'Chảy máu chất xám' ở Việt Nam đã không còn là một đề tài mới. Từ người dân đến chính phủ, người người nhà nhà ngành ngành quan tâm và trách cứ tại sao 'chất xám' lại cứ chảy đi đâu mà chẳng chảy về quê nhà? Chẳng ai để ý bản thân 'chất xám' cũng chỉ ấp ủ một câu hỏi mà vẫn không lời đáp: 'Bao giờ thì chúng tôi được chảy ngược về Việt Nam?'.
Việt Nam nói cần thêm nhiều nhân tài để phát triển đất nước
Trước hết, cũng cần phải phân biệt các loại chất xám chứ chớ nên 'vơ đũa cả nắm' trong thời đại 'loạn chất xám' này. Nhiều người quan niệm rằng, chỉ cần đi học ở nước ngoài cũng có thể coi là 'chất xám'. Nhưng bây giờ chỉ nên gọi là 'du ngoại' chứ chớ nên gọi là 'du học' vì thiếu gì những nhà giàu lắm tiền 'tống cổ' con ra nước ngoài để đỡ bị tiếng ở nhà, lại vừa có tấm bằng danh giá (dù tấm bằng này có khi là bằng giả, bằng mua hoặc bằng do học thuê). Còn các 'chất xám' cậu ấm cô chiêu này làm gì ở trời Tây thì chỉ có giời mới biết.
Trong khi đó, có rất nhiều người Việt Nam dù chỉ học hành trong nước nhưng vẫn rất giỏi và uyên bác. Vậy nên nhắc đến 'chất xám' bây giờ cũng cần cảnh giác và cũng nên 'đãi cát tìm vàng'.
Trân trọng, nâng niu
Nhắc đến nạn 'chảy máu chất xám' (loại chất xám thực sự), có một điều tôi nghĩ là luôn đúng với 'chất xám' ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nó chỉ chảy về nơi mà nó nhận được sự trân trọng, nâng niu với những điều kiện tốt nhất để có thể phát triển. Vậy nên chúng ta cần phải tự hỏi, những người có điều kiện đi tu nghiệp ở nước ngoài với những kiến thức tiên tiến tích cóp được trong nhiều năm, khi quay trở về Việt Nam, chất xám của họ có thực sự được coi là chất xám hay không?
Tôi biết không ít người sau hàng chục năm học tập nghiên cứu ở nước ngoài và khi trở về nước, đem những kiến thức mình thu thập được mong sao đóng góp phần vào sự phát triển của nước nhà nhưng đã gặp phải biết bao cái lắc đầu, phẩy tay, liếc xéo hoặc hứa hẹn suông rồi bỏ đấy. Lý do cũng đơn giản, quanh đi quẩn lại chỉ có: Không hợp với hoàn cảnh trong nước, sẽ nghiên cứu, chưa được thẩm định, v.v…
Nhiều người muốn đi du học nước ngoài
Thế là, trong mười người, anh là thằng đúng, chín kẻ còn lại sai thì anh vẫn cứ là thằng sai. Ban đầu ai cũng sôi sục để cống hiến những điều mới, nhưng rồi phần lớn phát hiện ra, làn gió mới quá nhẹ để có thể thổi bay lớp bụi cũ đã phủ hàng chục năm. Và họ âm thầm bỏ cuộc. Trường hợp này, có thể gọi là 'Vỡ mộng chất xám'.
Còn những nơi chấp nhận các kiến thức 'chưa phù hợp với hoàn cảnh trong nước' thì chế độ đãi ngộ lại quá kém. Mỗi một năm học tại Mỹ hoặc Anh, Úc tốn kém đến hàng chục nghìn USD nhưng lương lại chỉ có 1,2 hoặc nhiều nhất là 3 triệu ở các cơ quan nhà nước thì làm sao mà 'chất xám' có thể yên tâm làm việc? Đấy là chưa kể đến môi trường làm việc không chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh và chế độ ưu đãi tính theo năm chứ không tính theo tài năng.
Thế là 'chất xám' lại đánh bài 'chuồn' sang những công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài với mức lương hậu hĩ, chế độ trọng dụng tốt, môi trường làm việc lành mạnh. Trường hợp này, có thể gọi là 'Chảy máu trong chất xám'.
