Tuesday, August 17, 2010

Các Phố Cũ Không Còn Tên Ở Hà Nội

--- Siêu Hải ---

Qua bao biến động từ thời vua Lê chúa Trịnh qua Tây Sơn triều Nguyễn đến ách bảo hộ của thực dân Pháp, đường phố cũ ở Thăng Long - Hà Nội cũng nhiều đổi thay. Xin kể vài đường phố, nhất là các phố nằm trong chợ Đông Thành xưa (Chợ Đông Thành là chợ lớn nhất kinh thành Thăng Long gồm các trục đường phố dọc: Hàng Gà, Hàng Cót, Bát Sứ, Hàng Đồng, Thuốc Bắc và các trục đường ngang: Hàng Phèn, Hàng Bút, Hàng Vải, Lò Rèn theo bản đồ Hà Nội ngày nay. Tại khu Hà Nội 36 phố phường, có hai phố cũ mang tên Hàng Bừa, Hàng Cuốc vì chuyên sản xuất bán ra các công cụ đó. Ngoài ra còn bán cả dao, kéo... Từ khi Pháp sang lập thành phố Hà Nội (1888), các bễ lò này phải lùi về thôn quê. Pháp đổi tên chung cho hai phố này là phố Lò Rèn như hiện giờ.


Phố Thuốc Bắc ngày nay bên dãy nhà số chẵn trước gồm năm phố có tên riêng. Tính từ hướng bắc xuống, trước tiên là phố Hàng Khóa. Từ thời Lê, khóa kiểu cổ làm bằng đồng của ta vẫn bày bán ở đây. Pháp sang tung ra thị trường khóa kiểu mới để cạnh tranh. Dân phố chuyển sang buôn bán sắt. Đoạn phố thứ hai vào cuối thế kỷ 19 có tên là Hàng áo cũ. Theo các cụ già sống vào thời đó thì qua hai lần Pháp hạ thành Hà Nội (1873-1882), lính Pháp, giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, bọn lưu manh trộm cắp... đã xông vào nhiều gia đình tản cư vắng chủ lấy đồ đạc quần áo mang đến đây tiêu thụ. Đồng thời bọn nhà binh Pháp cũng thải ra nhiều quần áo, chăn màn, vải bọc đệm cũ. Nhiều đến nỗi thành hai mặt hàng quần áo cũ và vải mảnh, mụn chiếm hai mặt đoạn đường mang tên dân gian là phố Hàng áo cũ và phố Hàng Mụn. Thêm vải ngoại mới nhập như vải cát bá, vải thâm. Nhưng chỉ ít năm sau, quần áo và vải cũng cạn dần. Nhiều nhà buôn phải đóng cửa, bán lại cửa hàng cho một vài hiệu thuốc bắc hoặc chuyển kinh doanh thứ khác. Vải ngoại nhập do giá cao nên cũng khó bán. Trong lúc đó, một đoạn phố Hàng Vải hiện nay, vải nội địa khổ nhỏ dệt tay vẫn bán được. Người mua đến đây mua vải xong sang phố bên cạnh là phố Vỏ Già chọn mua về để nhuộm. Đầu thế kỷ 20, một tư bản Pháp có xưởng dệt ở Bắc Qua (chợ Bắc Qua liền chợ Đồng Xuân cũ), sau khi đã cạnh tranh mua lại được xưởng dệt Tín Xương của một nữ chủ nhân Việt Nam, nắm được độc quyền bán vải trong thành phố. Vải nội địa khổ nhỏ, cũng như vỏ già phải lùi dần về các chợ quê. Từ đó, hai đoạn phố Hàng Vải chuyên buôn bán vải khổ rộng của tư bản Pháp.

Cuối đường phố Thuốc Bắc hiện nay giáp đầu phố Hàng Phèn và Bát Đàn, trước là phố Hàng Bút. Pháp sang bỏ học Nho, mặt hàng bút lông bị thu hẹp. Những nhà sản xuất bút lông bỏ nghề, làm cầm chừng hoặc chuyển sang sản xuất bút sơn, bút vẽ đang có nhu cầu. Họ tập trung về phố Hàng Bút hiện nay, bán lại nhà cửa cho nhiều hiệu thuốc bắc thịnh hành dưới triều Nguyễn.

Có phố Thuốc Bắc thì không thể không có phố Thuốc Nam. Vì thuốc bắc chỉ có vua quan và các gia đình giàu có mới đủ tiền dùng. Còn hầu hết dân ta thuở ấy vẫn quen dùng thuốc nam. Phố Thuốc Nam còn có tên là phố Nồi Đất thuốc nam, là đoạn cuối phố Hàng Gà hiện nay, từ nhà số 80 giáp Hàng Điếu đến nhà số 60 giáp phố Nhà Hỏa. Sở dĩ ngày nay ít người biết đến, vì nó đã hai lần mang tên khác. Lần thứ nhất mang tên Broni do thực dân Pháp đặt. Broni là tên một viên sĩ quan Pháp chết trận ở ngoài Cửa Đông thành cổ Hà Nội. Lần thứ hai mang tên là phố Tiên Tsin cũng do Pháp đặt để kỷ niệm ngày Pháp buộc triều đình Mãn Thanh phải ký Quy ước Thiên Tân (Tiên Tsin) công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. Quy ước này được ký vào giữa năm 1884.

