Saturday, March 14, 2009

NGUYỄN THẾ AN - "kẻ tà đạo" trong Âm Nhạc









NGUYỄN THẾ AN - "kẻ tà đạo" trong Âm Nhạc


Nghệ sĩ guitar Nguyễn Thế An


Thuận Nhĩ

Sau khi nghe qua một buổi diễn, với tốc độ trình tấu "nhanh chóng mặt", lối dùng cả mười ngón tay hoặc "cào cấu trên thân đàn" hoặc rải ồn ào trên cả 6 dây, tạo nên những âm thanh "chói tai, ngược ngạo", "nghe rất khó chịu" khác hẳn những phong thái biểu diễn guitar quen thuộc, rất nghiêm cung, rất "đạo". nhiều người đã gọi Nguyễn Thế An là "kẻ tà đạo" trong âm nhạc.

Tôi có được may mắn tham dự một guitar recital của Nguyễn Thế An vào tháng 3-1999 tại thính đường Von Kuster, thuộc Trường Ðại học Western Ontario (UWO), Canada. Buổi biểu diễn mở đầu bằng phần hòa tấu classical guitar của Nguyễn Thế An cùng với dàn nhạc Western Chamber Orchestra tác phẩm Concerto (in Re) op.99 của Mario Castelnouvo-Tedesco dưới sự điều khiển của nhạc trưởng J. Summer. Tiếp theo đó, Nguyễn Thế An đã trình tấu danh tác Asturias của Isaac Albeniz và một số tác phẩm hiện đại của Alan Heard. Bài Asturias đã được tấu với một tốc độ khá nhanh, tạo một phong thái khác lạ so với nhiều nghệ sĩ khác đã trình tấu bài này. Ðặc biệt, sau đó, Nguyễn Thế An đã đem đến cho khán giả bài Remembering Prague, tác phẩm hiện đại nổi tiếng của đại danh cầm Stepan Rak - một khuôn mặt lớn trên thế giới hiện nay về classical guitar solo. Nhạc sĩ Stepan Rak, người Tiệp, được biết đến bởi kỹ thuật độc tấu hết sức sáng tạo của ông - người được gọi là một thiên tài lớn nhất của guitar sau Andre Segovia kể từ thời F. Sor, F. Tarrega cho đến nay. S. Rak đã mở ra một trường phái guitar hiện đại độc đáo của riêng ông. Nhạc sĩ Graham Wade, năm 1989, đã hết lời ca ngợi và coi ông là "người đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về khả năng kỳ diệu của cây đàn guitar, người đã mở rộng hơn nữa chân trời của nhạc cụ này". Qua tác phẩm Remembering Prague đầy tính thơ, nội dung diễn tả hồi tưởng của Rak về thành phố cổ kính Prague, Thế An đã phô bày năng lực diễn cảm sâu lắng của mình. Cuối chương trình, anh đã mang đến một bất ngờ cho khán giả bằng tác phẩm khác của Rak: Hora. Chính ở bài này, Thế An đã khẳng định khả năng trình tấu những tác phẩm bậc thầy. Bản nhạc chỉ có độ dài chưa đầy 2 phút nhưng chứa đựng những kỹ thuật độc tấu mới và khó khăn nhất mà không phải bất kỳ nghệ sĩ độc tấu guitar cổ điển nào trên thế giới cũng có thể trình tấu được; bao gồm phần trình tấu bằng tay trái và tiếp theo là phần trình tấu với kỹ thuật rasqeado 5 ngón đặc thù của S. Rak (còn được gọi là Orchestra Style - kỹ thuật độc tấu như một dàn nhạc lớn), và tốc độ trình tấu có lúc lên nhanh đến 18 notes/sec trong một số phân đoạn.

