Trong vở kịch "Romeo và Juliet", văn hào Shakespeare cho Juliet nói một câu về hoa hồng như sau: "Một đóa hoa hồng, dù được gọi bằng bất cứ tên gì, thì vẫn có hương vị ngọt ngào". Câu hỏi đặt ra là trong khoa học, chúng ta có thể phân biệt các hoạt động nghiên cứu khoa học với các hoạt động khác trong xã hội mà nhìn và cảm nhận cũng giống như nghiên cứu?
Theo một giáo sư khả kính thì hai hoạt động sau đây là nghiên cứu khoa học: một bà nội trợ đi thăm dò giá cả ngoài chợ để mua thực phẩm với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất, hay đôi trai gái tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân.
Nhưng tôi ngờ rằng cách hiểu về nghiên cứu khoa học như là những hoạt động thường ngày của vị giáo sư có phần phiến diện, nếu không muốn nói là sai. Thế thì vấn đề đặt ra là: thế nào là một nghiên cứu khoa học (NCKH)?
Người viết bài này (và nhiều người khác) có thể lấy kinh nghiệm thực tế của mình để trả lời câu hỏi trên. Nói một cách ngắn gọn: nghiên cứu khoa học là một hoạt động của con người nhằm mở rộng tri thức qua các phương pháp khoa học. Theo cách hiểu phổ quát này, có hai điều kiện để một hoạt động có thể xem là nghiên cứu khoa học: mục tiêu và phương pháp.
Nghiên cứu khoa học phải nhằm mục tiêu phát triển tri thức mới, hay đóng góp thêm tri thức cho kho tàng tri thức của con người. Những tri thức này phải mang tính phổ quát hay có thể khái quát hóa. Một bà nội trợ có thể ra chợ khảo sát giá cả thực phẩm và có những so sánh thú vị, nhưng đó không phải là một NCKH, bởi vì tri thức đó không thể khái quát hóa. Người ta có thể tạo ra tri thức bằng cách kiểm tra nhiệt độ nước trong bồn tắm, nhưng tri thức này chỉ hợp lí tại một thời điểm và một bối cảnh cụ thể. Nhưng nếu người đó đổ nước nóng vào bồn tắm và đo lường sự thay đổi nhiệt độ nước, thì đó là một tri thức có thể khái quát hóa, và đáp ứng một điều kiện của NCKH.
Nghiên cứu khoa học là một cuộc điều tra hay khảo sát có hệ thống. Hai chữ "hệ thống" ở đây có nghĩa là công trình nghiên cứu được thực hiện theo những qui trình chuẩn. Qui trình chuẩn trong nghiên cứu khoa học gồm 8 bước: đặt câu hỏi; thu thập thông tin hiện hành; đặt giả thuyết; thử nghiệm và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu; diễn giải kết quả phân tích; công bố kết quả; và tái kiểm định giả thuyết. Trong qui trình này, phương pháp đóng vai trò quan trọng, vì chính phương pháp quyết định khoa học tính của một hoạt động, và phân định hoạt động đó là khoa học hay phi khoa học. Một phương pháp thu thập dữ liệu mang tính khoa học nếu phương pháp đó có cơ sở lí thuyết, có giả định, độ tin cậy cao, và độ chính xác cao.
Vì phương pháp khoa học có độ tin cậy và chính xác cao, cho nên kết quả của NCKH có tính lặp lại (repeatability). Nói một cách khác, nếu giả có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự. Điều này rất khác với các hoạt động phi khoa học, vì kết quả của các hoạt động phi khoa học không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Do đó, việc khảo giá của bà nội trợ hay việc đôi trai gái tìm hiểu nhau không thể xem là khoa học, bởi những kết quả đó không có khả năng lặp lại và khái quát hóa.
Bởi vì phương pháp khoa học dựa trên lí thuyết và giả định, cho nên kết quả khoa học phải được diễn giải bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, không đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu cho phép. Ngược lại, các hoạt động phi khoa học thường dựa vào niềm tin và sự trung thành. Những hoạt động phi khoa học thường mang tính tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục bằng bằng chứng thực nghiệm; nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin.