Môi trường sống
Một điều nữa mà chắc cũng nhiều người băn khoăn, tại sao 'chảy máu chất xám' chỉ xảy ra ở những nước thứ ba hoặc đang phát triển? Câu trả lời sẽ trở nên rất dễ dàng với những ai đã đi học ở nước ngoài.
Với những người bạn tôi đi học về Nghệ thuật ở nước ngoài, phần lớn họ rất ngại khi nghĩ đến chuyện quay về nước. Học Âm nhạc cổ điển rồi về Việt Nam thì không biết chơi nhạc cho ai nghe, ai thưởng thức? Làm thế nào mà sống nổi với chỉ cây đàn piano, violon, v.v…? Học Nghệ thuật đương đại thì về Việt Nam thế nào cũng bị nói là 'điên', 'vớ vẩn', 'phản nghệ thuật'.
Cứ phải về nước thì mới là đóng góp?
Những người bạn học Báo chí của tôi thì lo không biết về Việt Nam sẽ phải quen với kiểu 'tự do ngôn luận bịt miệng' như thế nào?
Còn học về tài chính, kế toán, ngân hàng, kinh tế thì vừa ra trường thế nào cũng có công ty ngay tại nước mình học lôi kéo về. Nhiều nhất là học Quản trị kinh doanh, chắc tại ai cũng muốn làm chủ, mà về Việt Nam thì kiểu gì cũng thành chủ doanh nghiệp được, không lớn thì vừa, không vừa thì nhỏ.
Ngoài những chuyện trên, nhiều người không quay trở về còn do môi trường sống. Ở nước ngoài, thư viện, bảo tàng, triển lãm, hòa nhạc, xem phim, nhạc kịch, diễn thuyết giống như ăn và uống vậy, không thể không có. Mọi tiện ích phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân đều được trang bị đầy đủ và gần như hoàn hảo. 'Chất xám' cũng giống như một cái cây, được bón phân, tưới nước rồi nhưng phải có môi trường tốt để phát triển. Chứ nếu chỉ giậm chân một chỗ thì cái cây đó sẽ chết.
'Chất xám' cũng giống như một cái cây, được bón phân, tưới nước rồi nhưng phải có môi trường tốt để phát triển.
Một 'chất xám' chất lượng cao, người từng đoạt giải Nhất Olympics Toán quốc tế, được học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Kinh tế tại đại học danh tiếng Harvard, đã tâm sự với tôi: 'Tại sao cứ nhất thiết phải quay về nước mới gọi là đóng góp xây dựng đất nước? Biết bao người vẫn đang xây dựng đất nước từ nước ngoài đó chứ?'.
Đây là điều không thể phủ nhận, rất nhiều người dựa vào điều kiện sẵn có tại nước ngoài đã cống hiến nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cho Việt Nam. Những người khác thì sau nhiều năm lập nghiệp tại nước ngoài đã quay trở về đầu tư ngược lại trong nước. Họ thậm chí còn đưa gia đình quay về đất nước 'tái định cư'. Phần nhiều giải thích rắng sau khi học xong, họ ở lại để tìm kiếm cơ hội làm việc, thử nghiệm, trải nghiệm ở nước bạn để đợi đến khi ở Việt Nam mở ra những cơ hội lớn với nhiều tiềm năng hơn sẽ quay về đóng góp. Bên cạnh đó, họ muốn con mình, dù có thể đã mang một quốc tịch khác, vẫn được thấm nhuần những nét văn hóa của quê cha đất tổ.
Còn một chuyện khác, theo tôi được biết, nhiều người sống và làm việc tại nước ngoài, dù không muốn nhưng vẫn phải nhập một quốc tịch khác, lý do đơn giản vì ở nhiều nước Châu Âu và Châu Mỹ, Việt Nam bị liệt vào 'black list' (danh sách đen) khiến việc di chuyển, công tác và cả xin việc, thăng tiến gặp rất nhiều khó khăn.
Đất có lành chim mới đậu, bởi vậy nên tất cả những gì 'chất xám' chúng tôi đòi hỏi chỉ là một mảnh đất lành để có thể chảy ngược về nơi mình đã ra đi.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang học ở London.
No comments:
Post a Comment