Daniel T. Willingham tốt nghiệp Ph.d tại Đại học Harvard về chuyên ngành tâm lý học năm 1990, hiện là giáo sư Đại học Virginia về môn học này. Ông là tác giả của hai cuốn sách và khoảng 30 công trình đăng trên các tập san có uy tín của Mỹ về Tâm lý, Giáo dục học.
_____________
Hỏi: Phần lớn các giáo viên tôi biết bước vào nghề của mình chỉ vì họ yêu trường học như những đứa trẻ. Họ muốn giúp cho học sinh cảm thấy có cùng sự kích thích và đam mê đối với việc học mà họ đã trải qua. Khi phát hiện ra một số học sinh của họ không thích trường học lắm và chính họ, những giáo viên này, đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc gây cảm hứng nơi học sinh, thì họ đã xuống tinh thần một cách dễ hiểu. Tại sao việc làm cho ngôi trường trở thành chỗ vui thú đối với học sinh lại quá khó như vậy?
Trả lời: Trái với những niềm tin phổ biến, bộ óc con người không được thiết kế cho việc suy nghĩ. Thật ra chỉ vì bộ óc không hữu hiệu lắm khi suy nghĩ nên nó được thiết kế để cứu bạn khỏi việc phải suy nghĩ. Suy nghĩ chậm chạp và không đáng tin. Tuy vậy, người ta vui thích những công việc về tinh thần nếu thành công. Con người thích giải quyết vấn đề nhưng không thích làm việc với những vấn đề hóc búa. Nếu những công việc ở trường luôn luôn quá khó đối với học sinh thì không có gì ngạc nhiên khi những cô, cậu học sinh này chẳng thích trường học nhiều. Một nguyên lý về nhận thức làm kim chỉ nam cho bài viết này là: Con người vốn tò mò, nhưng vốn không phải là những nhà suy tư tốt; trừ phi những điều kiện về nhận thức hoàn toàn thích ứng, con người luôn luôn tránh né việc suy nghĩ. Điều rút ra từ nguyên lý này là giáo viên nên xem lại việc tìm cách động viên học sinh suy nghĩ để đạt được tối đa sự yêu thích mà học sinh sẽ đạt được khi việc suy nghĩ được thành công.
Bản chất của con người là gì? Cái gì làm cho chúng ta khác biệt với các loài khác? Nhiều người có lẽ trả lời rằng đó chính là khả năng lập luận - chim bay, cá lội, và con người tư duy (với “tư duy”, tôi muốn nói đến việc giải quyết những bài toán, lập luận, đọc những bài viết phức tạp, hoặc là làm những công việc thuộc về tinh thần đòi hỏi một nỗ lực nào đó). Shakespeare tán dương khả năng nhận thức của chúng ta trong: “Con người là một công trình tuyệt hảo và quý phái thay, sự lập luận!” (What a piece of work is man! How noble in reason!). Tuy vậy, khoảng 300 năm sau Henry Ford nhận xét chua cay hơn, “Suy nghĩ là một việc khó khăn nhất, có lẽ đó là lý do tại sao có quá ít người dấn thân vào việc này.” (Thinking is the hardest work there is, which is the probable reason why so few people engage in it.). Họ, cả hai tác giả, đều có điểm đúng. Con người có khả năng tốt ở một loại lập luận nào đó, đặc biệt là khi so sánh với những loài thú khác. Nhưng chúng ta lại luyện tập khả năng đó không thường xuyên. Một nhà nghiên cứu về nhận thức có thể thêm một nhận xét khác: Con người không suy nghĩ thường xuyên chỉ vì bộ óc của chúng ta không được thiết kế cho việc suy nghĩ, mà dùng cho việc tránh né suy nghĩ. Suy tư không chỉ đòi hỏi nỗ lực, như Ford đã nói, mà nó còn chậm chạp và không đáng tin cậy.
Bộ óc của bạn được dùng vào nhiều mục đích, và suy nghĩ không phải là mục tiêu mà nó làm tốt nhất. Chẳng hạn như bộ óc của bạn cũng hỗ trợ khả năng nhìn, chuyển động và những chức năng này vận hành hiệu quả, đáng tin nhiều hơn chức năng suy nghĩ của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết cơ địa của bộ não bạn là dành tặng cho những mục đích này. Phần năng lực bổ sung của bộ não là cần thiết vì nhìn thực sự khó khăn hơn chơi cờ hoặc giải bài toán vi tích phân.
So với khả năng nhìn và chuyển động thì suy tư chậm chạp, đòi hỏi cố gắng và không chắc chắn. Để có cảm giác về lý do tại sao tôi lại nói như thế hãy thử tìm lời giải đáp cho bài toán này:
Trong một phòng trống có một cây nến, vài que diêm và một hộp đinh găm. Mục đích là phải có cây nến thắp sáng cao hơn mặt đất khoảng 1,50 mét. Bạn đã thử làm chảy một ít sáp ở đáy cây nến và gắn nó vào tường, nhưng cách này không hiệu quả. Làm thế nào để bạn có một cây nến thắp sáng ở độ cao 1,5 mét so với mặt đất mà bạn không phải giữ nó ở vị trí đó?
