"Tôi không đồng ý với quan niệm "thị trường hóa" giáo dục, đúng hơn là "thương mại hóa" giáo dục, thuận mua vừa bán, với những loại trường "vị lợi", có cổ đông kiếm lời qua những chiêu bài mị người học." - GS Bùi Trọng Liễu
"Không vị lợi" và "không lợi nhuận" trong giáo dục ĐH
- Thưa GS, cách đây vài năm (tháng 7/207), ông đã nếu vấn đề dùng từ ngữ không phù hợp, như việc sử dụng cụm từ "xã hội hóa giáo dục" làm cho việc thảo luận, tìm giải pháp thích đáng cho việc chấn hưng giáo dục thêm khó khăn. Ông có thể triển khai ý này cho thêm rõ?
Trước hết là vấn đề trường "không vị lợi" (tiếng Pháp là "à but non lucratif", tiếng Mỹ là "non profit"). Hiện nay ở ta, đang có một sự lẫn lộn trong việc dùng từ "không vị lợi" và "không lợi nhuận". Có thể dẫn trường hợp ở Mỹ, với mấy đại học tư nổi tiếng làm thí dụ. Có những trường có tài sản, (do các nhà hảo tâm hiến tặng, như bất động sản, của cải tiền bạc, lúc sinh thời hay cho thừa kế khi chết đi), trường đem đầu tư kiếm ra lãi, rồi dùng lãi đó để dùng tái đầu tư vào trường chứ đem không chia chác.
Do đó trường loại này "có làm ra lợi nhuận", nhưng vẫn thuộc loại "không vị lợi". Dùng cụm từ "không lợi nhuận" để chỉ các trường này, dễ gây ra hiểu lầm.
Một số trường đại học tư hàng đầu của Mỹ, rất giàu, vì có tài sản như thế (người ta tích lũy vốn từ cả trăm năm,vv.), nhưng vẫn là trường " không vị lợi".
Thứ nhì là cụm từ "xã hội hóa". Theo tôi, có sự phân biệt giữa: "nhóm cầm quyền" (đảng phái, hay nhóm tôn giáo), "nhà nước", và "xã hội".
Ở nhiều nước, cụm từ "xã hội hóa" (tiếng Pháp là socialisation) từ trước tới nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa "tập thể hóa", "đặt dưới chế độ cộng đồng", "quản lý hay điều khiển [của nhà nước] nhân danh xã hội"....
Các ngôn ngữ nước khác, cũng có nghĩa tương đương.
Ở những nước có thể chế chuyên chính, nơi mà người ta đánh đồng nhóm cầm quyền với nhà nước, đánh đồng nhà nước với xã hội, nơi mà công đoàn, hội đoàn, báo chí, câu lạc bộ khoa học, viện nghiên cứu, vv... đều do nhà nước lập ra hoặc điều khiển, lẽ ra cụm từ "xã hội hóa" càng phải đồng nghĩa với "quốc hữu hóa".
Và dùng từ "xã hội hóa" theo nghĩa ngược lại, chỉ có thể được hiểu là một thủ thuật dùng từ ngữ để thực hiện việc nhà nước phủi tay, đẩy thêm gánh nặng tài chính lên vai người công dân, như phải trả học phí cao....
"Cổ phần hóa" trường công, lẽ ra phải đồng nghĩa với "tư nhân hóa" trường công thành trường "vị lợi", và đồng nghĩa với việc biến trường thành cơ sở kinh doanh, nghĩa là kiếm lãi để chia chác cho cổ đông.
Đầu năm 1988, ông đã gợi ý với 5 nhà khoa học trong nước đứng ra làm đơn xin thành lập một cơ sở (đại học) "dân lập" (nay được gọi là trường ĐH tư thục).
Là người định cư và hành nghề nhà giáo đã lâu năm ở Pháp, ông có suy nghĩ gì về vấn đề trường công trường tư?
Theo tôi, cần một hệ giáo dục công lập mạnh, với sự hỗ trợ của một hệ giáo dục tư lập "không vị lợi" hỗ trợ cho hệ công lập. Đối với giáo dục công lập, thì vai trò của Nhà nước phải là chủ chốt (điều này không có nghĩa là bao cấp và quản lý chi li), với ý nghĩa là Nhà nước phải có trách nhiệm chứ không thể phủi tay. Có thể nêu những lý do sau đây:
- Giáo dục, kể cả giáo dục đại học là một trong những công cụ bảo đảm cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội, theo nghĩa những người công dân nào có khả năng về trí tuệ cũng có thể được quyền học hỏi, không bị ngăn cản vì gia cảnh. Nhất là sự tự do học hỏi còn kéo theo sự bình đẳng trong việc chọn nghề, việc tiến thân, vv... của từng cá nhân trong xã hội. Cho nên trường công phải là nơi dành cho những sinh viên được tuyển theo trình độ học lực, theo số chỗ có thể. (Không loại trừ việc có những sinh viên ưu tú, mà gia đình có phương tiện, tự lựa chọn theo học trường tư).
