Wednesday, May 19, 2010

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí Time

 Phạm Xuân Nguyên

Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn tám mươi lăm năm qua, đã có năm lần hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.

Time 22.11.1954.jpg
Lần thứ nhất chân dung Bác Hồ xuất hiện ở bìa số ra ngày 22.11.1954 với chủ đề "Hồ Chí Minh của Đông Dương". Bài viết cho ảnh trang bìa là nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc Việt Nam sống dưới chế độ cách mạng của chính quyền Hồ Chí Minh. Tác giả mô tả lại quang cảnh Hà Nội ngày giải phóng, khi đoàn quân Việt Minh từ rừng núi tiến về. Tiếp đó hành trình cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại cùng với quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ấn tượng về lãnh tụ Việt Minh được thể hiện qua câu chuyện sau được tác giả bài viết kể lại. Một người dân Việt Nam ở trong thành phố vừa được giải phóng nói rằng mình đã được thấy ông Hồ. "Ông ấy là tấm gương sống của một nhà cách mạng. Ông ấy có một cuộc đời riêng không thể nào chê trách được. Ông ấy ăn mặc giản dị. Ông ấy là một người thông minh. Ông ấy nói tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt. Ông ấy rất khéo léo: khi ông ấy nói chuyện với mọi người ông ấy nói thẳng thắn để đứa bé lên tám cũng hiểu được. Ông ấy nhẫn nại vô cùng. Ông ấy đã hy sinh cả cuộc đời riêng của mình cho cách mạng". Tác giả dẫn thêm lời của nhà cách mạng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nói về Hồ Chí Minh: "Đó là một người đáng yêu và thân thiện vô cùng..., một con người hết sức mong muốn hòa bình". Trong mắt người viết: "Hồ Chí Minh là một người mảnh khảnh, ôn hòa, nói năng chậm rãi, thái độ cương quyết nhưng không làm ai giận. Ông là người biết ngồi ghé vào mép ghế, tay khoanh vào lòng. "Các chú phải biết nêu gương khiêm tốn, khổ cực cho mọi người", đôi khi ông khuyên bảo các đồng sự vậy, rồi bước đi qua các làng mạc, với chiếc ba lô trên vai. Hồ Chí Minh làm việc từ 16 đến 18 tiếng một ngày, thường có chiếc áo khoác vắt vai vì hình như ông hay bị lạnh. Ông tự coi mình là con người của thế giới. "Moskva là thành phố anh hùng", có lần ông vui vẻ nói, "nhưng Paris mới là nơi vui sống".

Time 16.7.1965.jpg
Lần thứ hai chân dung Bác Hồ xuất hiện ở bìa số ra ngày 16.7.1965 với chủ đề "Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng". Đây là một năm sau ngày đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc. Bài viết cho ảnh trang bìa mang đầu đề "Bắc Việt Nam: Nhà mác xít trong rừng sâu". Chiến tranh ngày càng lan rộng, đất nước phải đương đầu với cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Nhưng "Hà Nội đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn thể. Hồ Chí Minh là thế, vị thánh râu dài của nước Việt Nam cộng sản, ở tuổi 75, ông là lãnh tụ phe Đỏ già nhất, từng trải nhất. Ông Hồ của Bắc Việt Nam đã đưa ra lập trường cuối cùng và kiên định nhất của mình, và cả đất nước non trẻ của ông đã sẵn sàng chiến thắng hay là chết cùng với ông. Ngay cả dù cho không lực Mỹ ngày càng bỏ bom sát gần Hà Nội đông dân cư thì vẫn không thấy ông Hồ tỏ ra có dấu hiệu nao núng". Trong mắt ký giả Mỹ lúc này, Hồ Chí Minh ở tuổi 75 trông lại khỏe mạnh. "Những vị khách vừa đây tới thăm chủ tịch phủ đã bắt gặp một ông Hồ hồng hào, vui vẻ. Là một nhà lãnh đạo cộng sản nhưng ông lại có khiếu hài hước: một lần Chu Ân Lai nói chuyện tại Hà Nội, ông Hồ đã lên sân khấu ngồi bên cạnh diễn giả, khéo léo bắt chước từng cử chỉ và nét mặt của Chu khiến cử tọa thích thú, còn Chu thì bối rối".

Time 14.1.1966.jpg
Lần thứ ba Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa của Time là trong bức ảnh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin ở số ra ngày 14.1.1966. Bìa số này đăng hai bức ảnh, phía trên bức này là bức ảnh chụp tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn đang họp bàn tại Ranch. Chủ đề của số này là "Cuộc tấn công hòa bình của Mỹ và sự đáp trả của cộng sản". Bài viết cho ảnh trang bìa là "Nhiệm kỳ tổng thống: sự thay đổi trên sân khấu" đề cập đến thông điệp liên bang hàng năm của tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson mà trọng tâm vẫn là vấn đề cuộc chiến Việt Nam. Hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam hiện ra ở trang bìa là để nhấn mạnh hơn điều mà bài báo nêu lên khi bình luận bản thông điệp hàng năm của tổng thống Mỹ: "Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của ông ta sẽ phải là quyết xem nước Mỹ sẽ đi về đâu trong cuộc chiến tranh Việt Nam".

Time 12.9.1969.jpg
Lần thứ tư chân dung Hồ Chí Minh lại xuất hiện trên trang bìa Time là ở số ra ngày 12.9.1969. Lúc này lãnh tụ Việt Nam vừa mất nên chủ đề của số là "Kỷ nguyên mới ở Bắc Việt Nam" cùng với bài viết cho ảnh trang bìa có tên "Di sản của Hồ Chí Minh".

