Friday, April 24, 2009

Minh bạch lịch sử - Ve bai bao Trinh Cung viet ve Trinh Cong Son




Bài viết của Trịnh Cung (TC) về "tham vọng chính trị" của Trịnh Công Sơn (TCS) đã dấy lên cả một cơn nổi nóng tập thể của dư luận trong và ngoài nước. Câu hỏi "tại sao viết" và "viết để làm gì" dồn dập chĩa vào Trịnh họa sĩ từ phía những người yêu Trịnh nhạc sĩ để rồi tha hồ phóng lời, phóng tâm mà phỏng đoán, suy luận và quy chụp, chứ không (hoặc ít) xét đoán và chứng minh. Trong cơn phẫn nộ của lý trí, rất ít người biết tách bạch đối tượng mình yêu và chủ thể của đối tượng đó. Đối tượng yêu là nhạc TCS. Chủ thể của đối tượng là con người TCS. Nói cách khác, có một TCS con người tiểu sử và một TCS con người nghệ thuật. Đối với các nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ lớn, hai con người này gắn bó với nhau, nhưng không trùng khít nhau. Ở đây rất cần có "lý trí của sự phẫn nộ" để nhìn nhận vấn đề sáng rõ và thấu đáo.

Âm nhạc của TCS đã thành một sự nghiệp lớn, một bộ phận hữu cơ của đời sống tinh thần văn hóa dân tộc. Điều đó đã là một giá trị, không cần phải bàn cãi, và không thể nào phủ nhận. Con người nghệ thuật của TCS ở đây đã được đề cao và tôn vinh xứng đáng, trước hết và chỉ bởi âm nhạc của ông. Một số người lên tiếng vừa qua đã chỉ ra được điều này. Nhưng từ đó không thể và chưa chắc bảo đảm rằng con người tiểu sử của TCS là nguyên khối, trong suốt, và đơn giản. Đặc biệt khi ông là một nghệ sĩ lớn sống trong một thời đại bi kịch đặc thù của đất nước thì những sự lựa chọn tư tưởng và chính trị luôn đặt ra trong thế giằng co, lưỡng phân. Tôi muốn nghĩ TC viết bài đó dù với bất cứ động cơ nào thì vẫn có một ý muốn là minh bạch lịch sử. Nếu những điều nói ra là hoàn toàn vu khống, sai sự thật thì tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng nếu những điều đó là sự thật, hay có những phần sự thật, thì sao?

Minh bạch lịch sử - theo tôi, đó là một đòi hỏi cấp thiết của tư duy nhận thức của chúng ta hiện nay. Minh bạch lịch sử cũng là giải hoặc lịch sử, không để những sự mù mờ, hoài nghi bao phủ quanh những nhân vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử có ảnh hưởng và tác động lớn đến cả cộng đồng có liên quan. Nếu những "tham vọng chính trị" của TCS là có thực (như TC viết: "Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua ") thì việc phơi bày chúng ra là cần thiết. Thứ nhất, nó xóa đi ảo tưởng của nhiều người vì quá yêu nhạc của ông mà cho rằng con đường đời ông đi là thẳng băng, đơn giản và rõ ràng. (Cách nghĩ này vô tình có thể sẽ làm hại cho chính người được nghĩ vì sự thật bị che giấu sẽ phơi bày chân tướng của người che giấu sự thật). Thứ hai, nó làm sáng tỏ và sâu sắc hơn hành trình sáng tạo của TCS từ con người tiểu sử đến con người nghệ thuật để lại cho đời một gia tài âm nhạc lớn lao. Thứ ba, nó giúp cho việc tìm hiểu các khuynh hướng chính trị, tư tưởng của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời chiến tranh. Thứ tư, nó góp phần vẽ lại đầy đủ, chi tiết bức chân dung tinh thần của người nghệ sĩ trong cơn biến động lịch sử của đất nước. Những điều nói ra của TC, nếu đúng, không hề làm xấu đi hình ảnh TCS, không hề giảm bớt lòng yêu TCS, không hề hạ thấp giá trị TCS. Không. TCS đã sống như thế. TCS đã viết như thế. Và Việt Nam đã có một TCS sống và viết như thế thành nhạc cho đời, để đời. Trường hợp TCS, nếu như điều TC nói được chứng minh, thì trong những liên tưởng xa gần, có thể khiến ta nghĩ đến trường hợp của nhà thơ Mỹ Ezra Pound (1885 - 1972) và nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline (1894 - 1961). Cả hai người này đều đứng về phe phát xít trong Thế chiến II, đều bị kết án khi chiến tranh kết thúc. Nhưng những sáng tác có giá trị của họ không vì thế mà bị hạ thấp, bị bỏ ra ngoài lịch sử văn học của dân tộc họ. Họ vẫn được đề cao và tôn trọng ở tư cách nhà văn. Nói đâu xa, Nguyễn Du, Phạm Thái không theo Tây Sơn, triều đại được bây giờ đề cao, nhưng đâu có vì thế mà "Đoạn trường tân thanh", "Sơ kính tân trang" bị gạt ra khỏi văn học Việt Nam. Minh bạch lịch sử khắc phục lối nhìn lịch sử phiến diện, một chiều, chỉ thấy sáng mà không thấy tối, và ngược lại. Cuộc hội thảo về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (Thanh Hóa, 10/2008), các cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản, Ỷ Lan phu nhân gần đây là những thí dụ tiêu biểu.

Có một căn bệnh của tâm thức Việt mà nhờ minh bạch lịch sử có thể chữa được. Đó là bệnh thiêng hóa, thánh hóa. (Thực ra, đây là một thuộc tính của tâm thức con người nói chung, nhất là ở những thời kỳ tư duy lý tính chưa được đề cao). Tôi kể một câu chuyện. Cách đây gần hai chục năm, nhà văn Ngọc Giao, người cùng thời với các nhà văn nhà thơ tiền chiến, có viết một đoạn hồi ức kể lại một lần Nam Cao mời các bạn văn từ Hà Nội về quê Lý Nhân (Nam Hà) chơi. Đoàn nhà văn kéo về quê được Nam Cao mời cơm thịt gà tại gia, đang ăn thì nghe nhà hàng xóm chửi mất gà. Bài viết này sau được in vào tập chân dung kỷ niệm của Ngọc Giao "Đốt lò hương cũ" (Nxb Phú Khánh). Lập tức, nhà văn Ngọc Giao bị phê phán kịch liệt. Tạp chí "Tác phẩm mới" của Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó trong một số đã đăng liền mấy bài tập trung lên án tác giả bài viết. Lập luận phê phán chỉ là thế này: một nhà văn như Nam Cao thì không thể làm cái việc "gà qué" thế được. Và Ngọc Giao, cũng như Trịnh Cung vừa rồi, bị cho là người hay bịa chuyện, hay nói xấu bạn bè. Không ai trong những người viết bài lên án Ngọc Giao là người cùng thời Nam Cao, hay có biết ông lúc còn sống. Tất cả chỉ là đọc văn rồi suy ra người. Nhà văn Ngọc Giao đã phải rất đau khổ viết lại một bài "kêu oan". Ngẫm thế mới thấy Tú Xương tài, cứ nói toẹt ra thói hư tật xấu của mình: "Vị Hoàng có Tú Xương / Dở dở lại ương ương / Cao lâu thường ăn quịt / Thổ đĩ lại chơi lường". Chẳng biết có phải ông tự trào hay không, nhưng nếu mấy câu đó do ai kể lại thì chắc sẽ lại bị quy kết là bôi nhọ ông tú thành Nam.

Lại xin kể chuyện nước ngoài để liên hệ với ta. Khi viết chân dung đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828 - 1910), M. Gorki có kể chuyện một lần gặp, ông lão nhà văn hỏi ngay chàng trai mới cầm bút là khoản "chơi gái" có mạnh không. Và trước sự rụt rè của Gorky, Tolstoy rất khoái chí khoe cái sự mạnh mẽ đó của mình.

Nhà văn Brazil J. Amado (1912 - 2001) ghi lại hồi ức về trường hợp văn hào Trung Quốc Quách Mạt Nhược "bóp ngực" vợ nhà thơ Nga K. Simonov tại Moskova. Cần dẫn ra đây toàn bộ đoạn viết này.