Trong một recital khác, ngày 24-09-1999 cũng tại thính đường Von Kuster Music, Nguyễn Thế An lại dẫn thính giả vào một hành trình mê hồn khác của nghệ thuật guitar độc tấu, qua những tác phẩm bất hủ quen thuộc của Mozart (Theme & Variations), J. S. Bach (Chacone) và những âm thanh guitar độc tấu hiện đại qua các tác phẩm mới của Alan Torok (Summer Sonata) và N. Koskin (The Fall of Birds). Nếu như trong recital tháng 3 nêu trên, Thế An đã đưa tiếng đàn guitar solo của mình hòa vào những âm thanh tráng lệ của dàn nhạc Western Chamber Orchestra một cách chững chạc điêu luyện, thì ở recital tối 24-09 mọi người lại có dịp nghe tiếng đàn của An hòa hợp một cách thơ mộng, lãng mạn cùng tiếng flute củaBarbara Ackernam trong nhạc phẩm Summer Sonata Op.45, gồm 4 phân đoạn: phần vào đầu Moderato, phần Allegro (tựa đề Idle Game, Childish Sorrow), phần Improvizando trong cung đô trưởng (Summer breeze) và kết thúc bằng phần Allegro (Idylls End) của nhạc sĩ Alan Torok.

Ðầu năm 2000, Nguyễn Thế An đã chính thức ra mắt thính giả tại Toronto, Canada, trong một concert hết sức thành công tại thính đường Glendale Church. Hơn 300 thính giả, Tây phương lẫn Việt Nam đã được thưởng thức một chương trình gồm những bài độc tấu sáng tác hoặc phổ soạn cho guitar của anh. Buổi tối hôm đó, sau lời giới thiệu chân thành của nhạc sĩ Alan Torok, Nguyễn Thế An đã biểu diễn một chương trình hết sức hào hứng, lưu lại trong lòng khán giả nỗi bất ngờ và niềm cảm phục sâu đậm.

o0o

Nguyễn Thế An là sinh viên gốc Việt đầu tiên học về biểu diễn đàn guitar hệ chuyên nghiệp và đã tốt nghiệp với điểm hạng cao nhất trong toàn bộ các bộ môn tại Trường Ðại Học Western Ontario, Canada. Niềm đam mê âm nhạc cộng với thiên tư đặc biệt và sức luyện tập không mệt mỏi đã mang lại cho An kết quả xứng đáng trong việc học. Danh cầm Alan Torok, trưởng Bộ môn guitar tại Trường Ðại Học Western Ontario đã dành cho Thế An những lời khen ngợi mà ông chưa từng dành cho sinh viên nào trong suốt hơn 22 năm giảng dạy âm nhạc của mình tại khắp các trường chuyên nghiệp về âm nhạc tại Bắc Mỹ.
Khác với piano thường được coi là một loại nhạc cụ trưởng giả ở Việt Nam, bởi chỉ những nhà giàu mới có tiền mua đàn và cho con em theo học loại nhạc cụ này; đàn guitar là một loại nhạc cụ phổ biến nhất. Từ thành thị đến thôn quê, có lẽ không thanh niên nào - nếu đã yêu thích âm nhạc - là không có một lần trong đời đi mua một cây đàn guitar và tự mầy mò học hỏi cách chơi. Thế nhưng tuyệt đại đa số những kẻ tài tử đó chỉ dừng lại ở những giai điệu giản dị, những kỹ thuật thông thường để làm vui cho chính mình và ít người chung quanh trong những lúc trà dư tửu hậu. Ít ai đi được đến những trình độ cao hơn. Trong tất cả những cách chơi guitar, classical guitar là thể loại hóc búa nhất và cao cấp nhất. Thành ra, khi chú bé Nguyễn Thế An, cũng như mọi chú bé khác ở Hải Phòng, Việt Nam, được bố mua cho một cây đàn guitar để nghịch, ít ai sẽ ngờ được một ngày Thế An đã ngồi biểu diễn guitar ở Canada giữa những thính giả mộ điệu, chuyên nghiệp. Ðó là một chặng đường cầu học đáng nhắc đến.