- Trên mặt vật chất, giáo dục đào tạo (đặc biệt là với giáo dục đào tạo đại học) đòi hỏi những đầu tư lớn và dài hạn, mà kết quả gặt hái được phải tính hằng chục năm, cho nên chỉ Nhà nước mới có thể đảm nhận, dù cho có sự tham gia hỗ trợ của các thành phần khác của xã hội. Đó là cái lò nung đúc trí tuệ của dân tộc, chỉ có Nhà nước mới đảm nhiệm được sự liên tục và thừa kế, điều mà cá nhân hay một tập thể, dù đầy thiện chí cũng không thể gánh vác được.
- Giáo dục (đặc biệt là đại học) cũng là một trong những vế chính của nền độc lập tự chủ bởi vì nó tham gia vào hướng đi lên, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, có nghiệp vụ cao, nhất là trong những lĩnh vực chiến lược, phải bảo đảm cho bằng được sự tồn tại dù cho các ngành đó cần những đầu tư lớn. Không thể tính chuyện lỗ hay lãi. (Ngân quĩ của Nhà nước cũng là của cải của dân, tiền của dân trả thuế).
- Cho nên, nếu Nhà nước giàu, thì mở nhiều đại học công tuyển nhiều sinh viên, nếu còn nghèo thì mở ít đại học công tuyển ít sinh viên, nhưng dứt khoát là phải bảo đảm được chất lượng cao, không phải chỉ vì sự tồn tại của nền giáo dục đại học, mà còn vì sự tồn tại của nền độc lập tự chủ. Cũng trong hướng lý luận đó, các nhà giáo cơ hữu của đại học công cần được tuyển chọn theo một qui định mang tính đồng nhất cho cả nước để bảo đảm chất lượng chung; và họ cần được hưởng biên chế ổn định, với mức lương tương xứng, để có thể toàn tâm toàn ý hành nghề.
Đó là những sứ mạng của Nhà nước. Vì vậy mà theo tôi, việc thu học phí của trường công cao bằng hay cao hơn học phí của truờng tư, thậm chí còn có lãi, là một sự kỳ dị, bất bình thường. Đối với bất cứ nước nào, có những lĩnh vực không thể hoàn toàn tư hóa được, không thể "cổ phần hóa" được, thí dụ như lĩnh vực quốc phòng. Những ngành chủ chốt của giáo dục cũng vậy, không thể nhân danh thị trường, coi giáo dục như một thứ hàng hóa "thuận mua vừa bán".
GD không phải chỗ "thuận mua vừa bán"
Vậy hiện nay ông ủng hộ hay chống việc phát triển mạnh các trường tư thục ở Việt Nam?
Tôi không chống việc có những trường tư (kể cả những đại học tư), nhưng các trường tư (đặc biệt là đại học) phải tuân thủ một số điều kiện trước khi được phép mở, trong đó có điều kiện "không vị lợi". Hệ tư lập này hỗ trợ đắc lực cho hệ công lập, nhưng không thể thay thế công lập được.
Nhất là tôi không đồng ý với quan niệm "thị trường hóa" giáo dục, đúng hơn là "thương mại hóa" giáo dục, thuận mua vừa bán, với những loại trường "vị lợi", có cổ đông kiếm lời qua những chiêu bài mị người học. Một trong ý tưởng "nguy hiểm" nhất là cổ phần hóa đại học công, vì dù muốn giải thích bằng cách nào đi nữa, cũng vẫn là con đường tiến tới lấy tài sản công biến thành tài sản tư; trên toàn thế giới này cốt lõi của công ti cổ phần là hoạt động như vậy. "Trí tuệ" phần nào là "linh hồn" của một dân tộc, nếu bán cả linh hồn thì còn gì?
Theo tôi, Nhà nước không có bổn phận phải tài trợ trường tư, nhất là khi đem một phần ngân quĩ hay tài sản đất đai, lẽ ra dành cho trường công, để đài thọ cho trường tư. Nhưng Nhà nước cũng có bổn phận tạo điều kiện thuận lợi, trong thủ tục hành chính, để nâng đỡ những trường tư "không vị lợi" nghiêm chỉnh, để họ góp phần vào công cuộc đào tạo nhân lực có tài trí cho đất nước.