Moskva, 1953

Tại đây đang diễn ra kỳ họp - hay hội nghị toàn thể - nói chung là ban thường vụ Uỷ ban bảo vệ hoà bình họp và Ehrenburg nhân dịp này tổ chức tại nhà mình một bữa tiệc - hay bữa ăn tối - chiêu đãi Quách Mạt Nhược. Ðến dự có khoảng chục người - các nhà văn Xô-viết và nước ngoài.

Quách Mạt Nhược là một người có danh tiếng trên thế giới, một nhà thông thái và học giả, còn ở châu Á nói chung đó là một nhân vật truyền thuyết, một Khổng tử thứ hai: ông biết năm mươi nghìn chữ tượng hình (xin nói rằng để đọc được báo cần phải biết ba nghìn chữ; giáo viên đại học biết bảy nghìn, trí thức - mười nghìn), hai lần làm bộ trưởng khi đại diện cho đảng cộng sản trong chính phủ liên minh Tưởng Giới Thạch, còn bây giờ là uỷ viên Bộ chính trị ÐCS Trung Quốc, đảng này năm 1949 đã lên nắm quyền và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa mà ông là phó chủ tịch. Ngoài ra Quách Mạt Nhược còn là phó chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới và Uỷ ban giải thưởng quốc tế Stalin. Ðó là ba trong rất nhiều danh hiệu và tước vị mà ông có thể khoe ra... - có thể thôi, nhưng ông không khoe khoang, bởi vì ông là con người giản dị hiếm thấy, không hề cao ngạo, rất cần mẫn chăm chỉ, đặc biệt rất thích chuyện trò tiếp xúc. Tóm lại, đó là một nhân vật nổi bật trong phe xã hội chủ nghĩa, hay như người ta thường nói, một nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, v.v. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nhìn mặt thì không đoán được - tôi cảm thấy người Trung Quốc như không có tuổi.

Vậy là trong căn hộ của Ilya quây quần quanh cái bàn dài thấp chất đầy các đồ ăn thức uống - thịt cá hồi, thịt cá chiên, các món trứng cá, vây cá nướng, vodka đủ loại, cognac, hoa quả, rượu vang Gruzia và Moldavi - có Konstantin Fedin, Konstantin Simonov, Vsevolod Pudovkin, nhà văn Pháp Vercos, nhà văn Rumani Mikhail Sadovyanu, nhà văn Italia Pietro Nenni và cặp vợ chồng Brazil chúng tôi. Simonov đến cùng với vợ, một phụ nữ rất gây ấn tượng, diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng mà vẻ đẹp Slave điển hình của nàng đã được ông ca ngợi trong văn thơ: chiếc cổ áo hở vai hào phóng cho ngắm nhìn bộ ngực trắng lộng lẫy. Ngôi sao điện ảnh ấy tên là Valentina. Simonov đã viết tặng nàng cả một tập thơ trữ tình đầy dục cảm, nếu không nói là đầy nhục cảm, bị đích thân đồng chí Stalin quở trách: "Các nhà xuất bản tốn tiền in loại sách đó để làm gì, chỉ cần in hai bản cho ông ta và cô ta là đủ!" Valentina lộng lẫy, kiêu sa! Khi nàng mất, Simonov tuy đã chia tay nàng từ lâu vẫn có mặt tại đám tang và đặt lên mộ một nghìn bông hoa cẩm chướng đỏ thắm - một nghìn bông, không kém.

Quách Mạt Nhược ngồi đối diện với người đẹp và không tham gia vào cuộc trò chuyện vì nàng nói tiếng Pháp, còn ông nói được mười tám thứ tiếng châu Á nhưng lại không biết một thứ tiếng châu Âu nào, trong khi anh phiên dịch tên Lý thì ở ngoài hành lang. Ông chỉ ngồi im nhìn vào cổ áo của Valentina. Ngoài bộ ngực đồ sộ nhô lên như quả đồi kia ông không nhìn thấy gì hết nữa, và vốn là người có học thức ông uống cạn ly rượu vodka đặt trước mặt - uống liền một hơi để trấn an mình. Liuba, bà chủ nhà hiếu khách, lập tức rót cho ông một ly khác. Ông cũng lại uống cạn luôn.

