Mới đây, Phong trào Quốc dân đòi trả tên Sài Gòn lại có chủ trương thực hiện bộ phim "Sự thật về Hồ Chí Minh".
Các bạn tôi xem xong, mọi người đều có chung nhận xét, đó vẫn là những luận điệu cũ rích, tài liệu bị bóp méo phục vụ cho luận điệu xuyên tạc của "các nhà nghiên cứu". Họ đề nghị tôi xem và cùng bình luận ý kiến với anh em. Tôi lắc đầu, vì không muốn mất thì giờ với cái thứ vô bổ ấy. Với lại tôi không có phận sự gì lên tiếng về bộ phim này mà đó là của những người có trách nhiệm trong các cơ quan hữu quan.
Xét một cách toàn diện nhất thì toàn bộ bộ phim "Sự thật về Hồ Chí Minh" do Phong trào Quốc dân đòi trả tên Sài Gòn chủ trương thực hiện là một sự bịa đặt, vu khống trắng trợn và cố tình bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một thứ sảo thuật chính trị, "lập lờ đánh lận con đen" trong khi đưa ra các tư liệu. Có câu, nửa sự thật không phải là sự thật.
Dưới đây, tôi sẽ chỉ ra những cái trò "ma cô" đó để các bạn thấy trong những "phát kiến lịch sử vĩ đại" của họ. Thưa các "nhà nghiên cứu" người Việt Nam ở Hải ngoại! "Các ngài" chắc hẳn sẽ "vui lòng" khi được tiếp nhận thông tin nhiều chiều phản hồi, trong đó có tôi một khán giả "hâm mộ" bộ phim này!
Đầu tiên, tôi muốn gửi lời tới nhà điều hành: Trần Quốc Bảo và nhà ráp nối của bộ phim: Chu Luynh. Hai vị (cũng như các vị cố vấn cố véo khác), các ông chưa sạch nước cản trong khi làm khoa học lịch sử. Trình độ của các ông trong khâu xử lý tư liệu chỉ đáng xếp vào hạng một anh học trò loại tồi. Khi phỏng vấn ông Minh Võ – nhà biên khảo – Hoa Kỳ dẫn tên ba người cán bộ là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp thì ảnh chân dung Võ Nguyên Giáp đó là tướng Văn Tiến Dũng đấy nhé. Không chỉ một lần, mà đoạn ông Vũ Thư Hiên nói về Cải cách Ruộng đất, dẫn chùm ảnh 4 người: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, các ông vẫn tiếp tục đưa ảnh tướng Văn Tiến Dũng thay vào tên Võ Nguyên Giáp (!).
Tôi có thể dẫn nhanh những chú thích ngớ ngẩn tiếp theo của các ông như miệng các ông thuyết minh Chính phủ Liên hiệp năm 1946, nhưng trên ảnh là năm 1945; Cải cách Ruộng đất ở Việt Nam được thực hiện bắt đầu vào năm 1953 thì các ông gán lên màn hình đó là năm 1951 (?), phỏng vấn nhà văn Trần Mạnh Hảo thì hình ảnh lại là khuôn mặt nhà thơ Hoàng Trần Cương đã bị biến dạng… Một người – một cơ quan làm việc nghiêm túc và có trình độ thực sự không bao giờ lại có những sai sót trong những chi tiết lịch sử phổ thông nhất như vậy, các ông chớ bảo tôi "bới lông tìm vết". Với những sự kiện đơn giản nhất các ông còn không nhận chân được nói gì tới chuyện giải mã những bí ẩn xung quanh cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh mà đòi tìm ra "sự thật"!
Đoạn trên tôi có dẫn câu: Nửa sự thật không phải là sự thật. Trong đoạn phim về Nhật ký trong tù, các ông chỉ đưa ra bút tích trang đầu tập thơ ghi ngày 29/8/1932 – 10/9/1933 mà không dám đưa trang cuối cùng của tập, cũng bút tích ghi ngày 29/8/1942 – 10/9/1943. Các ông có hiểu những dòng này có ý nghĩa gì không? Hay chỉ là sự bóp méo của các ông?