Riêng đối với đại học tư, do phải tự quản về mặt tài chính, họ cũng phải được quyền tự chủ trong việc quản lý của mình, miễn là việc tự chủ này tôn trọng đúng theo qui chế ban hành sẵn, và Bộ GDĐT chỉ thay mặt Nhà nước để kiểm tra (nếu cần, có thể thu hồi giấy phép mở trường,....) trong khung các qui chế đó, nhưng không can thiệp vào sự điều hành của họ.
Đại học tư, do việc phải cân bằng ngân quĩ, tất nhiên có khuynh hướng chọn mở những ngành đầu tư nhẹ, và mang tính thời thượng , do đó đại học tư có thể mở ra , rồi lại dẹp đi, mà không làm xáo trộn lớn đến nền giáo dục đại học của cả nước.
Tuy nhiên, tôi cũng không chống việc hãn hữu có một số trường tư "vị lợi", vì có thể vấn đề tích lũy vốn ở ta hiện nay không thể đòi hỏi như ở Mỹ, (họ đã có của cải được hưởng của những nhà hảo tâm giàu có, tích lũy từ cả hàng trăm năm nay để có "lợi nhuận" tự trường nuôi trường). Nhưng trường hợp "vị lợi" này phải định rõ mức chia cho cổ đông giới hạn, và được kiểm tra chặt chẽ.
Nhưng ở ta có vấn đề "cầu và cung". Có ý cho rằng, "đã có cầu thì phải có cung". Nhà nước không đủ phương tiện thì phải để cho tư nhân làm, và tư nhân làm thì họ phải có lợi nhuận, còn học phí thì người đi học phải chịu. Ông nghĩ sao?
Trong nền kinh tế nào cũng vậy, "cầu" có chính đáng thì mới phải có "cung". Nếu "cầu" là nhu cầu của xã hội, bao gồm mọi lĩnh vực, để đất nước tồn tại và tiến triển trong một khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, (thí dụ như cần bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu chuyên viên trong ngành này ngành nọ, CNTT, canh nông, thủy sản, giao thông, v.v. để doanh nghiệp phát triển, cần bao nhiêu giáo viên,....) thì đây là "cầu chính đáng", cần đáp ứng. Còn "cầu" theo nghĩa là quan hay dân hiện đang đòi hỏi "có bằng cấp" ở mức này mức nọ để có địa vị trong xã hội,... thì "cầu" này là loại "cầu rởm".
Thêm một thí dụ "thái cực"cho dễ hiểu: về dược phẩm, có thể có sự đòi hỏi cần phải có một loại thuốc nào đó (đó là "cầu" chính đáng), nhưng không thể vì thế mà "cung" bằng cách pha loãng thuốc để có số lượng đáp ứng "cầu". Thuốc loãng thì chẳng chữa khỏi được bệnh cho ai, rốt cục làm ra nhiều phế phẩm để làm gì?
Ngoài ra, về giáo dục, người đi học phải có đủ trình độ thì mới học được lên cấp cao hơn. Nếu không đủ trình độ thì không thể đòi học cao hơn. Nếu đáp ứng loại "cầu" này, thì sinh loạn. Hơn thế nữa, hiện tượng "thừa thày thiếu thợ" sẽ ngày càng trầm trọng, và không giải quyết nổi vấn đề học nghề, mà xã hội đang cần.
Ông nghĩ gì về về vấn đề trường công trường tư, cho tới trung học cơ sở?
Tôi nghĩ rằng, trong một xã hội công bằng, cấp học cho đến mức phổ cập, phải lấy hệ công lập là chính. Nhưng tôi không chống việc có một hệ tư lập bên cạnh hệ công lập. Nhưng công lập như thế nào, và tư lập như thế nào, thì phải nói cho rõ.
Đã là công lập thì cho đến mức phổ cập không thể bắt đóng học phí, nhất là học phí cao. Ngân quĩ giáo dục của Nhà nước là tiền của dân mà ra, do người dân đóng thuế, và do tài sản chung
của cả nước, mà có. Nó không tự trên trời rơi xuống. Đã gọi là "phổ cập" thì phải công nhận điều đó (điều 15 của Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1946: "[...]. Cấp học phổ cập [công lập] là miễn phí").