Hai mươi phút là thời gian tối đa thông thường cho phép và ít người có khả năng tìm được lời giải đáp mặc dù, khi đã nghe câu trả lời bạn nhận ra rằng nó thực sự không phải là câu đố mẹo: Bạn đổ những cây đinh găm ra khỏi hộp, ghim cái hộp vào tường và dùng nó làm cái đế cho cây nến.
Bài toán này minh họa 3 tính chất của suy nghĩ. Trước tiên, suy nghĩ có tính chậm chạp. Hệ thống thị giác của bạn làm việc tức thì trong những cảnh trí phức tạp. Khi đi vào sân sau nhà một người bạn, bạn không tự nghĩ rằng, “Chà… có một vài thứ màu xanh. Có lẽ là cỏ, nhưng nó có thể là một tấm phủ mặt đất nào đó… và cái vật thô thiển gì đó màu nâu gắn vào đó? Hàng rào, có lẽ?” Bạn thâu nhận trong toàn cảnh - bãi cỏ, hàng rào, khóm hoa, - vào một cái liếc nhìn. Hệ thống suy nghĩ của bạn không tính toán tức thì câu trả lời cho vấn đề, theo cách thức mà hệ thống thị giác ngay tức khắc thâu nhận một cảnh vật.
Thứ hai, suy nghĩ cần đến “nỗ lực”; bạn không phải cố gắng để thấy, nhưng suy nghĩ đòi hỏi sự tập trung. Bạn có thể thực hiện những công việc khác trong lúc nhìn, nhưng không thể suy nghĩ về một điều khác trong lúc bạn giải một bài toán.
Thứ ba, suy nghĩ có tính “không chắc chắn”. Hệ thống thị giác của bạn hiếm khi sai lầm và khi điều đó xảy ra, bạn thường nghĩ rằng bạn thấy một cái gì đó tương tự như cái thực sự đang ở đó - bạn gần đúng nếu không hoàn toàn chính xác. Hệ thống suy nghĩ của bạn có thể không đem đến cho bạn ngay cả sự gần đúng; lời giải của bạn có thể rất xa lời giải đúng. Thật vậy, hệ thống suy nghĩ có thể hoàn toàn không cung cấp một lời giải nào cả cho bạn, đó là điều xảy ra cho hầu hết mọi người khi họ thử bài toán cây nến.
Nếu tất cả chúng ta đều có khả năng suy nghĩ tồi, làm sao người ta giữ được việc làm hoặc quản lý tiền bạc? Làm sao một giáo viên có thể đưa ra hàng trăm những quyết định cần thiết suốt trong ngày? Câu trả lời là, khi chúng ta có thể trốn tránh nó, chúng ta không suy nghĩ. Thay vào đó, chúng ta sẽ dựa vào trí nhớ. Hầu hết những vấn đề mà bạn gặp phải là những vấn đề mà bạn đã từng giải quyết trước đó, như thế bạn chỉ làm những gì bạn đã làm trong quá khứ. Chẳng hạn như, giả sử tuần tới một người đưa cho bạn bài toán cây nến. Bạn sẽ trả lời ngay tức khắc, “Ồ, đúng rồi. Tôi đã nghe bài toán này. Bạn chỉ cần ghim cái hộp vào tường”. Hoàn toàn giống như hệ thống thị giác của bạn khi thâu nhận một cảnh vật và, chẳng một chút khó khăn nào về phần bạn, mách cho bạn biết những gì có ở chung quanh. Cũng như thế trí nhớ ngay tức khắc và không cần một cố gắng nào để nhận ra rằng bạn đã từng nghe bài toán này trước đây và cung cấp ngay câu trả lời. Hầu hết người ta nghĩ rằng mình có một trí nhớ tồi và thực sự là trí nhớ của bạn không đáng tin như hệ thống thị giác hay chuyển động - nhưng bộ nhớ của bạn còn đáng tin hơn nhiều so với hệ thống suy nghĩ, và nó có thể cung cấp những câu trả lời một cách nhanh chóng với một chút nỗ lực mà thôi.
