Tuesday, July 14, 2009

Đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về “Tam nông” sớm trở thành hiện thực

Nguyễn Lân Dũng - 09/01/2009

Hội nghị Trung ương 7 Khóa X Đảng CSVN đã thông qua một bản Nghị quyết quan trọng về Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân. Bản Nghị quyết này đã phân tích sâu sắc hiện trạng và đề ra những mục tiêu  và giải pháp cho việc phát triển "tam nông" trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết TƯ7 đã nêu lên khá cụ thể mục tiêu đến năm 2020, thời điểm dự kiến nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại:

"- Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thuỷ sản đạt 3,5 - 4%/năm; sử dựng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay.

- Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%.

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa 2 vụ, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản; xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đảm bảo cơ bản điều kiện học tập chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn tiến gần tới mức các đô thị trung bình.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu phòng chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng; tạo điều kiện sống an toàn cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị bão, lũ, thiên tai; chủ động triển khai một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn."

Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể đạt tới được các mục tiêu quan trọng này chỉ trong vòng 12 năm tới?

Nông dân hiện chiếm tới trên 73% dân số và đang làm chủ tới 75 triệu thửa ruộng nhỏ bé, manh mún. Muốn đưa họ vào công nghiệp, dịch vụ, muốn đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì phải thay đổi hình thức sản xuất. 

Khoán 10 là thành tựu của một giai đoạn và giai đoạn đó đã qua rồi. Động lực của đổi mới năng suất cây trồng hiện nay không còn ở ý chí làm chủ của người nông dân nữa mà phải là dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, mà cụ thể là Công nghệ sinh học (CNSH) ở giai đoạn hiện đại (khác với CNSH truyền thống và CNSH cận đại) 

Chúng ta có đầy đủ những nguyên liệu quý giá như mía, sắn, ngô, khoai… để phục vụ cho CNSH. Thậm chí những nguồn chất xơ (cellulose) như rơm rạ, lau sậy, mùn cưa, thực vật hải dương… trong tương lai cũng có thể được đường hóa nhờ vi sinh vật và dùng để tạo ra cồn sinh học, nhất là khi trữ lượng than đá, dầu mỏ, khí đốt đã cạn kiệt. 

Tôi đã đi thăm nhiều nước và thấy rằng cùng với cơ giới hoá, họ đã thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp bằng công nghệ cao. Các nông sản phẩm làm ra không chỉ thoả mãn nhu cầu về lương thực, thực phẩm với sản lượng, chất lượng cao mà nhiều loại giàu đường và tinh bột đã trở thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm mới của CNSH, phục vụ cho công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dầu khí, công nghiệp môi trường…

Hiện tại, ngay đến sắn mốc, Trung Quốc cũng sẵn sàng mua với giá cao bởi họ không dùng để ăn, mà để chế biến thành vài trăm loại Tinh bột biến tính, trong đó có cồn khô, lớp thấm hút trong tã trẻ em… Hay như việc nhiều Công ty nước ngoài đã xây dựng một những nhà máy sản xuất acid amin vào loại lớn nhất thế giới ngay tại Việt Nam. Nhưng nếu không thay đổi kỹ thuật trồng sắn như hiện nay (không bón phân, không tưới nước) thì liệu độ phì nhiêu của đất còn giữ được bao lâu? Nếu không giải quyết triệt để khâu xử lý môi trường khi chế biến sắn thì các dòng sông sẽ còn sống sót được đến bao lâu? Hơn nữa nếu chúng ta hoàn toàn đủ khả năng xây dựng được những nhà máy CNSH có trình độ cao như vậy thì nông sản phẩm của ta sẽ đem lại biết bao lợi nhuận lớn lao mà không rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài? 

Đứng trước một cánh đồng cà chua ở Mỹ, tôi đã rất lạ lẫm bởi không trông thấy một bóng người nào, cũng không thấy cả đất, vì họ dùng ny-lon phủ kín mặt đất để giữ nước. Hệ thống tưới tiêu được đầu tư rất lớn nhằm tiết kiệm nước tối đa, thông qua những chiếc ống nhựa, nước được nhỏ từng giọt vào từng gốc cà chua. Cây mọc lên đến đâu, họ phủ ny-lon (loại ni-lon lọc ánh sáng, chỉ để lại các bức xạ có lợi cho cây) đến đấy nên không có sâu bọ, nấm bệnh. Trong khi ở  Việt Nam, chúng ta vẫn tát nước ào ào để rồi lại bay hơi hết và  vẫn là cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau…