Đặng Thai Mai trong bài "Đọc lại Ngục trung nhật ký" (1970) đã viết: "Cuốn sổ tay của Bác, hiện còn lưu trữ, có ghi trên bìa 2 con số: 1932 – 1933. Trong thời gian Viện Văn học hiệu đính bản dịch Ngục trung nhật ký (1959 – 1960), chúng tôi đã đề đạt lên Bác câu hỏi về điều này, qua Ban Tuyên giáo, và đã được trả lời: hai con số trên là sai; đúng ra là 1942 – 1943". (Tư liệu này có thể tìm đọc trong sách "Trên đường học tập và nghiên cứu" của Đặng Thai Mai – nhà xuất bản Văn học năm 1971, hoặc mới đây được in lại trong Đặng Thai Mai toàn tập, tập II, nhà xuất bản Văn học năm 2006).
Để biết được hành trình của tập Nhật ký trong tù, các ông vui lòng tìm cuốn sách của nhà văn Hoàng Quảng Uyên: "Nhật ký trong tù số phận và lịch sử" (khảo cứu – tái bản lần thứ 1, có sửa chữa) - nhà xuất bản Thanh niên 2007. Trong cuốn sách này, phần phụ lục có bài viết của cụ Trần Đắc Thọ: "Những điều ta chưa biết về "Ngục trung nhật ký" cũng như về quá trình dịch thơ "Ngục trung nhật ký" của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Cụ Trần Đắc Thọ đã trực tiếp hỏi chuyện cụ Hồ Đức Thành (năm đó 85 tuổi) nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nguyên Chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Nam tại Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I (1946 – 1960) là người sớm tiếp xúc với tập Nhật ký trong tù từ trước Cách mạng tháng Tám 1945: "Đọc hết tập Ngục trung nhật ký, cụ Thành có hỏi Bác Hồ vì sao ở bìa tập Nhật ký lại ghi: 29/8/1932 đến 10/9/1933. Bác đáp: Mình muốn đánh lạc hướng, ai hiểu thế nào thì hiểu". (Hoàng Quảng Uyên – sđd, tr 208). Nay có vị nào thắc mắc, xin mời cứ tới 23C phố Tôn Đản – Hoàn Kiếm – Hà Nội để được cụ giải đáp.
Ngoài ra tôi không muốn dẫn thêm những hình ảnh cố tình cắt xén, xuyên tạc khác khi xem bộ phim này.
Ông Lê Hữu Mục lảm nhảm những điều về Nhật ký trong tù, đã làm tôi nhớ đến nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Trong bài Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký, giáo sư Phan Ngọc viết:
"…Vào cuối tháng X-1992, Viện Văn học cho tôi xem bài viết của Lê Hữu Mục Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký. Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi cho nhân dân nước tôi. Tôi không xét động cơ. Nhân bài này, tôi xin nêu lên những lỗi về hình thức (vice de forme) mà người cầm bút nào cũng phải đề phòng. Chỉ cần phạm một lỗi như thế là toàn bộ lập luận bị vứt bỏ. Ông Lê Hữu Mục trong bài viết của mình phạm đến tám lỗi về hình thức đủ cho pháp luật tư sản kết ông về tội vu cáo…".