Cần phải nói rằng ở Trung Quốc bộ ngực phụ nữ, vùng kích thích tình dục chủ yếu, là một cái gì khép kín, bí ẩn và thiêng liêng, nếu không nói là "bất khả xâm phạm" - người ta luôn luôn cố giấu nó đi, thắt buộc nó lại không cho phát triển, tóm lại, đó là một chỗ tuyệt đối kiêng kị. Cho nên không lấy làm lạ là hai nửa quả cầu để hở gần như đến chỏm nằm trong khuôn ngực của chiếc áo nhung đen, do đó mà càng trở nên trắng ngời lộng lẫy, đã hút chặt cái nhìn của nhà thông thái và nhà hoạt động nổi tiếng người Trung Quốc.

Các vị khách khác không ngờ một tai hoạ sắp xảy ra, vẫn tiếp tục trò chuyện bình thản sôi nổi về văn học nghệ thuật và sực nhớ ra khi đã muộn - cái điều phải đến đã đến. Quách Mạt Nhược, vẫn điềm tĩnh thản nhiên như mọi lúc, dù đã uống nhiều, vẫn không rời mắt khỏi "báu vật Nga" này, đứng lên đi vòng quanh bàn rồi dừng lại sau ghế của Valentina, giơ hai tay ra ôm chặt lấy bộ ngực phơi trần như trình diễn của nàng, chặt đến mức như không bao giờ rời chúng ra nữa.

Tất cả sững người. Quách Mạt Nhược, vị phó chủ tịch của rất nhiều tổ chức, một nhân vật lịch sử, một người nổi tiếng, đứng đó với hai bàn tay lùa vào khoảng hở trên chiếc áo dài của Valentina bóp chặt đôi vú của nàng - tay trái vú trái, tay phải vú phải - và trên khuôn mặt bất động của ông chậm rãi hiện lên vẻ khoái lạc thần tiên. Những người có mặt lúc đó hầu như hoàn toàn bị tê liệt: chúng tôi chết lặng, mất cả khả năng ăn nói - sự câm lặng như thế kể từ thời khai thiên lập địa chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có lại nữa.

Nhưng vào khoảnh khắc đầy cao trào kịch tính đó anh phiên dịch tên Lý, suốt nãy giờ không rời mắt khỏi ông chủ, đã từ hành lang chạy vào nắm lấy khuỷu tay ông, kéo ra xa Valentina một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết - nói thế được chăng? - rồi đưa ông ra khỏi phòng và căn hộ. Ilya và Liuba khi đó mới sực tỉnh, vội theo sau để tiễn khách. Cuộc bàn luận văn học nghệ thuật lại tiếp tục từ cái chỗ bị ngắt quãng trước đó một phút, dường như không ai thấy có chuyện gì xảy ra.

Từ cái buổi tối chấn động đó niềm kính trọng của tôi đối với Quách Mạt Nhược càng lớn hơn, tăng lên vô hạn.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp. Jorge Amado. Navigation de cabotage, Gallimard, Paris, 1996).

Những trang viết này của Gorky, Amado đã bay khắp thế giới, cả ở Việt Nam, nhưng không thấy có phản ứng gì, cáo buộc gì từ Nga, Trung Quốc.

Tôi không gặp TCS lần nào, ngay thấy mặt ngoài đời, dù là đứng từ xa ngó lại, cũng không. Như vậy, tôi biết TCS là bằng vào âm nhạc của ông. Các bài hát của ông, tôi không thích hết cả, chỉ thích một số bài. Và tôi thấy TCS là người "hát thơ", như Văn Cao nói. Đối với ông, tôi giữ lòng quý trọng, dù ông có hay là không có "tham vọng chính trị". Với TC, tôi chỉ gặp vài lần mới gần đây, chưa thể nói là quen biết. Trong bài này tôi không nói chuyện bài viết của TC về TCS đúng sai, thật giả thế nào (cái đó tôi chờ sự chứng minh, đối chiếu khách quan, công tâm từ TC đến những người liên quan). Tôi cũng không bàn ở đây chuyện cái tâm, cái tình của người viết (nhưng thú thực nghe sự mắng chửi TC "ngậm máu phun người" tôi thấy gai người). "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Đọc nó, tôi nghĩ đến một vấn đề khác, ở cấp độ nhận thức, như đã nói trên. Đó là: việc tìm về sự thật để minh bạch lịch sử là một việc cần làm ngay trong đời sống chính trị văn hóa xã hội của nước ta hiện nay.


Hà Nội 18.4.2009

No comments:

Post a Comment