về sự uyên bác của mình. Cần phải rèn luyện để nhân dân khâm phục tài của mình, khâm phục đức của mình, khâm phục lòng tốt của mình, khâm phục cả sự lãng mạn và chân thực của mình. Nếu trong tâm hồn anh không có tình yêu đối với đồng chí, với đồng loại thì anh không học tập Hồ Chí Minh được. Suy ra cho cùng, sự chân thật chính trị là vũ khí cơ bản của nhà chính trị. Nhà chính trị chân chính là người biết thuyết phục xã hội bằng sự chân thật chứ không phải bằng các mưu mẹo và càng không phải bằng các biện pháp tuyên truyền.

Học tập đạo đức và tư cách Hồ Chí Minh trước hết nên được tổ chức ở bộ phận cao nhất của đời sống chính trị Việt Nam bây giờ, và nếu chúng ta không học một cách chân thành thì chúng ta sẽ không có sức mạnh chính trị. Thời đại càng phát triển thì giá trị này của Hồ Chí Minh càng lớn. Xã hội càng dân chủ thì càng cần phải thuyết phục con người chứ không phải là cưỡng bức con người. Khi nào mà con người còn quyền tự do thích và không thích thì những cách thức của Hồ Chí Minh còn có giá trị. Có những lúc con người có thể cưỡng bức được tình yêu của người khác, hoặc trong thời đại này người ta còn có thể mua sự ủng hộ và sự yêu mến của người khác, nhưng bằng những cách thức như vậy không thể tạo ra những tình cảm ổn định, và không thể tạo ra các hiệu quả chính trị bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment