Hoàng Hưng
Những năm gần đây, cái tên Nguyễn Trần Bạt nổi lên trên văn đàn như một doanh nhân thành đạt có tư duy chính trị – kinh tế – xã hội sâu sắc, tiên tiến mà thực tế. Ông là tác giả nhiều bài viết và cuốn sách, với "đường lối sáng tác" là:
Tôi làm hết sức mình để "giải độc cho thế hệ trẻ". Tôi cũng là một người cha. Tôi đã nghĩ nhiều để thế hệ trẻ, thế hệ con tôi bước vào cuộc đời với tư cách những người tự do, những người không nhiễm độc, không định kiến, những người có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc. Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai, làm con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi, nhưng sống thì tồi.
Còn công việc sắp tới của tôi là thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi không phải là người đối lập, nhưng đem những ý kiến của mình thuyết phục người khác thì tôi làm không mệt mỏi.
(trích theo http://chungta.com.vn/Desktop.aspx/Tac-gia/Tac-gia/Nguyen_Tran_Bat/)
Tôi có đọc một số bài viết của Nguyễn Trần Bạt, mới nhất là văn bản ghi lại cuộc trao đổi của ông với các nhà nghiên cứu ở một số tổ chức trực thuộc Trung ương ĐCSVN vào cuối năm 2008. Cuộc trao đổi có mục đích là trả lời câu hỏi tham vấn của các vị này: "… đó là vấn đề dân chủ, đồng thuận, đoàn kết đối với doanh nhân và trí thức, bởi vì doanh nhân là một đặc thù trí thức. Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân". Để trả lời câu hỏi trên, Nguyễn Trần Bạt đưa ra khá nhiều vấn đề có tính căn bản về nhận thức chính trị, kinh tế, xã hội mà người lãnh đạo đất nước cần phải có để nhìn đúng, nhìn rõ bài toán mà cuộc sống thực đặt ra cho họ hôm nay và phương hướng giải bài toán ấy. Văn bản ghi lại cuộc trao đổi khá dài, có thể đọc ở các địa chỉ sau:
http://vn.360plus.yahoo.com/jw!lmJ4rsmEBRMyVAF4nAXjQA–/article?mid=1141&fid=-1
Nhiều ý tưởng đột phá của ông bắt ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Dưới đây là một vài đoạn trích:
"Vậy chúng ta phải làm gì để nhận dạng những tri thức đích thực? Tôi cho rằng vấn đề này thực ra không khó. Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền, cho nên, thay vì xây dựng các tiêu chuẩn nhận diện thì chúng ta chỉ cần nhận diện trí thức bằng thuộc tính tự nhiên cơ bản của lực lượng này, đó là "tính đối lập". Những ai không có năng lực đối lập thì dường như rất khó để trở thành trí thức. Những ai không có phản ứng về sự vô lý, về sự thiếu nhân đạo, về sự thiếu hiểu biết thì kẻ đó dứt khoát không phải là trí thức. Trí thức là người có năng lực phản xạ một cách tự nhiên trước những sự vô lý của xã hội mà đặc trưng là nhà cầm quyền. Cho nên, tiêu chuẩn để phát hiện một cách chính xác và nhanh nhất người trí thức chính là tính đối lập và các phản ứng của họ đối với nhà cầm quyền. Và tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể trí thức, giữa các nhóm trí thức là mức độ đối lập của nó đối với nhà cầm quyền. Trạng thái đối lập cực đoan là trạng thái đối kháng. Trạng thái đối lập khôn ngoan, phải chăng và tích cực là trạng thái không đối kháng. Ở mọi thời đại, tất cả những trí thức vĩ đại đều là những người đối lập tích cực".
"Giải phóng con người ra khỏi chính trị là giải phóng con người ra khỏi những động cơ chính trị cụ thể, những áp đặt chính trị cụ thể. Chính trị là một mặt của đời sống, không ai ra khỏi chính trị hoàn toàn được, nhưng cái chính trị mà con người có một cách tự nhiên với cái chính trị ép buộc phải có là hai cái khác nhau. Khi con người bị ép buộc về chính trị thì con người mất cảm hứng sống và mất cảm hứng phát triển. Trong tác phẩm Bàn về lý luận không có con người mà ông Trần Đức Thảo viết, ông ta có nói đến khía cạnh này. Bằng những lập luận như vậy, tôi muốn nói rằng cần phải trả cho con người cuộc sống, mà nói đến cuộc sống là phải yên ổn, nó phải bình dị, phải tự nhiên. Khuyến khích nó thì được nhưng ép nó thì không được. Đôi lúc chúng ta cố ép, chúng ta ép đến mức ngay cả những người đứng đầu một hệ thống chính trị cũng trở nên mất tự do".
"Chúng ta cùng nhau xác định rằng dân chủ hóa tức là trả lại cho con người cuộc sống tự nhiên của nó, và chính trị là lãnh đạo con người chứ không phải là lãnh đạo một con người, cho nên, phải thừa nhận tính đa dạng của đời sống con người, và phải lãnh đạo để nó trở nên người hơn chứ không phải để nó trở thành loại người mà mình muốn".
"Đa nguyên là bản chất của cuộc sống còn đa đảng là đời sống chính trị. Nếu chúng ta chưa có điều kiện để đa đảng thì chúng ta không vì thế mà tiêu diệt đa nguyên. Các anh chị ở Học viện là những tinh hoa của đời sống lý luận, các anh chị còn phân biệt được chứ còn xuống đến ban tuyên huấn của các tỉnh ủy thì rất khó. Tôi cho rằng, bản chất của quá trình cải cách chính trị là dân chủ hóa, và chúng ta phải hiểu rằng dân chủ hóa là một việc phải làm".
"Kể cả những nhà giáo dục rất có uy tín cũng vẫn quanh quẩn xung quanh những chi tiết, những chương trình này khác mà quên mất rằng cải cách giáo dục là cuộc cải cách đau đớn nhất mà Đảng ta phải chịu đựng nếu định làm, đó là phi chính trị hóa nhà trường. Nếu không phi chính trị hóa nhà trường thì không thể có được nền giáo dục tiên tiến. [...] nếu không làm cho các trường đại học, các cơ sở giáo dục tự do hơn đối với chính trị, đối với các tiêu chuẩn bắt buộc phải có về nhận thức mà hiện nay chúng ta đang phổ biến trong xã hội thì phải nói rằng mọi ý đồ, mọi khát vọng về cải cách giáo dục đều là vô ích, và chúng ta có đào tạo được 20.000 tiến sĩ thì cũng không có giáo trị gì. Chúng ta sẽ có những kẻ nói một cách chuẩn hơn về thuật ngữ, chúng ta có thể có một số lực lượng có khả năng diễn đạt một cách trôi chảy cái cũ nhưng để tìm ra cái mới thì rất khó, mà nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cái mới chứ không phải diễn đạt trôi chảy cái cũ. Hiện tượng diễn đạt trôi chảy những cái cũ đã trở thành phong cách của giới tri thức Việt Nam từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay".
Vân vân.
Tôi xin mạn phép tác giả giới thiệu với bạn đọc của Bauxite Việt Nam một số ý lớn mà mình tâm đắc trong văn bản ấy. Những tiêu đề nhỏ là của người giới thiệu.
HH
1/ Chính trị và kinh tế: "Sớm hay muộn gì thì các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng phải tiếp cận với kỷ luật của đời sống"
a/ Bản chất của định hướng kinh tế hiện hành ("Tân tự do") và tính hai mặt của "Kinh tế tri thức":
Trong thế kỷ của chúng ta, kinh tế đã trở thành hoạt động xã hội chủ yếu, trở thành ngôn ngữ đối thoại không chỉ của doanh nhân, mà còn của mọi nhà chính trị. Các anh thấy rằng, khoảng 20 năm nay, có đến 70-80% giải Nobel về kinh tế được trao cho các nghiên cứu ngoài kinh tế, những nghiên cứu về sự bất đối xứng của thông tin, những nghiên cứu về tâm lý. Chỉ có giải Nobel kinh tế năm ngoái là được trao cho các nhà kinh tế. Có nghĩa là kinh tế đã trở thành một đối tượng của khoa học chính trị, hay nói cách khác, từ thời Marx đến bây giờ, nó quay lại một chu kỳ là người ta phải nghiên cứu các hiện tượng kinh tế với tư cách là kinh tế chính trị học chứ không phải kinh tế học thuần túy nữa. Mọi lý thuyết kinh tế đều có giá trị sử dụng trong những giai đoạn nhất định. Ví dụ, giai đoạn vừa rồi là giai đoạn của lý thuyết "Tân Tự do" mà đại diện là các nhà kinh tế Áo. Từ khoảng đầu những năm 80 cho đến năm 1995, theo đánh giá của tôi, nó đóng vai trò cực kỳ tích cực. M. Thatcher và R. Reagan là hai nhà chính trị biết khích lệ, biết sử dụng trường phái "Tân Tự do" ấy để tạo ra sự phát triển vượt bậc của kinh tế thế giới và lôi kéo tất cả các quốc gia, kể cả Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta nói rằng nền kinh tế của chúng ta có định hướng này, định hướng kia nhưng trên thực tế, tiềm ẩn trong xã hội là nền kinh tế phát triển với bản chất của một nền kinh tế "Tân Tự do". Các nhà chính trị chưa biến nó thành một khuynh hướng "Tân Tự do", nhà nước hay Đảng chưa biến nó thành một khuynh hướng "Tân Tự do", nhưng toàn cầu hóa đã làm cho khuynh hướng "Tân Tự do" trở thành động lực, trở thành phong cách của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm vừa rồi, và đỉnh cao của nó là thị trường chứng khoán. Tôi có nghe nói nhóm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ đã tổng kết về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam là đến chậm, ở lâu, phá lớn và tạo ra cơ hội. Tôi không cho là như vậy. Sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới đến Châu Á rất sớm, nhất là đối với Việt Nam và Trung Quốc, nhưng hệ thống truyền thông của chúng ta không đủ kinh nghiệm để phản ánh nó. Chúng tôi theo dõi tất cả các mạng quốc tế về tất cả các hiện tượng nên chúng tôi biết rằng nó đến rất sớm. Tôi đã từng nói với anh em đại diện hãng Down Jones ở Hà Nội về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN Index là gần 1200. Tôi nhìn thấy chuyện ấy, tôi viết bài cảnh báo, nhưng không thấy ai có phản ứng gì cả. Khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam rất sớm và nó cũng không ở lâu, bởi vì năng lực chịu đựng của Việt Nam là rất mỏng. Chúng ta chỉ đủ năng lượng để chịu đựng một pha chứ không đủ năng lượng để chịu đựng lâu dài. Phá lớn thì tôi cũng không cho là đúng vì chúng ta không có đủ năng lực, không có đủ chiều dày tích lũy lớn để tạo ra một vụ nổ lớn. Tôi có viết một bài trên báo Lao động về Con ngựa và Cỗ xe kinh tế Việt Nam, trong đó tôi nói rằng, Việt Nam không có hiện tượng sụp đổ hoặc hiện tượng khủng hoảng dữ dội về kinh tế, nhưng Việt Nam rơi vào cái bẫy của sự phát triển vị thành niên mãn tính. Tám tháng sau đó, trường Princeton, Hoa Kỳ mở một cuộc Hội thảo về Việt Nam, có anh Lê Đăng Doanh và một số người đi. Tôi có nghe nói rằng, kết luận của Hội thảo đó là: nền kinh tế Việt Nam vẫn có những mặt hấp dẫn, đặc biệt là hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhưng nó rơi vào cái bẫy của sự phát triển yếu, ở mức trung bình thấp. Như vậy khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ không thể phá lớn ở Việt Nam, còn tạo ra cơ hội thì cũng không hơn gì khi nó không khủng hoảng.
Khi phân tích khủng hoảng kinh tế thế giới, tôi thấy rằng bản chất của sự phát triển kinh tế ở thế kỷ XXI là phát triển kinh tế tri thức. Nhưng kinh tế tri thức không phải là những sản phẩm đẹp đẽ, lành mạnh được diễn đạt dưới dạng ngôn ngữ hàn lâm đơn giản mà kinh tế tri thức là những cách thức để thoát khỏi sự kiểm soát, sự điều khiển của mọi nhà cầm quyền. Đấy là yếu tố tiêu cực số một của kinh tế tri thức. Vì đóng thuế luôn là vấn đề đối với mọi nhà kinh doanh, cho nên, chỗ nào tự do về thuế là người ta đến đấy lập công ty. Tôi đã đến hai hòn đảo ở giữa Đại Tây Dương, biển Manche, có tên là Guernsey và Jersey. Đấy là hai hòn đảo mà trong Hiệp ước Postdam người ta quên mất không chia cho ai cả, cho nên nó giống như Liechtenstein hoặc Luxembourg, trở thành một định chế không được phân chia, nó rất kỳ lạ là có đồng tiền riêng, hộ chiếu là của Anh, nhưng vào đó thì phải có visa. Ở đấy có hàng chục nghìn công ty được thành lập, mỗi công ty chiếm diện tích rất nhỏ, giống như nghĩa trang ở Đài Loan, tức là người ta đính tên công ty lên trên tường và một cô thư ký ở đấy trực điện thoại cho 50-70 công ty. Như vây, yếu tố tiêu cực thứ nhất của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ này chính là sự phát triển tri thức trong việc né tránh sự kiểm soát của tất cả các nhà cầm quyền. Thứ hai là các sản phẩm tài chính của nó quyến rũ con người bất chấp khả năng hiểu biết của họ. Và người Mỹ là những người đầu tiên bị lừa trong chuyện này. Sự sụp đổ hay khủng hoảng của nền kinh tế Hoa Kỳ là do sự mất cân đối của việc "Vay" và "Tiêu". Trong bài phân tích về hiện tượng Obama, tôi có nói là nền kinh tế tri thức thể hiện ở các sản phẩm thông minh, nhưng với các dân tộc đông dân, không có cách gì để tất cả mọi người đều tham gia vào việc sản xuất ra các sản phẩm thông minh như vậy. Cho nên, nhiệm vụ của các nhà cầm quyền là hoạch định nền kinh tế như thế nào đó để không ngăn cản mặt tích cực của kinh tế tri thức, nhưng cũng không làm mất đi cái gốc căn bản của nền kinh tế truyền thống mà những con người thông thường, những bộ phận thông thường của nhà nước, của Chính phủ có thể kiểm soát được.
b/ Cần xây dựng một một Chính phủ đầy đủ trí tuệ để điều hành nền kinh tế:
… Chúng ta không chuẩn bị một Chính phủ đầy đủ trí tuệ để điều hành một nền kinh tế phức tạp như vậy. Cho nên, khi quan sát các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi nghĩ tại sao người ta lại không tắt truyền hình trực tiếp đi. Các anh không nghĩ rằng như vậy là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới để rủ tất cả những tên lừa đảo đến. Những biểu hiện như vậy là rất nguy hiểm, và có thể nói đấy là sự mất cảnh giác. Vì vậy, việc thứ nhất có lẽ là chúng ta phải chuẩn bị một Chính phủ đầy đủ sự thông thái. Ví dụ, có những đồng chí lãnh đạo nói rằng, sao mọi người cứ chỉ trích tôi là không chịu đối thoại với trí thức, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều Tiến sĩ, các Thạc sĩ. Nhưng họ quên mất rằng, Tiến sĩ hay Thạc sĩ không phải là trí thức, cái cuối cùng người trí thức mang lại cho xã hội là thông tin, là sự phát hiện những khía cạnh mà xã hội không nhận ra bộ mặt thật của nó chứ không phải danh vị của họ.
c/ Động lực phát triển kinh tế là sự sáng tạo của người dân trong khu vực tư nhân với điều kiện cần có là tự do:
Nói tóm lại, xây dựng một hệ thống chính trị, một Chính phủ thông thái là việc số một phải làm. Nhưng mà nền kinh tế thì không phát triển bằng Chính phủ. Động lực cơ bản của nền kinh tế chính là sự sáng tạo của người dân, nhưng không phải trong khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước chỉ là một công cụ có chất lượng kinh tế để thể hiện một khuynh hướng chính trị. Ở Việt Nam, để tạo ra một đơn vị phát triển của một công ty tư nhân mất một đồng thì với công ty nhà nước sẽ mất 8 đồng, tức là gấp 8 lần chi phí. Nếu mà làm kinh tế bằng các công ty nhà nước thì không thể phát triển kinh tế được, nhưng nếu không có nó thì các nhà lãnh đạo, các nhà cầm quyền không đủ tự tin để đối thoại với xã hội, cho nên, nó cần như một khoản thế chấp chính trị chứ không phải là một công cụ kinh tế. Đấy là quan điểm của tôi. Khu vực dân doanh theo thuật ngữ của ta hay khu vực tư nhân theo thuật ngữ phổ biến là động lực cơ bản của nền kinh tế, nó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mua của xã hội. Quy luật về cầu là quy luật số một của tất cả mọi trường phái kinh tế học, vì thế người ta mới phải kích cầu. Khu vực tư nhân là khu vực tạo ra năng lực tiêu dùng, cho nên muốn có năng lực tiêu dùng, muốn kích cầu thì phải thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong một lần thảo luận trên Đài truyền hình, tôi có nói rằng, kinh doanh đòi hỏi một phẩm chất, đó là lòng dũng cảm dân sự. Bởi vì, con người ở đâu cũng vậy, về cơ bản là lười biếng và nhát, sợ mất mạng, sợ mất tiền, sợ mất sự yên ổn. Cho nên, kinh doanh đòi hỏi phải có lòng dũng cảm dân sự. Nhiều người không dám phá vỡ sự yên tĩnh bình thường để làm nhà kinh doanh, cho nên gen kinh doanh là gen hiếm, đòi hỏi phải dũng cảm, đòi hỏi chất lượng chiến sỹ ở trong đấy. Vậy những người như vậy cần gì? Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứngtôi đã phân tích rất rõ, đó là tự do. Và tới những nước càng chậm phát triển thì nhân dân càng cần bổ sung lượng tự do lớn hơn, thậm chí lớn hơn cả phương Tây. Nếu chúng ta có lượng tự do lớn hơn phương Tây thì nhân dân chúng ta mới có khả năng bứt phá khoảng cách mà trong những thế kỷ trước chúng ta đã bỏ lỡ, chúng ta chưa làm được. Theo quan điểm của tôi, trong lịch sử nước Việt Nam chưa có một thời đại nào có đủ điều kiện để làm tốt việc ấy bằng giai đoạn hiện nay, giai đoạn có một đảng chính trị đã có thành tích cầm quyền. Bởi vì, để tạo ra tự do xã hội là việc rất khó. Ở những nước không nhất nguyên, không đơn nguyên như thế này, để thương lượng được khế ước nội dung của tự do là việc rất khó. Nhưng khi anh chỉ có một tổ chức cầm quyền thôi thì anh có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc định ra những giới hạn khác nhau của tự do trong toàn bộ tiến trình phát triển của khái niệm này.
Như vậy, trước hết chúng ta phải có một Chính phủ, một hệ thống chính trị, có một xã hội dân sự tương đối ổn định và có một độ tự do phù hợp với năng lực quản lý của nhà cầm quyền. Tôi không phải là người xem tự do là một đại lượng lãng mạn. Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứng, tôi nói rằng tự do là một thứ ăn được, bản chất của tự do là tạo ra những giới hạn để con người phát triển phù hợp với năng lực của nó và năng lực của nhà quản lý. Và khế ước tự do của mỗi một giai đoạn phát triển luôn luôn là khế ước thể hiện sự thỏa thuận. Cho nên, khi phân tích khái niệm đồng thuận, tôi nói rằng đồng thuận là kết quả tự nhiên của thỏa thuận. Đồng thuận không phải là tôi đồng ý với anh, tất cả mọi người đồng ý với anh mà chúng ta đồng ý với nhau. Đấy mới là đồng thuận. Nếu chúng ta xây dựng một phong trào chính trị để tìm kiếm sự đồng ý với Đảng thì sẽ rất khó và là ảo tưởng. Nhưng nếu chúng ta tạo ra một cơ cấu xã hội để mọi người đồng thuận với nhau và mọi người có thể đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị trong từng việc, trong từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn thì đấy mới chính là một cách thức tiếp cận hợp lý đến khái niệm này.
d/ Sự không đếm xỉa đến chất lượng nhân dân của luật pháp và chính sách đã bắt đầu trở thành một tai họa của đời sống chính trị.
Chính việc chúng ta không làm rõ khái niệm độ thấm của các chính sách vĩ mô vào đời sống xã hội cho nên nhiều chính sách của chúng ta khi ban hành thiếu tính nhân dân. Ví dụ, cấm hàng rong là thiếu tính nhân dân. Anh đưa ra cái anh muốn nhưng anh không hiểu cuộc sống đã muốn cái anh muốn chưa. Cho nên phải nói rằng, một loạt các chính sách của chúng ta trong giai đoạn gần đây là thiếu tính nhân dân, thiếu sự chiếu cố thỏa đáng đến các trạng thái thực của đời sống. Tôi có đưa ra một số bài báo là cần phải có một quy trình bắt buộc đối với việc hoạch định chính sách. Ví dụ chính sách ảnh hưởng đến 5 người thì người ra chính sách có thể làm mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng nếu ảnh hưởng đến 500 người tức là nó bắt đầu tác động đến xã hội một cách thật sự, và đến 5 triệu người thì buộc phải thẩm định ở mức cao nhất của đời sống chính trị. Nhưng hình như chúng ta không có những nguyên tắc như thế. Ví dụ chuyện xe ba bánh, xe tự chế, với tư cách là một người vẫn còn tiếp tục sống trong đời sống thông thường, tôi rùng mình về sự phiêu lưu chính trị như vậy. Các anh nghiên cứu, học tập gương Bác Hồ vĩ đại để duy trì, dùng lịch sử để duy trì mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nhưng những chính sách như vậy đi ngược lại hoàn toàn, gây những phản ứng ngược lại hoàn toàn với mong muốn như vậy. Phải nói rằng sự coi thường nhân dân, sự không đếm xỉa đến chất lượng nhân dân của luật pháp và chính sách đã bắt đầu trở thành một tai họa của đời sống chính trị. Rất đáng tiếc không ai nhận thức được chuyện này. Có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao vẫn nói rằng chúng ta phải nuôi dân, chúng ta phải lo cho dân… Tôi đã nói với Đài truyền hình Việt Nam là tôi đề nghị các anh đưa ra một yêu cầu là không nói chữ "dân". Nhân dân không phải là cấp dưới của Nhà nước. Bản chất của nền dân chủ là người dân làm chủ thể chế của mình chứ không phải thể chế cai quản người dân. Hay nói về quân đội của chúng ta chẳng hạn, tôi có nói với một số anh cựu chiến binh là quân đội nhân dân Việt Nam là thành phẩm của quá trình liên doanh giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân. Nếu quân đội chỉ bảo vệ Đảng (rất nhiều đồng chí vô tình nói như thế mặc dù trong đầu có thể không nghĩ thế), thì tự nhiên khi xem, khi nghe, người ta sẽ hiểu là hóa ra các ông ấy làm như thế là vì các ông ấy. Trong cuốn Văn hoá và Con người của tôi có phần văn hóa chính trị, đấy là tôi muốn nói rằng cần phải chấn chỉnh lại hệ thống ngôn ngữ, không được để nó diễn ra một cách ngẫu nhiên, nó tạo ra một quá trình tuyên truyền ngược lại với các nguyên lý căn bản nhất của đời sống chính trị mà chúng ta tôn thờ. Trong tất cả những cuốn sách này tôi có nói về chuyện ấy. Chuyện ấy có thể không phù hợp lắm với thẩm mỹ chính trị của nhiều đồng chí hiện nay nhưng tôi nói rằng những giá trị như vậy, những khẳng định như vậy không thể chối bỏ được. Sớm hay muộn gì thì các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng phải tiếp cận với kỷ luật của đời sống, mà kỷ luật quan trọng nhất của đời sống là sự đến gần các chân lý của nó.
2/ Đảng và trí thức: "Trong một xã hội mà nhà chính trị không đủ năng lực để đối thoại với người đối lập với mình về mặt hiểu biết thì rất khó để xã hội ấy trở thành một xã hội phát triển".