Trong bài viết của mình, tôi không dẫn ra toàn bộ tám lỗi của ông Lê Hữu Mục (bạn đọc quan tâm đến vấn đề này có thể tìm thấy dễ dàng trong cuốn Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù – nhà xuất bản Giáo dục 1993, bài Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký từ tr 619 đến tr 630). Với sự nghiêm túc của một nhà khoa học, với tinh thần tranh luận giữa hai vị giáo sư giảng dạy văn học, giáo sư Phan Ngọc vừa chỉ dẫn vừa khuyên răn ông Lê Hữu Mục:
…Tôi biết ông muốn phủ nhận Hồ Chí Minh là tác giả Ngục trung nhật ký. Nhưng cách làm của ông là sai lầm. Tôi xin bày cho ông một mẹo. Ông hãy tìm những bài chắc chắn là thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, thí dụ những bài làm ở Việt Bắc, thơ tặng các cụ Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn v.v… rồi chứng minh đó là thơ dở. Sau đó mới chứng minh Ngục trung nhật ký là của người khác, bởi vì nó rất hay, như ông đã thừa nhận. Làm thế "kín võ" lại thỏa mãn được cái tâm địa của ông. Chắc chắn ông biết mẹo này, nhưng dù có ba đầu sáu tay, ông cũng không dám làm. Bởi vì ông ngu dại gì chứng minh những bài thơ ấy là dở. Kết quả ông phạm lỗi thứ năm về hình thức: dựa trên cái võ đoán để chứng minh cái võ đoán.
… Phật dạy: "Buông dao xuống có thể thành Phật". Đó không phải lời nói suông. Thánh Phao-lồ đã từng nổi tiếng là người sát hại người Thiên chúa giáo. Nhưng ông đã buông dao để trở thành một trong những người có công nhất với Thiên chúa giáo. Tôi không dám dạy ai. Tôi lo dạy tôi còn chưa kịp dám đâu nói chuyện dạy đời. Quyển sách ông Lê Hữu Mục viết ra thực tế là hành động giơ dao. Tôi đang chờ đợi ông sẽ làm gì với con dao ấy? Nên buông dao thì hơn".
Sau bài viết này của giáo sư Phan Ngọc, ông Lê Hữu Mục như bị đánh đúng tử huyệt, một thời gian dài nhiều người tưởng ông đã chết. Nay ông thấy còn điều gì chưa tâm phục khẩu phục xin mời ông có ý kiến lại.
Đây tôi muốn nhắc tới ông Vũ Ngự Chiêu, người được các nhà làm phim gọi là Tiến sĩ Sử học, nhà biên khảo, mà sao ông ăn nói càn rỡ thế. Sau những luận điệu bịa đặt về chuyện Hồ Chí Minh có vợ, ông nói thêm một câu, dù các cộng sự của ông trong bộ phim có cố tìm cách cũng không xóa được: Ông nói Nguyễn Thị Minh Khai là vợ Võ Nguyên Giáp. Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong. Còn vợ Võ Nguyên Giáp là bà Nguyễn Thị Quang Thái, em gái bà Minh Khai. Chẳng lẽ điều này phải đợi đến những đứa trẻ Việt Nam dạy lại cho ông sao?
Vẫn ông Vũ Ngự Chiêu nói, Hồ Chí Minh lấy nguyên văn trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ làm câu đầu tiên trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Để ông được "sáng mắt sáng lòng", tôi xin dẫn cho ông tìm đọc tài liệu này nhé:
Tạp chí Xưa và Nay số 81B, tháng 11 năm 2000, trang 3 và trang 22, có bài của nhà văn người Hoa Kỳ, bà Lady Borton "Hồ Chí Minh & Tuyên ngôn Độc lập Mỹ". Là người giỏi tiếng Việt Nam, nữ văn sĩ Lady Borton viết:
Bản Tuyên ngôn của Mỹ viết: "… Chúng tôi coi đây là chân lý hiển nhiên, rằng mọi đàn ông (tôi gạch dưới) sinh ra đều bình đẳng".
"… We hold these truths to be self-evident, that all men (emphasis mine) are created equal…"
Khi Tuyên ngôn Độc lạp của Mỹ viết năm 1775, "mọi người đàn ông" (all men) là "đàn ông da trắng có sở hữu", mà "sở hữu" lúc đó thường là nô lệ da đen. Đàn ông da đen có quyền được đi bầu 95 năm sau đó; phụ nữ Mỹ được đi bầu 50 năm sau nữa.