Phố Hàng Phèn thời nhà Lê nằm trong khu chợ Đông Thành, ngôi chợ to nhất của đế đô Thăng Long. Pháp sang đuổi chợ Đông Thành, lập chợ mới là chợ Đồng Xuân ngày nay. Phố Hàng Phèn được gắn biển đề là: Phố Chợ Cũ. Còn dân ta tới đầu thế kỷ 20, còn gọi là phố Chợ Lớn - Hàng Phèn.

Một phố nữa nay không còn tên là phố Gai Võng. Phố này trước chung một đường với phố Bát Đàn, nên có tên chung là phố Bát Đàn Gai Võng. Từ ngã tư Hàng Thiếc đến ngã tư Hàng Điếu ngày nay, dãy nhà bên số lẻ là Hàng Bát Đàn. Bên số chẵn là Gai Võng, chuyên bán võng, guốc võng, dây thừng, bít tất sợi dệt có tách ngón chân cái để tiện cho nữ giới xỏ quai dép.

Dân ta thường nuôi mèo để bắt chuột. Khi mua đều kén mèo tốt "sạch nhà" tức săn đuổi cả gián và nhện, mối. Những người mang mèo ở ngoại thành và bờ bắc sông Hồng vào thường tập trung đến một nơi nhất định để bán. Sau thành phố Hàng Mãn, nay là đoạn phố Hàng Giầy kéo dài từ đầu phố Nguyễn Siêu đến phố Hàng Buồm.

Từ thời Lê, khu Kẻ Chợ 36 phố phường tập trung ở quanh trục đường phố chính Hàng Giầy - Hàng Đào. Duy có phố Hàng Kèn tách riêng ở phía nam Hồ Gươm. Phố này thuộc thôn Hồi Mỹ gần đoạn đường dốc có một cây thị cổ thụ, nên thành tên Dốc Hàng Kèn cây thị, nay là đoạn phố Trần Quốc Toản, từđường Bà Triệu đến trường phổ thông Quang Trung, thời thuộc Pháp gọi là trường Hàng Kèn. Phố này có một phường kèn trống bát âm chuyên phục vụ các đám rước thần và đám ma. Còn đòn và người khiêng đòn đám ma thì ở phố Hàng Đàn, nay vào đoạn đầu phố Lê Thái Tổ gồm địa điểm Công an quận Hoàn Kiếm và mấy nhà liền đó. (Lúc này phố Hàng Trống chưa nối liền với đầu phố Lê Thái Tổ, còn nhiều bãi trống). Cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân cướp đất đuổi các xóm thôn ở phía nam kinh thành để lập mấy phố mới: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... nên những người cho thuê đòn đám ma, rồi phường bát âm đều dọn lên Hàng Lược để tiện cho các gia đình có đám đến thuê. Cũng do việc Pháp đuổi làng nên nơi đó thu hút nhiều người đến san đất làm đường. Nhu cầu về quà bánh, thức ăn chín tăng nhanh. Một số gia đình xoay ra làm giò, chả, bánh giò... nên thành tên phố Hàng Giò, nay là đoạn đầu đường Bà Triệu từ ngã tư Tràng Thi đến ngã tư phố Hai Bà Trưng.

Ngược theo bờ Hồ Gươm, thẳng góc với phố Hàng Trống là phố Hàng Tranh, nay là Bảo Khánh. Giữa thế kỷ 19 ở đây có học sĩ Trương Muối chuyên vẽ truyền thần cho những sĩ phu giàu có. Ông còn vẽ nhiều bức tranh thủy mặc nghệ thuật. Vào dịp Tết Nguyên đán, những người bán tranh Đông Hồ cũng tập trung ở đây. Pháp sang, cắm đất xây ngôi biệt thự cho giám đốc bưu chính Đông Dương ở, nay là trụ sở báo Nhân Dân. Chúng đuổi hẳn một bên dãy phố để xây tường bao. Không còn tranh bày bán nên phố này không còn tên truyền thống nữa. Theo tập quán Kẻ Chợ, người ta lại phải dùng tên phường sở tại là Bảo Khánh để gọi thay.

Tại Kẻ Chợ, từ xưa có một phố Hàng Đồng. Mặt hàng này ngày một phát triển, kéo dài thêm một phố nữa. Để phân biệt nên có tên là Hàng Đồng trên và Hàng Đồng dưới. Phố trên chuyên buôn đồng nát, hàng và nồi, xanh... thủng, lẫn với một vài xưởng đúc đồng. Phố dưới chuyên bán đồ mới: đỉnh, lư, ống hương, nồi xanh, ấm đun, mâm chậu, lồng ấp chống rét... Đến ngày phiên, người buôn các làng Ngũ Xã, Cầu Nôm gánh đồ mới đến bán, hoặc đổi lấy đồng nát, nhưng bên kia phải trả tiền công.

Nguon: Nhan Dan

No comments:

Post a Comment