"Hiện nay, bằng rất nhiều hoạt động, Đảng luôn thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ trí thức, muốn xây dựng đội ngũ trí thức, đó là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, phương pháp hay động cơ của việc này cần phải được xem xét và cân nhắc một cách rất cẩn thận. Vấn đề đặt ra là Đảng muốn gì ở trí thức. Nếu Đảng muốn có một đội ngũ trí trức của mình, phục vụ cho mình thì chỉ cần xây dựng đội ngũ trí thức theo cách thức hiện nay là đủ, còn nếu Đảng muốn có một đội ngũ trí thức để lý giải những hiện tượng chính trị, xã hội để có thể hoạch định những chính sách tốt thì cần phải có một đội ngũ trí thức theo cách khác. Bộ chính trị vừa qua có ra quyết định xây dựng một nghị quyết về vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức. Trong quá khứ, hầu hết các Đảng Cộng Sản trên thế giới, đều đã từng làm việc này. Họ xây dựng nền văn hóa để kiểm soát xã hội về mặt thái độ chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân để làm chỗ dựa, làm lực lượng chính trị, xây dựng đội ngũ trí thức làm trí khôn chính trị, tức là những người cầm quyền luôn muốn biến xã hội trở thành lực lượng của mình, công cụ của mình mà quên mất rằng làm như vậy sẽ khiến cho xã hội không còn tự do nữa. Để xây dựng đội ngũ trí thức thì vấn đề đầu tiên đặt ra cho những người thực hiện là phải xây dựng tiêu chuẩn để nhận diện trí thức, nhưng đặt ra vấn đề xây dựng tiêu chuẩn để nhận diện trí thức là rất chủ quan, bởi vì, trong một xã hội cơ hội thì trí thức là kẻ nhạy cảm nhất và đủ năng lực để biến hình, biến màu trở thành kẻ cơ hội sớm nhất và giỏi nhất. Những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn, không đủ kinh nghiệm thì sẽ rất dễ mắc phải sai lầm là nhận dạng trí thức dưới hình thức của những kẻ cơ hội. Vậy thì nhận dạng để làm gì? Có những lúc chúng ta nói rằng trí thức đã bắt đầu trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thông qua lý thuyết về nền kinh tế trí thức là lập tức chúng ta có những sự biến hình rất vĩ đại xảy ra trên quy mô xã hội, đó là sự xuất hiện của hàng chục nghìn Tiến sĩ Giáo sư kém chất lượng. Như thế tức là trí thức là những kẻ biến hình. Nhà cầm quyền càng xây dựng hệ tiêu chuẩn và càng công bố, càng tuyên truyền về nó thì xã hội càng bị lôi kéo theo những tiêu chuẩn phiến diện, vì nó chỉ được xác nhận bởi những người có quyền lực. Nếu làm như vậy thì xã hội sẽ không những có thêm trí thức mà những trí thức sẵn có cũng trở nên biến dạng. Đấy là một nguy cơ.
Vậy chúng ta phải làm gì để nhận dạng những tri thức đích thực? Tôi cho rằng vấn đề này thực ra không khó.Trí thức chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền, cho nên, thay vì xây dựng các tiêu chuẩn nhận diện thì chúng ta chỉ cần nhận diện trí thức bằng thuộc tính tự nhiên cơ bản của lực lượng này, đó là "tính đối lập". Những ai không có năng lực đối lập thì dường như rất khó để trở thành trí thức. Những ai không có phản ứng về sự vô lý, về sự thiếu nhân đạo, về sự thiếu hiểu biết thì kẻ đó dứt khoát không phải là trí thức. Trí thức là người có năng lực phản xạ một cách tự nhiên trước những sự vô lý của xã hội mà đặc trưng là nhà cầm quyền. Cho nên, tiêu chuẩn để phát hiện một cách chính xác và nhanh nhất người trí thức chính là tính đối lập và các phản ứng của họ đối với nhà cầm quyền. Và tiêu chuẩn để phân biệt sự khác nhau giữa các cá thể trí thức, giữa các nhóm trí thức là mức độ đối lập của nó đối với nhà cầm quyền. Trạng thái đối lập cực đoan là trạng thái đối kháng. Trạng thái đối lập khôn ngoan, phải chăng và tích cực là trạng thái không đối kháng. Ở mọi thời đại, tất cả những trí thức vĩ đại đều là những người đối lập tích cực. Nghiên cứu tính đối lập của trí thức, tôi thấy rằng có 4 điểm cơ bản: Thứ nhất, trí thức đối lập với nhau để hình thành một trong những sinh hoạt phổ biến tạo ra sự sáng tạo và lựa chọn, đó là tranh luận. Thứ hai, trí thức đối lập với nhà cầm quyền để tạo ra một sinh hoạt rất phổ biến, đó là sinh hoạt phản biện. Thứ ba, trí thức đối lập với những yếu tố văn hóa xâm nhập từ bên ngoài để tạo ra năng lực chọn lọc của xã hội. Và cuối cùng, trí thức phải đối lập với quá khứ để tạo ra động lực của sự phát triển và năng lực phỏng đoán tương lai…" (trích bài viết gửi GS Phạm Ngọc Quang).
Liên quan đến vấn đề trí thức, anh Hiên có đến làm việc với tôi để góp ý cho nghị quyết về trí thức. Tôi đã thảo luận với anh Hiên về vấn đề này một cách khá gay gắt. Tôi nói rằng không có tiêu chuẩn nhận diện, nếu có đặt ra tiêu chuẩn nhận diện thì lực lượng đi nhận diện cũng rất khó thực hiện. Rất nhiều nỗi oan ức ngay cả trong những trí thức quan trọng của Đảng, ngay trong tâm lý các anh cũng có điều ấy. Tôi cho rằng trí thức là những người có trách nhiệm, người có trách nhiệm bao giờ cũng đối lập với mọi sự sai trái của cuộc sống, mà sự sai trái dễ nhận thấy nhất là sự sai trái của nhà cầm quyền, cho nên nhà chính trị phải rèn luyện để đủ năng lực đối thoại với kẻ đối lập với mình. Trong một xã hội mà nhà chính trị không đủ năng lực để đối thoại với người đối lập với mình về mặt hiểu biết thì rất khó để xã hội ấy trở thành một xã hội phát triển.