Khác với Tuyên ngôn của Mỹ, "Tuyên ngôn Độc lập" của Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu:
"Tất cả mọi người (tôi gạch dưới) đều sinh ra có quyền bình đẳng…"
"All people (emphasis mine) are created equal…"
… "Tuyên ngôn Độc lập" của Cụ Hồ bao hàm ngôn ngữ tổng hợp như "dân" (people, comon people); "nhân dân" (citizens) và "dân tộc" (nation, the people) cũng là từ chính thức để chỉ bất kỳ dân tộc nào trong năm mươi tư dân tộc của Việt Nam. Từ tiếng Việt để chỉ "đàn ông" (men) không hề xuất hiện ở đây.
… Hồ Chí Minh rất giỏi tiếng Anh: cụ phân biệt được "đàn ông" (men) với "mọi người" (people). Với việc chỉ sửa một từ trong bản dịch của mình, Cụ Hồ đã khôn khéo nhưng cuối cùng cũng thôn báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam".
Tôi e bút danh của ông Vũ Ngự Chiêu là Chính Đạo thì nên đổi thành Tà Đạo sẽ đúng hơn.
Ông Vũ Ngự Chiêu vừa lải nhải ở phần trên rằng: "Hồ Chí Minh muốn giành quyền lực bằng mọi giá" thì phần dưới ông Minh Võ – nhà biên khảo – Hoa Kỳ lại tát cho ông một cái vào mặt: "Chính ông Bảo Đại đã thuật chuyện ông Hồ Chí Minh đến thú thực với ông Bảo Đại rằng, người ta coi tôi quá đỏ, cho nên tôi điều khiển Chính phủ không nổi. Bây giờ tôi đề nghị ngài đứng ra điều khiển đất nước thay tôi". Chỉ một câu trên của ông Minh Võ, tôi không cần phải dẫn thêm ra đây chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Hoàng Minh Giám đi tìm cụ Trần Trọng Kim để mời ra làm Thủ tướng. Đáng tiếc cụ Lệ Thần quá thận trọng, đã đi Singapore từ trước (Hồi ký cụ Hoàng Minh Giám).
Ông Trần Gia Phụng – nhà nghiên cứu sử – Canađa được các nhà làm phim "ban" cho cái quyền uy là "người mở đầu trả lời phỏng vấn về diễn biến cuộc tắm máu kinh hoàng tại miền Bắc"? Lúc đó ông Trần Gia Phụng (sinh năm 1942 tại Duy Xuyên, Quảng Nam) hãy còn mặc quần thủng đít mà lại nói chuyện được về "diễn biến" của cuộc Cải cách Ruộng đất như người trong cuộc vậy?
Ông Nguyễn Ngọc Bích – giáo sư – đã dẫn ra "năm 1951 Hồ Chí Minh nói trước Đại hội Đảng Lao động Việt Nam là không có tư tưởng, nay có Minh triết Hồ Chí Minh". Là nhà sử học, hẳn ông biết rõ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ đề cao mình. Người luôn sống giản dị như một lão nông tri điền, như một bậc túc nho nơi thôn dã. Chỉ sau khi Người mất trong nhiều năm về sau, các nhà nghiên cứu mới phát lộ được những di sản Hồ Chí Minh để lại nằm sâu thành tầng, thành vỉa. Và những người tiên phong nhìn ra tư tưởng Hồ Chí Minh đó là hai nhà văn hóa Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Phạm Văn Đồng đánh giá "Hồ Chí Minh là tinh hoa nhân loại". Còn Võ Nguyên Giáp nhận định "Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi".
Ông Nguyễn Ngọc Bích "sợ rằng dân tộc mình sẽ thành dân tộc cuội", thì tôi mạn phép ông, nếu Kiều bào ta ở Hải ngoại ai cũng như ông, xin lỗi những người chung giọt máu đào, dù có nói nhịu thành "tồng pào" thì vẫn chung một bọc trứng mẹ Âu Cơ, chắc thế giới nghĩ dân tộc Việt Nam là đại bợm.
