Wednesday, March 24, 2010

Dạy và Học

Bài này nghe có vẻ như dành cho các bạn làm giáo chức, nhưng thực ra thì tất cả chúng ta ai cũng làm thầy và cũng làm trò. Dù ta là ai, ta cũng phải huấn luyện ai đó—con cái, em út, thuộc cấp, đồng nghiệp—và ta cũng phải học từ ai đó—cấp chỉ huy, huấn luyện viên chuyên môn, sư phụ, sư mẫu. Cả cuộc đời là dạy và học cùng một lúc, dù muốn dù không, dù ta có thấy điều đó hay không.

Học thế nào

Học thì dễ thấy hơn. Ai trong chúng ta cũng đã thấy "càng học càng thấy bể học càng mênh mông và cái biết của mình càng nhỏ", cho nên chúng ta ham sách, ham Internet, ham thảo luận, ham học… Học không chỉ là vì đam mê có thêm kiến thức, mà còn là vì nỗi sướng vui khi khám phá ra điều mới, như người dọ dẫm trong cánh rừng rậm âm u thỉnh thoảng lại vớ được một hòm sắt nhỏ đầy châu báu của đám hải tặc nào đó đã chôn dấu hàng trăm năm trước.

Vấn đề của ta không phải là không ham học, mà là có quá nhiều thứ để học, mà thời gian thì có hạn, làm thế nào để học được nhiều nhất trong khoảng thời gian hạn hẹp của ta. Đây là một số trực nghiệm của mình:

1. Chọn thông tin.

Thông tin tồi, sách nói bậy rất nhiều, phải chọn thông tin mà đọc.

Thông tin trên Internet từ các nguồn rác thì đừng tốn thời giờ đọc. Nguồn rác là: Các nguồn spam thông tin tuyên truyền một chiều, quảng cáo lăng nhăng, các người quen có thói quen forward rác… Delete thì tốt hơn là tốn thời giờ mở mail xem họ nói gì. Dành thời gian cho chuyện khác.

Các thông tin giật gân về y tế, chính trị, xã hội, v.v… thường là thông tin rác. Delete. Nếu là thông tin tốt đương nhiên là bạn sẽ biết sau này.

Sách thì đọc qua các tóm tắt về quyển sách trước khi quyết định nên đọc quyển nào.

2. Tâm tĩnh lặng

Nếu tâm bạn tĩnh lặng, không choi choi, nó sẽ trong sáng, bạn sẽ thấy nhiều điều trong cái bạn đọc, kể cả các điều tác giả không cố tình viết, nhưng bạn vẫn thấy trong đó.

Nếu tâm bạn có nhiều thành kiến (mê Mỹ chê Tàu, mê công giáo chê phật giáo), ghen ghét (tên ca sĩ địch thủ của ta), thù hận (sách phản động versus sách quốc doanh), mê chuộng (tên Mỹ hay Tây), kiêu căng (chỉ các sách dân Harvard đọc)… thì bạn chỉ thấy được 1 hay 2 trong cả chục mặt của một vấn đề.

Đọc một thấy mười là nhờ "đầu óc mở rộng" đến từ "tâm tĩnh lặng".

3. Tìm tinh túy của điều mình đọc

Một quyển sách thường chỉ có một tinh tuý có thể tóm tắt trong một câu. Ví dụ: Quyển The World Is Flat có thể tóm tắt là "Thế giới như một sân bóng bằng phẳng, và các nước đang lên cũng có thể cạnh tranh ngang hàng với các đại gia của thế giới trên sân bóng phẳng đó."

Đôi khi đọc tóm tắt quyển sách, ta thấy được tinh túy quyển sách, và không cần phải đọc quyển sách, hoặc chỉ cần đọc một hai chương đầu là xong. Đa số sách ngày nay có cả mấy trăm trang, nhưng chỉ có một chương đầu là đáng đọc. (Người ta rất phí giấy và phí thời gian).

Đọc cả mấy trăm trang mà không nắm được tinh túy thì cũng vô ích.

Hoặc, quyển sách đầu đề "12 bí quyết thành công", bạn có thể chỉ đọc mục lục xem 12 bí quyết đó là gì cũng đủ. Đa số các chi tiết chẳng có gì mới lạ. Nếu có thời giờ, có thể đọc chi tiết sau, nhưng biết được 12 bí quyết tên gì cũng tạm xong quyển sách lúc bận rộn.

Nếu một quyển sách, một bài viết, mà bạn không thể tóm tắt tinh túy trong một câu nói, thì hoặc là bạn chưa nắm được tinh túy, hoặc là tác giả viết chẳng có gì trong đó.

4. Khi tìm thấy điều gì mình muốn đọc nghiêm chỉnh, thì đọc nghiêm chỉnh, tức là đọc chậm rãi, vừa đọc vừa suy nghĩ. Đọc nghiêm chỉnh thì không thể đọc nhanh được.

Sách là để giúp mình suy nghĩ. Nếu đọc nghiêm chỉnh, tác giả viết một, ta có thể có thêm chín điều suy nghĩ của riêng mình, thành ra đọc một hấp thụ mười.