Đặc biệt khi đặt mức "tuổi cưỡng bức" phải đi học là bao nhiêu đó thì cho đến tuổi đó, việc học phải do Nhà nước lo liệu. Còn "cuỡng bức đi học" mà lại bắt người đi học phải đóng học phí thì hoàn toàn phi lý,
tôi chưa thấy nước nào làm như vậy. Tôi nghĩ rằng giáo dục nên "liệu cơm mà gắp mắm", nếu kinh tế chưa cho phép thì đặt mức phổ cập và tuổi cưỡng bức ở mức "chịu được".
Ngày nay, tôi nghĩ không có lý do gì cấm cản việc có những trường tư thục, mà những trẻ em nhà giàu có thể theo học tùy ý, trường tư đóng học phí cũng chuyện tự nhiên.
Tùy gia đình họ chịu đựng, không thể đánh đồng hai hệ công và tư.
Để cho vấn đề được thật sáng tỏ, ông có thể cho biết học phí ở Pháp là như thế nào ở các cấp học tiểu trung học kể trên, đặc biệt là so với lương của người lao động?
Tôi xin dẫn vài con số, tính bằng (€ = euro) ở Pháp.
- Lương tối thiểu (trong mọi nghề) ở Pháp (năm 2009) đại khái là 12612 €/ năm. Loại người có lương này được miễn trả thuế. Ngoài ra các gia đình có "nhiều" con được hưởng "phụ cấp gia đình", không kể giàu nghèo, đại khái như sau (con số 2009): 2 con thì hưởng khoảng 1494 €/năm cho đến khi con đến tuổi 20. Tuy vậy Nhà nước vẫn phải trợ cấp cho con cái các gia đình nghèo, khi đi học. Tiền "phụ cấp khai trường" cho mỗi học sinh nhà nghèo, tính tròn là mỗi trẻ từ 6 đến 8 tuổi được 281 € ; mỗi trẻ từ 11 đến 14 tuổi được 296 € ; mỗi trẻ từ 15 đến 18 tuổi được 306 €.
- Trường công lập (mẫu giáo, tiểu học, trung học) hoàn toàn miễn phí.
- Trường tư lập (mẫu giáo, tiểu học, trung học) thì :
a) Có 3 thể loại :
1. Trường tư có « hợp đồng hợp tác với Nhà nước » (sous contrat d'association avec l'État).
2. Trường tư có « hợp đồng đơn giản » (sous contrat simple).
3. Trường tư « ngoài hợp đồng» (sans contrat).
Do lịch sử Pháp để lại, đại đa số các trường tư có hợp đồng (hơn 90%) là trường tư Thiên chúa giáo. Nhà nước quản lý chặt chẽ các trường tư này từ chương trình giảng dạy cho đến nhà giáo (bằng cấp, khả năng), nhân viên, ngân quĩ, vv.nhưng tùy theo mức độ. Loại 1 và 2 có thể có những tiết dạy về tôn giáo, nhưng do học sinh và gia đình được tùy chọn, trường không được ép buộc học sinh học các tiết đó. Vì vậy, không ít học sinh thuộc các tôn giáo khác (thí dụ như đạo Hồi) cũng xin học loại trường này.
Nhà giáo trường loại 1, phải có bằng cấp tương đương với bằng cấp trường công, cũng do Nhà nước trả lương, nhưng tỉ số nhà giáo có biên chế nhà nước thì thấp hơn, còn lại là nhà giáo do nhà nước trả lương, nhưng theo hợp đồng. Cũng có sự phân biệt về « quyền lợi » (so với nhà giáo trường công lập), như phải đóng bảo hiểm cao hơn, lương hưu kém hơn....
Trường loại 2 chỉ có ở Tiểu học; số nhà giáo cũng do Nhà nước trả lương, nhưng tỉ số bị trả lương theo theo hợp đồng cũng nhiều hơn. Trường loại 3 tương đối "tự do" hơn, chỉ phải tuân thủ theo Luật chung về giáo dục; loại trường này khá hiếm, học phí cao, thường là do những nhóm "tôn giáo triệt để. (đạo Hồi, đạo Do Thái, Tin lành...), hoặc là loại trường muốn giảng dạy thí điểm theo "kiểu mới" nào đó, hoặc là loại trường vơ vét học sinh hạng bét. Loại này không buộc phải theo chương trình nhà nước. Nhà nước không trợ cấp, do đó học phí cao, nhưng Nhà nước kiểm tra trình độ của hiệu trưởng và của nhà giáo.
b) Về số lượng (năm 2007): Số học sinh trường tư chiếm khoảng 17% tổng số học sinh.
No comments:
Post a Comment