Ông Trương Nhân Tuấn (tên thật Ngô Quốc Dũng, sinh năm 1956 tại Bạc-Liêu) – nhà biên khảo biên giới Việt – Trung – dẫn lời "ông Hoàng Tranh qua một bài phỏng vấn thì ông có nói rằng trước khi ông Hồ Chí Minh mất thì có ước muốn nghe một bài hát Trung Quốc và một cô y tá Trung Quốc đã hát bài hát đó cho Hồ Chí Minh nghe. Nghe xong thì ông Hồ Chí Minh thiếp đi và không bao giờ tỉnh lại nữa".
Tôi cảm ơn những điệu nhạc Trung Hoa đệm cho phần trả lời phỏng vấn của ông Trương Nhân Tuấn và tôi cũng xin cảm ơn "phát hiện" của ông. Ông hẳn hiểu câu ngồi lê đôi mach, kiếm chuyện làm quà chứ? Đã là nhà biên khảo biên giới thì ông cứ nói chuyện núi non, sông suối, việc gì ông phải "đớp" vào chuyện Cụ Hồ làm chi. Các cụ người Việt Nam chúng ta xưa vẫn dạy, "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Ông mượn mồm ông Hoàng Tranh (hay ông để mồm mình làm cái loa cho ông Hoàng Tranh cũng được), ông lục tìm lại tất cả các tư liệu xem, những ngày Hồ Chí Minh ốm nặng, chăm sóc Người có ai ngoài nhân dân Việt Nam hay không? Cô y tá Trung Quốc hát bài hát Trung Hoa ấy mọc ở khe nẻ ra hay các ông giàu trí tưởng tượng?
Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp lâm chung, Viện Quân y 108 đã cử một tổ cán bộ đặc biệt chăm sóc Bác gồm có: Bác sĩ Nguyễn Thế Khánh – Đại tá, Viện trưởng Viện Quân y 108; bác sĩ Lê Đình Mẫn – người được mang trọng trách sang Liên Xô học khoa ướp thi hài Bác (mà vị bác sĩ này không hề hay biết được giao nhiệm vụ này)… Về phía nữ có ba người là bác sĩ Hàn Thị Nguyệt – Chủ nhiệm khoa Dược Viện Quân y 108; cô Ngô Thị Oanh – y tá Viện Quân y 108; cô Trần Thị Qúy – y tá Viện Quân y 108.
Có dịp về Việt Nam xin mời ông đến Bệnh viện tư nhân Tràng An trên đường Tôn Đức Thắng – Đống Đa – Hà Nội để nhìn tận mắt cô y tá Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1949, người Việt "trăm phần trăm", quê ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là người đã hát khúc dân ca quan họ Bắc Ninh – cũng Việt Nam "trăm phần trăm" – mang tên "Người ơi, người ở đừng về" ru Bác Hồ vào giấc ngủ vĩnh hằng nhé.
"Soi sáng những vùng tối lịch sử, thấu đáo những biến cố của cuộc chiến tranh ở Việt Nam vừa qua, không thể không tìm hiểu sự thực về con người Hồ Chí Minh. Đánh giá chính xác con người Hồ Chí Minh chính là góp phần nhận định trước những diễn biến của thực tế xã hội Việt Nam hôm nay. Rất tiếc Hồ Chí Minh không nằm trong số những nhân vật lịch sử mà toàn bộ cuộc sống và con người là trang sách luôn mở rộng cho bất kỳ con người nào mà ai muốn tìm đọc. Cuộc sống và con người của ông luôn lẩn khuất sau những màn che với những mờ ảo của một thứ huyền thoại". Vâng, những lời bình trên đây của bộ phim, nửa trước thật cảm động, nửa sau đúng là lập lờ. Đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người huyền thoại, vì Người vĩ đại đến bình thường nhất mà ít người hiểu nổi. Người như con rồng vàng ẩn hiện trong mây. Vì vậy đến hôm nay các nhà làm bộ phim này mới có đất mà diễn tuồng chứ.
Tôi muốn gửi lời chào tới ông Bùi Tín, "văn kỳ thanh" đã lâu, nhờ bộ phim này mới được "kiến kỳ hình" ông. Ông Bùi Tín vốn là Đại tá quân đội, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, sang Pháp dự Lễ kỷ niệm thành lập báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, rồi ở luôn bên đó không về. Với tội đào nhiệm ấy, Nhà nước Việt Nam dư sức truy tố và đề nghị nước bạn cho dẫn độ ông về để lập tòa án. Nhưng với chính sách khoan hồng của Nhà nước, mong muốn của nhân dân Việt Nam chờ đợi ông ngày đó không ai "đánh kẻ chạy lại". Đáng tiếc rằng ông vẫn ngoan cố.
Ông hẳn đã được biết trong kháng chiến chống Pháp, Tòa án Quân sự đã mở tại Liên khu III khoảng năm 1950 – 1951 để truy tố cố vấn tối cao Vĩnh Thụy vì tội đào nhiệm ở Hồng Kông chứ? Kết quả là ông Vĩnh Thụy bị kết án tử hình vắng mặt. Còn trước đó, hẳn ông vẫn nhớ, trong phiên họp Chính phủ bàn về chuyện ông Vĩnh Thụy đào nhiệm, khi biểu quyết giơ tay, chỉ riêng mình cụ Bùi Bằng Đoàn – Chủ tịch Uỷ ban Thường trực Quốc hội là không giơ tay. Cụ nói tội ông Vĩnh Thụy đáng bị truy tố, nhưng cụ không nỡ. Quốc hội, Chính phủ ai cũng cảm động trước cốt cách của cụ, vì họ biết cụ đã từng làm Thượng thư Bộ Hình trong chính quyền Bảo Đại.
Cốt cách của người cha như vậy, sao ông chẳng học được chút nào? Lẽ ra thời kỳ đào nhiệm bên Pháp ông nên im lặng mà sống cho nốt quãng đời còn lại, rồi gửi nắm xương tàn ở bên đó cũng được. Đằng này ông lại bịa ra bao chuyện thật giả lẫn lộn làm hậu sinh không biết đâu mà lần. Nếu không im lặng được, ông không nên dùng tên cũ nữa, tín mà bội, hoặc ông dùng ngay tên mình mà đưa vào ruột một liều thạch tín, chắc chắn hiệu quả cao nhất.
Còn ông Vũ Thư Hiên, con cụ Vũ Đình Huỳnh – Bí thư duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông hẳn không quên cha mình vẫn được các đồng chí gọi bằng cái tên thân mật: Vũ Đàng Hoàng. Là con, nối chí cha, lẽ ra ông không nên làm cụ phải xấu mặt dưới suối vàng chứ!
Người xưa vẫn dạy: "Đêm về khuya biết sao nào sáng nhất/ Người về già biết ai thật hiền nhân". Về già mọi điều thiện ác đều cứ hiện hết ra khuôn mặt ấy mà. Việc làm cộng với "trông mặt mà bắt hình dong" đủ để thấy các vị Bùi Diệm, Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên… đã không chịu cảnh "lão giả an chi" mà vẫn nuôi trong lòng tâm địa đen tối của mối hận thù. Đáng tiếc thay, ở vào tuổi 80 – 90 các vị cứ thung dung an nhàn không muốn, lại muốn "ôm rơm rặm bụng". Việc gì mà khi trả lời phỏng vấn các vị cứ phải phùng mang trợn má, cố gom nốt chút sức tàn lực kiệt ấy để phều phào vậy. Hãy để dành hơi mà sống nốt quãng đời còn lại, rồi khi nhắm mắt xuôi tay, có muốn về làm phân bón ruộng thì đất Việt Nam vẫn sẵn sàng nhận.
