Nguyễn Văn Tuấn
Tuần qua, Tuổi trẻ đưa tin về một giáo sư ở Hà Nội được bầu là một trong những “bộ óc vĩ đại” của thế kỉ 20 và tiểu sử của ông được đưa vào một cuốn từ điển danh nhân thế giới. Trước đó một tuần, báo Giáo dục và Thời đại đưa tin một giáo sư cũng ở Hà Nội được tăng danh hiệu “nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ 20” và tên tuổi ông cũng được đưa vào quyển từ điển danh nhân thế giới. Trong vòng vài năm trở lại đây, có nhiều nhà khoa học hoặc được kết nạp vào New York Academy of Science (Viện hàn lâm khoa học New York), hoặc đề cử có tên trong các từ điển danh nhân loại “Who is Who”. Cố nhiên các nhà khoa học này có ít nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học, nhưng việc họ có tên trong các từ điển danh nhân hay được phong tặng những danh hiệu to lớn như thế có thực sự là một vinh dự, hay phản ánh tầm cỡ vĩ đại của nhà khoa học, hay là nạn nhân của những chiêu thức tiếp thị tinh vi của các công ti chuyên kinh doanh tiểu sử? Đây là một vấn đề cần xem lại cẩn thận. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số thông tin liên quan để bạn đọc lượng xét.
Sản phẩm quan trọng số 1 của một nhà khoa học là những bài báo khoa học được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế (thường là tập san chuyên môn), hay những bằng phát minh được công nhận cấp bản quyền (patent). Những bài báo hay bằng phát minh là một “chứng chỉ” về cống hiến tri thức và ý tưởng cho thế giới của nhà khoa học. Có công thì có thưởng: với những đóng góp tri thức, nhà khoa học có cơ hội thăng chức trong guồng máy khoa bảng, hay được đồng nghiệp trên thế giới biết đến và ghi nhận đóng góp.
Tùy theo tầm quan trọng của những góp vào khoa học, hình thức ghi nhận có thể là nhà khoa học được mời giảng dạy và giữ các chức vụ trọng yếu trong một hiệp hội chuyên môn, hay được trao một giải thưởng cao quí nào đó. Nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu vừa qua được trao giải Cray và được mời đi giảng nhiều nơi trên thế giới vì một đóng góp quan trọng của anh trong toán học. Với một cống hiến xuất sắc có giá trị lâu dài, nhà khoa học có thể được đồng nghiệp đề cử nhận giải Nobel, hay được tiến cử vào các tổ chức khoa học cấp cao như viện hàn lâm khoa học. Nhà vật lí lừng danh Albert Einstein và nhà sinh học James Watson (người phát hiện DNA) vừa là những người từng được giải Nobel, vừa là những thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì (The National Academy of Sciences of The USA).
Phân biệt thật và giả: tên gọi
Nhưng cần phải phân biệt những viện hàn lâm khoa học thật và những cơ sở kinh doanh núp dưới danh hiệu “viện hàn lâm khoa học”.
Nói một cách nôm na và tượng hình, viện hàn lâm khoa học “thật” là một văn bằng tốt nghiệp đại học cho một nước, và là một biểu tượng cho một nền khoa học đã trưởng thành. Ở các nước có nền kinh tế và khoa học phát triển cao như Mĩ, Anh Quốc, Pháp, Úc, Thụy Điển, Nga (và Liên Xô cũ), Trung Quốc, v.v... đều có một viện hàn lâm khoa học. Ở Nga, Viện hàn lâm khoa học (Russian Academy of Science) được thành lập từ năm 1724 là một trong những trung tâm khoa học danh tiếng thế giới, với nhiều thành viên từng được giải Nobel. Ở Trung Quốc, Viện hàn lâm khoa học (Chinese Academy of Science) hoạt động từ năm 1949 cũng là một cái “nôi” khoa học và có uy tín trên trường quốc tế.