Ðược sự khuyến khích của thân phụ, Nguyễn Thế An đã đến với âm nhạc rất sớm. An bắt đầu học guitar với nhạc sĩ Trọng Lung ở Hải Phòng từ năm 5 tuổi. Sau đó, Thế An theo học danh cầm Tạ Tấn và Nguyễn Như Dũng và là học sinh guitar ở Nhạc viện Hà Nội hệ 16 năm. Từ những năm niên thiếu đó, dù còn đang ngồi ghế nhà trường Thế An đã nhiều lần chứng tỏ thiên tư âm nhạc của mình qua những cuộc biểu diễn trên hệ thống truyền thanh, truyền hình Việt Nam trong suốt những năm 1979-1989. Ước muốn học hỏi để có thể bay cao hơn nữa trên khung trời nghệ thuật đã đẩy Thế An rời khỏi Việt Nam. Trong những người bỏ quê hương ra đi tìm một chốn nương thân mới, có lẽ Nguyễn Thế An là một thuyền nhân khá độc đáo. Ðiểm độc đáo ở chỗ là An đã xuống tầu ra đi với hành trang duy nhất mang theo mình là cây đàn guitar. (Cây đàn đó giờ tuy đã bị nứt bởi trải qua quá nhiều sương gió nhưng An vẫn giữ gìn bên mình như một kỷ niệm đặc biệt). Trong 2 năm ở trại Shatin, Hong Kong, anh vừa dạy nhạc cho các thuyền nhân khác, vừa tự luyện guitar và đến nhà thờ tập piano. Cuối năm 1991 Thế An được định cư ở Canada. Vừa học xong trung học ở Toronto, anh lập tức ghi danh theo học 4 năm ngành biểu diễn guitar cổ điển tại Trường Ðại học Western Ontario, Canada, từ năm 1996 và đã tốt nghiệp với kết quả xuất sắc vào cuối năm 1999.

Nhìn lại chặng đường dài từ khi học guitar ở Hải Phòng, Việt Nam, cho đến nay ở Canada, Nguyễn Thế An chân thành nhận xét rằng thực sự những năm học ở Ðại học Western Ontario đã chắp cánh cho thiên tư của anh. Bởi vì chính ở đây, Thế An mới có cơ hội được học, được tiếp xúc với những bậc thầy của âm nhạc thế giới. Ðó là những điều kiện mà, theo An, ở trong nước không thể có được. Bởi vì âm nhạc, cũng như khoa học kỹ thuật vào cuối thế kỷ 20 này, đã tiến những bước dài trong kỹ thuật cũng như trong phương cách sáng tạo. Nếu không được ở trong một môi trường, một điều kiện chuyên biệt nhất định thì khó có thể lĩnh hội nhanh và hiệu quả được. Khi được hỏi về những dự tính tương lai và đặc biệt là những cảm nghĩ đối với âm nhạc Việt Nam, Thế An đã trả lời ngay, như thể câu trả lời ở trong suy nghĩ tự bao giờ: "Nhạc Việt Nam rất hay, An luôn luôn muốn mang tài năng của mình ra để cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, để đưa nhạc Việt Nam đến tai người nghe trên thế giới. Người Việt có nghệ sĩ tính rất cao, ngôn ngữ Việt tự bản đã có đầy âm điệu. Tuy nhiên cần phải được mài dũa bằng những kỹ thuật phối âm và cấu trúc âm nhạc mới. Chính vì muốn học hỏi những tinh túy đó của âm nhạc thế giới mà An đã bỏ nước ra đi và theo học guitar cho đến nay. An muốn theo đuổi việc học guitar đến cùng, muốn được trao đổi, học hỏi những kỹ thuật mới với các bạn bè, các danh thủ guitar trên quốc tế để rồi sau đó, khi đã thực sự chín muồi trong học tập An sẽ quay về với âm nhạc Việt Nam, sẽ trang điểm cho âm nhạc Việt Nam những vẻ đẹp mới của nghệ thuật âm nhạc hiện đại. Và có như thế, theo An, nhạc Việt Nam mới chắp cánh bay cao, xa hơn trên bầu trời nghệ thuật âm nhạc quốc tế."