Chúng ta thường nghĩ rằng ký ức chỉ là một kho chứa những biến cố cá nhân (ví dụ như ký ức về đám cưới của tôi) và những sự kiện (chẳng hạn như George Washington là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ). Bộ nhớ của bạn cũng chứa những quá trình hướng dẫn những gì bạn nên làm: quẹo ở chỗ nào khi về nhà, làm thế nào để dàn xếp cuộc cãi vã nhỏ khi bạn đang kiềm chế sự suy trầm, điều gì phải làm khi ấm nước trên lò bắt đầu sôi. Đối với đại đa số quyết định mà bạn thực hiện, bạn không ngừng xem xét điều có thể làm, lý do cho những quyết định này, dự liệu những hệ quả có thể có, vân vân… Bạn luôn luôn sử dụng những bước đó khi đối diện với những vấn đề mới nhưng không cần trải qua những giai đoạn này đối với những vấn đề mà bạn đã từng gặp nhiều lần. Đó là vì bộ óc đã giúp bạn không cần phải suy nghĩ bằng chính sự thay đổi của nó. Nếu bạn lặp lại những công việc đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều lần, cuối cùng nó sẽ trở thành tự động; bộ óc của bạn sẽ thay đổi sao cho bạn có thể hoàn tất những công việc mà không cần phải suy nghĩ về nó. Khi bạn cảm thấy như là một “phi công tự động”, ngay cả nếu bạn đang làm điều gì đó khá phức tạp chẳng hạn như lái xe từ trường về nhà, đó bởi vì bạn đang sử dụng trí nhớ để hướng dẫn hành vi của bạn. Sử dụng trí nhớ không đòi hỏi nhiều đến sự chú ý, do đó bạn có thể thoải mái mơ màng, ngay cả khi bạn dừng xe ở đèn đỏ, vượt qua mặt một xe khác, quan sát người đi bộ…
Đối với giáo dục, những hàm ý của phần này hơi khắc nghiệt. Nếu một người nào đó suy nghĩ rất dở và cố gắng tránh né nó thì người này sẽ nói thế nào về thái độ của họ đối với trường học? May mắn là, mặc dù chúng ta không suy nghĩ tốt, thực sự chúng ta vẫn thích suy nghĩ. Nhưng vì việc suy nghĩ quá khó, những điều kiện cần thiết phải ở đúng tầm mức để óc tò mò được nảy nở. Phần kế tiếp sẽ giải thích khi nào chúng ta thích suy nghĩ và khi nào chúng ta không thích động não.
Bản chất của con người là tò mò, nhưng óc tò mò rất mong manh
Mặc dù bộ óc của chúng ta không được cài đặt cho việc suy nghĩ có hiệu quả, con người thường vui thích những hoạt động tinh thần, ít nhất là trong một vài hoàn cảnh nhất định. Họ có những sở thích như giải đáp ô chữ hay tìm vị trí trên bản đồ. Họ chăm chú vào những thông tin - những tập tài liệu. Họ dấn thân vào những ngành nghề - chẳng hạn như dạy học - mang đến những thách thức về mặt tinh thần lớn hơn một số những ngành nghề mang tính cạnh tranh khác cho dù tiền lương thấp hơn. Không những họ tự nguyện suy nghĩ, mà họ còn cố ý tìm kiếm những tình huống đòi hỏi suy nghĩ.
Giải quyết được vấn đề mang lại niềm phấn khích. Khi nói “giải quyết vấn đề” ở đây, tôi muốn ám chỉ đến bất kỳ những công việc mang tính nhận thức nào đã thành công; nó có thể là: hiểu được một đoạn văn khó, bài trí một khu vườn, hay là nắm bắt một cơ hội đầu tư. Sự suy nghĩ thành công luôn luôn mang ý nghĩa thỏa mãn, và hoàn tất trọn vẹn. Trong khoảng 10 năm trở lại, các nhà thần kinh học đã khám phá rằng có sự phủ lấp trong những vùng não đóng vai trò quan trọng trong việc học với những vùng quan trọng khác của hệ thống kích thích tự nhiên trong não bộ. Nhiều nhà thần kinh học đặt nghi vấn về sự liên hệ của hai hệ thống này, mặc dù họ chưa tìm ra được mối ràng buộc minh bạch giữa chúng.
Sự vui sướng trong việc giải quyết được một vấn đề cũng đáng lưu ý. Làm việc với một vấn đề với ý nghĩa là bạn không có sự tiến bộ nào thì không thể mang lại vui thích. Thật vậy, nó đáng thất vọng. Cũng không có sự vui sướng nào trong việc đơn thuần biết câu trả lời. Tôi đã nói với bạn lời giải đáp của bài toán cây nến; bạn có tìm thấy niềm vui thích nào từ nó? Hãy nghĩ xem bạn sẽ vui sướng thế nào khi chính bạn tìm được lời giải đáp. Thật vậy, bài toán có vẻ đánh dấu sự thông minh. Cũng giống như một truyện vui khi bạn hiểu được sẽ cảm thấy vui hơn khi nó được giải thích. Ngay cả nếu như không có câu trả lời trước cho một vấn đề, nhưng một khi có quá nhiều gợi ý thì bạn cũng mất đi cảm tưởng rằng chính mình đã giải được vấn đề này và việc đạt được câu trả lời không mang lại cùng một niềm thỏa mãn tinh thần.