Ở Mĩ, sau cả trăm năm lập quốc và đạt được nhiều thành tựu giáo dục đáng kể, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kì được thành lập vào năm 1863; ở Úc, mãi đến năm 1954 Viện Hàn lâm Khoa học Úc (Australian Academy of Science) mới ra đời sau khi Úc đã có hai nhà khoa học chiếm giải Nobel về y khoa. Hội Hoàng gia (The Royal Society) của Anh Quốc, hay Hoàng gia Hàn lâm viện (Royal Academy of Sciences, cơ quan có chức năng tuyển chọn người lãnh giải Nobel hàng năm) của Thụy Điển cũng được hình thành vào thế kỉ 19 khi mà nền khoa học của họ đã ở vào giai đoạn “trưởng thành.” Đây là những viện lâu đời và có uy tín rất cao trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, không giống như các viện hàn lâm khoa học Nga và Trung Quốc (nơi mà viện hàn lâm là một trung tâm nghiên cứu có nhiều trung tâm nghiên cứu khác nhau), ở các nước Tây phương như Mĩ, viện hàn lâm không phải là một viện nghiên cứu, cũng không phải là tập hợp các viện nghiên cứu, mà là một đoàn thể hay tổ chức bất vụ lợi có chức năng chính là: (i) cố vấn cho chính phủ các chính sách liên quan tới khoa học và kĩ thuật; và (ii) giáo dục và cổ động quần chúng về khoa học và vai trò của khoa học trong xã hội. Do đó, các viện hàn lâm này thực chất là những hiệp hội độc lập với chính phủ, không nhận kinh phí từ chính phủ, và chính phủ không dính dáng vào việc điều hành. Các nhà khoa học tự điều hành và kinh phí thường do đóng góp từ tư nhân và của chính các nhà khoa học.
Ngoài các viện hàn lâm quốc gia lâu đời đó, ở các nước Tây phương còn có rất nhiều tổ chức, hội đoàn với danh hiệu “Academy”, như Academy of Learned Socities for the Social Scienes, American Academy of Political and Social Science, Academy of Medicine, Engineering and Science of Texas, National Academy of Engineering, v.v… Đây không phải là viện hàn lâm khoa học, mà là những hội đoàn chuyên môn. Thay vì lấy tên là Society hay Association, các nhóm này lấy tên là Academy. (Cần phải nói thêm rằng danh từ Academy và Institute trong tiếng Anh cũng có thể dùng để chỉ một trung tâm huấn luyện cảnh sát (như Police Academy), cơ sở dạy nhảy đầm, cơ sở dạy võ, tiệm cắt tóc & uốn tóc, v.v…).
Bên cạnh những viện hàn lâm quốc gia và các hội đoàn chuyên môn, ở Mĩ còn có rất nhiều nhóm thương mại chuyên môn kinh doanh tên họ hay tiểu sử của các nhà khoa học dưới những cái tên rất khoa học như “Academy” (Viện hàn lâm) hay “Institute” (Viện nghiên cứu). Các nhóm lâu đời và nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh này phải kể đến New York Academy of Science và Institute of Biography (viện tiểu sử). Trong thực tế, báo chí Mĩ cho biết nhiều “tổ chức” này chẳng có văn phòng gì đồ sộ cả, phần lớn làm việc trong một văn phòng với vài ba nhân viên, thậm chí trong nhà chứa xe (garage)! Đó là chưa kể hàng chục công ti chuyên sản xuất hàng trăm từ điển tiểu sử cho từng bộ môn khoa học khác nhau.
Những viện hàn lâm giả hiệu này tất nhiên là chẳng được giới khoa học công nhận hay để ý đến, bởi vì họ không hoạt động cho khoa học mà chỉ là những công ti thương mại thuần túy. Hàng năm, họ xuất bản hàng trăm cuốn từ “điển danh nhân” như “Who is Who in Engineering”, “Who is Who in Science”, “Who is Who in Medicine”, “Who’s Who in Execxutives and Professionals”, “Who’s Who in California” v.v… Công ti sống nhờ vào tiền niên liễm của những người có tên trong từ điển. Còn các “viện hàn lâm” như New York Academy of Science thì sống nhờ vào tiền đóng góp của thành viên (những người có tên trong đó dưới danh hiệu “member” – hội viên) và dùng tiền của hội viên để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Phân biệt thật và giả: hoạt động
Qui trình tuyển chọn thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì cũng giống như cách chọn nhà khoa học để trao giải Nobel. Mỗi năm hội đồng tuyển chọn gửi thư đến hàng ngàn nhà khoa học khắp nước Mĩ và yêu cầu họ đề cử người xứng đáng. Những ngưỡi được gửi giấy mời đề cử thường là hội viên của Hàn lâm viện hoàng gia (Royal Academy of Sciences), các nhà khoa học đã từng được tặng giải Nobel, các giáo sư trong các đại học Mĩ. Sau khi đã có một danh sách các nhà khoa học, hội đồng họp lại và tuyển chọn người để kết nạp vào viện hàn lâm. Thành viên cũng có thể là người nước ngoài. Trong số khoảng 1900 thành viên, có khoảng 300 là người mang quốc tịch và làm việc ở nước ngoài. Chưa có một người Việt Nam nào là thành viên của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Hoa Kì. Và theo tôi biết cũng chưa có một người Việt Nam nào là thành viên của các Viện hàn lâm khoa học Úc, Anh hay Thụy Điển.