Quả là An muốn theo đuổi việc học guitar đến cùng! Sau khi rời trường đại học. trong 2 năm 2000-2001 Nguyễn Thế An đã sang Prague, Tiệp Khắc, để theo học trực tiếp danh cầm Stepan Rak. May mắn của anh là sau khi được lời giới thiệu của GS Alan Torok và nghe qua tiếng đàn của Thế An trực tiếp biểu diễn những tác phẩm của mình, danh cầm Stepan Rak đã không do dự nhận anh làm môn đệ. Ông đã đích thân viết thư tay chính thức gởi đến Hội Ðồng Nghệ Thuật Ontario để thỉnh cầu cho An được sang Prague thụ giáo ông. Và, mặc dù, không nhận được chi phí bảo trợ của chính phủ Canada, Thế An vẫn quyết đến Prague học bằng khả năng tài chính ít ỏi của chính mình. Cảm mến một tài năng, chính Rak đã đứng ra lo nơi ăn chốn ở cho Thế An tại Prague và dạy miễn phí cho anh.

Danh cầm Stepan Rak đã để lại một dấu ấn đậm nét trong tiếng đàn của Thế An, cả về kỹ thuật biểu diễn lẫn nghệ thuật phối âm, đặc biệt là nghệ thuật khai triển hợp âm (improvise). Kỹ thuật độc tấu truyền thống (traditional) đặc biệt chỉ chú trọng đến sự khai triển các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út (p,i,m,a) của bàn tay phải mà không chú ý gì đến việc khai thác ngón út. Như vậy, theo Rak, so với nghệ sĩ độc tấu piano, nghệ sĩ độc tấu guitar đã không tận dụng được hết năng lực biểu diễn của hai bàn tay. Tin rằng khắc phục được các điểm yếu này sẽ đưa nghệ thuật độc tấu guitar đến những khả năng biểu hiện cao hơn, Rak đã táo bạo phát triển những kỹ thuật mới bao gồm việc phát triển ngón út, đặt ra những nguyên tắc phát triển các cơ trên bàn tay phải, để tạo lực cân bằng khi đánh xuống (down stroke) hoặc đánh ngược lên (up stroke), qua đó người nghệ sĩ có thể tremolo bằng cả 5 ngón và đánh arpegios bằng cả ngón út. Ông đã thành công, bước hẳn sang một lối đi riêng, xây dựng một trường phái guitar của riêng mình. Ông đã viết sách, đi lưu diễn, giảng dạy khắp nơi trên thế giới và thu nhận rất nhiều môn đệ, trong số có Nguyễn Thế An.

Ðiều thú vị, đáng nói đến ở Nguyễn Thế An là, bằng cách quan sát, nghe và tự học, anh đã tự mình khai triển các kỹ thuật của Rak và đã trình tấu thành công các sáng tác của Rak trước khi trở thành học trò chính thức của ông. Chính điều này đã gây không ít ngạc nhiên và thich thú nơi Rak khi ông gặp Thế An tại Toronto.

Kỹ thuật biểu diễn của Nguyễn Thế An thể hiện hết sức sáng tạo, linh hoạt trên cả hai tay, đồng thời anh còn tận dụng các phần khác nhau của thân đàn, thùng đàn và cần đàn để tạo nên những âm thanh, tiết tấu phong phú. Không như các kỹ thuật truyền thống vốn chỉ dùng tay trái vào các thế bấm khác nhau để tạo hợp âm; đối với kỹ năng của Nguyễn Thế An, cả hai tay đã đóng vai trò bằng nhau trong việc thể hiện âm thanh, và tất cả mười ngón tay đều đã góp phần sáng tạo tối đa. Thành ra, trong suối nhạc tuôn trào khi êm ái, ngưng đọng, khi ào ào như thác đổ ấy, An đã tạo ra từ đôi tay mình khi thì dăm tiếng chuông ngân, khi cả 6 dây đàn cùng hòa quyện vào nhau, khi chỉ có tiếng thùng đàn được bàn tay phải vỗ nhè nhẹ làm vang lên âm hưởng của những âm giai cấu thành từ bàn tay trái; Và, thỉnh thoảng, còn dội lên những tiếng như của bộ gõ (percussive voices) như tiếng bongos, rim shots. từ các kỹ thuật đập (slapping), vỗ (tapping) trên thân đàn. Tất cả, tất cả tạo thành một tổng thể quyến rũ, tưởng như không thể nào có thể tỏa ra được từ một cây đàn tây ban cầm duy nhất.