Bởi vì kết quả của nghiên cứu có giá trị phổ quát, cho nên kết quả nghiên cứu không hẳn tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh địa phương. Do đó, cho rằng "Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về 'Mắm tôm và bệnh tả' dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng" thể hiện một hiểu lầm và … sai. Có lẽ tác giả của phát biểu trên không biết rằng các tập san khoa học danh tiếng về bệnh nhiệt đới đều có trụ sở ở Mĩ và Anh, chứ không phải ở Á châu hay Phi châu. Bộ Y tế đã khẳng định rằng mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh tả; do đó, câu phát biểu trên chẳng những không cần thiết, mà còn không thích hợp.
Ngay cả nếu một nghiên cứu về mắm tôm và bệnh tả được thực hiện, thì kết quả của nghiên cứu vẫn có thể công bố trên các tập san khoa học có uy tín, nếu công trình nghiên cứu được tiến hành đúng theo các phương pháp khoa học. Thật là sai lầm khi suy nghĩ rằng mắm tôm là một đặc sản của Việt Nam, và do đó, kết quả nghiên cứu mắm tôm không được thế giới quan tâm. Vấn đề không phải là mắm tôm, mà mắm tôm là một trong những mô hình để nghiên cứu về nồng độ mặn và vi khuẩn tả, và đó là một vấn đề khoa học mang tính phổ quát. Tương tự, khi chúng tôi muốn phân định ảnh hưởng của đạm thực vật đến xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu các tu sĩ Phật giáo đại thừa, hay chúng tôi muốn tìm hiểu vận động cơ thể và chất lượng xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu ở những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (vì một số bệnh nhân không có khả năng đi đứng). Bệnh nhân tai biến, tu sĩ Phật giáo, và mắm tôm trong những nghiên cứu này là những mô hình khoa học để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học đặc thù, chứ không phải là những nghiên cứu chỉ áp dụng cho một địa phương hay cho một nhóm người.
Những người làm nghiên cứu khoa học dấn thân vì mục tiêu khám phá, truyền bá, và phổ biến sự thật. Một công trình nghiên cứu khoa học chỉ hoàn tất khi kết quả được công bố trên một tập san khoa học có đồng nghiệp bình duyệt và phản biện nghiêm chỉnh. Ở đây, tính minh bạch của NCKH rất quan trọng, vì nó chẳng những là một yêu cầu của khoa học mà còn là một khía cạnh để phân biệt khoa học với phi khoa học.
Các hoạt động thường ngày mới nhìn vào thì thấy cũng chẳng khác gì nghiên cứu khoa học, nhưng thật ra thì không phải nghiên cứu khoa học, do không đáp ứng hai điều kiện cần thiết: mục tiêu và phương pháp. Vì không phân biệt được hai điều kiện này nên nhiều người không hiểu thế nào là một nghiên cứu khoa học. Thật vậy, trong một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ vào năm 1999, chỉ có 21% người dân hiểu đúng về nghiên cứu khoa học. Ở một nước với trình độ khoa học tiên tiến như Mĩ mà có đến gần 80% người không hiểu về nghiên cứu khoa học, thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên nếu thấy ở nước ta cũng có nhiều người chưa am hiểu về nghiên cứu khoa học. Nhưng đó không phải là lỗi của người dân, mà là vấn đề của giới khoa học và giới truyền thông. Rất tiếc là một số nhà khoa học vẫn hiểu lầm thế nào là một nghiên cứu khoa học!
Khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu, trí thức, v.v... không phải là những phù hiệu mà ai muốn mang vào ngực thì mang, mà là những việc làm thực tiễn, những ý nghĩ hay sáng kiến mới. Muốn có những sáng kiến mới và làm nghiên cứu thực tế, nhà khoa học phải làm việc một cách gian khổ, bất vụ lợi, có khi rất lâu dài. Có thể ví khoa học như một cái đỉnh chót vót của sự chính trực, công bằng, và hợp lí. Nhưng cái đỉnh này nó trơn và dễ bị trượt. Người ta cần phải có một sự cố gắng tột bực mới đến gần hay đứng trên nó được, và càng phải cố gắng hơn để ở được cái vị trí đó.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giá trị thực của nghiên cứu khoa học | ||||
21/04/2009 06:38 (GMT + 7) | ||||
(TuanVietNam)- Khuyến khích các trường Đại học (ĐH) nghiên cứu khoa học là đúng…nhưng cần dành tỷ lệ thích đáng cho nghiên cứu những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi giải quyết. Và tránh tình trạng nghiên cứu để mà nghiên cứu, để có bài đăng báo, để đạt được chỉ tiêu đã đề ra vì hướng tới mục tiêu "bầu, bán…" | ||||
Nghiên cứu- "hoạt động" từ bà nội trợ đến người thầy Thuật ngữ "nghiên cứu" được hiểu là một quá trình quan sát kỹ càng, thu thập thông tin chính xác, tìm hiểu có hệ thống và chi tiết, để có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ hơn về một vấn đề nào đó, một sự kiện nào đó, một đối tượng nào đó.
Không phải mọi người đều có thể viết công trình nghiên cứu và được ấn hành, nhưng xem ra việc nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của mỗi người bình thường. Một học sinh cũng phải làm một "nghiên cứu nhỏ" mới có thể viết được bài văn "Tả con mèo nhà em" nếu không muốn chép trong sách. Một bà nội trợ cũng cần phải nghiên cứu giá cả, quan sát bó rau, miếng thịt …sao cho chọn được mớ rau tươi, miếng thịt ngon và mua không bị hớ. Một cặp nam nữ đang "tìm hiểu" nhau có nghĩa là họ đang "nghiên cứu" đối tượng của mình với một mục tiêu rõ ràng: Có nên tiến hành hôn nhân hay không? Nghiên cứu này tuy rất quan trọng đối với họ, nhưng kết quả nghiên cứu chỉ có lợi cho một mình họ, không thể phổ biến nên không được in ấn, phong cấp này hay cấp nọ… Đối với một số người thì nghiên cứu là một hoạt động thường xuyên trong suốt cuộc đời làm việc của họ: Nhà lãnh đạo mọi cấp bậc, người thẩm phán, nhà luật sư, người cán bộ cơ quan điều tra, người thầy thuốc…trong số đó đặc biệt có các thầy, cô giáo ở các trường ĐH. Chính vì lẽ đó vấn đề nghiên cứu khoa học luôn là một đề tài được bàn luận nhiều. Nhiệm vụ của người thầy là truyền thụ kiến thức mới cho học trò. Vậy điều đầu tiên là thầy phải nghiên cứu, tìm hiểu để có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về vấn đề mà mình định thuyết giảng cho học trò. Sau đó thầy phải tìm ra phương pháp tối ưu để làm cho học trò tiếp thu tốt. Như vậy một bài giảng hay là hệ quả của một thái độ nghiên cứu nghiêm túc và công phu. Phổ biến và "dị biệt" Đối với các giảng viên ĐH, việc nghiên cứu nhằm hai mục đích chính: 1) Nghiên cứu để có những bài giảng tốt, đào tạo và hướng dẫn sinh viên có chất lượng cao. Kết quả của những nghiên cứu này là các tài liệu giảng dạy, các bộ sách giáo khoa chuyên ngành rất cần thiết để sinh viên học tập và tham khảo. 2) Nghiên cứu một số đề tài khoa học theo đơn đặt hàng hoặc theo sự thích thú, say mê khám phá khoa học của chính bản thân mình. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc nước ngoài.