Không giống như cách làm việc nghiêm chỉnh trên, các công ti kinh doanh tiểu sử dựa vào một nguyên lí kinh doanh đơn giản là tận dụng tâm lí “phải có danh gì với núi sông” (tạm mượn lời của cụ Nguyễn Công Trứ) của nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ hay mới bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, để kinh doanh. Nhà khoa học nào cũng có một chút chủ quan rằng công trình của mình là quan trọng, và tên tuổi mình đáng lưu danh với đời. Cho nên, trước những dạm hỏi và chào đón nồng nhiệt của các công ti này, nhất là xuất hiện dưới danh hiệu “viện hàn lâm”, nhà khoa học khó mà vượt qua những cám dỗ ngọt ngào này.
Cách thức kinh doanh kinh doanh của họ rất đơn giản. Hàng năm, họ tra cứu các tập san khoa học quốc tế, tìm tên tác giả của các bài báo khoa học, rồi rà soát lại xem có phải đây là những tác giả mới xuất hiện, hay là những tác giả đã “có tên tuổi”. Tùy vào vai vế của tác giả, họ gửi cho từng tác giả một lá thư đại ý cho biết tác giả đã được một hội đồng khoa học bình bầu là nhà khoa học xuất sắc trong năm, là nhà khoa học lỗi lạc của thế kỉ, là bộ óc vĩ đại của thế giới, là có cống hiến quan trọng cho khoa học, v.v… Nói tóm lại họ dùng toàn những danh xưng rất ấn tượng để làm cho tác giả thích thú và tưởng mình là một nhà khoa học vĩ đại hay công trình của mình có tầm vóc thế kỉ. Chẳng những gửi thư, có công ti còn gửi cả một bằng chứng nhận mẫu với tên của tác giả được in trên giấy bóng màu mè cực kì đẹp mắt và rất hấp dẫn. Họ không quên kèm theo một mẫu đặt hàng với các ô vuông để tác giả ghi vào đó số thẻ tín dụng (credit card). Giá cả thường khoảng 200 USD đến 500 USD, tùy theo danh hiệu và từ điển được bọc bìa da hay bìa giấy cứng. Khi đã trả tiền qua thẻ tín dụng, tác giả chờ khoảng 6 tháng (để họ in từ điển) để có những “chứng từ” ấn tượng đó. Nhưng giá trị của nó chỉ 1 năm mà thôi. Nếu năm tới tác giả muốn có tên mình trong từ điển nữa hay muốn duy trì thành viên của “viện hàn lâm” thì phải đóng thêm tiền. Bất cứ một sinh viên nào trên thế giới đều có thể trở thành “viện sĩ” một năm nếu họ chịu trả tiền.
“Viện sĩ” có phải là một danh dự?
Đối với phần đông quần chúng, cụm từ “viện hàn lâm” đồng nghĩa với nơi tập trung của những bộ óc siêu việt, những con người thông thái nhất của một quốc gia. Nhưng trong thực tế ở các nước có nền khoa học tiến bộ cao như Mĩ thì điều này chỉ đúng một phần, vì như nói trên, viện hàn lâm chỉ là một đoàn thể, là một cơ quan đại diện [có thể là cao nhất] cho các nhà khoa học.
Vì là đoàn thể, nên có người thích tham gia và có người không thích tham gia. Trong số khoảng 350 nhà khoa học và xã hội Mĩ đoạt giải Nobel, chỉ có 170 người là thành viên của Viện này. Đã có nhiều người cho rằng Viện hàn lâm chỉ là một câu lạc bộ kín ("close club") của các vị có tuổi, nơi mà chỉ có các nhà khoa học quen biết với nhau qua giao thiệp xã giao, hơn là một cơ quan đại diện chân chính cho các nhà khoa học. Thành ra, nhiều nhà khoa học lớn, những người tự coi họ là làm khoa học loại "thứ thiệt" (hard-core scientists), những người không thích hư danh hay ồn ào trên các hệ thống truyền thông, thì không thích có mặt trong Viện này. Nhà vật lí học danh tiếng Richard Feynman – cũng như nhiều nhà khoa học lừng danh khác – không phải là thành viên của một viện hàn lâm nào cả.