3/ Nguyên lý "phi cách mạng" và tự do chính trị:
Đúng là nguyên lý căn bản của tôi trong quyển sách này là nguyên lý phi cách mạng. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cứ nói cách mạng ở trên giấy, nói cách mạng ở trên sách, chúng ta làm thơ về cách mạng, nhưng chúng ta không biết rằng mọi cuộc cách mạng đều để lại những di chứng khổng lồ, kể cả cuộc cách mạng không có bạo lực. Tôi có nói trong quyển sách này là cái di chứng của cách mạng không phải là chết chóc mà là sự sợ hãi. Và sự sợ hãi các di chứng của cách mạng không chỉ có trong người dân mà có ngay trong cả những người lãnh đạo, những người cầm quyền. Tôi có tranh luận với Đại sứ Ukraine. Tôi bảo tôi sẵn lòng. Các ông ấy tự ca ngợi các ông ấy đã thành công với cách mạng Cam, Cách mạng Nhung, nhưng bây giờ các anh chị thấy rằng thực tế cách mạng ở Ukraine không hề Cam, không hề Nhung, mà người ta vẫn tiếp tục khuếch trương tất cả những thắng thua của từng giai đoạn và nó kéo dài tình trạng cả dân tộc quấn theo những thứ không gắn với sự phát triển tự nhiên của cuộc sống. Ở Việt Nam chẳng hạn, các anh thấy rằng cuộc tranh luận giữa nhà cầm quyền Việt Nam với ông Linh mục trong sự cố liên quan đến nhà thờ công giáo gần đây là tranh luận về quyền sở hữu đất đai. Sự thay đổi quyền sở hữu đất đai là kết quả của cuộc Cách mạng. Người Việt Nam chúng ta còn phải tham gia vào giải quyết những hậu quả cách mạng ấy trong 50-70 năm nữa chứ không phải bây giờ. Cách mạng buộc phải thay đổi một cách quyết liệt, ngay lập tức, nhưng bây giờ chúng ta làm chủ xã hội thì chúng ta phải có ý thức về sự hợp lý hóa hằng ngày của toàn bộ các tiến trình phát triển. Cho nên tôi nói rằng cần phải thay thế cách mạng bằng cải cách chứ tôi không phủ nhận cái việc cần phải làm biến mất những điều bất hợp lý và thay thế nó bằng những điều hợp lý. Tức là ở đây tôi muốn nói là quy trình tạo ra sự thay đổi, sự phát triển như thế nào thì phù hợp. Nguồn năng lượng mà nhân loại có không đủ để tiến hành các cuộc cách mạng. Người ta đưa ra những dự báo là vào những năm 40 của thế kỷ này, các năng lượng cacbon sẽ hết, và người ta buộc phải nghiên cứu các dạng năng lượng khác. Trên thế giới người ta đã nghiên cứu sử dụng năng lượng nhiệt trong lòng trái đất, rồi nghiên cứu năng lượng sóng, năng lượng gió… Nhưng tất cả những nghiên cứu ấy chỉ ra rằng nhân loại vẫn chưa đủ tiền để đầu tư và bây giờ người ta vẫn tiếp tục dùng nguồn năng lượng sẵn có, vẫn tiếp tục thay thế nó bằng năng lượng hạt nhân, và cái đấy ẩn chứa một nguy cơ khổng lồ. Các cuộc cách mạng luôn kéo theo sự sợ hãi, sự bất ổn định tinh thần, làm con người dừng lại không sáng tạo. Nếu như chúng ta tạo ra một trạng thái yên ổn thì mọi người đều có thể là tư tưởng của riêng mình, mọi người đều có thể trở thành nhà khoa học của riêng mình. Do đó, tỷ lệ con người có năng lực sáng tạo sẽ lớn hơn, phổ biến hơn và điều đó làm cho nhân loại trở nên tiết kiệm hơn. Cho nên, luận điểm của tôi là luận điểm nhân loại không còn đủ sức chịu đựng các cuộc cách mạng. Nói cho cùng, các cuộc cách mạng diễn ra trong thực tế đời sống của lịch sử nhân loại cũng không nhiều lắm, mà hậu quả của nó đã ghê gớm như vậy. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là kết quả của cách mạng. Nhân cái đà đấy, người ta đã tạo ra một quốc gia là kết quả của sự cưỡng bức rất nhiều thứ. Và nói rằng cách mạng là một cơ hội lớn cho rất nhiều kẻ cơ hội. Có thể ở chúng ta không có, nhưng trên thế giới những kẻ cơ hội như vậy rất nhiều. Những kẻ cơ hội nhân dịp cách mạng bằng một số trò láu cá chính trị mà trở thành kẻ cầm quyền thì tại họa của nhân loại là không thể tưởng tượng được. Cho nên, các nhà chính trị mọi thời đại, ở mọi quốc gia cần phải tỉnh táo tạo ra một lộ trình hoàn toàn chủ động để xây dựng sự hợp lý của đời sống. Đấy là tư tưởng cơ bản của tôi.
