Thiều Hoa được chào đón khi chiến thắng từ Vienna trở về. |
Nữ tiến sĩ thích đi... chân đất!
Những năm sơ tán rời Hà Nội về nông thôn dường như đóng vai trò rất quan trọng trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của cô sau này. 4 tuổi, cô đã bắt đầu phải tham gia lao động như mọi đứa trẻ nông thôn ngày ấy. Những tháng ngày lam lũ, cực nhọc nơi thôn quê đã khiến cô thấm thía hiểu rằng, bất kỳ sản vật nào, dù là củ khoai, củ sắn, mớ rau... đều phải rất vất vả mới có được chứ không phải tự dưng mà có. Cũng từ những năm tháng ở sau lũy tre làng, chỉ có những cánh đồng lúa bạt ngàn và những đàn trâu cày thơ thẩn gặm cỏ bên đường, cô bé Thiều Hoa ngày ấy đã rất thích đi chân đất trên đường làng.
Cha cô bảo: "Điểm này khiến con bé sau này rất yêu văn học. Khi trẻ còn nhỏ hình thành tư chất và cá tính như thế nào thì sau này, tư chất và cá tính ấy cứ thế phát triển lên. Nếu lúc bé, trẻ quen xa xỉ - không biết quý sản phẩm lao động; sống ích kỷ, khô khan thì lớn lên cũng vậy. Tôi cho rằng không phải cứ lớn lên ở thành thị, ở môi trường bê tông cốt thép là tốt cả đâu. Vì cuộc sống ở nông thôn giản dị, con người ở đó chất phác, gần gũi thiên nhiên". Còn nữ tiến sĩ toán học thì tâm sự: "Cái được lớn nhất ngày ấy là không khí xã hội, môi trường xã hội rất lành mạnh. May mắn là tôi đã được sống trong sự lành mạnh ngay từ bé".
Yêu văn chương nhưng dường như toán học đối với cô như số phận sắp đặt. Cha mẹ cô không hề định hướng rằng con gái phải theo cái này hay cái kia mà niềm say mê toán học là thiên bẩm dù ngày ấy, cô học môn gì cũng giỏi. "Nhưng tôi thích toán nhất vì đó là lĩnh vực chặt chẽ, chính xác nhất", nữ tiến sĩ khoa học chia sẻ.
Điểm đặc biệt trong ngôi nhà của gia đình Thiều Hoa là sách. Sách nhiều đến nỗi bày khắp cả dãy phòng trên tầng 2, ngồn ngộn như một thư viện. Những giá sách ấy dường như liên tục được lấy xuống, liên tục có bàn tay con người sử dụng nên sạch bóng không một hạt bụi. Cha cô có trong tay tới 6 bằng đại học, nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung... Và dường như lúc nào ông cũng học. Đã qua cái tuổi thất thập cổ lại hy nhưng ngày nào ông cũng xem các kênh truyền hình CNN, CCTV... và ghi lại những từ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc mới vào một cuốn sổ để học. "Cả hai vợ chồng đều đọc sách, ham học nên Thiều Hoa dường như cũng được ảnh hưởng. Nhưng con bé thích đọc cuốn gì thì tự lấy chứ tôi không bắt ép đọc cuốn này hay cuốn kia", ông Hàm Châu kể.
Tiến sĩ Thiều Hoa chụp ảnh cùng bố và con gái
Người xưa nói 10 năm đọc sách không bằng 1 đêm nói chuyện với người giỏi. Nguyễn Du giỏi còn vì là con ông Nguyễn Nghiễm; ông Lê Quý Đôn giỏi vì là con ông Lê Quý Thứ... Theo phép ấy mà suy thì truyền thống gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thậm chí, nếu không có truyền thống gia đình, thì dù có thành đạt cũng khó đạt tới đỉnh vinh quang. Và nữ Tiến sĩ toán học Thiều Hoa may mắn được sinh ra trong một dòng họ khoa bảng. Trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam ghi dấu về 3.000 tiến sĩ và phó bảng trong 1.000 năm phong kiến, có rất nhiều người trong dòng họ của Tiến sĩ Thiều Hoa. Ông nội cô đỗ Tú tài; cụ nội cô cũng từng đỗ Khoa bảng, người bác của cha cô thì làm đến Đông các Đại học sĩ.
Cô cũng may mắn được nuôi dạy bởi một nền giáo dục gia đình "không roi vọt", được lớn lên trong sự tôn trọng. Cha mẹ cô không bao giờ nói nặng lời với con và rất tôn trọng nhân cách, ý kiến của con. "Bố mẹ không chỉ ra lệnh cho con mà hãy trao đổi ý kiến với con cái. Khi trao đổi có thể con có ý kiến khác với bố mẹ không nên bác bỏ ngay mà bố mẹ phải suy nghĩ vì có thể trẻ đúng. Bố mẹ nên nêu ý kiến của mình chứ đừng dùng mệnh lệnh. Phải làm sao để trẻ thấy điều đó là đúng và thực hiện theo. Không thể dạy con theo kiểu: phải làm thế này, phải làm thế kia, không nên gò ép con vào một cái khuôn cứng nhắc nào đó. Nhưng bố mẹ mà muốn con nghe, muốn con phục thì phải giỏi hơn chúng mới được", cha cô nói. "Vì bố mẹ cư xử với con như vậy nên ngay từ nhỏ tôi cũng đã muốn tỏ ra xứng đáng", nữ Tiến sĩ chia sẻ.
No comments:
Post a Comment