5. Ngoài thông tin sách vở, thế giới là cả một trường học.

Nếu mở mắt quan sát, như ra đường thì quan sát người ta ngoài đường, bạn có thể biết được dân vùng đó hiền hay dữ, tác phong văn minh đến mức nào, kinh tế đang lên hay xuống, đời sống đang dễ thở hay khó…

Các triết gia và thi nhân khám phá thế giới thường chỉ bằng nhìn trời trăng mây nước chim chóc cỏ cây…

6. Cũng như thế giới, tất cả mọi người đều có thể là thầy nếu bạn chú tâm đến từng câu nói của người đối diện mà không đối thoại một cách hời hợt cho có lệ. Ví dụ: Thái độ của bà bán hàng rong với bạn có thể cho bạn nhiều dấu hiệu về nền kinh tế đang thế nào đối với đời sống dân nghèo.

Dạy thế nào

Dạy ở đây là ý nói ta biết một điều gì đó và muốn chỉ lại cho người khác để họ cũng có được kiến thức và kinh nghiệm như ta.

Dạy trong trường, có kỹ luật của trường và thi cử giúp thầy cô, cho nên ta tạm gác môi trường trường học kỹ luật đó qua một bên, và chỉ nói đến truyền tải kiến thức chung chung cho đời. Bạn biết một điều, làm sao để truyền tải nó đến cho đời?

1. Chỉ lại điều mình thực sự biết là làm cho cuộc đời này giàu có sung túc thêm một tí nhờ kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Ngược lại, không biết mà chỉ người khác, thì có thể làm cho thế giới tăng rác rến.

Cho nên cần định trước là mình đã biết đến đâu.

2. Cách dạy duy nhất là dạy điều mình biết bằng kinh nghiệm.

Đừng đọc sách xong rồi viết lại điều mình đọc trong sách để "dạy" người khác trong khi mình chưa có kinh nghiệm gì về việc đó cả.

Dĩ nhiên là bạn có thể chuyển tải thông tin bạn thích, như đọc một bài viết hay thì forward hay dịch bài đó để chia sẻ với bạn bè. Nhưng đó không phải là dạy. Dạy là chỉ lại điều bạn đã biết.

3. Biết đến đâu thì nói mình biết đến đó. Chỗ nào chưa biết thì nói là chưa biết.

Ví dụ: Môn này tôi đã tập được năm năm và đã có những kinh nghiệm này. Còn các chuyện ABC này thì thấy sách có nói nhưng tôi chưa được trực nghiệm nên không thể kiểm chứng đúng sai.

Không nên cho học trò nghĩ là mình đã thông hết môn đó 100% nếu mình biết là mình chưa đến mức đó. (Có một vị sư ở Việt Nam, xin tạm không nêu tên, thường xuyên nói với khách khứa đạo hữu là tôi có thể xuất thần đến nơi khác vài ngàn dặm trong vòng một tích tắc. Nam mô a di đà phật. Đạo pháp suy đồi!)

4. Dùng ngôn ngữ diễn tả giản dị nhất.

Nếu nói cho một đám đông, thì nói đến mức trình độ tiểu học cũng có thể hiểu được là hay nhất. Người tiến sĩ đứng đó cũng sẽ hiểu, và sẽ hiểu sâu hơn người tiểu học rất nhiều.

Nếu bạn nói mà người tiến sĩ cũng chẳng hiểu là bạn nói gì thì có thể là bạn cũng chẳng hiểu bạn đang nói gì.

5. Nói là việc của bạn, nghe hay không và nghe được đến đâu là việc của người khác.

Khi chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, bạn chỉ có thể nói thôi, bạn không thể làm cho người khác hấp thụ được. Hấp thụ hay không là do trái tim, thái độ, và căn cơ của họ. Có người hấp thụ ít, có người hấp thụ nhiều, có người chẳng thèm nghe một chữ, có người hiểu sai hết ‎ý của bạn vì họ "suy diễn" lời bạn nói theo công thức trong tâm họ…

Nếu người muốn hiểu, hỏi, bạn có thể giải thích thêm, theo trình độ của họ. Nếu người không muốn hiểu, thích cãi nhau với bạn, đừng tranh luận, họ sẽ không hiểu. Nếu người muôn hiểu ngày hôm nay mà không chờ kinh nghiệm, bảo họ chờ kinh nghiệm đến, kiên nhẫn thực tập cho đến khi có được kinh nghiệm…

Mọi chuyện ở đời thường như học võ. Có những chuyển động của thầy rất nhẹ nhàng uyển chuyển và có uy lực kinh hồn, nhưng nhiều học trò thấy rất vô lý‎ vì họ tập theo lời thầy dạy thì thấy lọng cọng, không phù hợp với cơ thể tự nhiên của họ, và hầu như là uy lực không đủ để đập con kiến. Nhưng học trò tập được 3 năm thì bắt đầu thấy tự nhiên, 10 năm thì uy lực kinh khủng mà nhẹ nhàng như vũ điệu, ít người hiểu được.

6. Dạy chính là học

Dạy người khác chính là ôn lại bài của mình. Cho nên thầy luôn luôn dạy và học cùng một lúc.

7. Người thầy thực sự luôn luôn thầm mong học trò sẽ khá hơn mình.

8. Người thầy đã "giác ngộ" sẽ hiểu được thầy của mình sâu đến mức nào.

9. Người thầy thực sự biết rằng thực ra chẳng ai là thầy của ai cả. Mỗi người tự là thầy của mình. Mọi người khác chỉ giúp tí tí ‎ý kiến trên đường đi mà thôi.

Chúc các bạn một ngày vui.

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

No comments:

Post a Comment