Chúng ta xuất khẩu gạo có thuận lợi là không bao giờ ế, nhưng hãy tính toán kỹ lại xem trên diện tích đó, sau khi đã bảo đảm an toàn lương thực liệu có thể làm ra cái gì thu được nhiều tiền hơn và cụ thể là người làm ra thóc gạo có lãi lớn hơn? Nên nhớ, bình quân lương thực trên đầu người ở nước ta mới chỉ có hơn 465 kg/năm, trong khi ở nhiều nước con số này là trên 1.000 kg/năm, nhưng họ vẫn không xuất khẩu lương thực mà dùng để chăn nuôi hoặc để dùng làm nguyên liệu cho CNSH với các sản phẩm có giá trị cao hơn hàng trăm lần, thậm chí hàng nghìn lần so với gạo (!).

Sản phẩm CNSH có thể có giá trị cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với thóc gạo

 Vì sao chúng ta phải thường xuyên nhập khẩu với số lượng lớn ngô hạt, khô dầu đậu tương, dầu ăn, bột cá. Phải chăng do chúng ta sản xuất với năng suất thấp hơn và với giá thành cao hơn. Thay vì đầu tư nhập khẩu sao ta không đầu tư để đổi mới công nghệ trồng ngô, trồng và chế biến đậu tương, chế biến bột cá? Vì sao trong khi 23 nước  trên thế giới đã trồng trên diện tích rất lớn ngô và đậu tương chuyển gen (GMC) với năng suất rất cao mà chúng ta thì vẫn còn đang…tranh cãi (!)

Ngô chuyển gen kháng sâu bệnh so với đối chứng

 Chúng ta có rất nhiều ưu thế về nông sản phẩm nhiệt đới nhưng chưa phát huy được. Hàng của mình vẫn bị trả lại vì không sạch. Tiền thu được từ xuất khẩu gạo người nông dân không được hưởng bao nhiêu? Hoa quả ngon lành chưa tìm được lợi thế trên đường xâm nhập vào thị trường thế giới… Tôi cho rằng, cần phải suy nghĩ để có một cuộc cách mạng, biến nông nghiệp nước ta ngoài việc thỏa mãn nhu cầu lương thực trong nước, còn phải là một nơi chuyên sản xuất nông sản phẩm nhiệt đới quý hiếm, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững và nhất là các sản phẩm CNSH có giá trị rất cao.

Một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là chúng ta đang nhẫn tâm bê-tông hoá đất có cấu tượng. Theo tôi, người làm quản lý trước hết phải hiểu được đất có cấu tượng là gì và không được xâm phạm đến nó. Đất xét về lý tính có 3 loại, một loại là các hạt rất to gọi là cát; một loạt hạt rất nhỏ gọi là sét; loại đất trồng rau, trồng lúa có các hạt vừa phải, nhờ đó có thể giữ nước, thức ăn, không khí, gọi là đất có cấu tượng. Để có các hạt đất này, cần sự hoạt động liên tục của vi sinh vật qua hàng nghìn năm mới tạo ra được chất mùn liên kết các hạt đất với nhau, dự trữ và giải phóng thức ăn cho cây trồng; liên kết với phân khoáng để không dễ dàng bị rửa trôi xuống các lớp đất sâu.

Ven Quốc lộ, Tỉnh lộ, thay vì những cánh đồng lúa xanh tốt hiện đã mọc  san sát các Khu công nghiệp, các Khu chế xuất. Điều này có nghĩa là chúng ta đã không chuẩn bị trước cho các nhà đầu tư về nơi đến mà toàn để họ tự đi chọn. Toàn nhằm vào những  "bờ xôi ruộng mật", "nhất đẳng điền" để bê-tông hoá chúng. Thật là có tội với các thế hệ con cháu mai sau.

Điều này khác hẳn với ở Trung Quốc. Tại Khu tự trị Nội Mông Cổ, một vùng đất rộng mênh mông, chất đất không tốt, khí hậu bất lợi, tôi chứng kiến họ đã xây dựng nên những khu công nghiệp sầm uất với các nhà máy lớn về gang thép, sản xuất đất hiếm …Họ đã làm nhiều đường cao tốc nối liền với các tỉnh khác. Họ khẳng định với chúng tôi: Muốn làm giàu trước hết hãy làm đường! Ngay tại Quảng Đông , Quảng Tây gần ta , họ cũng đang san phạt các ngọn đồi khô cằn để tạo dựng nên các Khu công nghiệp, Khu chế xuất rộng lớn. 