Về ý thứ hai mà anh nói là tự do chính trị. Tự do về chính trị là giải phóng con người ra khỏi chính trị. Tôi có thể hoàn toàn làm rõ quan điểm này. Giải phóng con người ra khỏi chính trị là giải phóng con người ra khỏi những động cơ chính trị cụ thể, những áp đặt chính trị cụ thể. Chính trị là một mặt của đời sống, không ai ra khỏi chính trị hoàn toàn được, nhưng cái chính trị mà con người có một cách tự nhiên với cái chính trị ép buộc phải có là hai cái khác nhau. Khi con người bị ép buộc về chính trị thì con người mất cảm hứng sống và mất cảm hứng phát triển. Trong tác phẩm Bàn về lý luận không có con người mà ông Trần Đức Thảo viết, ông ta có nói đến khía cạnh này. Bằng những lập luận như vậy, tôi muốn nói rằng cần phải trả cho con người cuộc sống, mà nói đến cuộc sống là phải yên ổn, nó phải bình dị, phải tự nhiên. Khuyến khích nó thì được nhưng ép nó thì không được. Đôi lúc chúng ta cố ép, chúng ta ép đến mức ngay cả những người đứng đầu một hệ thống chính trị cũng trở nên mất tự do. Tôi nhìn hình ảnh các nhà lãnh đạo cầm tờ giấy khi nói chuyện với các nguyên thủ nước ngoài là tôi thấy đau khổ. Tại sao lại có một không khí, một tiêu chuẩn để ngay cả các nhà lãnh đạo ở cương vị cao nhất cũng không cảm thấy mình tự do? Tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt, tôi trốn vào một ngõ hẻm như thế này, tôi tự do hay không tự do, tôi chịu sức ép hay không, không ai biết, nhưng với những người giữ địa vị quan trọng và luôn xuất hiện trước mặt thiên hạ thì khác. Bây giờ các anh thấy rằng đi ra ngoài đối thoại mà không có tự do thì không được người ta tôn trọng. Năm 1990 tôi có một cuộc nói chuyện ở Washington DC với khoảng 700 doanh nghiệp, người lái ô tô đưa tôi đến hội trường là giáo sư Leonardo Unger, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà tôi quen ở Việt Nam. Tôi nói với Giáo sư là đưa tôi đến chỗ bức tường kỷ niệm người Mỹ chết trận ở Việt Nam và lái về chỗ hội trường chậm 1 phút, ông ấy không hiểu ý tôi, nhưng tôi nhờ nên ông ấy làm đúng như vậy. Đến chỗ bức tường ấy tôi mua một bó hoa đặt vào đấy, khi tôi đến hội trường muộn 1 phút thì tất nhiên người ta đặt câu hỏi: tại sao ông đến muộn. Tôi giải thích là tôi đến để đặt bó hoa lên bức tường kỷ niệm. Có một anh Giám đốc Việt Kiều 70 tuổi hỏi tôi ngay: tại sao anh làm như thế? Tôi trả lời, loài người chúng mình được cho là động vật thông minh mà đã là thông minh thì nó không mang khái niệm hộ chiếu lên thiên đường. Nếu không có các động thái như vậy thì tôi không đủ tự tin để nói chuyện với các vị ở đây. Các anh, các chị mà thấy các nhà ngoại giao của chúng ta đi ra nước ngoài thì đau khổ lắm, không một ai tự nhiên, không một ai tự do. Và phải nói thật là họ ít sợ địch hơn là sợ đồng nghiệp ở nhà. Những hiện tượng như vậy bóp chết cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo của con người.
4/ Cải cách chính trị: "Dân chủ hóa xã hội Việt Nam là món nợ tinh thần của những người Cộng sản đối với dân tộc"
Ý thứ tư của anh là cải cách chính trị theo tiêu chuẩn phổ biến là gì. Đó là dân chủ hóa xã hội. Trong các quyển sách này cũng như trong nhiều bài viết, nhất là các bài viết về Hồ Chủ Tịch, tôi có nói rằng "dân chủ hóa xã hội Việt Nam là món nợ tinh thần của những người cộng sản đối với dân tộc". Chúng ta đưa ra khái niệm gọi là thời kỳ quá độ, thậm chí bây giờ người cộng sản Trung Quốc đã nói thẳng ra rằng thời kỳ quá độ ấy là hàng trăm năm. Thời kỳ quá độ là một khái niệm được mô tả bằng một câu nói dân gian ở Việt Nam là: "ngày mai ăn phở không mất tiền". Nhưng bao giờ mới đến cái ngày mai ấy? Tại sao chúng ta không biến một quá trình như vậy thành quá trình xây dựng và tổ chức nền dân chủ? Chúng ta cùng nhau xác định rằng dân chủ hóa tức là trả lại cho con người cuộc sống tự nhiên của nó, và chính trị là lãnh đạo con người chứ không phải là lãnh đạo một con người, cho nên, phải thừa nhận tính đa dạng của đời sống con người, và phải lãnh đạo để nó trở nên người hơn chứ không phải để nó trở thành loại người mà mình muốn. Đấy là quan điểm của tôi. Tôi không nghĩ rằng dân chủ hóa thì nhân dân sẽ chống Đảng, ngược lại, có khi nhân dân còn công kênh Đảng lên. Nếu người ta biết chắc rằng các anh đang tổ chức và lãnh đạo một tương lai mà ở đó nhân dân tự do thì nhân dân rất sợ các anh bỏ đi. Các anh không tưởng tượng được rằng nếu Đảng làm được như thế thì xã hội rất sợ Đảng bỏ đi. Giữa việc nếu ta đi thì họ níu và việc bắt họ phải chịu đựng ta thì việc nào hơn? Tôi thấy các anh không nên ghép những chữ mà bản chất của nó là những chặng khác nhau hay là những mức độ khác nhau của một khái niệm với nhau, như đa nguyên – đa đảng mà tôi nói lúc trước. Đa nguyên là bản chất của cuộc sống còn đa đảng là đời sống chính trị. Nếu chúng ta chưa có điều kiện để đa đảng thì chúng ta không vì thế mà tiêu diệt đa nguyên. Các anh chị ở Học viện là những tinh hoa của đời sống lý luận, các anh chị còn phân biệt được chứ còn xuống đến ban tuyên huấn của các tỉnh ủy thì rất khó. Tôi cho rằng, bản chất của quá trình cải cách chính trị là dân chủ hóa, và chúng ta phải hiểu rằng dân chủ hóa là một việc phải làm. Vì con người, vì sự phát triển của đất nước chúng ta phải làm, chỉ có điều là chúng ta làm cho khéo để giữ được Đảng. Trong những quyển sách này còn thiếu một điều rất quan trọng mà tôi không nói được, đó là những rủi ro mà Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình cải cách chính trị. Chúng tôi không hề có sự bức xúc gì với Đẳng, với nhà nước, với chính phủ, chúng tôi là những người đủ khôn ngoan để trong bất kỳ trạng thái chính trị nào của đất nước chúng tôi cũng tồn tại được, nhưng những người như chúng tôi rất ít. Cái chính là phải làm thế nào để những điều kiện có thể tạo ra sự phát triển như vậy trở nên tương đối phổ biến đối với nhân dân chúng ta.
