- Thưa giáo sư, mới đây Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm của TP HCM phát hiện có 9 trên 87 mẫu sữa dương tính với chất melamine. Trong đó, mức độ nhiễm cao nhất là 6.000 ppb, thấp nhất là 7 ppb. Liệu đây có là mức nguy hiểm?
- Nếu sữa sản xuất ở Việt Nam có nồng độ cao nhất là 6.000 ppb tương đương với 6 mg trên 1 kg (tính theo đơn vị 1 ppm tương đương 1 mg/kg) thì nồng độ chưa phải là cao hay vượt ngưỡng an toàn, tức là cũng chưa đến nỗi báo động. Do đó, lượng melamine trong sữa phát hiện ở TP HCM vừa qua là rất thấp và cho phép.
Theo Cục thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) thì liều lượng an toàn của melamine cho người lớn là 0,63 mg/kg/ngày, và cho trẻ em là 0,32 mg/kg một ngày. Lưu ý đơn vị "kg” ở đây tính cho trọng lượng cơ thể. Theo tiêu chuẩn này, nếu lượng melamine trong sữa là 10 mg/kg (hay 10 ppm), một em bé phải uống trên 3 lạng sữa mới vượt ngưỡng an toàn cho phép.
|
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ngành Y khoa Nội tiết học, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia. |
- Vậy theo giáo sư, mức độ nào sẽ gây nguy hiểm tới con người?
- Không có dữ liệu cụ thể ở con người để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung Quốc thì sữa của công ty Tam Lộc sản xuất hàm chứa melamine đến 2.565 mg trên 1 kg. Phần lớn các em bé bị sạn thận là do uống sữa này. Vì thế, có thể xem mức trên 2.565 mg/kg là ngưỡng gây độc.
"Nếu sữa sản xuất ở Việt Nam có nồng độ cao nhất là 6.000 ppb tương đương với 6 mg trên 1 kg (tính theo đơn vị 1 ppm tương đương 1 mg/kg) thì nồng độ chưa phải là cao hay vượt ngưỡng an toàn, tức là cũng chưa đến nỗi báo động... |
Tuy nhiên, theo nguyên lý phòng ngừa, melamine không nên có trong sữa, nhất là sữa cho trẻ em.
- Tại sao pha trộn melamine vào sữa làm tăng lượng protein?
- Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để xác định lượng protein trong thực phẩm là phương pháp Kjeldahl và Dumas. Cả hai phương pháp này đo lượng nitrogen trong thực phẩm, và nhân lượng nitrogen này với một hệ số 1/0,16 để ước tính hàm lượng protein. Bởi vì 66% melamine là nitrogen nên giới sản xuất sữa cố tình pha chế melamine vào sữa. Kết quả khi kiểm nghiệm sẽ cho thấy hàm lượng protein trong sữa gia tăng. Đó là một cách lường gạt có khoa học và là một cách kinh doanh bất chính.
- Theo giáo sư, nên có những biện pháp nào để phòng tránh những loại 'thực phẩm độc' như melamine?
- Có rất nhiều chế tài, tiêu chuẩn được đặt ra để ngăn chặn những nhà sản xuất thực phẩm vô lương tâm. Tuy nhiên luật pháp và pháp chế chỉ là bề ngoài, còn đạo đức là bên trong. Chúng ta cần phải có quy ước đạo đức kinh doanh cho ngành này. Ngành y có quy ước về y đức mà giới y sĩ phải tuyên thệ và tuân theo. Tôi nghĩ ngành chế biến thực phẩm cũng cần phải có quy ước về đạo đức.
Dù với nồng độ melamine trong sữa tươi ở mức 6.000 ppb chưa đến nỗi báo động nhưng chúng ta phải nhớ đến nguyên lý phòng ngừa. Theo nguyên lý này, cho dù chúng ta chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học, và nếu có tín hiệu cho thấy một thành tố có hại thì cũng đủ để Nhà nước phải can thiệp. Đối chiếu với vụ melamine tôi nghĩ giới chức y tế cũng cần can thiệp vì sức khỏe cộng đồng.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Melamine là một chất hữu cơ, màu trắng pha lê, và khó hòa tan trong nước. Tên khoa học của melamine là 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine. Trong cấu trúc hóa học của melamine, nitrogen chiếm 66%. Vì giàu nitrogen, nên melamine được sử dụng làm chất dập lửa.
|
http://www.baodatviet.vn/Home/Melamine-trong-sua-VN-chua-nguy-hai/20089/15981.datviet
No comments:
Post a Comment