Bây giờ ta đã có kết quả World Cup 2010—Spain nhất, Hà Lan nhì, Đức ba, Uruguay tư. Nếu bây giờ ta lập lại World Cup này với cả 32 đội từ đầu, trong vòng một tháng, bạn nghĩ là chúng ta sẽ có cùng kết quả: Spain, Hà Lan, Đức, Uruguay?
Không?
Tại sao không?
Thưa, vì kết quả mọi cuộc đấu có yếu tố hên xui may rủi rất lớn. Một đội thắng một trận không chỉ vì tài; may rủi dự một phần khá lớn. Ai xem bóng cũng thấy được điều đó. Nếu thi lại, đương nhiên là may rủi sẽ khác đi, do đó kết quả sẽ khác đi.
Ở đây, bóng đá là một môn thể thao trong môi trường được kiểm soát (controlled environment) rất chặt chẻ. Đủ mọi luật lệ đặt ra—từ luật chọn đội và chọn cầu thủ, đến luật bắt thăm khai bóng, đến rồi luật đấu và bốn trọng tài cùng một lúc, để bảo đảm cho mọi sự càng công bằng càng tốt. Nhưng vẫn không lấy ra được hết bất công bằng của may rủi. May rủi có luật riêng của nó, muốn rải hoa xuống bước chân ai thì rải, muốn giáng búa thiên lôi xuống đầu ai thì giáng.
Đó là nói về bóng đá trong một môi trường được kiểm soát chặt chẻ. Còn về cuộc đời thực bên ngoài sân cỏ, môi trường cuộc đời không được kiểm soát chặt chẻ như bóng đá. Vậy thì bạn biết may rủi đóng một vai trò lớn đến mức nào trong cuộc đời của ta không?
"Hên xui may rủi" hay là "cái không biết" (the unknown) rất lớn trong cuộc đời chúng ta, và qua hàng triệu năm người ta đã cho nó rất nhiều tên, như: số phận, định mệnh, duyên kiếp, nghiệp duyên, nhân quả, ý trời, ý Chúa, ý Thượng đế…
Dù là gì đi nữa thì đặc tính của the unknown là ta không biết được nó, chẳng kiểm soát được nó, chẳng có cách nào để tính toán trước. Chính vì vậy, chúng ta thường có hai vấn đề lớn:
1. Ta thường xuyên quên mất yếu tố "không biết" trong cuộc sống–Ta sống theo kiểu chắc chắn.
Hôm nay có tiền và đã dàn xếp mọi an ninh rồi, ngày mai vì đại nạn nào đó làm ta không còn một đòng xu dính túi, thì ta lại stress kinh khủng. Đã nói là "không biết" được, thì stress làm gì?
Hai anh chị lấy nhau cứ nghĩ là sẽ "sống đời happy forever after", không ngờ đến lúc phải lo ly dị, thế là stress kinh khủng.
Đời là thay đổi, đời là "vô thường" với những điều ta không lường trước được. Thế thì stress làm gì?
2. Ta thường không biết nghệ thuật "sống với cái không biết".
Sống với cái không biết là "sống ở đây lúc này", tập trung tâm trí vào lúc này, không phải vào "cái không biết" của ngày mai. Bất kì khi nào một điều mới xảy ra, thì uyển chuyển điều chỉnh những gì cần thiết cho thích hợp với điều kiện mới.
Lái xe trên đường ta luôn luôn lái "ở đây lúc này". Chẳng ai ngồi bây giờ mà lái xe cho sáng mai cả. Khi nào gặp chàng say rượu nào đó lái ẩu, hay một ổ gà mới, hay một cành cây từ trên trời rơi xuống, thì ta hãy lạng, thắng, cua quẹo lúc đó. Không làm trước được.
Đời là một dòng sông, mỗi chúng ta là một con cá trong dòng sông. Dòng nước đưa ta đến đâu—nước đục, nước trong, nước lặng, nước ghềnh thác—thì uyển chuyển sống với thế nước đó. Tức là ta luôn luôn nhẹ nhàng, uyển chuyển, đi theo dòng đời, có khả năng xoay sở trong mọi tình huống khó khăn.
"Xoay sở" chỉ có nghĩa là tìm đường, tìm đường, tìm đường mỗi khi gặp thử thách. Đừng ngồi đó than thân trách phận. Chỉ có vậy thôi.
Sống uyển chuyển với cái không biết là "sống ở đây lúc này" của thiền gia, sống vô vi của đạo gia, sống vâng theo thánh ý Chúa của Thiên chúa gia.
Đó là nghệ thuật sống của người trong trận đấu, uyển chuyển thay đổi từng 1/100 giây đồng hồ, không thể cứng ngắc theo đường tính trước được.
• Một điều quan trọng chúng ta cần hiểu là: Khi ta biết sống với thử thách mới, tức là ta tự nhiên "biến nghịch cảnh thành thuận cảnh", biến khó khăn thành sức mạnh.
Ví dụ: Gặp thời kinh tế xuống dốc, các tiệm phở đều ế khách và rất nhiều tiệm đóng cửa. Nhưng, nếu có nhiều tiệm đóng cửa thì số tiệm còn ít lại. Nghĩa là, số người đi ăn có ít lại, nhưng số tiệm cạnh tranh cũng giảm xuống. Bây giờ tiệm phở của bạn có ít tiệm cạnh tranh hơn. Dễ quảng cáo hơn, dễ nổi trội hơn, nếu bạn biết cách lợi dụng tình thế để tiếp thị. Ví dụ: "Thời kinh tế thiếu hụt. Ăn 6 bát, tính tiền 5 bát". Slogan này có thể sẽ khuyến khích nhiều người tụ lại thành nhóm 6 người để vào tiệm bạn cùng lúc.
• Cho đến lúc này chúng ta chỉ nói chuyện thuần lý. Còn một điều cuối cùng nữa chi phối cả cuộc đời ta. Đó là luật nhân quả: "Làm tốt sẽ gặp tốt".
Luật này có thể hiểu theo cách duy tâm siêu hình—Chúa, Allah, Trời nắm cán cân đo lường phán xét bạn–hay nghiệp duyên của Phật gia—gieo nhân tốt, sẽ có nghiệp duyên tốt, sinh ra quả tốt.
Hay theo cách duy lý thuần túy—Bạn sống lương thiện thương người thì thường gặp nhiều người thương lại. Mà có nhiều người thương thì cơ hội thành công ở đời càng nhiều.
Quy luật nhân quả này, dù là hiểu bất kì cách nào, vẫn là quy luật sâu thẳm nhất chi phối những cái "không biết" trong đời ta. Vậy thì hãy sống trong sáng, lương thiện, yêu người, rồi để quy luật này làm việc cho bạn trong mọi tình huống khó khăn.
• Và lời nhắn nhủ cá nhân: Nếu bạn có được gì hoặc thắng gì ở đời, đừng kiêu căng vì trong cái được và cái thắng của bạn có rất nhiều yếu tố may mắn mà bạn không biết. Tốt nhất là cám ơn trời đất đã ban hồng phúc cho bạn.
http://dotchuoinon.com/2010/07/11/yếu-tố-khong-biết-trong-thanh-cong/
No comments:
Post a Comment