Tuy nhiên, khai phá nào cũng phải trả cái giá của nó. Lối đánh đàn của Rak, cùng những phương pháp hòa âm, vận dụng ky thuật ngón mới lạ của ông đã gặp phải không ít những phản ứng không thiện cảm từ những người nghệ sĩ guitar chuyên nghiệp và tầng lớp thính giả vốn đã quen với những ước lệ, bài bản của nhạc cổ điển truyền thống. Nguyễn Thế An cũng không tránh khỏi những phản ứng này. Ngay trong những lần xuất hiện đầu tiên, anh đã gặp không ít những chỉ trích, có khi là những đóng góp ôn tồn, nhưng cũng có những phản ứng gay gắt nơi thính giả. Lẫn trong những người hâm mộ, nhiều bạn cũ, thầy cũ của Thế An (từ trường nhạc ở Hà Nội thời niên thiếu) và một số thính giả khác đã nhìn Nguyễn Thế An đánh đàn như một "kẻ nổi loạn, tà đạo". Có người phê bình nhạc của An kỹ thuật quá cao khiến không những khó nghe mà còn khó chơi đối với những người tài tử. Thậm chí, có người đã vội nghi ngờ về quá trình trường lớp, đào luyện của anh.

o0o

Trong các năm 2001-2002, với những bản nhạc phổ soạn cho đàn guitar (Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Black Otheo, Green Sleeves) ngoài những buổi ở Bắc Mỹ, xuống phía nam (California), hay sang Âu Châu, Nguyễn Thế An đã về quê mẹ Việt Nam công diễn. Anh đã trình tấu tại nhiều nơi ở Hà Nội, Sài Gòn; tên tuổi của anh đã được nhắc đến trên các trang báo lớn của Việt Nam. Ðặc biệt, tháng 6-2002 vừa qua, Nguyễn Thế An đã vinh dự được mời làm giám khảo danh dự trong Hội thi tây ban cầm toàn quốc lần đầu tiên của Việt Nam.

Bên cạnh những bản nhạc phổ cho tây ban cầm, Nguyễn Thế An đã hình thành một số sáng tác đặc sắc. Ðáng kể nhất là hai bài viết cho guitar độc tấu mang tên Thánh Gióng và Ngẫu hứng Tây Nguyên.
Bài Thánh Gióng có nội dung ca ngợi Phù Ðổng Thiên Vương, từ một cậu bé vươn mình lớn dậy đánh đuổi giặc Ân trong cổ sử Việt. Bài dài 18 phút, gồm 5 chương: Chương 1: Andante mang tên "Tuổi Thơ "; viết trên cung A minor, diễn tả cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam, thời gian chú bé làng Gióng chào đời; sử dụng tiếng harmony để mở đầu. Chương 2: Allergo, mang tên "Họa chiến tranh"; viết trên cung B minor, biến tấu phát triển từ chủ đề của chương 1, đánh rải xuống và ngược lên bằng ngón cái (up and down stroke by right thumb), diễn tả tin giặc Ân đến, đe dọa, bất an, xáo trộn. Chương 3: Larghetto, mang tên "Vươn mình lớn dậy"; viết trên cung C #; tiếp tục biến tấu, khai triển chủ đề trong chương 2; sư dụng kỹ thuật hòa thanh làm chủ đạo (using chord for main theme); diễn tả chú bé nghe tin giặc Ân đến liền vươn mình lớn dậy thành một thanh niên cường tráng. Chương 4: Presto, mang tên "Chiến tranh và Thắng lợi"; đoạn đầu sử dụng hòa thanh kịch tính (dissonant), được phát triển từ theme 2 trong chương 1, đoạn sau viết trên cung D minor, phát triển từ theme 1 trong chương 1. Tốc độ diễn tấu rất nhanh, diễn tả lúc Tháng Gióng đánh thắng giặc Ân trở về. Chương 5: Largo, mang tên "Về trời"; viết trên cung E minor, biến tấu từ theme 1,2 ở chương 1; sư dung kỹ thuật tremolo 5 ngón (up and down five finger tremolo on the right hand); diễn tả lúc chú bé làng Gióng cưỡi ngựa phi thẳng về trời, làng Gióng lập bàn thờ tạ ơn, phong Thánh.