Tôi xin chịu tội bất kính vì là bậc hậu sinh mà dám múa bút trước mặt các ông, nhưng quả thật, dân gian Việt Nam có câu: "Làm sao bì phấn với vôi". Còn câu tám chữ tôi mời các cụ luận ra, tôi không dám làm ô uế trang giấy trắng này, các cụ thứ lỗi…
Ông Nguyễn Ngọc Bích – giáo sư – Hoa Kỳ ơi, cám ơn ông đã có lời phát biểu kết thúc bộ phim: "Trả lại cho Ce'za những gì của Ce'za. Trả lại cho Hồ Chí Minh những gì đích thực thuộc về Hồ Chí Minh. Cuối cùng trả lại sự thật đích thực cho lịch sử". Tôi xin mạn phép gửi tặng lại ông và đoàn làm phim đã công phu dựng lên bộ phim "Sự thật về Hồ Chí Minh" một câu của đại văn hào Pháp J.J. Rousseau viết trong sách Khế ước xã hội ra đời từ năm 1762 nhé: "…Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu thấu các bậc vĩ nhân, cũng như kẻ nô lệ nhe răng cười khi nghe hai tiếng tự do".
Đây tôi lại xin có vài lời nhắn gửi tới ba bạn trẻ có lời phát biểu trong bộ phim. Tôi tưởng rằng, như các bạn nói, ở Việt Nam các bạn bị tuyên truyền một phía, nghe bằng một tai, khi ra nước ngoài các bạn được nghe nhiều chiều thông tin, hẳn phải tiến bộ hơn chúng tôi trong nước chứ? Ai ngờ ở ra nước ngoài lại thêm cái bệnh đui, chột, nghe mấy kẻ lòng đầy hận thù để tự bôi đen trái tim mình. Đất nước thống nhất đã 34 năm rồi. Vết thương của dân tộc đã liền sẹo. Những người một thời đã từng cầm súng ở hai chiến tuyến nay cũng bắt tay nhau, ôm lấy nhau cùng chung tay xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, phát triển. Là những người có học thức, là lớp thanh niên, các bạn phải tiên phong trong việc xóa bỏ mọi quá khứ đau thương chứ. Vết thương đau của dân tộc ấy, những người con chung của mẹ Việt Nam không ai muốn. Đó là chuyện dĩ vãng của lịch sử một thời. Tôi không muốn biết tên các bạn là gì, khuôn mặt các bạn ra sao, vì khi xem đến đoạn các bạn đại diện cho tuổi trẻ phát biểu, tôi đã nhắm mắt lại. Tôi nhìn các bạn từ trái tim. Các bạn cũng hãy thử nhắm mắt lại, nhìn mọi việc xảy ra xung quanh bạn bằng trái tim mà xem. Và khi nhìn bằng trái tim, các bạn thử nhẩm đọc câu Kiều của Nguyễn Du sau: "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".
Lời cuối cùng tôi muốn nhắn gửi tới tất cả bạn đọc, các nhà làm phim bóp méo sự thật. Mở đầu bộ phim các ông đưa ông Tổng Bush lên nói tới tội ác của Cộng sản giết chết 100 triệu người trên thế giới. Vậy tội ác của người Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam này trong thời gian ném bom miền Bắc, tàn sát miền Nam ai có trách nhiệm? Các vị hẳn biết rõ hai sự kiện ngày 6/9/1945 và ngày 9/8/1945 Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản chứ? Di chứng tội ác đó, 64 năm đã trôi qua, vẫn còn đấy. Nhưng chuyện nước Nhật cũng là quá xa xôi, các nhà làm phim và các bạn hãy nhìn bức ảnh dưới đây được tôi chụp tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Thụy An – Ba Vì – Hà Nội: Bà cụ này đang đẩy xe cho đứa cháu nội phải hứng chịu hậu quả chất độc màu da cam (Dioxin). Mầm xanh hy vọng của bà, giờ héo rũ mà chưa biết sẽ vuột khỏi tay bà khi nào. Người có lương tri hẳn phải suy nghĩ : Những đứa trẻ này có tội tình gì ? Còn bao nhiêu và biết đến bao giờ hậu quả đau thương này mới chấm dứt trên đất nước Việt Nam chúng ta?
No comments:
Post a Comment