Công việc về tinh thần mời gọi chúng ta vì nó mang đến những cơ hội cho những cảm giác thích thú khi thành công. Nhưng không phải tất cả những hình thái suy nghĩ đều hấp dẫn như nhau. Người ta chọn giải đáp ô chữ chứ không chọn giải những bài toán đại số. Tiểu sử của ca sĩ Bono dễ bán chạy hơn của nhà thơ Keats. Điều gì đặc trưng cho hoạt động tinh thần mà người ta vui thích? Câu trả lời mà hầu hết mọi người đưa ra có vẻ hiển nhiên: “Tôi nghĩ ô chữ thì thích thú, Bono thì vui, nhưng toán và Keat thì buồn chán.”
Giải quyết những vấn đề ở đúng tầm mức khó khăn mang lại kích thích, nhưng làm việc với nhưng vấn đề quá dễ hoặc quá khó không mang lại niềm vui thích.
Nói một cách khác, nội dung chính là vấn đề. Nhưng tôi không nghĩ rằng nội dung dẫn đến mối quan tâm. Tất cả chúng ta đã từng nghe một bài giảng hay xem một tiết mục trên TV về một đề tài mà chúng ta nghĩ rằng không mấy thú vị để rồi thấy rằng chính mình bị mê hoặc. Và cũng thật dễ dàng cảm thấy buồn chán ngay cả khi chủ đề này là chủ đề bạn thường thích nghe. Tôi không bao giờ quên được những ức đoán của tôi về cái ngày mà một giáo viên cấp 2 của tôi nói về tình dục. Là một thiếu niên sống với một nền văn hóa thôn quê êm đềm của thập niên 1970, tôi sôi nổi với những ức đoán về bất kỳ một cuộc nói chuyện nào về sex, vào bất kỳ thời gian nào và bất kỳ ở đâu. Nhưng khi ngày trọng đại ấy đến, tôi và bạn bè hoàn toàn bất động với sự buồn chán. Không phải vị giáo viên này đã nói về hoa và sự thụ phấn, ông ấy thực sự nói về bản năng tình dục của con người, nhưng nó vẫn chan chán thế nào đó. Ước chi tôi có thể nhớ những gì ông ấy đã làm trong buổi nói chuyện đó, nhưng làm buồn chán một nhóm thiếu niên tràn đầy sức sống quả là một công trình to lớn.
Nếu như nội dung không đủ để giữ sự chú ý của bạn, vậy thì khi nào sự tò mò còn giữ được năng lực của nó? Câu trả lời có thể nằm ở độ khó của vấn đề. Nếu chúng ta nhận được một niềm vui nho nhỏ từ việc giải quyết được vấn đề thì làm việc với những bài toán quá dễ sẽ không có điểm gì đáng kể - chẳng có sự vui thích nào khi nó được giải quyết vì nó không có vẻ như là những vấn đề. Cũng thế, khi bạn tiếp cận một bài toán quá khó, bạn tự xét rằng khó có thể giải được và như vậy chẳng có sự hài lòng nào đến cùng với lời giải. Như vậy, hoàn toàn thích hợp khi nói rằng con người vốn lười suy nghĩ và bản chất con người là tò mò - óc tò mò gợi dẫn cho con người khai phá những ý tưởng và những vấn đề mới, nhưng khi họ làm điều này, họ nhanh chóng đánh giá có bao nhiêu công việc về tinh thần cần để giải quyết vấn đề. Nếu quá nhiều hay quá ít, con người sẽ buông bỏ nếu có thể.
Sự phân tích các loại công việc về tinh thần mà con người tìm đến hoặc lẩn tránh sẽ cung cấp câu trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều học sinh không thích trường học. Làm việc với những vấn đề có độ khó thích đáng sẽ kích thích, nhưng làm việc với những vấn đề quá dễ hay quá khó không mang lại niềm vui thích. Học sinh không thể chọn lựa những vấn đề như người lớn có thể làm. Nếu học sinh đều đặn nhận những công việc hơi quá khó thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng chẳng quan tâm nhiều đến trường học.
Vậy thì đâu là lời giải đáp? Cho học sinh những công việc dễ hơn? Bạn có thể làm được nhưng dĩ nhiên bạn phải cẩn thận đừng làm nó quá dễ để học sinh có thể buồn chán. Dù thế nào thì, kích thích khả năng của học sinh một chút không tốt hơn sao? Thay vì làm cho công việc dễ hơn, có thể nên làm cho việc suy nghĩ dễ hơn?
Bản tiếng Anh: Daniel T. Willingham: “Why Don’t Students Like School?” (American Educator, Spring 2009)
No comments:
Post a Comment