5/ Cải cách giáo dục là phi chính trị hoá nhà trường:
Vấn đề thứ năm là vấn đề phi chính trị hóa giáo dục. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết xung quanh vấn đề này. Rất nhiều người nói do thầy thế này, do sách giáo khoa thế kia. Gần đây anh Trần Hữu Dũng, Giáo sư trường đại học Wright State, chủ trang web "Diễn đàn", về đây trả lời phỏng vấn của báo chí đã nhận xét rằng: giáo dục Việt Nam loay hoay tìm cách phát minh lại cái bánh xe. Kể cả những nhà giáo dục rất có uy tín cũng vẫn quanh quẩn xung quanh những chi tiết, những chương trình này khác mà quên mất rằng cải cách giáo dục là cuộc cải cách đau đớn nhất mà Đảng ta phải chịu đựng nếu định làm, đó là phi chính trị hóa nhà trường. Nếu không phi chính trị hóa nhà trường thì không thể có được nền giáo dục tiên tiến. Các anh chị biết rằng xét về mặt phân tâm học thì năng lực tiếp nhận của trẻ con vào những lứa tuổi khác nhau thích hợp với những loại kiến thức khác nhau. Tại sao trẻ con Châu Âu nói chuyện triết học, nói chuyện Kant, Hegel … một cách rất nhẹ nhàng? Bởi vì lúc các em chưa kịp có định kiến thì các em tiếp cận một cách vô thức. Và về mặt phương pháp luận nhận thức mà nói thì kẻ nào vào sớm nhất trong miền tiềm thức của một con người thì kẻ đó trở thành chủ của bộ não và cái còn lại là sự lựa chọn của chính kẻ đó. Chúng ta để cho trẻ con làm quen sớm với một số khái niệm rất hạn chế, và do đó, trẻ con của chúng ta dù có chương trình tốt đến mấy thì khả năng tiếp cận của chúng cũng rất thấp. Nếu làm toán, học sinh chúng ta làm rất tốt, nhưng suy tưởng toán học thì không tốt. Cho nên, về cơ bản chúng ta không có nhà toán học, nhiều lắm là chỉ có nhà dạy toán. Vì thế phải nói thật với các anh chị là nếu không làm cho các trường đại học, các cơ sở giáo dục tự do hơn đối với chính trị, đối với các tiêu chuẩn bắt buộc phải có về nhận thức mà hiện nay chúng ta đang phổ biến trong xã hội thì phải nói rằng mọi ý đồ, mọi khát vọng về cải cách giáo dục đều là vô ích, và chúng ta có đào tạo được 20.000 tiến sĩ thì cũng không có giá trị gì. Chúng ta sẽ có những kẻ nói một cách chuẩn hơn về thuật ngữ, chúng ta có thể có một số lực lượng có khả năng diễn đạt một cách trôi chảy cái cũ nhưng để tìm ra cái mới thì rất khó, mà nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cái mới chứ không phải diễn đạt trôi chảy cái cũ. Hiện tượng diễn đạt trôi chảy những cái cũ đã trở thành phong cách của giới tri thức Việt Nam từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay. Khi Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức tiếp Giáo sư Francois Jullien, tôi thấy cơ sở vật chất nghèo nàn, lễ tân không có, tôi rất buồn. Tôi đã mời ông ấy ăn cơm ở một khách sạn rất sang. Tôi nói với ông ấy là: "Tôi phải nói thật với Giáo sư là tôi đang chữa ngượng cho người Việt, bởi vì đáng ra với một người như Giáo sư thì Thủ tướng hoặc các nhà lãnh đạo chúng tôi phải tiếp. Nhưng bởi vì các đồng nghiệp của Giáo sư không ý thức được tầm quan trọng của chính người bạn của mình, cho nên làm cho Thủ tướng của chúng tôi không biết ngài. Vì thế tôi đành phải làm việc này để chữa ngượng. Cũng phải nói với các anh chị là càng ngày tôi càng hiểu ra rằng với sự loay hoay của người Việt xung quanh cải cách giáo dục như thế này thì rất khó mà đáp ứng được. Chúng ta có cải cách gì đi nữa, cải cách chính chính trị rất cấp tiến đi chăng nữa, cải cách kinh tế một cách hùng hổ thế nào đi chăng nữa thì với nền giáo dục và đào tạo hiện nay, người Việt không có năng lực tiếp nhận và tiếp ứng với mọi sự phát triển. Tôi là người sử dụng lao động, ở đây chúng tôi không có những người lao động đơn giản, tất cả những người lái xe của chúng tôi đều là Cử nhân kinh tế hoặc luật học. Ở đây chúng tôi không cho phép tồn tại những người không tốt nghiệp đại học. có một anh lái xe hỏi tôi rằng: em là lái xe, anh bắt em đi học để làm gì? Tôi hỏi: cậu có vợ, có con không? Cậu có sợ con cậu xấu hổ vì bố nó là một kẻ vô học không? Học và kiếm ăn bằng sự học của mình là hai việc khác nhau. Tất cả lái xe, bảo vệ của chúng tôi đều tốt nghiệp Cử nhân luật, kinh tế cả. Tôi động viên họ học với quan điểm là con người càng đến gần học vấn bao nhiều càng dễ phát triển bấy nhiêu. Hôm nọ anh em Vietnamnet có đến đây phỏng vấn tôi về sự khủng hoảng của nền giáo dục VN, tôi trả lời rằng nền giáo dục VN không khủng hoảng. Đây là cuộc khủng hoảng của những người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục chứ không phải khủng hoảng nền giáo dục. Xã hội vẫn lặng lẽ bổ sung những sự thiếu hụt mà những người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục không làm được. Người Việt không để cho nền giáo dục của mình khủng hoảng.
Như một lời kết:
Ông Bùi Đình Phong: Tôi đồng ý với những vấn đề mà anh trình bày. Tôi chỉ muốn hỏi theo dự đoán của anh thì đến bao giờ VN mới có thể có những điều như anh nói?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nếu khóa XI này Đảng thừa nhận và bắt đầu tổ chức quá trình cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa xã hội thì sau 10-15 năm nữa, VN sẽ phát triển một cách không ai ngăn chặn được. Và phải nói rằng, chúng ta ở cạnh nước CHND Trung Hoa, cách duy nhất để chúng ta đối phó với sự lấn át của một nước lớn là chúng ta phải trở thành một quốc gia phát triển.
No comments:
Post a Comment