Trái lại, đối với các giảng viên ĐH thì hai mục đích trên đều quan trọng và ưu tiên mục đích nào là tùy theo vị trí của từng người. Đối với một giảng viên trẻ thì phải ưu tiên cho mục đích thứ nhất, còn đối với các giáo sư đầu ngành thì phải ưu tiên cho mục đích thứ hai… Học theo cách một số nước trên thế giới, chúng ta thường đánh giá năng lực nghiên cứu của một nhà khoa học hoặc của một trường ĐH bằng cách dựa vào số công trình được công bố trên tạp chí, bằng uy tín khoa học của tạp chí đó và bằng số lần được trích dẫn của bài đã đăng. Muốn bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải công bố bao nhiêu bài báo, muốn được phong giáo sư thì phải có bao nhiêu công trình được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Điều đó cũng có lý, nhưng điều đó chỉ là đánh giá về năng lực sáng tạo, phát minh của nhà nghiên cứu. Có không ít những nhà khoa học tầm cỡ nhưng không có công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành. Nhưng ông không viết một bài nào để đăng, có thể ông bận nhiều việc quản lý, hoặc có thể ông không thích. Ví dụ đó, dĩ nhiên, là một trường hợp "dị biệt" của một thời kỳ lịch sử. Trong việc đánh giá, bổ nhiệm chức vụ khoa học cần dành sự quan tâm thích đáng đến mục đích thứ nhất của nghiên cứu trong trường ĐH. Không nên bỏ qua năng lực của những nhà giáo viết nên những cuốn sách giáo khoa, những cuốn giáo trình có chất lượng cao. Cần xem lại tại sao hiện nay trong tủ sách bậc ĐH, số tác phẩm do người Việt Nam viết rất ít ỏi . Giá trị thực Để đánh giá một công trình thì có nhiều tiêu chí khác nhau và nói chung là khó khăn. Một luận văn tiến sĩ thì có một hội đồng khoa học đánh giá, mà chủ yếu là đánh giá khả năng nghiên cứu của thí sinh, còn đề tài (do người hướng dẫn đưa ra) thì không quan trọng lắm. Bởi vậy nói chung các luận án này không mấy khi có ứng dụng vào cuộc sống. Một số công trình nổi tiếng được mọi người nhất trí đánh giá cao vì nhiều lý do rất rõ ràng: Hoặc là giải quyết trọn vẹn một vấn đề (ví dụ giải bài toán Fermat hay bài toán tô mầu bản đồ…), hoặc đặt ra một phương hướng mới (thuyết tương đối, cơ học lượng tử…)… Nhưng đa số công trình tầm tầm bậc trung thì rất khó, có người khen hay, có người lại cho là không có ý nghĩa gì. Bởi vậy người ta mới nêu ra một tiêu chí có phần gượng ép: Bài đăng ở tạp chí quốc tế thì hay hơn bài ở tạp chí trong nước, đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín thì còn hay hơn nữa. Bài nào được trích dẫn nhiều hơn thì chất lượng hơn… Đối với hoàn cảnh cụ thể những nước đang phát triển như VN, phải có thêm những tiêu chí đánh giá ý nghĩa thực tiễn to lớn của những đề tài khoa học ứng dụng. Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về "Mắm tôm và bệnh tả" dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng. Để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, Bộ GD- ĐT thậm chí còn đưa ra quyết định thưởng tiền: Các giảng viên ĐH ai có một bài đăng tạp chí quốc tế thì được thưởng một ngàn USD. Hay quá! Nghe tin này đã có người bình luận: Đăng ở Việt Nam không được xu nào (vì là tạp chí khoa học mà, người ta đăng cho là may), nay đăng ở nước ngoài là có số tiền to bằng mấy tháng lương. Tạp chí nước ngoài thì nhiều loại lắm... Khuyến khích các trường ĐH nghiên cứu khoa học là đúng. Không nghiên cứu khoa học thì chất lượng đào tạo không thể cao. Thầy phải nghiên cứu khoa học và đồng thời phải hướng dẫn sinh viên biết nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học ứng dụng. Nhưng cũng cần có định hướng để dành tỷ lệ thích đáng cho nghiên cứu những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống của chúng ta đang đòi hỏi phải giải quyết. Muốn vậy cần có sự liên kết giữa các trường ĐH, các viện nghiên cứu và cơ sở doanh nghiệp lớn. Mặt khác cũng cần có những chủ trương đúng để tránh tình trạng nghiên cứu để mà nghiên cứu, để có bài đăng báo, để đạt được chỉ tiêu đã đề ra vì hướng tới mục tiêu "bầu, bán…"
|
No comments:
Post a Comment