Danh xưng “Viện sĩ” (Academician) có lẽ xuất phát từ truyền thống khoa bảng ở các nước Đông Âu cũ, nơi mà viện sĩ là những nhà khoa học xuất sắc được tuyển chọn bình bầu một cách nghiêm chỉnh. Cả nước Trung Quốc chỉ có 14 viện sĩ trong ngành khoa học máy tính. Tuy nhiên, truyền thống dùng danh xưng viện sĩ trước tên tuy vẫn còn tồn tại, nhưng số người dùng thì không bao nhiêu, nếu không muốn nói là rất hiếm. Ngược lại, ở các nước Tây phương như Mĩ, Anh và Pháp chẳng hạn, không một thành viên nào của viện hàn lâm khoa học dùng danh xưng “Academician” trước tên mình. Một số có dùng thì chỉ dùng sau học vị của họ (như John Smith, PhD, FAAS –viết tắt của chữ Fellow of the Australian Academy of Science), và chỉ dùng trong các công văn, chứ không bao giờ trên báo chí kiểu “Academician John Shine” cả. Điều này cũng đơn giản, bởi vì danh xưng “viện sĩ” không phải là một chức danh khoa học, cũng chẳng phải là một đẳng cấp khoa bảng.
Trong cộng đồng nghiên cứu khoa học, các viện hàn lâm dỏm như New York Academy of Science hay Institute of Biography không có một uy tín gì cả. Để nhấn mạnh, xin lặp lại cho rõ: không có một uy tín gì cả. Do đó, thành viên của Viện hàn lâm khoa học New York không phải là một danh dự, càng không phải là một chứng nhận về sự thành đạt trong hoạt động khoa học. Thành viên của các “viện” này chẳng ai dám dùng chữ “viện sĩ” trước tên mình. Thực ra, ngược lại là đằng khác: các nhà khoa học nào liệt kê trong lí lịch mình là thành viên các nhóm này thường được đánh giá là ngây thơ trong trường khoa học.
Thế nhưng tiếc thay, rất nhiều nhà khoa học Việt Nam trong những năm gần đây hồ hởi tham gia vào các công ti kinh doanh này, và tự hào gắn thêm danh hiệu “viện sĩ” trước học vị và tên mình! Có vị còn in trên danh thiếp danh hiệu “Academician”! Đối với giới khoa học “thứ thiệt” ở phương Tây, cái danh hiệu đó không chỉ là một chuyện tiếu lâm, mà còn nói cho họ biết tác giả của nó chỉ là một người còn quá ấu trĩ trong trường khoa học.
Tránh thêm ngộ nhận và tốn tiền!
Các công ti kinh doanh tiểu sử và viện hàn lâm dỏm đã khá thành công trong thị trường các nước Tây phương một thời gian, đến khi giới khoa học biết được chân tướng thật của họ. Hiện nay, các nước Tây phương không còn là thị trường kinh doanh của họ nữa, cho nên họ phải tìm một thị trường mới. Đối với họ, các nước Đông Âu, Á châu và Phi châu là thị trường béo bở, bởi vì giới làm khoa học ở đây thiếu thông tin. Thiếu thông tin dễ dẫn đến ngộ nhận và tốn kém.
Thử tưởng tượng một người làm khoa học ở Việt Nam có vài bài báo công bố trên một tập san khoa học của Mĩ, một ngày đẹp trời nào đó nhận được thư từ một ông viện trưởng viện hàn lâm trịnh trọng báo cho hay là mình đã được kết nạp vào viện hàn lâm. Cái giây phút đó ắt phải là một thời điểm mãn nguyện lắm chứ, bởi vì công trình mình phấn đấu bao năm nay đã được ghi nhận! Còn 300 USD để được kết nạp vào viện và có tên trong từ điển danh nhân? Ôi, có là bao. Tiếng quan trọng hơn tiền! Ngày xưa các vị tiến sĩ có tên trên bia đá ở Quốc tử giám, thì ngày nay ta có tên trong đại từ điển danh nhân. Đó là một tâm lí cực kì thuận tiện cho các công ti thương mại Mĩ.
Source: Thoi bao Kinh Te Saigon
No comments:
Post a Comment