Trong khi chúng ta có vô vàn các vùng đất đá ong hóa, đất bạc màu ở trung du Bắc Bộ, ở miền Trung, tại sao không đầu tư làm đường, làm cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư đến đó? Đất có cấu tượng nuôi sống dân ta lâu dài cùng sự phát triển của dân số nên tôi phản đối cách nghĩ đơn giản rằng, một hecta làm công nghiệp thì lợi hơn rất nhiều so với để  trồng cây nông nghiệp.

Hình ảnh Việt Nam là hình ảnh của một đòn gánh với 2 thúng lúa. Tôi cho rằng đòn gánh - miền Trung - một vùng đất rất khô cằn hoàn toàn có thể xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, còn 2 thúng lúa là Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất thiết không nên tùy tiện đụng vào quá mức. Tôi nghe nói ở Trung Quốc muốn thay đổi mục tiêu sử dụng 5 mẫu TQ đất nông nghiệp (tương đương với 1/3 ha) phải có lệnh của Quốc vụ viện (Chính phủ Trung ương)!

Việc dùng đất nông nghiệp để xây dựng rất nhiều sân golf cho một thiểu số người có nhiều tiền dùng cho mục đích giải trí cũng thật đáng báo động. Nếu bình quân mỗi tỉnh có 3-4 sân golf thì cả nước sẽ mất đi 30 000 ha đất nông nghiệp. Đấy là chưa kể đến việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ cỏ sẽ dẫn đến ô nhiễm không ít các mạch nước ngầm.

 

Chủ trương dồn điền , đổi thửa là bước đầu của quá trình tập trung đất canh tác, giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, tăng thêm diện tích cánh tác và nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ dồn điền ,đổi thửa mà diện tích canh tác ở tỉnh Hưng Yên đã từ 89 000 ha tăng lên đến 92 309 ha. Tuy nhiên tại 9 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ mới chỉ có 2 tỉnh hoàn thành bước đầu công việc này. Gọi là bước đầu vì ngay ở tỉnh đã hoàn thành như Bắc Ninh thì trung bình mỗi hộ vẫn còn trung bình tới…7 thửa ruộng (!). Khó khăn rất đáng kể là chi phí cho việc đo đạc, cấp sổ đỏ cho dân còn quá tốn kém- trung bình khoảng 4-11 triệu đồng/ha. Nhiều địa phương đã phải bán một số diện tích đất công ích để có thể hoàn thành công việc này (!). Số lao động nông thôn dôi dư ra phải được học nghề để chuyển sang làm công nghiệp ,dịch vụ hay xuất khẩu lao động. Không thể để thanh niên nông thôn tự phát ồ ạt lao ra thành thị tìm kiếm rất khó khăn việc làm và lại rất dễ dàng sa vào các cạm bẫy khi đang nghèo túng và mất phương hướng.

Không có lý gì năm nào chúng ta cũng bị tàn phá bởi bọ rầy, nấm đạo ôn, bị vàng lùn, vàng xoắn lá, rồi cúm gia cầm, lợn tai xanh, trâu bò lở mồm long móng, tôm nhiễm virut… Tôi không tin là trên thế giới thiếu các giống lúa  kháng bọ rầy, kháng nấm đạo ôn, không có đủ các loại văcxin hữu hiệu phòng tránh các bệnh nói trên cho gia súc, gia cầm và các phương thức bảo vệ thủy sản. Vậy có phải do chúng ta đầu tư quá dàn trải cho nên các Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp chưa được đầu tư đủ tầm để có thể giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ quan trọng nói trên?

 Theo tôi cần thu gọn lại các đầu mối nghiên cứu khoa học, đầu tư đủ tầm như kinh nghiệm của Hàn Quốc, sau đó Nhà nước sẽ thường xuyên giao nhiệm vụ, yêu cầu phải giải quyết các vấn đề bức xúc nhất, thời sự nhất một cách nhanh chóng, và có  hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần có tầm nhìn xa để xây dựng một nền khoa học hiện đại ,đủ sức làm ra các sản phẩm mới với chất lượng cao và có giá trị cạnh tranh xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngay bây giờ, chúng ta phải có một cuộc cách mạng thực sự từ tư duy đến hành động trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt, cần có sự cân nhắc sáng suốt đối với từng chủ trương lớn và phải có các biện pháp quyết liệt của những người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương


No comments:

Post a Comment