"Khi vị Chủ tịch Bắc Việt Nam qua đời vì bệnh tim tuần trước ở Hà Nội, ông đã để lại một di sản hoàn thành rất ấn tượng. Ông đã đưa lại ý niệm quốc gia cho nước Việt Nam. Ông đã tiến tới thể hiện một hình thức "chủ nghĩa cộng sản dân tộc" vừa giúp ông tách ra khỏi quỹ đạo Xô - Trung, nhưng lại vừa thúc đẩy cả hai cường quốc đó ve vãn ông. Với nguồn tài nguyên hạn chế của một dân tộc châu Á nghèo khổ - cộng với sự giúp đỡ từ Bắc Kinh và Moskva - ông đã chống lại được hỏa lực to lớn của một nước công nghiệp mạnh nhất trên trái đất. Khi làm thế, ông đã buộc một tổng thống Mỹ phải rời khỏi nhiệm sở và làm hoen ố ký ức về một tổng thống khác. Ông đã đi sâu vào xã hội Mỹ thông qua cuộc chiến tới mức tác động đến giới trẻ phản kháng, đến những người da đen lo lắng không yên, đến những cận vệ binh của các giá trị cũ đang bị đe dọa - chính ngay hình ảnh của đất nước. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là dành để tạo ra một nước Việt Nam thống nhất, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Ông được nhân dân cả hai miền Bắc - Nam gọi là "Bác Hồ". Không một lãnh tụ dân tộc nào còn sống hiện nay ngoan cường đứng vững được lâu đến thế trước mũi súng kẻ thù. Sự qua đời của ông chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lan xa ở Bắc Việt Nam, ở châu Á và ngoài đó nữa".

Di sản Hồ Chí Minh để lại là một ban lãnh đạo đất nước ổn định, vững chắc với những người kế tục sự nghiệp của ông Hồ đã được rèn luyện, thử thách trong cách mạng và kháng chiến. Bài viết cũng nói đến một di sản nữa là kinh nghiệm của Hồ Chí Minh biết giữ thăng bằng giữa Xô - Trung vì quyền lợi dân tộc. Ông Hồ đã có nghệ thuật chính trị này từ trong quá trình hoạt động cách mạng lâu dài của mình. Tác giả bài viết kể lại sự kiện Hồ Chí Minh giúp đỡ cho đội OSS của Mỹ năm 1945 tại Việt Bắc. "Những cuộc tiếp xúc chân thành của ông với người Mỹ đã khích lệ ông Hồ hy vọng vào sự giúp đỡ của Mỹ cho Việt Minh. Frank White, cựu phóng viên Time, nhớ lại là đầu năm 1946, khi đang là thiếu tá quân đội Mỹ, ông được ông Hồ mời dự một bữa tiệc tiếp khách chính thức tại Hà Nội. Khách mời bữa đó gồm các vị chỉ huy và viên chức cao cấp của Pháp, Trung Quốc và Anh. White là sĩ quan cấp thấp nhất và là người Mỹ duy nhất được xếp ngồi cạnh ông Hồ. "Thưa ngài Chủ tịch", White nói nhỏ vào tai ông Hồ, "tôi e là sự sắp xếp chỗ ngồi thế này sẽ gây sự oán giận". "Phải, tôi biết", ông Hồ đáp, "nhưng tôi còn biết nói chuyện với ai khác?". Một cách hiển nhiên, ông Hồ vẫn nghĩ người Mỹ là dân tộc mà ông có thể trò chuyện".

Bài viết kết luận: "Những người kế tục ông Hồ có khả năng sẽ đi theo con đường một cách không chệch hướng như ông đã từng trong một thời gian. Nhưng chính sự vắng mặt của ông sẽ dẫn tới sự thay đổi bản đồ chính trị hoàn toàn đến mức những người theo bước ông sẽ buộc phải tìm kiếm một con đường mới, không đoán trước được. Kết quả sẽ không nhất thiết có lợi cho Mỹ, nhưng Bắc Việt Nam vắng ông Hồ sẽ là một thế lực khác trên thế giới".

Time 12.5.1975.jpg
Lần thứ năm chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa Time là ở số ra ngày 12.5.1975, gần hai tuần sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bức ảnh mang dòng chữ "Người chiến thắng" với chủ đề là "Cái gì tiếp theo ở châu Á?". Bài viết "Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng" bình luận về thắng lợi của nhân dân Việt Nam: "Cuối cùng Việt Cộng và Bắc Việt đã tràn vào Sài gòn, giương cao lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời, bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Nam Việt Nam. Đối với nhiều người Mỹ, đây là cái chết đã chờ đợi bao lâu, nhưng khi nó đến thì vẫn bị choáng váng". Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã chiến thắng. Nước Mỹ từ đây sẽ phải điều chỉnh lại đường hướng của mình trên thế giới, nhưng không dễ mà "bỏ Việt Nam lại phía sau".

Hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh năm lần được đưa lên trang bìa của tạp chí Time, trong đó bốn lần là chân dung toàn mặt bìa, cho thấy mối quan tâm của dư luận Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, đối với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, cũng như đối với quá trình lịch sử của nước Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, Việt Nam còn là chủ đề xuất hiện trên nhiều số khác của Time.

 

Hà Nội 15.8.2009

No comments:

Post a Comment