Bài Ngẫu hứng Tây Nguyên được Thế An viết theo lối Theme & Variations, sư dụng ngũ cung Việt Nam (Vietnamese 5 tones scale) và âm hưởng Tây Nguyên làm nền. Diễn tả cảnh đẹp (đoạn 1) và cuộc sống thanh bình của người Tây Nguyên (đoạn 2). Hòa âm theo lối đuổi bè (counterpoint), phức điệu (polyphony). Sư dụng các kỹ thuật đánh khác nhau như: kỹ thuật bịt dây đàn, đánh tiếng câm (pizz), tremolo trên dây trầm và dây cao.

Ở hai sáng tác này, Nguyễn Thế An đã cố ý sư dụng đến những kỹ năng rất cao trong kỹ thuật biểu diễn. Ðăc biệt là bài Thánh Gióng, lối hòa âm dissonant, làm cho các âm thanh nghe có vẻ ngược, chói tai, không hòa hợp, đã khiến trở nên khó nghe đối với nhiều thính giả. Tuy vậy, chúng đã là hai sáng tác thành công cả về kỹ thuật biểu hiện (performance technique) đến khả năng phổ soạn (composing), khả năng biến tấu và khai triển hợp âm (improvision) của Nguyễn Thế An.

Ðối với rất nhiều người khác, Nguyễn Thế An không phải là một "kẻ tà đạo". An đã không chỉ chơi đàn, An sống với cây đàn của mình, rong chơi mạo hiểm với cây đàn của mình. An dám buông bỏ những nguyên tắc quen thuộc, những kỹ thuật chân phương truyền thống để tìm tòi những thể hiện mới lạ hơn. Nhiều đêm vắng lặng, An không làm gì, chỉ vỗ, đập khi mạnh, khi nhẹ trên khắp thân đàn, để nghe ngóng xem những âm thanh dội ra sẽ khác nhau như thế nào. Có khi An bấu, véo từng sợi dây đàn để tìm những âm vực khác thường. An nghĩ rằng, cuộc sống vốn là một nguồn âm nhạc phong phú. Âm nhạc không chỉ bao gồm 7 nốt nhạc, âm nhạc còn bao gồm vô vàn những tiếng động khác nhau từ dòng sống. Những melody của dòng đời không phải lúc nào cũng trôi chảy êm đềm, uốn lượn trong những nguyên tắc hòa âm, nép mình trong những cấu trúc âm nhạc sẵn có. Vốn không thích cái gì kỷ luật, khuôn phép, Nguyễn Thế An muốn cùng cây đàn đi đến mọi ngõ ngách của đời, từ nơi náo nhiệt ồn ào đến những hành lang sâu thẳm nhất, vắng lặng nhất.

Tuổi trẻ Việt Nam đang có mặt tại hầu hết các lãnh vực trí tuệ trên toàn cầu. Những tên tuổi Việt Nam với nhưng thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học tại các xứ sở tạm dung đang làm tăng thêm niềm tự hào Việt Nam. Trong vườn hoa muôn màu muôn vẻ của tuổi trẻ Việt tài năng đó, Nguyễn Thế An là một đóa hoa đáng trân trọng, đáng khích lệ. Xin gửi đến anh những lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Cầu chúc Nguyễn Thế An sớm đi đến đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc hiện đại, sớm thu thập những tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc thế giới để làm đẹp cho âm nhạc Việt Nam, như ước vọng của chính anh; và dĩ nhiên, cũng là của bao người Việt khác, trong và ngoài nước.

7-2002

2 comments: